Cẩu Nhi ngồi xổm dưới đất chơi đùa một mình, chú nhóc tinh nghịch bứt những cành cỏ dại cài vào tóc tôi và buộc tôi phải khen đẹp. Do được tẩm bổ, Cẩu Nhi đã khỏe khoắn hơn trước rất nhiều. Nhưng vì phải chịu đói quá lâu đã để lại di chứng, thi thoảng chú bé lại bị cảm sốt. May mà trong nhà tôi có một thầy thuốc miễn phí, vẫn thường xuyên bắt mạch, điều trị cho Cẩu Nhi.
Cô Trương vừa đến bế Cẩu Nhi đi, cô là một trong số hơn hai trăm nạn dân mà chúng tôi cứu giúp. Con trai đi lính, tử trận, sau khi cửa thành được mở, lại được tin người chồng cũng đã chết vì đói, người phụ nữ ngoài tứ tuần ấy chỉ còn lại một thân một mình trên đời, cô đã muốn quyên sinh, nhưng sau khi nghe Rajiva khuyên nhủ, cô đã đồng ý ở lại nhà chúng tôi.
Không phải để mắt đến Cẩu Nhi nữa, tôi tập trung vào công việc đan lát của mình. Tôi đan không được khéo cho lắm, nhưng vẫn không muốn nhường việc đó cho người khác. Dù khó coi đến đâu, cũng là tấm lòng của người mẹ. Tôi xoa nhẹ phần bụng còn khá phẳng của mình, thì thầm:
- Cục cưng không được cười mẹ, biết chưa!
Cổng chính mở tung, chưa thấy người đâu đã nghe thấy tiếng cười sảng khoái vang lên trong sân vườn:
- Ta nghe nói công chúa có tin vui, nên đến chúc mừng pháp sư và công chúa.
Tôi đặt giỏ đồ đan lát xuống, đứng lên đón tiếp. Người đàn ông cao lớn bước qua bậc cửa, vái chào tôi, tôi vội vàng đáp lễ. Theo sau ông ấy là Rajiva. Chàng nở nụ cười điềm đạm, sải bước đến bên, đỡ tôi ngồi xuống. Tôi ngượng quá, mới chưa đầy ba tháng, còn chưa nhìn rõ bụng mà chàng săn sóc tôi cẩn trọng như thể người ta bảo vệ loài gấu trúc quý hiếm vậy.
Tôi nhìn chàng băn khoăn. Chàng mỉm cười giải thích:
- Hôm nay, trong lúc bàn chuyện xây dựng chùa chiền, ta đã thông báo với ông ấy về việc nàng mang thai, thế là ông ấy nhất quyết đòi tới nhà chúc mừng nàng.
- Pháp sư chu đáo quá, công chúa thật may mắn!
Đỗ Tấn nháy mắt trêu chọc tôi, chòm râu quai nón rung rung theo tiếng cười.
Tôi đỏ mặt, cúi đầu đáp:
- Thật ngại quá!
Chúng tôi vừa thăm hỏi nhau, vừa bước vào phòng khách. Sau khi đã yên vị, Đỗ Tấn liền hỏi:
- Pháp sư có hay chuyện Vua Diêu Tần cử sứ giả đến đây mời ngài tới Trường An giảng đạo không?
Chúng tôi đều sững sờ, Rajiva lắc đầu:
- Tôi không hề hay biết. Đỗ Tấn khẩn khoản: - Pháp sư là người uyên bác, nhưng Lương Châu lại không có đất cho ngài dụng võ. Tuy Diêu Trường không phải một vị vua đức độ, nhưng Phật giáo là quốc pháp của nước Tần, chắc chắn ông ta sẽ phong ngài làm quốc sư. Ta chẳng giúp được gì nhiều, nhưng sẽ cố gắng thuyết phục Lương Vương cho phép pháp sư đến Trường An, ý ngài thế nào?
Tôi gật đầu ngay tức khắc, vui vẻ nhận lời thay chàng:
- Tốt quá!
Nhưng Rajiva đã ấn nhẹ vào tay tôi, trả lời Đỗ Tấn rằng:
- Cảm ơn lòng tốt của Đỗ tướng quân, nhưng lúc này, ta chưa thể rời khỏi Lương Châu.
Đỗ Tấn kinh ngạc:
- Vì sao vậy?
- Phu nhân ta vừa có mang, sức khỏe nàng lại yếu ớt, đường đi Tràng An xa xôi, hiểm trở.
Rajiva đưa mắt nhìn bụng bầu của tôi, trầm tư một lát, cười buồn:
- Vả lại, Lương Vương chắc chắn không đồng ý.
- Việc này...
Đỗ Tấn định nói gì đó nhưng lại thở dài:
- Lương Vương không trọng dụng pháp sư nhưng lại muốn giam giữ ngài. Pháp sư thân cô thế cô, Đỗ Tấn buồn thay cho ngài. Rajiva mỉm cười:
- Đỗ tướng quân, dù vậy, ta đâu có ngồi yên một chỗ. Tuy Lương Châu là vùng “hoang mạc” của đạo Phật, nhưng ta không ngại bắt đầu lại từ đầu.
Đón lấy vẻ ngạc nhiên từ Đỗ Tấn, Rajiva tiếp tục nói, giọng chàng đầy tự tin: - Nơi đây sẽ là khởi đầu mới của ta. Chàng chầm chậm đứng lên, khoan thai cất bước đến bên cửa sổ, ngước nhìn bầu trời xanh Guzang, vài đám mây trắng bồng bềnh trôi, gió xuân dìu dịu, ấm áp.
- Ta muốn xây chùa Đại Phật trên núi Bậc Thang và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các thiện nam tín nữ, chẳng bao lâu, sẽ khởi công xây dựng. Sau khi hoàn thiện, công trình này sẽ làm thay đổi cục diện Phật giáo ở Lương Châu, nơi đây sẽ không còn tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các ngôi chùa Phật giáo quy chuẩn nữa. Ta sẽ hiệu đính lại toàn bộ nội dung kinh, luật, luận và chấn chỉnh những kiến giải sai lầm của người dân Trung Nguyên về Phật pháp. Hy vọng một ngày nào đó, chùa Đại Phật sẽ trở thành ngôi chùa Phật giáo chính thống trên mảnh đất phía Tây của Trung Nguyên này.
- Hay lắm!
Đỗ Tấn vỗ tay hưởng ứng, đứng lên, chắp tay trước ngực, cung kính:
- Tấm lòng quảng đại và ý chí lớn lao của pháp sư thật khiến ta khâm phục. Pháp sư cần ta trợ giúp việc gì, ta nguyện dốc lòng dốc sức. - Rajiva, vì sao chàng bỏ lỡ cơ hội này? Tôi than thở với chàng khi Đỗ Tấn đã ra về.
Chàng mỉm cười, như thể chuyện đó chẳng có gì to tát:
- Nàng bảo rằng chúng ta phải chờ đợi mười sáu năm ở Lương Châu kia mà.
- Nhưng cơ hội này...
- Không đúng thời điểm thì không gọi là cơ hội.
Chàng ngắt lời tôi, đặt tay lên bụng bầu của tôi, dịu dàng:
- Huống hồ, đối với ta nàng và con quan trọng hơn tất thảy, ta không muốn xảy ra bất cứ sơ suất nào.
Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng nuối tiếc, định lên tiếng thì cơn buồn nôn quen thuộc ập đến. Thấy tôi nôn khan, Rajiva vội đỡ tôi ngồi xuống, vuốt lưng cho tôi. Tôi thuộc nhóm phụ nữ ốm nghén khá nặng, dạo gần đây tôi ăn rất ít, mỗi ngày nôn ói vài lần. Tôi lại bị hoa mắt chóng mặt, mẫn cảm với mùi dầu mỡ, nên càng lúc càng gầy.
- Con ơi, sao con giày vò mẹ con nhiều vậy! Chàng xót xa, rút khăn lau miệng cho tôi:
- Tội cho nàng quá, ta chẳng giúp gì được...
Tôi vẫn rất khó chịu, nhưng nghe chàng nói vậy, lại thấy buồn cười.
- Em không sao, người mẹ nào cũng phải trải qua giai đoạn này, sau ba tháng hiện tượng này sẽ hết.
Tôi vòng tay qua eo chàng, tựa vào người chàng, gắng sức kìm chế cơn buồn nôn, cười nói:
- Chàng giúp em rất nhiều mà, có chàng ở bên, mọi nỗi vất vả đều biến thành ngọt ngào.
Từ lúc biết tôi mang thai, chàng không để tôi đụng vào bất cứ việc gì, và hàng ngày chăm chút, bảo vệ tôi hết sức chu đáo. Đích thân chàng sắc thuốc an thai cho tôi, nựng tôi uống thuốc, chiều chuộng hết mức. Ngày ngày đắm mình trong sự ngọt ngào, dịu dàng của chàng, niềm hạnh phúc với tôi là vô bờ bến, bởi vậy, chút nhọc mệt do mang bầu này có đáng kể gì.
Chàng kéo tôi vào lòng, âu yếm hôn lên trán tôi. Gió xuân ấm áp tràn vào phòng, mang theo hương hoa thoang thoảng. Tôi hít một hơi thật sâu đầy mãn nguyện, muốn thốt lên: mùa xuân mới tuyệt làm sao...
Bước sang tháng năm, cơn ốm nghén hành hạ tôi bấy lâu đã biến mất, tôi bắt đầu thèm ăn, tôi ăn gấp đôi lúc trước. Cơ thể đã đẫy đà lên rất nhiều. Chỉ có điều, dù mỗi ngày tôi đều uống thuốc bổ nhưng sắc mặt vẫn không hồng hào lên được, Rajiva vô cùng lo lắng. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là phần bụng bầu phẳng lì khi trước của tôi nay đã to ra thấy rõ.
Cách mười ngày Mông Tốn lại đưa Phan Trưng đến khám cho tôi. Rajiva luôn túc trực bên cạnh, ân cần hỏi han đủ thứ, tôi biết chàng vẫn rất lo lắng về căn bệnh huyết hư của tôi. Thường ngày, chàng vẫn bắt mạch cho tôi đều đặn và không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu sách y thuật. Mỗi lần, trước khi Phan Trưng đến, tôi đều tự vỗ vào má mình, để sắc mặt được hồng hào lên đôi chút. Nếu ông ấy hỏi tôi còn chảy máu cam hay không, thì tôi đều đáp rằng không.
Phan Trưng vẫn không thể xác định rốt cuộc tôi có bị mắc bệnh huyết hư hay không, ông ấy chỉ kê cho tôi một vài loại thuốc để bồi bổ cơ thể. Tôi thầm nghĩ, huyết hư có phải là bệnh máu trắng ở thời hiện đại và là căn bệnh nan y không? Lần trước, khi trở về, tôi tiến hành kiểm tra sức khỏe và có kết luận là chỉ số nhiễm xạ đã vượt mức cho phép. Mới thuốc thang, điều trị được chín tháng tôi đã lại vượt thời gian, do vậy, không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng!
Tôi không sợ bản thân mắc bệnh, vì đây là cái giá tất yếu mà tôi phải trả khi vượt thời gian đến nơi này và yêu con người ở thời cổ đại. Tôi chỉ lo lắng bé yêu của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Thời đại này chưa có sóng siêu âm B, nên tôi chỉ có thể cầu khấn: xin trời Phật phù hộ độ trì cho bé yêu của con được chào đời khỏe mạnh. Con xin gánh chịu mọi bệnh tật thay con của con.
Lần nào Phan Trưng đến khám bệnh cũng có Mông Tốn đi theo. Anh ta chỉ lẳng lặng ngồi nhìn, vẻ mặt trầm ngâm, lầm lì, khó hiểu. Tôi không biết anh ta còn muốn lấy mạng mình nữa không, nhưng cũng cảm thấy hình như không phải. Phí khám chữa bệnh của Phan Trưng không hề thấp chút nào, nhưng chúng tôi không mất một xu, lẽ nào anh ta muốn cứu tôi? Rốt cuộc anh ta đang nghĩ gì? Tôi thở dài, tiếp tục công việc đan lát. Con người ấy sâu xa là thế, sao tôi có thể nắm bắt được suy nghĩ của anh ta? Chi bằng hãy dành trọn sự quan tâm cho em bé trong bụng tôi là hơn.
- Ngải Tình, nàng làm gì vậy?
Ngại quá, đã cố gắng hạ thấp âm thanh hết mức, vậy mà vẫn khiến chàng thức giấc. Chàng ngủ say mà vẫn rất tỉnh.
- Không có gì, chỉ tại...
Tôi lần mò chiếc giày vải trong đêm tối, ngượng ngùng giải thích:
- Em đói bụng quá, muốn nấu tạm thứ gì để ăn, chàng cứ ngủ đi.
Chàng kéo tôi lại, ấn tôi nằm xuống.
- Nàng ở đây chờ, để ta đi nấu mì cho nàng.
Chàng đánh lửa, đốt đèn dầu, khoác áo, rời khỏi giường.
- Nhưng, chàng nấu được không?
Để chàng phải nấu ăn cho mình, tôi thấy hơi áy náy. - Để em nhờ cô Trương.
- Không cần đâu, nửa đêm gà gáy, không nên làm phiền cô ấy. Nấu bát mì thôi mà, ta làm được.
Chàng lại ấn tôi xuống gối, cốc nhẹ vào trán tôi:
- Ngoan ngoãn đợi nhé, không được đi theo đâu đấy.
- Chàng nhớ phải đổ nước vào trước, đừng đổ nhiều quá, nước sôi thì cho mì vào. Chàng đừng đun quá lâu, sợi mì sẽ bị nát. Còn nữa, gói mì ở ngăn đầu tiên trên chạn bếp, chàng bỏ một gói vào là đủ.
Chàng chuẩn bị mở cửa phòng bước ra, tôi vẫn cố vớt vát:
- Còn nữa, chàng cho một phần tư thìa muối vào thôi nhé.
- Ta biết rồi.
Chàng tủm tỉm cười, lắc đầu, thở dài. Nếu chàng biết tiếng lóng hiện đại, chắc chắn sẽ bảo tôi là “bà chằn” nói nhiều cho xem.
Dù vậy, tôi vẫn không yên lòng, muốn xuống bếp phụ chàng, nhưng tôi biết chàng sẽ không chịu, sẽ lại xua tôi về phòng nghỉ ngơi. Tôi đành ngồi yên trên giường chờ đợi, bụng sôi sùng sục, chờ mãi chờ mãi, chờ cho tới khi tôi đã quên cả đói, lông mi chùng xuống chuẩn bị thiếp đi, mới nghe thấy tiếng chàng gọi khẽ. Chàng bưng vào một bát mì nóng hổi, đặt đũa vào tay tôi. Tôi chưa vội đón lấy mà bật cười ha hả. Vì mặt mũi chàng lem nhem, hai mắt sưng đỏ, bụi khói bám đầy trên hàng lông mày dài, rậm, khuôn mặt tuấn tú, điển trai thường ngày lúc này trông buồn cười không chịu nổi. Tôi lấy tay áo lau mặt cho chàng, vừa buồn cười vừa cảm động khi hình dung ra cảnh chàng lúng túng xếp củi thổi lửa, bếp núc bừa bộn, rối như canh hẹ.
Chàng đỏ mặt, gắp mì đưa đến miệng tôi:
- Ăn đi cho nóng.
Tôi mỉm cười hoan hỉ thưởng thức miếng đầu tiên. Chàng nhìn tôi chăm chú và hồi hộp:
- Có được không?
Nhạt thếch, mà chỉ toàn nước suông, không có cọng hành nào cả. Tôi ăn thêm một miếng to nữa, ngước nhìn chàng, gật gù:
- Ngon hơn cả bát mì hôm sinh nhật em. Chàng thở phào, ngượng ngùng: - Đây là bát thứ ba đấy... Bát đầu tiên nát quá, bát thứ hai mặn quá, bát thứ ba này may mà còn tạm được.
Tôi đón lấy bát mì, gắp từng miếng to bỏ vào miệng, đây là lần đầu tiên trong đời chàng nấu ăn, tôi không thể lãng phí. Chàng vừa lau miệng cho tôi, vừa khẽ khàng: - Ăn từ từ thôi. Nàng không cần động viên ta đâu, bát mì này chỉ đạt mức trung bình thôi. Hôm nay nàng chịu khó ăn tạm, sau này ta sẽ chăm chỉ học nấu ăn, để nấu những món ngon hơn cho nàng và con.
Tôi há hốc miệng nhìn chàng kinh ngạc. Con người chưa bao giờ đặt chân xuống bếp mà chịu học nấu ăn ư? Chàng cốc nhẹ vào đầu tôi:
- Ăn đi, không nguội đó, để nguội ăn không tốt đâu.
Tôi vừa ăn vừa nhìn trộm chàng. Dưới ánh đèn, vẻ mặt chàng ân cần, chăm sóc, khiến tôi không khỏi xúc động. Lúc này, chàng là người đàn ông hết lòng vì vợ vì con, là chỗ dựa vững chắc của tôi và bé yêu. Ăn hết bát mì, húp hết nước, tôi hỉ hả, khoan khoái nằm tựa vào người chàng, thầm nghĩ: con ơi, con thật may mắn vì có một người cha tuyệt vời như vậy...
Biết tin tôi có bầu, cuối tháng năm Đoàn Nghiệp cũng đến thăm hỏi. Tôi dò hỏi ông ấy về việc Diêu Trường mời Rajiva đến Trường An giảng kinh. Đoàn Nghiệp nói với tôi rằng Lữ Quang đã từ chối, vì ông ta bảo Rajiva là người xảo quyệt, chàng đến Trường An sẽ gây bất lợi cho nhà Lương của họ Lữ.
Chúng tôi đã lường trước kết quả này, tuy Rajiva không bận tâm, nhưng tôi thấy tiếc nuối, mười sáu năm đằng đẵng, cuộc đời con người có được mấy mươi năm để mà chờ đợi như vậy?
Chùa Đại Phật đã bước vào giai đoạn chuẩn bị khởi công xây dựng. Những ngày gần đây, Rajiva bận bịu tối mắt với việc tìm kiếm thợ thuyền, kiểm tra điều chỉnh bản thiết kế, đối chiếu các khoản chi phí. Ngoài thời gian đó ra, chàng còn phải chăm sóc tôi nữa. Tôi biết vậy, nên đã ngoan ngoãn ở nhà dưỡng thai, không đi đâu cả.
Thời tiết đầu tháng sáu bắt đầu oi bức, mùa hạ đang đến gần. Mùa hạ vùng Tây Bắc không oi bức như mùa hạ Giang Nam, buổi sáng và buổi chiều đều có gió mát, không khí thoáng đãng, dễ chịu. Tuy bụng bầu của tôi đã thấy rõ, nhưng so với các bà bầu năm tháng khác thì vẫn bé hơn nhiều. Rajiva không yên tâm, ngày nào cũng ép tôi ăn vô số thực phẩm bổ dưỡng. Tôi bắt đầu bước vào giai đoạn thèm ăn quả hạnh tử “dữ dội”. Bình thường tôi không ăn được đồ chua, nhưng bây giờ thì không lúc nào ngơi miệng. Cô Trương khẳng định chắc nịch với tôi rằng: bụng nhỏ lại gọn thế này chắc chắn là con trai. Tôi hỏi Rajiva thích con trai hay con gái, chàng chỉ cười bảo con trai con gái chàng đều thích.
Trung tuần tháng sáu, một toán lính đột nhiên kéo đến nhà tôi, kẻ đi đầu đầy ngạo mạn là Lữ Thiệu, vênh vang tuyên bố: Lương Vương muốn thờ phụng Phật tổ, mong được nghe tụng kinh mỗi ngày, nên mời pháp sư cùng toàn thể gia quyến lập tức dọn vào ở trong cung.
Hắn không cho chúng tôi nhiều thời gian để thu dọn, chúng tôi gần như bị áp giải lên xe ngựa. Rajiva sa sầm mặt mày, ra sức che chắn cho tôi. Hai mươi tư đệ tử Khâu Từ, cô Trương và Cẩu Nhi cùng chúng tôi đặt chân vào cung điện của vua Lương.
Chúng tôi được đưa đến một khuôn viên nhỏ bé tại vòng ngoài cùng của hoàng cung. Có thể thấy rõ khu vườn này vừa được tu sửa lại một cách qua loa đại khái, bắt chước kiến trúc của một ngôi chùa Phật giáo, nhưng xây dựng rất qua quít, cẩu thả, không thành hình thành vẻ gì cả. Lữ Thiện đắc ý gọi đó là ngôi chùa mới xây cất của Hoàng gia và vua Lương đã trịnh trọng đón rước pháp sư lừng danh Tây Vực Kumarajiva về làm trụ trì.
Rajiva hiểu rằng, chàng lại bị Lữ Quang giam lỏng một lần nữa.
Tôi bưng chậu nước vào phòng, thấy chàng đang đăm chiêu nhìn ra bầu trời đầy sao ngoài cửa sổ. Chúng tôi đã vào sống trong cung được nửa tháng, Rajiva tiếp tục trở thành quân sư “bù nhìn” theo sát bên cạnh Lữ Quang mỗi ngày. Tôi biết, chàng chán ghét cuộc sống tù ngục này tới mức nào.
Khẽ thở dài, tôi gọi:
- Rajiva, chàng rửa mặt đi.
Nghe tiếng tôi, chàng vội bước tới, đón lấy chậu nước:
- Ta đã dặn nàng đừng bận tâm đến mấy việc này rồi kia mà, nhỡ động thai thì sao?
- Em có yếu đuối đến mức ấy đâu! Vả lại, vận động một chút cũng tốt mà. Tôi tươi cười, đưa khăn lau cho chàng. Nhìn chàng mặt ủ mày chau suốt nửa tháng qua, tôi vừa buồn vừa thương: - Lữ Quang không yên tâm về chàng. Lúc trước bận việc thống quân phản loạn không có thời gian để ý đến chàng, bây giờ trở về, thấy chàng được lòng dân, danh tiếng vang xa như vậy, ông ta ắt sinh lòng ghen ghét, đố kỵ.
Vừa giúp chàng cởi áo, tôi vừa phân tích:
- Lời mời của Diêu Trường đã thức tỉnh Lữ Quang, nếu ông ta không giữ chặt chàng, sẽ có rất nhiều vua chúa khác trọng dụng chàng. Bởi vậy, trên danh nghĩa là mời chàng vào cung, nhưng thực chất là muốn giam lỏng chàng.
Chàng không muốn tôi vận động nhiều, nên nhất quyết ấn tôi nằm xuống giường, rồi lắc đầu, nói:
- Ngải Tình, không phải ta buồn phiền vì việc đó. Ta đã biết sẽ phải nhẫn nhục chờ đợi mười sáu năm thì cớ gì phải phiền muộn khi bị Lữ Quang giam giữ?
Ánh mắt thoáng vẻ u ẩn, chàng thở dài:
- Lữ Quang không cho ta xây chùa Đại Phật, bảo rằng ta chỉ được phép tu hành trong ngôi chủa của Hoàng gia này thôi.
Tôi sửng sốt! Quả nhiên kế hoạch xây chùa hang đá trên núi Bậc Thang đã gặp trở ngại. Rửa ráy xong, chàng bưng chậu nước ra ngoài, cố giấu đi những tâm tư bộn bề trong lòng:
- Ngày mai, ta sẽ căn dặn đệ tử đem trả lại các khoản quyên góp. Nhìn theo bóng dáng cô đơn, u sầu của chàng, tôi thấy lòng buồn rười rượi. Vì sao tôi không thể giúp chàng? Đúng lúc tâm tư rối bời ấy, tôi chợt nghe thấy tiếng động khe khẽ trong bụng mình, như thể vừa có chú cá con quẫy đuôi qua. Tôi lập tức dừng mọi suy nghĩ, nhớ lại cảm giác đặc biệt khi nãy. Chờ một lúc mà không thấy có phản ứng gì. Chắc tôi nghe nhầm rồi. Vừa thở dài, định đi ngủ, tiếng động ấy bỗng dưng trở lại. Lần này thì chính xác tuyệt đối, em bé của tôi đang đạp, em đang truyền thông tin đến mẹ.
- Rajiva, con vừa đạp em này.
Nghe tiếng gọi nhớn nhác của tôi, Rajiva vừa vào phòng đã vội lao đến, cúi sát xuống bụng tôi.
Lắng nghe một lúc mà không thấy động tĩnh gì, tôi sốt ruột:
- Con ngoan, lên tiếng đi nào, để cha mẹ biết con ở trong đấy rất an toàn.
Chàng ngẩng đầu, đặt tay lên bụng tôi, mỉm cười dịu dàng:
- Em bé của chúng ta còn quá nhỏ, sao đã có thể…
- Có rồi! Tôi la lên, nắm chặt tay chàng, chờ đợi. Chàng nhìn tôi xúc động, nỗi phiền muộn, âu sầu khi nãy như tan theo mây khói, ánh mắt ngập tràn niềm vui bất ngờ: - Đúng rồi, con đạp rồi!
Chàng hân hoan áp tai vào bụng tôi, thì thầm:
- Con ơi, con ở trong đó ngoan ngoãn, đừng làm mẹ mệt, cha mong con bình an chào đời, lớn lên khỏe mạnh. Nếu con đồng ý, hãy động đậy cho cha biết.
Tôi phì cười:
- Con mới được gần năm tháng, làm sao hiểu được lời chàng nói.
Bỗng nhiên tôi thấy bụng mình bị hích một cú rất mạnh, tôi và Rajiva tròn xoe mắt nhìn nhau. Chàng tươi cười hoan hỉ:
- Đó là con ta, là đứa bé tuyệt vời nhất trên đời này, sao có thể không hiểu kia chứ! Chắc chắn sau này con cũng sẽ thông minh xinh đẹp, hiền lành, tốt bụng như nàng vậy.
Niềm hạnh phúc ngập lòng, tôi mê mải ngắm chàng, để phác họa hình hài cục cưng trong bụng:
- Em hy vọng con giống chàng, thông thái bác học như chàng, điển trai tuấn tú như chàng, đức độ thuần khiết như chàng và nhiệt thành với lý tưởng như chàng…
- Đừng cử động!
Tôi giật mình khi thấy Rajiva bỗng nhiên trở nên khác lạ, gương mặt chàng tái xám vì sợ hãi. Đầu tôi bị kéo mạnh ra phía sau, chàng nâng cằm tôi lên. Khi một mảnh khăn được phủ lên mũi, tôi thấy toàn thân mình như đóng băng. Vậy là chàng đã phát hiện ra…