Du nhập vào Thăng Long khá phức tạp nhưng có thể chia thành hai nhóm chính: Thứ nhất là trí thức và tầng lớp quý tộc địa phương, thứ hai là thường dân. Có muôn vàn lý do dân tứ chiếng nhập cư vào Thăng Long nhưng với thường dân thì Thăng Long là miền đất hứa. Họ mong muốn tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn ở mảnh đất này. Ở góc độ khác, trong quá trình phát triển và hoàn thiện của một đô thị, Thăng Long cũng cần dân nhập cư. Vì có công với nhà Lý, các họ Tống, Lê, Trịnh ở Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) từ Tống Sơn (Thanh Hóa) và Hoa Lư (Ninh Bình) kéo nhau ra Thăng Long từ thế kỷ XI. Đến đời Trần, do có tuyên ngôn “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông”, một người làm quan, cả họ được nhờ nên dân xứ Nam lũ lượt kéo lên Thăng Long. Không chỉ dân ở các vùng miền ra Thăng Long sống chung với các làng hay lập ấp mới mà còn có cả tù binh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giãi bày, ông không phải người gốc Việt, cụ tổ của ông là người Chăm bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa nửa cuối thế kỷ XIV. Song người dân ở các vùng quê không thể dứt áo ra kinh đô là do chế độ sở hữu ruộng đất. Vì công điền nên tất cả phải cùng làm, cùng ăn và thời kỳ đó làm nông nghiệp rất vất vả, chống chọi với thiên nhiên bão lũ khi cả vùng đồng bằng Bắc Bộ là đất trũng. Họ phải cùng nhau đắp đê, cấy hái và dù sao họ cũng có mức sống tối thiểu nên ít ai tính chuyện ra Thăng Long.
Chính sách của các triều vua có tác động lớn đến nhập cư. Đuổi được giặc Minh, lên ngôi tháng 4-1428, Lê Lợi đã cho phân ra hai loại ruộng là tư điền và công điền. Ai cũng được chia một phần đất để canh tác riêng và triều đình không đánh thuế hoa lợi trên phần đất công, các địa phương sử dụng hoa lợi xây dựng các công trình văn hóa, chùa chiền, đường làng và tất nhiên các quan địa phương cũng lợi dụng bỏ tiền vào túi họ. Chính sách này làm cho các làng nghề ven Đông Kinh (năm 1430, Lê Lợi cho đổi Đông Quan thành Đông Kinh) muốn ra kinh đô bởi họ yên tâm đã có đất ở quê. Những người đàn ông đã mạo hiểm ra Đông Kinh tìm cơ hội bán các sản phẩm thủ công do họ chế tác lúc nông nhàn. Dân đông dần nên triều Lê cho mở mang kinh thành về phía đông (từ Hàng Than, qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào kéo thẳng xuống phố Nguyễn Du ngày nay, thời Lê là đê sông Hồng). Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết năm 1435 thì đã có phố Đường Nhân (phố của người Hoa nay tương ứng với phố Hàng Ngang) bán áo diệp, tức là phố này khi đó nằm ven đê. Nhà Lê cũng chia lại Thăng Long thành 36 phường. Để hạn chế dân ra kinh đô, năm 1461 Lê Thánh Tông ra chỉ cấm dân không được buôn bán và làm nghề thủ công ở Đông Kinh. Nhà nước mở các xưởng thủ công gọi là bách tác với nhiều ngành nghề khác nhau, bắt thợ có tay nghề phải vào làm. Triều đình cũng độc quyền trong giao dịch thương mại, dù có lệnh cấm song một số quan lại trong triều vẫn lén lút cho vợ mở hiệu buôn. Tuy nhiên có quan vượt qua giới hạn và họ phải trả giá đắt, quan Lê Thụ lén lút buôn bán với thương nhân nước ngoài bị triều đình bỏ tù và phạt tiền bằng số lãi thu về. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vì Đông Kinh ứ dân nên năm 1481, Lê Thánh Tông đã ban chỉ dụ bắt tất cả dân ra sinh sống ở đây phải trở về quê. Một viên quan là Quách Đình Bảo đã can gián để bãi bỏ chỉ dụ này: Làm thế thì nơi kinh sư buôn bán sẽ thưa thớt không còn sầm uất phồn thịnh nữa, không những người làm nghề buôn bán sẽ thất nghiệp nhiều mà chợ búa sẽ trống rỗng, ngạch thuế có thể sẽ thiếu hụt, có phần không tiện”. Lê Thánh Tông nghe lời can, bãi chỉ dụ nhưng người buôn bán phải đăng ký vào sổ hộ tịch và sổ thuế do các phường quản lý. Các nhà thám hiểm hàng hải Bồ Đào Nha đến Thăng Long, thấy quang cảnh buôn bán đông đúc họ đã gọi là “vương quốc Cachao (Kẻ Chợ)”, chuyện này được P. Y. Manguin ghi lại năm 1523 khi ông trong phái bộ Duarté Coelho tiếp xúc với triều đình.
Đến thế kỷ XVII dù triều đình kiềm chế buôn bán với nước ngoài song không thể kiềm chế được thương mại ở kinh thành. Sự thèm khát tiền bạc của các chúa để xây cung, xây lầu, thỏa mãn thú ăn chơi khiến họ lờ cho dân nhập cư vào buôn bán và chính các quan cũng không ngần ngại lao vào. Pan Dinggui (người Trung Quốc) tác giả của cuốn Relation d’un voyage au Tonkin viết: “Việc buôn bán luôn do phụ nữ đảm nhận, thậm chí cả phu nhân các quan lớn vì thế họ không sợ vi phạm quy định cấm buôn bán”. Thấy cái lợi từ buôn bán, triều đình nới lỏng ngăn sông cấm chợ, ổn định tiền tệ, thống nhất đơn vị đo lường, giảm thuế nhập thị, bỏ gần hết thuế đò, bỏ thuế chợ ở nông thôn... Gió đã xoay chiều, tất cả những chính sách đó đã tạo thêm thuận lợi cho các làng nghề thủ công ra kinh đô mở xưởng sản xuất làm theo đặt hàng và bán lẻ. Các công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Hà Lan được phép mở đại diện thương mại ở Thăng Long, họ cũng được phép giao dịch mua các sản phẩm: sơn mài, lụa thô, gốm, sơn ta... để xuất ra nước ngoài đồng thời bán đồng cho triều đình đúc tiền, vũ khí sau đó là sắt, chì. Và chính các công ty này là bệ đỡ cho làng nghề phát triển vì họ sẵn sàng ứng trước tiền vốn. Trong Tạp chí người Đông Dương (Revue Indochinoise, xuất bản năm 1909), tác giả Dampier viết: “Thuyền trưởng Pool mua ở Thăng Long gần một trăm nghìn chiếc chén nhỏ bằng gốm và mang bán ở Soumatra lãi được một số tiền lớn”. Còn cuốn Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài (Description of the kingdom of Tonqueen), Samuel Baron mô tả: “Về mặt diện tích, thành phố này có thể so sánh với nhiều thành phố khác ở châu Á nhưng về mặt dân số thì đông hơn các thành phố kia rất nhiều đặc biệt là ngày đầu tháng và rằm. Vì là ngày phiên chợ nên dân từ các làng lân cận đổ về đây với đủ các loại hàng hóa. Nhiều phố dù khá rộng nhưng vẫn tắc nghẽn đến nỗi có khi nửa giờ khách bộ hành mới đi được khoảng trăm bước. Trong khu phố này bán đủ các thứ hàng, mỗi phố chuyên về một mặt hàng riêng, mỗi phố lại được chia thành hai hay ba đoạn; mỗi đoạn do dân của một làng chiếm giữ và chỉ có dân làng đó mới có quyền mở cửa hàng”. Các làng nghề đổ bộ vào Thăng Long đã lập nên các phố “hàng”. Dân gốc làng Trâu Khê, Hải Dương làm nghề đúc bạc, ở phố Hàng Bạc, dân làng Đồng Xâm tỉnh Thái Bình và Định Công (quận Hoàng Mai ngày nay) cũng đến Hàng Bạc làm nghề kim ngân. Làng Tam Tảo, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh ra Thăng Long làm mành dựng nên phố Hàng Mành. Nghề nhuộm điều ở phố Hàng Đào có gốc Đan Loan tỉnh Hải Dương, nghề thêu ở phố Hàng Thêu có gốc ở Quất Động huyện Thường Tín hay nghề khảm trai (phố Hàng Khảm - nay là Hàng Khay) gốc gác ở huyện Phú Xuyên... đã làm nên “36 phố phường” nhộn nhịp. Vì loạn lạc mà Bùi ở Thái Bình lên chạy Thăng Long hay họ Phó từ Phúc Kiến Trung Quốc chạy sang từ năm 1591. Rồi lấy vợ và ở lại quê vợ như ông tổ nhánh họ Hoàng ở làng Vẽ (nay là phường Đông Ngạc quận Bắc Từ Liêm). Đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long nhu nhược trước sức ép của nhà Thanh thì người Hoa vốn sống tại Thăng Long trước đó giờ có cơ hội tràn sang mở tiệm buôn. Thăng Long-Hà Nội trở thành miền đất hứa. Ca dao tục ngữ Hà Nội có câu “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ” đến ngay kẻ ăn mày cũng muốn ra Thăng Long vì:
Đông Thành là mẹ là cha
Đói cơm, thiếu áo thì ra Đông Thành
Dân số Hà Nội tăng nhanh trong suốt thời gian Pháp cai trị, không tăng tự nhiên mà tăng cơ học, từ một vạn dân cuối thế kỷ XIX đến năm 1940 vọt lên 20 vạn. Trong số dân nhập cư có người Hoa, Pháp, Ấn Độ và Nhật Bản. Theo Lịch sử Hà Nội, năm 1889 có chưa đến 500 người Pháp ở Hà Nội; năm 1901 tăng lên 1.000 và đến năm 1908 vọt lên 4.000 người. Năm 1940, trong số những người Pháp sống ở thành phố này có tới một phần ba sinh ra ở đây. Còn số người Hoa ở Hà Nội năm 1888 chỉ là 850 người nhưng đến năm 1940 đã lên tới 5.310 người. Công đồng người Ấn Độ ít hơn, năm 1890 có 23 người, năm 1940 là 375 người. Người Nhật ít nhất, năm 1899 chỉ có 5 người và đến năm 1940 cũng chỉ vỏn vẹn 100 người, trong đó “chủ yếu là gái điếm”. Nhưng nếu so với dân số Hà Nội từ năm 1888 đến 1940 thì người nước ngoài chiếm tỷ lệ đáng kể. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng “Ẩm thực Hà Nội nếu không du nhập từ nước ngoài thì đều từ quê ra” với hàm ý là nhập cư vào Thăng Long-Hà Nội quá nhiều, lấn át các cư dân gốc.
Ngày 10-10-1954, hàng vạn bộ đội, cán bộ, công nhân từ chiến khu hân hoan trở về, để ổn định cuộc sống rất nhiều trong số đó đã đưa vợ con và cha mẹ họ ở quê ra Hà Nội khiến thành phố đông đúc. Nhiều biệt thự của các nhà tư sản đi Nam bị sung công được phân cho hàng chục hộ dân. Để ngăn chặn và kiểm soát dân di cư ra Hà Nội, nhà nước đưa ra chính sách hộ khẩu nhưng thời điểm đó Hà Nội đã chật chội lắm rồi. Trong Một ngày Chủ nhật viết năm 1956, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) tả “Phố Tràng Tiền. Người chen chúc nhau đi lại. Nhiều cán bộ và công nhân viên hơn là người dân sản xuất bình thường tràn ngập các phố xá trong những ngày chủ nhật. Phản ánh cái tình trạng của một bộ máy quan liêu cồng kềnh chưa khắc phục được”. Theo Lịch sử truyền thống công an quận Hoàn Kiếm 1945-2004, trong năm 1962-1963 thành phố thường xuyên chịu áp lực về tăng dân số do lượng người từ nông thôn đổ về. Theo số liệu của Sở Công an trong năm 1963 có 5.600 người các tỉnh sống lang thang ở Hà Nội. Năm 1963 xảy ra 6.790 vụ phạm pháp hình sự trong đó có 5.700 vụ trộm cắp vặt trong đó 45% là trẻ con. Ngày 27-4-1964, Tòa án nhân dân Hà Nội xử phạt Nguyễn Mạnh Tiến 18 năm tù giam vì nhiều tội trong đó có tội làm sai lệch giấy khai sinh, giả mạo giấy tờ đổi tên vợ và chị vợ ở nông thôn ra Hà Nội nhập hộ khẩu đi học trường Dược tá của Bộ Nội vụ. Y còn giả mạo giấy tờ đưa nhiều người ở quê ra học và làm việc ở các cơ quan. Người ở quê muốn sống ở Hà Nội vì làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp vất vả mà lúa thóc chả được bao nhiêu, lại thêm áp lực hủ tục làng xã phiền hà gây mệt mỏi; trong khi đó sống ở thành thị tự do hơn, có gạo, thực phẩm giá cung cấp.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra chủ trương đổi mới. Đầu năm 1989 bỏ hẳn chế độ gạo, thực phẩm và chất đốt cung cấp nhưng nhập cư vào Hà Nội cũng không nhiều. Sang đầu những năm 1990, lượng người nhập cư bắt đầu đông lên vì nhiều công ty, nhà máy cần lao động. Còn dân thành phố bắt đầu khá giả, lối sống tư sản quay trở lại, nhà vệ sinh bốc mùi, cống tắc chỉ việc ra “chợ người” gọi vài ông về làm là xong. Hà Nội là nơi tập trung hầu hết các các trường đại học lớn, các trường lại được phép tuyển học sinh không đủ điểm vào hệ không chính quy nên sinh viên các tỉnh về học đông vô kể.
Theo số liệu điều tra dân số Hà Nội thực hiện ngày 1-4-2009 thì tỉ suất nhập cư từ năm 2005 đến 2009 luôn là 65,3% (không tính nhập cư để lao động theo thời vụ) trong khi tỷ lệ xuất cư chỉ 15,5%. Trong truyện ngắn có dáng dấp một tự sự Hà Nội tháng 7 năm 2011, nhà văn Phan thị Vàng Anh viết:
“Nếu như ở Sài Gòn có cảm giác cái gì cũng ‘ngoài’ ta, xa ta, thì ở Hà Nội cảm giác cái gì cũng sát vào ta, cô đặc hơn: trời, cây, người, sự soi mói của con người, sự thân mật và du đãng của con người, tiếng người... cái gì cũng như ‘nước cốt’ không ngừng làm ta ngạc nhiên và hơi sợ hãi vì nó quá gần ta. Cái sự gần, sự sát ấy, nếu như mới cách đây khoảng năm năm còn là ở mức dễ chịu vì xe chưa đông lắm, người chưa đổ về lắm, thì đến năm nay đã trở nên khó chịu. Thứ nước cốt kia đã thành đậm đặc vì độ dày ken của tất cả mọi thứ, trở nên ngột ngạt mồ hôi người. Từng ấy sự soi mói được nhân lên, từng ấy giọng nói Hà Nội nhân lên, sự cau có ngọt ngào hay giả tạo cũng nhân lên... làm người phương xa như trúng nắng, xây xẩm. Muốn ra đường gặp một người quen thì phải cọ xát với cả tá người dưng, nhất là hẹn ở những phố trung tâm thì người dưng vừa đông, vừa vô hồn. Vô hồn là phải, vì đám đông kia tuy sống nhờ Hà Nội, không muốn rời Hà Nội, nhưng Hà Nội chỉ là một phương tiện, không phải là nhà. Cứ nhìn những cuộc bia của hội đồng hương Nghệ An hay Thanh Hóa là hiểu: họ yêu quê họ biết bao nhiêu, nơi mà họ quyết tâm ra đi... Đó, ngày nay ta sống trong Hà Nội là sống với các hội đồng hương khổng lồ và ồn ã. Người Hà Nội gốc với những bà cụ áo phin nõn rót nước vối ủ cho ta uống, những ông cụ (luôn đi cùng các bà cụ kia) áo may ô tinh tươm mắt lấp lánh tủm tỉm cười... ngày càng vắng. Người Hà Nội cổ cũng như cà cuống đồng, biến đâu hết, thỉnh thoảng bắt được một bà/một ông/một con tưởng như bắt được linh hồn của một thời”.
Sau bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội trở thành một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Khi tiếp quản năm 1954, Hà Nội có 53.000 dân đến năm 2014 số dân đã là 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú. Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về giao thông, nhà ở, học hành, chữa bệnh, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường... Chỉ tính riêng bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có khoảng một vạn người đến khám và chữa bệnh. Hay như xã Kim Chung của huyện Đông Anh, nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long, dân số sở tại có khoảng 7.000 người, trong khi số công nhân lên tới 26.000 người. Hà Nội đặt mục tiêu dân số 7,3 triệu người vào cuối năm 2015 nhưng chắc chắn con số này sẽ bị phá vỡ. Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi năm có khoảng 5 vạn người nhập cư vào Hà Nội. Mật độ dân số hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2. So với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN thì mật độ đó là quá cao vì mật độ dân số của các nước chỉ từ 100-200 người/km2. Chẳng hạn như ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar là 88 người/km2, Thái Lan là 130 người/km2, Philippin là 124 người/km2... Còn nếu so với mật độ trung bình của cả nước thì mật độ dân ở thủ đô cao gấp 8 đến 9 lần.
Dân nhập cư đã hòa loãng dân Hà Nội gốc và nói chung không có sự phân biệt cũ mới, tuy nhiên thi thoảng vẫn có những chuyện nho nhỏ. Làng Phú Gia (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) xưa đất chật người đông, tại doi đất trũng của làng lại có dân buôn bè Thanh Hóa ngụ cư lập xóm Cựu Quán. Khi Nguyễn Kiều thi đỗ tiến sĩ (1715) vinh quy thì lý dịch Phú Gia dứt khoát không cho dân ra đón vì cho rằng Nguyễn Kiều là dân ngụ cư nên Phú Gia không phải đón. Nguyễn Kiều đành phải chịu nhưng khi ông được bổ làm phó đô ngự sử triều Lê Vĩnh Thịnh thì lập tức cho các họ ở Cựu Quán tách khỏi Phú Gia lập ra làng mới lấy tên là Phú Xá (tên nôm là làng Sù). Cụm từ “người nhà quê” không phải do dân Hà Nội nghĩ ra, nó có xuất xứ từ cảnh sát Pháp chỉ những người ra Hà Nội kiếm sống không có giấy đóng thuế thân.
Còn thời nay loanh quanh vẫn chỉ là chuyện dân ngụ cư làm hỏng nếp sống thanh lịch Hà Nội.