• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Bệnh Hiệp hỏi Tâm Đăng :

- Chắc mi đã từng nghe nói, hồ Tuấn Mã là một cái hồ có nhiều cảnh đẹp?

Nói rồi ho lên sù sụ, tiếp :

- Nhưng mà... giữa khung cảnh nên thơ đó, có cư ngụ một gia đình thật là kỳ quặc.

Bệnh Hiệp nói đến đây lại nở một nụ cười khó tả, Tâm Đăng nóng nảy lắm hỏi :

- Bệnh sư phụ, hãy kể nốt câu chuyện đi, gia đình ấy thế nào?

Bệnh Hiệp lẳng lặng không trả lời, đưa bàn tay run rẩy lên, mở nút áo của mình chỉ vào giữa ngực nói :

- Đây... mi xem!

Tâm Đăng nhìn vào giữa ngực bỗng giật mình nhảy nhổm vì dưới vú bên phải của Bệnh Hiệp có một vết thương bề dài chừng bốn tấc.

Vết thương nay đã lành, dấu còn mới rành rành màu đỏ thẫm. Tâm Đăng hỏi :

- Sao sư phụ lại bị thương như vậy?

Bệnh Hiệp cài nút lại thong thả nói :

- Con đừng sợ, vết thương này chả sao, vì ta không giữ lời hứa nên phải thọ nạn.

Tâm Đăng run rẩy hỏi :

- Sư phụ bản lĩnh cao cường sao lại thọ thương? Hèn chi gương mặt sư phụ có vẻ đau đớn lắm.

Bệnh Hiệp thở dài nói :

- Rất may là lưỡi gươm ấy chẳng kết liễu đời ta! Ta còn có thể sống thêm một thời gian nữa! Nhưng mà... ta sẽ suy yếu thêm nhiều.

Tâm Đăng đau lòng lắm, nắm chặt lấy tay của Bệnh Hiệp hỏi :

- Ai? Ai đã đả thương sư phụ?

Bệnh Hiệp thẫn thờ nhìn Tâm Đăng :

- Mi hỏi làm chi, chẳng lẽ mi muốn báo thù cho ta? Ha ha.

Bệnh Hiệp cười lên nho nhỏ, lại nói tiếp :

- Thật là buồn cười! Chắc có lẽ mi nghĩ đến việc báo thù nhưng ta chẳng bao giờ cho mi làm việc đó. Vợ ta chết đã lâu mà vẫn không nghĩ đến việc báo thù. Thật là lạ, nhưng ta đây lăn lộn trên giang hồ mấy mươi năm, kẻ thù nhiều vô số kể nhưng ta chẳng bao giờ trả thù.

Vả lại phen này thọ thương là do ta, nếu ta chẳng thọ thương thì có thể sống thêm hai năm nữa nhưng bây giờ thì chỉ sống thêm một năm nữa thôi.

Tâm Đăng nghe nói, khóc nức nở, quỳ xuống cạnh giường ôm lấy đùi của Bệnh Hiệp.

Nhưng Bệnh Hiệp lại mỉm cười, chứng tỏ rằng tâm tư của ông ta bình tĩnh lắm, ông ta nói nho nhỏ :

- Tiểu hòa thượng, cớ sao mi còn quan tâm đến vấn đề sống và chết? Ta không bao giờ muốn chết vì ta còn một việc chưa hoàn thành. Mặc dù bây giờ ta quen với mi, có thể nhờ mi làm giùm, nhưng mà... e rằng ta không thể sống đến ngày để trông thấy mi thành công viên mãn.

Tiếng nói của Bệnh Hiệp thật là yếu ớt, thật là bi thảm, dường như lời trăn trối của một người sắp chết.

Tâm Đăng nước mắt như mưa, rên rỉ nói :

- Bệnh sư phụ! Bệnh sư phụ không bao giờ chết!

Bệnh Hiệp cười nói :

- Mi đừng cười nói ồn ào làm kinh động đến đồng đạo!

Bệnh Hiệp lại nói :

- Bây giờ ta trở về hang thẳm, phần mi cứ cách một ngày là phải vào đó để gặp ta.

Tâm Đăng trả lời :

- Tôi mỗi ngày đều đến.

Câu nói chưa dứt thì Bệnh Hiệp đã trợn mắt khoát tay :

- Ta bảo mi cách một ngày đến một lần, mi phải nghe lời ta.

- Vâng.

Thế rồi Bệnh Hiệp loạng choạng bước ra ngoài, Tâm Đăng muốn đỡ ông ta đưa về động nhưng ông ta không thích.

Hình bóng của ông ta khấp khểnh lần mò trong đêm tối, từng cơn ho sù sụ vang lên trong gió đêm lồng lộng.

Tâm Đăng đau lòng lắm, chàng nghe thấy mình thương xót Bệnh Hiệp một cách chân thành.

Lúc bấy giờ phương đông đã lần lần rực sáng, Tâm Đăng cảm thấy mệt mỏi lắm, vì chú sắp hoàn tục nên giờ giấc ăn ngủ có thể tự do, chú ngả lưng xuống giường đánh một giấc cho đến khi mặt trời gần chính ngọ mới giật mình thức giấc.

Vội vã tắm rửa xong chú lại lên đại điện dâng hương niệm Phật.

Mùi thơm của hương đèn hòa lẫn trong tiếng kinh trầm bổng, kéo tâm hồn của Tâm Đăng về gần với Phật.

Muốn bảo Tâm Đăng bỏ hẳn đời sống tôn giáo thật là một việc khó, mặc dầu sau khi được tụ do hưởng hạnh phúc, nhưng dù sao thì chú cũng nghe là mình sẽ bị đau khổ, và không đủ gan dạ để đón nhận sự thay đổi đó, chú nghe thấy mình thích đời sống tôn giáo hơn.

Suốt ngày hôm đó, chú đọc kinh và giam mình trong lầu chứa sách, thỉnh thoảng hình bóng của Cô Trúc, của Bệnh Hiệp, Lư Âu và của Phật Anh lại hiện ra trong trí.

Nhất là Trì Phật Anh, nhớ đến nàng chú thầm nghĩ :

- Cũng có một ngày chú sẽ gỡ vuông lụa trên mặt của nàng xuống, để nhìn thấy bộ mặt thật của nàng sau vuông lụa đó.

Nhưng chú liền hổ thẹn, mặt đỏ bừng, tự trách mình là người xuất gia, cớ sao lại nghĩ đến điều xằng bậy.

Chú xua đuổi ý tưởng đó một cách khó khăn.

Tối hôm đó, Tâm Đăng chiếu lệ học hết nội công rồi mới trở về phòng, đồng đạo đã sắp đi ngủ, thấy Tâm Đăng trở về, họ bâu chung quanh nói chuyện huyên thuyên.

Cứ mỗi lần Tâm Đăng nghĩ đến mình phải xa cách đồng đạo, cậu đau khổ lắm. Vì vậy mà chú nói chuyện với họ thật tương đắc, câu chuyện nổ như bắp rang mãi cho đến khi ngoài kia có một vị đại hòa thượng lên tiếng nhắc nhở, họ mới chịu ngưng câu chuyện.

Không bao lâu tiếng ngáy nổi lên đều đều, đồng đạo đã yên giấc, mà Tâm Đăng không thể chợp mắt.

Lăn lộn trên giường, Tâm Đăng suy tới nghĩ lui, chợt nhớ đến xâu chuỗi ngọc của mình chú thò tay xuống gối lấy nó ra.

Chú nghe thấy xâu chuỗi ngọc này nặng lắm và lại trơn tru bóng loáng, chú nghĩ thầm :

- Chẳng biết xâu chuỗi ngọc này của ai? Tại sao họ lại lén tặng cho ta?

Mân mê xâu chuỗi ngọc trong tay, chú tìm mãi không ra duyên cớ.

Mãi đến khi hết canh hai chú mới mơ màng chợp mắt.

Chính vào lúc chú đang chập chờn nhập mộng, bỗng thình lình cảm thấy bên hông của mình nhói lên một cái.

Trong lòng cả sợ, vừa định vùng dậy thì tứ chi rũ liệt, gần như hôn mê.

Tiếp đó, chú thoáng nghe bên ngoài có một chuỗi cười khàn khàn theo gió lạnh đưa vào.

Chuỗi cười vừa dứt, một chiếc bóng khổng lồ nhẹ nhàng bay vút qua cửa sổ rơi nhẹ vào phòng.

Người ấy bước tới đầu giường của Tâm Đăng thở một hơi dài ảo não, đoạn ông ta dùng một thủ pháp cực kỳ thần tốc, vung ống tay áo ra, dùng phép Cách Không Điểm Huyệt điểm hết tất cả huyệt ngủ của những chú tiểu cùng phòng với Tâm Đăng, thảy đều trúng đòn mà ngủ mê man như chết.

Đoạn người ấy thò tay xoa nắn khắp những huyệt đạo trên mình của Tâm Đăng, mất gần một tiếng đồng hồ chiếc bóng đen kỳ dị ấy mới lén rút ra ngoài.

Sự việc xảy ra thật là đột ngột và kỳ bí.

Sáng ngày hôm sau, Tâm Đăng còn đang mơ màng trong giấc điệp, bên tai văng vẳng có tíeng ồn ào huyên náo.

Chú gắng gượng nhướng mắt lên, bất giác giật mình, vì chung quanh giường của mình có rất nhiều chú tiểu bu đen nghẹt, họ thấy Tâm Đăng mở mắt, thảy đều vỗ tay reo hò :

- Tỉnh dậy rồi! Tỉnh dậy rồi!

Tâm Đăng vừa muốn trỗi dậy, chợt nghe toàn thân ê ẩm, mồ hôi ra ướt áo.

Cố gắng lắm chú mới trỗi dậy cởi được áo ra, đồng đạo kêu lên ầm ĩ :

- Đừng cởi áo ra, mồ hôi ra nhiều thế này cởi áo sẽ bệnh nay... Mi xem, có những vết đỏ nổi đầy mình đây này!

Tâm Đăng cúi xuống nhìn kỹ, thấy trên huyệt Trung Đình và Quan Nguyên, có mười mấy dấu đỏ nổi lên.

Chú lo sợ lắm, khám kỹ thấy đó là dấu do những ngón tay tạo ra. Tâm Đăng trong lòng kinh dị nhưng ngoài mặt gượng gạo bình tĩnh.

Chú gượng cười nói với một chú tiểu tên là Yên Hải :

- Không sao, tôi không có bệnh!

Đồng đạo thấy vậy lục tục kéo ra, còn Tâm Đăng thẫn thờ suy nghĩ về việc ban đêm, có người dùng phép cách không điểm vào huyệt ngủ của mình, sau khi mình mê man, không biết gì nữa, rồi sao bây giờ thân thể mình lại nổi lên những chấm đỏ dị kỳ?

Chú lại nghĩ :

- Người ấy có dụng ý gì?

Nghĩ mãi không ra, chú quyết định sẽ mang câu chuyện này hỏi Bệnh Hiệp, họa chăng ông này có thể trả lời.

Suốt ngày hôm ấy, Tâm Đăng sống trong bàng hoàng do dự, trông ngóng cho trời mau tối để vào hang sâu tìm Bệnh Hiệp.

Thế rồi canh hai đến, Tâm Đăng vượt tường ra khỏi Bố Đạt La Cung, chạy bay về phía hang sâu.

Khi chàng vào hang được hai mươi trượng, bỗng nghe từ phía trong kia có tiếng ho nhọc mệt của Bệnh Hiệp vang ra, chú nghĩ thầm :

- Bệnh Hiệp không bao giờ ho trong hang, bảo rằng sợ làm mất giấc ngủ của bà vợ, nhưng sao bây giờ lại ho?

Chú lấy làm lo sợ đi nhanh vào phía trong, thấy Bệnh Hiệp vẫn ngồi ngay chỗ cũ, bên cạnh ông ta là một bộ xương người trắng hếu.

Bệnh Hiệp hai tay ôm ngực, cố dằn cơn ho, nhưng không thể nào dằn nổi, từng cơn ho vẫn vang lên rũ rượi.

Tâm Đăng bước tới bắt tay ông ta, hỏi một câu thiết yếu :

- Sao Bệnh sư phụ lại ho ở trong này :

Bệnh Hiệp lắc đầu cười chua chát :

- Lần này ta thọ thương nặng lắm, không thể dằn cơn ho được.

Dứt lời lại ho lên sù sụ, ông nói với Tâm Đăng :

- Con hãy sang đây để ta xem võ công của con tiến bộ nhiều hay ít?

Tâm Đăng vâng lệnh, trờ tới một bước kề sát vào mình của ông ta.

Bệnh Hiệp thò hai bàn tay khẳng khiu ra bá lấy vai chú, rồi mười ngón tay thình lình dùng sức bấu chặt lại.

Bệnh Hiệp là một con người gầy gò bệnh hoạn, vậy mà sức mạnh của mười ngón tay thật là đáng sợ. Tâm Đăng trong lúc ơ hờ, bị xiết cổ nghẹt thở, xương đau như dần, vội vận chuyển nội công để chọi lại.

Chú nghe thấy mười ngón tay của Bệnh Hiệp nóng bỏng như mười thanh sắt nướng đỏ, và mỗi luồng sức mạnh vô biên từ mười ngón tay ấy truyền sang cơ thể mình.

Tâm Đăng kháng cự một hồi, mồ hôi trán vã ra lấm tấm, Bệnh Hiệp mới từ từ nới lỏng tay ra, hổn hển nói :

- Mi không bỏ dở luyện tập, ta rất mừng.

Tâm Đăng dùng ống tay áo lau mồ hôi trán trả lời :

- Con không bao giờ bỏ dở!

Bệnh Hiệp gật gù, miệng cười nói :

- Còn ba hôm nữa thì đến ngày rằm Trung Thu, đây là một ngày tết vui vẻ nhưng đối với ta, đối với mi, đều không phải là một ngày vui.

Tâm Đăng nói :

- Thưa Bệnh sư phụ, Trung Thu năm tới con sẽ hoàn tục.

Câu nói này dường như làm cho Bệnh Hiệp sực tỉnh, ông ta thở dài :

- Á, suýt nữa ta quên, e rằng ta không thể sống đến ngày đó để nhìn thấy mi thành công viên mãn.

Tâm Đăng trong dạ bùi ngùi, nghĩ rằng đúng như lời ông ta nói, e rằng ông ta không thể sống đến chừng đó để nhìn thấy mình ngang dọc trong chỗ giang hồ.

Hai người ngồi lim dim, triền miên suy nghĩ, Tâm Đăng chợt nhớ đến việc điểm huyệt hồi hôm, vội mang ra trình bày, Bệnh Hiệp vội nói :

- Mi hãy cởi áo cho ta xem!

Tâm Đăng lấy làm lạ, nghĩ rằng trong này tối om om, chả lẽ Bệnh Hiệp thấy, dù vậy ngoài miệng chẳng nói ra, lặng lẽ cởi áo.

Bệnh Hiệp không ghé mắt nhìn mà chỉ dùng bàn tay sờ mó, lần này Tâm Đăng lại nghe thấy mười ngón tay của ông ta giá lạnh như băng và tiết ra một luồng sức mạnh dịu dàng êm ái. Bàn tay của ông ta đi nhanh thoăn thoắt, xoa nắn khắp toàn thân đại huyệt, rồi bỗng dừng lại nơi hai đại huyệt Trung Đình và Quan Nguyên.

Tâm Đăng vừa lấy làm lạ, thì Bệnh Hiệp hỏi :

- Có phải mi phát giác nơi này nổi lên những chấm đỏ?

Tâm Đăng trả lời :

- Chính thế nhưng không đau!

Bệnh Hiệp cất giọng :

- Bây giờ không cho phép mi nói chuyện, mi hãy nhắm mắt lại như ngủ.

Tâm Đăng vâng lời nhắm nghiền cặp mắt ngồi yên không động đậy. Tâm Đăng cảm thấy mười ngón tay của ông ta ấn mạnh xuống, truyền sang cơ thể chú cảm giác thật là thoải mái.

Lâu lắm, mới nghe thấy mười ngón tay của ông ta từ từ thu về, hổn hển nói :

- Xong, bây giờ mi mặc áo vào.

Tâm Đăng vừa mặc áo, vừa nghe Bệnh Hiệp lẩm bẩm :

- Người này không có ác ý, chính hắn dùng Đạt Ma thủ để chữa gân cốt cho mi, dường như hắn muốn vun vén cho mi trở thành một người có căn cơ tốt.

Tâm Đăng lấy làm lạ, lại nghĩ :

- Ai đấy? Ai muốn vun vén cho ta trở thành một người có căn cơ tốt?

Chợt nghe Bệnh Hiệp nói tiếp :

- Bây giờ, người luyện được Đạt Ma thủ chẳng có mấy ai.

Tâm Đăng vội hỏi :

- Chẳng hay người ấy có dụng ý gì?

Bệnh Hiệp trả lời :

- Nếu ta đoán không lầm thì người ấy đồng một mục đích với chúng ta... Cô Trúc truyền võ công cho mi cũng vì việc ấy, hà hà... Bây giờ mi lại có thêm một người “khách hàng” chiếu cố rồi đó.

Tâm Đăng càng nghe càng lấy làm kinh dị, đó là một điều thắc mắc, ám ảnh chú suốt mười mấy năm trời.

Chú không biết tại sao Cô Trúc lại dốc hết tâm huyết để truyền võ cho mình? Và Bệnh Hiệp cũng dùng hết hơi tàn chỉ vào việc đó?

Còn Vạn Tiềm lại cũng muốn ép mình học võ?

Còn Lư Âu, tại sao lại muốn mình biểu diễn chưởng pháp cho bà xem?

Càng nghĩ càng thắc mắc, Tâm Đăng bỗng quỳ xuống trước mặt Bệnh Hiệp nằn nì :

- Xin sư phụ cho con rõ, tại sao sư phụ lại truyền võ cho con?

Bệnh Hiệp sa sầm nét mặt :

- Mi ngồi ngay lại, ta không phải là Phật, mi đừng hành lễ!

Tâm Đăng cực kỳ thất vọng, gắng gượng ngồi ngay ngắn lại mà lắng nghe những tiếng thở dập dồn của Bệnh Hiệp.

Chợt nghe ông ta cất giọng trầm trầm :

- Chúng ta truyền võ cho mi chỉ vì lòng ích kỷ.

Tâm Đăng nghe câu nói mơ hồ, không phù hợp với tinh thần phổ độ chúng sinh của Phật giáo, nên vội hỏi :

- Nếu vì lòng ích kỷ thì...

Bệnh Hiệp cả cười, cắt ngang câu nói :

- Nghe ta nói, ai cũng có một tấm lòng ích kỷ, như Cô Trúc và ta là ví dụ, mấy mươi năm nay biết bao nhiêu người muốn lạy làm thầy nhưng chúng ta chẳng khứng. Nhưng tại sao chúng ta lại phải khó khăn cực nhọc tìm hết cách truyền võ cho mi? Cô Trúc phải tốn mười mấy năm tâm huyết, và ta cũng phải dùng hết hơi tàn, vậy thì sao? Tại sao?

Tâm Đăng trả lời :

- Đây chính là chỗ con không hiểu, xin sư phụ cho con biết!

Bệnh Hiệp lắc đầu :

- Trước khi Cô Trúc truyền võ cho mi, có ép mi phải làm hộ cho ông ta một việc, có phải chăng?

- Phải!

- Còn ta truyền Đại Thừa thần công cho mi cũng chỉ vì việc ấy, đó là một việc quan trọng trong chỗ giang hồ hồi mười mấy năm về trước.

Tâm Đăng chợt nhớ đến câu chuyện Lư Âu vừa kể, vội hỏi :

- Có phải việc này dính líu đến quyển Tàm Tang khẩu quyết?

Bệnh Hiệp giật mình ngồi ngay lại hỏi :

- Sao mi biết? Chẳng lẽ Cô Trúc nói cho mi biết rõ?

Tâm Đăng không dám thổ lộ câu chuyện mình bắt gặp quyển Tàm Tang khẩu quyết trong Bố Đạt La Cung, mà chỉ trả lời :

- Chuyện này do bà Lư Âu kể lại!

Bệnh Hiệp giật mình nhẹ nhõm :

- Lư Âu?

Tâm Đăng gật đầu, Bệnh Hiệp ho một tràng dài rồi hổn hển :

- Con quỷ già đó sao chưa chết? Phải, nó đã biết việc này, mười tám năm về trước nó đã lần mò đến Tây Tạng, trú ngụ tại Sắc La tự... Bây giờ, ta đã kể cho mi nghe những gì... mi hãy kể lại cho ta rõ.

Tâm Đăng lần lượt kể lại cho Bệnh Hiệp nghe, đồng thời còn cho biết lúc câu chuyện kể đến hồi dang dở, bỗng có người xuất hiện ném giấy vào... vân vân...

Bệnh Hiệp nghe xong gật gù :

- Bà lão này vẫn còn có tính như xưa, hễ mỗi khi bà nhắc đến việc hệ trọng thì có người nhảy ra phá đám, người đó là ai, ta có thể đoán ra.

Tâm Đăng biết Bệnh Hiệp vào hồi mười tám năm về trước có tham gia vào việc lộn xộn này trong làng võ, nên vội vàng hỏi :

- Vậy câu chuyện này đầu đuôi ra sao xin sư phụ kể tiếp!

Bệnh Hiệp cúi đầu thẫn thờ nhìn bộ xương khô của vợ mình, lâu lắm mới ngẩng đầu dậy, dùng một giọng bi thảm kể lại rằng :

- Mười tám năm về trước...

Mười tám năm về trước, chúng ta cùng mười mấy tay cao thủ trong làng võ Trung Nguyên thảy đều trúng độc kế của người Tây Tạng mà tiếng tăm trôi theo dòng nước...

Đồng thời phải bỏ phí đi biết bao nhiêu thời gian quý báu...

Mãi đến ngày nay, việc đã xảy ra mười tám năm dài đằng đẵng, mà chúng ta vẫn còn phải lưu lại trên mảnh đất Tây Tạng này, sống một cuộc đời của những kẻ về chiều, để chờ đợi một cơ hội khôi phục lại thanh danh cũ!

Chúng ta đều gửi hết hy vọng vào một người, người đó là mi!

Phải, người đó chính là mi!

Tâm Đăng nghe đến đây, giật mình kinh hãi, rối rít hỏi :

- Sao thế? Sư phụ...

Bệnh Hiệp bỗng sa sầm nét mặt, nghiêm nghị nói :

- Tâm Đăng, mi đừng nóng nảy, ta đã bảo trong thời gian một năm sẽ nói cho mi rõ, mi có hỏi cho lắm cũng cầm bằng vô ích.

Tâm Đăng nghe nói, giận lắm, trong bụng nói thầm :

- Mi không nói thì thôi, ta nhất quyết không hỏi nữa!

Bệnh Hiệp dường như dọ thấu tâm tư của Tâm Đăng, dịu dàng nói :

- Ta rất khó tính, không thích người ta nói nhiều, hễ ngày giờ đến ta tức khắc nói cho mi biết. Nói ra ngay bây giờ e xảy ra nhiều điều bất trắc, vì vậy mà mười mấy năm nay ta luôn thủ khẩu như bình! Bây giờ mi hãy về, ngày kia trở lại.

Tâm Đăng lủi thủi lần từng bước trở ra ngoài, nhưng đi được mấy đoạn đường thì bỗng có tiếng Bệnh Hiệp gọi giật lại :

- Mi trở lại cho ta bảo.

Khi Tâm Đăng trở lại rồi, Bệnh Hiệp nói :

- Đêm nay, cái người dùng Đạt Ma thủ đó thế nào cũng trở lại, bởi vì phương pháp đó không thể gián đoạn, tới chừng đó mi bất tất phải sợ, cứ để ông ta tự do hành động, đó là một cơ hội quý báu, thôi mi hãy về đi... Hừ! Biết đâu ta lại chẳng thêm được một kẻ thù địch!

Tâm Đăng lại quay đầu trở ra, trong lòng suy nghĩ, không hiểu tại sao những người vang danh trong làng võ Trung Nguyên thảy đều dòm ngó đến mình?

Tại làm sao mà những môn võ thuật kẻ khác hàng ngày mơ ước mà không được, họ lại bắt buộc chú phải học?

Rời khỏi hang thì canh ba đã gần tàn, gió đêm lồng lộng, vầng trăng lạnh treo lơ lửng giữa từng không, ngôi Bố Đạt La Cung im lìm triền miên trong giấc ngủ.

Tâm Đăng đi nhanh như một đường tên bắn, nhảy vù vào Bố Đạt La Cung.

Đêm đó, chiếc bóng đen kỳ quái lại xuất hiện, cũng như lần trước, hắn vẫn dùng Cách Không Điểm Huyệt điểm chỉ Tâm Đăng ngủ vùi rồi dùng Đạt Ma thủ xoa nắn cho chàng, sửa chữa gân cốt, mãi cho đến khi hắn mệt nhọc, hơi thở phì phò mới lặng lẽ ra đi.

Hành động của người này nhanh không thể tả, dưới bóng trăng mờ không thể phân biệt được là trai hay gái.

Sáng ngày hôm sau, Tâm Đăng trở dậy, cũng thấy chung quanh giường mình có rất nhiều đồng đạo đang lo sợ nhìn mình, ai cũng bảo Tâm Đăng sẽ sinh bệnh.

Chú nhìn kỹ, vẫn thấy mình mồ hôi ướt đầm, tứ chi uể oải, nhưng chú lại mỉm cười, tìm vài câu chống chế cho qua, đoạn hỏi đồng đạo Yên Hải mượn một chiếc áo lót để thay.

Tâm Đăng đón lấy chiếc áo lót trên tay của Yên Hải, đoạn cởi áo của mình ra, chúng đồng đạo lại reo lên ầm ĩ, thì ra nhưng chấm đỏ trên mình của Tâm Đăng càng lúc càng trông rõ.

Tâm Đăng thét vang, bảo bọn chúng đừng kêu la, đoạn mặc nhanh áo vào.

Ngày hôm ấy, không có việc gì xảy ra. Đêm về, Tâm Đăng nghĩ rằng đêm nay mình không cần phải vào hang luyện võ nên đi bách bộ trong chùa.

Kể từ ngày vị trụ trì mới đến nhậm chức đến nay, hơn một tháng rồi Tâm Đăng chưa lên lầu, cũng chưa hề vào lầu chứa sách.

Vị trụ trì mới này không siêng năng bằng Tạng Tháp, trời vừa tối thì đã ngủ kỹ.

Tâm Đăng ngửa mặt nhìn gian phòng u ám của vị trụ trì và ngôi nhà chứa sách, trong lòng thầm nghĩ :

- Ai đã giết Y Khắc? Tạng Tháp vì sao mất tích một cách kỳ dị? Hai lóng tay của ông ta bị chặt bằng cách nào? Hay... thủ phạm là sư phụ? Không! Không phải! Họ không biết trong chùa có Tàm Tang khẩu quyết thì không có lý do nào giết Y Khắc. Vậy thì... ai là hung thủ?

Còn đang nghĩ ngợi triền miên, bỗng chú thoáng thấy một chiếc bóng trắng thoáng bay vù qua trước mặt.

Vừa kịp giật mình thì đã nhận ra đó là một người con gái.

Nàng mặc một chiếc áo trắng tinh, dưới chân mang một đôi giày da trừu, thật là xinh xắn, sau lưng là một mái tóc óng a óng ánh, chảy dài xuống khỏi long.

Nhưng trên mặt nàng lại che ngang một vuông lụa màu đen.

Tâm Đăng vừa sợ, vừa mừng, rú lên nho nhỏ :

- Trì... thí chủ, trở về rồi ư?

Người con gái không trả lời, chỉ vẫy Tâm Đăng rồi sử một thế Xuân Phong Tống Chu như một cánh én bay vù về phía lầu chứa sách.

Tâm Đăng nghĩ đó là Phật Anh, tim bỗng đập rộn ràng, chú nghe mặt mình nóng bừng lên, một thứ tâm tư kỳ diệu xâm chiếm lấy tâm hồn.

Tâm Đăng ngây ngất một giây rồi mới đuổi theo nàng, nàng dường như quen thuộc đường lối lắm, quanh qua lộn lại một hồi thì đến lầu chuông.

Tâm Đăng hỏi thầm :

- Cô ấy rủ ta đến lầu chuông để làm gì?

Chợt nàng dừng chân lại và Tâm Đăng đã trờ tới, đôi bên chỉ còn cách trong vòng tám thước, Tâm Đăng liền bị một mãnh lực vô hình ghìm cho dừng chân lại, chỉ giương cặp mắt thẫn thờ mà không biết phải nói làm sao!

Nàng buông một tiếng cười nho nhỏ, tiếng cười trong như ngọc, nàng thò tay trắng nuốt ra mà nói :

- Mi hãy sang đây!

Câu nói của nàng vừa thoát ra khỏi cửa miệng thì Tâm Đăng bỗng rú lên một tiếng kinh hoàng sửng sốt.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK