Nàng nhíu mày: - Tôi không thể nghe lời bàn tán vừa rồi. Mọi người đang nói chuyện về bà Tuppy.
Antony không hỏi nàng muốn gì. Anh đưa cho nàng ly rượu.
- Phải, hình như có chuyện hiểu lầm ở đây.
Bàn tay tê cóng của nàng cầm chiếc ly lạnh ngắt chứa rượu pha với nước đá.
- Bà nội sẽ khỏe lên phải không?
- Đúng. Hugh bảo vậy đó.
Flora không sao chịu nổi, chỉ muốn khóc òa lên. Dì Isobel nhanh chóng giải thích.
- Đó là lỗi tại dì. Dì ngớ ngẩn quá, nhưng dì lo lắng, dì cứ tưởng bà Tuppy sẽ… Isobel cố ngăn không nói đến chết chóc… sẽ không khỏe lên được, thế là dì bèn kể với Antony.
- Nhưng sự thật không phải thế sao?
- Không.
Mắt nàng bắt gặp ánh mắt Antony. Hai kẻ đồng mưu nhìn nhau. Nàng nghĩ: đúng là gậy ông lại đập lưng ông. Đáng lẽ họ không bao giờ cùng đến Fernrigg, không bao giờ tự đẩy mình vào tình cảnh trớ trêu khủng khiếp này. Tất cả những trò lừa dối hoạch định trước một cách hết sức cẩn thận này giờ đây chẳng còn tác dụng gì nữa. Mặt Antony chỉ biểu lộ có một điều: anh ta biết Flora nghĩ gì. Họ đang biến mình thành hai tên ngốc! Antony cảm thấy hối hận. Tuy nhiên, nét mặt của anh cũng bớt lo âu hơn, rõ ràng anh ta rất yêu quý bà nội của mình. Với giọng cực kỳ thỏa mãn, Antony lên tiếng:
- Thế là bà đang khỏe lên.
Flora thấy Antony cầm lấy tay mình bóp nhẹ. Anh quay lại đối mặt với những người khác, tiếp tục:
- Vấn đề ở chỗ là nếu tôi và Rose không cho rằng hoàn cảnh thực sự khẩn cấp đang kêu gọi thì chúng tôi sẽ không trở về Fernrigg trong ngày nghỉ cuối tuần này.
Giọng dì Isobel đã trở lại bình thường: - Nếu thế thì ta lại mừng vì mình quá ngớ ngẩn và đã hiểu lầm bác sĩ Hugh. Nếu như có làm hai cháu hoảng lên thì dì đây xin lỗi, nhưng ít nhất ta cũng được đón các cháu về nhà hôm nay.
Hugh bảo: - Nghe này, thuốc tốt nhất của tôi cũng không thần diệu hơn sự có mặt của hai bạn. Cả hai người đã làm một điều kỳ diệu, nâng đỡ sức khỏe cho bà Tuppy rất nhiều.
Anh ta quay lưng lại phía lò sưởi, dựa đôi vai rộng lên trên bệ lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Đứng ở bên này căn phòng, Flora cũng có thể thấy cặp mắt của anh ta chiếu thẳng vào nàng.
- Thế là cô lại đến đây. Cô cảm giác sao khi quay trở lại Scotland này?
Thái độ của anh ta có vẻ dễ chịu, nhưng cặp mắt xanh chẳng toát lên tia nhìn ấm áp nào. Điều ấy khiến nàng cảnh giác.
- Tuyệt lắm.
- Có thật đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của cô kể từ khi cô rời khỏi đây 5 năm trước?
- Đúng thế.
Thất vọng vì nội dung nhạt nhẽo của câu chuyện giữa hai người, Antony nói xen vào:
- Cô ấy đã ở Mỹ suốt mùa hè rồi.
Hugh nhíu lông mày: - Thật sao? Ở những đâu thế?
Flora cố nhớ những địa danh mà Rose đã từng có mặt.
- À, ở New York này, ở Grand Canyon này và rất nhiều nơi khác nữa.
Anh ta nghiêng đầu ghi nhận những nơi cô đã từng đặt chân tới.
- Mẹ cô sao rồi?
- Bà ấy rất khỏe, cảm ơn anh.
- Lần này bà ấy cũng quay trở lại Fernrigg sao?
Giọng anh ta kiên nhẫn, thủng thẳng như thể đã chuẩn bị trước cho cuộc đàm thoại khó chịu này rồi.
- Nhưng chắc chắn bà ấy phải đến đây để dự đám cưới của hai người. Không lẽ hai người lại định cưới nhau ở tận New York.
Isobel cắt lời: - Này này, đừng có vẽ đường cho hươu chạy nữa. Không lẽ cả làng này đi New York dự đám cưới của Antony?
Antony vội nói: - Xin nói rõ là tụi này vẫn chưa quyết định gì cả, ngay cả ngày cưới cũng chưa chọn. Thôi cứ để mọi chuyện diễn ra theo cách thật tự nhiên.
Hugh đáp: - Nếu vậy thì tôi đang vi phạm điều luật nói trước thì bước không qua phải không?
- Đúng vậy.
Mọi người chợt im lặng, trầm ngâm uống từng ngụm nhỏ. Flora cố tìm một đề tài mới cho cuộc đàm thoại của họ, nhưng trước khi kịp nghĩ ra thì có tiếng xe hơi trờ tới, rồi tiếng sập cửa. Dì Isobel bảo:
- Những người khác đang đến đấy.
Antony nói: - Thế thì chắc cả ba chúng ta phải ra chào đón họ thôi.
Anh đặt ly xuống bàn, bước ra ngoài chào khách. Lát sau, dì Isobel cũng cáo từ:
- Xin lỗi, tôi phải đi.
Flora kinh hoàng nhìn dì đặt ly xuống bỏ ra ngoài, chắc chắn là để dẫn khách lên trên phòng tiệc trên lầu, hướng dẫn họ treo áo và mang lược để họ chải lại mái tóc rối tung vì gió biển.
Thế là chỉ còn Flora và Hugh Kyle đứng đối mặt với nhau, sự im lặng như hàm chứa nhiều chuyện chưa muốn nói ra. Flora trăn trở với ý nghĩ phải tấn công lại anh chàng này bằng cách nói tôi biết anh muốn bảo vệ cho gia đình nhà Amstrong, nhưng chắc lúc này đây, cảm giác của anh đối với tôi cũng khá hơn nhiều so với lúc chúng ta đứng trên bờ biển sáng nay. Nhưng nàng tự nhủ: đây không phải lúc và cũng chẳng phải nơi tranh cãi. Thêm vào đó, muốn tự bảo vệ mình là không thể được, bởi vì nàng chẳng biết một tí gì về chuyện xảy ra trong quá khứ của người chị em song sinh.
Tuy nhiên mọi ý nghĩ rồi cũng nhạt dần, Flora bắt đầu phải chấp nhận sự thật Rose chẳng phải là một phụ nữ đứng đắn gì cho cam. Chị ta đã bỏ rơi Antony một cách vô tình, bay thẳng đến Hy Lạp với người tình mới, bỏ Flora ở lại chắp vá giúp chị ta những mảnh bể vỡ tứ tung từ cuộc đính hôn không thành công.
Có trời mới biết ở tuổi 17, Rose đã từng phạm phải những lỗi lầm kinh khủng nào. Nàng còn nhớ khi mình ở tuổi ấy thường hay cáu giận và chán nản. Nhưng cho dù thế nàng không thể tìm đến niềm vui bằng cách xúc phạm một người đàn ông có tư cách để làm thỏa mãn tính ích kỷ của mình được.
Nhưng Hugh Kyle chẳng phải là loại đàn ông dễ qua mặt để cho bất cứ cô gái nào đến tìm vui trong giây lát rôi sau đó có thể bỏ anh ta được ngay. Thật ra anh ta rất đáng yêu, Flora ngắm kỹ Hugh, lúc này đang quay lưng với lò sưởi, cặp mắt xuyên thấu không gian màu xanh da trời đang dõi theo nhất cử nhất động của nàng không chớp mắt cho dù anh ta đang nâng ly rượu lên môi. Tối nay, Hugh mặc một bộ đồ vest màu xanh thẫm may rất khéo, chiếc áo sơmi lụa và chiếc cà vạt nổi bật trên nền áo mỏng. Nàng ước sao cái bóng của anh ta đừng khổng lồ đến thế khiến nàng phải đứng đó bối rối nhìn. Từng nét mặt của Hugh đều khiến cho sự can đảm của nàng nhanh chóng biến đi đâu mất. Nàng xấu hổ quá đến độ không tìm được lời gì để nói. Nhìn thấy vẻ bối rối của nàng là điều đáng ngạc nhiên, Hugh cảm thấy thương hại nàng, anh ta phá vỡ bầu không khí im lặng.
- Bà Tuppy bảo tôi rằng ngày mai cô và Antony sẽ phải quay trở về?
- Phải.
- Và như thế, chiều nay cô được vui chơi thỏa thích?
- Đúng thế.
- Cả buổi chiều cô làm gì thế?
- Chúng tôi đi dạo.
Ơn chúa, ngay lúc đó Antony bước vào dẫn theo hai người đàn ông trong đám khách vừa tới. Anh bảo họ:
- Mọi người đến đúng giờ quá. Rose, anh không nghĩ em đã gặp ông Crowther. Sau khi em đi rồi, ông Crowther mới đến định cư ở Tarbole.
Ông Crowther mặc bộ lễ phục của mục sư màu u tối, nhưng với khuôn mặc hồng hào, mái tóc điểm bạc dầy dặn và thân hình tráng kiện khiến ông giống với một ông chủ tiệm khách sạn thành đạt hơn là một mục sư trong nhà thờ. Ông chìa tay cho Flora, nắm lấy tay cô giật mạnh trong kiểu bắt tay nồng nhiệt của đàn ông và bảo:
- Ôi, mừng quá. Chúng tôi vẫn thường mong có ngày diện kiến vợ chưa cưới của Antony. Hân hạnh quen biết cô.
Giọng nói của ông ta cũng giống một chủ tiệm sách nữa cơ. Cái giọng trầm của ông ta vang lên như tiếng một quả chuông đúc từ đồng quý. Flora tưởng tượng cảnh ông ta đứng giảng đạo không hiểu sẽ ra sao. Chắc chắn với vẻ hồ hởi và giọng nói truyền cảm như vậy, ông sẽ có một danh tiếng nổi như cồn qua những giờ trích dẫn những lời trong kinh thánh.
- Hân hạnh được quen biết ông.
- Bà Tuppy Armstrong rất mong hai người về thăm và chúng tôi cũng thế. Thực lòng rất vui được gặp cô đấy.
Ông bắt gặp ánh mắt của Hugh Kyle, buông tay nàng ra và bước đến bên anh ta.
- Cũng mừng vì được gặp anh nữa đấy, bác sĩ ạ. Sao, cuộc sống khó khăn lắm phải không?
Antony nói: - Rose.
Lúc này nàng mới để ý đến người đi cùng ông mục sư đang đứng đợi. Nghi thức chào hỏi qua nhanh. Antony nhắc:
- Em còn nhớ Brian Stoddart không?
Nàng thấy một khuôn mặt rám nắng, cặp lông mày đen như mực tàu và cái miệng cùng cặp mắt đầy vẻ biểu đạt. Tóc anh ta màu sẫm, mắt màu tro sáng, không cao bằng Antony và già hơn, tràn đầy sức sống và Flora thấy anh ta rất hấp dẫn, không như những người khác có mặt trong bữa tiệc hôm đó. Anh ta mặt quần áo khá trịnh trọng, quần màu sậm, áo khoác bằng nhung màu xanh khói, bên trong mặc áo len cổ lọ. Brian nói nồng nhiệt:
- Chào Rose, lâu quá rồi không gặp.
Anh ta dang rộng cánh tay. Flora chưa kịp nghĩ ngợi gì thì người mới đến đã ở bên nàng. Họ hôn má nhau. Rất chi là thận trọng, Brian bước lùi ra:
- Để xem cô thay đổi thế nào nào.
Antony nói: - Mọi người đều nói cô ấy càng lúc càng xinh hơn.
- Không phải, không phải càng lúc càng xinh hơn, mà trông cô ấy tràn đầy sinh lực và hạnh phúc không thể tả. Cậu may mắn lắm đấy Antony.
- Phải. - Giọng Antony bình thản, chẳng sôi nổi tí nào.
Trong lúc ồn ào như thế thì dì Isobel bước vào mang theo hai bà vợ của hai ông chồng vừa mới bước vào. Và mọi người ồn ào trở lại, lần này thì dì Isobel đứng ra giới thiệu. Bà Crowther thì Rose chưa gặp lần nào, theo như lời thằng Jason kể thì răng bà cũng có to thật, khuôn mặt dễ chịu, ăn mặc diêm dúa như đi dự một buổi dạ vũ vậy, giọng bà Crowther cũng xởi lởi như ông chồng.
- Hai cháu đã cố về thăm bà Armstrong. Bực bội thật, hôm nay bà lại không thể xuống đây vui chung cùng chúng ta.
Bà ta kiễng chân nhìn qua đầu Flora cười toe toét.
- Xin chào bác sĩ Kyle. Xin chào anh Stoddart.
Dì Isobel nói rõ ràng: - Rose à, còn đây là Anna. Giới thiệu với cháu, Anna Stoddart đến từ Ardmore.
Anna Stoddart mỉm cười. Cô gái này quá nhút nhát và nét mặt chẳng có gì đặc sắc. Nhìn mặt cô rất khó đoán tuổi. Thật khó có thể tin cô ta làm thế nào lại quyến rũ được người chồng có vẻ ngoài sát gái đến thế. Anna mặc một chiếc đầm dạ hội đắt tiền, đồ nữ trang rất đẹp. Kim cương lóng lánh trên tai, trên ngón tay và thêm một chiếc vòng kim cương ôm sát lấy chiếc cổ của cô gái. Cô ngượng ngập đưa tay ra rồi lại rụt rè thu tay về. Trông nét mặt hối lỗi đến tội nghiệp. Không chịu được trước vẻ rụt rè của cô gái nọ, Flora nhanh chóng cầm lấy bàn tay trước khi nó biến mất và nắm thật chặt. Nàng hồ hởi nói, cố tìm ra một phương cách gỡ rối cho hoàn cảnh hiện tại:
- Chào cô, tôi nhớ cô đấy, đúng không nào?
Anna cười khe khẽ: - Và tôi cũng nhớ cô, tôi nhớ cô rất rõ, cả mẹ cô nữa.
- Chị đến từ Ardmore, gần Tarbole?
Isobel bảo Flora: - Nơi ấy dễ thương lắm, nó nằm ở địa đầu của quận Ardmore đấy.
Flora hỏi: - Như vậy nhà hẻo lánh lắm sao?
- Phải. Có nơi hẻo lánh một chút. Nhưng tôi sống ở đó cả đời rồi, tôi quen rồi.
Sau đó cô ngừng lại như thể muốn khuyến khích sự chú ý của Flora, cô nói tiếp giọng gấp gáp:
- Trong ngày trời đẹp, đứng từ Ferring, cô có thể thấy Ardmore, như người ta nói, gần nhà xa ngõ mà.
- Trời, chiều nay trời đẹp thế mà sao tôi không cố tìm được nhà chị nhỉ? Thế chị có ngắm mặt trời lặn không, cảnh đẹp quá. Đang mặc quần áo mà tôi phải ngây ra để ngắm đấy.
Cả hai cùng vui vẻ bắt chuyện. Nhưng chợt họ bị Brian xen vào:
- Anna à, Antony muốn biết em định uống nuớc gì đây.
Cô gái chợt bối rối: - Em… em chẳng muốn uống gì đâu.
Anh chồng kiên nhẫn:
- Thôi mà, em phải uống một chút gì mới được. Vậy nước cam đi.
Rồi anh ta quay đi ngay để pha nước cho vợ.
Flora bảo: - Sao chị không uống rượu vang?
- Không. – Anna lắc đầu: - Tôi không thích.
Vừa lúc đó, ông Crowther bước vào, xăm xăm đi về phía họ như một con tàu đang rẽ sóng ra khơi, đoạn bảo:
- Nào, không thể để cho hai cô trò chuyện suông thế này mãi được, chúng ta vào bàn tiệc thôi.
Không hiểu sao tối hôm đó lại diễn ra tốt đẹp. Flora nói chuyện và cười đến nỗi đau hết cả hai bên quai hàm. Cô không dám rời Antony nửa bước, mọi người có thể nghĩ đúng là cảnh phu xướng phụ tùy. Nhưng Flora làm thế cốt để tránh Hugh Kyle. Anna Stoddart ngồi xuống ghế bên cạnh bà Crowther, Brian Stoddart và Antony ôn lại những kỷ niệm xưa giữa hai người ở Edinburgh. Ông Crowther và Hugh Kyle như bị hút chặt vào cái lò sưởi. Dựa vào dáng điệu của họ thì có thể đoán rằng họ đang bàn về những kinh nghiệm đánh cá. Sau khi yên tâm vì thấy mọi người trò chuyện vui vẻ, dì Isobel biến mất khỏi phòng, vào nói chuyện với bà Watty. Khi nghe tiếng chuông mọi người đều ngưng uống, nối nhau ra khỏi phòng, băng ngang qua tiền sảnh đến phòng ăn.
Mặc dù trong tâm trạng hồi hộp nhưng Flora cũng kịp nhận ra phòng ăn đẹp biết bao. Tường ốp gỗ sồi đen bóng, những bức chân dung cổ xưa và củi cháy tí tách trong lò sưởi. Khăn trải bàn trắng tinh, bộ đồ ăn bằng bạc soi bóng lên chiếc bàn bằng gỗ gụ bóng loáng. Những bông hồng mới hái rực rỡ trong chiếc bình cắm giữa bàn và nến màu hống nhạt cắm ngay ngắn trên chân nến bằng bạc. Isobel bất chợt quên mất đã sắp xếp sẵn người nào ngồi ở đâu. Nhưng rồi lát sau ai đó cũng ngồi vào đúng vị trí của mình. Hugh ngồi ở cuối bàn, bên cạnh là ông Crowther. Trong lúc ấy Brian và Antony ngồi đối diện với nhau ở giữa bàn. Đám đàn bà con gái được xếp ngồi ở bốn góc. Flora ngồi giữa Hugh và Brian, và bà Crowther ngồi đối diện với cô. Cuối cùng thì họ cũng an tọa. Mọi người giở những chiếc khăn ăn bằng lanh khổng lồ đặt nó phủ lên hai đầu gối. Trước khi câu chuyện bắt đầu rôm rả trở lại, dì Isobel nói nhanh:
- Thưa mục sư Crowther. Hãy giúp mọi người cầu nguyện trước khi ăn đi ạ.
Crowther đứng thẳng, họ cúi đầu. Bằng một giọng trầm ấm có thể vang khắp nhà thờ rộng lớn, ông Crowther cảm ơn Chúa Trời đã ban cho họ đồ ăn trong bữa ăn sắp tới, mong Chúa Trời phù hộ cho ngôi nhà này, đặc biệt là bà Armstrong lúc này không thể có mặt chung với họ. Nhưng tất cả những người có mặt ngày hôm nay đều để tâm tưởng tượng ra bà cũng có mặt ở đây. Lát sau, ngồi xuống, Flora thấy mến ông vô cùng, bà Watty hiện ra bên khung cửa phòng ăn và khi câu chuyện bắt đầu rôm rả thì cũng là lúc bà mang ra món xúp. Flora cứ nghĩ đến chuyện phải mở lời với Hugh Kyle là trong lòng lại đau nhói. Lúc này nàng thầm cảm ơn bà Crowther đã mở lời trước. Bà Crowther đã uống đến tuần rượu thứ hai, thế nên không chỉ má của bà hồng rực lên mà cả giọng nói cũng bắt đầu cao vút, trầm bổng.
- Hôm kia, tôi vừa gặp ông Sinclair, bác sĩ này, người ta bảo cậu vừa thăm bệnh cho ông ta và ông ta cảm thấy không được khỏe.
Ngồi bên cạnh Flora, Brian Stoddart bảo:
- Thế là cô phải trò chuyện với tôi rồi.
Cô mỉm cười quay sang anh ta: - Rất vui lòng.
- Tôi không sao nói hết được tâm trạng vui sướng khi gặp lại cô, như thể lần đầu tiên sau chừng ấy năm, tôi lại được hưởng bầu không khí trong lành trở lại. Sống trong vùng hẻo lánh này, xa cuộc sống sôi động ngoài kia, thật không sao chịu nổi. Không cần phải nói, chúng ta cũng biết mọi người ở đây đều đang già đi và trở nên nhàm chán. Không biết phải làm sao với quãng đời sắp tới. Đúng lúc đó thì cô có mặt khiến cho cuộc sống vui vẻ hẳn lên.
- Tôi không thể tin rằng anh mà lại cảm thấy già và buồn chán cho được. – Flora bảo anh ta. Một phần vì anh ta cũng chờ đợi câu nói ấy của nàng, một phần vì tia mắt lấp lánh đầy quyến rũ của Brian khiến cô cầm lòng không đặng.
- À, tôi mong rằng đó là một lời ngợi khen.
- Chẳng phải đâu, sự thật là thế, anh chẳng già và nghe giọng anh cũng chẳng nhàm chán tí nào.
- Lại thêm một lời ngợi khen nữa hay sao?
Nàng cúi xuống tô xúp: - Anh vừa nói sống ở đây thật buồn chán, vậy hãy kể về chuyện gì vui nhất.
- Thế thì khó nói lắm.
- Tôi không tin, đời người có biết bao cơ hội.
- Đúng vậy, tôi có một căn nhà đẹp, một bãi săn nhiều thú và một bãi biển lắm cá. Tôi sở hữu một chiếc thuyền nhỏ. Vào mùa hè, tôi thường leo lên nó rong ruổi dạo chơi trên biển. Tôi có một lối đi nhỏ dẫn ra con đường trước mặt, vì thế tôi có thể sử dụng xe hơi. Đó, tôi kể hết rồi đấy. Theo cô, tôi nên cộng thêm cả những mặt thuận lợi nào nữa đây?
Flora buồn bã nhận ra anh ta không cộng thêm vợ mình vào trong những thứ đáng kể kia.
- Chẳng phải nói như anh hơi thực dụng quá hay sao?
- Rose à, thời bây giờ nó thế. Lòng vả cũng như lòng sung, cô cũng chẳng hơn gì tôi.
- Tôi chưa nghe anh nói đến những trách nhiệm đối với cuộc đời này.
- Cô nghĩ tôi nên có những trách nhiệm gì?
- Thế anh nghĩ anh không có trách nhiệm gì thật à?
- À, có chứ, đương nhiên là tôi có.
- Thế ví dụ là gì nào?
Thấy nàng gặng hỏi mãi, anh có vẻ buồn cười. Nhưng để chiều lòng nàng, anh nói:
- Trông nom trang trại Ardmore, bắt nó làm ra của cải. Không nói chắc cô cũng có thể hình dung ra, đúng không nào? Ngoài ra, tôi còn tham gia vào Hội đồng nhân dân địa phương để quuyết định xem nên mở rộng con đường để xe tải chở cá có thể vào đến tận cảng, xây phòng thí nghiệm cho trường tiểu học Tarbole, và những việc như vậy… những gì mà mọi người chú ý thì tôi cũng không bỏ qua.
- Thế anh còn phải có trách nhiệm với những việc gì nữa không?
- Rose, cô đang đùa phải không? Nghe giọng cô thì tôi là người đi tìm việc làm, còn cô là ông chủ hay chất vấn.
Anh ta tủm tỉm cười, tự khen sự dí dỏm trong cách nói chuyện của mình.
- Nếu đó là tất cả những gì anh làm thì tôi phải nói là anh đang đứng trên bờ vực thẳm của sự nhàm chán đấy.
Anh ta cười lớn: - Thế sao? Nếu tôi tham gia câu lạc bộ du thuyền thì còn nhàm chán nữa hay thôi?
- Câu lạc bộ du thuyền ư?
- Phải, đừng có hỏi tôi câu lạc bộ du thuyền nào đấy nhé.
Nghe cái giọng đắc thắng của anh ta, Flora không sao chịu nổi.
- Câu lạc bộ du thuyền Ardmore chứ còn đâu nữa. Chính cô đã đến đó một lần, đi chung với tôi, không nhớ à?
- Ồ, thế à.
- Rose, nếu tôi không hiểu cô đến từng chân tơ kẽ tóc thì tôi đã không tin rằng cô đã quên mất kỷ niệm ấy. Không lẽ 5 năm là khoảng thời gian dài đến quá sức tưởng tượng hay sao?
- Phải, tôi thấy 5 năm là dài thật đấy.
- Nếu thế, cô phải hâm nóng những ký ức của mình bằng cách quay trở lại câu lạc bộ du thuyền một lần nữa. Chỉ tiếc rằng vào mùa đông, nó đóng cửa. Nhưng cô cũng có thể đến Ardmore House thăm chúng tôi mà. Cô định ở đây bao lâu?
- Ngày mai chúng tôi đi rồi.
- Mai ư? Vừa đến đã vội vã đi vậy sao?
- Antony phải quay về làm việc.
- Còn cô thì sao? Cô cũng phải làm việc à?
- Không, nhưng tôi phải quay về London.
- Thế thì tại sao cô không ở lại chơi thêm một tuần? Có mất gì đâu nào? Để cho chúng tôi có cơ hội hiểu cô hơn. Về phần tôi, tôi muốn hiểu cô rõ hơn.
Giọng nói của anh ta mang một âm điệu gì đó khiến Flora phải lừ mắt cảnh cáo, nhưng cặp mắt màu xanh lợt kia vẫn tỉnh như không.
- Tôi không ở lại được.
- Chắc bởi cô không muốn ở lại phải không?
- Phải, đúng thế. Dù tôi rất muốn đến thăm anh và chị Anna.
Brian cầm một cái bánh mì tròn và bẻ vụn trong lòng bàn tay.
- Anna sẽ đi Glasgow mua sắm vào đầu tuần này.
Anh ta hất đầu như thể câu vừa nói có gì đặc biệt, nhưng Flora chẳng biết điều đặc biệt ấy là gì.
- Tại sao chị ấy phải đến tận Glasgow mà sắm đồ?
- Một câu hỏi vô thưởng vô phạt như thế mà khiến cho Brian phải đặt muỗng xuống quay lại đối mặt với nàng mỉm cười. Ánh mắt nhảy múa như thể câu nàng vừa nói là lời nói đùa đặc sắc nhất trên đời.
- Thì lúc nào cô ta chẳng thế. – Anh ta trả lời tỉnh bơ.
Câu chuyện của họ bị gián đoạn bởi vì dì Isobel vừa đứng lên đi quanh bàn thu những đĩa xúp vừa ăn hết. Antony cũng đứng lên xin phép mọi người ra phía sau mang rượu trở lại bàn tiệc. Cửa thông sang nhà bếp mở ra. Bà Watty mang theo một cái khay chất đầy những đĩa sâu lòng bốc khói và những đĩa nông ú ụ. Khi Antony bỏ đi rồi, bà Crowther đứng lên ghé vào tai Flora kể về lễ Giáng Sinh ở nhà thờ huy hoàng như thế nào. Bởi vì chính bà đang hoạch định nó.
- Jason liệu có đi không ạ?
- Có chứ.
Hugh hỏi: - Liệu trong vở kịch, thằng bé có phải đóng vai thiên thần không?
- Tại sao lại không? – Bà Crowther sang sảng hỏi.
- Bởi vì thằng bé không được nghiêm trang lắm.
- Vậy là anh không biết rồi, bác sĩ. Một đứa bé nghịch ngợm nhất nếu được mặc một chiếc áo dài trắng, đội trên đầu vương miệng giấy sơn son thiếp vàng thì nó cũng trở nên một thiên thần ngay lập tức. Cháu nhớ đến và xem vở kịch bác dàn dựng cho đám học sinh ở trường nhé, Rose!
- Bác vừa nói gì cơ ạ? – Flora buột miệng.
- Thế Giáng Sinh cháu không đến Fernrigg à?
- À, cháu vẫn chưa nghĩ đến khả năng đó nữa.
Nàng nhìn Antony cầu cứu, nhưng ghế của Antony trống không. Mải đưa mắt tìm cầu viện, nàng khó chịu khi gặp ánh mắt của Hugh đang ngây ra soi mói nhìn nàng. Anh ta nói nhẹ nhàng:
- Chắc lúc ấy cô lại đang ở New York phải không?
- Phải, chắc thế rồi.
- Hay là London hoặc Paris.
Nàng nhủ thầm: gã này biết Rose quá rõ.
- À, cũng còn tùy. – Nàng nói lấp lửng.
Brian tham gia vào, cắt ngang câu chuyện.
- Tôi vừa đề nghị Rose đừng có về London vào ngày mai vội mà ở đây thêm vài ngày nữa. Nhưng ý tốt của tôi bị từ chối mất rồi, mà từ chối thắng thừng đấy nhé.
- Tội nghiệp anh quá.
- Tôi nghĩ Brian có ý kiến tuyệt với đấy. Hãy nghỉ thêm vài ngày nữa đi Rose. Thư giãn đi, tụi tôi hứa cô sẽ rất vui mà. Anh nói gì đi chứ, bác sĩ Kyle. – Bà Crowther giục giã.
- Tôi nghĩ cô Rose thì lúc nào mà chẳng vui vẻ, bất cứ ở nơi đâu, cô ấy cũng tìm được niềm vui mà, cần gì đến sự giúp đỡ của chúng ta. - Giọng anh ta khô khan.
- Nhưng hãy nghĩ xem bà Tuppy Armstrong sẽ mừng biết bao nếu như…
Và rồi rượu được đưa xuống. Bà Crowther không nhận ra Hugh vừa làm cho Flora bẽ mặt. Mặt nàng đỏ bừng lên vừa giận dữ vừa bối rối. Cầm ly rượu đầy ắp trên tay, nàng ngửa cổ uống một hơi như thể không thể chịu nổi cơn khát đến cháy cổ. Vừa đặt ly xuống, Flora nhận thấy tay mình đang run lên bần bật. Không cần phải la lối om sòm, món kế tiếp đã được mang lên bày biện tề chỉnh trên bàn. Đó là món thịt hầm khoai tây thượng hạng. Flora tự hỏi: làm thế nào mà nuốt hết cái tô thịt hầm này đây? Ngồi tít ở góc phía bên kia của cái bàn dài, Hugh hỏi bà Isobel:
- Dì đi đâu thế?
Dì Isobel Armstrong dừng lại mỉm cười.
- Tôi mang đồ ăn lên cho bà Tuppy. Tôi hứa là sẽ kể với bà bữa tiệc ở dưới đây đang vui vẻ như thế nào.
Hugh đứng lên mở cửa cho dì Isobel.
- Hãy gửi lời hỏi thăm bà Tuppy hộ tôi. – Ông Crowther lầm bầm.
- Tất nhiên rồi.
Dì Isobel hứa, bước ra khỏi phòng. Hugh đóng cửa lại, quay lại ghế, vừa an tọa, Antony đã hỏi Hugh về một người bạn.
- Có, tôi có gặp anh ta rồi, ngày hôm kia tụi tôi mới gặp nhau. Anh ta có hỏi tôi về cậu và tỏ vẻ rất quan tâm khi biết cậu đã đính hôn và sắp cưới vợ.
- Thế thì tôi sẽ cố đưa Rose đến thăm anh ta.
Hơi men của ly rượu đầy vừa rồi khiến nàng can đảm hẳn lên. Flora rũ bỏ được cảm giác ngượng ngập. Nhưng những câu nói xóc óc của Hugh Kyle vẫn khiến nàng đau nhói đến tận tim. Khi nghe hai người kia vừa nói đến chuyện thuyền bè gì đó, nàng quyết định chêm vào:
- Anh cũng có thuyền ư?
Bằng một giọng đều đều bình thản, Hugh khinh khỉnh nói sơ về chiếc thuyền của mình như thể nói chuyện thuyền bè với nàng thì cũng như đàn gảy tay trâu.
- À, một cái thuyền chẳng có gì đặc sắc. Trông nó cục mịch ấy mà.
- Anh cũng để thuyền ở câu lạc bộ Ardmore ư?
- Không, tôi vừa nói với Antony rồi đấy. Tôi cất nó ở bãi thuyền Tarbole.
- Kiểu thuyền của anh chắc cổ lỗ lắm rồi đấy. – Brian châm chọc.
Hugh ném cái nhìn lạnh như băng về phía Brian: - Nó được đóng từ năm 1982.
- Thấy chưa, đã bảo mà. Kiểu cũ rồi.
Flora hỏi: - Chẳng lẽ ở đây ai cũng có du thuyền sao? Các anh đều đi biển như các ngư dân à?
Hugh đặt dao và nĩa xuống như thể anh chuẩn bị giải thích cho một đứa học trò chậm hiểu.
- Miền tây Scotland là nơi có những vùng biển tốt nhất thế giờ để du ngoạn bằng thuyền, thật ngốc nếu không vận dụng cơ hội ấy. Nhưng cô nên biết, cưỡi du thuyền ở đây rất thú vị, chứ không như ngồi trên cảng Monte Carlo, một tay cầm ly rượu mạnh, tay kia ôm một cô tóc vàng mặc đồ tắm đâu nhé.
Bà Crowther cười lớn. Flora hỏi nhỏ: - Vậy mùa hè rồi anh đi chơi du thuyền nhiều lắm phải không?
Hugh cầm dao và nĩa lên: - Rất tiếc là hiếm khi. - Giọng anh ta nghe như chua chát.
- Tại sao thế?
- Vì không có thời gian.
- Chắc anh bận lắm nhỉ?
Bà Crowther không thể cứ ngồi nghe mà không tham gia vào câu chuyện.
- Bận thôi sao? Nếu nói năm rồi là bận rộn thì hơi nhẹ đấy. Không ai ở Tarbole này làm việc chăm chỉ, suốt ngày đầu tắt mặt tối như bác sĩ Kyle đây.
Flora hả hê vì được xoáy sâu vào nỗi đau của Hugh.
- Anh biết không, bà Tuppy cho rằng anh nên tìm cho mình bạn đời đi. Bà ấy nói thế đấy, khi tôi đến thăm bà khi nãy.
Hugh chẳng thèm để ý:
- Từ khi tôi mới lên 6 tuổi đầu, lúc nào bà Tuppy cũng muốn sắp đặt này nọ cho cuộc đời tôi.
Brian nói nhẹ nhàng: - Nếu anh tha lỗi thì tôi phải nói bà đã thất bại nặng nề đấy.
Im lặng lạnh lùng. Ngay cả bà Crowther cũng không nói lời nào. Flora nhìn lên cầu cứu Antony, nhưng anh đang quay sang nói chuyện với Anna. Nàng đặt dao và nĩa xuống thật nhẹ nhàng như thể người ta cấm nàng làm ồn, vươn tay ra nâng ly rượu của mình lên. Trước mặt nàng, mắt hai người đàn ông gặp nhau nảy lửa. Để trấn tĩnh, Hugh nâng ly lên, uống một ngụm lớn. Vừa đặt chiếc ly không xuống, anh vừa nói lặng lẽ:
- Chính tôi đã làm cho cuộc đời mình đến nông nỗi này.
Brian vẫn kẻ cả:
- Tất nhiên bà Tuppy nói đúng, cậu nên tìm vợ đi là vừa. Cưới cô bác sĩ nào vừa trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết và tham vọng ấy. Làm việc mà không hưởng thụ khiến người ta khờ người đi.
- Thà khờ người đi còn hơn là sống lười biếng, ăn bám người khác. – Hugh trả đũa.
Phải can thiệp thôi, họ đang đấu khẩu với nhau kìa. Flora hỏi:
- Vậy không ai đỡ đần anh sao?
Hugh nói chỏng lỏn: - Trong phòng mổ, tôi có y tá chứ. Cô ta tiêm này, nhỏ thuốc mắt cho bệnh nhân này, ghi bệnh án này. Và băng bó thành thạo lắm. Cô ấy tràn đầy sức sống, tôi thì thua xa.
Flora tưởng tượng ra người y tá mà anh ta đang nói đến, đeo tạp dề trắng tinh, dáng vẻ nhanh nhẹn, còn khá trẻ, xinh đẹp, năng động và đầy nhiệt huyết như các cô gái thành phố. Cô ta tự hỏi nếu cô y tá kia đem lòng yêu mến vị bác sĩ của mình thì sao nhỉ. Giống như trong tiểu thuyết thường hay viết ấy. Bởi vì giữa họ chẳng có rào cản nào cả. Nếu không kể đến nỗi căm ghét cực kỳ của nàng thì anh ta cũng đáng mặt đàn ông đấy chứ, thậm chí còn khá đẹp trai. Thân hình to cao và có vẻ hấp dẫn rất đặc biệt. Chắc chính vì thế mà anh ta đã lọt vào được mắt xanh của Rose. Chắc là Rose chỉ định giỡn chơi, buông vài lời bóng gió nhưng anh ta lại tưởng thật, và từ đó đến nay cứ ôm mãi mối oán hận ngày càng lớn trong lòng. Nàng quên mất dì Isobel. Bà đang mở cửa, quay trở lại bữa tiệc.
- Xin lỗi vì đã vắng mặt hơi lâu.
Dì quay về chỗ ngồi cạnh ông Crowther. Ông ta đứng lên, lịch sự kéo ghế mời dì.
- Mọi người đều muốn hỏi bà một câu: bà Tuppy sao rồi?
- Bà rất khỏe, gửi lời hỏi thăm mọi người và bà có nhắn với Rose một chuyện.
Mọi người quay lại mỉm cười hài lòng vì nàng vừa nhận được lời nhắn từ một con người khả kính. Sau đó, họ quay sang Isobel chờ đợi xem thông điệp đó là gì. Dì Isobel nói rành rẽ:
- Bà nội Tuppy nghĩ chúng ta nên giữ Rose ở lại chơi thêm vài ngày. Bà bảo Rose nên ở lại Fernrigg, cứ để cho Antony quay về Endinburgh một mình.
Dì Isobel quay sang Flora. – Dì nghĩ đó là một ý kiến tuyệt vời và dì những mong con sẽ ở lại, Rose.
Ôi, bà Tuppy, sao lại đẩy cháu đến tình trạng trớ trêu này. Flora ngây người nhìn Isobel không tin vào tai mình. Lúc này nàng chẳng khác nào cô diễn viên mới vào nghề đứng trên sân khấu, ánh đèn pha lóa mắt và hàng ngàn cặp mắt đang dõi theo nhất cử nhất động của mình. Nàng không biết phải nói gì. Flora nhìn Antony và như đọc được ý nghĩ trên mặt anh, nàng im lặng cầu khẩn anh hãy cứu giúp nàng. Nhưng nàng biết câu trả lời trong ý nghĩ của chính nàng vậy.
- Cháu không nghĩ là…
Antony đến bên, dũng cảm bảo vệ nàng:
- Chúng cháu đã nói với dì rồi mà dì Isobel. Rose phải về thôi.
Mọi người nhao lên phản đối: - Ôi, cái thằng vô duyên quá, tại sao lại phải đi chứ? Có nó ở đây, mọi người vui biết bao, bà Tuppy cũng mừng lắm đấy. Chẳng có lý do gì khiến Rose phải về London ngay cả.
Mọi người đều mỉm cười nài nỉ nàng ở lại. Ngồi cạnh nàng, Brian ngả người trên ghế cất giọng nói rành rọt khiến tất cả những người khác phải im lặng:
- Tôi cũng vừa gợi ý với cô ấy thế đấy. Tôi nghĩ đó là ý kiến tuyệt vời.
Ngay cả Anna ngồi phía bàn bên kia cũng thuyết phục nàng: - Ở lại đi mà, đừng vội thế chứ.
Ai cũng lên tiếng, ngoại trừ Hugh. Bà Crowther ngồi cuối bàn nhận ra Hugh im lặng từ nãy tới giờ.
- Bác sĩ, ý anh sao? Anh không nghĩ Rose nên ở lại chơi với chúng ta thêm vài ngày nữa ư?
Mọi người đều lặng thinh hướng cặp mắt chờ đợi về phía Hugh mong anh đồng ý với họ. Nhưng anh ta phản đối.
- Không, theo tôi, cô ta không nên ở đây làm gì.
Anh ta tuyên bố rồi nói thêm, không giấu nổi vẻ chua chát trong từng lời nói: - Trừ phi cô ta muốn thế.
Anh ta nhìn Flora, cặp mắt màu xanh lạnh lẽo mở tròn như thách thức. Flora đang ở trong một trạng thái không được bình thường. Chắc bởi vì cô đã uống quá nhiều rượu, chắc bởi vì những lời nhận xét sống sượng sáng nay bên bờ biển, chắc bởi vì sự khó chịu của Hugh mang lại cho nàng và bởi vì tính hiếu thắng kiểu đàn bà tự nhiên trỗi dậy trong con người Flora. Từ sâu thẳm vọng lên tiếng nói của cha nàng cách đây rất, rất lâu. Ông đã cảnh báo nàng đừng bao giờ giận cá chém thớt, chỉ mang họa vào thân thôi. Thế nhưng nàng vẫn nói với tất cả mọi người trên bàn tiệc hôm ấy.
- Nếu bà Tuppy muốn tôi ở lại thì tất nhiên tôi sẽ ở lại thôi.
Rồi cũng đến lúc buổi tối đầy cam go kết thúc. Mọi người đều ra về hết, chó đã được nhốt lại, những ly cà phê dơ mang hết vào trong bếp. Sau khi dì Isobel hôn hai người, chúc họ ngủ ngon rồi lên lầu đi ngủ thì chỉ còn Antony và Flora đối mặt với nhau bên lò sưởi đang dần nguội lạnh. Antony hỏi:
- Sao em lại quyết định như vậy?
- Em không biết nữa.
- Anh tưởng em phát điên thật rồi. Nhưng tô nước đã hắt đi rồi sao hốt lại được. Ôi, Flora ơi là Flora !
- Vậy em không thể quay trở về cùng anh như đã hứa, anh không phiền chứ?
- Anh đâu có phiền gì nếu em chịu đựng được, và nếu em tự chủ được trong mọi tình thế. Hơn nữa, bà Tuppy lại muốn em ở lại thì sao anh lại phiền cơ chứ, nhưng… - anh bỏ dở câu nói nửa chừng.
- Nhưng sao?
- Tin hay không mặc lòng, anh lo cho chính em đấy. Em bắt anh hứa là chuyện này chỉ kéo dài hai ngày thôi, thế mà bây giờ em lại thay đổi.
- Em biết, nhưng mọi chuyện giờ đã khác rồi.
- Khác ở chỗ nào? Khác ở chỗ lúc trước mình cứ tưởng bà ốm nặng gần chết thì mình về, bây giờ bà không ốm nặng đến nỗi như thế thì em lại muốn ở lại ư?
- Không. Vì những chuyện khác cơ.
Antony thở dài nặng nề quay xuống nhìn ngọn lửa bảo:
- Vậy thì vì cái lý do quái quỷ nào chứ?
- Tùy anh đó, anh có thể nói thẳng với bà Tuppy sự thật đi.
- Ý em bảo là anh đi nói thẳng với bà là em không phải là Rose hay sao?
- Không lẽ chuyện đó khó đến thế sao?
- Không thể làm thế! Chưa bao giờ anh nói dối bà Tuppy.
- Nhưng bây giờ anh đang nói dối đấy thôi.
- Thôi được rồi. Thế thì sao nào?
- Em nghĩ anh đã đánh giá thấp bà của mình rồi. Theo em hiểu thì bà biết hết mọi chuyện rồi đấy.
- Nhưng anh không muốn thú thật với bà đâu.
Giọng Antony chẳng khác nào một thằng bé cứng đầu. Flora thú nhận.
- Nói thật lòng nhé, em cũng không dám thú thật với bà.
Họ nhìn nhau tuyệt vọng. Antony cười, tuy không hàm chứa gì vẻ mỉa mai.
- Vậy là cả hai chúng ta đều là những kẻ hèn nhát! Hợp đôi thế còn gì?
- Phải, hai kẻ đồng mưu nham hiểm.
- Anh còn cho rằng chúng ta đã thất bại hoàn toàn.
Flora cố nói đùa: - Em không cho là thế. Phần đầu của âm mưu này được thực hiện không đến nỗi tồi.
Antony nói tiếp, giọng buồn phiền: - Anh tự hỏi không hiểu vì cái lý do quái quỷ nào mà anh lại không rung động trước một cô gái tốt như em.
- Nếu anh yêu em thì tiện cả đôi đường phải không? Đặc biệt là khi em cũng đáp lại tình yêu ấy?
Trời bắt đầu lạnh thấu xương. Flora run rẩy ngồi lại gần hơn đống tro tàn của lò sưởi, Antony bảo:
- Trông em mệt mỏi quá đấy. Cũng phải thôi, thật là một buổi tối kinh khủng. Thế mà em đã vượt qua được. Thật kỳ diệu không ngờ.
- Em không nghĩ thế đâu. Hugh và Brain hình như không ưa nhau thì phải.
- Nếu biết tính cách của họ khác nhau một trời một vực thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên đâu. Tội nghiệp anh chàng Hugh. Chưa bao giờ anh thấy cậu ấy ngồi ăn cho hết bữa mà không có điện thoại gọi hay có ai đó đến kêu cậu ấy đi.
Hôm nay cũng vậy, Hugh bỏ đi trước khi mọi người vừa ăn xong món thứ hai trong số 5, 6 món ăn. Khi có điện thoại, Antony trả lời, sau đó kêu Hugh ra ngoài tiền sảnh. Vài phút sau, quần áo đã chỉnh tề, mũ đã đội trên đầu, anh đứng ở cửa phòng ăn xin lỗi và tạm biệt mọi người. Hugh đi rồi, trong thâm tâm mỗi người ngồi trên bàn tiệc hôm ấy đều áy náy khi nhìn về cái ghế trống của anh ngay bên đầu bàn.
- Antony, anh có thích tính cách của Hugh không?
- Có chứ, anh mến cậu ấy cực kỳ. Anh coi Hugh là thần tượng. Hồi còn học ở Đại học Endinburgh, cậu ấy có chân trong đội bóng bầu dục của trường và đã trở thành thiên thần của đội.
- Em không nghĩ anh ấy thích em. Ý em nói là không hiểu vì lý do nào đó mà anh ấy không thích Rose.
- Em đang tưởng tượng đấy thôi. Hugh có thể hơi khô khan một chút.
- Em biết, nhưng không hiểu giữa anh ấy và Rose đã từng có mối quan hệ nào đó không.
Antony sửng sốt lặng người đi. Anh kinh hoàng thực sự, không hề che giấu.
- Hugh và Rose ư? Cái gì khiến em có cái ý tưởng kỳ lạ thế hả?
- À thì có một chuyện…
Antony đặt tay lên vai nàng:
- Không đâu, không đâu, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Để anh nói với em điều này nhé. Em mệt mỏi quá rồi, lại căng thẳng đầu óc nữa nên em tưởng tượng ra đủ mọi thứ. Với lại anh cũng mệt lắm rồi. Em có thấy là suốt 36 giờ đồng hồ vừa qua, anh chẳng được ngủ tí nào không? Giờ thì hậu quả của nó đang tàn phá anh đây, anh phải lên giường thôi, chúc em ngủ ngon.
Antony hôn nàng thân thiết như một đứa em gái.
Flora đáp: - Chúc ngủ ngon! Mơ nhiều giấc mộng đẹp nhé, Antony.
Vì chẳng còn việc gì để làm và cũng chẳng còn chuyện gì để nói, họ che lò sưởi lại, tắt đèn, rồi lên cầu thang. Họ quàng tay qua vai ôm lấy nhau chỉ vì quá mệt mỏi, đỡ nhau chậm chạp đi lên cầu thang mờ tối.
Bà Tuppy thức dậy khi tiếng chim hót đầu tiên bắt đầu véo von trên ngọn cây sồi ở ngoài cửa sổ phòng bà. Tiếng chim ấy khiến cho bà có cảm giác nồng ấm hạnh phúc. Và lâu lắm rồi bà mới được nghe tiếng chim buối sớm ríu rít trong một buổi sáng thanh bình đến thế.
Những năm gần đây, bà thức dậy với những linh cảm đáng lo ngại. Chắc có lẽ bởi bà quá lo lắng về gia đình yêu quý của mình, về tình hình của cái thế giới mà bà đang sống ngày càng sa vào hết thảm họa này đến thảm họa khác. Bà Tuppy tự nghiêm khắc với bản thân, mỗi ngày tự bắt mình phải đọc báo, xem chương trình tivi vào lúc 9 giờ,nhưng thường thường, vào những buổi sáng sớm, bà ước mong mình chẳng phải làm những việc đó. Thỉnh thoảng sự quan tâm đến tình hình bên ngoài vẫn chỉ là một ánh sáng của bình minh chẳng hứa hẹn bất cứ điều gì tốt đẹp cả, chẳng mang lại hy vọng cho bất cứ người nào. Và trong buối sáng như thế, bà Tuppy phải cố gắng lắm mới có thể rời khỏi giường, mặc quần áo, cố làm ra vẻ vui tươi và xuống lầu ăn bữa điểm tâm.
Nhưng sáng nay thì khác hẳn, bà thấy mình như đang trôi bồng bềnh mà đầu óc thì hoàn toàn tỉnh táo vì tự nhận biết đây là bài tập thực sự. Có những lúc bà sợ không dán cựa mình, hoặc mở mắt ra vì sợ giấc mơ của bà biến mất và rồi hiện tại khắc nghiệt lại ụp xuống cuộc đời bà.
Nhưng càng lúc, bà càng nhận ra giấc mơ kia hoàn toàn là sự thật. Chẳng phải đêm qua nó đã đến rồi đó sao. Đêm qua, Isobel lên lầu sau khi ăn xong, bảo rằng Rose cuối cùng đã bị thuyết phục và hứa sẽ ở lại Fernrigg sau khi Antony một mình quay lại Edinburgh.
Con bé sẽ không bỏ đi.
Bà Tuppy mở mắt, ánh nắng đầu tiên của một ngày hạnh phúc đang xuyên qua cửa sổ và ở yên nơi cuối giường bà. Hôm nay là Chủ nhật, bà Tuppy thích Chủ nhật lắm. Hồi đó, Chủ nhật bà có thể đi nhà thờ, dành hết thời gian vui vẻ với gia đình, bạn bè và cặm cụi nấu ăn trong nhà bếp. Hồi đó là vậy đấy. Khi ấy, ở Fernrigg, ít khi người ta phải chờ đến 12 giờ mới ngồi vào bàn ăn trưa vào những ngày Chủ nhật. Ăn trưa xong thì tùy thuộc vào từng mùa, cả nhà sẽ đi đánh tennis hay xúi giục nhau đi dạo trên những con đường dài dọc theo những bờ cát ở Fhada. Sau đó mọi người sẽ tụ tập lại để uống trà, có thể là ngồi ngay ngoài thềm nhà hoặc ngồi trong phòng khách, bên lò sưởi ấm áp. Lúc ấy, họ sẽ ăn bánh nướng với bơ và mứt, nếu không thì cũng là bánh sôcôla hoặc là bánh có hương trái cây. Và thỉnh thoảng họ cùng nhau thưởng thức bánh biscuits gừng mà một người bạn ở tận London gửi cho bà Tuppy. Sau đó, cả nhà sẽ chơi bài hoặc đọc báo số ra ngày Chủ nhật. Và nếu lúc ấy trong nhà có thêm vài đứa cháu nhỏ thì bà sẽ đọc báo thật to cho cả bọn chúng cùng nghe. Đôi khi bà gọi các cháu lại, đọc cho chúng nghe những cuốn sách đã xuất bản cách đây từ mấy mươi năm. Khu Rừng Bí Mật, Gió Thổi Trong Rặng Liễu, Nàng Công Chúa Bé Nhỏ. Có đến hàng ngàn lần, tiếng bà Tuppy đọc những trang sách ấy vang vang khắp nhà. Những câu đại loại như: Ngày xửa ngày xưa, có một căn nhà xinh xinh của một nàng búp bê đẹp tuyệt trần…Đấy, như tối hôm trước ấy, thằng Jason chẳng được hưởng cảnh đầm ấm ấy là gì. Nhưng nó thì lại được đặc quyền đặc lợi hơn, khi thân hình bé nhỏ của nó cứ rúc mãi vào cánh tay bà, mái tóc còn nguyên mùi thơm dìu dịu mà nó vừa sử dụng trong nhà tắm, nhìn thằng Jason rúc đầu vào cổ bà nội, bà Tuppy nhớ đến tất cả những đứa cháu khác của bà. Bao nhiêu đứa cháu trai nhỏ bé đã từng âu yếm nép sát vào bà như thế. Thỉnh thoảng, mỗi khi bà mệt mỏi hay những lúc ký ức bắt đầu lẫn lộn, tự nhiên bà Tuppy quên hẳn những ngày tháng năm sinh ra chúng. Và quên luôn có những đứa cháu đã trở về với Chúa vì bà không có được hồng phúc nuôi nấng chúng.
Có những lúc trong cơn mơ màng, bà thấy James và Robbie, hai đứa em trai còn nhỏ xíu của bà chơi trò đánh trận giả trên tấm thảm ở trước lò sưởi, và Tuss, con trai của chính bà nữa chứ, nó hoang dại chẳng khác gì một thằng digan, cứ thế chân trần mà chạy. Bà nhớ khi ấy, mọi người trong làng đều nhìn nó lắc đầu bảo rằng: nó trở nên như thế là vì nó không có cha. Rồi sau đó là đến Torquil, Antony và bây giờ là Jason.
Có thể mặt mũi chúng khác nhau nhưng bọn trẻ đều mang lại những giây phút ấm áp cho trái tim của bà Tuppy. Nhưng quyền lợi đi cùng nghĩa vụ. Muốn được hưởng hạnh phúc bên con cháu, bà cũng phải trải qua những nỗi lo lắng kinh hoàng, nào gãy tay nè, chảy máu đầu gối, rồi thì lên sởi, ho gà, nào là phải giữ cho chúng từng ly từng tí, nói cảm ơn đi con, nói mẹ cho con, giúp con xuống lầu nhé. Hay phải nghe những câu: Này cô Tuppy ơi, tôi nói cô đừng có mà lo quá nhé, bình tĩnh nghe đây này, thằng Antony vừa té từ cây linh sam xuống đấy, máu chảy quá trời kìa. Và những bước ngoặt trong cuộc đời của bọn trẻ, nào là học bơi, học đi xe đạp và bắt đầu biết chơi súng nữa. Cứ mỗi sự việc như vậy, bà Tuppy lại cảm thấy lo lắng đến nghẹt thở. Nhất là khi thấy bọn chúng giơ những khẩu chúng đồ chơi lên bà lại phải cứ nhắc đi nhắc lại: Này, đừng bao giờ chĩa súng vào bất cứ ai đấy nghe chưa. Bà bắt bọn trẻ phải nói câu ấy mỗi đêm, bắt bọn chúng phải nói to lên để nhớ cho lâu trước khi cả nhà cầu nguyện.
Sau đó, chúng xa nhà cả một thời gian dài vì nghĩ đến tuổi đến trường. Nhớ con, nhớ cháu, bà đếm từng ngày, bà nhớ như in từng cuộc tiễn đưa thấm đẫm nước mắt ở cái ga Tarbole ấy. Thằng bé nào trong chuyến đi đầu tiên đến trường cũng mang theo một cái rương chất đầy quần áo, sách vở và rồi cứ thế, lần lượt từng khuôn mặt khuất dần sau màn sương trên sân ga buồn bã.
Những đứa con, cháu trai của bà gợi cho bà nhớ đến những thời quá khứ dài dằng dặc và gợi cho bà nỗi lo toan. Nhưng như một phép lạ, những nỗi lo toan ấy không mất đi mà còn mãi cho đến khi chúng lớn rồi, bà vẫn phải lo. Thằng Torquil thì chẳng nói làm gì rồi. Nó cứng rắn, làm việc gì cũng xong, tự thu xếp cho bản thân một cách gọn gàng. Thằng bé đã cưới Teresa, và chúng nó đang sống ở Bahrain. Torguil luôn làm yên lòng bà. Nhưng còn thằng Antony lại khác hẳn, nó bây giờ còn đang gặp khó khăn. Cái thằng đẹp trai, nhưng lại nhẹ dạ, chẳng bao giờ ngồi yên lấy một phút. Nó đem về Fernrigg giới thiệu cho bà có lẽ đến cả tá bạn gái rồi nhưng chưa bao giờ nó hợp với bất cứ đứa con gái nào trong số ấy. Bà Tuppy bắt đầu tuyệt vọng, không còn mơ tưởng đến chuyện nó lấy vợ và an cư lạc nghiệp nữa.
Thế mà bây giờ, bất thình *** h nó gặp lại Rose Schuster, và niềm tin vào sự kỳ diệu của Chúa Trời của bà Tuppy lại một lần nữa được khẳng định. Ôi, các con bé Rose ấy, thằng Antony nhà bà có tu đến 70 kiếp cũng chẳng thể nào tìm được một cô gái nào quyến rũ hơn con bé. Dù cho thằng Antony có tặng bà món quà quý giá đến đâu, bà cũng không bao giờ đổi nó lấy những giờ phút say mê được ngồi bên Rose, cô gái biết bỏ bùa mê.
Khái niệm bắt đầu hình thành và lớn dần lên trong tâm não luôn hoạt động của bà Tuppy. Theo lời đánh giá của Isobel, thì bữa tiệc tối hôm qua đã hoàn toàn thành công, nhưng bà Tuppy không dự được và cảm thấy phẫn nộ khi nghe được những lời qua lại bên bàn tiệc và khi đoán ra nét mặt của những người ngồi trên bàn hôm ấy và cái thằng Hugh kia nữa chứ. Sao mà nó nhẫn tâm đến thế, không cho bà mời thêm khách khứa vì sợ sức khỏe của bà không chịu nổi sự ồn ào của bữa tiệc quá đông người đến dự. Nếu không có lời nó cấm đoán thì có thể cả cái thị trấn này sẽ biết cháu trai của bà sắp kết hôn có phải hay không.
Nhưng cho đến cuối tuần này, chắc có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi. Bà Tuppy lẩm bẩm tính toán: hôm nay mới là Chủ nhật, thằng Antony sẽ để Rose ở lại Fernrigg, sau đó quay trở về đây vào tuần tới để lại mang con bé đi một lần nữa, họ có những một tuần lận. Về mặt thời gian, như thế cũng là nhiều lắm rồi.
Họ sẽ tổ chức một bữa tiệc linh đình có khiêu vũ. Phải rồi, khi có tiếng nhạc êm ái, người ta sẽ dễ dàng mở lòng với nhau hơn. Và ngay lập tức, trong đầu óc bà Tuppy tràn ngập tiếng nhạc tưởng tượng của một điệu vũ cao nguyên.
Những ngón chân bà đang được ủ ấm dưới tấm chăn ngọ nguậy theo điệu nhạc tưởng tượng. Bà Tuppy phấn khích. Cái ý tưởng mới thành hình trong đầu biến thành cảm hứng. Bà quên mất mình đang ốm, cái viễn cảnh phải nằm liệt giường trong cơn hấp hối vốn đã không được bà quan tâm nhiều lắm, đến lúc này càng mờ nhạt đi. Đột nhiên bà thấy mình có hàng tỉ tỉ thứ quan trọng cần phải suy nghĩ và cân nhắc, không có hơi đâu ngồi thở dài thườn thượt lo chuyện ốm đau.
Trời đã sáng rõ, bà với tay bật chiếc đèn ở đầu giường để nhìn rõ chiếc đồng hồ vàng đặt bên cạnh giường bà bây giờ chỉ mấy giờ rồi. Bảy giờ rưỡi. Thật cẩn thận, bà ngồi từ từ dậy, chất gối lên cao để có thể chống khuỷu tay vào đó. Bà lấy cặp kính đeo vào mắt, sau đó khoác áo khoác mặc trong nhà vào. Gớm, mặc được cái áo cũng vất vả quá đi mất. Mấy cái ngón tay lóng ngóng vì tuổi già của bà mãi mới thắt nổi cái nơ từ hai sợi dây áo. Bà mở ngăn kéo ở chiếc bàn cạnh giường, lấy ra một xấp giấy viết thư, một cây bút chì và bà Tuppy bắt đầu viết những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy trắng ngần ấy.
"Ông bà Clanwilliam".
Hồi đó, chữ bà đẹp lắm, nhưng lúc này, nó chẳng khác gì con cua bò. Nhưng thế thì đã sao nào. Bà nghĩ một lát trong óc, rà soát lại những khuôn mặt láng giềng. Sau đó, bà viết tiếp.
"Charles và Christian Drummond,
Harry và Frances McNeil".
Tiệc phải được tổ chức vào thứ Sáu. Lễ Sabbath ngày thứ Bảy sẽ khiến mọi người chẳng còn thiết nhảy múa gì nữa. Antony chắc phải xin phép nghỉ một buổi chiều thứ Sáu để về dự tiệc cho đúng giờ. Bà biết thể nào thằng bé cũng thu xếp để làm được chuyện ấy. Bà viết tiếp:
Hugh Kyle, Elizabeth McLeod, Jonhny và Kirsten Grant.
Hồi trước, trong những bữa tiệc như vậy, người ta thường nấu món cá hồi, chiên những con gà tây mập thật bự, làm bánh ga tô. Mọi thứ đều được sửa soạn trong nhà bếp ở Fernrigg. Nhưng bà Watty bây giờ khó có thể xoay xở với chừng đó món ăn. Isobel sẽ phải đến thương lượng với ông Anderson, quản lý phụ trách nhà bếp của khách sạn Station ở Tarbole. Ông ta có một cái hầm rượu lớn chứa đầy thứ rượu vang quý để lâu năm và một đầu bếp rất giỏi, tuy vậy, chớ có trông cậy hết vào ông Anderson. Nếu thế thì nên điền thêm vào cái danh sách này cả ban nhạc nữa. Chồng bà giám đốc bưu điện địa phương chơi đàn accordion giỏi. Ông này sẽ kêu thêm một vài người bạn nữa để thành lập một ban nhạc nhỏ. Cũng không cần gì nhiều, chỉ cần thêm một cây violon và một tay trống nữa là xong. Isobel có thể sắp xếp được việc ấy. Jason cũng sẽ được dự tiệc. Bà Tuppy những mong nó sẽ mặc chiếc váy của đàn ông kiểu Scotland và áo nhung mà ông nội nó mặc ngày xưa.
Cả một trang giấy như vậy đã gần kín hết nhưng bà vẫn điền thêm tên khách mời khiến danh sách tưởng chừng như dài ra đến vô tận.
"Gia đình nhà McDonald"
Bà lấy thêm tờ giấy mới. Đã lâu lắm rồi bà không thấy vui vẻ như hôm nay.
Dì Isobel loan truyền sự vui mừng cho mọi người trong nhà Fernrigg. Vào buổi sáng, khi mang khay đựng đầy bát dơ của bữa điểm tâm xuống dưới nhà, dì Isobel xuất hiện trước mặt mọi người dưới bếp, vẻ thảng thốt.
Dì đặt cái khay lên trên bàn đánh rầm một cái, chưa bao giờ dì Isobel lại mạnh tay như thế. Mọi người trong bếp đều đứng sững người quay lại nhìn. Ngay cả Jason, miệng còn đầy thịt muối nướng cũng ngưng luôn chẳng dám nhai nữa. Rõ ràng là có chuyện gì đó không ổn. Mái tóc rễ tre của bà Isobel rối bù như thể bà vừa đưa tay cào nó không thương tiếc. Nét mặt bà biểu lộ sự bực tức và ghen tỵ.
Dì chẳng nói gì, cứ đứng đó, người cao lêu khêu như cây sậy trong chiếc áo đầm rời bằng vải tuýt và chiếc áo len đẹp nhất thường phải chờ đến Chủ nhật mới đem ra mặc. Dì Isobel buông xuôi, rõ ràng không biết nói gì trong tình trạng dở khóc dở cười. Sự im lặng của dì khiến mọi người phải chú ý ngay lập tức. Bà Watty đang gọt khoai tây chuẩn bị cho bữa trưa, đứng ngây người với con dao vẫn còn cầm trong tay. Bà y tá McLeod dang dở tay với những chiếc ly uống nước từ tối hôm qua. Bà cứ lau cho đến khi nào ly tách bóng lộn lên mới thôi. Nhưng lúc này bà cũng ngưng lại lắng nghe. Flora đặt tách cà phê xuống đĩa lót. Nàng hồi hộp đến độ động tác ấy phát ra tiếng động lanh canh nho nhỏ.
Cuối cùng, chính bà Watty phải lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
- Có chuyện gì thế?
Dì Isobel ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa trong nhà bếp, hai chân duỗi thẳng vẻ chán nản, đoạn nói:
- Mẹ tôi lại muốn tổ chức một bữa tiệc nữa.
Cả đống công việc dồn lại từ bữa tiệc hôm trước vẫn còn ngổn ngang ra đó. Giờ mọi người trong nhà đón nhận cái tin ấy với vẻ ngờ vực không giấu giếm. Phải mất một lúc lâu, tiếng động duy nhất trong nhà chỉ là tiếng tích tắc chậm rãi của chiếc đồng hồ to tướng kiểu cổ đứng ở góc nhà. Cặp mắt dì Isobel hết nhìn người này đến nhìn người khác. Bà bảo họ:
- Đúng thế đấy, bữa tiệc được tổ chức vào thứ Sáu tới, lại còn có khiêu vũ nữa chứ.
- Cái gì, khiêu vũ à?
Bà y tá McLeod, tưởng tượng ra cảnh bệnh nhân ốm yếu của mình quay cuồng trong tiếng nhạc khiêu vũ, liền đứng bật dậy. Với chuyên môn và quyền hạn của mình, bà không thể cho phép chuyện đó xảy ra.
- Tôi không thể chịu nổi nữa rồi đó. – Bà tuyên bố.
- Nhưng mẹ tôi đã quyết định rồi. Dì Isoble nói tiếp như thể bà y tá kia chưa hề nói câu nào. – Này nhé, ông Anderson ở khách sạn Station sẽ lo về rượu, mẹ tôi sẽ mời chồng bà Cooper tổ chức một ban nhạc.
- Trời. – Bà Watty phải thốt lên ngay lập tức.
- Và mẹ cũng lên cả một đống danh sách những người khách sẽ được mời.
Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, thằng Jason yên tâm nuốt nốt miếng thịt muối:
- Cháu có được mời không vậy?
Nó hỏi, nhưng lần này là lần đầu tiên tất cả mọi người lờ đi không trả lời câu hỏi của nó. Bà y tá hỏi dì Isobel với cặp mắt lạnh lùng thể hiện rõ sự cứng rắn.
- Thế cô có nói với mẹ cô rằng không nên chưa?
- Tất nhiên tôi đã nói ngay với bà là chẳng thể làm thế được đâu.
- Thế bà ấy bảo gì?
- Mẹ tôi gạt phắt đi, không chấp nhận bất cứ lời khuyên ngăn nào.
- Thế này thì không thể chịu nổi nữa. Cứ nghĩ đến mọi chuyện đảo lộn hết lên, rồi tiếng ồn ào nữa chứ, mà bà Armstrong thì có khỏe mạnh gì đâu cho cam. Bà ấy làm sao chịu đựng nổi. Chắc bà ấy quyết định phải đi dự tiệc phải không?
- Lần này thì không ai có thể ngăn mẹ tôi được nữa đâu.
Bà Watty cao giọng hỏi: - Nhưng tại sao lại phải làm thế cơ chứ? Sao bà còn muốn tổ chức thêm tiệc tùng làm gì? Cô xem, sau buổi chiêu đãi khách tối ngày hôm qua, phòng ăn còn bừa bộn ra đó, chưa dọn xong nữa cơ mà.
Dì Isobel thở dài: - Tiệc ấy được tổ chức vì Rose đấy. Mẹ tôi muốn mọi người đều đến gặp gỡ và nói chuyện với Rose.
Mọi người quay trở sang đổ dồn mắt vào Flora. Nàng là người hơn ai hết hứng chịu cơn chấn động của quả bom này. Thấy mọi người quay sang nhìn mình, mặt nàng đỏ dần lên.
- Nhưng cháu đâu có muốn tiệc tùng gì đâu. Ý cháu nói là cháu ở lại đây bởi vì bà Tuppy muốn thế. Nhưng cháu làm sao biết được bà lại quyết định một việc quá sức tưởng tượng như thế này.
Dì Isobel nói:
- Cho đến tối hôm qua, mẹ vẫn chưa có ý kiến gì. Mọi sự chỉ mới đầu vào sáng sớm ngày hôm nay thôi. Thế nên không phải lỗi của cháu đâu. Chẳng qua đột nhiên mẹ muốn vui chơi một chút.
Flora đáp.
- Nhưng rõ ràng là không đủ thời gian. Ý cháu nói là không đủ thời gian tổ chức tiệc. Chỉ có một tuần! Đi mời khách cũng không kịp huống hồ…
Nhưng ngay lập tức, thắc mắc của nàng đã được giải đáp.
- Sẽ mời qua điện thoại cháu ạ. Và người làm việc ấy không ai khác ngoài tôi.
Bà McLeod kéo ghế ngồi sau khi cởi chiếc tạp dề hồ bột trắng như tuyết đặt trên chiếc ghế bên cạnh.
- Nhất định phải cản thôi.
Bà Watty và dì Isobel cùng thở dài đánh thượt một cái.
Bà Watty lên giọng kẻ cả:
- Không dễ thế đâu, bà ạ. Các bà không hiểu bà Armstrong bằng tôi và dì Isobel đâu. Một khi bà ấy đã quyết định là như đinh đóng cột, đừng hòng có ai lay chuyển nổi.
Jason cầm một mẩu bánh mì lên phết bơ vào, miệng nói: - Chưa bao giờ cháu được dự một buổi khiêu vũ đấy.
Mắt nó dáo dác nhìn mọi người. Nhưng một lần nữa, chẳng ai để ý đến nó.
- Thế còn Antony thì sao? Không lẽ nó không thuyết phục nổi bà nội ư? – Bà y tá hy vọng.
Nhưng bà Watty và dì Isoble lắc đầu: - Antony cũng chỉ vô dụng thôi, vả lại, lúc này Antony vẫn còn đang ngủ nên không ai muốn đến quấy rầy.
Flora đứng lên tuyên bố:
- Nếu không ai trong gia đình có thể khuyên nhủ bà lão thì chắc bác sĩ Kyle có thể làm được chuyện đó đấy.
Vừa nghe nhắc đến tên Hugh, cả bà Watty và dì Isobel mặt mày sáng rỡ. Ừ nhỉ, sao họ không nhớ đến Hugh kia chứ. Bà Watty chậm rãi nói:
- Bác sĩ Kyle, ừ đúng đấy. Quả là ý kiến hay nhất trong tuần. Có thể bà nhà sẽ không để ý đến lời tụi tôi nói. Nhưng lời bác sĩ thì có trọng lượng hơn. Sáng nay, anh ta có đến thăm bệnh cho bà lão không nhỉ?
Bà y tá bảo: - Có. Bác sĩ có nói sẽ đến vào trước bữa trưa.
Bà Watty đặt hai cánh tay lực lưỡng lên trên bàn, hạ thấp giọng vẻ quan trọng:
- Thế thì trong khi chờ đến lúc đó, tại sao chúng ta không làm cho bà lão vui vẻ một chút. Bà y tá này, tôi hy vọng bà sẽ đồng tình với tôi rằng không có lý do nào làm bà Armstrong bực mình. Đừng có lên cãi cọ hoặc cằn nhằn bà lão. Cứ để mọi chuyện cho bác sĩ Kyle giải quyết đi.
Mọi người đều hài lòng cách giải quyết rắc rối này. Từ trong đáy lòng, Flora cảm thấy có lỗi với bác sĩ Hugh Kyle. Buổi sáng đã gần hết. Flora giúp bà Watty rửa chén đĩa của bữa điểm tâm, hút bụi tấm thảm trong phòng khách và chuẩn bị bàn ăn cho bữa trưa. Dì Isobel đội nón và đưa Jason đến nhà thờ. Bà Watty bắt đầu nấu bữa trưa. Trong lúc đó, Flora đi cùng với bà y tá lên lầu gặp bà Tuppy. Bà y tá dặn trước:
- Đừng có đả động gì đến vụ khiêu vũ đấy. Nếu như bà lão có nói đến chuyện ấy thì cô nhớ đánh trống lảng sang chuyện khác nhé.
Flora hứa sẽ làm thế. Nàng đã sắp ra khỏi nhà bếp thì bà Watty gọi giật lại. Bà lau khô tay, mở ngăn kéo lấy ra một chiếc túi bằng giấy lớn, có đôi kim đan và một cuộn len màu xám. Bà đang định đan cho thằng Jason một cái áo len cổ lọ. Bà bảo Flora:
- Cứ vờ cuộn len đi, như thế dễ nói chuyện hơn.
Ngoan ngoãn cầm lấy chiếc túi, Flora lên cầu thang, đến phòng bà Tuppy. Vừa bước vào, cô nhận ra ngay sức khỏe của bà Tuppy đã khá hơn rất nhiều, mắt không còn thâm quầng và tâm trạng phấn chấn. Flora vừa bước vào, bà đã giơ tay ra đón.
- Bà đã hy vọng cháu sẽ đến mà. Lại gần đây hôn bà đi nào. Trông cháu dâu của bà xinh quá.
Chuẩn bị ăn mặc thật đẹp cho ngày Chủ nhật, Flora chọn chiếc đầm rời bằng len hiệu Shetland.
- Cháu biết không? Đây là lần đầu tiên bà thấy được cặp chân trần của cháu đấy. Chân đẹp thế mà bà không hiểu sao cháu cứ đeo mấy cái quần dài để làm gì kia chứ!
Họ ôm hôn nhau. Flora định lùi ra nhưng bà Tuppy cứ ôm chặt lấy cô.
- Cháu không giận bà chứ?
- Giận về chuyện cháu phải ở lại ư?
- Bà đã không phải với cháu khi gửi lời nhắn với cháu qua Isobel vào đêm hôm qua. Bà muốn cháu hãy đổi ý nhưng bà lại chẳng nghĩ ra cách gì thực hiện ước nguyện ấy.
Flora xiêu lòng, nàng mỉm cười: - Không, cháu chẳng giận bà đâu ạ.
- Phải, nếu không có chuyện gì quá khẩn cấp cần cháu quay trở về thì cháu có thể tha lỗi cho bà già này, đúng không? Vì bà muốn cháu ở lại, bà muốn lắm đấy.
Giờ bà lão mới chịu buông Flora, nàng ngồi xuống cạnh giường. Nàng nói với bà Tuppy, cố tình quên lời hướng dẫn của bà y tá.
- Nhưng bây giờ thì bà gặp rắc rối rồi, bà cũng biết điều đó phải không ạ?
- Ta thậm chí còn chưa biết chuyện rắc rối ấy là gì nữa.
- Cháu đang nói đến chuyện mọi người phản đối kế hoạch tổ chức một bữa tiệc nữa của bà đấy ạ.
- À, chuyện đấy à. – Bà Tuppy tặc lưỡi, mặt vui vẻ hẳn lên. – Tội nghiệp Isobel, con bé gần như ngất xỉu khi ta nói chuyện ấy với nó.
- Nhưng sao bà cứ nhất thiết phải làm thế ạ?
- Nếu cháu đã muốn hỏi ta như thế thì ta lại phải hỏi cháu. Tại sao ta không nên tổ chức bữa tiệc nữa chứ? Ta nằm bẹp trên giường đã lâu rồi, phải tìm cái gì để giải trí chứ cháu.
- Thế thì bà phải tìm một việc gì đó làm cho bà khỏe hơn, chứ không phải là lên kế hoạch cho một bữa tiệc vượt quá sức chịu đựng của một người khỏe nhất như vậy.
- Ố, không có gì đâu mà. Ở nhà, tổ chức tiệc tùng vẫn là chuyện thường. Hơn nữa, có ai phải làm gì đâu, ta đã sắp xếp hết cả rồi.
- Nhưng dì Isobel sẽ phải mất nguyên một ngày để gọi điện thoại thông báo đến tất cả mọi người.
- Ố, nếu thế thì con bé chẳng phiền lòng gì đâu. Vả lại, ngồi gọi điện thoại cũng nhàm chán.
- Thế còn nhà cửa thì sao ạ? Lại còn phải cắm hoa trang hoàng nữa. Lại còn phải thu dọn lại đồ đạc lấy chỗ làm sàn nhảy nữa chứ ạ?
- Bà Watty có thể dọn dẹp đồ đạc lại được đấy. Đâu có mất bao nhiêu thời gian. – Giọng bà Tuppy say sưa vì vui mừng. – Và chính cháu đấy, có thể cắm hoa giúp ta.
- Nhưng cháu cắm hoa xấu lắm ạ.
- Nếu thế thì dùng những chậu hoa kiểng vậy. Hay là bảo Anna đến đây giúp chúng ta. Rose này, tốt hơn hết là đừng có ngáng trở kế hoạch của bà nữa. Bởi vì bà đã sắp xếp mọi chuyện đâu vào đấy rồi.
- Nhưng bà y tá nói còn tùy thuộc vào ý kiến của bác sĩ Hugh nữa ạ. Suốt cả buổi sáng nay, mặt bà y tá nặng như đá đeo.
- Nếu như mọi chuyện tùy thuộc vào ý kiến của thằng Hugh, thì cháu cứ yên tâm đi. Nó còn giàu óc tưởng tượng hơn ta nhiều.
- Nếu cháu là bà, cháu sẽ chẳng tổ chức tiệc tùng gì đâu ạ. Và cháu cũng biết bác sĩ Hugh sẽ khuyên như thế nào.
- Không, ta biết thằng Hugh từ khi nó còn là một đứa trẻ đỏ hỏn. Cũng dễ thuyết phục thôi cháu ạ. Ta ngạc nhiên vì cháu nói về thằng Hugh như thể rất quen thân vậy.
- À, trong bữa tối ngày hôm qua, cháu được sắp xếp ngồi cạnh anh ta mà. - Flora mở chiếc túi giấy, lôi ra đống len màu xám trong đó.- Bà có thấy khỏe không ạ, cuộn len của bà Watty liệu có làm bà mệt thêm không?
- Tất nhiên là không rồi. - Bà Tuppy tiếp tục như thể câu chuyện chưa hề bị cắt ngang.- Ta muốn nghe kể về bữa tiệc ngày hôm qua. Cháu hãy kể cho ta nghe ngay từ đầu đến cuối đi.
Flora kể cho bà nghe bằng giọng hồ hởi, vui vẻ như thể từ đầu đến cuối bữa tiệc toàn chuyện vui là chuyện vui. Khi Flora không còn gì để kể nữa thì bà Tuppy cất lời.
- Vợ chồng nhà Crowther tuyệt vời đấy chứ phải không? Ta rất mến ông Crowther, mới gặp ông ta, người khác có thể hơi ngỡ ngàng, nhưng thực sự ông ta là người tốt đấy. Thế Hugh có vui không hả cháu?
- Có ạ, ít nhất là cháu cảm thấy thế. Nhưng cũng như mọi khi, đang ăn dở thì có điện thoại gọi và anh ấy phải đi bà ạ.
- Thằng bé dễ thương ghê. Chắc lại có ai đó yêu cầu được giúp đỡ thì nó mới bỏ đi như thế thôi. Bà Tuddy ngừng tay: - Thằng Hugh bận rộn như thế cũng là một liệu pháp chữa bệnh. Có phải lúc này người ta gọi như thế không nhỉ? Liệu pháp phải không cháu?
- Ý bà nói bởi vì vợ anh ta mất nên anh ta dùng công việc để quên đi phải không ạ?
- Phải. Đúng thế đấy. Hồi còn bé, nó dễ thương lắm cơ, suốt ngày chơi đùa với thằng Torquil. Cha nó cũng là bác sĩ của vùng này. Bà kể cho cháu chuyện đó rồi. Nói về dòng tộc thì ông ta xuất thân từ tầng lớp thấp, nhưng lại là bác sĩ rất giỏi, thằng Hugh cũng thông minh lắm đấy. Chính nó được học bổng đi học Đại học y ở Edinburgh, một trường đại học danh tiếng đấy cháu ạ.
- Và anh ấy còn chơi bóng chày ở trường nữa phải không bà?
- Chắc thằng Antony lại kể hết với cháu rồi phải không? Antony biết rõ thằng Hugh ghê lắm. Phải, nó chơi bóng chày ở trường đại học, nhưng điều đáng nói hơn là nó đã đạt được văn bằng xuất sắc ở Cunningham, với văn bằng ấy, nó đã mở được cánh cửa kì diệu của ngành y, tiến sĩ Mc Clintock, một chuyên gia mổ xẻ ở bệnh viện St Thomas Clintock đã yêu cầu Hugh đến đó để cộng tác với ông ta. Cả làng đều tự hào về nó. Nếu như thằng Hugh cũng chính thức làm con cháu trong nhà Armstrong thì ta cũng không thể nào yêu mến nó hơn bây giờ được.
Flora chẳng thấy mối liên hệ nào giữa con người sáng láng mà bà Tuddy vừa kể với cái anh chàng khắc khổ cùng dùng chung bữa tối với nàng ngày hôm qua.
- Thế tại sao chuyện lại xảy ra tồi tệ đến thế hả bà?
- Thực ra thì cũng không tồi tệ thế đâu cháu ạ.
- Hình như anh ta đã từng kết hôn?
- Phải, cưới con Diana đấy. Hai đứa gặp nhau ở London, rồi bọn chúng đính hôn, và thằng bé đưa con bé Diana về Tarbole.
- Bà gặp chị ấy chưa?
- Rồi.
- Bà có mến chị ấy không ạ?
- Con bé rất xinh, vô cùng quyến rũ, ăn nói cũng có duyên nữa. Hình như cha nó giàu lắm thì phải, thế nên quả là đã làm khó cho nó, bắt nó đến đây và phải chiều chuộng hết mọi người ở cái xứ sở hẻo lánh này. Tarbole khác xa cái thế giới của Diana, và nó hoàn toàn cảm thấy không phù hợp, chắc con bé nghĩ chúng ta toàn là những kẻ quê mùa chán ngắt. Tội nghiệp thằng Hugh, hồi đấy nó tỏ ra tuyệt vọng vô cùng. Tất nhiên ta chẳng khuyên nhủ gì được nó. Nhưng cha nó thì không sao chịu nổi, hình như ông ấy quá buồn nản vì sự chọn lựa của cậu con trai. Nhưng chắc thằng Hugh bị con bé bỏ bùa rồi, thế nên tụi ta có nói gì thì nó cũng chẳng mang lại kết quả. Thế nên, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy. Tụi ta vì hạnh phúc của nó nên đành chấp nhận cả.
- Nhưng anh ấy có hạnh phúc không ạ?
- Rose này, ta đâu có biết. Hai năm sau đó, tụi ta chẳng gặp lại nó. Và khi tụi ta gặp lại thằng Hugh thì Diana đã chết rồi, tử nạn trong một vụ đụng xe đấy cháu ạ. Thằng Hugh vất cả mọi sự, quay trở về Tarbole và từ bấy đến giờ, nó chẳng đi đâu cả.
- Chuyện xảy ra cách nay bao lâu rồi bà?
- Gần 8 năm rồi đấy.
- Cháu nghĩ với thời gian lâu như thế thì vết thương nào cũng phải lành, đi bước nữa là giải pháp tốt bà ạ.
- Không, thằng Hugh thì không đâu.
Họ im lặng ngồi cuộn len. Flora nói sang chuyện khác.
- Cháu thích Anna lắm bà ạ.
Mặt bà Tuppy tươi tắn hẳn lên. - ta mừng vì cháu thích Anna. Ta cũng yêu con bé, nhưng để hiểu tâm tính nó thì khó lắm. Nó quá kín đáo, bẽn lẽn cháu ạ.
- Cô ấy kể với cháu là cô ấy sinh ra và lớn lên ở đây.
- Phải, cha nó là bạn chí cốt của bà đấy. Tuy ông ta ở Glasgow, tên ông ấy là Archie Carstairs. Ông ấy giàu lắm, ai cũng nói ông ta kênh kiệu khó gần. Nhưng ta quý mến ông ấy lắm. Ông ấy là một tay đi biển cừ khôi, mỗi khi cha của Anna rong ruổi trên biển cùng chiếc du thuyền của ông ấy thì ai cũng phải chú ý. Ông ấy đến Ardmore lần đầu tiên cũng chính trên chiếc du thuyền ấy. Cha của Anna thích cảnh đồng quê và những vũng nước mặn được tạo ra khi triều lên.
- Không lẽ chỉ vì thế mà ông ta phải chịu nghe người ta gièm pha hay sao?
- Không có nơi nào đẹp như Ardmore đâu, tuy nó hẻo lánh nhưng ông ấy cũng xây nên nhà Ardmore. Việc khởi công bắt đầu từ sau Thế chiến lần thứ nhất. Thời gian qua đi, ông ấy gắn bó với mảnh đất này và cuối cùng, khi về hưu, cha của Anna đã đến Ardmore ở hẳn. Anna được sinh ra và lớn lên ở đó. Ông Archie lấy vợ muộn, trước mải kiếm tiền đấy mà. Và thế là Anna sống cảnh cha già con cọc, mẹ chết chỉ sau khi nó chào đời được vài tháng. Ta thường nghĩ, nếu mẹ con bé còn sống, Anna đã trở thành người khác rồi. Nhưng sự đời là thế đấy, chẳng ai thay đổi được số phận cả.
- Thế còn Brian thì sao ạ?
- Cháu hỏi sao là sao?
- Anna cưới Brian trong hoàn cảnh nào?
Bà Tuppy cười nụ: - Brian đến nghỉ hè ở Ardmore trên một du thuyền nhỏ, nó vừa mới mua được của một người ở miền Nam nước Pháp. Đúng vào thời điểm ấy, ông Archie thành lập câu lạc bộ thuyền buồm ở Ardmore. Ông ấy làm thế cho vui ấy mà, nhất là khi về hưu, người ta thường rãnh rỗi, muốn tìm việc gì đó để làm, và cũng là để thường xuyên gặp gỡ đám bạn bè yêu thích đi biển nữa. Brian neo thuyền lại, lên bờ, vô quán rượu tìm thú nhàn tản và đã nói chuyện với ông Archie. Ấn tượng về kinh nghiệm đi biển của Brian, ông đã mời thằng bé đến Ardmore dùng bữa tối. Khi ấy, con bé Anna luôn sống trong cảnh kín cổng cao tường như các tiểu thư thời xưa. Khi gặp Brian, nó đã đem lòng yêu mến ngay. Và từ đó đến nay, tình cảm của nó không hề thay đổi.
- Và thế là chị ấy cưới anh Brian phải không ạ?
- Tất nhiên rồi.
- Thế cha chị ấy bảo sao ạ?
- Ông ấy có hơi dè chừng. Archie thích Brian thật đấy, nhưng không định chọn hắn làm rể của mình.
- Thế bác ấy có can ngăn chị Anna không ạ?
- Theo lẽ thường thì ta nghĩ cha nó cũng can thiệp vào cuộc hôn nhân này đấy. Nhưng những người tính khí thất thường hay cứng đầu lắm cháu ơi. Anna là loại người ấy đấy. Lúc đó, nó không còn là một đứa bé nữa, nếu nó đã thích gì thì nó làm cho kì được.
- Thế anh Brian có yêu chị Anna không ạ?
Im lặng kéo dài, mãi sau bà Tuppy mới nói: - Không, ta không nghĩ thằng bé yêu con Anna đâu. Ta cho rằng nó chỉ rất quý Anna mà thôi. Và một điều hiển nhiên là nó cũng quý cả cái thế giới vật chất đầy nhung lụa bao quanh con bé, nên nó mới quyết định kết hôn với Anna đấy thôi.
- Bà muốn nói với cháu rằng Brian lấy Anna chỉ vì tiền phải không ạ?
- Ta không muốn nói trắng ra như thế, bởi vì ta yêu quý Anna vô cùng.
- Nhưng miễn họ hạnh phúc thì thôi chứ, những chuyện khác chỉ là chuyện vặt.
- Ta cũng nhiều lần tự hỏi: không hiểu bọn chúng có hạnh phúc hay không?
- Chắc chị Anna phải giàu lắm.
- Phải, khi ông Archie chết đi, con bé được thừa kế toàn bộ gia sản.
- Thế còn anh Brian, có giàu không ạ?
- Nếu không có ông Archie cấp vốn và chỉ vẽ cho cách làm ăn thì Brian đã trắng tay từ lâu rồi. Nó chi tiêu khá là bạo tay đấy. Nhưng vốn liếng và gia sản là của Anna hết.
- Nếu giả sử hôn nhân của họ tan vỡ thì sao ạ?
- Thì những mối làm ăn của Brian cũng sẽ bỏ nó, bởi vì mọi giao dịch làm ăn và của cải đều đứng tên Anna. Nếu ly dị, thằng bé sẽ trắng tay.
Flora chợt nhớ đến vẻ rụt rè của Anna và những viên kim cương đắt giá trên cổ và tay cô ta tối hôm quá. Nàng lấy làm tiếc cho Anna, bởi vì cô ấy phải chịu đựng nỗi đau sâu thẳm nhất trên đời khi có một người chồng gắn bó với mình chỉ vì tiền.
- Anh Brian đẹp trai như tài tử ấy bà nhỉ?
- Thằng Brian ấy à? Phải, tất nhiên là nó đẹp trai rồi. Với vẻ ngoài sát gái và tính tham lam vô độ, thằng bé không bao giờ bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
- Họ có con chưa bà?
- Vào mùa hè khi cháu và cháu ở đây, Anna bị sảy thai, nhưng ta chắc cháu không nhớ đâu. Chuyện xảy ra khi cháu đã ra đi rồi.
Việc cuộn len đã hoàn tất, bà Tuddy dừng tay chút cho đỡ mỏi.
- Anna có bầu lại rồi đấy!
Flora cũng dừng tay: - Ồ, thế sao? Anna có bầu hả bà? Ồ, cháu mừng quá đi thôi.
Ngay lập tức, bà Tuppy tỏ vẻ cảnh giác: - Đáng lẽ ta không nên nói ra, cứ để mọi chuyện đến đâu thì đến, chẳng nên nói chuyện đó với ai cả. Thằng Hugh thông báo cho ta cái tin ấy, chỉ để cho ta vui trong lúc sức khỏe của ta đang xuống dốc thê thảm, lúc ấy ta hứa với Hugh là ta sẽ giữ bí mật chuyện này.
Flora thề: - Cháu sẽ không nói với ai đâu mà. Vả lại, cháu cũng quên mất bà vừa nói gì rồi.
Đến gần trưa, trong lúc họ đang bận rộn với cuộn len cuối cùng thì Hugh xuất hiện. Cả hai nghe tiếng bước chân của anh ta lên cầu thang và bước dọc theo lối đi, rồi đến tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Và giây lát sau, Hugh đã ở trong phòng nói chuyện với họ. Anh ta mặc bộ đồ vest bình thường như mọi ngày làm việc khác. Chiếc túi vung vẩy trên tay, và cái ống nghe của bác sĩ thò ra khỏi túi áo.
- Chào hai bà cháu.
Bà Tuppy nhìn anh. - Trông có vẻ nhàn tản của cháu, ta biết ngay rằng hôm nay là Chủ nhật hiếm hoi cháu được nghỉ ngơi.
- Sáng nay, khi tỉnh giấc, cháu quên phéng mất hôm nay là ngày Chủ nhật.
Anh ta đến cuối giường và đi thẳng vào đề. - Chuyện người ta vừa kể với cháu là thế nào đấy ạ?
Bà Tuppy ra vẻ giận dữ: - Biết ngay là bọn chúng cũng sẽ ton hót với cháu trước khi ta kịp nói gì mà.
Hugh đặt túi xuống sàn nhà, chống tay lên những thanh đồng tròn bóng loáng nơi cuối giường của bà Tuppy.
- Thế bây giờ bà nói cho cháu nghe đi.
Sợi len cuối cùng vuột khỏi tay bà Tuppy nhập vào quả bóng len to tướng: - Chúng ta sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ vào ngày thứ sáu tới, ăn mừng Rose với Antony. Bà Tuppy nói tỉnh bơ như đó chỉ là một chuyện bình thường: Như ăn uống hít thở.
- Một bữa tiệc nhỏ như thế được bày ra để chiêu đãi bao nhiêu người thế hả bà?
- À, thì cũng có khoảng 60 thôi mà, nhưng mà hình như là 70 đấy.
Mắt bà nhìn Hugh tràn trề hy vọng.
- 70 người nhảy nhót ở dưới tiền sảnh, uống Champagne, trong lúc hai chục nguời lên tiếng thì có vài chục người đáp lại, thế bà có thể mường tượng điều đó sẽ tác động ra sao đến tình trạng sức khỏe của bà không?
- Ôi, ta có sao thì cứ tổ chức tiệc xong sẽ biết ngay ấy mà.
- Ai đứng ra tổ chức bữa tiệc này?
- À, mọi sự đã được sắp xếp đâu vào đấy rồi. Chỉ với 30 phút đồng hồ trước bữa điểm tâm, ta đã lên kế hoạch xong. Và từ lúc này trở đi, ta chẳng việc gì phải lo nữa.
Vẻ mặt Hugh đầy hoài nghi: - Bà Tuppy ơi! Cháu thấy khó tin quá.
- Thôi đừng có cản nữa mà.
Hugh nhìn Flora: - Thế còn Rose, cô nghĩ sao về chuyện này?
- Tôi ư? - Flora nhặt mấy quả banh len bỏ vào trong túi giấy.
- Theo tôi thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu vì nó mà bà Tuppy phải lo lắng quá đến độ ảnh hưởng sức khỏe thì...
Bà Tuppy ngắt lời:
- Rose, đừng có thay đổi luôn xoành xoạch thế. Cháu thì cũng chẳng hơn gì bọn kia.
Nói xong, bà xoay lưng lại về phía Hugh:
- Ta đã nói với cháu rồi đó, mọi chuyện đã sắp xếp đâu vào đấy hết rồi. Ông Anderson sẽ lo phần nấu tiệc, Rose sẽ lo phần cắm hoa, Watty lo phần dọn dẹp đồ đạc ở dưới tiền sảnh kia, còn Isobel chỉ việc ngồi đó gọi điện mời mọi người đến, thế là xong. Ta chẳng hiểu tại sao cháu lại có vẻ mặt trầm trọng như thế. Ta đâu có yêu cầu cháu phải làm gì đâu.
- Vậy, thế bà sẽ làm gì?
- Ta ấy à? Chả làm gì cả, ta cứ ngồi đây, mắt nhìn chăm chăm vào không khí ấy.
Cặp mắt xanh của bà tỉnh như không. Hugh cúi đầu nhìn bà vẻ ngờ vực.
- Không có khách khứa gì sao?
- Cháu nói thế nghĩa là sao? Tại sao lại không có khách khứa?
- Ý cháu nói không ai lên trên lầu này gặp bà hỏi han vài câu hay sao?
Bà Tuppy nhăn mặt như nhai phải quả bồ hòn.
- Không lẽ nói chuyện với một hai người cũng khó khăn đến thế à?
- Lúc đầu thì cũng chỉ một hai người đến đây trò chuyện với bà thôi, nhưng rồi đến cuối bữa tiệc thì cái phòng ngủ này sẽ chật cứng người như ga tàu điện ngầm ở trung tâm thành phố trong giờ cao điểm vậy. Cháu nói trước rồi đấy, không có khách khứa gì cả đâu. Cháu cũng không cần lời bà hứa sẽ có tiếp khách hay không nữa. Cháu cứ để bà y tá đứng canh ngay trước cửa này. Có thể bà ấy sẽ cầm một cây giáo thật là dài, hoặc cũng có thể đơn giản là chỉ cần cầm cái bô đứng đó thôi, cũng đủ người khác phát khiếp lên rồi. Cũng có khi cháu để cho bà y tá tự chọn thứ vũ khí nào bà ấy thích, ngồi ở trước cửa kia canh chừng, bà Armstrong ạ. Đành phải thế thôi vậy.
Anh đứng thẳng người lên, sang phía bên kia giường.
- Rose này, bây giờ cô làm ơn tìm bà y tá dùm tôi, bảo bà ấy rằng tôi đã đến rồi đây.
- Vâng, vâng, tôi đi ngay đây.
Vì bị đuổi nên Flora hôn vội bà Tuppy rồi ra khỏi giường, mở cửa nhanh nhẹn ra khỏi phòng. Bà y tá đang lên cầu thang, họ gặp nhau nơi thảm nghỉ. Mặt bà McLeod nặng như đá đeo.
- Bác sĩ Kyle vào thăm bà Armstrong chưa?
- Rồi đấy ạ. Anh ta đang đợi bác ấy đấy.
- Ta hy vọng anh ấy sẽ gạt phăng cái ý tưởng khó chịu kia ra khỏi đầu bà Armstrong.
- Cháu cũng không chắc lắm, nhưng có lẽ sẽ chẳng có tiệc tùng gì đâu ạ.
- Lạy Chúa, hãy phù hộ chúng con. - Bà y tá cầu nguyện.
Riêng bà Watty phân tích kỹ hơn.
- Nếu như đây là một bữa tiệc mà bà Tuppy đã mong ước từ bao lâu nay thì tại sao bà ấy không có quyền tổ chức. Lý do không phải ở chổ chúng ta không thể xoay xở để tổ chức một bữa tiệc như thế. Tại sao lại cứ ngăn trở, làm như nhà này không có kỹ năng tổ chức tiệc, hay không có khả năng để đãi khách công bằng.
- Cháu được giao trọng trách cắm hoa đấy cô ạ.
Bà Watty tủm tỉm cười: - Đó là việc nhẹ nhất rồi đó. Bà Armstrong biết chọn mặt gửi vàng lắm mà.
- Nhưng cháu đâu có biết cắm hoa gì đâu, thậm chí cắm mấy bông hoa dại vào bình, cháu cũng còn lóng ngóng nữa là.
- Ồ, cháu sẽ xoay xở được thôi mà. - Bà mở chạn bát ra, mang chồng đĩa bày lên bàn. - Sao, bà lão thuyết phục anh chàng bác sĩ ấy có dễ dàng không?
- Không dễ lắm, nhưng anh ta đã phải đầu hàng rồi, với điều kiện là bà Tuppy không được gặp gỡ với bất cứ vị khách mời nào. Bà y tá sẽ chịu trách nhiệm đứng gác ngay trước phòng ngủ.
Bà Watty lắc đầu: - Tội nghiệp bác sĩ Kyle. Không hiểu nó lấy đâu ra thời gian mà lo được lắm chuyện thế không biết. Nó chưa đủ rắc rối hay sao mà còn chất thêm gánh nặng lên trên đôi vai đã oằn xuống của nó. Hình như lúc này chẳng còn ai đỡ đần nó một tay, Jessie McKenzie, là bà quản gia của nó ấy mà, thì ta nghe nói đã về Sky Ferry cách đây hai ngày rồi, về thăm mẹ đấy. Sức khỏe của mẹ McKenzie ngày càng xấu đi. Ôi trời ơi. Ở Tarbole này khó có thể tìm ra ai giúp được nó. Đàn bà, phụ nữ mải miết lo chế biến cá, chất cá mòi lên xe hoặc mang vào trong lò hun khói.
Bà Watty liếc nhìn đồng hồ, nhớ đến món gà tây đang nướng trong lò, quên cả nỗi khổ ải của bác sĩ Kyle, bà cẩn thận mở cửa lò nướng. Mùi thơm phức, béo ngậy lan tỏa khắp nhà.
- Antony chưa dậy kia à. Tôi nghĩ đã đến lúc cháu phải lên lầu gọi một tiếng đi. Nếu không gọi, chắc nó ngủ nguyên ngày quá. Vả lại cũng đã đến giờ nó phải quay trở lại Edinburgh rồi.
Flora làm theo lời bà Watty. Nhưng khi đi ngang qua tiền sảnh, nàng nghe tiếng chân Hugh ra khỏi phòng bà Tuppy và bắt đầu đi xuống cầu thang. Khi nàng đến chân cầu thang, cũng là lúc Hugh xuống tới nơi. Nàng dừng lại, và không hiểu lý do tại sao nàng đứng đó chờ cho anh ta xuống hết cầu thang rồi mới lên tiếp. Hugh đeo cặp kính gọng sừng, khiến vẻ mặt của anh càng thêm nghiêm nghị. Khi đến bên nàng, anh ta đặt túi xuống, bỏ kính ra, cất vào hộp rồi nhét hộp vào trong túi áo, mắt nhìn Flora.
- Có gì không cô? - Anh ta hỏi ngay, như thể biết nàng đang định nói gì với mình. Và thật ngạc nhiên, Flora cũng có chuyện để nói với Hugh thật.
- Anh Hugh này, tối qua, anh không muốn tôi ở lại đây phải không?
Hình như anh ta không chuẩn bị trước để đáp lại câu hỏi quá thẳng thắn như vậy.
- Đúng thế. Tôi không hiểu tại sao cô lại đổi ý.
- Thế tại sao anh không muốn tôi ở lại Fenrigg này?
- Thì cứ cho là sự có mặt của cô sẽ mang đến tai ương cho nơi này.
- Anh sợ tôi gây rắc rối sao?
- Nếu cô thích thì cứ cho là thế.
- Bữa tiệc của bà Tuppy có thể gọi là một rắc rối do tôi gây ra không?
- Không có bữa tiệc đó thì không có chết ai đâu nào?
- Nhưng lỡ tiệc cứ diễn ra thì sao?
Nàng chờ anh ta nổi giận làm to chuyện lên, nhưng khi thấy anh ta không làm thế, nàng lại trở nên cứng đầu hơn bao giờ hết. Nàng cứ khăng khăng gặng hỏi:
- Nếu mọi chuyện đều tốt đẹp cả thì sao nào? Ý tôi muốn nói là nếu bữa tiệc kia chẳng ảnh hưởng tới bà Tuppy thì anh có muốn tôi rời khỏi đây không?
- Được, miễn là bà giữ lời hứa. Bà y tá McLeod phản đối kịch liệt. Và ý kiến của bà McLeod thuyết phục được tôi ngay lập tức. Tuy nhiên, cũng có thể bữa tiệc ấy mang lại một chút ích lợi cho sức khỏe của bà Tuppy. Nhưng nếu chuyện không diễn ra theo chiều hướng có lợi như thế thì...
Anh ta ngừng lại vì biết những lời không nói ra đã được hiểu ngầm cả rồi. Trông thấy Hugh mệt mỏi mặc dù trong lòng căm ghét anh ta vô cùng Flora cũng phải mủi lòng, cô cố lấy giọng vui vẻ:
- Đừng lo mà, ít nhất thì bà cũng được thỏa nguyện. Anh có biết một ông già 90 tuổi khi được hỏi: Ông muốn chết như thế nào? Ông ta hùng dũng trả lời: muốn chết trong một vụ đấu súng với kẻ tình địch, bởi vì ông ta còn dư sinh lực trong vai trò một người chồng yêu đương nồng nàn.
Hugh toét miệng ra cười. Chưa bao giờ thấy anh cười thực sự nên Flora không biết nụ cười ấy lại có thể quyến rũ đến thế. Nó làm khuôn mặt của Hugh nhẹ nhõm hẳn. Lúc này, nàng có thể hiểu hồi còn trẻ Hugh có thể bồng bột như bao người khác.
Sáng hôm đó, buổi sớm gió lặng, trời xám xịt nhưng lúc này gió càng lúc càng mạnh thêm, mây dạt ra bay về phía chân trời. Khi họ đứng dưới chân cầu thang, mặt trời đột ngột xuất hiện thấm đẫm cõi trần tục bằng thứ ánh sáng ngọt ngào như mật. Qua hai cái cửa sổ cao sừng sững, ánh sáng lọt vào trong tiền sảnh. Những tia nắng tràn ngập mọi đồ vật trong nhà làm mọi thứ sáng sủa hẳn lên. Nàng có thể thấy rõ từng sợi vải trên bộ đồ Hugh đang mặc. Ôi! Bộ đồ đã mòn vai, sờn rách ở một vài chỗ, túi áo xệ xuống với đủ thứ lặt vặt mà anh chàng bác sĩ nhét đầy trong túi. Chiếc áo len chui đầu của anh ta lủng một lỗ ngay giữa ngực. Khi đứng nói chuyện với nàng, anh ta đặt tay lên lan can. Nàng thấy những ngón tay mảnh mai, trắng trẻo vẫn còn đeo chiếc nhẫn cưới. Hình như ngày nào Hugh cũng đánh bóng kỷ vật của cuộc hôn nhân tan vỡ. Nàng thấy khuôn mặt mệt mỏi của Hugh vẫn còn tươi lên sau câu nói đùa của nàng, nhưng thực ra anh đã mệt mỏi đến rũ cả người. Nàng nhớ đến tối hôm qua, đang ăn dở đĩa cơm, anh phải đứng lên bỏ đi. Ngày hôm qua chắc anh ta đã mặc bộ đồ đẹp nhất, nhưng hôm nay thì ngay cả một chiếc áo sơmi sạch sẽ cũng không, bởi cô giúp việc đã đi Portree thăm mẹ rồi. Nàng nói:
- Tối qua có điện thoại và anh phải đi, hy vọng rằng đó không phải là một ca nặng.
- Nặng chứ, một ông lão đang đêm ra khỏi giường, đi vệ sinh và té xuống cầu thang.
- Thế ông ấy có bị thương không?
- Như có phép lạ, chẳng có cái xương nào bị gãy, nhưng ông ấy bầm tím khắp người và thực sự bị chấn động mạnh. Đáng lẽ phải đưa ông ấy vào bệnh viện. Người nhà đã đăng ký một giường ở bệnh viện Lochgarry, nhưng ông ấy không muốn đi. Ông lão bảo ông đã từng chôn nhau cắt rốn ở đây và sống ở đây cả đời rồi, thế nên ông ấy cũng muốn chết ở đây thôi.
- Nhà ông ấy ở đâu?
- Boturich.
- Tôi chẳng biết Boturich ở đâu cả.
- Bên kia hồ Fhada đó.
- Trời, cách đây cả 15 dặm!
- Cũng khoảng đó.
- Mấy giờ anh mới về nhà?
- Vào khoảng 2 giờ sáng nay.
- Thế mấy giờ anh thức dậy?
Hugh nheo mắt hỏi đùa: - Cái gì thế này? Hỏi cung tôi chắc!
- Anh chắc là mệt lắm?
- Tôi chẳng có thời gian để mệt nữa.
Hugh nhìn đồng hồ và lập tức xách túi lên: - Bây giờ tôi lại phải đi ngay đây.
Cô theo anh ra đến cửa, tiễn Hugh ra ngoài. Ánh nắng mặt trời làm cho những viên sỏi ướt cùng đám cỏ lấp lánh sương đêm sáng lên. Hugh nói, anh ta đã lấy lại được vẻ cay nghiệt thường thấy:
- Rồi thế nào chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau thôi.
Cô nhìn anh ta bước xuống bậc tam cấp, vào trong xe, chạy giữa hai hàng đỗ quyên ra ngoài đường cái. Đáng lẽ đứng dưới ánh mặt trời, Flora phải thấy ấm lên, thế nhưng nàng run rẩy. Nàng bước vào bên trong, đóng cửa lại, lên lầu gọi Anthony dậy.
Anthony đã dậy rồi, đang cạo râu trước gương. Chân đi đôi dép trong nhà đỏ chói, một cái khăn lông cột ở ngang eo, còn một cái thì quàng trên cổ. Khi nàng vừa ngó đầu vào khe cửa mở hé, Anthony quay ra nhìn thấy nàng, đang cạo râu dở nên một bên mặt đầy xà bông, còn bên kia thì vừa mới cạo xong, nàng bảo:
- Mọi người bảo em lên gọi anh dậy. 12 giờ rưỡi rồi đấy.
- Anh dậy rồi đây, và anh cũng biết giờ giấc chứ bộ. Em vào đây đi.
Anthony quay trở lại với chiếc gương, tiếp tục công việc của mình. Flora đóng cửa, đến bên ngồi trên góc giường. Nàng nói với cái bóng của Anthony trong gương.
- Anh ngủ ngon không?
- Say như chết.
- Có đủ khỏe để nghe tin này không?
- Có chuyện gì thế, trong đầu anh cũng đủ thứ phải thắc mắc đây.
- Phải, lại có thêm bữa tiệc nữa đây. Vào thứ Sáu tuần sau, có cả khiêu vũ nữa đấy.
Im lặng một lát, Anthony bảo: - Giờ thì anh hiểu tại sao em lại hỏi anh ngủ ngon không rồi.
- Trước bữa điểm tâm, bà nội Tuppy đã lên kế hoạch đâu vào đấy. Và hình như ai nấy đều bất bình với quyết định của bà. Nhưng chẳng ai làm gì được, ngay cả Hugh Kyle cũng không, đành phải mặc cho bà muốn làm gì thì làm. Người phản đối thực sự hình như chỉ có mỗi bà y tá. Và lúc này, tất cả mọi người trong nhà phải chịu đựng vẻ mặt sưng sỉa của bà ấy.
- Em đang nói là có tiệc thực sự sao?
- Thật chứ!
- Chắc là lại để chúc mừng Anthony và Rose phải không?
Flora gật đầu: - Để mừng cái vụ đính hôn.
- Lại có lý do chính đáng nữa rồi.
Antony đã xong phần cạo râu và đang rửa lưỡi dao cạo, miệng lẩm bẩm: - Ôi, Chúa ơi!
Nàng buồn bã: - Đáng lẽ tôi không nên nói ở lại.
- Nhưng sao em biết chuyện lại xảy ra như thế này chứ? Ai mà lường trước bà lại quyết định thực hiện cái kế hoạch quá sức như thế. Theo anh, chúng ta chẳng thay đổi được gì đâu.
Anh quay mặt lại. Đối diện với nàng, mái tóc màu đồng đỏ chải gọn qua một bên, nét mặt trở lại vẻ tinh quái như thường ngày. Anh sửa chiếc khăn lông trên cổ, vắt lên trên thành ghế.
- Chuyện cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, cũng tựa như chết đuối trong vũng bùn lầy ấy mà. Cho đến cuối tuần này, tất cả những gì còn lại của hai ta chỉ còn là một vài cái bọt bong bóng sủi tăm trong một cái đầm lầy dơ dáy, còn hai chúng mình thì từ đầu đến chân, lấm len bùn đen.
- Nhưng bùn ấy có thể rửa được mà. Nói hết với bà Tuppy sự thật đi.
Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh trong tâm trí của Flora suốt buổi sáng nay. Nhưng đây là lần đầu tiên nàng diễn đạt nó bằng lời như thể tự nhủ với lương tâm của mình. Antony gạt đi: - Không.
- Nhưng mà...
Anh quay lại đối mặt với nàng: - Anh đã bảo không cơ mà. Cứ cho là bà nội đã trở nên khỏe mạnh hơn, cứ cho là dì Isobel đã hiểu lầm và bà nội anh thật sự đang hồi phục nhanh như có phép lạ, nhưng bà cũng chỉ là một bà lão gần đất trời, thỉnh thoảng đau ốm, và nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra chỉ vì anh và em cứ khăng khăng đòi hỏi sự xa xỉ của lương tâm trong sạch thì anh sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình, em có hiểu anh đang nói gì không?
Flora thở dài, cô đau khổ nói: - Phải, em hiểu rồi.
- Em là một cô gái siêu phàm. - Antony đứng dậy hôn nàng. Làn da trên má anh mượt mà và thơm mùi chanh với cảm giác sạch sẽ, - và bây giờ em cho phép nhé, anh phải đi thay quần áo cái đã.
Chiều hôm ấy, triều rút xuống. Sau bữa trưa. Flora và Antony khăng khăng không cho Jason đi cùng, mặc dù thằng bé cứ nằng nặc đòi đi theo. Cả hai ra ngoài tản bộ, họ mang theo mấy con chó, cả Sukey cũng được đi chơi. Hai người dẫn nhau đến bãi cát Fhada, lúc này nằm trải dài tinh khôi và trắng muốt sau khi nước triều vừa rút xuống. Họ đi về hướng những chiếc tàu phá băng đậu ở tít đàng xa, trong lúc những làn gió mạnh như muốn thổi bạt hai vóc người nhỏ bé vào thời khắc ánh mặt trời đang tắt dần ở phía tây. Nó chẳng phải cuộc đi chơi vui vẻ gì, chuyến trở về Edinburgh của Antony khiến không khí trò chuyện trở nên ảm đạm và họ nói rất ít. Tuy nhiên, sự im lặng ấy giữa hai người gần như một sự đồng tình, bởi vì Flora biết rằng những ý nghĩ của Antony cũng đang bối rối chẳng khác gì những ý nghĩ của nàng. Khi đến bên mép nước, cả hai dừng lại, Antony tìm thấy một sợi dây thừng dài, anh quăng nó ra biển thật xa để con Plummer băng ra mang nó về. Như thế, con chó sẽ được tập bơi thật nhiều. Vài phút sau, con Plummer đã quờ quào dưới mặt biển, đầu nhấp nhô trên sóng. Còn con chó Sukey không thích chân mình bị ướt nhẹp, ở lại trên bờ xem Plummer tập bơi. Plummer lôi được sợi dây thừng vào bờ, đặt nó xuống dưới chân cạnh Antony, vẫy tai cho nước biển chui ở bên trong văng ra hết, sau đó chờ anh lại quăng sợi dây thừng ra biển một lần nữa. Lần này, Antony quăng ra xa hơn lần trước, và Plummer nhào ngay xuống biển vì đã bắt đầu quen với trò chơi này. Dừng trong buổi chiều gió thổi lồng lộng, họ nhìn con chó vẫy vùng trên biển khơi, Flora bảo:
- Antony à, thể nào cũng có lúc phải nói thật với mọi người hết tất cả thôi. Bởi vì chắc chắn rồi sẽ có một ngày người ta đều biết em là Flora chứ không phải Rose. Cứ cho rằng lương tâm trong sạch là một cái gì đó xa vời, và phải hy sinh rất nhiều mới đạt được nó, nhưng em không thể sống thiếu nó trong suốt cuộc đời còn lại của mình được, em xin lỗi, chỉ đơn giản là em không làm được theo yêu cầu của anh. - Nàng thì thầm với Antony. Anh đứng đó trầm ngâm như hóa đá. Trong gió đông, sương lạnh, khuôn mặt của Antony như hồng hào hơn, anh đút hai tay vào túi quần và thở dài:
- Không cần phải xin lỗi đâu, anh hiểu mà, anh cũng đang suy nghĩ rất nhiều về chuyện đó đây. - Trong dáng vẻ cao gầy, anh quay lại, cúi xuống nhìn nàng.- Nhưng chính anh là người đầu tiên sẽ nói ra sự thật chứ không phải là em.
Nhận thấy mình hơi bị xúc phạm: - Chưa bao giờ em nghĩ mình tự ý làm chuyện ấy.
- Phải, nhưng những ngày sắp tới đây sẽ không dễ dàng cho em đâu. Tình hình sẽ ngày càng tồi tệ đi chứ không phải tốt hơn lên, và anh lại chẳng có mặt ở đây để giúp em. Vào thứ Bảy, Chủ nhật tuần tới, sau tiệc khiêu vũ, nếu bà nội vẫn khỏe thì chúng ta sẽ thú thật hết tất cả, nói theo cách của em tức là chúng ta sẽ xưng tội. Nhưng từ giờ đến lúc ấy, em phải hứa là không nói bất cứ điều gì với họ cả.
- Antony, em không nói đâu mà.
- Em hứa đi.
Nàng hứa. Mặt trời khuất sau lưng những đám mây, gió đột nhiên lạnh thấu xương. Họ chờ đợi trong cái lạnh rung người, khi con Plummer bơi ngược trở vào, họ quay trở về nhà. Vừa về đến nhà, Plummer biến vào trong nhà bếp, ngồi bên bếp lửa cho đến khi người nó hoàn toàn khô ráo, còn con Sukey lao nhanh như một mũi tên lên trên lầu vào phòng bà Tuppy. Antony và Flora cởi áo khoác cùng ủng cao su bước vào trong phòng khách. Dì Isobel và Jason đang ở trong đó, ngồi bên lò sưởi, cùng uống trà. Hai bà cháu đang xem một cuốn phim hành động trên tivi, và chẳng còn đầu óc đâu mà chuyện trò nên Flora và Antony lặng lẽ ngồi xuống cùng xem với họ, im lặng ăn bánh mì chiên bơ và lắng nghe những lời thoại trong phim. Nhân vật chính hiện ra trên màn hình hứa hẹn những tập phim sau sẽ hấp dẫn hơn tập phim vừa rồi. Dì Isobel tắt tivi đi, Jason hướng sự chú ý của nó sang Antony và Flora:
- Cháu muốn đi tản bộ với chú thím, nhưng khi cháu quay ra tìm thì chú thím đi mất tiêu rồi.
- À, xin lỗi nhé. - Antony nói, giọng hời hợt như muốn quên ngay.
- Bây giờ hai người cùng chơi bài với cháu nhé?
Anh đặt ly trà vừa uống cạn lên bàn:- Không, chú phải đi thu dọn hành lý để chuẩn bị quay về Edinbough.
- Cháu sẽ đi giúp chú.
- Chú không muốn cháu lên đó giúp chú đâu. Thím Rose sẽ đi cùng với chú và giúp chú làm chuyện ấy.
- Thế nhưng tại sao... - giọng nó vỡ ra như muốn khóc, mỗi chiều Chủ nhật thằng bé luôn ở trong tâm trạng ủ sầu, bởi vì nó biết ngày mai là thứ Hai, có nghĩa là nó lại phải đến trường. Dì Isobel ý nhị xen vào:
- Chú Antony và thím Rose có rất nhiều chuyện phải bàn, chúng mình cứ đứng đó mà nghe thì kỳ lắm. Nếu cháu mang bộ bài ra bàn, ta sẽ chơi với cháu.
- Chú Antony chẳng công bằng tí nào.
- Sao? Cháu muốn chơi bài cào hay là ba cây nào?
Hai người bỏ đi, mặc thằng Jason ngồi đó chia bài. Phòng Antony lúc này gọn gàng đến độ không ai dám xê dịch bất cứ đồ đạc nào trong phòng. Hình như đối với người dọn căn phòng này thì Antony đã đi từ lâu rồi. Màn cửa không vén lên, đèn chùm ở giữa phòng cũng tắt ngấm. Anh đặt bộ cạo râu vào trong túi, trong lúc ấy Flora xếp những chiếc áo sơmi đã được giặt sạch sẽ và không quên tấm áo choàng ngủ buổi đêm. Cũng chẳng lâu la gì, Antony đặt chiếc bàn chải đánh răng màu bạc lên trên đống đồ, kéo dây kéo lại, bấm khóa. Sau khi đã dọn hết đồ đạc của anh đi rồi thì căn phòng trông thật lạnh lẽo biết mấy, anh nói:
- Em sẽ không sao chứ?
Thấy Antony lo lắng đến thế, nàng đành mỉm cười: - Chẳng sao đâu mà.
Antony thọc tay vào túi lấy ra một mảnh giấy nháp: - Anh đã viết vài số điện thoại của mình vào đây, ngộ nhỡ có khi nào em muốn liên lạc với anh. Đây là số văn phòng, đây là số nhà riêng. Nếu có chuyện gì đó mà em không muốn người trong nhà nghe được thì cứ việc mượn một trong mấy cái xe hơi có trong nhà này lái thẳng đến Tarbole, bên cầu cảng có một trạm điện thoại công cộng đấy.
- Khi nào thì anh lại quay về đây?
- Nếu thu xếp được anh sẽ cố về vào đầu giờ chiều ngày thứ Sáu.
- Em sẽ ở nhà đợi anh. - Nàng nói trong bụng không chắc lắm: - Tốt hơn hết, em nên ở nhà vào giờ ấy.
Tay xách vali, Antony lên lầu tạm biệt bà nội Tuppy trong lúc Flora đi xuống dưới nói với dì Isobel và Jason rằng Antony sắp sửa đi Edinburgh. Jason không chịu nghe theo lời Watty, mặc dù bà mang theo một túi bánh bơ và táo, định bụng sẽ đưa cho Antony mang đi ăn dọc đường. Bà cũng không sao chịu nổi ý nghĩ có ai đó ra khỏi nhà mà không chuẩn bị kỹ lưỡng. Antony xuống dưới nhà hôn từ biệt tất cả mọi người, căn dặn họ nhớ đừng có làm việc quá sức. Họ bảo:
- Hẹn gặp lại cháu vào ngày thứ Sáu.
Sau đó, mọi người quay lại với đống công việc đang ngổn ngang. Còn Antony và Flora dắt tay nhau chìm trong bóng chiều nhập nhoạng. Xe hơi của Antony đang đợi trên lối đi trải sỏi trước cửa chính. Anh quăng vali lên hàng ghế sau, vòng tay ôm lấy Flora. Nàng nói giọng yếu ớt:
- Ước gì anh đừng đi.
- Anh cũng thế, nhớ bảo trọng và đừng có sa đà vào bất cứ chuyện gì đấy.
- Em đã sa đà vào chuyện của anh rồi đấy thôi.
Giọng Antony gần như tuyệt vọng: - Phải, anh biết chứ.
Nàng nhìn anh lái xe đi khỏi. Ánh sáng trong đèn hậu của Antony biến mất sau cổng chính, nàng quay vào nhà, đóng cửa, đứng trong tiền sảnh, cảm thấy cô đơn quá đỗi. Sau lưng nàng, trong phòng khách có tiếng thì thầm to nhỏ của dì Isobel và Jason tiếp tục ván bài đang bỏ dở. Flora nhìn đồng hồ, 6 giờ thiếu 15, nàng định lên lầu tắm một cái cho tỉnh táo. Trong phòng ngủ lúc này gần như lạnh cóng và tối tăm, thế mà lúc đầu nàng thích giường ngủ này lắm, không hiểu sao lúc này nó lại trở nên xa lạ đến thế. Cũng phải thôi, nó chỉ là một căn phòng dành cho người lạ trong một căn nhà quá lạ lùng. Nàng vén rèm cửa lên, bật đèn đầu giường, cố làm cho khung cảnh bớt ảm đạm hơn nhưng cũng chẳng khá hơn là mấy. Nàng bật lò sưởi điện, và ngồi trên thảm nép mình bên lò sưởi những mong có thể xua tan cơn giá lạnh trong lòng nàng. Phải mất một lúc lâu, Flora mới nhận ra mình đang phải chịu đựng một tình trạng vô danh. Antony biết nàng là Flora, nhưng trước đây nàng không nhận ra tầm quan trọng của sự nhận biết ấy, bây giờ anh đi rồi, như thể anh cũng mang theo cái cô bé Flora đi với anh ấy, chỉ còn lại một cô Rose xa lạ ở lại đàng sau. Nàng biết thừa mình không tin rằng Rose thành thực, thậm chí còn ghét cô ta nữa. Nàng ngồi nghĩ lúc này Rose đang ở Hy Lạp và cố hình dung những gì Rose có thể làm như là đang tắm nắng chẳng hạn, hay khiêu vũ trên sân thượng một khách sạn sang trọng trong tiếng nhạc êm ái ở Spetsai. Nhưng những hình ảnh ấy sao mà quá mờ nhạt, không đủ sức thuyết phục, bởi vì đối với nàng, Rose không phải ở Hy Lạp, mà đang ở đây, ở Fernrigg này. Bàn tay lạnh cóng, nàng xòe tay ra hơ trên lửa cho ấm. Ta là Flora, Flora Waring. Lời hứa của nàng với Antony giờ trở thành gánh nặng ngàn cân. Có lẽ bởi vì chính nàng hứa điều ấy cho nên nàng khao khát được nói ra sự thật với một ai đó. Ai đó phải muốn nghe và muốn hiểu mới được kìa, nhưng ai nào? Khi tìm ra câu trả lời thì nguyên do dẫn nàng đến với người ấy quá rõ ràng, khiến nàng chẳng thèm phân tích tại sao nó lại hiện ngay ra trong óc nàng vào đúng lúc này. Antony khăng khăng bảo nàng hứa không được nói chuyện này với bất kỳ ai, và nàng đã hứa với anh. Nhưng bất kỳ ở đây chắc chắn chỉ là người trong gia đình Armstrong thôi, những người trong đang sống trong ngôi nhà này nè. Có một cái bàn làm việc nhỏ nơi góc phòng ngủ của nàng, mà mấy ngày qua thậm chí nàng chưa ngó ngàng gì đến nó. Giờ nàng trở dậy, đến bên và ngồi xuống. Trên bàn có để sẵn giấy viết thư và một xấp phong bì, một cây viết cắm ngay ngắn trong một chiếc khay bằng bạc. Nàng lôi ngay ra, cầm bút đặt mảnh giấy trắng ngay trước mặt và bắt đầu viết ngày tháng. Cứ thế, nàng bắt đầu viết những dòng đầu tiên của một lá thư thật là dài cho cha nàng.