Mục lục
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:







Trường Thanh Cung. Văn Nghi Điện.



Sau khi ba người bọn Louis Đệ Tam hành lễ bái kiến, Giang Phong truyền bình thân, rồi ngắm nhìn ba người bọn họ. Louis Đệ Tam mới 11 tuổi, tuấn tú thông minh, xuất thân quyền quý nên rất có phong thái quý tộc. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo thì có bề ngoài của một thuộc hạ ít nói, trung thành, nhưng qua ánh mắt, Giang Phong cho rằng lão ta cũng là kẻ lắm mưu mô. George Đệ Nhất là một vị Giám mục, thường niên bố đạo, nên dung diện từ hòa, thần thái thân thiện, dễ được lòng người khác. Trong khi đó, bọn Louis Đệ Tam cũng len lén quan sát Giang Phong. Khi đối diện Giang Phong, bọn họ có cảm giác đối diện với một lực lượng thần bí siêu nhiên, giống như một vị thần linh từ trên cao dụng ánh mắt từ hòa phủ thị chúng sinh.



Nhìn thấy ba người bọn họ đột nhiên cúi đầu, Giang Phong không hề cảm thấy ngạc nhiên. Ngoài sự thần bí do Giang Phong tạo ra qua hình tượng thần linh, bản thân kiến trúc của Văn Nghi Điện cũng góp công đáng kể. Nơi long giai được xây dựng cao hơn phần còn lại của đại điện, chạm khắc nhiều hình ảnh, phù hào thần bí, cùng với sự kim bích huy hoàng đã gây nên ít nhiều áp lực đối với người bên dưới.



Giang Phong khẽ mỉm cười, hỏi George Đệ Nhất :



- Dường như Gregorius XII đã 90 tuổi rồi phải không ?



Tuy ba người bọn họ không dẫn theo phiên dịch, nhưng triều đình có phiên dịch, là quan viên của Thương vụ bộ. Nghe hỏi, George Đệ Nhất kính cẩn đáp :



- Hồi bẩm Thánh hoàng. Hết năm nay Đức Cha sẽ tròn 90 tuổi.



Tiếng Anh gọi là Pope, tiếng Latinh là Papal, nghĩa là Đức Cha (giáo dân người Việt gọi tôn kính là Đức Thánh Cha), có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ‘papa’, nghĩa là ‘cha’. Đức Cha Gregorius XII tên thật là Angelo Corraro, sinh năm 1326, đến nay (năm 1414) là đã 89 tuổi, có thể nói là thượng thọ. Thời xưa hiếm có vị vua chúa nào có thể sống thọ đến thế, nhất là trong thời loạn lạc (Đức Gregorius XII từng phải rời giáo đô Roma vì bị Ladislaus chiếm đóng, sau đó không thể quay về).




Giang Phong lại nói :



- 90 tuổi, chẳng còn nhiều sức lực nữa, nên nghỉ ngơi an dưỡng là hơn.



George Đệ Nhất ngập ngừng hỏi :



- Ý Thánh hoàng là …



Giang Phong không trả lời, lại nói :



- Còn việc của Trento, trẫm sẽ viện trợ ngươi 3 nghìn vũ khí và 1 năm lương thực cho 3 nghìn người. Chỉ cần ngươi chiêu mộ dân chúng trong lĩnh địa, vũ trang và huấn luyện bọn họ, ít ra cũng có thể tự bảo được.



George Đệ Nhất cả mừng, vâng dạ tạ ơn. Đối với các cuộc chiến tranh ở Âu châu thời Trung Cổ, 3 nghìn quân cũng là một lực lượng đáng kể. Louis Đệ Nhị (cha của Louis Đệ Tam) đã từng suất lĩnh 1.500 kỵ binh tấn công Napoli vào năm 1409, chiếm lại được các vùng đất của Đức Cha (Papal States) bị Ladislaus chiếm trước đó, nhưng tấn công Napoli không thành công. Còn trong ‘Chiến tranh trăm năm’ (1337 – 1453) giữa Anh và Pháp, lực lượng đông đảo nhất của Pháp là dưới thời vua Charles VI (1415) thì cũng chỉ có 36.000 người (tương ứng quân Anh của Henry V có 12.000 người). Không giống với phương đông, mỗi cuộc chiến tranh là hàng chục vạn cho đến hàng trăm vạn quân. Cũng chính vì vậy mà chỉ với 2 vạn kỵ binh, người Mông Cổ đã có thể đánh đến tận Âu châu.



Sau đó, Giang Phong quay sang Louis Đệ Tam, hỏi :



- Hài tử. Con có em trai không ?



Louis Đệ Tam ngạc nhiên không hiểu sao Giang Phong lại hỏi thế, nhưng vẫn kính cẩn đáp :



- Hồi bẩm Thánh hoàng, con có em trai là René mới 5 tuổi.



Giang Phong mỉm cười nói :



- Trẫm không có nhi tử. Con có muốn làm nghĩa tử của trẫm không ?



Louis Đệ Tam ngơ ngác :



- Sao ạ ?



Giang Phong mỉm cười nói :



- Con có em trai, các tước vị ở Anjou hãy nhường lại cho em trai, còn các vùng đất bị người khác chiếm mất, như Napoli, Sicily, … trẫm sẽ giúp con giành lại. Con cũng sẽ là hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Và trẫm sẽ viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou. Nghe nói quân Pháp Lan Tây đang bị quân Anh Cách Lan tấn công gấp lắm, tình thế nguy ngập lắm phải không ?



Louis Đệ Tam ngơ ngác nhìn lão quản gia Ferdinand Caracciolo. Lão ta khẽ hỏi :



- Ý thiếu chủ thế nào ?




Louis Đệ Tam hỏi :



- Theo lão ta có nên đồng ý không ?



Lão quản gia ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :



- Nếu thiếu chủ đồng ý, thiếu chủ sẽ lập tức trở thành hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, thân phận tôn quý. Thánh hoàng còn hứa giúp thiếu chủ khôi phục Napoli, Sicily, và còn viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou để chống quân Anh Cách Lan. Tình hình của Pháp Lan Tây hiện nay không hay lắm, nếu sắp tới mà còn thất trận nữa thì Anjou sẽ bị uy hiếp. Nghe nói Công tước đại nhân còn dự định nếu tình hình không hay thì sẽ đưa phu nhân và tiểu thiếu chủ sang Provence lánh nạn. Do đó, theo lão thần thấy, nếu thiếu chủ đồng ý, về công hay tư đều có lợi cả. Chỉ có điều nếu vậy thì thiếu chủ sẽ phải xa Anjou.



Louis Đệ Tam ngẫm nghĩ giây lát, rồi bật cười nói :



- Cũng có sao đâu. Trước đây ta cũng vẫn ở Provence đó thôi. Hơn nữa, việc ta làm hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc cũng đâu có ngăn cấm ta về thăm mẹ và em trai ta.



Nói xong, Louis Đệ Tam quay sang nói với Giang Phong :



- Thánh hoàng. Con đồng ý ạ. Nhưng Thánh hoàng sẽ viện trợ cho Anjou thứ gì thế ạ ? Có nhiều không ?



Giang Phong mỉm cười :



- 1 vạn vũ khí, 1 năm lương thực cho 1 vạn quân, 1 tiểu hạm đội, có được không ?



Louis Đệ Tam nói :



- Sao lại là một tiểu hạm đội ạ ? Một đại hạm đội không được sao ?



Giang Phong cười nói :



- Tiểu hạm đội là theo tiêu chuẩn của Thần Thánh Đế quốc, tức là tổng tải trọng từ 1 ức (100 triệu) cân trở xuống. Thôi được rồi. Trẫm cho con được lựa chọn chiến thuyền, được không ? Nhưng đây không phải là trẫm viện trợ cho Anjou mà là tặng cho con. Còn con muốn tặng lại cho ai thì tùy ý con.



Louis Đệ Tam miễn cưỡng nói :



- Vâng ạ !



Giang Phong thấy vậy, chỉ mỉm cười. Sau đó Giang Phong cho Louis Đệ Tam khấu đầu lạy chín lạy, trước sự chứng kiến của văn vũ đại thần, chính thức trở thành nghĩa tử của Giang Phong, hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Tên gọi tiếng Pháp Louis không thích hợp, Giang Phong cùng các đại thần bàn bạc, đổi lại là Long nhi, có âm gần giống, nhưng thích hợp hơn. Do vậy, từ đây Louis Đệ Tam có tên mới là Giang Long, gọi thân mật là Long nhi.



Giang Phong cho thu xếp một cung điện thật xinh đẹp trong Trường Thanh Cung cho Long nhi ở, đồng thời chọn thầy dạy học cho Long nhi. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo cũng ở chung tại đó, hầu hạ thiếu chủ.




Hôm sau, Long nhi đến gặp Giang Phong, xin cho đi chọn chiến thuyền để thành lập hạm đội. Cậu bé muốn sớm xong việc để còn cho Ferdinand Caracciolo về Anjou báo tin. Giang Phong bảo Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình đưa cậu bé đi ra căn cứ hải quân ở bán đảo Long Sơn.



Khi đi, Long nhi thầm nghĩ phải nên lựa chọn thế nào, chợt nhớ rằng không có khái niệm 1 ức cân là bao nhiêu, liền hỏi lão quản gia :



- 1 ức cân là bao nhiêu vậy ?



Lão quản gia thầm tính toán một lúc, rồi nói :



- Thiếu chủ. Cứ 3 cân thì tương đương với 4 livre. Vậy 1 ức cân tương đương 133 triệu livre, hay 60 nghìn tấn Anh Cách Lan.



Thời Trung Cổ ở châu Âu, người Pháp sử dụng đơn vị đo khối lượng là livre (= 489,5 gam hệ SI), quintal (= 100 livre), once (= 1/16 livre), denier (= 1/24 once), grain (= 1/24 denier); người Anh thì sử dụng đơn vị pound (= 454 gam hệ SI), ton (hay tấn, = 2240 pound, tương đương 1016,96 kilôgam hệ SI), ounce (= 1/16 pound), dram (= 1/16 ounce), grain (= 1/7000 pound). Thần Thánh Đế quốc thì sử dụng đơn vị của phương đông, 1 cân = 16 lượng, 1 lượng = 10 chỉ = 100 phân = 1.000 ly, 1 tấn = 10 tạ = 100 yến = 1.000 cân (1 cân = 600 gam, 1 tấn = 600 kilôgam hệ SI).



Sau một lúc, lão quản gia lại nói thêm :



- Thiếu gia. Hiện nay, hải quân hoàng gia Anh Cách Lan có khoảng 180 chiến thuyền, tổng tải trọng cũng chỉ đạt hơn 20 nghìn tấn Anh Cách Lan. Các chiến thuyền Balinger lớn nhất cũng chưa đạt 100 tấn, thường có 40 người. Một chiến thuyền cỡ lớn thì tối đa cũng chỉ khoảng 200 tấn. Hải quân Pháp Lan Tây trước chiến tranh có hơn 200 chiến thuyền, nhưng giờ thì … mất hết cả rồi. Sau trận L’Ecluse hồi 74 năm trước (năm 1340), Pháp Lan Tây không còn hải quân nữa.



Long nhi cả mừng nói :



- Vậy thì tiểu hạm đội của ta sẽ lớn gấp 3 lần hạm đội của Anh Cách Lan ?



Lão quản gia nói :



- Vâng ạ. Nhưng nếu chiến thuyền của Đế quốc lớn thì số lượng chiến thuyền sẽ không nhiều.



Long nhi nói :



- Không sao. Thuyền lớn thì dễ đụng chìm thuyền nhỏ. Thà rằng có 1 chiến thuyền cỡ lớn còn hơn có 3 chiến thuyền cỡ nhỏ.



Đinh An Bình đứng gần đó, thông qua phiên dịch, biết bọn họ nói gì, không khỏi bật cười.


Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK