• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sao càng lúc càng thưa và cuối cùng cũng tan mất.

Phía trời đông đã lố vừng hồng.

Bây giờ, một ngày mới thật trôi qua.

Thư Hương chợt cảm thấy mình lớn hẳn hơn nhiều.

Bất luận nàng làm những gì trong một ngày nay, dầu sai, dầu đúng, nàng cũng đã ý thức, đã chiêm nghiệm khá sâu về kiếp sống của con người...

Cho dầu nàng có làm sai, cũng đáng được tha thứ, vì những việc làm đó vốn không phải nàng đã cố tâm.

Sống trong một ngày đầy bão tố và quả thật, sống như thế là không uổng phí.

Quả thật nàng đã trưởng thành.

Sự hiểu biết của nàng bây giờ quả không phải là sự hiểu biết của đứa con nít nữa.

Nàng cảm thấy rằng sống suốt mười tám năm trên đời, nhưng cho đến ngày hôm nay, nàng mới thật sự là hiện diện.

Trong suốt ngày nay, thỉnh thoảng, tuy không rõ ràng lắm, nhưng sự ân hận về hành động bỏ nhà ra đi, có lất phất trong trí của nàng khi gặp cảnh quá phũ phàng, quá khốn khổ, thế nhưng bây giờ lại cảm thấy là xứng đáng.

Bất luận là hoan lạc hay thống khổ, nàng cũng đều cảm nhận, không tiếp nhận không được, không tiếp nhận là uổng phí.

* * * * *

Vừng hồng từ phương đông mỗi lúc đậm thêm.

Cảnh vật chung quanh mỗi lúc mỗi rõ lần.

Đôi mắt của Thư Hương nghe nặng trĩu, nàng cố gắng nhướng lên, nhưng nó cứ chầm chậm khép lại.

Nàng đã mệt nhọc quá rồi, quá mệt mỏi rồi.

Thế nhưng nàng biết tuyệt đối không thể ngủ ở đây, nàng vẫn cố đi.

Trong cái nặng nhọc mơ hồ đó, nàng nghe văng vẳng như có tiếng kêu :

- Tiểu thơ... Đào tiểu thơ...

Không biết ai đang gọi?

Thư Hương mơ hồ thanh âm có vẻ quen quen...

Nàng mở mắt ra, tiếng gọi gần hơn.

Nàng đứng dậy dòm ra. Có người sắp hàng ngang đi tới.

Thiết Thủ, Lý Da Vàng, Triệu Dẫn Mối, và Trần Đại Bịp.

Nhìn thấy năm con người đó, lửa giận Thư Hương bùng lên.

Thật là đồ khốn nạn.

Tại làm sao nàng phải đến hoàn cảnh như thế này? Tại làm sao nàng lại phải chịu bầm dập suốt một ngày nay?

Vậy mà chúng lại còn tìm nữa, chẳng lẽ chúng thấy làm như vậy chưa đủ? Vẫn còn muốn lừa thêm?

Thư Hương nhảy ra khỏi hang, nàng chống nạnh tay trừng mắt.

Nàng có thể vẫn còn sợ Vương đại nương, sợ Lưu tiên sinh, thế nhưng đối với những tên lừa đảo này thì nàng chẳng coi vào đâu cả.

Có lẽ nàng không hề nghĩ đến sức lực, nàng chỉ nghì nhiều về thủ đoạn, và đối với bọn này, bây giờ nàng cảm thấy chúng quá trẻ con.

Ngày hôm qua, hành động của chúng, thủ đoạn của chúng, đối với nàng có thể là lợi hại, là tinh tế, nhưng ngày hôm nay thì khác, nàng nhớ lại tất cả từng ly từng tý, nàng thấy quả đúng là một trò hề.

Nàng không chạy, nàng đứng chống nạnh cười gằn :

- Sao? Các ngươi đến đây để làm gì?

Trần Đại Bịp cười có vẻ tự nhiên :

- Chúng tôi đến tìm Đào tiểu thơ.

Thư Hương cười lạt :

- Các ngươi mà còn dám đến đây thì quả cũng khá lớn gan.

Nhưng vừa thấy hắn thản nhiên, hắn bỗng quỳ thụp xuống mặt mày xanh lét, hắn nói :

- Chúng con không biết tiểu thơ nên phạm lỗi, vạn vọng tiểu thơ thứ tội cho.

Hắn quỳ xuống thì bốn tên kia cũng lật đật quỳ theo.

Chẳng những quỳ lại van xin, mà mắt chúng cũng đã lờ đờ, ươn ướt, quả thật chúng đã biết tội rồi.

Triệu Dẫn Mối đặt một cái gói trước mặt, hắn nói :

- Dạ thưa, đây là đồ trang sức của tiểu thơ...

Hắn lấy ra một gói nữa, lớn hơn :

- Và đây là bảy trăm lượng bạc, vạn vọng tiểu thơ bỏ qua tội trước, vui lòng thu lại, chúng con cảm kích muôn đời.

Chúng phục xuống một lượt, lạy dài.

À, thì ra con người dầu khốn nạn đến đâu, dầu gian xảo đến đâu, có lúc rồi lương tâm cũng một lần lóe dậy.

Đám này coi như đã... ngoài vòng pháp luật, thế mà chúng vẫn tìm đến để van xin.

Thư Hương chợt thấy hơi khó chịu...

Hơi khó chịu, nhưng vẫn có chút đắc ý, nàng hất mặt :

- Các ngươi đã biết như thế là lỗi lầm à?

Năm tên ngẩng mặt cười mơn và tranh nhau nói :

- Dạ dạ... chúng con biết tội... chúng con đáng chết...

Thư Hương bỗng nghe lòng mình mềm lại, nàng định bảo chúng đứng lên, vì dầu sao năm con người như thế mà quỳ lạy trước mặt nàng thì thật khó coi.

Nhưng nàng chưa kịp nói và tiếng “chết” sau cùng trong câu nói của chúng mới vừa thoát ra khỏi miệng, thì Thư Hương hoảng hốt.

Nàng chợt thấy sao da mặt chúng vùng thay đổi, chúng vẫn còn cười nghĩa là miệng chúng chưa khép lại, nhưng sao nàng cảm thấy cái cười thật kỳ lạ.

Nụ cười không còn linh động của con người nữa, mà trái lại, cứng đơ như nụ cười trên môi tượng đá...

Thư Hương chưa hiểu được sự biến đổi lạ lùng ấy thì nàng lại thấy thêm chuyện lạ.

Cả năm tên vẫn còn quỳ, nhưng trên trán chúng bỗng có một cái lỗ sâu hun hút...

Sự việc xảy ra theo con mắt lướt nhanh của Thư Hương, cho nên từ cái biến thái về nụ cười của chúng, đến khi thấy mấy cái lỗ hun hút trên năm cái trán của chúng gần như cùng một lúc, những chuyện đó đập vào mắt Thư Hương thật nhanh, có trước có sau, nhưng vì quá nhanh nên tưởng chừng như nàng phát hiện mọi việc cùng một lượt...

Và đáng lý ra cái lỗ phải hiện trước trên trán chúng, rồi nụ cười mới theo đó mà cứng lại, nhưng vì đôi mắt của Thư Hương đang theo dõi lời lẽ của chúng nên nàng thấy nụ cười trước rồi kế đến là... cái lỗ...

Bây giờ thì chất nước trong năm cái lỗ trên trán năm người mới trào ra, máu pha lẫn với chất trăng trắng sền sệt.

Khi chất nước đó trào ra thì năm thây người ngã xuống.

Không một tiếng kêu, không một cái giãy giụa, họ chết thật ngon. Có lẽ họ không hề có cảm giác đau đớn gì cả.

Họ ngã xuống, họ đã tắt thở, nhưng nụ cười trên môi của họ vẫn chưa tắt kịp, và bây giờ, trong vào sắc mặt, trông vào nụ cười cứng ngắt đó, năm bộ mặt của họ bỗng giống như ác quỷ...

Thư Hương nhăn mặt.

Nhăn mặt vẫn còn chưa đủ bớt được cái kinh hoàng, nàng lại rùng mình.

Ai giết họ?

Và giết bằng khí giới gì?

Nhưng không cần phải tìm tòi lâu, Thư Hương bỗng nhớ cái chết của Mai thư, chết bởi thứ ám khí dữ dằn, bởi thủ pháp quá nhanh của...

Nàng lại rùng mình và quay phắt lại.

Lưu tiên sinh.

Phía sau không có người, một nhánh của cây bạch dương đong đưa trong gió.

Thư Hương quay trở lại, Lưu tiên sinh đang đứng phía sau năm xác chết.

Hắn sừng sững, màu áo xám nghệt của hắn giống như tang phục.

Mặt hắn lạnh băng bang, hai mắt hắn trơ trơ, hắn đứng thật thẳng, bất động.

Thư Hương có cảm tưởng như có thêm một xác chết nữa, năm xác nằm, một xác đứng.

Không có một cái gì trên thân hắn biểu lộ rằng đó là một thân người sống động, cây bạch dương phía sau còn lất phất đong đưa theo gió núi, còn hắn thì không, hắn như một thân cây trơ cành trụi lá.

Y như khi chưa có cây cỏ mọc ở vùng này thì hắn đã có rồi.

Hồn phách của Thư Hương bây giờ mới đáng nói là tiêu mất, nàng lạc giọng :

- Ngươi... ngươi đến đây làm gì?

Thật là một câu hỏi của con người đã mất hồn.

Lưu tiên sinh đáp :

- Tại hạ đến để hỏi thăm cô một chuyện.

Thư Hương hét lên :

- Chuyện gì?

Lưu tiên sinh... từ từ :

- Bao giờ thì cô mới lấy tôi?

Những câu hỏi giống nhau, nhưng những câu trả lời cũng giống nhau.

Hơi hám giọng điệu cũng gần như y hệch.

Thư Hương thật cũng không hiểu tại sao mình lại có thể nói ra những câu hỏi ngu xuẩn như thế ấy?

Nàng hỏi một cách vô ý thức, bởi vì quả thật là nàng đang thất thần, đang cẳng thẳng đến mức không còn khống chế được.

Lưu tiên sinh nói :

- Năm tên này do ta bảo chúng tới tìm cô để chịu tội...

Thư Hương đờ đẫn gật đầu :

- Tôi biết... tôi biết...

Lưu tiên sinh hỏi :

- Đồ vật chúng đã hoàn trả, tại làm sao cô không cầm lấy?

Thư Hương lại cũng gật đầu :

- Tôi không cần, tôi không lấy gì cả...

Nàng gật đầu nhưng miệng cứ nói không lấy, không cần, rõ ràng cử chỉ lời lẽ của nàng không có một ý thức rõ ràng...

Lưu tiên sinh vẫn từ từ :

- Cô không lấy, tôi lấy...

Hắn cúi xuống cầm lên tay và nói tiếp :

- Cái này thì cũng kể như một phần trong của hồi môn.

Thư Hương nhảy dựng lên :

- Ngươi cần cái gì ta cũng đều cho ngươi hết, ta còn nhiều lắm, thật nhiều, ta sẽ cho ngươi hết, chỉ cần ngươi đừng buộc ta phải... ưng ngươi.

Lưu tiên sinh thản nhiên :

- Đâu có ai buộc ai, đó là do cô tự nguyện. Chính miệng cô thốt ra lời hứa bằng lòng.

Thư Hương khựng lại, bất giác nàng ngẩng mặt lên nhìn hắn...

Nàng chưa từng nhìn thẳng vào hắn bao giờ.

Nhưng, không nhìn thì còn đỡ, nhìn rồi mới thấy thật là ớn lạnh...

Y như giữa mùa đông, bị quăng xuống dòng sông băng giá, toàn thân nàng lẩy bẩy, tê cóng...

Mặt hắn không phải mặt người... sống. Mắt hắn trơ, da mặt hắn tét chằng, trắng nhợt, so với năm bộ mặt máu chảy đầm đìa mà môi vẫn còn cười dướt đất, vẫn ít ghê hơn bộ mặt của hắn, vì bộ mặt hắn cũng là bộ mặt chết, nhưng là thứ mặt chết biết nói chuyện.

Thư Hương ré lên :

- Ta không có bằng lòng... ta không có hứa...

Vừa la nàng vừa đâm đầu bỏ chạy...

Mới lúc này đây, nàng tưởng chừng như không thể nào nhấc chân chớ đừng nói đến việc chạy, thế nhưng bây giờ thì nàng chạy được, chẳng những chạy được mà còn lại chạy mau, chỉ một hơi, đã chạy thật xa.

Đằng sau, gió cuốn ù ù...

Nàng len lén quay đầu nhìn lại.

Gió đang thổi mạnh, không có bóng người.

Lưu tiên sinh lần này vẫn không có đuổi theo.

Hình như hắn không vội đuổi, giống y như một con kiến bò quanh miệng chén, nó cố bò nhanh, nhưng thật sự thì không ra khỏi chén...

Hình như Lưu tiên sinh coi Thư Hương như con kiếng và bàn tay hắn là miệng chén.

Nhưng bất luận có đuổi theo hay không, bất luận hắn ở tại đâu, hình ảnh của hắn cũng cứ như quấn chặt bên nàng, nàng vẫn chạy...

Chạy thật nhanh, thật xa...

Nhưng sức người vẫn là sức người, nhất là một người con gái, người con gái đã mấy lần kiệt sức.

Vì thế, nàng không thể chạy đúng theo ý muốn, nàng phải ngã.

Lần này thì nàng ngã dựa bên đường.

* * * * *

Nắng sớm luôn luôn là dịu.

Cho dầu đó là ngày mùa hạ, nắng sớm vẫn không làm cho người ta đổ mồ hôi.

Sương mù nặng sà mặt đất, bây giờ gặp nắng từ từ nhóng lên, tan ra, bầu trời bắt đầu trong sáng.

Sương vừa tan, nắng vừa lên là người ta thường khởi hành vào lúc đó, nhất là những kẻ cần phải đi xa.

Vượt đường trường trong buổi sáng làm cho con người khỏe khoắn, dễ dàng thu ngắn khoảng đường dài, nhất là những kẻ dong xe, đi vào buổi sáng, người khỏe mà ngựa lại không bị hóc.

Đây là một con đường rộng, con đường trong buổi sáng thường hay có xe, khi cơ thể của Thư Hương lần lần hồi phục, khi tinh thần nàng bắt đầu rắn ra là nàng nghe thấy tiếng xe khua.

Văng vẳng xa xa rồi lại gần gần, cuối cùng nàng nghe thật rõ, tiếng bánh xe, vó ngựa và lại có tiếng hát rì rì nho nhỏ...

Thư Hương chỏi tay ngồi phắt dậy, nàng thấy một cỗ xe.

Giống hệt như nhau, cỗ xe nhỏ và cũ kỹ, con ngựa ốm tong, và người đánh xe là một lão già.

Không hiểu sao, Thư Hương bỗng thấy những cái gì mỏng manh yếu ớt lại dễ dựa hơn.

Cỗ xe cũ kỹ, con ngựa ốm nhom, nhưng tất cả thể hiện một cái gì lương thiện, hiền lành, nhất là lão già đối với một cô gái, lão già dễ dựa hơn một gã thanh niên.

Lão già tóc đã bạc phơ, vóc dáng lão cũng như cỗ xe, con ngựa, toàn thân lão chỉ còn xương xẩu.

Ba thứ đó, cỗ xe, con ngựa và lão già hợp nhau lại tạo thành một không khí yên lành, tin tưởng, và Thư Hương chợt nghe yên lòng hết sức.

Nàng vẫy, nàng ngoắt, nàng kêu :

- Lão gia, lão bá trượng... xin rộng lòng cho đi xe nhờ một đỗi... lão trượng...

Lão già ghì cương ngựa, bánh xe ngừng lăn.

Lão hấp háy đôi mắt kèm nhèm :

- Chẳng hay cô nương đi về đâu?

Câu hỏi của lão già làm Thư Hương lựng khựng.

Đi đâu?

Hay là về nhà?

Nàng nhìn xuống thân hình mình và khẽ lắc đầu.

Như thế này mà đi về sao? Cho dầu cha mình không mắng nhiếc thì thiên hạ cũng cười thúi mặt.

Không, tới đâu là tới, khi đi, nghĩ rằng ngày về sẽ huy hoàng, sẽ làm cho mọi người thán phục, làm cho cha nàng phải gật gù tán thưởng, chớ đâu phải đi về như con mèo ướt như thế này?

Nghĩ đến chuyện đó là nàng vụt nhớ đến Đào Liễu.

Thường ngày nàng hay cú đầu “con nhỏ”, cái gì “con nhỏ” cũng không biết, cái gì cũng phải do “người lớn” của nàng sắp xếp, nhưng bây giờ thì nàng bỗng thấy ngược lại, nàng thấy Đào Liễu hơn nàng, tuy vẫn là “con nhỏ” nhưng bản sự lớn hơn, sự hiểu biết nhiều hơn.

Giá như nó được đóng vai cô chủ, nhất định nó sẽ không khốn đốn đến như nàng.

Thế nhưng bây giờ không biết nó ở đâu?

Hay là mình đi tìm nó?

Nhưng biết đi đâu mà tìm? Có thể nó đã đến Giang Nam không?

Không biết Đào Liễu ở đâu, không muốn về nhà thì chỉ có việc đến Giang Nam chớ còn đi đâu nữa?

Càng nghĩ, chưa đầy hai ngày mà thân thể như vầy, bây giờ trong túi trống trơn, bằng vào lưng không mình rách như thế thì sẽ đi đến đâu được nữa?

Bất giác, Thư Hương để mặc hai hàng nước mắt chảy dài...

Lão già nhìn nàng ái ngại :

- Có phải cô nương đã bị cướp dọc đường chăng?

Thư Hương im lặng gật đầu.

Thật ra thì những kẻ mà nàng đã gặp, so với cướp còn dữ hơn gấp trăm lần.

Lão già lắc đầu và thở dài sườn sượt :

- Một người con gái đáng lý không nên đơn thân độc mã, không nên đi một mình như thế, năm nay cũng sanh trộm cướp quá nhiều, chỗ nào cũng có người không tốt...

Ông ta chậc lưỡi :

- Thôi được rồi, dầu gì thì lão cũng phải cố đưa cô nương về cho tới nhà, chớ biết sao bây giờ.

Thư Hương cúi mặt :

- Nhà của tôi xa lắm...

Lão già hỏi :

- Xa lắm mà xa đến tận đâu?

Thư Hương nói :

- Ở tận Giang Nam.

Lão già sửng sốt :

- Giang Nam? Trời đất, vậy thì làm sao?

Thư Hương chớp mắt :

- Chẳng hay lão trượng về đâu?

Cái miệng nhăn nhúm của lào già bỗng rắn lại, lão cười :

- Có một người bà con, hôm nay có thết tiệc cưới, hôm nay lão bận đi ăn cưới, thành ra không rước khách.

Thư Hương trầm ngâm :

- Thôi như thế này, lão trượng cứ cho tôi ngồi xe đi một đoạn đường rồi sẽ tính, bao giờ lão trượng rẽ vào nhà ăn cưới thì tôi xuống vậy.

Bây giờ thì nàng không thể nào quyết định, cứ tạm rời khỏi nơi này trước đã, càng xa càng tốt rồi thì tới đâu hay tới đó.

Suy nghĩ một hồi, lão già nói bằng một giọng nhiệt thành :

- Được rồi, cứ như thế đi, cô nương đã là người lâm nạn dọc đường, tiền xe lão không bao giờ tính. Khi chia tay lão còn sẽ cho cô nương chút ít gọi là “hoạn nạn tương cứu” với nhau mà.

Thư Hương cảm kích nói không ra tiếng...

Bây giờ thì nàng nghiệm thêm một việc.

Ở đời có người xấu thì phải có người tốt, không phải nơi đây người nào cũng xấu hết đâu.

Có người vẫn còn chỗ đáng tin, nhất là người tốt thì nhất định sẽ phải gặp được người tốt.

* * * * *

Cỗ xe lắc lư, lộc xọc, con ngựa tuy ốm nhưng xe ít người, nhất là buổi sớm còn khỏe, nó chạy cũng khá mau.

Cỗ xe đi đã khá xa rồi.

Lão già dựa ngửa vào thành xe, tay roi của ông ta thật lơi, hình như con ngựa cũng đã quen tánh chủ, không cần phải vung roi, nó cũng vẫn chạy như thường.

Thật ra thì cho dầu có vung roi, cho dầu có la hét, sức của con vật ốm tong đó cũng chỉ đến mức đó thôi.

Lão già rất thong dong, chân lão nhịp nhẹ xuống thùng xe, miệng lão hát nho nhỏ, trầm trầm...

Trong cái mơ hồ mệt mỏi, Thư Hương ngủ thật dễ dàng.

Trong cái mơ mơ màng màng đó, nàng mộng thấy lúc nàng còn nhỏ, chị vú đặt nàng trong nôi, chiếc nôi dịu dàng đưa, kẽo cà kẽo kẹt, nàng đã từng nằm trong đó với những giấc ngủ thật ngon...

Những giấc ngủ êm đềm thích thú...

Nhưng rất tiếc, bây giờ những cái êm đềm thích thú đó chỉ là mộng, mà đã là mộng thì có lúc rồi phải tỉnh.

Nàng tỉnh dậy trong tiếng pháo nổ giòn.

Nàng ngồi lên thì mới hay rằng cỗ xe đã dừng lại, không biết đã bao lâu.

Lão già đánh xe đứng dòm nàng, khi thấy nàng mở mắt ngồi lên, lão cười :

- Nhà bà con của lão đã tới rồi, xin mời cô nương xuống xe.

Thư Hương nhảy xuống xe dụi mắt nhìn quanh.

Trong vòng rào là một gian nhà gạch, không lớn lắm nhưng rất khang trang.

Phía trước là sân lúa, khá lớn, trước nữa, ruộng lúa mênh mông.

Như vậy đây là một nông thôn.

Mấy con gà trong sân lúa hãy còn ngóng cổ lên dáo dát, mõ chúng khép mở tung túc, chứng tỏ chúng hãy còn ngơ ngác bàng hoàng vì loạt pháo mới nổ vang.

Trong nhà, ngoài rạp, chỗ nào cũng đỏ rực giấy “hồng đơn”, những câu liễn đối thuộc về hôn lễ, những cành hoa đỏ ối, những bòng bong, lá dừa bó cột tùm lum.

Trong nhà, người không đông lắm, nhưng cũng khá chộn rộn, người nào cũng tra vào bộ quần áo mới, cũng có thể đó là bộ đồ quanh năm không bao giờ đụng tới, họ chỉ giành cho những buổi tiệc hội hè, vì thế nên đấu xếp đã biến thành những chiếc áo ô vuông.

Thư Hương bỗng nghe mũi mình hơi cay cay, nàng chợt thấy mỗi con người ở đây thật là thanh thản, vui thú, họ có vẻ mộc mạc nhưng yên lành.

Chắc chắn là cô dâu hôm nay phải là tươi như hoa nở.

Thư Hương chợt thở ra.

Không biết bao giờ thì nàng được đắm mình trong cái êm đềm sung sướng ấy?

Nàng cắn môi cúi mặt, nàng nói với lão đánh xe :

- Đa tạ lão trượng, không dám làm phiền chi thêm nữa, lão trượng đã đưa giùm một đoạn đường, tôi thật vô cùng cảm kích.

Giọng nói của nàng chợt như nghẹn ngang.

Y như giữa đất lạ quê người phải chia tay với một người thân thích...

Lão già đánh xe cũng buồn buồn, lão hỏi :

- Bây giờ... cô nương định đi đâu?

Thư Hương cúi mặt thấp hơn :

- Tôi có... chỗ đi. Xin lão trượng đừng lo ngại.

Lão già đánh xe chậc lưỡi lắc đầu :

- Tôi thấy như thế này, nếu cô nương không gấp lắm thì ở lại đây cùng với lão vào nhà uống chén rượu mừng...

Không chờ Thư Hương có thái độ, lão nói tiếp luôn :

- Bọn nhà quê chúng tôi tuy mộc mạc nhưng rất chân thành, huống chi, nếu may ra, sau khi tan tiệc có người thuê xe trên đường mà cô nương định đi qua, lão sẽ chừa cho cô nương một chỗ.

Thư Hương chưa kịp đáp thì có tiếng người lên tiếng :

- Đúng rồi, cô nương đã đến đây mà không dùng với chúng tôi chén rượu mừng thì bở bụng chúng tôi rồi đó.

Bây giờ thì trong nhà đã có nhiều người ra, có tiếng cười cười, và giọng nói... nông dân đặc sệt :

- Đang lúc chúng tôi ở chỗ đất rộng người thưa, sợ tiệc mừng ít khách, xin thỉnh cô nương, xin thỉnh cô nương...

Tiếng quần áo mới khua lào xào, một người phiếu phụ từ trong đon đả chạy ra kéo tay áo Thư Hương :

- Không mấy thuở nhà có tiệc mà cô nương lại đến đây, vô đi, vô chia vui với chúng tôi mà...

Bao nhiêu đàn bà con nít gần như ào ra bu quanh, họ trì kéo thỉnh mời mừng rỡ y như gặp được bà con thân thích.

Thư Hương chợt nghe lòng ấm cúng lạ thường, thế nhưng nàng vẫn nói :

- Coi như thế này sao tiện...

Miệng vẫn còn từ chối nhưng chân thì đã bằng lòng, nàng đã ở vào giữa đám đông và trôi dần vào đại sảnh.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK