Tuân Mộ Sinh cầm ly trà bưởi mang về, đứng trước một tòa nhà dân tám tầng kiểu cũ.
Tòa nhà dân nằm ở ven sông, bên cạnh là một con đường nhỏ chật hẹp. Hiện tại là giờ tan học, học sinh tụm năm tụm ba chạy nhảy trên con đường nhỏ. Ven đường có rất nhiều người bán hàng rong ngồi chồm hổm bên sạp, rao hàng bằng tiếng địa phương kỳ lạ. Trong sọt chất đầy rau cải trái cây, thau nước ở bên cạnh còn có cá tươi mới câu được dưới sông. Cá sống vùng vẫy bơi lội làm văng ra một đống nước tanh hôi.
Người dân sống ở gần đó và người bán hàng to tiếng cò kè mặc cả, ngoại trừ phụ nữ trẻ tuổi khoảng chừng ba mươi thì đa số mọi người vẫn còn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt.
Con đường nhỏ lầy lội, một vài người dân sống ở tầng một đổ nước sinh hoạt của nhà mình ra đường. Không ai dị nghị, cũng không có ai giận hờn, dường như trong phố huyện nhỏ heo hút này, đổ nước ra đường đã trở thành việc vặt quen thuộc.
Băng qua con đường nhỏ ấy là một chuyện khá khó nhằn đối với Tuân Mộ Sinh.
Trọng Thành không có chỗ nào giống vậy, hắn cũng chưa bao giờ sống ở cái nơi lạc hậu như thế này.
Lúc đi ngang qua một căn nhà, hắn suýt nữa bị tạt nước gạo vào người nhưng may là tránh được, song bà chủ nhà vẫn chẳng có ý xin lỗi, còn ngạc nhiên lườm hắn, dường như muốn nói — thấy nước mà còn không biết né, bị ngu à?
Hắn không muốn chấp nhặt, vội vàng bỏ đi, vô thức đi ra giữa đường, cố gắng né tránh mấy thứ nước không rõ nguồn gốc kia.
Đang đi thì hắn chợt nghĩ, có phải lúc Trì Ngọc mới đến đây cũng phải cẩn thận từng ly từng tí một như vậy không? Trì Ngọc cũng mua cá mua đồ ăn ở lề đường sao? Có bị hắt nước vào người không?
Nghĩ như thế, sự buồn bực vì suýt nữa bị tạt nước cũng từ từ biến mất. Nghĩ tới chuyện đây là con phố hằng ngày Trì Ngọc đi về, đến cả bảng quảng cáo da trâu tươi loang lổ ở hai bên tường dường như cũng trở nên thân thiết hơn.
Đây là nơi mà Trì Ngọc sống một mình trong hơn hai năm anh rời xa hắn.
Nhân viên phục vụ trong quán đưa cho hắn địa chỉ nhà Trì Ngọc, hắn ngồi nghỉ lấy sức trong quán một lát, mượn nhà vệ sinh rửa ráy sơ qua, trước khi đi về nhân viên phục vụ lại tặng cho hắn một ly trà bưởi, cười nói: “Anh ơi, hình như anh thích trà bưởi lắm nhỉ. Nếu anh là bạn của anh Ngộ thì tặng anh một ly nè, chắc anh ấy sẽ không giận đâu.”
Những khách hàng nhí trong quán xì xà xì xào, có người nói: “Ấy, anh ấy cũng thích trà bưởi kìa!”
Người còn lại nói: “Trùng hợp ghê á, chị Tây Tây cũng bảo cô gái ông chủ thương thích trà bưởi!”
Hắn nghe thấy hết, hơi trợn to mắt, lát sau mới mím môi nhẹ.
Có lẽ mấy đứa nhỏ đã hiểu lầm rồi.
Nhưng hắn đã qua cái tuổi nghe thấy cụm từ “cô gái ông chủ thương” thì sẽ hiểu lầm.
“Cô gái” thích uống trà bưởi này, không còn ai vào đây nữa.
…
Tuân Mộ Sinh vòng qua khu nhà dân đi tới bờ sông, ráng chiều nơi chân trời rải ngàn tia nắng rực rỡ xuống mặt sông dềnh dàng, mà nước sông như lá vàng phản chiếu lên bức tường cũ kỹ, lúc ẩn lúc hiện, sóng nước dập dờn trôi nổi hứng chịu lễ rửa tội của tháng năm.
Trì Ngọc ở lầu bốn, trên ban công kiểu mở bày rất nhiều cây cỏ xanh biếc. Đứng từ dưới nhìn lên, những cây cối tràn trề sức sống kia như đang lơ lửng giữa biển trời trong veo, đẹp như ảo ảnh.
Tuân Mộ Sinh híp mắt lại, con tim như chìm vào dòng sông bị ráng chiều hôn khẽ, đến nhịp đập nhỏ bé nhất cũng có thể gợn lên sóng to gió lớn.
Đó là nhà của Trì Ngọc.
Gió bên sông thổi qua mang theo xúc cảm ấm áp, sóng nước phản chiếu trên tường bắt đầu thỏa thích trập trùng, cây lá xanh biếc cũng bay phất phơ trong gió đêm như người đã chờ đợi bao ngày vẫy tay về phương xa.
“Tôi tới rồi.” Tuân Mộ Sinh nhỏ giọng lẩm bẩm: “Tôi đang chờ anh.”
Ráng chiều chìm vào con sông, người lái đò trên thuyền chài nhỏ cất lên bài ca đánh cá. Nhà nhà truyền đến tiếng xào nấu và bắt bếp, quạt thông gió kém chất lượng cuốn khói dầu bay ra ngoài cửa sổ. Mấy đứa nhỏ nghịch ngợm về nhà trễ bị đánh đòn, trong hành lang vang lên tiếng quở mắng của phụ nữ và tiếng khóc thét la làng của mấy đứa nhỏ. Nước sông từ màu vàng biến thành màu đỏ thẫm, rồi lại chuyển thành màu xanh đậm giống như đá quý.
Tuân Mộ Sinh đứng im bên sông thật lâu, giống như chỉ cần tốn một chiều hoàng hôn là đã đi qua hết cuộc sống muôn màu của người dân vùng phố huyện nhỏ này.
Hai năm rưỡi lỡ mất nhau dường như bị rải xuống nước sông trập trùng.
Gió bên sông lướt nhẹ qua mặt, giống như vội vàng kể lại từng câu chuyện nhỏ có liên quan đến Trì Ngọc cho hắn nghe.
Hắn nhắm mắt lại, thấy được nụ cười có đôi chút ngại ngùng của Trì Ngọc.
Hắn còn nhớ, năm ấy khi Trì Ngọc vẫn chưa kêu là Trì Ngọc, hắn đã trót yêu nụ cười ngượng ngùng ấy. Dịu dàng biết bao, bao dung biết bao, thấm đượm vào trong trái tim của hắn, làm dòng máu chảy ra từ nơi ấy đều nhuốm phải men say ngọt ngào.
Hắn đã say đắm Trì Ngọc từ rất lâu rồi.
…
Ban đêm, quán cà phê sách nhộn nhịp hơn ban ngày. Có người chơi game, có người hẹn hò, có người chăm chỉ đến học hành, không ai dính dáng tới ai, người nào cũng có việc của riêng mình.
Tuân Mộ Sinh ngồi trong quán với một đống khách hàng nhí, trở thành người nổi bật nhất. Hắn thở dài, ngồi không bao lâu thì lại mở cửa đi ra, hòa mình vào bóng đêm.
Buổi tối phố huyện nhỏ lặng ngắt như tờ, chỉ có sạp hàng rộn ràng. Hắn kiếm đại gì đó ăn cho no rồi lại đi ra bờ sông.
Gió đêm nặng nề, chỉ nghe thấy tiếng nước sông vỗ vào bờ.
Hắn châm điếu thuốc, tìm tảng đá nghỉ chân.
Có thể bình tĩnh nhớ Trì Ngọc rồi.
Buổi trưa lúc nhân viên phục vụ nói Trì Ngọc đã về quê, điều đầu tiên hắn nghĩ đến chính là Trì Ngọc đã về lại thành phố anh sống hồi nhỏ, sau đó mới nghĩ ra có khi nào Trì Ngọc sẽ về Trọng Thành hay không, nhưng suy đoán này vừa xuất hiện thì hắn đã lập tức bác bỏ.
Song, bây giờ nghĩ lại, chắc Trì Ngọc sẽ không về lại quê hương thật sự kia nữa — một người không có gì để nhung nhớ, cũng không có nơi nào đáng để hoài niệm, có gì hay mà cần quay về?
Quê hương ở đây có lẽ là Trọng Thành.
Hắn lập tức đứng dậy, ánh mắt nặng nề như nước sông dưới bóng trăng.
Nếu Trì Ngọc thật sự quay về Trọng Thành, vậy tất nhiên là đi gặp hắn. Mà hắn lại đến huyện Hổ.
Trời xui đất khiến làm người ta thổn thức.
Hắn không khỏi nghĩ, nếu Trì Ngọc đến Trọng Thành mà không tìm được hắn thì anh sẽ làm sao? Sẽ lo lắng suông, hay sẽ cảm thấy không thể gặp nhau là do số mệnh sắp đặt?
Hắn không dám nghĩ tiếp nữa, lập tức gọi điện cho Diệp Phong Lâm.
Bây giờ đã có được thông tin hiện tại của Trì Ngọc, điều tra hành tung gần đây của anh không phải chuyện gì khó.
Cúp điện thoại, hắn chợt nảy ra kích động muốn về Trọng Thành, song một lát sau lại cố ép mình bình tĩnh.
Nếu như hai người cùng đi tìm nhau, rất dễ bị lỡ mất nhau. Hắn và Trì Ngọc đã lỡ làng nhau quá nhiều lần, ít nhất lần này hắn không muốn bỏ lỡ nữa.
Đêm khuya, phố huyện nhỏ hoàn toàn im ắng, Diệp Phong Lâm gửi tin nhắn nói Trì Ngọc thật sự đã về Trọng Thành.
Hắn kìm nén sự xót xa và bùi ngùi mềm mại như bông, nặng nề hỏi: “Bây giờ anh ấy đang ở đâu.”
“Chiều nay anh ấy đã bay đến An Thành rồi.” Diệp Phong Lâm nói: “Bây giờ đang ngồi tàu lửa tốc hành từ An Thành về huyện Phách. Mộ Sinh, nếu chuyến tàu tốc hành lần này không muộn giờ thì 1 giờ 5 phút chiều ngày mai sẽ đến huyện Phách, cậu…”
Giọng nói trong loa điện thoại chợt trở nên xa xăm, Tuân Mộ Sinh nghe thấy một giọng nói vang lên trong lòng.
— Anh ấy về rồi!
…
Huyện Phách và huyện Hổ cách nhau hơn hai trăm kilomet, chỗ đó có trạm xe lửa gần huyện Hổ nhất.
Tuân Mộ Sinh không chờ nổi, chạy vội về quán cà phê sách, lập tức nhờ nhân viên phục vụ gọi xe đến huyện Phách dùm hắn.
“Không được rồi.” Nhân viên phục vụ nói: “Chỗ này của bọn tôi khác với bên ngoài, đoạn đường hơn hai trăm kilomet kia là đường núi quanh co vô cùng khó đi, anh đến đây bằng con đường đó đúng không? Buổi sáng chỗ đó đã khó đi lắm rồi, buổi tối không đi được đâu, hồi xưa cũng xảy ra chuyện, xe khách chạy trên núi bị lật, chỉ cứu được một số người trong xe, sau đó thì có quy định là không cho bất cứ loại xe nào chạy đường đêm trong núi.”
Tuân Mộ Sinh bó tay, ngồi suốt một đêm ròng trong quán nước, thỉnh thoảng lại kiểm tra tuyến đường tàu tốc hành của Trì Ngọc, bên tai dường như vang lên tiếng “rầm rập” của xe lửa và đường ray chạm vào nhau, thao thức cả đêm dài nôn nao cùng Trì Ngọc ở cách xa ngàn dặm.
Trời vừa sáng, hắn đã lên xe khách của nhân viên phục vụ tìm dùm, tròng mắt vằn vện tơ máu, cằm cũng lún phún râu.
Tài xế là một chú mập hơn bốn mươi tuổi, vừa ngáp vừa đóng cửa xe, dáng vẻ rõ là chưa tỉnh ngủ: “Mới sáng bảnh mắt mà đi rồi à? Đến huyện Phách đón xe lửa hả?”
Hắn sốt ruột muốn chạy tới huyện Phách, bèn hỏi: “Nhanh nhất là bao lâu?”
Tài xế vui vẻ, cười hắn là người vùng khác không rành chuyện ở đây: “Muốn rớt xuống núi hả, thế tôi lái nhanh chút nhé.”
Tuy miệng nói thế nhưng sau khi chạy vào đường núi, tài xế không hề đùa giỡn nữa mà rất nghiêm túc, lái xe cực kỳ cẩn thận.
10 giờ sáng, chiếc xe bám đầy bụi đất đỗ ngoài sân ga tàu lửa của huyện Phách.
…
Trên đường phải ghé trạm đổi xe, xe lửa đến muộn. Trong khoang giường nằm toàn là tiếng than thở, song cũng có người bình tĩnh chê bôi: “Chuyến xe này có khi nào mà không trễ giờ? Về kịp ăn cơm tối là được.”
Trì Ngọc ngồi trước cửa sổ, ngoài cửa sổ là phong cảnh quay ngược với tốc độ cao. Anh nhìn ngơ ngác, trong lòng đìu hiu.
Những hành khách đi chung xe, cho dù là người bình tĩnh chỉ trích kia cũng rất muốn về nhà sớm. Xe lửa về trễ hai tiếng, cả chiếc xe trừ mỗi mình anh ra thì chắc chẳng còn ai hoàn toàn thờ ơ.
Trễ giờ hay không trễ giờ, trở về hay không trở về, dường như chẳng có gì quan trọng đối với anh.
Tây Nam có nhiều núi, xe lửa đi vào trong khe núi, bóng đêm đen kịt ập tới trên ô cửa thủy tinh, phản chiếu ra gương mặt uể oải hao gầy của anh.
Nhiều ngày không ngủ ngon giấc, đôi mắt anh đỏ ngầu, cằm cũng lún phún râu ria, toát lên vẻ chán chường lôi thôi lếch thếch.
Anh chợt thấy hối hận — dường như con người luôn thích ân hận về những chuyện mình chưa từng làm, dù cho ban đầu quyết tâm rất chắc chắn.
Vì sao mình cứ khăng khăng phải bỏ đi? Anh rơi vào một cái vực sâu giống như vòng xoáy, suy nghĩ vẩn vơ, chẳng lẽ ở lại Trọng Thành thì không thể gác lại quá khứ?
Nhỡ đâu có thể thì sao?
Trong suốt hai năm ròng, nếu tính lâu hơn một chút, từ lúc sự thật được phơi bày, đã là ba năm rưỡi. Trong ba năm rưỡi, anh không dám để mặc cho mình rơi vào vòng luẩn quẩn ác tính tiêu cực. Nhưng từ lúc anh lên chuyến bay đi về, sự tiêu cực tích cóp biết bao năm qua đột nhiên ùa ra như vỡ đê, vô số móng vuốt túm lấy anh, gần như muốn lôi kéo anh đến tan xương nát thịt.
Anh sắp không chịu nổi nữa rồi.
Anh ước sao có thể nhìn thấy Tuân Mộ Sinh, nhẹ nhàng gọi một tiếng “Mộ Sinh”.
Sau khi xảy ra chuyện, anh đổi cách xưng hô, lúc nào cũng gọi “cậu Tuân cậu Tuân” một cách khách sáo lạ lẫm, giống như một người xa lạ không thể đến gần được nữa.
Mà bây giờ e rằng anh sẽ không thể nào đến gần người mình yêu được nữa.
Xe lửa chạy ra khỏi hang núi, ánh sáng chợt kéo đến làm mắt anh nhói lên. Anh cúi đầu nhìn đôi bàn tay siết chặt của mình, thở dài thườn thượt.
Muốn trách chỉ có thể trách chính mình.
…
Trạm xe lửa của huyện Phách được xây dựng vào thế kỷ trước, đã cũ mèm. Bản tin liên tục thông báo xe lửa đến muộn, gần như chuyến xe nào trên đường về cũng không đến đúng giờ.
Tuân Mộ Sinh nhìn màn hình điện tử lúc hiện lúc tắt kia, tính từ 10 giờ thì hắn đã đợi được 5 tiếng đồng hồ.
Cuối cùng, đoàn tàu chữ K chạy về từ An Thành đã đổi giao diện, từ “đến muộn” thành “vào trạm”, đồng thời bản tin cũng bắt đầu thông báo. Hắn chẳng màng đôi chức đau nhức, vội vàng lao đến lối ra, con tim đập rộn ràng như trống trận, nhìn chằm chằm vào đường ray trống rỗng ở đằng trước.
Chẳng bao lâu sau, đoàn tàu thong thả đến muộn lọt vào tầm mắt của hắn, cửa xe mở ra, hành khách tay xách nách mang vội vàng đi tới lối ra.
Hắn không dám chớp mắt, vóc dáng cao gầy đứng trong dòng người càng lúc càng đông, giống như đá ngầm lộ ra vào lúc thủy triều rút xuống.
Xung quanh vô cùng ồn ào, rất nhiều người va vào hắn, song hắn lại không dám rời mắt đi, nôn nóng kiếm tìm bóng dáng quen thuộc kia.
Dần dần, dòng người tản đi, hàng khách lác đác vài người. Hắn vẫn đứng ở lối ra, trán và cổ toát mồ hôi, ánh sáng trong mắt bị sự vội vàng và lo lắng đập nát, chìm vào đáy mắt lấp lánh.
Trì Ngọc, anh ở đâu?
…
Mãi đến khi hành khách cần đến huyện Phách đi hết cả rồi, hành khách mới lục đục đi lên xe, bấy giờ Trì Ngọc mới chầm chậm xách túi hành lý đi xuống toa xe.
Ông chú soát vé lầm bầm: “Lẹ chân lên! Đổi phiếu cho cậu lâu rồi mà sao giờ mới xuống? Xe đi mất thì biết làm sao đây?”
Anh bỏ ngoài tai, hiếm khi thất lễ như vậy, ngơ ngác đi tới lối ra.
Những người vội vàng xuống xe ấy là vì muốn về nhà sớm một chút, còn anh thì hoàn toàn chẳng có nhà.
Đi được một đoạn ngắn, anh chợt ngừng bước, cúi đầu nhìn đôi giày leo núi bị mì gói của đứa nhỏ trên xe làm bẩn, lại nhìn bộ đồ chẳng mấy sạch sẽ của mình, bất đắc dĩ nhếch nhếch môi.
May mà người kia không nhìn thấy bộ dạng sa sút như thế này.
Đoàn tàu đằng sau bắt đầu bấm còi, anh quay lại nhìn một cái, thở dài, tiếp tục đi về phía trước.
Xung quanh đầy rẫy các loại tiếng ồn, anh thấy rất phiền, muốn bịt tai lại, song giơ tay lên mới nhớ ra chỉ dùng được có một tay.
Anh đành bước vội, muốn ra khỏi nhà ga cho mau.
Thình lình anh nghe thấy một giọng nói quen thuộc, giọng nói ấy toát lên sự run rẩy rõ mồn một, đâm vào thần kinh của anh giống như một cây kim —
“Trì Ngọc!”
Trái tim anh xốn xang, bàng hoàng ngẩng phắt dậy, còn chưa kịp tìm kiếm nơi phát ra âm thanh thì đã va vào ánh mắt nóng bỏng của một người.
Người đó vội vàng bước tới, đoạn lao nhanh như gió băng qua lối ra, giây phút hắn ôm lấy anh, dường như đã dùng hết sức lực cả người.
Anh đột nhiên trợn to mắt, sau một thoáng bồi hồi, trái tim như nhảy ra khỏi lồng ngực.
“Mộ, Sinh.”
Hết chương 63