Vì chúng không như những đứa trẻ khác, nên lẽ ra chúng có thể vẽ tặng tôi những bức tranh không như những bức tranh khác. Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được những con vật kỳ quặc như lạc đà buồn cười kiểu Dubuffet và ngựa kiểu Picasso.
Chúng đã không làm gì cả.
Không phải vì ác ý, không phải vì chúng không muốn, tôi nghĩ là lẽ ra chúng cũng muốn, nhưng chúng không thể. Vì đôi tay run rẩy của chúng, vì đôi mắt nhìn không rõ của chúng và vì đàm rơm chúng có trong đầu.
Ba yêu quý,
Nhân dịp ngày lễ Cha, chúng con muốn viết tặng ba một lá thư. Lá thư như sau.
Chúng con không hoan nghênh những gì ba đã làm: ba nhìn chúng con này. Chẳng lẽ sinh ra như tất cả mọi người khó lắm hay sao? Khi biết số lượng những đứa trẻ bình thường chào đời mỗi ngày và hiểu đầu óc của một vài bậc phụ huynh, chúng con tự nhủ hẳn chuyện đó chẳng có gì khó cả.
Chúng con không yêu cầu ba sinh ra những đứa con thiên tài, chỉ là những đứa con bình thường thôi. Thêm một lần nữa, ba không muốn làm như những người khác, ba đã thắng, còn chúng con đã thất bại. Ba cho rằng tật nguyền thì buồn cơời lắm à? Chúng con có một vài lợi thế.
Chúng con không phải đến trường, không phải làm bài tập, không phải nghe giảng, không phải kiểm tra, không phải chịu phạt. Bù vào đó, cũng chẳng có phần thưởng, chúng con đã để lỡ không ít thứ.
Có lẽ Mathieu sẽ thích chơi bóng đá. Ba thấy nó trên một khoảng đất, vô cùng mong manh giữa một lũ trẻ thô bạo ư? Hẳn nó sẽ không sống sót mà thoát ra nổi.
Con, con thích trở thành nhà nghiên cứu sinh học. Không thể được với chỗ rơm con có trong đầu.
Ba nghĩ rằng sống với những kẻ tật nguyền kỳ quặc lắm sao? Có những kẻ không dễ tính, chúng gào thét mọi lúc và ngăn không cho chúng ta ngủ, và có những kẻ độc ác hay cắn.
Vì chúng con không thù hận và vì dù sao thì chúng con cũng yêu ba, nên chúng con chúc ba một ngày lễ Cha tốt đẹp.
Ba sẽ thấy sau lá thư một bức tranh con vẽ tặng ba. Mathieu, đứa vốn không biết vẽ, ôm hôn ba.
Đứa trẻ không như những đứa trẻ khác không phải là một đặc sản của một dân tộc, nó tồn tại dưới nhiều phiên bản.
Ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt của Thomas và Mathieu, có một đứa bé người Campuchia. Ba mẹ nó nói tiếng Pháp không được tốt lắm, các cuộc nói chuyện với bác sĩ viện trưởng thường diễn ra khó khăn, đôi lúc ly kỳ. Họ hay phải ra về với vẻ bất bình. Họ luôn kịch liệt phản đối chuẩn đoán của bác sĩ.
Con trai họ không phải người Mông Cổ(1), nó là người Campuchia.
Không nên nhăc đến di truyền học, đó là một từ mang lại vận rủi.
Không phải tôi là người nghĩ tới di truyền học, mà chính di truyền học đã nghĩ tới tôi.
Tôi ngắm nhìn hai cậu con bé bỏng lưng còng của tôi, tôi hy vọng rằng đó không phải lỗi của tôi nếu chúng không như những đứa trẻ khác.
Nếu chúng không biết nói, nếu chúng không biết viết, nếu chúng không biết đếm đến 100, nếu chúng không biết đi xe đạp, nếu chúng không biết bơi, nếu chúng không biết chơi dương cầm, nếu chùng không biết thắt dây giày, nếu chúng không biết ăn ốc vùng triều, nếu chúng không biết sử dụng vi tính, thì đó thậm chí không phải vì tôi đã nuôi dạy chúng kém, không phải lỗi ở môi trường sống của chúng...
Hãy nhìn chúng xem. Nếu chúng khập khiễng, nếu chúng gù còng, đó không phải lỗi của tôi. Đó là lỗi của sự không may mắn.
Biết đâu "di truyền hoc" là thuật nhữ khoa học dùng để chỉ sự không may mắn?
Cô con gái Marie của tôi kể với đám bạn ở trường là nó có hai anh trai tật nguyền. Bọn trẻ không tin con bé. Chúng bảo con bé rằng điều đó không đúng, rằng con bé huênh hoang.
Chúng ta thường nghe một vài bà mẹ, trước nôi của con mình, nói: "Ta chẳng muốn nó lớn, ta muốn nó cứ mãi thế này." Các bà mẹ có con tật nguyền thật may mắn, họ được chơi búp bê lâu hơn.
Nhưng một ngày kia, con búp bê ấy sẽ cân nặng ba mươi ki lô và không phải lúc nào nó cũng ngoan ngoãn.
Các ông bố quan tâm tới con cái khi chúng lớn hơn, khi chúng tò mò, khi chúng bắt đầu đặt câu hỏi.
Tôi đã chờ đợi thời khắc đó trong vô vọng. Chẳng bao giờ có nổi một câu hỏi khác ngoài câu: "Ba ơi, mình đi đâu?"
Món quà đẹp nhất người ta có thể tặng một đứa trẻ, là giải đáp những thắc mắc của nó, tạo cho nó niềm đam mê những điều tốt đẹp. Với Mathieu và Thomas, tôi đã không được may mắn ấy.
Lẽ ra tôi nên thích nghề giáo viên tiểu học, dạy mọi điều cho lũ trẻ mà không khiến chúng ngao ngán.
Tôi đã làm cho bọn trẻ những bộ phim hoạt hình mà các con tôi không được xem, đã viết những cuốn sách mà các con tôi không được đọc.
Lẽ ra tôi nên thích chúng tự hào về tôi. Thích chúng nói với bè bạn: "Ba tớ, ông ấy hay hơn ba cậu."
Nếu bọn trẻ cần tự hào về bố mình, thì có lẽ các ông bố, để tự trấn an, cũng cần sự ngưỡng mộ của con cái họ.
Hồi vẫn còn hình chỉnh máy xuất hiện giữa các chương trình truyền hình, Mathieu và Thomas có thể ngồi hàng giờ trước ti vi ngắm nó. Thomas thích ti vi, nhất là kể từ ngày nó thấy tôi trên đó. Nó, người vốn nhìn không được rõ, đã phân biệt được tôi, qua một cái màn hình nhỏ, giữa những người khác. Nó nhận ra tôi, nó thốt lên: "Ba!"
Sau chương trình nó không muốn đi ăn tối, nó muốn ngồi trước ti vi, nó cứ gào lên: "Ba, ba!" Nó nghĩ tôi sẽ quay lại.
Có lẽ tôi vẫn nhầm khi nghĩ mình không quan trọng đối với nó và nó có thể sống thoải mái mà không cần đến tôi. Sự nhầm lẫn ấy khiến tôi xúc động, đồng thời cũng khiến tôi ăn năn.
Tôi khó lòng tưởng tượng ra cảnh tôi sống cùng nó, hàng ngày đến Carrefour xem Snoopy.
Thomas sắp mười bốn tuổi. Ở tuổi nó, tôi đang chuẩn bị lấy bằng BEPC(2).
Tôi ngắm nhìn Thomas. Tôi khó lòng nhận ra bản thân mình ở nó, chúng tôi không giống nhau. Như vậy có lẽ tốt hơn. Tôi sẽ không ủng hộ ai trong hai người. Điều gì đã khiến tôi muốn sinh con chứ?
Lòng kiêu hãnh ư? Tôi tự hào về mình đến nỗi muốn để lại trên Trái Đất những "tôi" bé bỏng ư?
Tôi không muốn chết hoàn toàn, tôi muốn để lại vết dấu, để người ta có thể theo dấu tôi ư?
Đôi khi tôi có cảm giác mình đã để lại vết dấu, nhưng là những vết dấu có được sau khi bước qua sàn nhà đánh xi bằng đôi giày lấm đất và bị người ta quở mắng.
Mỗi lần ngắm nhìn Thomas, mỗi lần nghĩ đến Mathieu, tôi lại tự hỏi liệu tôi đã làm tốt việc tạo ra chúng chưa.
Lẽ ra nên hỏi chúng.
Dù sao tôi cũng hi vọng rằng, suy cho cùng, những niềm vui nho nhỏ của chúng, Snoopy, một bữa tắm ấm, những lần vuốt ve một chú mèo, một tia nắng, một trái bóng, một chuyến dạo chơi Carrefour, nụ cười của những người khác, những chiếc ô tô nho nhỏ, món khoai tây chiên... sẽ giúp cuộc hành trình trở nên chịu đựng được.
Tôi nhớ một chú bồ câu trắng. Chú ở xưởng của viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt nơi bọn trẻ làm các công việc tay chân, nghĩa là một vài đứa nguệch ngoạc vẽ lên giấy. Những đứa khác có vẻ mỏi mệt hoặc cười vu vơ.
Khi chú bồ câu trắng bay vào phòng, một số đứa sửng sốt đập đập tay. Thi thoảng chú lại để một chiếc lông nhỏ rơi xuống theo đường dích dắc khiến một đứa trẻ chằm chằm nhìn theo.
Khắp xưởng bao trùm bầu không khí yên lặng, có lẽ là do chú chim bồ câu. Có lúc chú đậu lên bàn, hoặc khá hơn nữa là lên vai một đứa trẻ. Người ta nghĩ đến Picasso, nghĩ đến bức Đứa trẻ bồ câu. Một vài đứa sợ và kinh hãi hét lên, nhưng chú bồ câu quả là dễ tính. Thomas vừa đuổi theo chú vừa gọi chú là "chú gà bé nhỏ"(3), thằng bé muốn bắt chú, có lẽ để vặt lông chú chăng?
______________________________________________________________________
(1) Nguyên văn tiếng Pháp "mongolien": vừa có nghĩa là người Mông Cổ, vừa có nghĩa là người mắc hội chứng Đao
(2) Bằng tốt nghiệp cấp II của Pháp, chứng nhận đã đạt được các kiến thức chung
(3) Bé nhỏ