• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Vài ngày sau, chúng tôi có một buổi Hội Chẩn Ung Thư liên khoa. Mỗi lần như vậy, một đội ngũ đông đảo các bác sĩ, nhân viên xã hội, chuyên viên vật lý trị liệu và nhiều chuyên gia khác sẽ cùng ngồi lại với nhau quanh một chiếc bàn lớn trong phòng hội nghị và thảo luận về tình hình của tôi. (Không phải là tình hình của Augustus Waters hay tình hình chuyến đi Amsterdam, mà là tình hình ung thư.)

Bác sĩ Maria là người dẫn dắt cuộc họp. Bà ôm chầm lấy tôi khi tôi đến, bà ấy rất thích ôm ấp.

Tôi thấy dường như mình khỏe hơn một chút. Cả đêm ngủ với máy thở BiPAP khiến phổi của tôi gần như khỏe lại bình thường, mặc dù tôi thật sự cũng chẳng nhớ nổi cảm giác phổi bình thường là như thế nào.

Mọi người tham dự đông đủ và tỏ ra nghiêm túc bằng cách tắt tất cả các thiết bị nhắn tin và liên lạc của họ, để tập trung thảo luận về tôi. Bác sĩ Maria mở đầu buổi hội thảo, “Vậy tin tốt là Phalanxifor tiếp tục phát huy tác dụng và kiềm chế sự tăng trưởng của khối u, nhưng rõ ràng chúng tôi vẫn thấy những vấn đề nghiêm trọng với tình trạng tràn dịch màng phổi. Nên câu hỏi đặt ra ở đây là bước tiếp theo chúng ta nên làm gì?”

Kế đó bà quay sang nhìn tôi, như thể đang chờ câu trả lời. “Ừm,” tôi lúng túng, “Em thấy mình không phải là người giỏi chuyên môn nhất ở đây để trả lời câu hỏi này!”

Bà mỉm cười. “Phải, tôi đang chờ ý kiến của Bác sĩ Simons. Bác sĩ Simons!” Ông cũng là một bác sĩ ung thư gì đấy.

“Vâng, như chúng ta được biết từ các bệnh nhân khác là hầu hết các khối u cuối cùng đều phát triển theo cách nào đó dù có dùng Phalanxifor. Nếu đúng như vậy thì chúng ta đã thấy sự tăng trưởng của khối u trên hình chụp. Nhưng ở đây chúng ta không hề thấy, nghĩa là khối u chưa phát triển.”

Chưa thôi, tôi thầm nghĩ.

Bác sĩ Simons gõ ngón trỏ xuống mặt bàn. “Vấn đề đáng nói ở đây là tuy Phalanxifor có thể khiến tình trạng phù nề ngày càng nghiêm trọng, nhưng bệnh tình còn diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều nếu chúng ta ngưng sử dụng loại thuốc này.”

Bác sĩ Maria nói thêm, “Chúng tôi không thực sự hiểu những ảnh hưởng về lâu dài của Phalaxifor. Rất hiếm người đã sử dụng thuốc này lâu như em đây.”

“Vậy chúng ra sẽ làm gì?”

“Chúng ta sẽ tiếp tục tiến trình điều trị này,” Bác sĩ Maria khẳng định, “nhưng cần phải can thiệp nhiều hơn để tránh chứng phù nề gia tăng.” Tôi cảm thấy hơi choáng vì một lý do mơ hồ nào đó, giống như tôi sắp nôn mửa. Tôi ghét các buổi Hội Chẩn Ung Thư nói chung, nhưng tôi đặc biệt ghét buổi hôm nay. “Căn bệnh ung thư của em sẽ không biến mất, Hazel à. Nhưng chúng tôi từng chứng kiến nhiều người cũng bị khối u hoành hành ở mức độ như em vẫn sống một thời gian dài.” (Tôi không thèm hỏi thời gian dài là bao lâu vì trước đây tôi đã sai lầm một lần khi hỏi.) “Cô biết em mới vừa ra khỏi Phòng chăm sóc đặc biệt và vẫn còn hơi mệt, nhưng dịch tràn của em, ít nhất trong thời điểm này, đã có thể kiểm soát được.”

“Sao em không được ghép phổi hay một liệu pháp trị liệu nào khác ạ?” Tôi hỏi.

Bác sĩ Maria bặm môi lại. “Đáng tiếc em không phải là một ứng cử viên sáng giá cho việc cấy ghép,” bà trầm ngâm. Tôi hiểu: Không nên lãng phí hai lá phổi tốt cho một ca bệnh vô vọng như tôi. Tôi gật đầu, cố gắng không tỏ vẻ bị tổn thương bởi nhân xét đó. Ba tôi bắt đầu sụt sùi khóc. Tôi không nhìn ông, nhưng vì không ai nói thêm gì trong một lúc lâu nên tiếng nấc của ông nghe rõ mồn một.

Tôi ghét làm Ba đau lòng. Thường khi tôi có thể quên đi một sự thật đắng là: Ba Mẹ có thể vui mừng khi có tôi ở bên, nhưng tôi cũng là ngọn nguồn và kết cục của mọi sự đau khổ trong họ.

Ngay trước khi Phép màu xảy ra, cái lần tôi nằm trong Phòng chăm sóc đặc biệt và tưởng như sắp chết đến nơi, Mẹ đã nói với tôi là hãy thả lỏng người và đừng nghĩ đến nỗi đau nữa. Tôi cũng đã cố gắng làm theo lời Mẹ nhưng phổi của tôi vẫn cố ngoi ngóp tìm không khí. Mẹ gục đầu vào ngực Ba, nức nở một điều gì đó mà tôi mong mình đã chẳng nghe. Và tôi hy vọng bà sẽ không bao giờ phát hiện ra rằng tôi đã nghe thấy lời bà hôm đó, “Em sẽ không được làm mẹ nữa.” Ruột tôi đau như cắt khi nghe thấy thế.

Tôi không ngừng suy nghĩ về điều Mẹ nói hôm đó trong suốt buổi Hội Chẩn Ung Thư. Giọng Mẹ thảm thiết của vang vọng trong đầu tôi, như thể bà sẽ không bao giờ sống thanh thản nếu tôi mất đi. Và có lẽ là như thế thật.

Dù sao đi nữa, quyết định cuối cùng là vẫn tiếp tục liệu trình cũ và sẽ tiến hành hút dịch thường xuyên hơn. Cuối buổi hội chẩn, tôi khỏi liệu tôi có thể đi du lịch đến Amsterdam không. Bác sĩ Simons bật cười (chính xác thì ông ấy đã cười ha hả) khi nghe thấy điều đó. Nhưng Bác sĩ Maria đã lên tiếng:

“Sao lại không được chứ?”

Bác sĩ Simons hỏi vặn lại: “Chị còn hỏi sao lại không được hả?”

Bác sĩ Maria: “Ừ, tôi không thấy có lý do gì mà không đi được cả. Trên máy bay cũng có cung cấp ô-xy mà.”

Bác sĩ Simons: “Thế họ có kiểm tra máy thở BiPAP ngay cửa vào không?”

Bác sĩ Maria: “Có chứ, hoặc họ sẽ chuẩn bị sẵn một máy cho cô bé.”

Bác sĩ Simons trầm giọng: “Đưa bệnh nhân — một trong những ca ‘hợp’ với thuốc Phalanxifor đầy hứa hẹn — lên một chuyến bay không dưới tám tiếng đồng hồ mà không có các bác sĩ quen thuộc với ca bệnh của em này à? Đó là một quyết định liều mạng.”

Bác sĩ Maria nhún vai: “Kể cũng hơi rủi ro,” bà thừa nhận rồi quay sang tôi nói, “Nhưng đó là cuộc sống của em và tùy em quyết định.”

Tuy nhiên cũng không hẳn vậy. Trên đường lái xe về nhà, Ba, Mẹ đã đưa ra quyết định thay tôi: Tôi sẽ không đi Amsterdam trừ khi và chỉ khi nào có một thỏa thuận y học đảm bảo rằng tôi sẽ được an toàn.



Tối đó, anh Augustus gọi cho tôi sau giờ ăn. Lúc ấy tôi đã leo lên giường — dạo này cứ ăn tối xong là tôi đi ngủ — nằm giữa mọt đống gối to tướng và dĩ nhiên có Bluie bên cạnh, máy tính đặt trong lòng.

Tôi nhấc máy: “Có tin xấu đây!”

Anh: “Chết tiệt, chuyện gì vậy?”

“Tôi không thể đi Amsterdam. Một bác sĩ hội chẩn cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ.”

Anh im lặng trong một giây. “Chúa ơi! Đúng ra anh nên tự trả tiền cho chuyến đi này. Đúng ra anh cứ kéo em đi từ khu triển lãm Bộ Xương Tân Thời bay thẳng sang Amsterdam.”

‘Nhưng có lẽ sau đó là tôi bị đột tử vì thiếu ô-xy ở Amsterdam và thi thể của tôi sẽ được chuyển về nhà trong khoang chứa hàng của máy bay.”

“Ờ! Nhưng trước khi chuyện đó xảy ra, biết đâu cử chỉ lãng mạn vĩ đại của anh sẽ giúp anh ‘ngủ’ được với cô gái anh yêu.”

Tôi phá lên cười nắc nẻ, đến độ tôi cảm giác được chỗ đặt chiếc ống ở ngực hôm trước.

“Em cười vì đó là sự thật.”

Tôi cười một lần nữa.

“Đó là sự thật, phải không?”

“Có lẽ là không,” sau đó một lúc tôi nói thêm, “mặc dù chúng ta không biết chắc.”

Anh rền rĩ trong đau khổ. “Anh sẽ chết mà còn ‘gin’.”

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Anh còn ‘gin’ á?”

“Hazel Grace, em có giấy viết ở đó không?”

“Có”

“Okay. Vậy em hãy vẽ một vòng tròn.” Tôi ngoan ngoãn làm theo. “Giờ vẽ một vòng tròn nhỏ hơn trong đó.” Tôi hí hoáy vẽ tiếp như lời anh chỉ dẫn. “Vòng trong lớn hơn là hội những người còn ‘gin’. Còn vòng tròn nhỏ hơn là hội những anh chàng ‘mười bảy bẻ gãy sừng trâu’ chỉ còn một chân.”

Tôi lại được một tràn cười sảng khoái. Kế đó, tôi thừa nhận nếu đa phần các mối quan hệ xã hội phát sinh tại một bệnh viện nhi thì sẽ giảm được khả năng quan hệ tình dục bừa bãi. Tiếp theo chúng tôi chuyển sang bàn về lời bình luận sắc sảo đầy bất ngờ của Peter Van Houten về sự nhơ nhớp của thời gian. Và tuy rằng tôi đang nằm trên giường còn anh đang ở tầng hầm dưới nhà anh, một lần nữa tôi thực sự cảm thấy như chúng tôi đã quay trở lại không gian thứ ba vô hình của riêng hai đứa, và tôi thực sự thích như vậy.

Sau khi tôi cúp điện thoại, Ba Mẹ vào phòng tôi, tuy không đủ chỗ, nhưng cả hai vẫn leo lên nằm ở hai bên mép giường của tôi. Rồi cả nhà cùng xem Chương trình Siêu mẫu Mỹ trên chiếc ti-vi bé tẹo trong phòng. Cô gái mà tôi không ưa, Selena, đã bị loại khỏi cuộc thi và phần nào tôi tháy khoái chí trước sự ra đi này. Sau đó, Mẹ nối máy thở BiPAP và chụp mặt nạ thở lên mặt tôi; còn Ba âu yếm hôn lên trán tôi, hàm râu ông làm tôi nhột nhạt; rồi sau đó nhắm mắt lại.

Về cơ bản, máy thở BiPAP toàn quyền kiểm soát hơi thở tôi, khiến tôi cực kỳ bực bội. Bù lại, điều tuyệt vời nhất là máy phát ra một âm thanh phì phò, o o mỗi khi tôi hít vào, thở ra. Tôi cứ nghĩ giống như có một con rồng đang hít thở cùng lúc với tôi, như thể tôi có một con thú nuôi đang cuộn mình bên cạnh và quan tâm tôi đến độ canh sao cho hơi thở của nó cùng nhịp với tôi. Tôi đã lơ mơ nghĩ như thế khi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau tôi dậy muộn, lười biếng nằm xem ti-vi trên giường và kiểm tra email. Sau một lúc, tôi bắt tay vào thảo một email cho Peter Van Houten kể lể lí do lí trấu tại sao tôi không thể đến Amsterdam, và thể thốt bằng tính mệnh của Mẹ tôi rằng tôi sẽ không bao giờ chia sẽ bất kỳ thông tin nào về các nhân vật còn lại với bất kỳ ai, và rằng tôi cũng chẳng muốn chia sẻ nó bởi vì tôi là một người cực kỳ ích kỷ, và xin ông có thể nói cho tôi biết liệu Chú Tulip Hà Lan có thật lòng không, liệu mẹ của Anna có kết hôn với chú không, và về cả chú chuột hamster Sisyphus nữa.

Nhưng tôi đã không gửi email đó. Nó nghe thống thiết đến đáng khinh, ngay cả đối với tôi.

Khoảng ba giờ, khi tôi biết chắc rằng Augustus đã đi học về, tôi đi ra sân sau và gọi anh ấy. Khi điện thoại còn đang đổ chuông, tôi ngồi bệt xuống thảm cỏ mọc um tùm. Phía đằng xa, bộ đánh đu vẫn còn đó, cỏ mọc lún phún chỗ trũng đất mà ngày xưa tôi thường đạp chân để đu cao hơn. Tôi nhớ Ba đã mua bộ này từ cửa tiệm Toys “R” Us và hì hụi dựng nó ở sân sau với bác hàng xóm. Ông đã khăng khăng đòi thử nó trước để kiểm tra chất lượng và thế là suýt làm gãy nó.

Bầu trời xám xịt, vần vũ chuyển mưa nhưng vẫn chưa rơi giọt nào. Tôi tắt máy điện thoại chuyển sang hộp thư thoại của Augustus. Rồi cứ đặt bừa điện thoại xuống đất cạnh chỗ mình ngồi, tôi đưa mắt nhìn bộ đánh đu, ước gì tôi có thể đổi tất những ngày bệnh hoạn còn lại để lấy một vài ngày được khỏe mạnh. Tôi cố an ủi bản thân rằng khi đó có lẽ tình hình sẽ tệ hơn, rằng thế giới này không phải một công xưởng sản xuất điều ước nữa, rằng tôi đang sống chung với ung thư chứ không phải đang chết dần chết mòn vì bệnh đó, rằng tôi sẽ không để nó dễ dàng giày vò tâm trí tôi trước khi nó tước đi mạng sống của tôi. Sau đó tôi bắt đầu lẩm bẩm từ ngu ngốc ngu ngốc ngu ngốc ngu ngốc ngu ngốc ngu ngốc, lặp đi lặp lại cho đến khi âm thanh tôi phát ra không còn thể hiện rõ ý nghĩa của từ đó nữa. Tôi vẫn còn đang lẩm bẩm từ đó thì anh gọi lại cho tôi.

“Chào anh!”

“Hazel Grace.”

“Chào”, tôi nói một lần nữa.

“Hazel Grace, em đang khóc hả?”

“Chỉ sụt sùi tí thôi.”

“Sao vậy?”

“Vì tôi đang — tôi muốn đi Amsterdam, và tôi muốn ông ấy kể cho tôi nghe những gì xảy ra sau khi cuốn sách kết thúc. Và tôi đặc biệt không muốn sống cuộc sống bệnh hoạn này nữa. Và bầu trời u ám này cũng khiến tôi chán nản. Và giờ trước mặt tôi là bộ đánh đu mà Ba đã làm cho chơi hồi tôi còn nhỏ xíu.”

“Anh phải xem tận mắt cái bộ đánh đu cũ rích đã khiến em rơi nước mắt mới được. Anh sẽ ghé qua trong vòng hai mươi phút.”

Tôi ngồi lại ở sân sau vì tôi không muốn Mẹ lo lắng. Mẹ luôn luôn quan tâm thái quá và thực sự khiến tôi ngột ngạt mỗi khi tôi khóc, vì tôi không phải kiểu con gái mít ướt. Và bà sẽ nghiêm túc muốn ngồi xuống nói chuyện và thảo luận xem tôi có nên điều chỉnh lượng thuốc hay không. Chỉ nghĩ đến nội dung cuộc nói chuyện thôi cũng khiến tôi muốn nôn ọc.

Không phải là tôi đã có một ký ức đẹp, đang để khắc cốt ghi tâm về một người cha khỏe mạnh đang đẩy chiếc đu cho một bé giá mạnh khỏe và đứa con gái cứ phấn khích kêu cao hơn cao hơn hay những khoảnh khắc rung động nào khác. Bộ đánh đu vẫn hiện diện ở đằng xa, hoang phế, hai dây đu nhỏ treo im lìm và buồn bã trên một tấm gỗ xám xịt dùng làm ghế da. Cả bộ đánh đu mang hình ảnh một nụ cười nguệch ngoạc do con nít vẽ.

Tôi nghe tiếng cửa trượt mở phía sau lưng. Tôi quay lại và thấy Augustus, hôm nay anh mặc quần kaki và áo kẻ sọc ngắn tay cài nút. Tôi quệt tay áo lau nước mắt và mỉm cười. “Chào anh!”

Mất một giây để anh ngồi phệt xuống cạnh tôi, và mặt anh nhăn nhó khi anh đặt mông đánh ịch xuống nền đất. “Chào em!” cuối cùng anh cất tiếng. Tôi nhìn anh. Anh nhìn qua vai tôi ra phía đằng xa. “Anh hiểu sao em khóc rồi,” anh nói khi vòng tay qua vai tôi. “Đó là một chiếc đu buồn hắt buồn hiu.”

Tôi tựa đầu vào vai ạnh. “Cảm ơn anh đã ghé qua.”

“Em thấy chưa, em có cố gắng giữ khoảng cách với anh cũng sẽ không làm giảm bớt tình cảm của anh đối với em đâu.”

“Có lẽ vậy.”

“Mọi nỗ lực cứu anh thoát khỏi em đều sẽ thất bại thôi.”

“Tại sao? Tại sao anh lại thích em? Bộ anh chưa thấy đủ phiền toái sao?” Tôi hỏi mà trong đầu cứ nghĩ đến chị Caroline Mathers.

Gus không trả lời. Anh chỉ giữ chặt vai tôi, các ngón tay anh siết chặt cánh tay trái tôi. “Chúng ta phải giải quyết bộ đánh đu chết bầm này thôi! Anh cam đoan đây là chín mươi phần trăm vấn đề của em đó.”

Khi tôi đã trấn tĩnh trở lại, chúng tôi đi vào trong và ngồi xuống cạnh nhau trên ghế xô-pha, chiếc laptop đặt một nửa trên chân (giả) của anh và một nửa trên chân tôi. “Nóng quá!” tôi nhận xét về đế chiếc laptop. Anh cười lém lỉnh, “Mới ngồi kế anh mà đã ‘nóng’ rồi hả?”

Gus đăng nhập trang bán rẻ gọi là Free No Catch và hai đứa cùng viết một mẩu quảng cáo. Ạnh hỏi:

“Ghi tựa sao đây?”

“Chiếc Đu Cần Tìm Nơi Lưu Trú.”

“Chiếc Đu Cô Đơn Lẻ Bóng Cần Tìm Mái Ấm Nương Thân.”

“Chiếc Đu Cô Đơn Hơi-Bị-Mê-Con-Nít Đang Tìm Mông Trẻ Em.”

Anh phá ra cười. “Thấy chưa?”

“Thấy gì?”

“Đó là lí do tại sao anh thích em. Em có biết hiếm hoi lắm mới có duyên gặp gỡ một cô nàng vừa xinh đẹp vừa có biệt tài tạo ra tính từ như mê con nít không? Em quá bận rộn là chính em nên em không hề biết mình độc đáo vô đối thế nào đâu.”

Tôi hít một hơi thật sâu bằng mũi. Chưa bao giờ thế giới này đủ không khí cho tôi hít thở, nhưng lúc này đây càng đặc biệt thiết hụt nghiêm trọng.

Chúng tôi cùng viết quảng cáo, cùng chỉnh từng lời từng chữ cho đến khi hoàn toàn hài lòng với phiên bản sau:

Chiếc Đu Cô Đơn Lẻ Bóng Cần Tìm Mái Ấm Nương Thân

Một bộ đánh đu, tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn chắc chắn, đang tìm mái ấm mới. Hãy tạo dựng kỷ niệm đẹp với con (cái) của bạn, để một ngày nào đó chúng nhìn vào chiếc đu ở sân sau và có cảm giác đau nhói ở tim như tình cảnh tuyệt vọng của tôi chiều nay. Cảm giác đó có thể mỏng manh và thoáng qua, thưa quý độc giả kính mến. Nhưng cùng với chiếc đu này, con (cái) của bạn sẽ làm quen với những thăng - trầm của kiếp người một cách nhẹ nhàng mà an toàn, hay cũng có thể rút ra bài học quan trọng nhất: Dù có đẩy mạnh thế nào, đu cao ra sao, cũng không thể đu trọn một vòng ba trăm sáu mươi độ.

Bộ đu hiện đang cư trú gần số 83 và Spring Mill.

Sau đó, chúng tôi bật ti-vi để xem một chốc. Nhưng vì không tìm thấy chương trình nào hay nên tôi chạy vào chộp lấy cuốn Nỗi đau tột cùng trên chiếc bàn kê cạnh giường ngủ và mang nó ra phòng khách. Augustus Waters đọc cho tôi nghe trong khi Mẹ cũng vừa chuẩn bị bữa trưa vừa lắng nghe.

“Con mắt giả của Mẹ thụt vào trong,” Augustus bắt đầu đọc. Khi anh đọc, tôi thấy mình đang đắm chìm trong tình yêu của anh như cách ta chìm vào giấc ngủ: từ từ không vội vã và đột nhiên say sưa từ lúc nào không hay.

Khi kiểm tra email một giờ sau đó, tôi thấy có khá nhiều người muốn nhận bộ đánh đu, tha hồ cho chúng tôi chọn lọc. Cuối cùng, chúng tôi chọn được một người tên là Daniel Alvarez, vì ông ấy đã đính kèm hình chụp ba nhóc tì ở nhà đang chụm đầu chơi điện tử, và ở dòng tiêu đề như ông ghi: Tôi chỉ muốn chúng được chơi đùa ngoài trời. Tôi gửi email trả lời ông rằng khi nào rảnh cứ đến lấy nó.

Augustus hỏi tôi có muốn đi với anh đến Hội Tương Trợ không, nhưng tôi thực sự mệt sau một ngày đứ đừ Mang Căn Bệnh Ung Thư Trong Người nên quyết định ở nhà. Đang ngồi trên ghế xô-pha cùng tôi thì anh đẩy người đứng dậy định đi. Rồi anh chợt ngồi xuống lại và bất ngờ hôn trộm lên má tôi.

“Augustus!” tôi kêu lên.

“Tình thương mến thương thôi mà!” anh nói. Xong anh lại đẩy mình đứng lên và lần này anh bước hai bước về phía Mẹ và chào, “Cháu luôn thấy vui vẻ khi gặp bác ạ,” Mẹ dang hai tay ra ôm anh. Augustus cúi xuống hôn lên má bà và quay sang hỏi tôi: “Em thấy chưa?”

Tôi đi ngủ ngay sau khi ăn tối và máy thỏ BiPAP tách tôi ra khỏi thế giới bên ngoài căn phòng.

Từ đó, tôi không bao giờ nhìn thấy chiếc đu nữa.

Tôi ngủ một giấc thật lâu, mười tiếng đồng hồ. Có thể do bệnh tình chậm hồi phục và ngủ nghê giúp chữa lành ưng thư, cũng có thể tôi là cô gái tuổi trăng tròn không có thời gian thức giấc cụ thể. Tôi cũng chưa khỏe hẳn để đi học lại ở trường MCC. Khi tôi cảm thấy đã tỉnh ngủ, tôi tháo mặt nạ thở của máy BiPAP ra khỏi mũi, thay bằng đầu phun ô-xy đặt ở lỗ mũ. Tiếp theo tôi lôi laptop từ dưới gầm giường ra, chỗ tôi cất nó hồi đêm trước.

Tôi nhận được một email từ chị Lidewij Vliegenthart gửi.

Em Hazel thân mến,

Chị đã nhận được thông tin qua các vị thần Genie là em sẽ sang thăm chúng tôi từ ngày 4 tháng Năm này, cùng với Augustus Waters và mẹ em. Chỉ có một tuần ngắn ngủi thôi! Chú Peter và chị rất vui mừng và mong đến ngày được gặp em. Khách sạn Filosoof nơi em ở chỉ cách nhà chú Peter một con đường à. Nhưng có lẽ nên để em nghỉ ngơi một ngày để bớt say máy bay chứ, đúng không nào? Nên nếu không có gì bất tiện thì chúng ta sẽ gặp nhau tại nhà của chú Peter vào sáng ngày 5 tháng Năm, khoảng mười giờ, cùng dùng cà phê và để chú Peter trả lời các câu hỏi em muốn biết về cuốn sách nhé. Sau đó chúng ta có thể đi tham quan bảo tàng hay Nhà lưu niệm Anne Frank?

Chúc em những điều tốt đẹp nhất,

Lidewij Vliegenthart

Trợ lý Điều hành ở Ô.Peter Van Houten, tác giả cuốn Nỗi đau tột cùng



“Mẹ ơi,” tôi gọi. Bà không trả lời. “MẸ ƠI!” tôi la lên. Không có động tĩnh gì. Tôi gào lên làn nữa, to hơn, “MẸ Ơi!”

Mẹ tôi chạy vào, trên người quấn một chiếc khăn màu hồng mòn xơ cả chỉ, nước vẫn đang nhỏ tong tong thành giọt. Giọng bà hơi hoàng hốt, “Có chuyện gì vậy con?”

“Không có gì ạ. Con xin lỗi, con không biết là Mẹ đang trong phòng tắm,” tôi ấp úng nói.

“Mẹ đang tắm, Mẹ chỉ... ” bà nhắm mắt lại, thở hắt ra. “Chỉ mới tắm có năm giây thôi. Mà thôi, chuyện gì vậy con?”

“Mẹ có thể gọi các vị thần Genie và nói cho họ biết chuyến đi đã bị hủy không? Con vừa nhận một email từ trợ lý của Peter Van Houten và chị ấy nghĩ rằng chúng ra sắp sang đó.”

Bà mím môi và liếc qua tôi. Tôi hỏi:

“Sao ạ?”

“Mẹ không được nói con biết cho đến khi Ba về đến nhà.”

“Sao ạ?” Tôi vẫn ngoan cố hỏi.

Cuối cùng Mẹ nói: “Chúng ta vẫn đi. Đêm qua Bác sĩ Maria gọi đến và cố gắng thuyết phục rằng con cần được sống theo—”

“MẸ, CON YÊU MẸ NHẤT TRẦN ĐỜI!” Tôi sung sướng hét vang. Mẹ bước đến gần giường để tôi có thể vòng tay ôm bà.

Sau đó, tôi nhắn tin cho Augustus vì tôi biết anh còn đang học:

Vẫn rảnh vào ngày ba tháng Năm chứ? :-)

Anh nhắn lại ngay lập tức.

Waters đang chuẩn bị mọi thứ cho ngày đó.

Nếu tôi có thể sống thêm một tuần, tôi muốn biết những bí mật bất thành văn về mẹ của Anna và Chú Tulip Hà Lan. Tôi nhìn xuống ngực áo mình.

“Chúng mày ráng ngoan nhé!” Tôi thì thầm với hai lá phổi của mình.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK