• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


Nói về Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng ba người ẩn núp dưới hầm bí mật khá lâu mà vẫn không thấy Mạnh-Kiện-Hùng xuống đưa lên nên hết sức nóng ruột. Sở dĩ Văn-Thái-Lai chịu khuất thân trốn dưới hầm bí mật bởi vì quá yêu Lạc-Băng. Vì vậy chàng càng lúc càng cảm thấy khó chịu. Văn-Thái-Lai là một nhân vật có bản lãnh nên tai rất thính và mắt rất tinh. Tuy ở dưới hầm nhưng Văn-Thái-Lai vẫn biết được những động tịnh bên trên. Tuy nhiên chàng chỉ nghe được tiếng người rì rào chứ không nghe rõ được đầu đuôi câu chuyện ra sao.
Thình lình, Văn-Thái-Lai nghe một tiếng hét vang lên như sấm và tiếp theo đó là một tiếng động chẳng khác gì như địa chấn thiên bang làm rung chuyển cả cái hầm. Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng bị tiếng động làm cho giật mình, chỉ có Văn-Thái-Lai vẫn tự nhiên, tỉnh như không. Bỗng, cả cái hầm ráng rực lên như ban ngày. Văn-Thái-Lai đoán là có người đã dùng nội lực thần công cao siêu giở hẳn tấm bảng lên cho nên ánh sáng mặt trời mới chiếu xuống được như vậy. Sau đó là những tiếng động, tiếng người nói chuyện ồn ào. Văn-Thái-Lai nghe rõ có tiếng người hét vang lên:
-Đích thị là đây rồi! Những ai ở dưới hầm đừng hòng chống cự hay chạy trốn nữa. Khôn hồn thì hãy may lên cả đây! Muốn sống hãy mau mau đầu hàng. Hễ chống cự là chết ngay!
Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn biết dưới hầm có Văn-Thái-Lai nên cũng không dám khinh xuất bước xuống, chỉ đứng trên mà la hét, kêu gọi. Trương-Siêu-Trọng là một nhân vật đã thành danh trên giang hồ nên so với Văn-Thái-Lai thì tuổi tác đương nhiên lớn hơn, kinh nghiệm dĩ nhiên nhiều hơn, và võ công cũng cao cường hơn. Nhưng đối với Văn-Thái-Lai, Trương-Siêu-Trọng đã từng nghe tiếng và chứng kiến phép điểm phép điểm huyệt của Bôn-Lôi-Thủ nên cũng có đôi phần kính nể chứ tuyệt nhiên không dám khinh thường.
Văn-Thái-Lai, tứ đương-gia của Hồng Hoa Hội, một trang anh-hùng nghĩa khí đã từng một mình dám mạo hiểm vào trong thâm cung ngang nhiên nói chuyện bí mật tay đôi với vua Càn-Long, là một vị Hoàng-Đế uy hùng bậc nhất của triều đình Mãn-Thanh, với vài ngàn dũng sĩ và mấy trăm vạn hùng bình dưới trướng thì đảm lược ấy không phải tầm thường.
Dưới hầm bí mật, Văn-Thái-Lai chẳng khác nào một mãnh hổ sa cơ bị nhốt trong chuồng. Nhưng cho dù mình mang đầy thương tích, Văn-Thái-Lai vẫn còn đủ sức hạ sát bất cứ người nào thờ ơ dám khinh thường lại gần.
Trương-Siêu-Trọng vẫn còn nhớ rõ Đổng-Triệu-Hòa bị điểm huyệt như thế nào và Ngô-Quốc-Đống bị đánh gãy xương bả vai ra sao. Vì vậy, Trương-Siêu-Trọng không dám xuống mà cũng không cho ai xuống đó cả. Lại sợ Văn-Thái-Lai dùng ám khí nên Trương-Siêu-Trọng không dám lai vãng trước miệng hầm, chỉ cố mà tìm lợi thế buộc cho Văn-Thái-Lai phải tự động đi lên thôi.
Văn-Thái-Lai đã nhận ra được tiếng của Trương-Siêu-Trọng nên biết việc ẩn núp của mình đã bị bại lộ. Chỉ có Trương-Siêu-Trọng mới dám cả gan vào Thiết-Đảm-Trang của Châu-Trọng-Anh, và chỉ có Trương-Siêu-Trọng mới có được thần công giở nổi tấm bảng sắt kia mà thôi.
Văn-Thái-Lai chẳng chút sợ sệt cho bản thân. Từ ngày dấn thân cho đại cuộc chàng đã xem thường cái chết và sẵn sàng nhận lấy nó bất cứ lúc nào. Sợ cùng chăng là cho Châu-Trọng-Anh và Thiết-Đảm-Trang phải vì mình mà tan gia bại sản, không khéo lại còn bị họa tru lục nữa. Kề vào tai Lạc-Băng, người vợ thân yêu, Văn-Thái-Lai nói:
-Bọn Trương-Siêu-Trọng thừa lúc Châu-Trọng-Anh vắng mặt ở Thiết-Đảm-Trang mà kéo người đến, ỷ vào số đông cậy vào võ lực uy hiếp Mạnh-Kiện-Hùng phải tiết lộ chổ ẩn núp của chúng ta. Đó chẳng qua là vì vận mạng chúng ta xui xẻo mà thôi, anh chẳng có gì để oán trách cả. Anh chỉ tiếc là di họa để vạ lây cho gia đình của một trang hào kiệt như Châu-Trọng-Anh kia. Nhưng...
Lạc-Băng chợt ngắt lời hỏi:
-Nhưng sao hở anh?
Văn-Thái-Lai buồn rầu đáp:
-Nhưng nếu chúng ta bị bọn trẻ Thiết-Đảm-Trang vì muốn được an toàn mà đem chúng ta bán rẻ thì anh nhờ cậy em một chuyện nhé. Em có bằng lòng không?
Lạc-Băng quá xúc động ôm Văn-Thái-Lai vào ngực thổn thức hỏi rằng:
-Mình ơi! Mình muốn dạy bảo em điều gì cứ nói ra, em xin tuân theo hết, dầu có phải hy sinh tánh mạng này. Nói đi mình...
Lần đầu tiên trong đời kể từ khi kết nghĩa vợ chồng, nhữn tiếng ⬘mình⬙ êm ái tha thiết mới thốt ra từ trên miệng phát xuất tận đáy lòng của Lạc-Băng đối với Văn-Thái-Lai. Lâu nay nàng vẫn dùng những tiếng như ⬘tứ ca⬙ hay ⬘tứ đương-gia⬙ mà gọi chồng là vì họ ưu tiên, xem nặng chuyện quốc gia hơn nên tạm gác chuyện nhà.
Thấy vợ quá bi lụy như thế, Văn-Thái-Lai sợ làm nản chí trượng phu trong cơn nguy biến. Thu hết ý chí can cường lại, Văn-Thái-Lai nắm tay Lạc-Băng an ủi:
-Em Lạc-Băng yêu dấu! Đừng yếu đuối nữa! Phải mạnh dạn lên! Con người chúng ta phải là sắt đá trước ái tình khi chúng ta chưa có quyền hiến trọn quả tim cho yêu đương khi dân tộc còn đang bị dày xéo dưới gót quân xâm lược, khi bọn ⬘chó săn chim mồi⬙ chưa bị diệt trừ hết. Con người chúng ta phải hiên ngang và mạnh mẽ trước sự hy sinh và dâng hiến. Phải đặt đại nghĩa lên trên hết. Em đừng quên đi những lời trăn trối của Vu tổng đà-chủ và của nhạc-phụ (#1). Không, anh không muốn em khóc! Anh muốn em bình tĩnh để anh gửi gắm một điều.
Không muốn để chồng buồn, Lạc-Băng dằn hết mọi chuyện, tươi tỉnh hỏi:
-Vâng, em nghe lời anh bảo. Vậy anh muốn phó thác cho em việc gì?
Lần này Văn-Thái-Lai không rỉ tai mà dõng dạc lớn tiếng cho Lạc-Băng nghe, dường như chàng có ý muốn nói cho cả Dư-Ngư-Đồng cùng nghe nữa. Văn-Thái-Lai nói:
-Em đừng lo ngại cho anh cả. Dù cho anh có bị bắt giải về kinh hay có bị giết đi em cũng vẫn phải tiếp tục hăng say chung sức với tất cả anh em trong Hồng Hoa Hội cùng nhau mưu đồ lo đại sự. Nhớ đừng bao giờ nản chí mà làm giảm đi nhuệ khí đấu tranh. Và nhớ cho kỹ đừng bao giờ gợi chuyện của anh ra để các anh em trong hội phải bận tâm đến phải hận lòng. Tóm lại, hãy quên hẳn anh đi mà dồn hết ý chí vào chuyện lớn cho quốc gia dân tộc. Em chịu hứa với anh chứ?
Lạc-Băng đáp ngay không do dự:
-Lời vàng ngọc của anh em không bao giờ dám sai.
Văn-Thái-Lai ôm Lạc-Băng vào lòng, đặt một nụ hôn nồng nàn lên gò má đang tràn đầy lệ nóng vì thương cảm, rồi nở một nụ cười mãn nguyện nói:

-Thế là anh yên lòng. Nhớ đừng lo lắng gì cho anh nhé. Anh bảo đảm với em là Càn-Long không dám làm hại anh đâu. Anh quả quyết là không lâu đâu, anh sẽ về lại bên em và các anh em Hồng Hoa Hội để tiếp tục hợp sức mà lo công việc. Cứ vững tin nơi anh đi.
Dư-Ngư-Đồng nãy giờ lén nhìn cặp uyên ương âu yếm với nhau, tâm sự vừa tình non nước lẫn tình riêng. Chàng bỗng tủi thầm mà tự nghĩ lấy duyên phận của chính mình...
Bên trên, Trương-Siêu-Trọng vẫn lớn tiếng kêu gọi Văn-Thái-Lai nạp mình. Y hứa sẽ không làm hại Văn-Thái-Lai mà chỉ giải chàng về kinh-đô theo mệnh vua mà thôi.
Văn-Thái-Lai nói với Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng rằng:
-Lúc này không thể liều chết mà đương đầu với Trương-Siêu-Trọng được vì thân anh chẳng khác nào cá chậu chim lồng. Phải chi lúc nãy anh đừng xuống hầm thì bây giờ có thể mặc sức ra tay cùng đám đông kia. Nếu có chết cũng là đại trượng phu.
Lạc-Băng nói:
-Lỗi cũng tại em!
Văn-Thái-Lai cười, tát yêu vào mặt vợ nói:
-Khờ quá! Chẳng tại ai cả! Đều do số mạng mà ra hết. Giờ đây bọn Trương-Siêu-Trọng giữ chặt miệng hầm, chúng ta có cánh cũng không bay khỏi. Cứ ẩn núp mãi chỉ càng thêm tù túng chứ ích lợi gì!
Nói xong, Văn-Thái-Lai không cần bàn với Lạc-Băng hay Dư-Ngư-Đồng mà tự quyết định lấy, chàng nói lớn, tiếng vọng lên trên rất rõ ràng:
-Ta là Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai, tứ đương-gia của Hồng Hoa Hội đây! Nếu có phải Hỏa-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng, Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân thì hãy nói với mọi người im lặng chớ ồn ào nghe ta nói.
Trương-Siêu-Trọng nghe xong liền bảo các bộ hạ dang ra xa để y nói chuyện với người dưới địa huyệt. Nghe trên miệng hầm im phăng phắc, Văn-Thái-Lai lại nói:
-Ta bị thương nặng ở gót chân không đi nổi. Phiền Trương tiên-sinh hãy cho người thòng dây xuống, có ghế ngồi cho ta lên.
Trương-Siêu-Trọng từ trên nói vọng xuống:
-Ta chính là Hỏa-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng đây. Văn tứ đương-gia hãy kiên nhẫn đợi một chút ta sẽ cho người thòng dây xuống có ghế ngồi kéo Tứ-ca lên.
Nói xong, Trương-Siêu-Trọng quay lại định gọi Mạnh-Kiện-Hùng bảo người trong Thiết-Đảm-Trang tìm một sợi dây thừng cho thật chắc cột một cái ghế mây vào đó rồi thòng xuống hầm cho Văn-Thái-Lai ngồi và kéo lên. Nhưng đảo mắt một hồi mới hay Mạnh-Kiện-Hùng thừa lúc ai nấy đều để ý đến Văn-Thái-Lai nên đã một mình lẩn tránh, rút đi từ bao giờ!
Cực chẳng đã, Trương-Siêu-Trọng đành phải nhờ một tráng đinh. Gã tráng đinh làm theo lời Trương-Siêu-Trọng chỉ dẫn, lấy một sợi dây thừng cột vào một cái ghế mây thật chặt rồi trao cho Trương-Siêu-Trọng.
Trương-Siêu-Trọng vừa thòng cái dây có cột ghế mây xuống, vừa lên tiếng báo trước cho Văn-Thái-Lai chuẩn bị. Khi ghế mây vừa chạm xuống đất, Trương-Siêu-Trọng sai mấy người giữ chặt một đầu giây, đợi Văn-Thái-Lai trả lời sẽ lập tức kéo lên.
Trương-Siêu-Trọng liền rung cái lục lạc báo hiệu. Văn-Thái-Lai liền ngồi vào cái ghế mây cho đám người của Trương-Siêu-Trọng kéo lên khỏi miệng hầm.
Chân vừa chạm đất, Văn-Thái-Lai vùng mình nhảy ra khỏi chiếc ghế như một lằn tên. Chàng lại vung tay gạt một cái khiến cho bao thừng cột vào ghế đều bung ra hết rồi cầm sợi dây thừng quơ qua quơ lại như một ngọn roi múa vùn vụt, kình lực mạnh mẽ vô cùng chẳng khác nào một mãnh hổ vừa thoát ra khỏi chuồng khiến không ai dám lại gần.
Người trong võ lâm thường nói ⬘luyện trường bất luyện đoản, luyện ngạnh bất luyện nhuyễn⬙ (#2). Đồng thời lại có câu: ⬘nhất đao, nhị thương, tam phủ, tứ kích, ngũ câu, lục tiên, thất mâu, bát kiếm⬙. Ý nói người luyện tập võ nghệ muốn sử dụng binh khí cho thật tinh thông thì phải theo thứ tự tám món binh khí nói trên mà luyện. Ví dụ năm đầu luyện về đao, năm thứ nhì luyện về thương... Như thế phải mất sáu năm mới luyện được ⬘tiên⬙, tức là roi. Mà Văn-Thái-Lai đã luyện qua tất cả các món binh khí đó và món nào chàng cũng sành cả.
Trong chớp nhoáng, Văn-Thái-Lai biến sợi dây thừng thành một ⬘nhuyễn tiên⬙ vô cùng lợi hại. Chàng cứ nhắm ngay đầu bọn người của Trương-Siêu-Trọng mà đánh. Hầu hết đều lo thủ thế mà tránh ra xa chứ không dám đỡ.
Trong đám người này, Văn-Thái-Lai sực nhớ có Đổng-Triệu-Hòa, người mà chàng ghét cay ghét đắng, khinh khi, xem hắn chẳng khác gì loài thú. Vì vậy, Văn-Thái-Lai vừa múa sợi dây thừng, vừa đảo mắt cố tìm xem Đổng-Triệu-Hòa trốn ở xó nào.
Đổng-Triệu-Hòa cũng hiểu biết điều đó nên hắn lấm lét thui thủi đứng trốn sau đám đông chứ không dám chường mặt ra để cho Văn-Thái-Lai trông thấy. Lúc ấy, sợi dây thừng trong tay Văn-Thái-Lai liên tiếp quất trúng mấy người, kẻ ngay mặt, người ngay lưng, té bò càng, nằm lăn ra đất. Một người khác tránh không kịp bị sợi dây thừng cuốn lấy cổ giựt một cái nằm sấp ra đất. Người ấy vừa ngã xuống thì bóng của Đổng-Triệu-Hòa hiện ra sừng sững, không còn tránh đi đâu được nữa. Nhìn thấy Đổng-Triệu-Hòa, Văn-Thái-Lai khẽ nhếch mép quát lên một tiếng, vụt cho hắn một dây thừng ngay hông ngã nhào xuống đất vừa ôm mình vừa kêu la rên rỉ.
Trương-Siêu-Trọng thấy Văn-Thái-Lai đánh đám lâu la của mình chẳng khác một mãnh hổ tung hoành giữa đàn dê thì không khỏi kinh hãi và thầm phục. Sợi dây thừng Văn-Thái-Lai tung đến đâu thì người của Trương-Siêu-Trọng lui tới đó nếu không bị gục ngã. Nếu để tình trạng này kéo dài thì khó lòng mà hạ nổi Văn-Thái-Lai.
Trương-Siêu-Trọng bèn gọi các cao thủ đi tháp tùng mình ra, truyền lệnh phải quyết đấu đặng bắt sống cho bằng được vị Tứ đương-gia của Hồng Hoa Hội kia chứ không được lui bước.
Một viên cầm-y thị-vệ là Đoàn-Đại-Lân và một võ lâm cao thủ là Ngân-Bá-Càn, kẻ dùng đao, người dùng song hoàn liều mình xông vào chống cự với Văn-Thái-Lai vô cùng mãnh liệt...
Trong khi đó, Dư-Ngư-Đồng cùng Lạc-Băng vẫn còn ở dưới hầm nhưng nghe tiếng binh khí va chạm vào nhau thì biết rõ ngay là Văn-Thái-Lai đang liều mình tử chiến. Cả hai người đều hết sức nôn nóng. Dư-Ngư-Đồng bàn với Lạc-Băng rằng:
-Văn tẩu tẩu (#3)! Chắc là Văn tứ ca đang kịch chiến với bọn Trương-Siêu-Trọng trên đó. Mãnh hổ nan địch quần hồ, dù cho Văn tứ ca có bản lãnh cao cường đến thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào thắng được, huống hồ trong mình Văn tứ ca còn mang nhiều vết thương trầm trọng chưa lành hẳn. Cuộc giao đấu càng kéo dài bao nhiêu thì càng nguy hiểm tới tánh mạng cho Văn tứ ca bấy nhiêu! Không lẽ chúng ta ở dưới này để Văn tứ ca phải một mình mạo hiểm hay sao?
Lạc-Băng nói:
-Tôi cũng nghĩ như vậy. Càng nghe tiếng binh khí chạm nhau tôi càng cảm thấy nóng ruột.
Dư-Ngư-Đồng nói:
-Vậy thì chúng ta phải lên gấp mà trợ thủ cho Văn tứ ca thôi!
Lạc-Băng gật đầu tánh thành. Vụt một một cái, hai người đã nhảy lên khỏi miệng hầm. Lạc-Băng tuy vẫn còn đau vì vết thương chưa lành nhưng vì quá lo cho Văn-Thái-Lai nên nàng chẳng chút do dự liền theo Dư-Ngư-Đồng bén gót mà cùng phi thân lên một lượt. Hai người đáp xuống đất thật nhẹ nhàng. Dư-Ngư-Đống chẳng nói chẳng rằng, rút ống sáo vàng ra tả xông hữu đột đánh dữ dội. Tổng-binh Thành-Khoán, một cao thủ trên giang hồ lấy côn ra, dùng côn pháp của phái Thiếu-Lâm mà đối địch với những ngón tuyệt kỹ của phái Võ-Đang đang sử dụng bởi Dư-Ngư-Đồng.
Côn của Thành-Khoán thì dài, mà ống sáo vàng của Dư-Ngư-Đồng thì ngắn. Tưởng rằng phần bất lợi là ở phía Dư-Ngư-Đồng, nhưng sự thật lại khác hẳn. Dư-Ngư-Đồng với những chiêu thức kỳ diệu và nhanh nhẹn làm cho Thành-Khoán phải nhiều phen bối rối, tinh thần thất điên bát đảo mà càng lúc càng phải lui dần...
Trong khi đó, Lạc-Băng đứng thủ ở một bực thang dùng thanh trường đao đánh tới. Nàng vẫn còn bị thương nên không thể nhảy nhót tung hoành được. Ngọn đao của nàng vô cùng lợi hại, hễ múa tới đâu thì địch thủ dạt ra tới đó. Bỗng nhiên từ đâu một người diện mạo trông hết sức oai vệ từ đâu nhảy tới chặn đường nàng lại. Lạc-Băng bèn rút phi đao phóng ngay vào mình người ấy một cái. Nhưng người ấy chẳng thèm né tránh, chờ cho phi đao tới nơi liền giơ hai ngón tay ra mà kẹp lấy phi đao trông thật dễ dàng. Mọi người nhìn thấy phi đao chỉ cách mũi người ấy không đầy một tấc.
Thật là ⬘nhân thượng hữu nhân⬙! Người phóng phi đao đã tài mà người bắt phi đao còn có vẻ tài tình hơn nữa! Thấy bản-lãnh của người ất ghê gớm như vậy, Lạc-Băng không khỏi kinh ngạc. Tài sử đao và phóng phi đao của nàng vốn được tiên-phụ Lạc-Nguyên-Thông truyền dạy hết sức tận tâm và tỉ mỉ. Trường đao của nàng đã làm cho giang hồ phải nể mặt và tài phóng phi đao của nàng đã từng kết liễu mạng sống của không biết bao nhiêu cao thủ trên giang hồ. Một khi phi đao đã rời khỏi tay nàng thì địch thủ cho dù không chết cũng phải bị thương. Người nào tài lắm thì cũng chỉ tìm cách mà né tránh chứ chưa có ai dám ngang nhiên bắt lấy phi đao như người này cả.
Dù thầm phục bản lãnh của đối phương, Lạc-Băng không vì thế mà khiếp nhược. Hai tay nàng múa hai đao, một dài một ngắn đến đứng sát bên cạnh Văn-Thái-Lai mà bảo vệ cho chồng.
Người đàn ông bắt phi đao kia bây giờ mới có dịp trông rõ dung nhan người phóng phi đao lúc nãy. Khi biết người này là một thiếu-phụ xinh đẹp mặt hoa da phấn, má đào còn trẻ tuổi thì chính ông ta cũng phải kinh ngạc, không ngờ trong đám quần thoa lại có được một nữ anh hào tài ba đến thế.
Nguyên người đàn ông bắt phi đao của Lạc-Băng chẳng phải ai xa lại mà chính là Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân Trương-Siêu-Trọng. Nhìn Lạc-Băng múa đao đàn áp đám bộ hạ mình, không hiểu sao Trương-Siêu-Trọng chỉ đứng bàng quang mà không hề can thiệp. Mặc dù bắt được phi đao của Lạc-Băng, Trương-Siêu-Trọng cũng thầm khen ngợi bản lãnh của nàng. Ông ta tự nghĩ ngoài mình ra, trong đám bộ hạ chưa chắc có được một người tránh nổi phi đao kia chứ đừng nói là tìm cách bắt lấy.
Bằng vào võ công, có thể nói Trương-Siêu-Trọng đứng vào hàng cự phách trên giang hồ. Xưa nay ông ta chưa hề biết qua mùi thất bại là gì. Trương-Siêu-Trọng vẫn tự phụ rằng trong thiên hạ chưa chắc đã có được một người có thể đương đầu nổi với ông ta kể cả hai sư huynh Mã-Chân và Lục-Phỉ-Thanh. Nhưng ngoài bản lãnh phi thường, tính tình Trương-Siêu-Trọng cũng có cái khác thường. Ông ta tính khí cao ngạo, rất coi thường phụ nữ nên chẳng bao giờ có ý tranh luận chứ đừng nói là tỉ thí bằng võ công. Bình thường, Trương-Siêu-Trọng chẳng thà chạy mặt lánh người còn hơn là để phải mang tiếng là hơn thua với phái yếu. Trương-Siêu-Trọng vẫn quan niệm rằng đánh thắng người đàn bà chẳng có gì là vinh dự, mà giết chết một người đàn bà thì càng nhục nhã hơn nữa. Vì vậy ông ta đã từng thề với lòng rằng: "Thà chết chứ ta chẳng bao giờ thèm giao đấu với đàn bà con gái".
Vì vậy, mặc dầu chính mắt Trương-Siêu-Trọng đã chứng kiến bản lãnh siêu việt của Lạc-Băng, biết không phải là một người tầm thường, có thể nói là ghê gớm hơn hầu hết các ⬘đấng mày râu⬙ đã từng so tài với mình, ông ta cũng không hề có ý muốn cùng nàng động thủ.
Vì đã quyết định giữa vững lập trường nên Trương-Siêu-Trọng chỉ đứng ngoài nhìn xem đám thủ hạ giao chiến với ba người Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng. Trương-Siêu-Trọng thầm nghĩ rằng bọn thủ hạ của mình cũng toàn là những cao thủ trên giang hồ, có thể bản lãnh cá nhân không bằng ba đường-gia của Hồng Hoa Hội, nhưng với số đông mà đánh lâu thì phần thắng đương nhiên sẽ phải về phe mình mà thôi. Đó là chưa nói đến chuyện ba người kia còn đang bị thương nên sức lực dù sao cũng giảm đi khá nhiều.
Nhưng trái với sự tiên liệu của Trương-Siêu-Trọng, ba đương gia của Hồng Hoa Hội càng đánh càng hăng. Sợi dây thừng trong tay Văn-Thái-Lai múa vùn vụt như cây nhuyễn tiên, cặp đao của Lạc-Băng múa vùn vụt như bay lấp lánh ánh hào quang và ống sáo vàng của Dư-Ngư-Đồng cũng tung hoành tứ phía, không một ai dám lại gần. Đám thủ hạ của Trương-Siêu-Trọng tuy đông là vẫn không làm gì được ba người. Có mấy tên bổ-khoái còn bị phi đao của Lạc-Băng và phi tiêu trong ống sáo vàng của Dư-Ngư-Đồng đả thương, loại ra khỏi chiến trận. Vòng vây mỗi lúc một lỏng dần, từ từ nới rộng ra.
Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng bảo vệ cho Văn-Thái-Lai chu đáo đến nỗi không một vũ khí nào của địch nhân đụng được vào chân lông của chàng. Tóm lại ba người liên thủ với nhau rất chặt chẽ, tạo thành một thế trận rất kín đáo và tài tình, chống cự với một số cường địch đông hơn không biết bao nhiêu lần mà không bị lép vế chút nào, trái lại còn chiếm được ưu thế là đàng khác.
Đứng ngoài quan sát, Trương-Siêu-Trọng đã nhìn thấy rõ được tất cả lợi hại. Ông ta biết bây giờ nếu tình trạng mà kéo dài thì phần bất lợi sẽ về phía mình chứ không phải là về phía ba người kia nữa. Mạnh-Kiện-Hùng chắc chắn là đi tìm Châu-Trọng-Anh để báo tin. Nếu cả hai về kịp, lại đem theo nhiều trợ thủ thì thế cờ sẽ hoàn toàn đảo ngược. Muốn ngăn ngừa sự việc đó xảy ra chỉ còn cách là phải dùng chiến thuật tốc chiến tốc thắng mà thôi.
Thấy Lạc-Băng bám xiết lấy Văn-Thái-Lai như hình với bóng, Trương-Siêu-Trọng biết muốn bắt được Văn-Thái-Lai phải hạ nàng trước mới được. Ngặt nỗi Trương-Siêu-Trọng xưa nay đã thề rằng không bao giờ động thủ với đàn bà con gái. Nhưng nếu giữ vững lập trường của mình thì không thể nào làm tròn được nhiệm vụ của triều-đình giao phó.
Suy nghĩ đắn đo một hồi, Trương-Siêu-Trọng đành nghiến rằng quyết định đi ngược lại với lời thề do chính ông ta lập ra dù biết rõ giang hồ có thể cười ông ta không ít khi chuyện này lộ ra ngoài. Dù sao Trương-Siêu-Trọng cũng còn chút khí khái nên không dùng vũ khí của mình mà chỉ cầm phi đao của Lạc-Băng phóng mình khi nãy dùng làm binh khí xông vào vòng chiến.
Thấy khí thế của Trương-Siêu-Trọng thật là dữ dội, Lạc-Băng sợ ông ta có ý hại chồng nên múa đao chặn lại đặng che chở cho Văn-Thái-Lai. Bọn ngự-lâm quân, cẩm thị-vệ và bổ-đầu, bổ-khoái thấy Trương-Siêu-Trọng nhảy vào trợ chiến thì tinh thần gia tăng lên bội phần, liền cố gắng ra sức đánh rấn lên.
Văn-Thái-Lai sử dụng sợi dây thừng thật tài tình, cho dù đám tùy tùng của Trương-Siêu-Trọng nhắm vào chàng đánh tới tấp nhưng vẫn không làm gì được chàng.
Lạc-Băng dù võ nghệ không thể nào sánh được với Trương-Siêu-Trọng nhưng những đường đao của nàng sử dụng rất uyển chuyển và lợi hại khiến Trương-Siêu-Trọng phải giật mình mà dẹp bỏ đi hết các ý nghĩ khinh thường nhi nữ từ xưa tới nay. Ông ta biết muốn thắng được nàng không phải chỉ vài ba chiêu mà xong!

Lạc-Băng thủ các huyệt đạo và những chỗ hiểm rất cẩn thận và kỹ càng, bình tĩnh ứng chiến, chẳng chút khiếp sợ. Thấy bản lãnh nàng còn cao hơn mình tưởng tượng nhiều nên Trương-Siêu-Trọng vừa đánh vừa dè dặt chứ không dám ơ thờ. Vừa đánh, Trương-Siêu-Trọng vừa tìm sơ hở để có dịp sẽ lập tức khai thác liền. Hai bên đấu với nhau được mấy chục hiệp. Lạc-Băng phần thì bị thương chưa khỏi phải gắng gượng lắm mới đứng vững được; phần thì vừa đánh vừa phải canh chừng, lo bảo vệ cho Văn-Thái-Lai; phần thì giao chiến một lúc khá lâu nên nguyên khí tiêu hao đi không ít; phần lại gặp phải một địch thủ quá lợi hại như Trương-Siêu-Trọng nên đao pháp của nàng càng lúc càng yếu dần, không còn được linh hoạt thần tốc như lúc ban đầu nữa.
Sau cùng, Trương-Siêu-Trọng đã tìm được yếu điểm của Lạc-Băng. Ông ta liền vứt ngọn phi đao xuống đất rồi lừa thế nhảy lại gần sát bên mình Lạc-Băng, dùng bả vai trái của mình huých vào vai phải của Lạc-Băng. Bị đánh bất ngờ, Lạc-Băng không gượng được, thân hình lảo đảo. Nhanh như chớp, Trương-Siêu-Trọng dùng đôi tay gạt mạnh vài hai tay của Lạc-Băng khiến nàng phải buông rơi cả hai thanh đao xuống đất. Thừa thắng xông lên, Trương-Siêu-Trọng bồi thêm một chưởng như vũ bão vào người Lạc-Băng khiến nàng không sao đứng vững được, ngã văng xuống hầm.
Sau khi Lạc-Băng bị Trương-Siêu-Trọng xô xuống hầm, Văn-Thái-Lai không còn người bảo vệ, một mình phải chống cự với hai cao thủ là Đoàn-Đại-Lâm và Ngân-Bá-Càn. Giá mà lúc bình thường Văn-Thái-Lai đã không coi hai người này ra gì. Có thể nói trừ Trương-Siêu-Trọng ra, tất cả các cao thủ triều đình hiện đang có mặt tại Thiết-Đảm-Trang chưa chắc đã làm gì được chàng. Cho dù chàng có bị thương chút đỉnh đi chăng nữa, nếu muốn thoát khỏi tay họ thì cũng chẳng phải là một điều khó mà không cần phải có ai tiếp sức cả...
Xưa nay, trên bước đường hành hiệp, Văn-Thái-Lai vẫn đơn thân độc mã. Một tay chàng đã sát hại không biết bao nhiêu là ⬘chó săn chim mồi⬙ của triều-đình Mãn-Thanh. Cái danh-hiệu Bôn-Lôi-Thủ kia đã làm cho bao nhiêu cao thủ của cả hai phe Bạch-đạo lẫn hắc đạo khi nghe đến đều phải kiêng nể và húy kỵ .
Lúc sinh tiền, cố Tổng-Đà-Chủ Vu-Vạn-Đình vì mến mộ tài năng và trọng nghĩa khí của Văn-Thái-Lai nên ủy thác cho chàng một công tác hết sức quan trọng là cùng mình mạo hiểm vào tận thâm cung yết kiến vua Càn-Long rồi đem những bí mật quốc cơ, rồi về An-Tây trình báo lại với Thiếu-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách hợp cùng với các đương-gia của Hồng Hoa Hội bàn thảo, phác họa chương trình hoạt động, xúc tiến kế hoạch khởi nghĩa tấn công nếu cần thiết...
Cũng vì công tác ấy mà Văn-Thái-Lai phải bao phen đương đầu với cường địch để rồi mang lấy thương tích đầy mình. Trong khi đó vua Càn-Long vẫn không chịu bỏ qua, nhất quyết phải huy động toàn bộ cao thủ triều đình bằng mọi giá phải bắt cho được Văn-Thái-Lai hoặc là giết phứt đi...
Từ khi mang trọng thương, Văn-Thái-Lai chưa lúc nào được nghỉ ngơi điều dưỡng đúng mức nên cả nội công lẫn nguyên khí chưa phục hồi lại được. Thêm vào đó, những chuyện phiền lại liên tục xảy ra làm cho chàng tức giận thêm nhiều phen. Cứ mỗi lần tức giận là các vết thương lại bị động, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc điều dưỡng rất nhiều.
Dù vậy, với một sợi dây thừng trong tay, Văn-Thái-Lai đã làm cho bao nhiêu cao thủ triều đình phải điên đầu, ngay cả Trương-Siêu-Trọng còn phải thầm phục con người mang danh-hiệu Bôn-Lôi-Thủ kia.
Và từ lúc Trương-Siêu-Trọng ra tay, tình thế đôi bên lại hoàn toàn biến đổi. Lạc-Băng đã bị xô xuống hầm. Dư-Ngư-Đồng một mình phải luôn tay chiến đấu rất gay go với nhiều cao thủ không ngừng. Còn Văn-Thái-Lai sau một lúc kịch chiến khá lâu thì các vết thương lại bị động khiến cho chàng cảm thấy đau đớn vô cùng. Thần trí Văn-Thái-Lai như chợt hôn mê, sợi dây thừng trong tay chàng chậm dần đi, không còn nhanh nhẹn và chính xác như lúc ban đầu nữa. Thấy chiêu thế của Văn-Thái-Lai bắt đầu hỗn loạn, Trương-Siêu-Trọng biết chàng đã kiệt sức nên hối thúc đám thủ hạ tấn công ráo riết thêm nữa.
Dư-Ngư-Đồng tuy bị vây đánh rất ngặt nhưng cũng nhìn ra được điều đó. Chàng giở hết tuyệt kỹ bình sinh ra đối phó. Mỗi một chiêu Dư-Ngư-Đồng xuất ra là một đòn trí mạng. Hễ có cơ hội hạ được tên nào chóng vánh, chàng đều không bỏ lỡ cơ hội. Chàng chủ tâm muốn hạ thật càng nhiều địch thủ càng sớm càng tốt để dành thì giờ bảo vệ cho Văn-Thái-Lai đang bị cô thế và dần dà kiệt sức. Trương-Siêu-Trọng thấy thế nghĩ thầm:
-"Lâu nay ta tưởng Hồng Hoa Hội chỉ là một tổ chức phiến loạn tầm thường, bất quá là chỉ quy tụ được những tay có khả năng tiếp ta năm, bảy hiệp là cùng. Nhưng thật không ngờ chỉ mới đụng độ với ba người, mà ba người lại đang bị thương ở trong tình thế hiểm nghèo, mà đã ghê gớm như thế rồi! Nếu cả ba ở trong tình trạng hoàn hảo thì thật chưa chắc gì ta đã làm gì được họ! Sở dĩ phe ta chiếm được ưu thế là nhờ cậy vào số đông tuyển lựa toàn những cao thủ hạng nhất của triều đình, lại có được đủ điều kiện thuận lợi. Văn-Thái-Lai là tứ đương-gia của Hồng Hoa Hội thì chẳng nói làm gì. Ít nhiều danh hiệu và thành tích của hắn, ta đã nghe qua. Cho dù tài nghệ hắn không bằng ta nhưng quả là một cao thủ lợi hại, hiếm có trên giang hồ. Còn như nàng thiếu-phụ diễm lệ và chàng công tử trẻ tuổi kia ta chưa hề biết đến mà sao lại có được bản lãnh tuyệt vời đến như thế? Hai người này đương nhiên chỉ là những nhân vật tầm thường trong Hồng Hoa Hội thôi thế mà bao nhiêu thủ hạ của ta, đều là những người có máu mặt, có tên tuổi lừng lẫy trên giang hồ vậy mà hợp lực đánh mãi vẫn không thắng nổi. Trừ ta ra, có thể nói tất cả đám tùy tùng của ta không ai sánh nổi với ba người kia! Chả trách là bao nhiêu cao thủ trước đây mới lãnh chiếu chỉ đi truy lùng khâm-phạm, kẻ thì bị giết mất xác, người thì bị thương trí mạng, ôm cái nhục mà chạy dài cũng phải! Đây là một bài học nhắc nhở cho ta biết rằng chớ nên chủ quan như trước đây mà xem thường Hồng Hoa Hội, ắt có ngày mang họa vào thân!
Nhìn Dư-Ngư-Đồng xuất chiêu một hồi, Trương-Siêu-Trọng bỗng cau mày nghĩ thầm:
-Không ngờ chàng thanh-niên trẻ tuổi hào hoa phong nhã thế kia mà lại sử dụng ống sáo vàng một cách kỳ diệu với những chiêu thức biến ảo thần sầu đến như thế! Không biết hắn là ai, thuộc môn phái nào? Ta phải truy tầm cho rõ mới được.
Nghĩ đoạn, Trương-Siêu-Trọng liền để hết tâm trí quan sát Dư-Ngư-Đồng. Dưới ánh nắng, ống sáo vàng phản chiếu rực rỡ, khi thì giống một đoản kiếm, lúc lại như một ngọn thương, lại có khi được dùng như một phán quan bút để điểm huyệt nữa... Quan sát tỉ mỉ một hồi, Trương-Siêu-Trọng bỗng giật mình vì phát hiện được Dư-Ngư-Đồng đang sử dụng Nhu-Vân Kiếm-Thuật, một tuyệt kỹ của phái Võ-Đang.
Nhu-Vân Kiếm-Thuật nổi tiếng là ⬘đệ nhất kiếm pháp⬙ trên giang hồ, không gì sánh nổi, kể cả Thanh-Thành Kiếm-Pháp. Nhu-Vân Kiếm-Thuật không những không truyền cho người ngoài, mà ngay cả chính trong môn phái Võ-Đang cũng chỉ truyền cho những cao đồ luyện được đến mức ⬘lô hỏa tuyệt luân⬙ mà thôi. Sư-phụ của Trương-Siêu-Trọng năm xưa chỉ truyền lại cho chính ông ta cùng đại sư huynh Mã-Chân và nhị sư huynh Lục-Phỉ-Thanh chứ không truyền cho các đệ tử khác.
Hơn 20 năm đi lại trên giang hồ, Trương-Siêu-Trọng không truyền tuyệt kỹ này lại cho bất cứ một đệ tử nào, mà cũng chưa thấy ai sử dụng nó ngoài hai sư huynh trong phái Võ-Đang của mình. Chỉ mới cách đây mấy ngày, ông gặp một ⬘gã thanh niên⬙ sử dụng Nhu-Vân Kiếm-Thuật, hỏi hắn thì hắn nhận là đồ đệ của sư huynh Mã-Chân của ông ta. Bảo hắn dùng lễ sư điệt mà ra mắt thì hắn đã chẳng chịu nghe còn quấy phá chọc ông ta nhiều phen đến điên cả đầu!
Giờ đây, Trương-Siêu-Trọng lại được chứng kiến thêm một người sử dụng Nhu-Vân Kiếm-Thuật. Căn cứ vào lối sử dụng của cả hai người, Trương-Siêu-Trọng biết chắc chắn rằng cả hai đều được chân truyền chứ không phải là học lóm. Và như thế có nghĩa là cả hai người nếu không phải là đệ tử của đại sư huynh Mã-Chân thì là đệ tử của nhị sư huynh Lục-Phỉ-Thanh mà thôi chứ không chạy vào đâu được! Mà hai người đã là đệ tử của một trong hai sư huynh mình thì đương nhiên là sư điệt phải gọi ông ta là sư thúc rồi, không còn gì để chối cãi nữa! Ấy vậy mà không hiểu sao cả hai người đều ra mặt chống đối với ông ta mãi! Ông là vai sư thúc, nhưng hai người kia đã không nể mặt thì chớ, lại còn căm thù và vô lễ với ông ta là nghĩa làm sao?
Nhìn Dư-Ngư-Đồng dùng ống sáo vàng sử dụng Nhu-Vân Kiếm-Thuật, Trương-Siêu-Trọng bỗng nhớ lại lời sư phụ năm xưa dặn riêng với ông ta cùng hai vị sư huynh rằng:
-Ba con không được đem Nhu-Vân Kiếm-Thuật mà truyền lại cho bất cứ một người nào nếu người ấy không phải là đệ tử chịu tuyên thệ trọn đời trung thành với phái Võ-Đang của chúng ta, bất luận đó là người chí thân hay là người mà các con chịu hàm ân nặng đi chăng nữa! Tuyệt kỹ này chỉ có thể truyền cho người nào có trìng độ cao, suốt đời tận tụy, vì môn phái có thể hy sinh tất cả tiền tài danh vọng, thậm chí đến cả mạng sống của mình nữa. Tình cảm không thể nào chi phối kỷ luật và tôn chỉ của môn phái được. Sư-phụ chờ đến hôm nay mới truyền lại cho ba con là vì các con đã qua cơn trui mài và thử thách kỹ, và ba con đã bằng lòng tuyên thệ sẽ trung thành và sẵn sàng hy sinh cho môn phái. Truyền xong môn Nhu-Vân Kiếm-Thuật này tức là thầy đã dạy tất cả học nghệ của thầy lại cho các con rồi mà không giữ lại bất cứ một chiêu nào cả.
Trương-Siêu-Trọng lẩm bẩm một mình:
-"Lời sư-phụ dặn vẫn còn rành rành trong trí của ta. Chẳng hiểu Mã đại sư huynh còn nhớ chăng? Ta tin chắc đại sư huynh nhớ rất kỹ và không khinh xuất bạ ai cũng dạy đâu. Nếu cả hai người trẻ ấy là học trò cưng của Mã đại sư huynh thì chắc chắc cả hai đã lập lời trọng thệ trung thành tuyệt đối với phái Võ-Đang ta rồi thì trước sau cũng phải nhìn nhận ta là sư thúc. Nhưng ta chỉ lo Lục nhị sư huynh mà thôi. Y đã đoạn tình đồng môn với ta, thì cũng rất có thể xem thường lời thầy dặn mà phản bội môn phái để đi theo đường hướng của mình. Trường hợp như thế thì..."
Trương-Siêu-Trọng đang nghĩ vơ vẩn thì chợt nhìn thấy Dư-Ngư-Đồng thi triển một chiêu trong Nhu-Vân Kiếm-Thuật đánh hạ một cao thủ của mình. Trương-Siêu-Trọng bất giác phải giật mình. Ngoài ông ta và hai sư huynh đồng môn ra, theo ông được biết thì không có một đệ tử Võ-Đang nào biết sử dụng tuyệt kỹ của môn phái đến bậc này. Mới từng ấy tuổi mà chàng thư sinh kia đã luyện được Nhu-Vân Kiếm-Thuật đến mứ ⬘lô hỏa tuyệt hồng⬙! Nếu cứ theo đà này mà phát triển thì một ngày nào đó, tài nghệ chàng thư-sinh này sẽ vượt qua tất cả các trưởng bối Võ-Đang hiện tại.
Trương-Siêu-Trọng định lên tiếng hỏi xem Dư-Ngư-Đồng là đệ tử của vị sư huynh nào của mình thì lại thấy chàng phối hợp Nhu-Vân Kiếm-Thuật của Võ-Đang với Bạch-Vân Thương Cẩu của phái Không-Động thành một chiêu thế vô cùng bí hiểm mà chỉ có những cao thủ thượng thặng trên giang hồ mới có khả năng làm được mà thôi. Trương-Siêu-Trọng không dằn được, phải cất lên tiếng khen:
-Hảo chiêu!
Khen xong, Trương-Siêu-Trọng lại chăm chú quan sát từng cử động nhỏ một của Dư-Ngư-Đồng. Bản lãnh chàng trai trẻ tuổi giống thư sinh hơn là dũng sĩ kia thật là vượt ngoài sức tưởng tượng của viên Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân!
Dư-Ngư-Đồng lúc ấy đánh bạt dần đám người kia dang ra xa. Thành-Khoán bị chàng dùng ống sáo vàng điểm huyệt vào ngay hông; Đoàn-Đại-Lân bị điểm trúng ngay bắp chân; và Ngân-Bá-Càn bị điểm vào ngay cánh tay. Thủ pháp của Dư-Ngư-Đồng quá lẹ làng và thần tốc khiến ba cao thủ không biết đâu mà lường nổi, lần lượt bị hã từng người một. Những cao thủ khác vì quá sợ nên chỉ vừa chống đỡ vừa thối lui dần đến trước nỗi có vài người suýt ngã xuống hầm.
Trương-Siêu-Trọng thấy đã đến lúc chính mình phải ra tay nên tuốt thanh bảo kiếm ra xông tới đứng trước ba cao thủ vừa thọ thương dưới tay Dư-Ngư-Đồng. Trương-Siêu-Trọng định dùng Nhu-Vân Kiếm-Thuật đấu với Dư-Ngư-Đồng, nhưng mũi kiếm của ông ta vừa đâm tới, Dư-Ngư-Đồng đã nhảy vụt một cái xuống dưới hầm.
Chuyện xảy ra quá đột ngột làm cho tất cả mọi người phải chưng hửng, không hiểu thế nào đâu ra đâu cả! Nhưng điều làm mọi người kinh ngạc hơn cả là rõ ràng không phải Dư-Ngư-Đồng vì thất thế mà nhảy xuống dưới hầm trốn. Chàng đang thắng thế, áp đảo được các thủ hạ của Trương-Siêu-Trọng, lại đả thương liên tiếp ba cao thủ và làm cho những người khác phải điêu đứng. Nếu bảo rằng Dư-Ngư-Đồng vì giao chiến đã lâu nên có phần mệt mỏi phải nghỉ tay thì lại càng vô lý. Lạc-Băng đã bị ngã xuống dưới hầm, loại ra khỏi vòng chiến. Đây là lúc Văn-Thái-Lai cần Dư-Ngư-Đồng hơn bao giờ hết. Mà con người của Dư-Ngư-Đồng như tất cả đã biết qua là người trượng nghĩa chứ không phải phường ⬘giá áo túi cơm⬙ tham sống sợ chết, gặp nguy hiểm thì một mình trốn chạy. Khi nãy, nhảy lên trợ lực Văn-Thái-Lai là do chàng tự ý, bây giờ nhảy xuống hầm cũng không phải do ai hay bị ai bắt buộc.
Số là Dư-Ngư-Đồng trong khi đang kịch chiến với đám cao thủ triều đình vẫn luôn luôn để ý đến Văn-Thái-Lai và Lạc-Băng. Thấy hai người giữ được thế quân bình, chàng cũng hơi yên tâm mà tiếp tục giao phong. Nhưng khi nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng nhảy vào thì chàng biết rõ cán cân đã chênh lệch hẳn. Chàng định lên tiếng báo cho Lạc-Băng biết mà đề phòng vì rất có thể Trương-Siêu-Trọng dùng đến Phù-Dung châm thì thật là hết sức nguy hiểm cho tánh mạng của nàng. Nhưng ba cao thủ Thành-Khoán, Đoàn-Đại-Lân và Ngân-Bá-Càn tấn công ráo riết làm Dư-Ngư-Đồng bắt buộc phải cố sức mà chống đỡ chứ không làm gì hơn được. Chàng vừa đánh mà trong lòng lại rối như tơ vò, hết sức lo lắng cho Lạc-Băng. Đến khi Lạc-Băng bị Trương-Siêu-Trọng đánh văng xuống hầm, Dư-Ngư-Đồng đau lòng đến và tức giận đến mức ⬘nộ khí xung thiên⬙. Nhưng không ngờ trong cơn giận đó lại khiến cho chàng nảy sinh ra một luồng dũng khí lạ thường và có lẽ do bản năng sinh tồn thúc giục nên vô tình chàng tự nghĩ ra cách phối hợp Nhu-Vân Kiếm-Thuật của Võ-Đang và Bạch-Vân Thương-Cẩu của Không-Động. Nhờ lối đánh mới lạ đó mà Dư-Ngư-Đồng trong một lúc liên tiếp hạ được ba cao thủ thật nhanh chóng, đến luôn cả chàng cũng không ngờ tới. Hạ xong ba cao thủ, thay vì nhảy đến sát cánh với Văn-Thái-Lai thì Dư-Ngư-Đồng chẳng nói chẳng rằng nhảy ngay xuống hầm, có lẽ là để xem xét Lạc-Băng ra sao, có bị thương tích hay nguy hiểm đến tánh mạng hay không. Cũng trong lúc đó, Trương-Siêu-Trọng nhảy vào định quyết đấu với Dư-Ngư-Đồng một phen thì bóng chàng đã mất hút.
Trương-Siêu-Trọng cùng đồng bọn hết sức ngạc nhiên về hành động khác thường của Dư-Ngư-Đồng. Ít nhiều, ai ai cũng hiểu rằng theo luật của Hồng Hoa Hội thì người vai vế thấp khi gặp lúc sinh tử luôn luôn có nhiệm vụ phải bảo vệ cho người vai vế trên mình, cho dù phải hy sinh cả tánh mạng. Trong trường hợp này, cả Dư-Ngư-Đồng lẫn Lạc-Băng đều có trách nhiệm phải bảo vệ cho Văn-Thái-Lai đến cùng. Cho dù Lạc-Băng có bỏ mình dưới tay của Trương-Siêu-Trọng đi chăng nữa, Dư-Ngư-Đồng vẫn phải tiếp tục phải chiến đấu để bảo vệ cho Văn-Thái-Lai. Nếu nói rằng đây là bước đường cùng thì ai muốn giết Văn-Thái-Lai bắt buộc phải bước qua xác của Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng trước đã. Vì vậy, hành động của Dư-Ngư-Đồng như thế thật là trái ngược hẳn với kỷ-luật và đạo-nghĩa của Hồng Hoa Hội...
Chân của Dư-Ngư-Đồng vừa chạm xuống đật dưới đáy hầm thì Lạc-Băng cũng vừa tỉnh lại, đang lồm cồm gượng ngồi dậy dù các vết thương hành nàng dữ dội, đau rần hết cả người. Dư-Ngư-Đồng mừng quá chạy lại đỡ Lạc-Băng vào người chàng đỡ dậy, miệng không ngớt hỏi thăm:
-Tứ tẩu có sao không? Có bị thương gì không? Em lo sợ quá! Nay thấy chị còn bảo toàn được tánh mạng thật em không còn gì vui hơn!
Dư-Ngư-Đồng không ngăn được nỗi cảm xúc, nước mắt của chàng nhỏ xuống như mưa lên trên hai gò má của Lạc-Băng trong lúc nàng ngước mặt lên nhìn vào đôi mắt chứa chan bao ý nghĩ của chàng. Nàng có vẻ thương hại Kim-Địch Tú Tài hơn là cảm kích chàng nên vừa dịu dàng đồng thời lại vừa nghiêm nghị nói:
-Chị chẳng làm sao cả. Em đừng lo cho chị! Mau lên mà tiếp sức, cứu nguy cho Văn tứ ca!
Dư-Ngư-Đồng nói:
-Em đỡ chị lên trên cùng quyết một trận cuối với chúng. Một là cứu được Văn tứ ca, hai là cùng chết chung với nhau... một chỗ!
Nói về Văn-Thái-Lai, từ lúc thấy vợ mình bị đánh văng xuống hầm thì uất khí nổi lên tận trời, hận mình không thể cứu kịp, mà cũng không biết nàng có bị thương hay không, sống chết ra sao cả. Chàng lồng lộn lên như một con thú dữ, dồn hết sức vào sợi dây thừng gặp đâu quất đấy, quyết giết chết đối phương không nương tình. Nếu không phải vì Trương-Siêu-Trọng dùng kiếm đỡ gạt sợi dây thừng của Văn-Thái-Lai ắt phải có ít nhất vài người mất mạng dưới những chiêu thức mạnh như vũ bão chứa đầy hận thù trong đó...
Khi Dư-Ngư-Đồng vừa đỡ Lạc-Băng lên đến miệng hầm thì Thành-Khoán trông thấy liền nhảy bổ đến giơ côn lên cao nhắm đầu Lạc-Băng toan đập xuống một cái thật mạnh. Thấy thế, Văn-Thái-Lai hét lớn một tiếng vung sợi dây thừng, dùng hết sức bình sinh quất một cái vào đầu Thành-Khoán. May cho Thành-Khoán là Trương-Siêu-Trọng kịp thời nhìn thấy nên xông đến dùng kiếm gạt được sợi dây thừng của Văn-Thái-Lai, cứu mạng cho Thành-Khoán.
Văn-Thái-Lai vẫn không chịu buông tha liền tung mình lên một cái, chớp mắt đã đứng ngay sau lưng của Thành-Khoán. Lẹ làng như ⬘điển quang hoá thạch⬙, Văn-Thái-Lai dùng ngón tay cứng như thép của chàng điểm mạnh vào hông của Thành-Khoán. Hành động của Văn-Thái-Lai thật là nhanh nhẹn, lại bất ngờ khiến cho Trương-Siêu-Trọng có muốn cứu cũng phải chậm đi một bước. Thành-Khoán sau khi bị điểm trúng thì toàn thân mềm nhũn ra ngã sụm xuống. Trong lúc ngã xuống, hắn đột nhiên dang hai tay ra ôm cứng lấy Văn-Thái-Lai tựa như người sắp chết đuốt vớ được cái phao.
Không để cho Thành-Khoán ôm mình, Văn-Thái-Lai ôm lấy toàn thân hắn giở hổng lên cao hét lớn lên một tiếng liệng hắn xuống hầm. Nhưng chẳng ngờ lúc đó chàng đã quá đuối sức nên thành ra chân đứng không vững. Vì vậy mà chưa buông được Thành-Khoán ra khỏi tay, Văn-Thái-Lai đã ngã bổ theo hắn, cả hai cùng rơi xuống địa huyệt.
Thành-Khoán bị Văn-Thái-Lai điểm trúng huyệt ⬘yêu trinh⬙ nên hết đường cựa quậy, toàn thân như một khúc gỗ, bị Văn-Thái-Lai rơi đè lên mình. Lúc đó Văn-Thái-Lai đã hoàn toàn kiệt sức nên nằm im trên người Thành-Khoán mà không nhúc nhích gì được nữa...
Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng trong lúc sắp sửa ra khỏi miệng hầm thì vừa vặn gặp lúc Thành-Khoán nhảy tới bổ xuống một côn nên đành phải thụp xuống lại dưới hầm để tránh né. Cả hai đang phân vân chưa biết phải làm gì kế tiếp thì nghe một tiến ⬘bịch⬙, như một vật gì to lớn từ trên ném xuống. Hai người lại tưởng là đám người Trương-Siêu-Trọng bắt đầu ném đá xuống với mục đích lấp hang chôn sống hai người nên hết sức hoang mang không biết phải dùng cách nào mà đối phó. Nhưng nhìn kỹ lại thì lại thấy hai khối thịt đang dính cứng vào nhau, mà người nằm trên là Văn-Thái-Lai.
Lạc-Băng mừng quýnh, vội vã chạy đến ôm Văn-Thái-Lai đỡ dậy. Nàng nhìn thấy mặt chàng không còn chút huyết sắc nào, mồ hôi thì tuôn ướt đẫm hết cả người, nhưng đôi mắt vẫn long lanh nhìn nàng đắm đuối đầy vẻ yêu thương và trên miệng nở một nụ cười miễn cưỡng.
Lạc-Băng khổ sở đến cực độ. Nàng cố gượng đỡ Văn-Thái-Lai đứng thẳng người lên. Chân nàng cũng còn đang bị thương, trong người thì đau nhức không thể nào tả nổi. Thật đúng là ⬘người bệnh lo cho người hoạn⬙! Văn-Thái-Lai chợt ⬘hự⬙ một tiếng, từ cổ chàng hộc ra một búng máu tươi. Lạc-Băng lấy tay bụm miệng chàng lại, nhưng vẫn không ngăn được máu nhiễu xuống làm đỏ sẫm cả áo từ cổ đến bụng. Dư-Ngư-Đồng thấy cuộc chiến chẳng thể nào còn tiếp diễn được nữa bèn hướng lên phía miệng hầm gọi lớn:
-Bớ Trương-Siêu-Trọng! Mau biểu nhượng chỗ cho chúng ta lên!
Trương-Siêu-Trọng đã được chính mắt trông thấy võ nghệ của Dư-Ngư-Đồng là ⬘Võ-Đang chân truyền⬙, đã giao thủ với ⬘nữ anh hào⬙ Lạc-Băng, lại thấy Văn-Thái-Lai dù bị thương nặng mà dũng cảm chiến đấu ác liệt với đám thủ hạ của mình nên có ý phục tài thương tiếc cả ba chứ không nỡ làm hại tánh mạng một người nào cả.
Thật ra Trương-Siêu-Trọng từ đầu đã không có ý định giết hại người nào rồi. Vì vậy ông ta chỉ nghĩ cách phá thế trận liên thủ của ba người bằng cách đánh Lạc-Băng ngã xuống dưới hầm. Còn Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng thì Trương-Siêu-Trọng để mặc cho hai người so tài với đám bộ hạ. Chỉ có lúc nguy cấp mới nhảy vào cứu người của bên mình thôi chứ hoàn toàn không ra tay đả thương Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng. Nếu Trương-Siêu-Trọng khôn nương tay e rằng cả ba đã không còn được toàn tánh mạng. Nhưng chính Trương-Siêu-Trọng cũng không ngờ rằng Văn-Thái-Lai lợi hại đến mức đã kiệt sức mà còn điểm huyệt được Thành-Khoán trước mặt mình mà đích thân ông ta không ra tay cứu kịp để ngăn cản.
Hiện tại, Thành-Khoán lại lọt vào trong tay đối phương thành thủ Trương-Siêu-Trọng nằm trong thế ⬘giận quạ sợ hư mái nhà⬙ (#4) nên khi nghe Dư-Ngư-Đồng gọi vậy thì Trương-Siêu-Trọng lập tức tránh ra xa miệng để nhường đường cho mấy người Hồng Hoa Hội. Nhưng rút kinh nghiệm, lần này Trương-Siêu-Trọng cầm sẵn bảo kiếm đứng gần miệng hầm để phòng bất trắc có thể xảy ra như lần trước...
Người đầu tiên bước lên là Thành-Khoán, vừa đi vừa nhăn nhó, nhưng có lẽ đã được Văn-Thái-Lai giải huyệt cho nên có lẽ không còn nguy hiểm tới tánh mạng nữa. Theo sát Thành-Khoán là Lạc-Băng, một tay nắm vạt áo và một tay dí đao vào ngay hậu tậm của y. Kế đến là Dư-Ngư-Đồng, một tay đỡ Lạc-Băng phía trước còn một tay dìu Văn-Thái-Lai đang cố sức khệnh khạng lết đi từng bước ở phía sau.
Vừa ra khỏi miệng hầm, Lạc-Băng nhìn đám người đăm đăm, nói như ra lệnh:
-Các người nghe ta nói đây. Bất luận kẻ nào động đến một cọng lông chân của bọn ta, tên này lập tức về chầu Diêm-Vương ngay!
Lời nói của Lạc-Băng có mãnh lực dị thường, mang nặng sát khí khiến đám người Trương-Siêu-Trọng nghe mà phải rợn tóc gáy. Ai nấy đều im lặng mà nhìn chứ không dám rục rịch hay tỏ một hành động khiêu khích nào.

Trương-Siêu-Trọng thấy mũi đoản đao của Lạc-Băng dí sát vào hậu tâm như chỉ chực đâm chết hắn và đôi mắt của Văn-Thái-Lai thì cứ long lên sòng sọc nhìn tả hữu, trước sau nên cũng đâm ra dè dặt mà không dám vọng động.
Dưới sự chỉ huy của Trương-Siêu-Trọng, ba người đưa Thành-Khoán đi đến đâu, đám đông vẹt ra tới đó để nhường đường cho họ đi cho an toàn và thoải mái. Cứ như thế, chẳng bao lâu, Thành-Khoán theo sự chỉ định của Lạc-Băng đã dẫn họ ra khỏi hoa-viên của Thiết-Đảm-Trang mà không chút gì trở ngại.
Ra khỏi hoa-viên, Lạc-Băng nhìn thấy ba con tuấn mã với yên cương sẵn sàng đang cột chặt dưới gốc cây dương liễu. Nữ-hiệp Hồng Hoa Hội liền nảy ra một sáng kiến, trong lòng hết sức vui mừng vì không ngờ trong lúc đường cùng mạt lộ lại có được cơ hội thoát hiểm.
Ba con ngựa này sự thật không phải là của ba đương-gia Hồng Hoa Hội hay của Thiết-Đảm-Trang mà là của Ngô-Quốc-Đống và hai tên bổ khoái sau khi nhận lệnh Trương-Siêu-Trọng phong tỏa Thiết-Đàm-Trang nên cỡi ngựa thật lẹ ra phía sau hoa-viên, tạm cột vào gốc cây ở đó.
Trương-Siêu-Trọng tuy không ngăn được đám người Hồng Hoa Hội đi ra ngõ sau hoa viên nhưng vẫn đi theo bén gót để tùy cơ ứng biến. Trương-Siêu-Trọng là người tinh tế đoán biết được ngay dụng ý của Lạc-Băng khi thấy nét mặt u sầu của nàng bỗng tươi hẳn lên khi nhìn thấy ba con tuấn mã cột dưới gốc cây dương liễu. Hẳn Lạc-Băng nghĩ rằng chỉ cần ba người leo lên lưng ba con tuấn mã là có thể cao bay xa chạy được rồi.
Thấy khâm-phạm trước mặt như sắp sửa vuột mất, mắt của Trương-Siêu-Trọng bỗng trợn lên. Ông ta nghĩ thầm:
-Thành-Khoán sống hay chết thì có quan-hệ chi tới nhiệm-vụ Hoàng-Thượng giao phó cho ta? So với những bí mật mà Văn-Thái-Lai nắm giữ để về báo lại cho Thiếu-Đà-Chủ (#5) thì một tánh mạng của Thành-Khoán có nghĩa lý gì chứ? Ta phụng mệnh vua đem không biết bao nhiêu là cao thủ đi theo là để bắt sống Văn-Thái-Lai trước khi hắn trở về tổng hành-dinh Hồng Hoa Hội, chứ có phải để bảo vệ sinh mạng cho đám tùy tùng đâu? Đừng nói là một Thành-Khoán, nếu phải hy sinh thêm dăm bảy mạng nữa chắc Hoàng-Thượng cũng không trách ta đâu. Vả lại, cũng đã có quá nhiêu là cao thủ đã phải hy sinh vì công tác này rôi. Từ lúc ra khỏi thâm cung, Văn-Thái-Lai đã giết không biết bao nhiêu là cao thủ của triều đình rồi! Bản lãnh hắn cao cường như thế, nếu để hắn chạy thoát thì còn bao nhiêu cao thủ triều đình sẽ phải gục dưới tay hắn nữa? Tóm lại, nếu không dám mạo hiểm thì không thể nào bắt được hắn. Thế thì việc bắt sống Văn-Thái-Lai là đại sự, tất cả những cái khác chỉ là tiểu tiết mà thôi! Hơn nữa, nếu bắt được Văn-Thái-Lai ắt ta lập được công lớn. Nếu vua có trách rằng tại sao phải hy sinh nhiều cao thủ thì đã có Thân-Vương Phúc-An-Khang biện bạch cho ta, lo gì! Vả lại từ đây mà giải Văn-Thái-Lai về Bắc-Kinh thì ai dám chắc là không còn những khó khăn nguy hiểm khác? Nếu cứ giằng co tốn thì giờ mãi thì rốt cuộc chỉ tạo kế hoãn binh cho Văn-Thái-Lai để cho các đồng bọn của hắn trong Hồng Hoa Hội đến cứu hắn mà thôi.
Sau khi suy nghĩ chín chắn, đắn đo lợi hại, Trương-Siêu-Trọng không còn do dự nữa, quyết tâm thi hành theo kế hoạch của mình. Sau đó Trương-Siêu-Trọng lấy ra sợi dây thừng nhặt được từ tay Văn-Thái-Lai vứt bỏ lúc điểm huyệt Thành-Khoán.
Thừa lúc các đương-gia Hồng Hoa Hội đang lo tháo dây cương cột ngựa ở gốc cây nên lơ là không để ý vì tin chắc có Thành-Khoán làm con tin trong tay, Trương-Siêu-Trọng vận công, cầm sợi dây thừng tung ra như ⬘hỏa long uốn khúc⬙. Chỉ nháy mắt một cái, toàn thân Văn-Thái-Lai đã bị sợi dây thừng ấy cuốn quanh mình trói lại chẳng khác bị một con trăn xiết chặt. Sau đó, Trương-Siêu-Trọng khẽ giật cái dây thừng một cái, lập tức Văn-Thái-Lai vuột khỏi tay Dư-Ngư-Đồng và bay lại phía ông ta tựa như voi bẻ mía trong bụi kéo ra trước khi đưa lên mồm. Các vết thương của Văn-Thái-Lai lại bị động, máu tươi lại tuôn ra đầm đề, đau đớn chịu không nổi kêu lên một tiếng thất thanh.
Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp nhoáng, chỉ không đầy một tích tắc, Lạc-Băng vừa chứng kiến cảnh chồng bị Trương-Siêu-Trọng dùng thủ pháp thần sầu bắt dính, lại phải nhìn thấy chàng đau đớn thổ huyết nên tinh thần nàng bấn loạn. Điên tiết lên, Lạc-Băng liền đâm mạnh lưỡi đao một nhát vào hậu tâm Thành-Khoán khiến hắn chỉ kịp rống lên một tiếng thảm thiết rồi ngã xuốngchết tươi. Giết Thành-Khoán xong, Lạc-Băng quát lên một tiếng cầm đao nhảy xổ lại định liều mạng với Trương-Siêu-Trọng một phen. Chẳng ngờ vết thương ở gót chân nàng lại bị chấn động dữ dội khiến cho nàng đau quá không gượng được ngã quỵ xuống đất.
Thấy vợ định liều thân vì mình, lòng Văn-Thái-Lai xót xa vô cùng. Chàng hoảng hốt kêu lớn:
-Đừng lo cho anh! Mau chạy đi!
Lạc-Băng không nghe, chống tay xuống đất lồm cồm ngồi dậy. Nhưng vừa định đứng lên thì lại ngã xuống đất thêm một lần nữa. Thấy không xong, Lạc-Băng bèn nói lớn trả lời Văn-Thái-Lai:
-Không! Chẳng thà là em cùng chết với anh tại đây!
Văn-Thái-Lai bỗng trở nên giận dữ trợn ngược cả hai mắt lên, hét như sấm:
-Em định cãi lời anh à? Em đã hứa với anh như thế nào mà chưa chi đã vội quên rồi hả?
Văn-Thái-Lai lại hộc ra thêm một búng máu tươi rồi ngã lăn xuống đất khiến Lạc-Băng càng thêm đau lòng. Nàng vội vã nói:
-Thôi! Thôi! Em nghe lời anh đây! Em không thất hứa đâu!
Trương-Siêu-Trọng liền sai bọn Đoàn-Đại-Lân, Ngân-Bá-Càn cùng sáu, bảy tên bộ hạ khác lại đỡ Văn-Thái-Lai dậy, lại cẩn thận dặn dò, cấm không cho ai làm cho chàng đau mà phải hết lòng tận tâm bảo vệ chàng.
Trong lúc mọi người chỉ quan tâm để ý đến Văn-Thái-Lai thì Dư-Ngư-Đồng vọt một cái đến gần Lạc-Băng, đỡ nàng dậy rồi kề vai cõng nàng trên lưng chạy thẳng một mạch ra khỏi Thiết-Đảm-Trang.
Một tên bổ-đầu giữ trách nhiệm canh gác liền hươi cây thiết kích đánh xuống vai Dư-Ngư-Đồng chặn đầu chàng lại. Dư-Ngư-Đồng tránh né được ngọn kích dễ dàng, sau đó bồi cho hắn một cước mạnh như vũ bão. Ngọn cước của Dư-Ngư-Đồng vừa nhanh vừa mạnh lại vừa độc khiến tên bổ-đầu không sao tránh nổi, lãnh trọn cước ấy ngã bổ ngửa ra đàng sau, đầu đập xuống nền đá nằm bất tỉnh nhân sự. Một tên bổ-khoái khác vừa chạy đến thì sẵn đà, Dư-Ngư-Đồng dùng thế ⬘Đoạt-Mệnh-Cước⬙ đá cho hắn một cái ngay văng ra xa bảy tám thước nằm yên bất động.
Hạ xong hai tên bộ hạ của Trương-Siêu-Trọng, Dư-Ngư-Đồng tiếp tục cõng Lạc-Băng nhắm đường chạy thẳng mà không biết là đi đâu. Lạc-Băng lúc ấy đã hoàn toàn bất tỉnh, tựa như một cái xác không hồn. Nàng bị dao động quá mạnh về cả hai mặt tâm thần lẫn thể xác. Vết thương chưa lành bị động mạnh là cái đau đớn cho thể xác. Thấy chồng bị bắt mà không làm gì được là cái đau đớn về tâm thần. Do đó mà Lạc-Băng đau đớn quá đến nỗi ngất đi, mặc cho ai làm gì thì làm, thân phận mình muốn về đâu thì về. Vì thế mà Dư-Ngư-Đồng cõng nàng chạy như bay mà nàng cũng chẳng còn biết gì nữa.
Rất may cho Dư-Ngư-Đồng là Trương-Siêu-Trọng vì thấy chàng cõng Lạc-Băng trên lưng nên ỷ y, nghĩ rằng chỉ cần hai tên thủ hạ là đủ đối phó với chàng rồi nên không cho thêm người đến tiếp viện. Vì vậy sau khi hạ xong hai tên, Dư-Ngư-Đồng không còn gặp ai cản đường mình nữa...
Chạy quanh một lúc, Dư-Ngư-Đồng không hiểu sao mà cánh cửa sau của hoa-viên trong Thiết-Đảm-Trang cứ hiện ra mãi trước mắt mình! Suy nghĩ một hồi, Dư-Ngư-Đồng mới khám phá ra là trong lúc vì quá luýnh quýnh, chàng không chạy ra vòng ngoài mà cứ chạy mãi vòng trong thành ra giống như người lọt vào ⬘Bát-Quái-Trận⬙ của Khổng-Minh nên chạy hoài mà vẫn không tìm được đường ra. Lúc đó Dư-Ngư-Đồng đã quá sức mỏi mệt. Chàng thầm nghĩ nếu không thoát được ắt thế nào cũng bị Trương-Siêu-Trọng bắt cả Lạc-Băng lẫn thân mình mà giải về kinh một lượt chung với Văn-Thái-Lai. Dư-Ngư-Đồng nhận thấy mình cần phải có một mưu kế nào hữu hiệu hơn mà dùng để thoát thân. Chàng chợt nhớ đến ba con ngựa cột dưới gốc liễu. Giả sử nếu Trương-Siêu-Trọng chậm ra tay một chút thì có lẽ giờ này vợ chồng Văn-Thái-Lai và chàng được thoát hiểm rồi. Dư-Ngư-Đồng nghĩ thầm:
-"Giờ đây, tuy Văn tứ ca đã bị bắt nhưng tại sao mình lại không nghĩ đến cách đó mà đào tẩu?"
Nghĩ đoạn, Dư-Ngư-Đồng mừng rỡ, cõng Lạc-Băng đến chỗ cây dương liễu nơi có ba con tuấn mã cột ở đó. Đặt Lạc-Băng lên lưng một con ngựa, Dư-Ngư-Đồng liền tháo dây cương cột vào thân cây. Chợt đâu có tiếng người chạy đến ⬘huỳnh huỵch⬙, Dư-Ngư-Đồng bèn lớn tiếng gọi Lạc-Băng:
-Tẩu tẩu, mau phóng phi đao!
Nghe Dư-Ngư-Đồng gọi, Lạc-Băng mới giật mình tỉnh dậy. Nàng liền rút ra ba mũi phi đao ⬘châu mai⬙ nhắm vào người đang chạy tới mà phóng liền mấy cái vào mấy người đang chạy đến.
Từng tiếng một kêu lên thảm thiết. Mũi phi đao châu mai ghim ngay yết hầu một tên bổ khoái khiến hắn ngã ngửa. Một tên khác bị phi đao ghim ngay giữa trán trông giống như con thú một sừng. Ngân-Bá-Càn né kịp, không bị ghim vào chỗ hiểm nhưng cũng bị trúng ngay bả vai đau nhức vô cùng. Hai tên bổ khoái khác do Ngân-Bá-Càn chỉ huy được lệnh Trương-Siêu-Trọng đuổi theo bắt nốt hai đương-gia Hồng Hoa Hội còn lại nhưng cũng lại bị Lạc-Băng phóng nên phải tìm chỗ núp chứ không dám lại gần.
Dư-Ngư-Đồng để Lạc-Băng cỡi một con ngựa. Chàng cũng cỡi một con. Con còn lại chàng chàng cũng mở dây dắt theo. Khi đến trước cánh cửa sau vường hoa, Dư-Ngư-Đồng kéo thẳng đầu con ngựa không người cỡi ấy hướng ngay vào chính giữa cửa. Sẵn ống sáo vàng, chàng đưa lên miệng, nhắm vào giữa trán ngựa thổi một hơi dài. Hai mũi phi tiêu trong sáo bay ra cắm ngay vào giữa trán ngựa. Con vật đau quá nhảy chồm lên đá loạn xạ vào đám người của Trương-Siêu-Trọng đang từ trong vườn hoa kéo ra. Vì không đề phòng trước cho nên dù tài giỏi đến đâu cũng không làm sao tránh kịp. Người thì đông mà cánh cửa lại hẹp nên đám người không làm sao tránh né kịp, bị con ngựa như điên cuồng đá cho kẻ thì u đầu sứt trán, người thì ngã lăn bò càng ra, nằm chồng lên nhau một đống. Ai nấy ít nhiều đều bị thương nặng nhẹ. Lợi dụng thời cơ hỗn loạn ấy, Dư-Ngư-Đồng cùng Lạc-Băng phóng ngựa phi như tên bay mà thoát thân.
Ra khỏi Thiết-Đảm-Trang, Dư-Ngư-Đồng và Lạc-Băng cùng nhắm hướng An-Tây mà chạy không ngừng, thoáng một cái đã qua được sáu, bảy dặm đường.
Quay lại nhìn kỹ phía sau không thấy bóng ngựa nào truy kích (#6), hai người mới cảm thấy hơi yên tâm. Lạc-Băng bèn đề nghị với Dư-Ngư-Đồng cho ngựa chạy chậm lại vì nàng đã quá mệt mỏi và đuối sức rồi.
Dư-Ngư-Đồng chiều theo ý Lạc-Băng, nhưng chỉ cho ngựa chạy chậm lại thôi chứ không dám dừng ngựa lại mà nghỉ vì chàng nghĩ chưa chắc gì bọn người đã chịu buông tha mà không đuổi theo.
Đi thêm được chừng ba, bốn dặm đường nữa, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng chợt phát hiện ra có bốn kỵ-mã đang phi tới như giông, cát bụi đàng sau tung lên mịt mù...
Chú thích:
(1-) Nhạc-phụ: bố vợ, ý Văn-Thái-Lai muốn nói đến Lạc-Nguyên-Thông, cha của Lạc-Băng.
(2-) Tập cái dài không tập cái ngắn, tập cái cứng không tập cái mềm.
(3-) Trong bản dịch ghi là "Lạc tẩu tẩu". Cách xưng hô như thế thật không đúng. Vì vậy xin sửa lại thành "Văn tẩu tẩu" cho chính xác. Nếu đã dùng họ Lạc để gọi thì phải gọi là "Lạc sư-tỷ" hay "Lạc sư-muội" tùy vào vai vế của Lạc-Băng đối với Dư-Ngư-Đồng thế nào trong Hồng Hoa Hội.
(4-) Nguyên văn: "Ái ốc cập ô"; một câu khác nghĩa tương tự có thể thay thế được là "Đầu thử kỵ khí" (liệng chuột sợ bể đồ).
(5-) Lúc này Trương-Siêu-Trọng chưa biết Trần-Gia-Cách đã thành Tổng-Đà-Chủ.
(6-) Truy kích: đuổi theo.


Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK