Mọi người khép nép vâng vâng dạ dạ, chỉ trừ bà hai xót cháu đâm ra mất bình tĩnh, thấy mợ vừa hé mắt liền xông vào chửi rủa ầm ĩ.
-"Tại mày, tất cả là tại mày, cả mày lẫn con nặc nô kia nữa. Hai con ôn nghiệt bất lương, cậu đang buồn như thế chúng mày còn bỏ cậu đi hì hụi với nhau, tụi bay hại cậu nhảy thác suýt ngỏm, tụi bay hại chết cháu bà!"
Bà giận lắm, khí thế phừng phừng lao tới bóp cổ mợ. Bà bị phú ông lôi ra cho một tát, chưa kịp đứng dậy đã bị cậu Hưng giáng tiếp cho phát nữa, máu mồm bà cứ thế mà hộc. Đau, đau lắm, đau như người ta cầm dạo nhọn rỉa từng khúc ruột, u uất, tái tê, nhiều lúc bà chỉ muốn nuốt lá độc cho nhanh. Nhưng rồi sao? Chỉ sợ lúc cậu biết sự thật, cả đời cậu sẽ phải sống trong ăn năn, thế cho nên bà lại không nỡ chết!
Người làm lôi bà ra ngoài, phú ông lệnh tất cả giải tán, trong phòng chỉ còn cậu mợ. Từ lúc tỉnh mợ chưa hề nói câu gì, không mắng cậu đồ hèn, không oán trách vì mất đứa nhỏ, cũng chẳng kêu la ăn vạ. Mợ chỉ nằm yên một chỗ, đôi mắt vô hồn nhìn lơ đễnh qua vườn mận.
Cậu thi rớt, chẳng ai dám mỉa mai trước mặt, nhưng như vậy không có nghĩa họ thôi bàn tán sau lưng. Cậu đi đâu cũng bị người ta nhìn lén, cái nhìn đó, chẳng phải ánh mắt ngưỡng mộ thán phục như trước, mà là khinh bỉ. Lần đầu tiên cậu đồng cảm với thằng hai, mới bị miệt thị mấy ngày cậu đã tưởng như phát điên. Còn nó, cả đời nó, từ khi sinh ra đã mang phận hèn, chả hiểu nó làm cách nào để vượt qua?
Cách đây hai tuần có mấy đứa thì thụt với nhau ngoài đầm sen vô tình lọt tai cậu mợ, cậu khi xưa huyênh hoang ngang ngược, mà giờ cậu tự thấy nhục nên chỉ rơm rớm bỏ đi, mợ thì máu nóng hầm hập, nhảy vào tẩn cho tụi kia một trận lên bờ xuống ruộng.
Khi bu cậu bận buồn, bận khóc, khi thầy cậu bận dỗ bu, khi Trâm bận mong tin thằng hai, khi tất cả mọi người quay lưng với cậu, thì mợ vẫn bên cậu. Mợ mượn thầy ngựa đưa cậu xuống phố huyện chơi, cậu ở phía trước nép vào người mợ. Có bữa trời đổ bão, cậu dỗi chẳng muốn dừng trú mợ vẫn chiều cậu, mợ khoác cho cậu chiếc áo choàng của mợ rồi đánh ngựa đi đều đều, vừa đi mợ vừa khen cậu giỏi, mợ mắng cái người chấm thi, mợ xoa đầu cậu, cậu ôm eo mợ, chợt thấy tâm trạng phấn chấn lên hẳn.
Chiều nay tìm mãi chẳng thấy mợ đâu, cậu lại rơi vào khủng hoảng. Cậu nghĩ chưa thông đã làm liều, hại mợ, hại con cậu mợ. Cậu buồn thiu, lững thững bước ra vườn nhoài người bứt trái mận chín đỏ, đoạn quay lại ngồi bệt xuống bên giường, cẩn thận đặt nó vào lòng bàn tay mợ.
-"Cái mạng này của tui là do mợ mợ nhặt về, kiếp này mợ bảo tui làm trâu chó gì tui cũng chịu, mợ đừng như vậy nữa, nói với tui một câu đi."
Lông mi cậu cong vút chớp chớp nhìn mợ, khoé mắt đẫm lệ. Người đâu mà đẹp như tranh vẽ, mợ mủi lòng, cố nặn ra nụ cười gượng gạo.
-"Chỉ kiếp này thui hử?"
-"Thế mợ muốn sao?"
-"Kiếp sau nữa ý, đền bù cho tui, cậu phải là người đeo đuổi tui trước. Nhưng ban đầu tui không thèm thương cậu đâu, tui thương một người khác như cậu thương Trâm nè, sau đó cậu cua chán chê tui mới chịu ưng."
Mợ sụt sịt ra điều kiện, cậu ừ ngọt ngào. Rạng sáng hôm sau cậu sang cáo lỗi với mợ Trâm, cậu gãi đầu gãi tai kêu cậu nỡ nợ mợ Chi rồi, chắc chẳng rước được Trâm nữa đâu, đành hẹn Trâm qua hai kiếp vậy. Mợ Trâm bụm miệng cười tủm, lâu lắm mới thấy cậu cả dễ thương đến vậy, mợ làm bộ nghiêm túc bảo.
-"Chịu thôi cậu ạ, tại tui với cậu hai hẹn nhau đời đời kiếp kiếp rồi."
Cậu cả ngớ người, nhưng cậu cũng chẳng bận tâm mấy, Trâm hẹn nó mấy kiếp kệ Trâm, cậu giờ có Chi rồi, cậu còn phải trả mợ đứa nhỏ bị mất đây này. Cậu mợ lao động quần quật hăng say, mãi một năm rưỡi sau mới có tin mừng. Thời gian đó mợ thấp thỏm ghê lắm, nhưng bu mợ dạy đúng thật, mình cứ sống thật tốt, không bon chen không tỵ nạnh không hại người, rồi đời mình sẽ toàn chuyện vui thôi.
Đó, mợ sắp có cái hĩm rồi đấy. Mợ đoán thế vì mợ thích ăn ngọt, mợ Trâm đợt này cũng vui, cậu hai sắp về mà. Mỗi lần cậu cả bận học với thầy đồ mợ lại chạy sang làm nũng mợ ấy.
-"Ê, trèo lên hái tui quả hồng xiêm đi!"
-"Mợ thật, bao nhiêu người làm chẳng sai, cứ rình tui thôi. Tui hái cả rổ kia kìa, nốc được nốc hết đi. Xong tránh ra cái, tui còn đang bận."
-"Xi, bận gì mà bận, tui chả biết thừa, mợ cắt giấy dán tường trang trí đón cậu hai về chớ gì? Nhanh nhể? Mới ngày nào cậu khăn gói quả mướp lên đường, mới đó thôi mà đã qua ba cái Tết, nháy mắt cái mợ đã hai mươi, già chua già chát. Sợ cậu chẳng dám nhận mợ nữa ý, hê hê, mà chẳng biết cậu đỗ không nhỉ?"
-"Tui đánh chết cha mợ bây giờ, ăn sằng nói bậy. Cậu đậu hay không tui chẳng quan tâm, cu tí được xoá phận hèn tui mãn nguyện rồi, còn tui ở lều lá cả đời cũng được, miễn ở với cậu."
-"Ui cha cha, lãng mợn...lãng mợn quá a..."
Một mợ lườm nguýt, một mợ cười khúc khích cười. Cô Mõ ghé qua sang sảng nhắc nhở, ô hay các mợ mải buôn không nghe thấy chuông đình à mà còn đứng đó. Cái chuông ấy, chỉ vang lên khi có việc gì trọng đại lắm thôi, lần gần đây nhất kêu là dịp cậu cả đỗ thi Hương mấy năm trước. Hai mợ há hốc nhìn nhau, đoạn cuống quít kéo nhau ra đình, ôi chao ôi, đông gì mà đông dữ tợn?
Làng trêu xóm dưới bu nhau chật kín sân, nghe đồn quan lớn về. Mợ Chi mợ Trâm đến muộn chỗ đứng cũng chẳng còn, đành rủ nhau trèo lên đống rơm đằng sau, từ đó nhòm vào phía trong thấy quan đang chào các bô lão, nôm na hỏi thăm bà con năm nay mùa vụ thế nào, rồi nghe bảo giống ngô mới bị sâu bệnh tấn công có ảnh hưởng nhiều đến sản lượng không?
Mọi người đua nhau đáp lời quan. Trò chuyện một lát thấy đông đủ rồi, quan mới e hèm trình bày vắn tắt, rằng trong kì thi Đình vừa rồi làng ta có người đỗ cao, bên văn đỗ hạng ba, ông Thám, tức Thám Hoa, bên võ đỗ đầu, Đình Nguyên, hay dân gian còn gọi là ông Trạng.
Tin tức lan ra, cả đình nhao nhao. Có người tay bắt mặt mừng, có kẻ lại băn khoăn suy đoán hay do quan già nên nhầm? Cũng phải thôi, râu tóc bạc phơ thế kia lẫn là chuyện bình thường. Quan cười hiền, hắng giọng trịnh trọng thông báo.
-"Võ Trạng Nguyên năm nay tên Lâm, thuộc dòng họ Phạm, thân phụ Phạm Kim, thân mẫu Lê Hồng Phúc. Thưởng xã Đại Cường mười hòm vàng ròng, hai giương lụa cấp cao, ba chục ngựa tốt, năm chục trâu khoẻ...thưởng thôn Kim Giang mười lợn mười bò mở tiệc ba ngày ba đêm..."