Kẻ bước ra là hai thiếu nữ ăn mặc theo lối Mông Cổ tay xách đèn bão, khi thấy Liễu Mi đến phủ phục quì ngay xuống, với giọng nói oanh vàng thô thẻ bằng Hán ngữ rằng:
- Bọn nô tì chờ đây đã lâu, nay kính mời phương giá Nương Nương vào trong nghỉ ngơi!
Tỉ Vương vốn là nhân vật thần kỳ quỉ dị tuyệt luân, giỏi về dị dung thuật, hai thiếu nữ Mông Cổ này đây, không chừng lại là trò ma quái của y cũng nên, nhưng Liễu Mi tinh mắt, lúc này nhận ngay ra hai thiếu nữ trước mắt mình đây quả là phái nữ trăm phần trăm, cổ không thấy cục yết hầu, da trắng mịn, cử chỉ khoan thai yểu điệu. Vậy là Tỉ Vương có giỏi đến đâu cũng không thể nào hóa trang đến mức như thế được.
Liễu Mi bỗng lên tiếng quát:
- Hãy đứng dậy! Trong kia còn có ai nữa không?
Hai thiếu nữ thất kinh, một nàng lật đật đáp ngay:
- Dạ thưa chỉ có hai nô tì chờ hầu Nương Nương tại đây ngoài ra không còn ai nữa...
Vừa nói hai thiếu nữ vừa cung kính khom mình lùi dần vào trong để dẫn nàng Liễu Mi vào. Bên trong trang hoàng sang trọng, mùng mền gấm vóc, vật dụng sẵn sàng, hầu như đầy đủ tiện nghi, trong cách bày xếp không những thứ tự mà lại còn đẹp, lúc này nàng ngửi thấy mùi thịt dê và rượu ngon đang bay toả khắp trong lều, thì ra giữa lều, một hỏa lò nho nhỏ đang nấu sẵn một tả pín lù (cù lao) mùi thơm nghi ngút. Liễu Mi cám thấy đói bụng và thèm ăn lạ, mắt thấy hai thiếu nữ đi cạnh lăng xăng lo hầu hạ. Liễu Mi bước lại nằm trên sàng êm ấm, nàng đang kinh ngạc với tất cả sự việc đang xảy ra trước mắt, khi hai thiếu nữ Mông Cổ lo bưng rượu thịt đến, nàng nghĩ thầm: có nên ăn hay không? Không dám mạo hiểm, nhưng nàng có ngay hai thiếu nữ làm vật thí nghiệm.
Giờ đây, Liễu Mi muốn cho vững bụng, xem coi hai thiếu nữ này có phải là thiếu nữ thực sự không? Lập tức hống hách với tư cách Nương Nương hạ lệnh cho hai nàng tuột luốt hết áo quần đang mặc trên người, còn phần mình nằm trên sàng lo thưởng thức... Hai thiếu nữ quả nhiên tuân lệnh ban, cởi hết áo này sang đến áo nọ, cuối cùng cả hai thân thể lõa lồ và trần truồng như nhộng mới đứng im để chờ lệnh.
Sau khi Liễu Mi nhận rõ hết bí mật của hai nàng, nàng cũng phải khen thầm trong bụng là đẹp, và hết nghi là trai giả gái. Lúc này chỉ thấy hai thiếu nữ nhan sắc này, tuy đứng trước mặt người đồng phái - Đàn bà - hai nàng cũng cảm thấy thẹn thuồng, nhưng không dám tỏ vẻ gì là oán hận, trái lại còn vô cùng cung kính đứng chờ lệnh.
Liễu Mi ngầm cảm thấy ăn năn, vội bảo ngay hai nàng mặc áo lại chỉnh tề, một nàng lo đứng hầu cạnh Liễu Mi, nàng kia lo cho lạc đà ăn uống. Liễu Mi đưa ngay rượu thịt cho thiếu nữ ăn trước, nàng chờ một lúc không thấy có gì lạ, mới yên trí ăn uống. Khi ngang dạ, Liễu Mi mới bắt đầu hàn huyên với cô Mông Cổ đứng hầu cạnh. Thiếu nữ kể nguyên do, nàng tên gọi Khiêm Ba Nương, người xứ Mông Cổ, vì đi làm ăn tại Bách Linh Miếu, nên biết nói tiếng Hán. Bách Linh Miếu vốn là một thành phố nhất nhì của Mạc Bắc, một nơi tập trung cả hai sắc dân Hán và Mông, những ngôi miếu tự Lạt ma được mọc như nấm, nhan nhản khắp nơi, ngôi miếu lớn nhất được thờ Thiên Đế, theo lệ đã truyền từ lâu đời, Thiên Đế là tượng trưng cho thần quyền tối cao vô thượng, để làm hài lòng thần thánh, người ta đã tạo ra và cử hành rất nhiều trò nghi lễ quái đản, như về chuyện phúng tế, xưa kia từng bắt người sống để phúng tế, kẻ được tuyển phải là trinh nữ mỹ miều, sau khi Lạt ma tuyển chọn và được sự đồng ý của gia trưởng thiếu nữ, miếu tự sẽ phát ra một số tiền khá lớn, một nửa làm tiền sính lễ, còn lại nữa nọ sẽ đem dùng hết vào cuộc hôn lễ giữa người và thần, những thiếu nữ bị tuyển trúng sẽ được xưng ngay Thiên Hậu Nương Nương, và được đưa ngay vào thần miếu ăn chay tắm sạch, một mặt trang phục đặc biệt đã dành cho Thiên Hậu Nương Nương để tiếp nhận cuộc chiêm ngưỡng của hàng vạn tín đồ.
Ngoài sự đau khổ của mỹ nữ phải đóng vai Thiên Hậu Nương Nương ra, có thể nói là không ai lại không vui mừng, điên cuồng, thậm chí là gia trưởng của Thiên Hậu Nương Nương cũng hăng vui như mọi người bản xứ, phần thì họ được một số tiến khá đáng kể, phần khác là họ cảm thấy vinh dự là có thể kết thân gia với thần linh, tuy trong lòng cũng thương tiếc con, nhưng thây kệ! Danh dự với lợi lộc trên tất cả. Sau khi chuẩn bị cho chu tất cả tháng trời, mới quyết định ngày cử hành đại lễ, lẽ dĩ nhiên các tín đồ bốn phương tấp nập kéo về để dự lễ, trước bức thần tượng của Thiên Đế vĩ đại ấy, có sẵn một bình đài bằng đá nhẵn, trên chất đầy củi khô, và trong tiếng niệm kinh của hàng ngàn tăng Lạt ma và những tiếng chiêng trống rung vang rền ấy. Thiên Hậu Nương Nương được người khiêng đặt lên trên bình đài bằng đá mà đã chất sẵn cỗi khô ấy, trước sự chứng kiến của hàng ngàn, hàng vạn tín đồ ấy, dưới mặt bình đài được châm lửa thần, và ngọn lửa thần đã liếm hết toàn xác sống của người trinh nữ, và cuộc lễ tế sống cho thần được kể như chấm hết.
Luật tế sống trinh nữ này, mãi đến ba chục năm trước đây mới được một vị cao tăng Lạt ma là Tang Kim đại sư ở Tích Bách Linh Miếu ra lệnh phế bỏ. Chẳng bao lâu Tang Kim đại sư quan bế (cũng như tu kín). Và gần đây tin tức trong giới thần tự chùa chiền truyền ra, nói là Tang Kim đại sư công hành viên mãn quyết định vào mùng mười Tết đây, sẽ cử hành lễ Nhục thể thành Phật, Phi thăng chứng đạo, đồng thời lại cũng truyền ngay ra pháp dụ, phải tìm ngay một trinh nữ mỹ miều thông minh, để làm lễ kết thân với thần. Một cuộc lễ về tục lệ tế sống đã phế bỏ ba chục năm trời, nay lại được cử hành, tin đã được truyền hầu khắp miền Mạc Bắc, phỏng đoán đến ngày mùng mười Tết tới đây, Bách Linh Miếu thế nào thiên hạ sẽ kéo đến đông như kiến cỏ. Các bậc nhân sĩ của cả hai sắc dân Hán và Mông, tuy không muốn xem cảnh xuất giá của Thiên Hậu Nương Nương, nhưng ai mà không muốn đến dự lễ Nhục thể thành Phật của Tang Kim đại sư phi thăng.
Nàng thiếu nữ Mông Cổ Khiêm Ba Nương nói tới đây ngừng luôn không nói nữa, thiếu nữ liếc trộm nhìn Liễu Mi, và như có một cảm tình thương tiếc cho hoàn cảnh của thiếu nữ tuyệt sắc người Hán này.
Nghe xong câu chuyện, Liễu Mi suy nghĩ và phân tích, rõ ràng lại trò múa rối của Tỉ Vương ma quân, hắn đã lợi dụng đến lực lượng của tôn giáo, để huyền hoặc lòng người, nào thần linh kết thân nào nhục thân đắc đạo, e toàn trò bịp đời đây cũng nên. Nếu báo vị Tang Kim đại sư là vị cao tăng đắc đạo, tiếc thương cho các cô con gái bị hy sinh vô lý, đã ra lệnh phế bỏ tệ đoan, cớ sao nay lại nuốt lời để giở lại trò xuất giá của Thiên Hậu Nương Nương, nhất định đã có mờ ám gì trong này.
Hoặc vị Tang Kim đại sư lúc này cũng đang bị sự kềm tỏa của Tỉ Vương, thậm chí vị lão tăng Lạt ma này đã chết rồi, và nay lại có một kẻ giả mạo đứng ra thay thế. Nhưng có điều khiến cho Liễu Mi nhức óc suy nghĩ nhất là dụng ý của Tỉ Vương ma quân thật khó hiểu vô cùng, tên ma đầu này muốn thao túng tất cả quần hào trên giang hồ, để so tài với Độc chỉ Thôi Bác của miền Trung Nguyên, nhưng tại sao y lại tìm đến một miền xa xăm như xứ Mạc Bắc này kìa? Đã thế lại còn lợi dụng đến tôn giáo, phải chăng y đã cố tình bày bố kế nghi trận của mình để che tai mắt thiên hạ, hay còn thâm ý gì sâu sắc hơn nữa?
Dù cho Liễu Mi có thông minh tuyệt vời đến đâu đi nữa, cũng không làm sao hiểu nổi được toàn bộ kế hoạch của Tỉ Vương được?! Nhưng có thể phỏng chừng, đây quả là một âm mưu rộng rãi của kẻ địch thủ, và nhất là Tỉ Vương không phải là kẻ điên cuồng gì, xử việc lại rất có thế ngăn nắp! Càng thấy những việc rối rắm bí mật này xảy ra, càng chứng tỏ rõ trí tuệ siêu việt của Tỉ Vương, chỉ nội việc chỉ huy ngấm ngầm các quần hào nghe lệnh cũng đủ thấy lợi hại rồi! Liễu Mi nghĩ vậy, tự biết trí lực của mình còn chưa sánh nổi với Tỉ Vương, nhưng vì lòng háo thắng, nàng lập ý tương kế tựu kế, để tự lấy thân mình ra làm mồi nhử.
Lúc này, tuy đôi mắt của Khiêm Ba Nương nhìn trộm Liễu Mi, nhưng đã không sao tránh khỏi tia nhìn sắc bén của cô thứ nữ Thanh Thông Bang này được, Liễu Mi ngầm nhủ lòng: Kể ra cô bé Mông Cổ này cũng giàu lòng từ bi thật, cũng biết tiếc thương cho Liễu Mi mình, nhưng nào nàng đâu có hay ta đang tương kế tựu kế với địch!
Liễu Mi lên tiếng:
- Vậy hai người xưng hô với ta là Nương Nương, vậy có phải là đã tuyển trúng ta để làm Thiên Hậu Nương Nương không?
Khiêm Ba Nương gật đầu, Liễu Mi sực nghi ngờ đến một điểm, và cũng chính là một điểm khiến nàng băn khoăn. Nàng cố ý tươi cười rằng:
- Nhưng rất tiếc các ngươi đã tìm nhầm người, các ngươi chả cần tìm đến trinh nữ sao? Nhưng ta đâu phải người còn trinh nữa đâu!
Quả nhiên Khiêm Ba Nương mắc mưu và tiết lộ bí mật, chỉ nghe cô bé Mông Cổ này ngửng đầu rằng:
- Dạ không! Nương Nương quả là gái trinh nữ. Bọn nô tì đều biết rõ hết.
- Làm sao các ngươi dám quả quyết như vậy? Bộ không sợ tội nói điêu sao?
- Dạ đối với vấn đề này, trong tự đã tiến hành công việc rất cẩn thận! Nếu chưa hề khám nghiệm kỹ lưỡng, dẫu cho có đẹp hơn chị Hằng đi nữa, khi đã mất đồng trinh, quyết không bao giờ đủ tư cách để đi làm Thiên Hậu Nương Nương!
Sau câu nói này, Liễu Mi chợt nhớ đến đêm mà đấu nhãn lực với Thượng Quan Linh giả tại nơi sa mạc, sau cơn hôn mê dài tỉnh lại, nàng phát giác giải rút (dây lưng) đã bị cởi, sau khi nói tránh với Nam Bút và Sở Canh thay quần áo, nàng đã tìm hiểu ngay vấn đề quan trọng của mình, nhưng may phước chưa hề gì. Bây giờ nghĩ ra, chắc tên Tỉ Vương chết bằm ấy đã tiến hành một cuộc khám nghiệm bí mật trên người mình. Cũng may là hắn chưa làm nhục mình, nếu không, làm gì mình còn mặt mũi sống trên trần gian! Liễu Mi lúc này lại nghĩ cách phải mau mau tiến hành công việc tìm kiếm Thượng Quan Linh trước rồi mọi việc sẽ lo sau. Nghĩ vậy nàng bèn khôn khéo cậy miệng của nô tì người Mông Cổ, hỏi xem là mệnh lệnh của ai đã đưa ra đây, để đón nàng như thế.
Lúc này cô thiếu nữ lo cho lạc đà ăn kia đã bước vào lều và cả hai đều cho Liễu Mi hay chuyện, số là hôm mùng một tết, tại Bách Linh Miếu đã phát ngay ra một thông cáo nói là đã tuyển được Thiên Hậu Nương Nương và người trúng tuyển này là cô gái Hán tộc, nay đang du hành nơi bãi sa mạc, và Thần Miếu tức khắc phái hẳn ra hai mươi đoàn người lo đi nghênh đón, và đều chuẩn bị sẵn lều và thức ăn uống, chia nhau đóng rải rác khắp chu vi của miền sa mạc là ba trăm dặm, để cung hầu cho Thiên Hậu Nương Nương làm những trạm nghỉ ngơi trong suốt cuộc hành trình.
Mà hai thiếu nữ Mông Cổ này, chính lại là một trong đoàn người có nhiệm vụ đi đón Thiên Hậu, nào ngờ mới tới đây không lâu thì gặp Nương Nương giáng lâm. Liễu Mi thầm nghĩ, đêm nay mới mùng ba Tết, mình rời khỏi Lãnh Ưng Trang vào ngày mùng một Tết, làm sao Bách Linh Miếu loan truyền tin nhanh như thế! Chắc trong Lãnh Ưng Trang, Tỉ Vương đã nhắm trước ngay mình từ đầu, cũng chẳng hiểu y đã dùng phương pháp gì mà truyền tin mau chóng để khiến cho người Bách Linh Miếu tự phái người ra nghênh đón khắp cuộc lộ trình. Dụng ý của Tỉ Vương ma quân muốn gì đây?
Không lẽ chính y lại muốn cho mình trở thành Thiên Hậu Nương Nương? Hay có quỉ kế âm mưu khác? Liễu Mi không làm sao tìm ra câu trả lời hợp lý. Nàng lại chuyển ngay sự lo lắng về phía Thượng Quan Linh, bèn gạn hỏi hai tì nữ, nhưng chúng không biết gì về Lãnh Ưng Trang, và chỉ biết là họ đang nhận sự chỉ huy của một quản sự Lạt ma của Bách Linh thần tự, và họ đã cho biết cách ăn mặc, diện mạo của Liễu Mi, và giao ngay nhiệm vụ nghênh đón Thiên Hậu Nương Nương tại vùng sa mạc, ngoài ra không còn hay biết gì hơn.
Liễu Mi thất vọng, nhưng biết hai thiếu nữ Mông Cổ này đều khai thật tình, nàng đành thở dài. Về hai cô gái Mông Cổ này rất ngạc nhiên về thái độ của Liễu Mi, Thiên Hậu Nương Nương sẽ bị thiêu sống vào mùng mười tới đây, thế mà cô gái người Hán này vẫn ung dung như không hề sợ hãi gì. Lạ thật!
Một đêm vô sự trôi qua.
Sáng hôm sau, khi ăn uống chuẩn bị xong xuôi, Liễu Mi đã quyết ý đi thám thính Lãnh Ưng Trang một chuyến để được tin đích xác của Thượng Quan Linh.
Lúc này, hai thiếu nữ bước lại quì bẩm:
- Kính thỉnh Nương Nương sửa soạn khởi trình về Bách Linh Miếu!
Liễu Mi mỉm cười và cự tuyệt, hai thiếu nữ càng quì lạy lục như tế sao, và xin được theo sát Nương Nương để hầu hạ, và đều cảm thấy như vậy mới vinh hạnh cho họ.
Nhưng Liễu Mi đoán hiểu ngay đến ý nghĩ thầm kín của họ, chẳng qua chúng muốn được một số phần thưởng xứng đáng với Bách Linh Tự hay trái lại, sẽ bị trừng phạt về tội tiếp đón sơ suất với Thiên Hậu. Lúc này thấy hai người quì lạy rối rít Liễu Mi vừa bực mình vừa tức cười, nàng mặc kệ, leo ngay lên lạc đà nhằm về hướng Lãnh Ưng Trang khởi trình. Hai thiếu nữ vội chạy lại níu kéo, Liễu Mi nổi giận, khẽ giơ chưởng phất ngã hai người nằm lăn dưới mặt cát!
Hai thiếu nữ Mông Cổ lúc này mới ngã ngửa ra là Nương Nương cũng là người biết võ nghệ như một bậc nữ hiệp, cả hai vội chạy vào trong lều, Liễu Mi đi được một chập, chợt nghĩ thế nào hai con bé ấy cũng tìm cách báo tin, để xem coi chúng làm cách nào. Liễu Mi quay nhìn lại quả nhiên thấy hai thiếu nữ, tay đang cầm một cẩm nang màu đen, hình như có vẻ rất cung kính bước đứng trước lều, lẩm bẩm như đang khấn vái. Thình lình trong bao cẩm nang đen, bay vọt ra một vật, Liễu Mi vội chăm chú, lấy làm quái lạ vô cùng, thì ra là một con rắn đen dài ước năm sáu tấc, bay lanh lẹ lạ lùng. Liễu Mi vốn là người hiểu biết khá nhiều, nàng hiểu ngay đây là một loại độc trùng được gọi là Phi xà (rắn bay) của miền trại ngoại, loại rắn này hành động cực nhanh, tính độc dữ, nàng tính dùng ám khí đánh chết ngay con Phi xà, nhưng trong lúc bất thình lình này, trong tay không có một ám khí gì để sử dụng, mắt đành nhìn theo rắn bay mất dạng, trong lòng nàng tự trách mình đã thất sách.
Nàng quay đầu đi ngay về hướng đã định của mình - Lãnh Ưng Trang. Vào gần giờ ngọ, trên bãi sa mạc chập chùng bỗng có âm thanh quái lạ truyền đến. Nghe kỹ, toàn là tiếng trống chiêng pháp khí của nhà chùa, âm thanh từ trong hoang mạc dần dần truyền tới, tiếng nghe lanh lảnh và khiến cho người ta phải hồi hộp rạo rực trong người. Liễu Mi cảm thấy âm thanh kinh người này mỗi lúc một tiến về phía mình, biết có chuyện... vội cho lạc đà lướt lên một gò cát cao để quan sát. Chỉ thấy một đoàn trăm người đang tiến tới, có ngựa và lạc đà, số đông đến gần trăm người, cả nam lẫn nữ, đàn ông mặc tăng y, tay cầm pháp khí trống, chiêng, kèn, đủ loại, các thiếu nữ đều ăn mặc theo lối nàng Khiêm Ba Nương. Càng kỳ lạ hơn nữa: trong đám người ngựa này đang lo đẩy kéo theo một chiếc mã xa hoa lệ, Liễu Mi nhìn kỹ, trên xe màn gấm được vén gọn gàng đẹp mắt, bên trong không có người Liễu Mi đã hiểu rõ ngay là gì, trong bụng thầm kêu khổ.
Liễu Mi tính thầm, đám người này tất nhiên là bộ hạ của Tỉ Vương ma quân, nhưng không biết trong số này có cao thủ nào không? Thế nào cũng không tránh khỏi một trận giao tranh nảy lửa. Soạt một tiếng, Liễu Mi rút kiếm đứng chờ đợi địch! Ánh kiếm nhoáng nhoáng của Liễu Mi, khiến cho đoàn người lập tức phát hiện, tiếng tù và báo động vang lên, có ba mươi kỵ mã lập tức rầm rập phóng ngay đến gò cát của Liễu Mi và mở ngay một cuộc bao vây xung quanh.
Một đại Lạt ma dẫn đầu ngồi trên yên ngựa, cung kính cúi mình bẩm với Liễu Mi rằng:
- Bần tăng Pháp Đô, giữ chức giám tự trong Bách Linh thần tự, nay phụng pháp dụ của chủ trì Tang Kim đại sư đặc biệt chuẩn bị pháp giá để nghênh đón Thiên Hậu Nương Nương về thần tự...
Liễu Mi bật cười rằng:
- Này Pháp Đô lạt ma! Thế ngươi có biết bản cô nương đây là ai không?
Pháp Đô cung kính trả lời:
- Mong Nương Nương tha tội cho bần tăng quả không biết gì về lai lịch của Nương Nương!...
Liễu Mi dõng dạc rằng:
- Vậy lũ ngươi hãy ngoáy tai nghe cho rõ đây: bản cô nương dây là ái nữ của Thanh Thông Bang miền Trung Nguyên danh đã từng vang động khắp trên giang hồ, giết quân gian ác không biết bao nhiêu mà kể, e lũ ngươi đều bị thong manh đui mù hết sao mà đi tìm Thiên Hậu Nương Nương lại cả gan dám tìm đến bản cô nương ta, chuyện nực cười thật... Nay bản cô nương cũng tạm mỡ một cửa lưới, niệm vì tội lũ ngươi vô tri, vậy có khôn hồn thì cút nhanh hết, chớ dại mà chọc tức bản cô nương, nếu không những đầu của lũ ngươi sẽ rụng hết như sung chín nhũn bây giờ!...
Liễu Mi tưởng đâu với danh nghĩa lừng lẫy của Thanh Thông Bang, miền quan ngoại này thế nào chả biết tiếng tăm, đối với đám tăng Lạt ma này, chắc gì mà chẳng kiến hiệu.
Nào hay trái hẳn ý nghĩ của Liễu Mi, đám phiên tăng Lạt ma nghe xong cũng chẳng coi vào đâu, chỉ cười nhạt và nói:
- Nương Nương đã là người xuất thân nơi danh môn như thế, quá thật đại hạnh cho ngã Phật, đám bần tăng đây cũng được danh dự lây theo. Nay chuyên thành lại đón rước Nương Nương, vậy xin ngài ban ngay pháp giá khởi trình về thần tự.
Lúc này, xe giá đã đến ngừng ngay dưới dốc gò. Pháp Đô lạt ma đưa tay ngoắc dấu, bốn tên tì nữ Mông Cổ hấp tấp khuân ngay ra một tấm thảm đỏ chói, từ xa giá trải tuốt lên đến trên gò, bốn thiếu nữ trải xong bèn cung kính bẩm rằng:
- Kính thỉnh Nương Nương pháp giá đăng xa!
Nàng biết không thể nào tránh khỏi một cuộc xô xát đẩy ngay con lạc đà của mình xuống gò và lớn tiếng quát:
- Pháp Đô! Bản cô nương thật không thích làm Thiên Hậu Nương Nương, vậy ngươi tính sao?
Pháp Đô chắp tay rằng:
- Phàm sự đều do thiên định, huống hồ đây là việc Thần tình kết thân, mà thiên hạ ai chẳng cầu mong một danh dự này, nay danh phận đã định, kính mong Nương Nương chớ nên cố chấp...
Liễu Mi thản nhiên lạnh lùng rằng:
- Ta không tin kẻ xuất gia lại dùng thủ đoạn cưỡng ép người ta như thế!
Dứt lời tính dẫn lạc đà đi luôn.
Pháp Đô lạt ma ngước ngay lông mày xếch của mình, chắp tay chưởng lại nói:
- Bần tăng phụng mạng hành sự, dù thế nào cũng phải thỉnh mời Nương Nương pháp giá, nếu ngài đã cố chấp như thế, xin đừng trách là bần tăng giở trò hỗn láo!
Nói dứt tiếng, ngoắc tay ra dấu, toàn đám Lạt ma, vội vàng từ trong áo cà sa giở đao ra, thúc ngựa vây sát vào ngăn trở ngay lối đi. Liễu Mi cả giận, chợt nàng hét vang lên một tiếng, trên lưng lạc đà nàng phi bổng ngay thân lên, cướp đánh ngay tên Lạt ma đứng trước trong bọn, vung ngay ngọn chưởng, kình phong thình lình phát ra, vị phiên tăng nọ lập tức ngã nhào ngay xuống người. Một cảnh ngựa hí người la bắt đầu náo động tưng bừng, Liễu Mi nhanh tay đoạt ngay ngựa, vừa tính xông khỏi vòng vây. Bỗng nghe một tiếng quát phía trước, thân hình hộ pháp của Pháp Đô đã lù lù ngay trước mặt, và giơ tay ra để bắt. Liễu Mi chỉ thấy y hai tay không xấn vào một trận một cách hùng dũng, chứng tỏ vị Lạt ma này có ngọn nội ngoại công cực mạnh đây. Liễu Mi chột dạ, vội phi thân nhảy tung ngay xuống đất!
Pháp Đô quát lớn:
- Xuống ngựa hết!
Đám Lạt ma đua nhau tụt xuống ngựa, giơ ngay giới đao chặn hết các đường!
Liễu Mi cả điên tiết, nàng tính mỡ cuộc đại tàn sát, vung ngay một đường kiếm quát lớn:
- Pháp Đô! Có dám tỉ thí với bản cô nương ta không? Nếu ta thắng ngươi thì liệu tính sao với ta!?
Pháp Đô vẫn cung kính rằng:
- Nương Nương dẫu có giết chết bần tăng đi nữa, các bộ hạ của bần tăng đây vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ cung thỉnh Nương Nương pháp giá hồi thần tự...
Liễu Mi thất vọng trong lòng, hét rằng:
- Vậy hãy rút ngay binh khí ra mau!
Pháp Đô ngửng đầu cung kính:
- Dạ bần tăng không dám gây thương tích đến ngọc thể của Nương Nương, bần tăng xin dùng tay không để hầu với Nương Nương vài đường vậy!
Liễu Mi bung vọt ngay thân sang, kiếm giơ thẳng tắp nhắm ngay trước ngực Pháp Đô dấn tới, nhưng vị Lạt ma này không hề nhúc nhích, thứ nữ Thanh Thông Bang vội biến ngay thế đánh thành Băng xuyên đảo tả (núi tuyết đổ ngược), mũi kiếm khiêu nhích hẳn lên. Mắt thấy tính mạng của vị phiên tăng khó lòng mà giữ nổi, ngay trong thời gian tóe lửa ấy, ngọn chướng của Pháp Đô đã lồng lên như một làn điện! Ào một tiếng, kình phong bén nhạy tuyệt luân, ngọn kiếm đang thắng thế của Liễu Mi, thình lình bị ngọn kình phong đánh bật ngược ra! Liễu Mi không ngờ miền quan ngoại lại có tay cao thủ cừ khôi này, nàng cố thận trọng lo đối phó, vội vàng giở ngay đến kiếm pháp linh động tuyệt diệu để đánh thật gấp.
Nhoáng mắt bảy tám hiệp đã trôi qua, nhưng tên Pháp Đô vững vàng như núi Thái Sơn, chỉ thủ thế mà không hể trả đòn, mặc cho nàng Liễu Mi đánh tới tấp, đôi mắt Pháp Đô theo dõi, chờ cho nhận được chận binh khí của nàng. Sau mười hiệp, Liễu Mi lo ngay một kế khác, công lực của phiên tăng này quả nhiên đã ăn đứt mình, nay người ta chưa ra tay, nếu không mình ắt khó tránh khỏi thua trận. Thứ nữ Thanh Thông Bang vừa đánh vừa lo tìm cách để gỡ kế.
Đang lúc này Liễu Mi lo suy nghĩ và thế đánh bắt đầu chậm dần ấy, Pháp Đô bỗng lên tiếng:
- Thưa Nương Nương, thời gian cũng không dư mấy, bần tăng chỉ có thể hầu chừng ba chục hiệp với Nương Nương là cùng, sau ba mươi hiệp, bần tăng phải mạn phép ép Nương Nương pháp giá hồi thần tự...
Liễu Mi tính thầm ngay trong bụng và cười rằng:
- Sao nhà ngươi có vẻ hách dịch thế, vậy bản cô nương thử xem sao khi mãn ba mươi hiệp, ngươi dùng cách gì để bắt ta cho biết?
Pháp Đô không nói thêm gì, ánh mắt sáng hẳn lên, miệng lẩm bẩm lo đếm theo hiệp đánh, khi vừa dứt hiệp thứ ba mươi, thình lình quát lớn tiếng:
- Xin Nương Nương tha tội mạo phạm cho bẩn tăng.
Tiếng chưa dứt, toàn thân đã vèo nhanh đến phía sau, vận chỉ điểm ngay vào sau lưng Liễu Mi. Pháp Đô ra tay nhanh như gió, Liễu Mi biết không làm sao tránh khỏi, và biết ngay cả nơi mà đối thủ sẽ điểm ấy là Tiếu yêu huyệt (huyệt cười nơi eo), nàng nghĩ thầm: vị phiên tăng này kể ra cũng biết lễ phép nam nữ thọ thọ bất thân cơ đấy, chuyển ra sau lưng mình để điểm huyệt, khi chỉ phong ép tới, lại e ngại đường đột đến mỹ nhân, cấp tốc thu ngay thế điểm thành thế vỗ nhẹ vào Tiếu yêu huyệt. Nhưng oai lực của cái vỗ này đâu phải tầm thường gì, những hạng đệ nhất trong làng cao thủ, khi ra tay đâu có đời nào bất tỉnh nhân sự ngay... đã là cao thủ, khi ra tay đâu có đời nào bị sai lệch mảy may nào, nhưng không ai có học đến chữ ngờ trên đời, tay phải của Pháp Đô vỗ vào huyệt, tay trái đồng thời giang ngay ra để phòng hờ đỡ ngay thân hình bất tỉnh của vị Thiên Hậu Nương Nương!
Trong thời gian mau như tóe lửa ấy, huyệt đạo của Liễu Mi đã bị điểm trúng. Quái lạ! Nàng không bị ngã chỉ thấy nàng cười gằn, thuận tay vung kiếm bửa ngay ra! Bục một tiếng, Pháp Đô cũng không thể nào ngờ, bả vai bị trúng kiếm, máu phun xối xả. Quí vị biết tại sao nàng Liễu Mi lại thoát được ngọn điểm huyệt một cách thần tình như thế, thì ra trong người Liễu Mi đã mặc chiếc áo giáp đại nội kỳ bảo Chân châu lũ kim sam, nhờ báu vật ấy mà giữ thân và cũng lừa được vị phiên tăng Pháp Đô, trở ngay thế bại thành thắng. Báu vật này, trước kia trên Lãnh Hương Điện ở Mặc Phụ Sơn, từng được thế tử Chu Hoàng (tức Hầu Hạo) dùng làm áo ngự địch, và nổi bật trong trận huyết chiến kịch liệt, Liễu Mi thấy thích quá, mân mê chiếc áo mãi, hai huynh muội Chu Hoàng bèn thỉnh mạng với Độc chỉ Thôi Bác đem tặng ngay chiếc áo giáp này cho Liễu Mi, và cũng kể như một lễ vật ăn hỏi cho chàng Thượng Quan Linh.
Pháp Đô lạt ma nào hay chuyện này, nay bị thương nặng trên bả vai, đau đớn khiến y la hét ỏm tỏi. Hai mắt trợn tròn, không hề vì vết thương nặng mà lùi bước, trái lại ung dung bước bừa vào trận, Liễu Mi chưa từng thấy ai lại hung dữ đến thế, thật trông Pháp Đô lúc này không khác gì một hung thần ác sát giáng thế, nàng khớp người thụt lùi dần từng bước về sau. Thình lình phía sau, các thủ hạ của Pháp Đô, mạnh tay quăng ngay ra một vật, trúng ngay vào bắp vế của Liễu Mi, nàng ngã khụy ngay xuống, Pháp Đô nhanh như cắt đưa hai tay ra chụp ngay thân Liễu Mi, thuận thế hất tung ngay nàng đi... mọi người chỉ thấy cỗ liễn xa khẽ rùng mình, thì ra toàn thân nàng Liễu Mi đã bị quăng ngay vào liễn xa êm ả! Pháp Đô lúc này một tay bụm chặt vết thương, miệng quát lệnh khởi trình.
Trên liễn xa Liễu Mi rối quýnh lên, đang tính vùng vẫy bỗng thấy phía trước mặt nhoáng lên một ánh màu vàng và bay tuốt ngay vào lòng Pháp Đô lạt ma, Lạt ma tinh mắt, nhận ngay ra đó là con phi xà màu vàng chói, chỉ thấy tên Pháp Đô có vẻ cung kính chìa ngay hai bàn tay hộ pháp ra, con rắn vàng ấy lướt ngay xuống, nằm khoanh trên bàn tay của Pháp Đô và ngóc đầu lên le lưỡi, trông động tác rắn kỳ dị vô cùng.
Từ dưới bụng rắn, Pháp Đô gỡ ngay ra một quyển thư nhỏ và mở ra xem, Liễu Mi đoán, con rắn màu vàng này có thể là tin sứ (sứ thần đưa thư) đang truyền lệnh tuyên bố của Tỉ Vương Ma Cung. Quả nhiên đúng với ý phỏng đoán của Liễu Mi, sau khi Pháp Đô xem xong, lấy ra một bao cẩm nang, bỏ ngay con rắn màu vàng vào trong, và bước ngay lại liễn xa, chắp tay rằng:
- Dạ bẩm vừa nhận được lệnh, trong thần tự đã biết tin Nương Nương đi Lãnh Ưng Trang để thăm một người tên gọi Thượng Quan Linh...
Liễu Mi giật thót người, vội hỏi:
- Thế người này hiện còn sống chứ?
Pháp Đô gật đầu rằng:
- Bẩm còn sống, nhưng công lực đã mất, nay bị giam dưới mật đạo của Lãnh Ưng trang viện! Nay chủ trì của Thần tự là Tang Kim đại lạt ma, vừa đây cho phi xà truyền pháp dụ đến, vì muốn tôn trọng Nương Nương, nên đã bằng lòng để Nương Nương đến Lãnh Ưng Trang để gặp mặt lần cuối cùng với Thượng Quan Linh, nhưng sau khi gặp nhau, lập tức phải quay nhanh về Bách Linh Miếu thần tự, vì chớp mắt, sắp đến ngày đại lễ của mùng mười Tết...
Liễu Mi chỉ nghe người chồng chưa cưới của mình chưa chết, có thể nói là nàng mừng đến nỗi suýt ngất người đi là khác, nàng ngồi ngay dậy và lợi dụng ngay tư cách Thiên Hậu Nương Nương hạ lệnh mau đi ngay. Công lực của Pháp Đô quả là hạng tuyệt cao, bả vai bị thương như thế, mà vẫn coi thường, lên ngay ngựa chỉ huy đoàn người tiến thẳng về hướng Lãnh Ưng Trang. Khi trời vào buổi hoàng hôn, đoàn người đã đến ngay Lãnh Ưng Trang, cửa trang lúc này mở lớn, đám nữ tì như những bóng u linh ấy đang xếp hàng nghênh đón. Pháp Đô lạt ma có vẻ thông thạo với trang viện này lắm, chỉ thấy y dẫn Liễu Mi đi vào một cửa hang và nói:
- Kính thỉnh Nương Nương vào trong để tương hội với người bạn Thượng Quan Linh, bần tăng sẽ đứng chờ đợi bên ngoài này, và xin Nương Nương hiểu cho thời gian tối đa là hai tàn nhang, vì sau cuộc thăm hỏi của nương nương chúng tôi còn phải khởi trình ngay suốt đêm nay để kịp về Bách Linh Miếu thần tự.
Liễu Mi cầm ngay đến lòng, tiến ngay vào huyệt đạo ẩm thấp, nàng không biết Thượng Quan Linh ở đâu? Trống ngực đánh thình thịch. Nàng đi được một chặp, thình lình thấy dưới mặt đất, có một đống lù lù trăng trắng, Liễu Mi vội bước lại xem, thì ra là một cỗ tử thi của người tàn phế đã bị mất hai chân, không biết tại sao lại chết tại đây. Không thấy thương tích, cũng chẳng hiểu chết về lý do gì, sau khi thấy cỗ tử thi quái dị này, Liễu Mi càng hoảng hồn, không biết người yêu của mình có bị chung cảnh ngộ như thế này không. Nàng rụt rè tiến thắng đi từng bước, nhưng không nhìn thấy ai Liễu Mi cất tiếng gọi:
- Anh Linh ơi!... Anh... Linh... Em Liễu Mi của anh đây...
Trong hang vắng lạnh và ẩm thấp này, chỉ nghe tiếng hồi âm... dội lại... Bên ngoài mới buổi hoàng hôn, trong này đã tối hù như đêm khuya, khiến người không ớn mà lạnh. Liễu Mi đã đâm lo ngại cho số phận của người yêu, một nơi giam cực khổ như thế, quả thật không làm sao hiểu nổi, nhận xét kỹ về tử thi: từ thân hình tàn phế đã lâu, đến diện mạo, tuổi tác, quyết không thể nào là Thượng Quan Linh được! Nhưng có điều là khuôn mặt của tử thi đây, hao hao giống vị Lãnh Ưng, không những thế mà còn giống luôn hẳn với vị Bắc Ưng Lãnh Lạc mà đã từng ân cần tiếp đãi mọi người! Thôi! Đúng rồi người này mới chính là vị Bắc Ưng Lãnh Lạc thiệt đây! Thì ra Tỉ Vương ma quân đã giam nhốt người ta tại đây với tư cách tàn nhẫn: phế hẳn thân người cho què, công lực mất hết, lẽ đương nhiên làm sao thoát khỏi một nhà lao kiên cố bí mật này, dù cho là kẻ cao thủ tột đỉnh đến đâu nữa, cũng đành chịu ngồi chờ chết. Nhưng có điều quái lạ, từ tất cả các chi tiết mà xét đoán thì vị chủ nhân của Lãnh Ưng Trang rõ ràng đã sống tại động hang này lâu ngày, mà có lẽ ông ta mới chết cách đây không bao lâu, tuy là một nơi ẩm thấp nhưng chiếc áo trắng vẫn còn vẻ sạch tươi.
Trên người tử thi, không còn thêm gì để lại, Liễu Mi không được thêm manh mối gì, nàng không hiểu người yêu mình còn sống hay đã chết? Hiện ở đâu? Nếu chết, lẽ đương nhiên phải có xác để lại đây chứ? Vậy có thể chứng tỏ chàng chưa chết, và chàng đã trốn thoát, khi mà chỉ có độc mỗi cửa động huyệt bằng sắt dày và nặng đã đóng kín, vì trước khi vào Liễu Mi đã để ý và nghe được các âm thanh vô cùng nặng nề của tấm cửa huyệt đạo mà dù cho Thượng Quan Linh có khôi phục được thần lực của mình đi nữa cũng chưa chắc gì đẩy nổi tấm cửa vĩ đại ấy! Vậy chàng đã đi đâu? Nếu quả Thượng Quan Linh đã vào đây! Vậy kể như chàng đã mất tích một cách thần bí lạ lùng!
Chán nản và hoang mang đã đến với nàng, Liễu Mi nghĩ ngợi đến câu Hồng nhan mệnh bạc nàng cho rằng quả là một định lý ngàn năm bất di bất dịch! Tự cổ chí kim vẫn thế. Nàng so sánh cái chết của Thiên Hậu Nương Nương thì chẳng thà chết quách đây cho khỏe xác.
Nàng quyết định va đầu vào tuốt cuối đường hang huyệt. Liễu Mi đã lẩm nhẩm khấn vái:
- Mẹ ơi, con sẽ gần mẹ mãi mãi từ đây. Anh Linh ơi! Em quả là một cô gái bất tường đối với anh chăng... Cha ơi! Con xin cha tha tội cho đứa con bất hiếu mà đã làm khổ lòng cha nhiều lần... - Nước mắt của Liễu Mi đầm đìa, nàng cắn chặt răng, nhắm ngay phía tận cùng của hang huyệt đạo lao đầu đi...
Mắt thấy cảnh máu loang thây đổ sắp diễn ra trong hang huyệt ẩm thấp này... nhưng có câu: Tự cổ gian nan duy nhất tử (xưa nay gian khổ chỉ có chết là cùng) cổ ngữ này quả không sai. Phàm là người ai cũng sợ chết đều luyến tiếc mạng sống của mình cả, nhất là trong trường hợp tự tử, trong tình trạng gay cấn nhất, thình lình hãm ngay ý chí lại, chuyện đó là thường! Và chính nàng Liễu Mi lúc này cũng vậy, trong lúc toàn thân nàng lao đi như một chiếc pháo thăng thiên bị ngược hướng vậy. Thình lình nàng cảm nhanh thấy sợ hãi, càng nghĩ ngay đến cảnh rùng rợn đấu bể sọ vỡ máu thịt be bét. Trong thời gian nhanh như chớp ấy, bản năng cầu sống của Liễu Mi đột nhiên nổi dậy. Liễu Mi tính thu ngay thế lao đầu của mình lại, nhưng nàng đã dùng tất cả công lực của mình vọt ra như một mũi tên vừa được bắn mạnh đi!
Ngay lúc đó, chớp nhoáng nhanh như cắt, Liễu Mi chỉ còn ngầm thốt ra tiếng: Thế là hết! mắt nàng nhắm chặt.
Ầm... một tiếng vang động mạnh, kỳ tích chợt xuất hiện. Cả một bức vách bị đổ về sức lao của Liễu Mi, vì công lực của Liễu Mi đã dồn ra hết, toàn thân nàng lúc này vẫn thấy bị bung tuốt ra ngoài với đà lao! Phi ra ngoài bức vách, ánh sáng hẳn, lúc này đang vào cảnh hoàng hôn, khí trời lành lạnh, gió thoang thoảng...
Liễu Mi cảm thấy: ngoài trừ đôi bàn tay bị đau vì đà đưa ra đỡ vách, trên mình không thấy đâu bị thương, nàng có cám giác như mình vừa thoát một cơn ác mộng. ý chí tự tử của nàng lúc này đã nhờ cảnh trạng thay đổi quá ly kỳ mà bị tan hết, nàng lúc này toát đầy mồ hôi lạnh và trí não tỉnh hẳn, nhận ngay đây là một manh mối, không thể nào bỏ qua!
Nàng đứng ngay dậy kiểm điểm, hóa ra bức vách đổ ra ấy, lại là một tảng đá vuông lối hơn trượng, lúc này trong hang huyệt lộ hẳn một lỗ hổng tối đen, trông không khác nào như một cái miệng khổng lồ của con quái vật, càng lạ hơn nữa là xung quanh chu vi tảng đá ấy, không hề bị nứt mảy may nào, hình như đây chính là một ngưỡng cửa bí mật của hang huyệt, và tảng đá ấy đã khép kín lên vách của hang bí mật này, trong sức mạnh vô tình của mình không ngờ đã làm đổ ngay xuống và tạo nên một cửa ăn thông ra. Liễu Mi tiếp tục nhận xét, nàng lại nhìn thấy đôi dấu tay của mình in ngay nơi tảng đá tuy trông rõ ràng, nhưng có thể đoán ngay, công lực của mình quyết không thể nào đánh bật được một tảng đá như thế. Hoặc tảng đá này, vốn là một cửa ra vào bí mật, lại nữa, có thể là trước Liễu Mi, đã có người nào bị giam trong này, đã dùng đến chường lực phá vách để đào tẩu, nhưng vì tính cẩn thận có ẩn ý gì bí mật, người ta lại đậy nguyên lại như cũ, để không ai có thể thấy được một dấu vết gì khả nghi.
Nếu giả thuyết này đứng vững, dưới vòm trời này, loại hẳn chàng Thượng Quan Linh ra, còn ai có nổi một thần lực dũng mãnh như thế? Trống ngực của Liễu Mi lúc này đập mạnh thình thịch, nàng nắm ngay manh mối này và tiếp tục khám phá thêm, xem phải chăng là người yêu Thượng Quan Linh của mình đã thoát khỏi đây. Nàng bắt đầu tìm chi tiết trên vách táng đá, một hồi trôi qua... Thứ nữ Thanh Thông Bang bỗng reo lên một tiếng mừng! Thì ra nàng đã tìm được dấu vết của một đôi bàn tay đàn ông, hai bàn tay đều xòe ngón cả, dấu bàn tay ấy đã lõm hẳn vào tảng đá, chứng tỏ đôi bàn tay của người này, phải có một thần công cái thế, và sau khi đẩy được tấm vách này, mới để lại một dấu tay khá sâu như thế.
Xưa kia, trong ngôi huyệt mộ của họ Liễu tại Thanh Thông Cốc, Thượng Quan Linh đã phá quan tài và huyệt mộ bằng sức thần công có một không hai này, và cũng từng để lại dấu vết bàn tay như đây, Liễu Mi còn nhớ rõ, và cũng biết sức thần công này chính nhờ chàng may mắn ăn được Tuyết bi tiên hoa mà có. Trên đời này, quả không còn ai có thần lực sánh hơn chàng Thượng Quan Linh của mình được.
Liễu Mi càng suy nghĩ càng mừng phấn khởi, chỉ nghe nàng lẩm nhẩm nói:
- Anh Linh khùng của em ơi! Anh quả là một người có phước đức lớn lao. Dưới bàn tay của Tỉ Vương ma quân, anh vẫn ngang nhiên thoát khỏi, em nghi chắc vị Bắc Ưng Lãnh Lạc tiền bối thiệt kia đã giúp anh và khiến cho công lực của anh khôi phục lại nên đã phá được vách huyệt hang này để đào tẩu, nhưng oan gia quí của em ơi! Nay anh lại lạc đi phương hướng nào vậy? Anh có biết chăng Nam Bút tiên sinh đang cố thân đuổi theo kẻ địch, Sỡ Canh đã cấp tốc về Trung Nguyên để cầu cứu... còn em... em đã lặn lội đến đây để tìm anh...
Liễu Mi sau khi tự lảm nhảm một hồi, nàng đoán ngay Thượng Quan Linh thế nào cũng khởi sự đi Bách Linh Miếu. Thôi được! Nhân ngay đám phiên tăng Pháp Đô còn đứng chờ đợi nơi cửa huyệt, nay dại gì mình không tách ngay hàng ngũ của chúng để đi truy tầm Thượng Quan Linh. Sau khi quyết ý, tà áo trắng nàng phất phới vừa chực tung mình đi. Chợt nàng lại nghĩ: Tại sao Thượng Quan Linh trước khi đi lại bít nguyên vẹn lối ngõ này lại? Rất có thể là vì thi hài của Bắc Ưng Lãnh Lạc chăng? Nhưng mặc dù sao, hành động này của chàng nhất định phải có duyên cớ gì đây. Nay mình muốn đi, hay hơn hết là nên sắp xếp nguyên vẹn theo y như cũ, nhưng với tảng đá khổng lồ ấy, công lực của Liễu Mi quả nhiên không làm sao giở nổi nó lên để trám lại cửa vách.
Thời gian của Pháp Đô giao hẹn đã mãn, nếu không đi ngay giờ đây, ắt không còn dịp để thảo luận, Liễu Mi không do dự gì nữa nàng tung mình phi thân.
Một tiếng lạnh lùng vang bật lên trong huyệt hang ẩm thấp tối om:
- Hãy khoan!
Liễu Mi giật nảy mình, thì ra xung quanh nàng đã bị đám phiên tăng bao vây, tên Pháp Đô lạt ma đã hiện ngay trước mặt, và cung thân kính cẩn bẩm rằng:
- Giờ khắc đã đến, kính thỉnh nương nương pháp giá khởi trình!
Liễu Mi nay buồn thiu, khẽ thở dài nói:
- Thôi đành! Vậy pháp Đô ngươi hãy cho người đậy lại tấm cửa đá này vậy, và tất cả mọi việc trong huyệt hang này, đều phải giữ nguyên vẹn theo tình trạng cũ! Được như vậy ta sẽ theo các ngươi lên đường ngay!
Đành theo sự chi phối của định mệnh vậy, tức người đâu thể miễn cưỡng cãi với tạo hóa...
Màn đêm đổ xuống bao trùm mọi cảnh vật, thứ nữ Thanh Thông Bang ngậm lệ bước lên liễn xa tiếp tục khởi trình...
Bút giả xin quay ngược về thời gian hai hôm trước để thuật tiếp cánh huyệt đạo bí mật ẩm thấp âm u của Lãnh Ưng Trang.
Thượng Quan Linh chịu đựng các sự khổ đau đang dày vò, bước chân của tử thần đã bước đến gần... tất cả những kết quả của dự đoán đã đến, Bắc Ưng Lãnh Lạc đã xỉa mạnh ngay chỉ vào ngay ổ tim chàng... Ngay khi đó, linh hồn của Thượng Quan Linh phảng phất như đang vào một cảnh giới khác. Trong giờ phút nhanh như chớp ấy Thượng Quan Linh càng nhận được rõ ràng hai sự kiện, một là bàn tay của Bắc Ưng Lãnh Lạc đỡ sau lưng mình, đang khi lạnh buốt, thình lình không hiểu sao lại đổi sang ấm áp và nóng.
Một việc khác nữa, chàng cảm thấy không đau đớn gì lắm, hóa ra cái chết lại dễ dàng và dễ chịu như thế, nếu biết vậy mình tội gì phải hồi hộp hoảng sợ. Chớp mắt, mọi tư tưởng của Thượng Quan Linh đã đình trệ hắn, tiếp theo là một ngừng thở luôn... Bên cạnh chàng Thượng Quan Linh lúc bấy giờ, một người áo trắng tàn phế - Bắc Ưng Lãnh Lạc - hai tay lúc này không ngừng hoạt động, ôm ngay Thượng Quan Linh vào lòng, song chưởng chia ngay ra một trước ngực, một sau lưng, hai bàn tay ấy áp sát vào và từ từ vận hành, thần sắc khẩn trương tột độ, dần dà trên đầu của Bắc Ưng Lãnh Lạc bốc hơi nóng, lúc này vị đại hiệp Bắc Ưng đang dồn hết công lực bình sinh của mình để tụ tập hết vào song chưởng, cố gắng thi thố trên mình Thượng Quan Linh.
Không bao lâu, tim chàng thiếu niên đập mạnh dữ, sự hô hấp từ yếu trở nên mạnh, rồi từ mạnh trở về mức bình thường. Đồng thời, sắc mặt từ trắng bệch đổi dần sang mức thường. Thình lình, ọc một tiếng vang lên, vị thiếu niên đã mửa ra một đống nước xanh lè, sau khi ói mửa xong, thiếu niên lại hôn mê bất tỉnh. Bắc Ưng Lãnh Lạc thở một tiếng khoan thai, chuyến thi thố này, Bắc Ưng đã đồn hết công lực bình sinh của đời mình, nay may mắn đã thành công; vị cao thủ giang hồ đã bị tàn phế này cảm thấy công lực của mình bị tiêu hao quá nhiều, trong lúc trị bệnh khẩn trương nên không cảm thấy gì, nhưng sau khi trở về trạng thái yên tịnh, vị đại hiệp tàn phế đã cảm thấy nội tạng ngũ phủ của mình rạo rực khó chịu và đau nhói vô cùng.
Chỉ nghe Bắc Ưng Lãnh Lạc lảm nhảm rằng:
- Giỏi lắm ta cũng chỉ còn sống được ba tàn nhang nữa là cùng? Nhưng ước nguyện sao trời xanh thương người hiền lương, khiến cho công việc của ta thành công, phù trợ cho thiếu hiệp này mau khôi phục bệnh, và hoàn thành tâm nguyện ao ước của mình, dẫu cho mình có chết cũng được nhắm mắt...
Bắc Ưng Lãnh Lạc cố gắng chịu đau khổ bình tĩnh chăm chú theo dõi vị thiếu hiệp Thượng Quan Linh. Một tàn nhang đã trôi qua, vẫn chưa thấy Thượng Quan Linh tỉnh, Bắc Ưng Lãnh Lạc bất giác thở dài, cúi đầu nói lảm nhảm, nhưng kỳ này có vẻ bi ai:
- Hắn vẫn chưa tỉnh, mình tin chắc thế nào hắn cũng tỉnh. Với tất cả những căn cơ có sẵn và trời phú gặp những may mắn bất phàm ấy, cộng thêm sự hy sinh công lực cả một đời của mình để thi thố cứu mạng hắn, chắc không đến nỗi lại sai lầm, và thế nào hắn cũng bình phục lại. Nhưng chỉ hiềm! Chỉ hiềm nếu sau hai tàn nhang nữa mà y chưa tỉnh lại, hắn sẽ không còn dịp nào để trò chuyện với ta nữa rồi, khi đó ta đã chết... đừng... đừng... đừng để ta phải thất vọng! Thượng Quan Linh ơi! Hãy gắng tỉnh dậy đi nào...
Quả thần u minh đã không phụ lời ước của Bắc Ưng Lãnh Lạc, Thượng Quan Linh quả nhiên từ từ tỉnh lại.
Mắt chàng từ từ mở, cái đầu tiên đập vào mắt của Thượng Quan Linh, là một khuôn mặt hiền hòa và ánh mắt yếu ớt của Bắc Ưng Lãnh Lạc.
Thượng Quan Linh hỏi rằng:
- Thưa tiền bối! Bộ ngài cũng chết rồi sao? Ồ! Thế là chúng mình lại được gặp nhau dưới âm phủ này... Lạ thật!... Sống chết đâu có gì phân biệt đâu?...
Bắc Ưng Lãnh Lạc lắc đầu phủ nhận nói:
- Anh đã nhầm rồi! Ta không hề giết anh, trái lại ta đã cứu anh. Nay anh đã mửa được thứ rượu độc của Tỉ Vương và khôi phục lại sức như xưa, nếu không tin anh có thể thử ngay.
Thượng Quan Linh tung mình nhảy bổng lên, quá nhiên thân hình đã linh động đúng theo ý muốn, trong lòng vẫn còn hoài nghi, ào một tiếng, quất ra một chưởng, bụi đá bay tung tua tủa, hiển nhiên thần lực của chàng đã kinh hồn người, quả bất phàm!
Thượng Quan Linh nghĩ: không thể tin nổi một kỳ tích ly kỳ này, vội hấp tấp hỏi nguyên do. Bắc Ưng Lãnh Lạc trầm trầm thuật lại.
Bắc Ưng Lãnh Lạc quyết tâm muốn cứu chàng, nhưng ngại sức mình không thể nào đạt được tới đích, trong hang huyệt tìm đâu ra thuốc giải cứu, nếu dùng công lực của mình để ép chất độc trong người của Thượng Quan Linh ra, e khó mà thành công.
Cuối cùng, Bắc Ưng Lãnh Lạc nghĩ ra một cách, quyết tâm thử xem. Thoạt tiên, Bắc Ưng Lãnh Lạc tạo ngay một trạng thái khủng hoảng để khiến cho Thượng Quan Linh cám thấy tử thần đã bước tới, nhưng Bắc Ưng Lãnh Lạc vẫn chưa ra tay, khiến cho chàng Thượng Quan Linh càng cảm thấy kinh hãi sợ toát mồ hôi lạnh.
Và Bắc Ưng đã nhân ngay cơ hội này, dùng ngay chưởng lực truyền hết công lực vào ngực và lưng của chàng, và cuối cùng đã ép được độc lực ra khỏi thân, khiến cho chàng thiếu niên anh tuấn này khôi phục ngay lại thần sắc xưa kia. Nay nói rõ ra Thượng Quan Linh mới vỡ lẽ, vội quỳ thụp xuống lạy tạ ơn cứu mạng của Bắc Ưng Lãnh Lạc. Và đồng thời chàng đòi cõng ngay vị đại hiệp cùng nhau rời thoát nơi hang huyệt ẩm thấp tối đen này. Bắc Ưng Lãnh Lạc bèn nói cho Thượng Quan Linh biết cách kiến tạo của hang hầm này rất đặc biệt và kiên cố chỉ có mỗi một lối ra, và là một tấm cửa sắt dày nặng vô kể, nếu không có chìa khóa để mở bên ngoài, tuyệt không thể nào hòng mở được nó.