“Trần ca ca!”.
Tôi suýt chút thì vấp ngã. Ca ca? Cho tôi xin đi, đã có hai anh em họ Trần cả ngày gọi tôi là đại ca rồi, không muốn nhận thêm huynh đệ tỷ muội gì nữa đâu. Em gái hoàng đế gọi tôi là ca ca, muốn tôi chết sớm chắc?
Tôi đi vào, mặt mày nghiêm túc, chắp tay gọi hai tiếng: “Công chúa”.
Cô gái trước mặt chỉ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Ở thời của tôi, chẳng qua chỉ là một bé gái còn đang học trung học. Cho dù “bé gái” này quả thật trông rất xinh đẹp, nhìn tôi cười rất ngọt ngào, nhưng có xinh hơn nữa cũng vẫn chỉ là “bé gái” mà thôi.
“Công chúa bé gái” nhìn tôi cười, ánh mắt lấp lánh:
“Nghe hoàng huynh nói Trần ca ca lần này được nghỉ phép ở lại kinh thành nửa tháng, muội sẽ thường xuyên đến chơi với huynh. Muội ở trong cung nghe tin huynh bị thương thì rất lo lắng. Vết thương của huynh đã tốt lên chưa?”.
Tôi bắt đầu thấy đau ở hai bên thái dương rồi đây,song trên mặt vẫn giữ nguyên vẻ cung kính đáp:
“Đa tạ công chúa quan tâm, mạt tướng chỉ bị thương nhẹ, không đáng ngại. Lần này theo lệnh hoàng thượng ở lại kinh thành mười ngày, không phải nửa tháng”.
Công chúa bé gái ngạc nhiên nhìn tôi gọi:
“Trần ca ca…”.
Trần Đường thấy vậy giải vây:
“Đại ca bị thương, tạm thời… mất trí nhớ”.
Tôi thấy nét mặt người đối diện biến hóa giống hệt vẻ mặt của Trần Ninh thì rất bất đắc dĩ. Công chúa bé gái tủi thân nói:
“Chả trách huynh lại nói chuyện xa cách như vậy. Trần ca ca cứ như trước kia xưng tên là được, đừng xưng mạt tướng. Huynh không nhớ chút gì sao? Ngay cả muội cũng không nhớ à?”.
Tôi thấy tâm hồn thiếu nữ của cô gái trước mặt hồn nhiên quá mức rồi. Trần Ngạn cả năm chinh chiến, hơn nữa tính tình anh ta nghiêm túc, đứng đắn làm sao để tâm đến vị công chúa phiền phức này. Tôi ngay đến huynh đệ ruột thịt còn không “nhớ” ra, sao có thể nhớ cô ta. Không thể đắc tội, chỉ đành tìm cách lảng tránh:
“Công chúa thứ lỗi, Trần Ngạn quả thật không còn nhớ chuyện lúc trước. Tôi định ra phố có chút việc, công chúa ngọc thể cao quý không thể cùng thường dân ở chung một chỗ được. Để tôi gọi người đưa công chúa hồi cung. Hôm khác Trần Ngạn tiến cung bái kiến công chúa, có được không?”.
Tôi đã nói hết lý lẽ, nhưng công chúa bé gái rõ ràng không vừa ý, bĩu môi tỏ vẻ đáng thương:
“Không được. Trần ca ca lần nào cũng từ chối, có bao giờ vào cung chơi với muội thật đâu. Ai nói muội không thể cùng Trần ca ca dạo phố? Muội muốn đi. Hôm nay nhất định phải đi!”.
Tôi đột nhiên ôm ngực la đau, nhân lúc công chúa bé gái không để ý mà quay sang nháy nháy mắt với Trần Đường, để lại một câu:
“A Đường, đệ giúp tôi chiếu cố công chúa. Đại ca vết thương tái phát rất nghiêm trọng, phải về phòng nghỉ ngơi”.
Nói xong thì mặc kệ, hoàn toàn đẩy hết trách nhiệm lên vai Trần Đường rồi bỏ về phòng đi ngủ. Tôi đi rất nhanh, nhoáng cái đã cách xa đại sảnh, sau lưng vẫn còn nghe thấy tiếng gọi không cam lòng:
“Trần ca ca! Trần ca ca!”.
Tôi giả điếc, đi như chạy, về phòng thay đồ, đắp chăn ngủ. Mấy ngày liên tục giục ngựa hồi kinh, ngủ đều không đủ giấc. Hiện tại ngủ bù cũng tốt. Tôi ngủ thẳng cẳng đến giờ cơm chiều mới mở mắt. Vừa khoác áo, mở cửa phòng định bụng tìm Trần Đường cùng nhau dùng bữa. Cửa vừa mở liền giật nảy mình, suýt vấp bậc thềm lần nữa.
“Trần ca ca! Cuối cùng huynh cũng tỉnh rồi”.
Tôi trợn mắt nhìn bóng áo tím trước mặt. Không phải chứ? Tôi ngủ cả buổi, cô ta cũng đứng “chầu chực” trước phòng tôi cả buổi sao? Trần Đường làm ăn thế nào vậy?!
Tôi ôm trán thở dài:
“Công chúa, người xuất cung lâu như vậy hoàng thượng nhất định sẽ rất lo lắng. Hôm khác công chúa lại đến chơi được không?”.
Hôm khác đương nhiên tôi sẽ không ở trong nhà đợi cô ta đến. Trước tiên cứ tống tiễn cô ta đi đã rồi nói sau. Nhưng công chúa bé gái đã đợi cả buổi, đâu dễ dàng bị thuyết phục, lắc đầu, kiên quyết nói:
“Muội đã xin phép hoàng huynh rồi. Không phải Trần ca ca muốn đi dạo phố sao? Vừa hay hôm nay có hội đèn lồng, nghe nói rất náo nhiệt. Chúng ta cùng đi đi”.
Tôi chống tay lên cửa, chẳng biết làm thế nào, thoáng thấy bóng Trần Đường ở xa liền gọi lại. Trần Đường đi đến trước mặt nhìn tôi vẻ áy náy. Tôi chẳng còn sức so đo với cậu ta, chỉ ra hiệu ý bảo Trần Đường mau tìm cách tiễn vị thần này đi cho chóng.
Trần Đường cười với công chúa bé gái, ánh mắt rất hiền từ, khác xa với vẻ lạnh lùng của cậu ta lúc ở trên điện đấu khẩu với lão tể tướng. Cậu ta nhẹ giọng khuyên nhủ:
“Công chúa rời cung đã lâu, hoàng thượng, thái hậu nhất định rất lo lắng. Đại ca thương tích chưa hoàn toàn hồi phục, hôm khác đợi đại ca khỏe hẳn sẽ đưa công chúa đi chơi, có được không?”.
Tôi khoanh tay tựa cửa, nghe Trần Đường nói rất đúng ý mình thì gật gật đầu. Nhưng bé gái kia lại phùng mang trợn mắt, kịch liệt lắc đầu phủ quyết:
“Hiếm khi mới có dịp hoàng huynh đồng ý để muội xuất cung. Còn Trần ca ca cả năm mới về kinh thành được đôi lần. Dù hai người nói gì, hôm nay muội nhất định phải cùng Trần ca ca dạo phố!”.
Tôi và Trần Đường nhìn nhau. Cậu ta thử thuyết phục thêm lần nữa:
“Bên ngoài rất nguy hiểm, hoàng thượng là đồng ý cho công chúa đến Trần phủ, nếu biết công chúa xuất đầu lộ diện bên ngoài nhất định sẽ trách tội đại ca và thần”.
Công chúa bé gái chạy đến khoác tay tôi, mắt lúng liếng cười:
“Không sao, không sao. Đã có Trần ca ca bảo vệ muội. Hơn nữa muội mặc thường phục, sẽ không ai chú ý đâu. Chỉ cần hai người đừng có tiếp tục xưng hô khách khí như vậy. Ra đường cứ gọi muội là Y Ninh là được rồi”.
Tôi thật sự hết cách với vị công chúa này, đành dặn Trần Đường phái người đi theo từ xa để chú ý an toàn cho cô ta. Những người cùng tôi trở về kinh thành, thân thủ không tệ, bảo vệ một công chúa hẳn cũng không đến mức cần lo lắng. Bên cạnh công chúa bé gái có thêm một thị vệ trông có vẻ là người giỏi võ, anh ta chắp tay với tôi gọi:
“Trần nguyên soái”.
Tôi gật đầu cười nói:
“Đã đi dạo phố thì chớ gọi nguyên soái, gọi Trần công tử đi”.
Anh ta nghiêm chỉnh thưa vâng, nhìn tôi và Trần Đường đổi cách xưng hô:
“Trần đại công tử, Trần nhị công tử”.
Tôi hài lòng gập cây quạt mà Trần Đường mới sắm cho trong tay, trên người cũng đã đổi một bộ “quần áo dạo phố”. Tôi cũng đã khá quen với y phục “lả lướt” của thời đại này. Mặc dù vẫn cho rằng mặc quần jean, áo sơ mi thoải mái hơn, nhưng nhập gia tùy tục. Mà Trần Ngạn có gương mặt rất ưa nhìn, thân hình cao lớn, nên mặc gì cũng rất “ô kê”. Tôi mặc thường phục màu lam, cổ tay áo thêu hoa văn chỉ bạc, lưng đeo bạch ngọc xâu chỉ đỏ, tóc không vấn cao thành búi nữa mà tùy ý giắt một cây trâm đơn giản, thời tiết cuối thu mát mẻ nên cũng không thấy nóng. Cảm thấy rất hài lòng với hình tượng của mình lúc này, quay sang nói với ba người còn lại:
“Đi thôi”.
Đây là lần đầu tiên tôi tham quan cuộc sống người cổ đại. Tuy đến thời đại này đã hơn một tháng, nhưng sau khi dưỡng thương cũng chỉ ở trong nhà luyện võ, chưa có dịp đi thăm thú.
Không giống với hình dung của tôi, người dân ở đây xem chừng phong tục tập quán khá cởi mở. Trên đường thi thoảng còn trông thấy nam nữ thanh niên dắt tay nhau cười nói vui vẻ. Vì hiện tại là buổi tối, hàng quán ven đường đều đã dọn dẹp trống trải, bù lại các quán ăn đều đông khách, rất náo nhiệt. Khắp các con đường đều thấy treo đèn lồng đỏ, phố xá rộng lớn, bốn người chúng tôi dàn hàng ngang mà đi vẫn không hề cản trở giao thông. Tôi nhìn sắc đỏ khắp nơi, nghi hoặc hỏi Trần Đường:
“Hôm nay cũng không phải trung thu, sao lại tổ chức hội đèn lồng?”.
Trần Đường mỉm cười:
“Đại Chu xem màu đỏ là màu thịnh vượng, lại thích ánh sáng. Hội đèn lồng tượng trưng cho sự ấm no, viên mãn. Trung thu sẽ có hội đèn lồng rất lớn, nhưng các tháng bình thường trong năm cũng đều sẽ thắp đèn, mọi người tụ tập giải câu đố, ngắm hoa đăng bên hồ. Lúc chúng ta còn nhỏ, phụ thân đi đánh giặc ở xa, đều là đại ca dẫn đệ và A Ninh đi ngắm đèn lồng. A Ninh rất thích xem đèn kéo quân, đáng tiếc đại ca không giỏi giải câu đố, lần nào cũng đoán trật khiến A Ninh mếu máo suốt mấy ngày sau đó”.
Công chúa bé gái nghe vậy cười khúc khích, chen lời:
“Trần ca ca là võ tướng mà. Không sao cả, nếu huynh thích xem đèn kéo quân, lát nữa muội nhất định giải được câu đố, đoạt đèn tặng Trần ca ca”.
Tôi liếc mắt nhìn cô ta, rõ ràng Trần Đường nói Trần Ninh thích xem đèn kéo quân, sao đến tai cô ta lại nghe thành tôi thích? Hơn nữa, từ xưa đến nay, đều là đàn ông trổ tài để đổi lại nụ cười mỹ nhân. Công chúa bé gái này lại thích đổi ngược lại phương thức. Tôi nhìn cô ta cười cười không nói.
Lúc ra khỏi nhà đã lỡ giờ cơm chiều, tôi đề nghị mọi người tìm quán ăn ngon để giải quyết nhu cầu cơ bản. Quan niệm của tôi rất đơn giản. Con người, đói nhất định phải ăn no. Trần Đường liền thuận ý, dẫn cả bọn đến một tửu lầu trông có vẻ sang trọng.
Phục vụ thấy bốn người bọn tôi ăn mặc trông rất phú quý thì tiếp đón niềm nỡ, dẫn bọn tôi lên lầu hai. Tôi bảo anh ta có món gì đặc biệt thì mang lên, thức ăn thanh nhạt một chút, đừng cho nhiều dầu mỡ. Lại gọi thêm bình rượu ngon.
Thị vệ của công chúa bé gái tên gọi Thần Đình thấy tôi rót rượu cho anh ta thì lên tiếng từ chối. Tôi thấy anh ta đang trong ca làm việc, cũng không cố ép, chỉ cười nói:
“Dùng cơm có chút rượu sẽ ngon miệng hơn. Uống vài chén sẽ không say đâu”.
Anh ta gật đầu, cùng tôi và Trần Đường cụng chén, uống cạn một chén thì dừng lại. Tôi cười cười không làm khó Thần Đình, vui vẻ cùng Trần Đường uống rượu.
Trần Đường gắp thức ăn cho tôi, lại rót thêm rượu, tâm trạng có vẻ rất tốt:
“Trước kia, đại ca chỉ có lúc thắng trận mới cùng mọi người trong doanh uống rượu, nhưng cũng không uống nhiều, mọi thời điểm đều đề cao cảnh giác. Hiện tại mới phát hiện, thì ra tửu lượng đại ca lại tốt như vậy”.
Tôi bật cười, nuốt xuống một ngụm lớn, rượu ngon thức ăn ngon, cảm thấy sảng khoái dễ chịu, nghiêng đầu nhìn sang:
“Người sống nên thả lỏng mới tốt, lúc nào cũng cứng nhắc thì còn gì thú vị. Đệ nói xem người ta phát minh ra rượu chẳng phải rất có ích sao? Vui có thể cùng bạn bè uống mừng, buồn có thể uống rượu giải sầu, thất tình uống vài chén cũng tốt. Không nên tự làm khó bản thân”.
Thần Đình có chút ngạc nhiên nhìn tôi chăm chú. Tôi lắc lắc ly rượu trong tay nhìn anh ta cười, lại uống thêm chén nữa.
Công chúa bé gái tròn mắt nhìn tôi, lắp bắp:
“Trần ca ca… huynh… thất… tình?”.
Trần Đường phì cười. Tôi nhăn mặt, sao bé gái này lúc nào cũng nghe không đúng trọng tâm vậy. Tôi chỉ là lấy ví dụ thôi mà. Tôi thở dài, gắp cái đùi gà to nhất vào bát cô ta, để cô ta tập trung ăn uống bớt hỏi lung tung thì hơn:
“Y Ninh à, muội sao cứ nghe có chọn lọc như vậy? Nào, món gà nướng này rất ngon, muội mau nếm thử xem”.
Công chúa bé gái cười tít mắt, vui vẻ tập trung ăn đùi gà.
Ăn xong gọi phục vụ tính tiền, cả bọn lại dắt nhau ra phố, Trần Đường đề nghị đến chỗ giải câu đố xem náo nhiệt. Tôi đối với mấy trò chơi dân gian không có nhiều hứng thú, nhưng đã ra khỏi nhà, đi xem cho biết cũng tốt, liền gật đầu đáp ứng.
Nơi giải câu đố thu hút nhiều người nhất là ở ven bờ hồ. Trần Đường nói hồ này đến mùa sen nở thì lúc nào cũng có người đến thưởng ngoạn, hóng mát. Đáng tiếc hiện tại đã qua mùa, hoa sen đều đã tàn hết. Nhưng tôi thấy bên bờ rất nhiều người thả đèn hoa, nước hồ trong xanh bên trên được tô điểm bởi hàng trăm hoa đăng rực rỡ màu sắc, trông cũng rất bắt mắt.
Công chúa bé gái trông thấy một chỗ giải đố treo rất nhiều đèn lồng tinh xảo thì vui vẻ kéo bọn tôi đến đấy xem. Đèn chỗ này đúng thật rất đặc biệt. Bên cạnh những chiếc đèn cá chép, sao năm cánh, còn có mấy chiếc đèn kéo quân khá lớn, kiểu dáng cũng rất đa dạng. Công chúa bé gái rất thích chiếc đèn có hình tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng chính là bốn linh thần Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước được tạo hình rất tỉ mỉ, lần lượt xoay tròn sống động.
Người bán đèn lồng trông thấy tướng mạo bọn tôi không tầm thường thì cười nói:
“Các vị công tử, tiểu thư, thích chiếc đèn tứ linh này?”.
Công chúa bé gái liền gật đầu, mắt không rời khỏi chiếc đèn, hỏi ông chủ:
“Phải giải câu đố mới lấy được đèn phải không? Vậy ông chủ mau đọc câu đố đi”.
Ông chủ còn chưa đáp lời thì bên cạnh chúng tôi có giọng nói lanh lảnh:
“Biểu ca, chiếc đèn này làm rất khéo, huynh có thấy thế không?”.
Tôi liếc mắt nhìn sang, ồ, lại thêm một bé gái trạc tuổi Y Ninh, gương mặt và giọng nói đều non nớt, quần áo trông có vẻ là tiểu thư con nhà giàu. Chàng trai đứng cạnh “lục y bé gái” gật đầu cười:
“Đúng là rất tinh xảo”.
Trần Đường đứng cạnh, thì thầm vào tai tôi:
“Là đại công tử của Khương gia, Khương Dương. Bên cạnh là biểu muội của anh ta”.
Tôi nhếch môi, con trai của lão tể tướng? Khéo như vậy? Sáng sớm gặp cha, tối chạm mặt con.
Hai người mới đến thấy bên cạnh còn có người để ý đến chiếc đèn kéo quân vừa khen thì quay đầu sang. Hai bé gái nhìn nhau cau mày. Tôi thấy hai cô gái trẻ tuổi lại có vẻ mặt như vậy thì có chút buồn cười.
Lục y bé gái níu tay áo Khương Dương, cất giọng nũng nịu:
“Biểu ca, muội muốn có chiếc đèn này”.
Công chúa bé gái cũng không chịu thua, khoác tay tôi, chớp chớp mắt:
“Trần ca ca, Ninh nhi cũng muốn đèn tứ linh”.
Ninh nhi? Đã đổi sang xưng hô thân mật rồi cơ đấy? Tôi buồn cười, tay phải phe phẩy quạt:
“Ồ? Vừa rồi ai ở trên đường nói sẽ giải câu đố đoạt đèn tặng Trần ca ca?”.
Công chúa bé gái lay lay tôi, mếu máo gọi:
“Trần ca ca…”.
Tôi thấy nét mặt Khương Dương thay đổi, có lẽ anh ta đã nhận ra thân phận mấy người bọn tôi. Anh ta chau mày, lạnh nhạt nhìn tôi. Chậc, cái chức đại nguyên soái này đúng là chuốc lấy không ít phiền toái. Nhưng tôi cũng không có ý định gây thù kết oán với đối phương, nhướn mày nhìn anh ta cười cười. Khương Dương thoáng ngạc nhiên rồi cũng cười gật nhẹ đầu.
Ông chủ thấy cả hai bên đều chọn trúng một chiếc đèn thì chỉ tay nói:
“Chiếc đèn này chỉ có một, câu đố bình thường sẽ không thú vị, tôi thấy không bằng đưa ra vế đối, ai đối hay nhất thì đèn thuộc về người đó. Mọi người thấy có được không?”.
Tôi cười. Ở đây đều là võ tướng, thị vệ, bé gái. Đối câu chẳng phải là nghề của các tú tài ư? Đúng là thú vị.
Khương Dương bên cạnh lại rất sảng khoái:
“Được”.
Tôi ngước mắt, anh có thể giải câu đối thật không đấy? Không phải thấy tôi nên muốn phân cao thấp đấy chứ? Tôi cũng không có ý tranh giành với anh.
Ông chủ thấy khách đồng ý đối câu thì rất vui vẻ, gục gặc đầu nhìn mặt hồ rất chăm chú. Tôi ngó ra hồ thấy hoa tươi đều đã tàn sạch, ông chủ này không biết định tìm cảm hứng ở đâu đây?
Đến lúc mọi người bắt đầu mất kiên nhẫn, thì ông chủ mới đưa ra vế đối:
“Hoa nở hoa tàn, hoa tàn hoa nở. Hoa nở trước thì tàn trước, hoa tàn trước thì nở trước”.
Tôi giật giật lông mày, đây chẳng phải là vế đối của tay thái giám mặt đầy phấn trắng trong phim “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” sao? Nhắc đến thái giám lại nhớ đến hoàng đế thanh niên, trong đầu tôi liền đưa ra chủ ý. Tay nhẹ nhàng ung dung phẩy quạt, phong tư ngời ngời, tôi cất giọng đều đều:
“Người sống người chết, người chết người sống. Người sinh trước thì chết trước, người chết trước là tiên sinh”.
Người bán đèn lồng sững người, liền sau đó bật cười:
“Vế đối của công tử thật thú vị. Công tử không chỉ học bác uyên thâm, mà nhân sinh quan cũng thật đặc biệt. Công tử tuổi còn trẻ đã có cái nhìn thấu suốt như vậy, nhất định là người có phúc. Đây, chiếc đèn này tất nhiên thuộc về công tử”.
Nói xong đưa tay gỡ lồng đèn phía trên xuống trao tận tay tôi.
Công chúa bé gái vỗ tay, ánh mắt sáng ngời:
“Trần ca ca thật lợi hại!”.
Tôi nén một tiếng thở dài, đưa chiếc đèn lồng vừa đến tay tặng cho lục y bé gái. Mọi người đều tròn mắt ngạc nhiên. Tôi nhẹ nhàng cười:
“Tặng tiểu thư”.
Lục y bé gái kinh ngạc đón lấy, nhìn tôi vẻ khó hiểu.
Công chúa bé gái thấy vậy lại lắp bắp:
“Trần ca ca… huynh… huynh… thích nàng ta?”.
Tôi đập cây quạt trong tay, đưa mắt nhìn Khương Dương, hơi cười:
“Không phải. Tôi là thích người đứng cạnh cô ấy”.
Mọi người há hốc mồm. Khương Dương cũng mở to mắt nhìn tôi chằm chằm. Công chúa bé gái thân hình lảo đảo, hỏi lại:
“Huynh nói gì?”.
Tôi quay đầu sang nhìn sắc tím bên cạnh, cảm thấy ánh mắt kia vừa rồi còn rất sáng trong phút chốc đã tối lại. Giọng tôi nhàn nhạt:
“Tôi đoạn rồi”.
Công chúa bé gái tay run run, ngẩng đầu nhìn tôi:
“Sao?”.
Tôi tươi cười nói tiếp:
“Tôi thích đàn ông. Đoạn tụ chi phích, muội còn không hiểu ư?”.
Người đối diện hốc mắt đỏ dần, cắn môi cố không bật khóc, chân loạng choạng lùi hai bước rồi xoay người chạy đi. Thần Đình liếc mắt nhìn tôi một cái, rồi nhanh chóng đuổi theo chủ nhân của mình. Tôi nhìn Trần Đường, hơi hất đầu. Cậu ta đưa tay sau lưng âm thầm ra hiệu cho người đi theo bảo vệ công chúa an toàn.
Khương Dương và em họ của anh ta còn đang ngơ ngẩn, tôi chắp tay nói:
“Trăng thanh gió mát, hai người nên tận hứng hãy về. Chúng tôi còn có việc, cáo từ!”
Lại vỗ vai Trần Đường, cười:
“Hiếm khi có dịp, chúng ta về phủ, uống rượu ngắm trăng. Ý đệ thế nào?”.
Trần Đường gật đầu:
“Ý đệ chính là không có ý gì khác”.
Tôi bật cười xoay người, cùng “em trai” trở về.