Mặc dù A Như nói biết đường đi, nhưng bà lại tìm cả buổi mà vẫn không thấy tuyến xe buýt mình đã từng đi, thế nên cuối cùng Thành Chu vẫn phải hỏi người ta mới tìm được địa điểm chính xác để đón xe.
A Như xấu hổ bảo rằng đã lâu rồi bà chưa quay lại thành phố Z nên khu vực xung quanh nhà ga nơi đây đã trở nên khá xa lạ với bà.
Thành Chu vội vàng ra ý không sao, đường là trong miệng mà ra, chỉ cần chịu hỏi là có thể tìm được hướng đi thôi.
Về sau, cả bọn đi một chuyến xe buýt nửa tiếng từ thành phố Z đến thị trấn Thanh Sơn mà A Như đã nói. Sau khi đến thị trấn Thanh Sơn, hắn đổi sang đi xe ôm theo chỉ dẫn của người dân.
Hồng Diệp lần đầu ngồi xe ôm nên cảm thấy hết sức kì lạ. Nó không muốn ngồi kẹp ở bên trong nên cứ đu trên lưng Thành Chu mãi chứ không chịu xuống.
Chú xe ôm lái xe trong muôn vàn khó khăn, liên tục cảnh cáo Thành Chu rằng nếu thằng nhóc mà ngã xuống xe là chú mặc kệ luôn.
Thành Chu phải bảo rằng hắn sẽ dùng dây lưng để đèo cu quỷ trên lưng, tuyệt đối sẽ không gây thêm bất cứ phiền phức gì cho chú xe ôm thì chú mới miễn cưỡng đồng ý lái xe.
Hồng Diệp vịn vai ba, đứng nghịch ngợm trên xe định đón gió phấp phới… Kết quả ăn vô một miệng đầy khói bụi.
“Á phoẹt phoẹt phoẹt!” Hồng Diệp liền phun ra vài ngụm nước miếng rồi vô cùng buồn bực ôm lấy cổ ba nó gặm hai cái, không múa may quay cuồng nữa.
Xe ôm chạy khá nhanh, khoảng hơn hai mươi phút sau là đến quê nhà của A Như và trưởng tàu —— thôn Tam Tính.
Trưởng tàu và A Như đứng im lặng trước cửa thôn. Trong mắt A Như đong đầy nỗi căm hận và sợ hãi.
Trưởng tàu nhìn A Như, nét mặt của ông càng phức tạp hơn, nhưng lúc ông quay đầu nhìn về phía Tây của thôn, toàn bộ những cảm xúc của ông đã hóa thành cừu hận.
“Lâu rồi không quay lại, mọi thứ giờ thay đổi ghê thật nhỉ?” A Như đè nén cảm xúc.
Trưởng tàu khẽ vuốt mái tóc của bà, “Bốn mươi năm qua em vẫn không trở về đây sao?”
A Như lắc đầu, “Em đã trở lại hai lần để dập đầu trước phần mộ cha mẹ. Mẹ qua đời trước, nhưng cha em không hề nói cho em biết. Ông bảo em là mối nhục của gia đình, muốn em vĩnh viễn không trở về đây nữa. Ông nói với người trong thôn rằng em đã chết ở bên ngoài. Đến lúc ông mất, các anh của em cũng không báo tin cho em. Chuyện của hai người đều là do đứa bé kia nói với em đấy.”
Trưởng tàu biết rõ đứa bé mà A Như nói là ai. Xem nét mặt của A Như, chỉ sợ đứa bé ấy không hề thân thiết với A Như chút nào.
Đúng vậy… Ai lại mong mẹ mình là bà điên, đã thế thanh danh lại bị tai tiếng như vậy? Hơn nữa đứa bé đó lớn lên trong thôn từ nhỏ, cũng không biết trước khi rời thôn nó đã phải chịu đựng bao nhiêu tin đồn ác nghiệt nữa…
Trưởng tàu lặng lẽ cầm chặt tay A Như.
A Như nghiêng đầu nhìn ông, buồn bã cười cười, “Em thấy có lỗi với nó lắm, khó trách vì sao nó lại hận em đến vậy.”
“Em cũng không muốn mà…” Trưởng tàu siết chặt tay A Như hơn, đáng tiếc rằng ông vĩnh viễn không thể nào cảm nhận được sự ấm áp khi xưa nữa.
Thành Chu thanh toán tiền xe, thấy A Như và trưởng tàu đang nói chuyện nên không quấy rầy họ, đến khi thấy họ nói gần xong mới xen vào hỏi: “Cho hỏi động dung nham ở nơi nào thế ạ? Cách nơi này bao xa?”
A Như và trưởng tàu cùng nhìn hắn, trưởng tàu trả lời: “Nếu đi thẳng qua thôn thì có thể rút ngắn được một phần ba quãng đường, nếu không thì đi đường vòng dài hơn một chút. Động dung nham trên chân núi, chúng ta phải lên núi trước.”
“Vậy chúng ta sẽ đi đường vòng nhỉ?” Ban nãy Thành Chu đã thấy một bảng chỉ đường sơ sài trên cành cây đầu thôn, trên đó viết “Động Chân Ngôn cách bảy trăm mét rẽ phải”, mà mũi tên chỉ phương hướng cũng không chỉ vào trong thôn.
A Như và trưởng tàu không bác bỏ đề nghị của Thành Chu. Lúc này lòng họ cũng không muốn quay lại thôn chút nào.
Thành Chu lưng cõng con đến đường nhựa. Thằng nhóc gấu thấy phải đi xa như vậy bèn nhăn nhó mặt mày!
Thành Chu vừa đi vừa lầm bầm: “Hồi nãy bảo xe ôm chở đến động Chân Ngôn, tự nhiên ổng chở đến cửa thôn, phải đi thêm một quãng đường thiệt xa nữa mới tới. Làm ăn gì gian dối quá chừng.”
Tư Đồ hiện thân ra cười nói: “Vùng nghèo nàn thì tính người phải gian xảo thôi. Đừng tưởng rằng nông dân hay dân miền núi sẽ hiền lành chất phác, huống chi còn có dân tứ xứ trà trộn vào kiếm cơm ăn hàng ngày. Ông tài xế kia chưa ra giá cậu giữa đường là có lương tâm rồi đấy.”
“Trông anh có vẻ nhiều kinh nghiệm nhỉ? Trước kia anh thường đi công tác bên ngoài nhiều đúng không?” Lúc hỏi những lời này, Thành Chu không hề có ý định điều tra Tư Đồ mà chỉ thuận miệng hỏi thôi. Mãi đến khi cảm thấy không ổn, hắn đã không thể nào rút lời lại được nữa rồi.
Nhưng Tư Đồ chẳng hề để ý mà đáp: “Ừ, hồi đó đi làm toàn vào Nam ra Bắc. Đến khi làm quỷ thì muốn đi chỗ nào là đến chỗ đó. Số người tôi từng gặp và số chuyện tôi từng trải còn hơn ba đời cậu cộng lại nữa đó.”
Thành Chu tỏ vẻ không tin.
Tư Đồ không nói nữa, chỉ cười cười.
Đi bảy trăm mét cũng không lâu lắm, cười cười nói nói và thưởng thức cảnh ruộng đồng là tới chỗ. Nhưng sau khi rẽ phải, Thành Chu lại phát hiện một cột mốc chỉ đường nữa, trên đó viết “Động Chân Ngôn đi thẳng một nghìn mét phía trước.”
Thành Chu nhìn núi Thanh Sơn thoạt trông không xa kia mà chết lặng nửa ngày trời.
“Đi thôi.” Tư Đồ cười khúc khích.
“Xem núi chạy ngựa chết, tôi thấy con đường này tuyệt đối không chỉ một ngàn mét đâu. Thật đấy.” Thành Chu thì thào.
Hồng Diệp đã dựa vào lưng hắn ngủ khò khè từ lâu.
Thành Chu xót con, đỡ quả mông nhỏ của nó để thằng bé ngủ thoải mái hơn một tí. Cũng đúng thôi, có đứa trẻ nào lại có thể đi đường xóc nảy một ngày đêm không nghỉ ngơi? Dù thế nào đi nữa, thân thể Hồng Diệp vẫn là một đứa trẻ, mà trẻ con thì làm sao biết tự chăm sóc bản thân, thế nên phận làm cha như hắn phải quan tâm đến nó nhiều hơn mới được.
Một đường không nói chuyện, A Như và trưởng tàu trầm mặc đến lạ lùng.
Đáng quan tâm nhất chính là dường như chỉ có mỗi bọn hắn đang trên đường lên núi vào lúc này, trong khi đó người xuống núi lại không ít, mà đại đa số đều đi xe, rất hiếm ai đi bộ như bọn hắn.
Thành Chu để ý thấy phần đông du khách đến tham quan động Chân Ngôn đều là thanh thiếu niên, một số ít là các gia đình hoặc những người cao tuổi đi du lịch theo tour.
“Xem ra ở đây thực sự có động Chân Ngôn rồi.” Thành Chu nói với trưởng tàu bên cạnh.
“Đúng vậy, trước kia chưa bao giờ có nhiều du khách như vậy cả.” Trưởng tàu cũng rất lấy làm kinh ngạc.
Trên đường lên núi còn có vài gánh hàng rong bán quà vặt và thảo dược, người bán hàng thấy Thành Chu liền tiến đến chào hàng nồng nhiệt.
Thành Chu gật đầu liên tục tỏ ý cảm ơn, bảo rằng khi quay lại sẽ mua.
Lúc đi ngang qua một ông lão đang ngồi dưới bóng cây, khi hắn quét mắt nhìn qua, ông lão đột nhiên nói với hắn vài câu bằng tiếng địa phương.
Thành Chu không hiểu, dừng bước lại, nhìn ông lão.
Ông lão bỗng kích động đứng lên rồi lại nói gì đó với Thành Chu.
Thành Chu vẫn không hiểu, “Xin lỗi, ông đang nói cái g—-”
Bỗng nhiên, mặt anh nhà trắng bệch, lập tức im bặt xoay người lủi nhanh.
Ông lão sốt sắng, định đuổi theo Thành Chu, nhưng Tư Đồ đã nhảy ra trừng mắt với ông. Ông lão khẽ run lên rồi cúi đầu chậm rãi ngồi trở lại chỗ cũ.
Sau khi đi một đoạn khoảng hai trăm mét, Thành Chu mới dám mở miệng, “Ông lão ban nãy không phải người đúng không?”
Tư Đồ gật đầu, “Về sau cậu nhớ để ý kĩ một chút nha, phân biệt được người với quỷ sẽ tốt cho cậu hơn đó.”
Lập tức gã lại hiếu kỳ hỏi: “Ủa mà sao cậu biết ông ta là quỷ chứ không phải người vậy?”
Thành Chu nuốt nước bọt, trả lời: “Thì dựa vào cách ăn mặc của ông ấy đấy. Lúc này rõ ràng là cuối xuân, trời còn rất lạnh, vậy mà ông ấy lại mặc áo ngắn mùa hè, mà kiểu áo cổ cổ như mấy chục năm về trước, trên chân còn mang giày rơm nữa.”
Thấy Thành Chu vẫn còn sợ hãi, Tư Đồ bèn an ủi hắn: “Đừng sợ, lão quỷ kia không phải hồn ác, chỉ do chấp niệm không tán, không chịu xuống Địa phủ mà thôi. Chờ lúc trở về cậu có thể hỏi thử ông ta xem có chuyện gì, được thì giúp còn không được thì cứ từ chối thẳng mặt. Có tôi ở đây, ổng không dám kì kèo với cậu đâu.”
“… Cám ơn anh.” Lòng Thành Chu từ lâu đã không muốn nhận bất cứ công việc nào từ lũ quỷ rồi.
Từ lúc ấy về sau thì không có chuyện gì khác thường xảy ra cả. Lúc kim giờ chạm mốc ba giờ chiều, bọn hắn rốt cục cũng đến chân núi Thanh Sơn.
Thế nhưng chỉ có một con đường duy nhất lên núi mà thôi. Thành Chu nhìn thấy một cái bàn gỗ và một người đàn ông trung niên đang ngồi ăn đậu phộng ở đó.
Trên bàn gỗ có một tấm bảng rất gây sự chú ý, trên bảng viết ba chữ: “Nơi bán vé”.
Thành Chu nhìn nhìn ba chữ kia, khóe miệng giật giật.
A Như và trưởng tàu thấy rõ bộ dáng gã trung niên liền hoảng hốt!
“Xin chào, xin hỏi ở đây là đường đến động Chân Ngôn đúng không ạ?” Thành Chu hỏi gã trung niên.
Gã trung niên “ừ” một tiếng rồi nói: “Hai mươi Nhân Dân Tệ một vé. Hai người lớn một đứa nhỏ, tổng cộng là bốn mươi, trẻ nhỏ miễn phí. Nếu mấy người đi xe thì lần tới có thể đậu xe ở đồng lúc mạch trong làng chúng tôi ấy, một ngày chỉ lấy năm tệ tiền đỗ xe thôi.”
Thành Chu nhìn nhìn chiếc bàn gỗ thô sơ, nhìn nhìn bộ đồ xề xoà của gã trung niên rồi dè dặt hỏi: “Chỗ anh là nơi bán vé chính thức sao? Có hoá đơn không?”
Gã trung niên phì cười, “Hóa đơn á? Mấy người trong trấn thiệt thú vị. Mua vé mà còn đòi hóa đơn à? Lên hay không lên núi? Lên thì bốn mươi tệ, còn không thì hai tiếng nữa trời tối là hết được lên, mai cũng phải lên lại thôi.”
Thành Chu quay đầu nhìn Tư Đồ.
Tư Đồ nhún vai, “Đừng ngạc nhiên. Nhiều người dân địa phương làm vậy để kiếm tiền lắm. Thường thì là tại vì chính quyền không thấy tiềm năng ở mấy điểm du lịch như thế này nên không quy hoạch, hoặc chỉ chuẩn bị quy hoạch mà thôi.”
“Làm như vậy mà chính quyền địa phương mặc kệ à? Cho dù gã ta bao trọn ngọn núi này để lấy tiền vé sao?”
“Ai nói là gã bao hết?” Tư Đồ lấy túi tiền trong áo Thành Chu ra, vừa đưa một tờ năm chục cho gã trung niên vừa giải thích với Thành Chu: “Kiểu bán vé tạm thời như thế này đều là thay phiên kinh doanh đấy. Ví dụ như đối với ngọn núi này thì mỗi nhà sẽ thay phiên bán vé một ngày. Vì chỉ có chút tiền nhỏ nên đa phần chính quyền địa phương đều mắt nhắm một mắt mở cho qua cả.”
Gã trung niên vui cười, “Quý ngài đây nói không sai, chúng tôi ở đây đúng là như vậy đấy. Đúng rồi, mấy người cần đèn pin không? Mặc dù động Chân Ngôn của chúng tôi rất linh nghiệm, nhưng chủ yếu là ánh sáng tự nhiên, bên trong chỉ có vài ngọn đèn con le lói. Mấy người muốn nhìn rõ thì tốt nhất nên mang theo đèn pin đi.”
Thành Chu bất đắc dĩ nói: “Mấy anh thật biết kinh doanh quá. Giá bao nhiêu đây?”
Gã trung niên cười híp mắt nói: “Một lần năm tệ, hai mươi tệ tiền thế chấp, lúc trở lại chỉ cần đèn pin không bị hư hỏng gì thì trả lại cho anh mười lăm tệ.”
Thành Chu ngoan ngoãn thuê một chiếc đèn pin, vì ảnh vốn sợ bóng tối mà.
Cầm lấy đèn pin, Thành Chu vừa định lách qua lối đi nhỏ cạnh bàn gỗ thì lại nghe gã trung niên hô: “Uây, mà sao mấy người đi chơi trễ vậy? Có tìm được chỗ qua đêm chưa? Nếu không thì có thể ở trong nhà của chúng tôi ấy. Rẻ lắm, hai mươi tệ một đêm, nếu bao luôn bữa tối thì mỗi người đóng thêm hai mươi tệ nữa là đủ.”
Thành Chu lại co giật khoé miệng một lần nữa, quay đầu lại nói: “Cảm ơn, chúng tôi…”