Hôm đó ông cậu (em trai của bà nội) tới chơi. Bà nội ở với chú út nên đáng lý ra nhà chú út phải làm cơm. Nhưng vì thím mới đẻ, nên ông cậu được mời tới nhà Chi Nga.
Sau khi ăn uống dọn dẹp xong, thấy ông bà nội nói chuyện với ông cậu. Chủ đề hình như là vay tiền gì đó. Mẹ muốn tránh đi nên xin phép đi tới nhà cô Triển vì nghe nói cô ấy muốn cho Chi Nga đi thi học sinh giỏi. Ba mẹ con dắt tay nhau đi. Ở nhà cô Triển chơi vui quá nên tới hơn chín giờ ba mẹ con mới về. Về đến nhà thì thấy ông cậu về rồi nhưng bà nội còn chưa về. Vừa nhìn thấy mẹ bà đã lườm nguýt cất giọng mắng chửi.
“Nhà mày học hành đàng hoàng nên mày coi khinh anh em nhà tao hả? Người nhà tao đến chơi chồng mày không có ở nhà thì mày phải ở nhà mà tiếp, đi đâu mất mặt đến bây giờ mới về?”
Bên nhà mẹ có ba chị em gái, nhưng đều học hành đàng hoàng và đi làm cô giáo. Còn bên nhà bố có ba anh em trai, chỉ có bố là học xong trung cấp sau đó học hàm thụ làm kỹ sư, còn mấy người con trai con dâu thì thuần nông hết. Chú út cũng được bà cho thi đại học nhưng ba lần đều trượt, đến trung cấp với học nghề cũng không đỗ nên phải ở nhà. Còn chú hai thì đúp bốn lần lớp năm nên nghỉ học từ lúc đó, bằng tiểu học cũng không lấy được. Trong lòng bà nội lúc nào cũng canh cánh sợ bị nhà con dâu khinh thường cho nên trong ba cô con dâu, tính tình mẹ tốt nhất mà vẫn bị ghét.
Thấy mẹ cúi đầu không nói gì, bà nội lại càng mắng xối xả. Đến mức cao trào bà nói:
“Oan ức lắm à? Mày tưởng mày cao giá lắm sao? Giáo với ướt, cả làng này chửi mày chửa hoang, thằng Kha không phải con nhà này…”
Mẹ đang im lặng nghe mắng tới đây thì chợt giật mình hốt hoảng, cuống quýt đưa tay bịt chặt tai anh trai lại. Chi Nga nhìn thấy ánh mắt mẹ nhìn bà nội khi đó tràn ngập căm giận. Bà nội bắt gặp ánh mắt áy thì chột dạ nên im bặt miệng. Ông nội ném cái chén đang uống dở xuống đất kêu “choang” một tiếng, quát:
“Bà cút về ngay đi!”
Sở dĩ bà nội mắng mẹ như vậy là cũng có lí do. Mẹ và bố quen nhau khi cả hai đang công tác trên Hòa Bình. Khi mẹ và bố cưới nhau cả hai nghèo vô cùng, muốn tiết kiệm tiền cho cả đôi bên nên nói dối với ở nhà là đã làm đám cưới trên cơ quan và nói dối ở cơ quan là làm đám cưới ở nhà. Cả hai chỉ đi đăng ký rồi dọn về ở với nhau.
Mấy tháng sau, cả hai nhà biết chuyện. Bố với mẹ đều là con cả, ông bà hai bên đều muốn được cưới hỏi đàng hoàng nên bắt tổ chức. Lúc đó mẹ đã mang thai anh Kha được ba tháng rồi. Khi đẻ, mẹ chuyển từ Hòa Bình về nhà. Người làng đâu biết câu chuyện ở giữa, chỉ biết con dâu bà Thuận mới lấy về chưa được sáu tháng đã đẻ.
Bà ngoại lại làm nghề xem tướng, xem phong thủy, từ thời trẻ đã đi khắp nơi. Mẹ Chi Nga và hai người dì cũng không cùng bố, chuyện này ở cái thời đại con người ta chưa đi ra khỏi lũy tre làng thì đồi bại đến mức nào? Nếu không phải bố mẹ quen nhau trên Hòa Bình rồi về ở với nhau thì bà nội hẳn sẽ không để con trai bảo bối của bà lấy một người có bà mẹ không đoan chính như mẹ.
Khi biết lời đồn thổi, bố lại không ở nhà, mẹ đã khóc lóc gọi cả họ đến, chìa giấy đăng kí kết hôn ra cho mọi người so ngày tháng. Chú út, chú hai, và ông nội đều động viên mẹ. Họ nói ai mà nói linh tinh họ đánh chết. Mọi chuyện tưởng dừng ở đấy. Khổ cái anh Kha lớn lên lại giống mẹ chứ không có khuôn mặt cùng một khuôn đúc ra với bố như Chi Nga. Thế nên thỉnh thoảng bà nội bực mình lại lôi chuyện này ra mắng chửi mẹ. Nếu chỉ nói mẹ thôi thì đã đành, nhưng anh trai đã lớn, thông tin sai sự thực này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của anh như thế nào? Chính vì thế mà mẹ mới nhìn bà bằng ánh mắt căm tức. Nhưng môi mẹ vẫn mím chặt, một câu cãi lại cũng không có.
Bà nội về rồi nhưng mẹ vẫn cúi đầu thật thấp, tay vẫn bịt chặt tai anh Kha. Chỉ sợ thả ra anh ấy sẽ nghe thấy những điều không nên nghe. Ông nội thở dài chỉ cái ghế gần đấy bảo mẹ ngồi.
“Ông cậu đến vay tiền, bầm* con mới biết chuyện hai vợ chồng con mua nhà trên thị trấn.”
*Bầm: cách gọi mẹ ngày trước.
Mẹ vội vàng ngẩng đầu lên vô cùng lúng túng nhìn ông nội.
“Bọn con, bọn con định…”
“Được rồi, chuyện như thế lần sau phải bàn với ông một tiếng. Hôm nay ông nghe cũng giật cả mình, không trách được bà ấy lại giận thế.”
Mẹ cúi đầu ấp úng nói dạ vâng. Mẹ với bố phải giấu giếm thế vì biết chuyện ông cậu đang thiếu nợ. Bà nội ngày xưa là con gái địa chủ, cuộc sống vô cùng tốt. Em trai bà được hưởng rất nhiều đất đai bố mẹ để lại, nhưng một phần vì ăn chơi, một phần vì thời thế thay đổi, địa chủ không được coi trọng nữa, sau cách mạng, đất đai bị thu hồi lại. Nhà ông cậu sống nhờ vào việc bán đồ tổ tiên tích cóp bao nhiêu năm. Quen với lối sống chỉ ăn mà không làm nên gia cảnh ngày càng lụi bại. Gần đây ông cậu còn bài bạc, thua rất nhiều tiền. Sợ rằng sẽ đến ăn vạ bà nội, bà nội có mỗi cậu em trai nên sẽ giúp. Mà bà nội lấy tiền đâu mà giúp, đương nhiên trách nhiệm ấy đẩy lên đầu bố mẹ Chi Nga. Thế nên bố mẹ bàn nhau dồn hết tiền mua nhà trên thị trấn tránh khỏi việc cầm tiền trong tay lại mềm lòng với bà nội mà cho vay. Vốn tưởng giấu tốt ai ngờ bị ông cậu thăm dò ra.
Bà nội biết chuyện đương nhiên tức giận. Con trai bà mang nặng đẻ đau, giờ có tiền không hiếu kính bà lại mua nhà mua cửa cho con hồ ly tinh đến ở.
Tối đó mẹ không cho anh Kha ngủ cùng ông, mẹ ôm chặt anh vào lòng như sợ anh chạy đi mất. Bên phía nhà chú út vẫn vang lên tiếng chửi bới của bà nội.
“… Ối giời ơi, khốn nạn đẻ nó ra giờ để cho thằng già với con trời ơi đất hỡi nào nó đến nó hưởng. Con mẹ nó, nó có coi con già này ra gì không? Con bà làm hết hơi hết sức mà mẹ nó không được hưởng…”
Và cả tiếng khuyên nhủ của chú út, tiếng khóc vì giật mình thức dậy của Yên Chi. Tiếng lầu bầu ca thán của thím út.
Nửa đêm, Chi Nga tỉnh dậy vì tiếng động của anh trai.
“Sao thế?”
Anh trai nhăn nhó nói:
“Mẹ ôm anh chặt quá, em gọi mẹ dậy giúp anh.”
Sao vậy nhỉ? Bình thường mẹ cũng thính ngủ mà, Chi Nga chạm vào người mẹ thì nhận ra tay mẹ lạnh toát. Cô rùng mình nhớ lại bàn tay thò ra ngoài ga trải giường của Quang ngày ấy.
Chi Nga bật dậy giật công tắc đèn. Ánh sáng mạnh làm cả hai anh em phải đưa tay che mắt. Khi nhìn rõ hơn Chi Nga kinh hãi thấy hai mắt mẹ nhắm nghiền, hàm răng nghiến chặt lại, còn hai bàn tay thì ôm ghì anh trai thật chặt khiến anh trai không thoát ra được. Chi Nga sờ mạch thấy mạch đập yếu ớt. Vạch mắt thấy đồng tử hơi giãn. Chợt nhớ lúc trước khi ngủ thấy mẹ nói đầu mẹ đau dữ dội, Chi Nga hoảng hồn, đây chẳng phải là dấu hiệu của đột quỵ sao? Cô thét lên lay gọi:
“Mẹ, mẹ!”
Nhưng mẹ vẫn nhắm nghiền mắt. Ông nội nghe thấy động thì bật dậy, vội chạy sang giúp Chi Nga lay gọi mẹ. Có ông giúp thì Kha mới được kéo ra khỏi vòng tay đang ôm chặt của mẹ.
Ông sai Kha chạy sang gọi chú út. Chi Nga cố gắng kìm nén sự hốt hoảng thực hiện các thao tác cấp cứu đầu tiên cho người bị đột quỵ. Đặt đầu mẹ nằm hơi nghiêng, lót dưới đầu một cái gối mỏng. Kiểm tra thật kĩ tuần hoàn với hô hấp. Hẳn là đột quỵ rồi, khẳng định ấy vang lên trong đầu Chi Nga. Cô gắt gao tóm lấy tay ông nội.
“Đi bệnh viện, cho mẹ cháu đi bệnh viện ngay!”
Ông nội nhíu mày nhìn Chi Nga. Nơi này cách bệnh viện tới mười lăm cây số, đêm hôm thế này đi kiểu gì? Phương tiện đi lại chỉ có xe đạp.
Chú út với bà nội vừa chạy vào. Chi Nga bỏ tay ông nội ra túm lấy tay chú út.
“Chú út, cho mẹ cháu đi bệnh viện!”
Chú út cũng nhíu mày hệt như ông. Bà nội sẵng giọng quát:
“Trẻ con biết cái gì? Cảm gió chứ gì. Đánh gió xong là khỏi.”
Nói xong bà chả nhìn mẹ lấy một cái, quay lưng xuống vườn hái lá cúc tần với rang cám. Chi Nga không cản vì bây giờ thân nhiệt ngoại vi của mẹ rất thấp, đánh gió cho tăng tuần hoàn dưới da làm tăng thân nhiệt cũng tốt. Nhưng quan trọng nhất phải nhanh chóng đưa mẹ vào viện, nếu không có thể bị liệt, thậm chí là chết người. Nhưng Chi Nga nói thế nào ông với chú cũng không đưa mẹ đi bệnh viện. Ai mà tin một đứa nhóc sáu tuổi chứ?
Chú út nói với ông nội là chú đi mời bác sỹ Tuấn. Bác sỹ cái gì, người này chỉ là y sỹ trong xã, tiêm chọc vớ vẩn thì được chứ làm sao cấp cứu đột quỵ được? Chi Nga hốt hoảng không biết phải làm sao. Trong đầu chỉ lẩm nhẩm có mỗi một câu: Có bố ở đây thì tốt, bố nhất định sẽ tìm mọi cách cứu mẹ.
Chú hai và hàng xóm đã tới, mọi người quây lại vòng trong vòng ngoài kín mít. Chi Nga kéo mọi người ra, nói mẹ cần không khí để thở, nhưng cũng chẳng ai quan tâm đến lời của cô. Trong cái phòng nhỏ xíu của mẹ có tới hơn chục các cô các thím các bà quây lại. Chi Nga kéo tay anh trai nói:
“Anh với em đi tìm bố.”
“Tìm bố?”
Anh trai đang mếu máo khóc kinh ngạc quay sang nhìn Chi Nga.
Chi Nga lần mò túi xách của mẹ lấy được hai mươi nghìn. Hai anh em lẩn vào trong đêm tối chạy một mạch hai cây số lên thị trấn. Lúc ấy là gần mười hai giờ đêm, bưu điện vẫn có người trực. Chi Nga lấy được dãy số trong túi sách mẹ, nhờ nhân viên trực bấm số gọi giúp.
Nghe máy ở cơ quan bố cũng là nhân viên trực. Hai anh em phải đợi hơn mười năm phút gọi lại mới thấy bố. Giọng bố rất lo lắng:
“Có chuyện gì vậy?”
Anh trai nghe thấy giọng bố thì mếu máo không nói được gì. Chi Nga thở dài, dù sao anh ấy cũng mới có mười tuổi thôi mà. Cô đỡ điện thoại, cố gắng bình tĩnh nói:
“Mẹ bị cảm bố ơi, chú út gọi bác sỹ Tuấn rồi, nhưng con sợ lắm. Con lay thế nào mẹ cũng không tỉnh, bố về với chúng con đi!”
Nói đến đây giọng của Chi Nga cũng nghẹn ngào. Trong trí nhớ của cô, năm cô sáu tuổi, quả thực mẹ có một trận ốm rất nặng, nhưng ốm như thế nào thì cô không nhớ. Chỉ biết sau khi mẹ vượt qua được trận ốm đó thì cả nhà cô chuyển lên thị trấn. Nhưng khi cô quay trở lại sáu tuổi, bà ngoại đã không còn. Cô không biết cái giá mà cô phải trả chỉ là bà ngoại hay là tất cả những người thân của cô. Cảm giác đau đớn khi mất Quang và mất bà ngoại lại tràn về. Cô thực sự thấy sợ.
Khi hai anh em hổn hển chạy về thì số người trong nhà còn đông hơn nữa. Bác sỹ Tuấn đã tới. Ông ấy xem qua rồi lắc đầu, chỉ bảo sẽ cố gắng hết sức. Các dì cũng tới, dì út đang ngồi xổm dưới đất ôm mặt khóc thấy anh em Chi Nga thì sực nhớ, vội quay sang hỏi chồng.
“Đã ai báo với anh Thuận chưa?”
Dượng út như sực tỉnh quay sang nhìn chú út. Chi Nga vội đáp:
“Con với anh Kha vừa chạy lên thị trấn gọi điện cho bố rồi. Bố bảo đi mượn xe máy chạy về, chắc đêm nay là về đến nhà.”
Cơ quan bố cách nhà 60 km, nếu mượn được xe máy thì chạy hai, ba tiếng là về đến nhà.
Vợ chồng dì út với chú út kinh ngạc nhìn hai anh em mồ hôi nhễ nhoại đang vừa đứng vừa thở gấp. Ai mà ngờ được hai đứa trẻ con này dám chạy trong đêm tối tới thị trấn gọi điện báo tin chứ. Chi Nga bỏ qua ánh nhìn của mọi người, hổn hển hỏi:
“Mẹ con sao rồi?”
Dì út không nói gì, vành mắt đỏ lên ôm chặt lấy Chi Nga. Động tác ấy khiến Chi Nga hoảng sợ, lo lắng cho mẹ nhiều hơn, cô cố gắng giãy giụa thoát ra để vào xem ông bác sỹ lang băm kia điều trị thế nào. Tốt xấu gì cô cũng là bác sỹ, cũng làm mấy năm ở phòng cấp cứu. Khi nãy cô không làm gì được vì trong tay không có dụng cụ, không có thuốc, nhưng giờ ông bác sỹ kia chắc cũng phải có vài loại thuốc cơ bản chứ?
Dì út như sợ Chi Nga kích động lại càng ôm chặt hơn. Chi Nga đuối sức vì vừa chạy cả đi cả về tới bốn cây số nên xụi lơ trong tay dì. Nhưng dì vừa lỏng tay ra thì Chi Nga lại vùng dậy chạy vào trong phòng. Biết rằng nếu mình kích động lập tức sẽ bị đuổi ra cho nên cô cố gắng ép mình bình tĩnh trở lại.
Bác sỹ Tuấn đã đuổi bớt người ra ngoài. Trong phòng chỉ còn chú hai, thím hai và dì hai. Mẹ đang được truyền một chai muối đóng lọ thủy tinh. Những ống thuốc được dùng đều bị bác sỹ Tuấn giấu đi. Hiện tại vẫn còn là thời đại các bác sỹ giấu giếm nghề như kiểu thầy thuốc đông y giấu đơn thuốc ngày xưa. Chi Nga không biết mẹ được dùng những thứ thuốc gì. Cô kích động muốn giật lấy cái hộp đựng vỏ thuốc nhưng cố gắng kìm lại.
Thấy cô đi tới, dì hai định đuổi ra nhưng nhìn ánh mắt tha thiết của con bé lại không lỡ. Nhưng chú hai thì dứt khoát định đuổi Chi Nga ra. Đúng lúc ấy bác sỹ Tuấn với tay lấy bơm kim tiêm thủy tinh. Hẳn là cần nước nóng để khử trùng. Chi Nga vội cầm phích nước nóng dưới chân đi đến chỗ bác sỹ, ông bác sỹ già nhìn Chi Nga một cái rồi gật đầu để cô dội nước vào bơm tiêm cho mình. Chi Nga không chỉ dội nước sôi mà còn nhanh nhẹn, thành thạo tráng bơm tiêm rồi dùng kẹp kẹp bơm tiêm và kim sắt cho vào khay sạch ở dưới. Bác sỹ Tuấn nhìn Chi Nga có vẻ tán thưởng. Chú hai thấy cô bình tĩnh như vậy thì rất ngạc nhiên và đương nhiên không đuổi ra nữa.
Chi Nga leo lên giường, vụng trộm sờ mạch thì ngạc nhiên thấy da mẹ ấm hơn, không biết có phải do tác dụng của đánh gió bằng cám và cúc tần không. Mạch vẫn rất chậm chỉ có 40-45 lần/phút nhưng có lực chứ không yếu ớt như ban đầu, hơn nữa nền mạch (mạch đập bình thường) của mẹ vốn không cao nên chỉ số này có thể chấp nhận được. Chi Nga giả vờ xoa bóp cho mẹ để vụng trộm kiểm tra các phản ứng. Hoàn hảo, không có dấu hiệu của liệt. Hẳn chỉ là tai biến thoáng qua. Chi Nga thở phào một hơi. Cô liếc mắt nhìn bác sỹ Tuấn, lòng có chút khen ngợi, ông ta hẳn cũng có vài phần giỏi giang đi, không “lang băm” như cô tưởng. Dù sao ông cũng là bác sỹ duy nhất trong xã bao nhiêu năm, chắc là kinh nghiệm không ít.
Trong số mấy người ở đây, ngoài Chi Nga thì chỉ có Bác sỹ Tuấn là biết tình trạng của mẹ cô là tốt lên rồi. Nhưng ông ta vẫn nói rất nguy kịch và cố gắng làm hết khả năng, bởi vì cái danh tiếng cứu người ta từ chỗ chết trở về mới oai chứ. Nhưng con bé ngồi đối diện với ông khi đi vào thì mặt tái nhợt nhưng sau một hồi sờ nắn mẹ nó thì sắc mặt tốt hơn nhiều. Mấy động tác vụng trộm của con nhóc rõ ràng là kiểm tra mạch với kiểm tra liệt cho mẹ nó. Ban đầu ông chỉ cho là con bé đang sờ loạn nhưng khi thấy nó thở phào như trút được gánh nặng thì ông lại chột dạ. Một ý nghĩ mà ông cho là điên rồ xuất hiện: chả nhẽ con bé này biết khám bệnh? Đúng lúc đó chú hai hỏi:
“Tình hình chị thế nào rồi?”
Bác sỹ Tuấn vì chột dạ, không dám giấu nữa, vội nói:
“Yên tâm, qua cơn nguy hiểm rồi!”
Chi Nga đã nở nụ cười từ trước khi ông bác sỹ nói thế. Mấy người trong phòng nghe vậythì vô cùng mừng rỡ. Thím hai chạy vội ra thông báo. Tiếng xôn xao vui mừng ở bên ngoài vọng vào. Hơn tiếng sau thì mọi người lục đục về hết. Trong phòng chỉ còn bác sỹ Tuấn đang trông dịch truyền, Chi Nga và dì hai. Bên giường ngoài thì có ông, anh trai và chú hai.
Chi Nga bị ông bác sỹ Tuấn thỉnh thoảng nhìn khiến cô thấy lo lắng, đành giả bộ ngồi đếm giọt dịch truyền. Khi Chi Nga lơ mơ ngủ ngật thì bố về.