Bà lớn Nongkhran suýt chết ngất khi đọc xong báo buổi sáng hôm nay. Các báo đã cho đăng hình Patiya trong phòng tạm giam của tòa án hình sự kèm theo bài trả lời phỏng vấn của anh. Hình ảnh đứa cháu trai vẫn còn hiện rõ trước mắt khi bà đang rướn người để ấn công tắc bằng bàn tay run rẩy.
Người giúp việc bước vào.
“Bà lớn cần gì ạ?”.
“Điện thoại cho phóng viên tên Paremai cho tôi”.
Người giúp việc lập tức bấm số mà không cần mở sổ danh bạ vì số điện thoại này đã được sai gọi rất nhiều lần.
Ngay khi cầm ống nghe, bà lớn Nongkhran nói giật giọng: “Paremai. Tôi là Nongkhran. Xin lỗi vì đã đánh thức cô vào lúc sáng sớm thế này”. Miệng nói xin lỗi nhưng giọng của bà lớn Nongkhran rất cứng rắn.
“Không sao ạ. Có việc gì bà lớn cứ nói đi ạ”. Bên kia trả lời với giọng ngái ngủ.
“Cô cần bao nhiêu tiền? Tôi sẵn sàng trả, đổi lại cô hãy dừng ngay việc đăng tin về Patiya”. Bà lớn Nongkhran nói với giọng lạnh lùng.
Đầu dây bên kia hơi sửng sốt rồi bình tĩnh đáp: “Tiền không mua được mọi thứ đâu, thưa bà”.
“Nhưng tôi sẽ mua lại danh tiếng của dòng họ nhà tôi. Tôi đã cảnh cáo cô rồi đấy Paremai! Nếu cô vẫn không dừng việc đăng tin này thì chúng ta sẽ phải gặp nhau tại tòa”.
“Được. Tôi sẽ đợi lệnh bắt giữ của tòa án. Bản thân tôi cũng chán ngán với việc bị cháu trai bà và bà đe dọa lắm rồi ạ. Bà cứ tiến hành đi thì hơn”.
“Vô lễ! Đồ dân đen, không có dòng dõi, không có phẩm chất của người cao quý!”. Bà lớn Nongkhran chửi một tràng dài khi thấy đầu dây bên kia vừa nói xong liền cúp máy ngay. Bà quay sang lệnh cho người giúp việc gọi điện cho luật sư của dòng họ để tiến hành kiện tòa soạn báo và người viết tin bài.
Một người giúp việc khác cầm điện thoại di động từ tầng trên đi xuống.
“Thưa bà lớn, có điện thoại của công nương Pisamai ạ”.
Bà lớn Nongkhran giật giọng trả lời điện thoại: “Công nương, có việc gì thế?”.
“Tôi thấy báo đưa tin cháu trai của bà lớn bị tạm giam tại tòa án hình sự. Không biết bà lớn có định tổ chức họp báo không? Các bạn trong nhóm bàn luận sôi nổi đủ kiểu cả. Là chỗ thân quen, tôi nghĩ bà nên làm gì đó để bảo vệ danh dự đi. Rồi lại còn danh tiếng của dòng họ nữa chứ. Tôi cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin quá mức rồi. Ở đâu ra cái kiểu đưa ảnh cháu Patiya trong phòng giam lên hết cả trang nhất thế không biết”.
“Thưa công nương, nếu phóng viên muốn đăng tin chống lại ai thì tất nhiên là phải đưa lên trang nhất rồi, làm gì có chuyện đưa xuống trang cuối chứ”. Bà lớn Nongkhran trả lời.
“Vâng. Thế bà lớn có kiện không ạ?”. Người ở đầu dây bên kia có vẻ thơ ngây hỏi lại.
“Tôi cũng đang nghĩ phải kiện tòa soạn và con bé Paremai đây ạ”.
“Chị gái của người chết ấy à?”.
“Vâng. Tôi đã ngăn cô ta nhiều lần rồi nhưng lần nào ngăn thì lần đó tin đăng càng nghiêm trọng hơn. Vì thế lần này không thể tiếp diễn như vậy được nữa”.
“Nếu vậy tôi sẽ báo tin với mọi người, rồi điện thoại thông báo tới tất cả các tòa soạn cho ạ. Vậy thế đã bà lớn nhé”.
Paremai cúp máy rồi nằm vật xuống với tâm trạng bực dọc khó hiểu…
Cả bà lẫn cháu đều thích áp đặt quyền lực… Thật bực mình. Cô đưa tay lên bóp trán để xua cơn đau nhói vừa bất ngờ xuất hiện. Nhắm mắt nhưng không thể ngủ tiếp được nữa, cô đứng phắt dậy bước ra khỏi giường đi vào phòng vệ sinh đánh răng. Hình ảnh phản chiếu trong gương là một gương mặt trẻ trung nhưng âu sầu. Cô đánh răng chậm lại khi chợt nhớ tới nụ hôn của Patiya hôm trước. Paremai đưa ngón tay lên xoa quanh bờ môi dưới lớp bọt kem đánh răng một cách vô thức.
Điên rồ! Có lẽ cô đã điên thật rồi nếu nghĩ rằng mình thích nụ hôn của anh ta…
Paremai lắc mạnh đầu như cố gắng tỉnh táo lại, tự nhủ rằng anh ta là người thô thiển và độc ác vì đã cướp đi nụ hôn đầu tiên của cô.
Hôm qua khi chụp ảnh trong phòng giam, Patiya cũng tái diễn hành động sỗ sàng với cô một lần nữa, anh ta giật tay cô kéo lại gần song sắt rồi nói vào mặt cô rằng cô sẽ phải hối hận và phải bù đắp một cách thỏa đáng với việc làm lần này. Hành động lỗ mãng đó khiến đội trưởng Tula phải vội gỡ tay anh ra đồng thời lên tiếng nhắc nhở cảnh cáo.
Nữ phóng viên trẻ vội cúi xuống, xúc miệng, kéo khăn mặt trên móc xuống để lau mặt. Theo thói quen, cô bước ra mở máy tính để bàn kiểm tra tin tức hàng ngày.
Tin Patiya bị tạm giam ở tòa án hình sự xuất hiện ở tất cả các trang nhất các báo và trang chủ của hầu hết các trang web của các thông tấn xã thường trú tại Bangkok liên tiếp đã ba ngày nay. Ngày đầu tiên các báo đều đưa tin chi tiết về bài phỏng vấn ông đồn trưởng đồn cảnh sát, đội trưởng Tula, Patiya kèm thông tin tìm tài xế taxi là nhân chứng duy nhất có thể khẳng định bằng chứng ngoại phạm của anh, với phần thưởng hàng triệu Bath, Tất cả đều được dịch ra các thứ tiếng khác nhau bên cạnh tiếng Anh. Điều đó có nghĩa là mọi người trên khắp thế giới đều có cơ hội để biết được tin này của Patiya.
Những ngày sau đó là tin tức về diễn biến của vụ án này. Quá tuyệt! Đây, kẻ mang tai họa có tên Patiya mà cô cần đây! Paremai tự chế nhạo. Thực ra cô thực lòng không muốn ai đó rơi vào cảnh ngộ tin tức tràn lan đi khắp thế giới như vậy cả, bởi nếu sau này có được minh oan thì cũng không thể lấy lại danh tiếng đã mất. Nhưng ai bảo anh ta đã làm hại đến gia đình cô trước chứ.
Thực ra phóng viên của thông tấn xã các nước đã xin phỏng vấn cô với tư cách là người thân của nạn nhân nhưng cô từ chối vì không muốn gia đình của cô trở thành tâm điểm của sự chú ý. Chỉ với tên của mình cô xuất hiện trên tất cả các kênh truyền hình cũng đủ là tai họa rồi. Nếu hình ảnh và thông tin về cô được truyền đi khắp thế giới như Patiya, thì cuộc sống của cô có lẽ sẽ thật bất hạnh.
Mười lăm phút sau, Paremai bước xuống chào mẹ trong bếp, cô pha cà phê để uống trước khi chạy bộ rồi trở về tắm rửa, thay quần áo đi làm. Trên đường cô nhận được điện thoại của Sila.
“Cô Pare, tôi là Sila đây. Cô có thể đến gặp tôi ở Starbucks một chút được không? Có người muốn gặp cô”.
“Được anh Sila ạ. Nhưng ai muốn gặp em ạ?”.
“Người ta không cho nói tên”.
Paremai bật cười trả lời: “Được ạ. Vậy lát nữa gặp nhau”.
Cô cúp máy rồi gọi cho Mankeo nhờ đưa tin buổi sáng giúp mình rồi đi thẳng tới chỗ hẹn.
Vừa bước vào cửa hàng, cô sửng sốt rồi nở nụ cười vui sướng khi nhìn thấy Wanchai.
“Nhớ cô phóng viên đầu tròn này quá. Sao rồi?”. Wanchai hỏi với nụ cười và giọng nói thân thiết rồi ôm chặt lấy cô.
“Em khỏe chị ạ. Chị Wan về từ bao giờ vậy?”. Paremai mỉm cười trả lời. Bắt gặp Sila đang nhìn chị Wan với ánh mắt nồng ấm và dịu dàng, cô hơi sững lại. Cô quen với thái độ lạnh lùng và dáng vẻ bình thản của anh nhiều hơn.
Nhìn cảnh tượng đó, trong giây lát, cô cũng mong muốn có một ai đó yêu cô sâu sắc như Sila đối với vợ anh ấy, nhưng cô tin rằng cô sẽ không có người đó, bởi cô không phải là một người có tính cách vui vẻ, trẻ trung, ai ở bên cũng cảm thấy hạnh phúc như chị Wanchai. Cô biết mình là một người nghiêm túc đến mức hơi cứng nhắc. Vậy nên, ai mà yêu nổi cô cơ chứ!
Nữ phóng viên trẻ vẫn nhớ như in huyền thoại tình yêu của họ, câu chuyện tình lãng mạn được truyền khắp trường đại học hết khóa này đến khóa khác. Trong một lần, Sila với vai trò vệ sĩ đi theo một vị bộ trưởng của Mỹ tới thăm trường đại học của Wanchai, Wanchai đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau đó cô lên kế hoạch chinh phục anh trong sự ủng hộ của gia đình anh. Sau khi kết hôn, Sila vẫn rất yêu vợ đến nỗi chiều theo mọi ý thích của vợ, ngay cả việc xăm ở mông dòng chữ yêu vợ để lấy lòng cô.
Đôi tình nhân này thật đáng để người ta ghen tị…
“Chị được nghỉ lễ vài ngày nên bay về thăm anh Sila, nhân tiện thì gặp Pare luôn. Thế Pare thì sao? Vụ án của em Yaimai diễn biến đến đâu rồi?”. Wanchai trả lời cô em khóa dưới.
“Patiya bay về để tự bào chữa sau khi đội trưởng Tula ra lệnh bắt giữ. Hiện anh ta đang bị tạm giam tại tòa án hình sự để chờ kết quả giám định AND”.
“Thấy bảo anh ta có lai lịch không bình thường hả? Là diễn viên phim khiêu dâm kiêm đạo diễn của Hollywood. Lúc ở New Zealand, tin tức về anh ta rất hot, đặc biệt là trên mạng, rầm rộ vô cùng”.
“Hôm Patiya đến trình diện, phóng viên các cơ quan thông tấn xã nước ngoài thường trú tại Bangkok cũng đến để đưa tin nên tin tức về anh ta nhanh chóng lan đi khắp thế giới”.
“Liệu anh ta có thoát được không?”.
“Phải hỏi anh Sila chứ ạ”.
“Hiện tại đang thông báo tìm người lái taxi, nhân chứng duy nhất có thể khẳng định được bằng chứng ngoại phạm của Patiya. Nếu tìm được người lái taxi đó, thì lời khai của Patiya càng có cơ sở đáng tin cậy nhiều hơn”. Sila bình thản trả lời.
“Có thể là nhân chứng giả mạo. Người giàu có thể làm được mọi thứ”. Wanchai nhận xét.
“Lại còn khoản tiền thưởng hấp dẫn lên đến hàng triệu Bath nữa chứ. Ai mà chả muốn”. Paremai đồng tình.
“Cái này anh xin phép không có ý kiến gì”. Sila trả lời vợ.
Wanchai chun mũi: “Đàn ông đều vậy cả. Lúc nào mà chả về phe với nhau”.
“Ơ, sao em lại đánh đồng như vậy? Anh nói theo sự thật đấy chứ. Theo những gì anh điều tra được thì anh ta cũng đâu phải là người xấu xa gì. Anh ta…”.
“Không xấu xa gì?”. Cả hai cô cùng đồng thanh thốt lên trong khi Sila chưa nói xong. Sau đó Paremai nói tiếp: “Hắn ta là đỉnh cao của hạng đàn ông đểu cáng. Em chưa từng thấy ai xấu xa như vậy. Hắn nhận đóng phim khiêu dâm trong khi hắn vốn kiếm được rất nhiều tiền từ việc làm đạo diễn phim Hollywood”.
“Nếu tiền không phải là vấn đề quan trọng thì tại sao em không tìm hiểu xem lý do nào khiến Patiya làm như vậy đi?”.
“Lòng tham chứ còn gì nữa ạ?”. Paremai cao giọng.
Nét mặt Sila trở nên khó hiểu nhưng vẫn bình tĩnh trả lời: “Tại sao cô Pare không nghĩ là đàn ông vừa đẹp trai, vừa giàu lại có công việc tốt như Patiya thì không cần phải dùng cách thức đó cũng có hàng tá các cô chạy theo chứ”.
“Không biết. Dù sao thì em cũng ghét hắn. Hắn là kẻ giết em gái em”.
“Vẫn còn quá sớm để kết luận như vậy”.
“Sao anh lại thế? Anh định về phe với kẻ thù của Pare cho bằng được đúng không? Được. Tối nay anh ngủ ở sa lông nhé”. Wanchai quay sang nói.
Sila cau mặt: “Anh cho rằng anh nên dừng chuyện này với em thì hơn. Lần nào nói chuyện này cũng thành tự bào chữa cả”.
“Cũng tại anh cả. Lúc nào cũng bênh cái tên Patiya ấy chằm chặp”.
“Tại em đang xen vào công việc của anh đấy. Em không nên kiểm soát suy nghĩ của anh, có biết không?”. Anh nhỏ nhẹ cãi lại.
Paremai bật cười khi thấy chị Wanchai phồng má. Cô cho rằng chị Wanchai rất đáng yêu, trong sáng, tự nhiên và làm gì cũng rất duyên dáng. Không có gì lạ khi thấy Sila lại yêu vợ đến vậy
“Chị Wan đang làm cho anh Sila sợ phát khiếp lên rồi đấy”. Paremai vừa nói vừa bật cười.
“Sợ cái gì? Người như anh Sila mà sợ chị à?”.
“Sợ chứ ạ. Anh Sila vừa yêu vừa nể, chị Wan cũng thấy mà. Nếu không anh ấy đâu chịu xăm chữ yêu chị Wan ở mông chứ”. Vừa nói xong cô vội vàng che miệng mình lại bởi đây là bí mật mà chị Wanchai cấm mọi người nhắc đến.
Ngay lập tức Sila đỏ bừng mặt. Anh quay sang phía vợ: “Wan, thế nào? Đã hứa gì với anh?”.
Paremai vội bào chữa thay: “Anh đừng mắng chị Wan mà. Chị Wan không nói gì thật đấy. Chỉ là đem ảnh cho bọn em xem thôi”.
Thật là… Sila trợn mắt lên, mặt đỏ tới tận cổ.
Hai cô quay sang nháy mắt với nhau rồi cùng bật cười khúc khích. Có lẽ chỉ có người bị hại là không thể cười được. Sila trợn mắt nhìn như muốn trách vợ nhưng thực ra anh đang rất xấu hổ.
Paremai càng cười to hơn. Cô trêu: “Em rất thích những lúc hai người trêu nhau. Rất đáng yêu. Nếu em có người yêu em cũng sẽ bắt người yêu em làm vậy”.
Sila càng đỏ mặt hơn, anh không biết làm gì, đúng lúc đó có tiếng chuông điện thoại vang lên. Anh như trút được gánh nặng, vội ấn phím nhận cuộc gọi. Khi nghe thấy bên kia nói xong, anh liền hỏi lại một lần nữa: “Cái gì?”.
Paremai và Wanchai đều thấy sắc mặt anh trở nên căng thẳng khi cúp máy, họ nhìn anh không chớp mắt.
“Có chuyện gì vậy anh Sila?”. Paremai hỏi.
“Đúng vậy. Xảy ra chuyện gì sao?”.
Sila quay sang Paremai trả lời: “Đã tìm được tài xế taxi rồi. Bây giờ anh ta đang ở tòa án hình sự với Patiya”.
Sau khi tạm biệt Sila và Wanchai, Paremai vội vàng vừa lái xe hướng tới trụ sở của Tổng cục cảnh sát quốc gia, vừa gọi điện cho đội trưởng Tula.
“Mới chỉ phát thông báo một ngày đã tìm được tài xế taxi rồi. Sao lại có thể nhanh như thế được? Chắc chắn đó là việc đóng kịch hoặc nếu không cũng là nhân chứng giả mạo. Bằng không tại sao bây giờ người lái xe đó mới ra trình diện trong khi tin tức về tên Patiya đã phát trên tivi suốt ba ngày vừa qua. Đội trưởng không thấy nghi ngờ gì sao ạ?”. Paremai nói một tràng dài.
“Anh ta khai anh ta lái xe cho công ty du lịch đưa một đoàn khách đi hội thảo ở Lào mới về Thái Lan ngày hôm nay nên vừa mới biết tin”.
“Thế rút cục anh ta lái xe taxi hay lái xe du lịch ạ?”.
“Anh ta là nhân viên lái xe của công ty xe du lịch nhưng thời gian rảnh anh ta lái taxi để kiếm thêm thu nhập”.
“Sao đội trưởng biết được ạ?”.
“Bây giờ anh đang ở tòa án hình sự. Luật sư của Patiya gọi điện cho anh tới”.
Paremai há hốc miệng: “Thế đội trưởng nghĩ sao ạ?”.
“Anh đang nghe Patiya nói chuyện với tài xế taxi thì em gọi tới. Bước đầu tài xế taxi khẳng định những gì Patiya khai báo đều là sự thật. Anh ta đợi Patiya ngồi uống rượu trong quán bar đến khi quán đóng cửa mới lái xe đưa Patiya về Bangkok”.
“Nếu vậy em muốn tới quán bar ở Nakhon Pathom một chuyến xem sao”.
“Được đấy. Nhưng đợi anh cùng đi nhé? Anh đang chờ kết quả xét nghiệm máu. Chiều nay chắc là có kết quả giám định rồi”.
“Em sốt ruột lắm. Cứ để em đi xem thực hư thế nào?”.
“Được. Nếu vậy em lái xe cẩn thận nhé. Có tin gì thì điện thoại ngay cho anh nhé. Anh cũng sẽ gọi điện báo cho em ngay khi có kết quả giám định AND”.
“Được ạ. Cảm ơn đội trưởng nhiều”.
Ngay sau đó, Paremai lại vội vàng điện thoại xin nghỉ nửa ngày ở tòa soạn với lý do là muốn đến gặp người phục vụ trong quán bar ở Nakhon Pathom.
“Không cần xin nghỉ đâu vì coi như cô đang làm nhiệm vụ. Sau khi tới đó hãy thông báo về diễn biến mới của vụ án với tòa soạn là được. À, bước đầu hãy đưa tin về tài xế taxi đột nhiên ra trình diện có được không? Cô làm tin vắn rồi gửi qua SMN trước”.
“Được ạ. Đợi em đỗ xe lại bên đường trước đã, em đang lái xe mà. À, đội trưởng Tula nói rằng chiều nay chắc sẽ có kết quả giám định AND của Viện Giám định pháp y đấy ạ”.
“Mà công việc ở Tổng cục Cảnh sát quốc gia thì sao?”.
“Em đã nhờ bạn rồi ạ. Cô ấy sẽ gửi tin về”.
“Không sao. Cô cứ yên tâm đi làm việc đó đi. Tôi sẽ cử nhóm phóng viên lưu động tới làm nhiệm vụ ở Tổng cục Cảnh sát quốc gia thay cho cô. À mà tôi quên nói với cô, sáng nay có người gọi tới tòa soạn, nói là bạn thân của bà lớn Nongkhran nhưng không chịu tiết lộ thân phận. Bà ta bảo bà lớn đang cho luật sư làm hồ sơ để kiện tòa soạn đấy”.
Điều này còn có nghĩa là sẽ kiện cả người viết bài chữa. Trước đây chỉ kiện một mình tòa soạn nhưng luật pháp hiện hành đã quy định thêm để bảo vệ người bị hại nhiều hơn.
Paremai nói: “Em xin lỗi vì đã trở thành nguyên nhân khiến tòa soạn bị kiện. Thực ra bà lớn Nongkhran đã điện thoại đe dọa em nhiều lần rồi. Lần này chắc bà ấy sẽ làm thật”.
“Không sao đâu Pare. Người làm tin điều tra bao giờ cũng đứng trước nguy cơ bị kiện cả. Hơn nữa chúng ta không cố tình vu khống cho ai cả, chỉ nói theo những chứng cứ có thật mà thôi. Hơn nữa đây đâu phải lần đầu tiên cô bị kiện chứ. Đừng có ủ rũ vậy”.
Nữ phóng viên trẻ cười khi trưởng nhóm tin pháp luật đang cố gắng khiến cô vui vẻ trở lại: “Em chỉ thấy buồn vì khiến cho tiền của tòa soạn phải mất vì những vụ án như thế này thôi”.
Mỗi lần bị kiện, tòa soạn phải bỏ ra một số tiền rất lớn để đảm bảo, tòa soạn không thể dùng số tiền đó vào việc gì cho tới khi vụ án kết thúc, trong khi mỗi vụ án phải mất tới nhiều năm.
“Thôi mà, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp cả thôi. Tôi phải cúp máy đây vì đang có cuộc gọi đến. Nếu có gì khẩn cấp cứ điện thoại báo cáo cho tôi ngay nhé”.
Paremai ấn phím tắt rồi tháo tai nghe ra, đỗ xe vào bên đường để đánh tin vắn gửi về tòa soạn.
Cho dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi nghe được lời khẳng định của bartender, Paremai cũng sững người mất một lúc lâu.
Paremai phải mất nhiều giờ đồng hồ mới gặp được bartender, người làm ca mà Patiya tới uống rượu vì lúc cô đến, quán bar chưa mở cửa, chỉ có mấy nhân viên bảo vệ đứng canh ở ngoài nên cô phải hỏi thăm khá lâu họ mới chịu nói địa chỉ của bartender đó.
“Anh ấy đến quán từ chập tối rồi cứ ngồi uống rượu như vậy cho đến khi quán đóng cửa. Tôi nhớ chính xác bởi anh ấy rất đẹp trai và cho tôi rất nhiều tiền boa”.
“Anh ta có nói chuyện gì với anh không?”.
“Không ạ. Anh ta chỉ ngồi uống rượu thôi. Trong khi uống rượu tôi nhớ là anh ấy có điện thoại gọi tới rồi nói gì đó về tòa án ở Mỹ. Nhưng tôi không nghe rõ lắm vì lúc đó trong quán rất ồn ào”.
Paremai gật đầu và không còn thắc mắc gì với lời khai của Patiya. Đúng là anh ta tới ngồi uống rượu ở quán bar vào lúc xảy ra vụ án của Yaimai. Patiya đã không nói dối.
Paremai giơ tay lên vuốt mặt vì cô bắt đầu linh cảm thấy có điều gì đó đã sai sót. Tên giết người thực sự vẫn đang lởn vởn bên ngoài.
“Cô có muốn hỏi gì nữa không?”.
“Không ạ”. Paremai ấn phím tắt máy ghi âm, sau đó ghi lại tên, địa chỉ và số điện thoại của bartender.
Paremai quay lại xe. Cô bóp trán thật mạnh, nghĩ đi nghĩ lại sự việc xem sai sót ở chỗ nào khi tất cả các bằng chứng đều hướng về phía Patiya.
Tiếng chuông điện thoại vang lên, Paremai ấn phím nhận cuộc gọi rồi cất giọng nhỏ nhẹ, mệt mỏi: “Em nghe đây ạ”.
“Pare, sao nghe giọng em buồn thế?”. Đội trưởng Tula hỏi.
Paremai làm động tác vuốt tóc trong khi không có một sợi nào xõa xuống mặt, dáng vẻ rất lơ đãng: “Có một số sai sót đã xảy ra ạ. Em đang kết nối các tình tiết lại với nhau. Bartender đã khẳng định rằng Patiya đã tới ngồi uống rượu trong đêm xảy ra vụ án. Em đang ngờ rằng có ai đó cố ý mạo danh anh ấy gây ra vụ án mạng để đổ tội cho anh ấy. Ý em là hình như chúng ta đang nghi ngờ nhầm bị can. Kẻ giết người thực sự có thể đang nhởn nhơ bên ngoài”.
“Anh gọi điện cũng là để nói với Pare việc này đấy. Kết quả giám định AND cũng cho thấy AND của Patiya không trùng với ADN mà cảnh sát thu được. Phó thủ tướng Adul đã ra lệnh cho anh phải phối hợp với Viện Giám định pháp ý để tổ chức họp báo về việc này ngay lập tức. Bây giờ anh đã hoàn tất việc thụ lý hồ sơ để gửi lên các công tố viên quyết định không khởi tố rồi. Do đó anh sẽ tổ chức họp báo khẩn trong vòng ba mươi phút nữa và sẽ cho truyền hình trực tiếp trên…”. Đội trưởng Tula nói tên một kênh truyền hình của lục quân.
“Rất tiếc là em không thể tham dự cuộc họp báo được vì vẫn đang ở tỉnh Nakhon Pathom. Nhưng cuộc họp báo này phải truyền hình trực tiếp cơ ạ?”.
“Ngài phó thủ tướng Adul sợ rằng việc ra lệnh bắt giữ sai bị can lần này sẽ có tác động xấu tới hình ảnh và độ tin cậy của cảnh sát Thái Lan, bởi bị can là một người nổi tiếng trên thế giới và được phương tiện thông tin đại chúng ở khắp nơi theo dõi sát sao và hết sức quan tâm. Hơn nữa Patiya là đạo diễn điện ảnh của Hollywood và mang dòng máu Thái Lan nên ngài ấy muốn thay đổi hình ảnh của người Thái Lan trong mắt bạn bè quốc tế”.
Phó thủ tướng Adul mà đội trưởng Tula nói tới là ông Adul Uthairat, phó thủ tướng về an ninh, chịu trách nhiệm quản lý Tổng cục Cảnh sát quốc gia.
“Ngài phó thủ tướng đã sợ quá rồi đúng không ạ? Tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo trình tự. Nếu không làm như vậy thì anh ấy đâu có cơ hội để chứng minh sự trong sạch của bản thân được. Sao ông ấy không nghĩ theo hướng này nhỉ?”.
“Ngài Adul muốn phải kiểm tra thật chắc chắn trước khi ra lệnh bắt những người nổi tiếng như vậy”.
“Nếu chỉ bởi vì lý do anh ta là người nổi tiếng thế giới nên được đối xử khác với tiêu chuẩn thông thường thì em phản đối. Điều đó là rất không công bằng. Đừng quên rằng lúc mới xảy ra vụ việc, tất cả các bằng chứng đều nhắm vào anh ta. Anh ta bay về Mỹ ngay sau khi vụ án mạng xảy ra nên cảnh sát đã phải ra lệnh bắt giữ ngay là hoàn toàn đúng. Nếu không làm thế thì khác gì với việc cảnh sát không hoàn thành nhiệm vụ khi để cho thủ phạm chạy trốn ra nước ngoài mà không làm gì cả. Hoặc giả sử anh ta đúng là thủ phạm thì chẳng phải cảnh sát đã góp phần giúp anh ta chạy trốn thành công hay sao? Em sẽ không chịu thua đâu. Với tư cách là người thân của nạn nhân, em sẽ kiện đội trưởng vì tội không hoàn thành trách nhiệm khi có tất cả các bằng chứng trong tay nhưng lại không làm gì cả. Bởi thế tất cả đều diễn biến theo đúng trình tự mà. Nếu không mượn cớ làm hại đến hình ảnh và tên tuổi của đất nước, chắc chắn em sẽ viết bài cho ngài phó thủ tướng một trận, cho dù đó là bố của chị Wanchai đi chăng nữa”.
Việc viết bài nhận xét, phê bình về cách làm việc của phó thủ tướng chính phủ đã được Paremai từng làm rất nhiều lần. Cô thường viết bài nhắc nhở xen lẫn khiển trách các chính trị gia bất kể là ai kể cả thủ tướng nếu thấy rằng việc làm đó không đúng với đạo đức, vi phạm pháp luật hoặc không minh bạch, tham nhũng.
“Pare nói vậy cũng đúng nhưng phó thủ tướng lại là lãnh đạo của anh đấy. Vì thế anh không thể cãi lại ông bằng lý do của Pare được. Nếu biện hộ như vậy có thể sẽ bị thuyên chuyển công tác ngay. Bởi vậy, việc anh có thể làm chỉ là thực thi theo lệnh mà không ý kiến gì”. Đội trưởng Tula bật cười một cách hơi gượng gạo trước khi nói tiếp: “Anh phải cúp máy để chuẩn bị tài liệu họp báo rồi”.
“Được ạ. À, đội trưởng, thế còn việc lấy lời khai của tài xế taxi thì thế nào ạ? Em muốn xin được phỏng vấn”.
“Được. Bước đầu có lẽ không phải là đóng kịch hoặc nhân chứng giả. Anh vẫn chưa thấy anh ta có sơ hở gì, lời khai của anh ta hoàn toàn trùng khớp với Patiya. Có lẽ anh chỉ trả lời ngắn gọn như vậy đã. Chi tiết sẽ phải đợi nghe trong buổi họp báo”.
“Được ạ. Em sẽ nghe tin qua buổi họp báo”.
Paremai cúp máy. Cô mở ti vi trong xe để đợi nghe tường thuật trực tiếp buổi họp báo rồi mở máy tính xách tay và thoăn thoắt đánh tin để gửi về cho tòa soạn làm tin SMN trước.
Nhấp chuột gửi tin nhắn về tòa soạn qua internet không dây xong, cô liền gọi điện về tòa soạn để thông báo.
“Đừng quên nói với…”, Paremai nói tên bạn phóng viên thường trú tại tòa án “… tới tòa án hình sự để phỏng vấn Patiya nhé. Em tin rằng anh ta sẽ cho phỏng vấn ngay khi biết tin về cuộc họp báo. Còn chi tiết về bài phỏng vấn bartender, báo cáo tin về tài xế taxi tới trình diện với cảnh sát và chuyện kiện lại, để em đánh máy rồi gửi về sau”.
Gửi gấp nhé Pare, vì đây sẽ là tin số một của ngày mai”.
“Được ạ”.
Sau khi nói chuyện với trưởng nhóm tin pháp luật xong, cô liền gọi ngay cho bà lớn Nongkhran để kiểm tra thông tin về việc khiếu kiện. Sau khi được nghe lời khẳng định và bị chửi một hồi xong, cô quay sang đánh máy chi tiết tin ngày mai. Trong bài cô còn đề cập đến thông tin người lái xe taxi tới gặp luật sư của Patiya, việc phó thủ tướng phụ trách an ninh ra lệnh cho tổ chức họp báo khẩn và truyền hình trực tiếp với lý do về hình ảnh và độ tin cậy của cảnh sát Thái Lan trong mắt bạn bè quốc tế. Xong xuôi cô nhấp chuột gửi tin về tòa soạn và thông báo cho các bạn cùng làm về mảng tin pháp luật. Sau đó cô dựa lưng vào ghế ô tô đợi nghe buổi tường thuật trực tiếp cuộc họp báo.