Đã bao nhiêu lần tôi muốn trốn thoát khỏi sự tồn tại được định cỡ đã buộc phải chấp nhận tôi này, muốn quay lại với những công việc tội lỗi của mình, được nếm mùi vị kiếm đồng tiền một cách dễ dàng và nỗi thấp thỏm của sự mạo hiểm, quay lại với tình bạn của hội mà từ lâu rồi tôi không còn gặp nữa? Đã bao nhiêu lần tôi cảm thấy không được ở đúng chỗ của mình trong cái thế giới chật chội này?
Tôi là một doanh nhân như bao người khác, lại thêm một chàng Rastignac[1] nữa, phá những cái bẫy, đoán ra những trò ti tiện, chen lần xô đẩy để nhoi được lên đầu danh sách, danh sách của những kẻ chiến thắng.
[1. Rastignac, nhân vật trong bộ Tấn trò đời của Honoré de Balzac, là một anh học trò nghèo tỉnh lẻ lên Paris với hy vọng đổi đời, chen chân được vào giới thượng lưu bằng đủ mọi mánh khoé.]
Xen lẫn các giai đoạn giận dữ cuồng nộ mà tôi là một chiến binh ngoại hạng là những khoảng thời gian chán nản cực độ khi tôi không có lấy dù là một ham muốn hành động nhỏ bé nhất. Khi ấy tôi phải chịu đựng một sự sáng suốt quá mức và trong gương, hình ảnh một doanh nhân với mái tóc cắt gọn gàng và bộ com lê rẻ tiền làm dấy lên trong tôi lòng thương hại. Tôi nghĩ đến những người bạn mà tôi rất nhớ, nghĩ đến việc họ sẽ nói gì khi thấy kẻ đang là tôi bây giờ…
Nhưng tình yêu của Betty làm nên một thứ lan can để tôi tựa vào mỗi khi thấy mình chao đảo. Tôi bình tĩnh lại và tung ra hành động mới để tự quăng mình vào cuộc đua. Betty đoán ra những yếu đuối của tôi, đôi khi đoán trước được chúng.
Cái ngày tôi nhận được kỳ lương đầu tiên, tôi đứng đó, hoảng hốt, nhìn ngắm tờ séc được xem như là đền đáp cho những nỗ lực của tôi và nó có vẻ chẳng nghĩa lý gì so với nhu cầu của chúng tôi. Chỉ một vụ trộm thôi cũng đủ mang lại cho tôi số tiền gấp năm lần như thế.
- Đấy là tiền của anh! Cô ấy nói với tôi. Của anh! Tiền anh làm được! Em biết anh đang nghĩ gì, nhưng nó có một giá trị khác hẳn so với tất cả tiền bạc mà anh đã có thể có được bằng cách khác.
Còn tôi, tôi chỉ nghĩ tới hàng kilômét đường đã phải đi qua, tới những nụ cười đạo đức giả, tới hàng giờ đồng hồ bỏ ra để xem lại các bản giới thiệu sản phẩm, tới những tiếng hét sung sướng khi ký được hợp đồng, tới căn hộ mà tôi đang muốn rời bỏ này, tới cái phòng khách làm cô ấy thích mê mà tôi không thể cho cô ấy được, tới bao nhiêu mồ hôi đã đổ ra để nhận lại một đồng lương còm cõi thế này.
Nhưng cô ấy có lý. Đây là tiền của tôi.
Và tôi phải học cách đánh giá đúng giá trị của nó, bằng cách kiếm tiền khó nhọc và tính toán từng khoản chi tiêu.
Betty thường phải chịu đựng những cơn giận dữ vô lý vốn nảy sinh từ cảm giác thất vọng trong tôi. Nhưng cô ấy không hề phản ứng, quá hạnh phục vì thấy tôi tiến bộ, lớn lên. Bởi vì tôi không nhận thấy mình đã thành một người khác. Chỉ cần tôi học cách kiên nhẫn, học cách tìm được chỗ của mình, học cách chấp nhận những nguyên tắc mới. Thế nhưng những điểm giúp tôi định vị đã bị nhiễu loạn. Liệu tôi có xuất sắc hơn tất cả những người xung quanh, hay đơn giản chỉ là tôi khác họ?
Chính những giọt nước mắt của cô ấy đã ngăn những cơn thịnh nộ của tôi lại. Bởi nó cho thấy lòng ích kỷ trong tôi. Chẳng phải cô ấy cũng đã rời bỏ thế giới của cô ấy, rời bỏ mọi tiện nghi, bạn bè của cô ấy để giam mình trong căn phòng tồi tàn này đấy sao? Thế nên tôi lại xin lỗi cô ấy, ôm chặt cô ấy trong vòng tay và những lần hòa giải lại mang chúng tôi đến những bình minh mới, tôi đã quyết định đi tìm chỗ đứng của mình trong thế giới này, xây dựng lại thế giới của cô ấy.
Dẫu cho việc ấy đẩy tôi xa khỏi thế giới của mình, mãi mãi.
--- ---------
Đột nhập vào nhà tên thủ lĩnh là việc làm hiển nhiên nhất. Nó phù hợp nhất với khả năng của tôi. Dù lâu rồi không thực hành nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn giữ lại được một số kỹ năng.
Tôi tiến lại gần ngôi nhà, thử định vị hệ thống báo động: một chiếc camera theo dõi mà tôi vẫn chưa xác định được rõ là loại gì.
Buổi tối, khoảng 20 giờ, bốn tên vệ sĩ được thay bằng hai người đàn ông. Chỉ có hai.
Tôi có thể trèo qua cánh cổng nặng nề khá dễ dàng. Một cái cây với cành lá rậm rạp sẽ che cho tôi. Sau đó, tôi còn mười mét nữa mà không có gì che chở. Nhưng bao quanh nhà là một hệ thống ánh sáng yếu. Mà cũng không có chó. Một điều may mắn. Tôi có thể quan sát thấy có một cửa sổ thấp có lẽ là dẫn xuống một căn hầm. Tôi có thể lên xuống đó sau khi đã vô hiệu hóa hệ thống báo động.
Sau đó, do không biết cách bố trí của nơi này thế nào, tôi đành phó mặc cho bản năng và sự may mắn của mình.
Và cầu nguyện rằng sự điên rồ của mình không làm hỏng mọi việc.
JEAN
Những ngày tiếp theo, cảnh tượng về buổi hành quyết nhấn chìm Jean trong một trạng thái hoàn toàn lú lẫn.
Nhiều năm qua gã đã tin vào giá trị cứu rỗi của cái chết. Nhưng nỗi sợ dường như đã làm thay đổi mối liên hệ của gã với cuộc sống. Và từ lúc đó, gã liên tục nghĩ về cái thời điểm lưỡi gươm kề trên cổ gã, khi sức mạnh của gã rời bỏ các cơ bắp để tập trung hết năng lượng của nó vào nỗi sợ hãi tột độ. Trong một vài giây đó, gã đã sống. Ướt đẫm mồ hôi và nước tiểu, toàn thân run rẩy, gã đã trở lại làm một con người. Điều đó nghĩa là gã không muốn chết hay đơn thuần chỉ là gã không biết cách chết? Điều đó nói lên rằng gã muốn sống? Nhưng sống vì ai, vì cái gì? Để tiếp tục quên? Để quay lại đường phố và uống rượu trở lại?
Khi Akim vào phòng mang theo bữa sáng, Jean tì lên khuỷu tay nhổm dậy.
Gã quan sát Akim một lúc, và trước khi hắn ra khỏi phòng, gã gọi hắn lại:
- Bọn mày sẽ làm gì với cuốn phim?
Câu hỏi đó không ngừng giày vò gã. Gã tưởng tượng ra cảnh người ta phát tán đoạn phim, phản ứng từ những người thân của gã. Những khoảnh khắc địa ngục đó đã làm nứt cái vỏ bọc mà gã che phủ lên quá khứ của mình. Những hình ảnh, những nỗi đau đớn, những nghi ngờ mà gã đã cố nuốt trôi dưới những lời biện bạch và những ly rượu đầy tràn giờ đây có nguy cơ trỗi dậy và gã sẽ phải huy động mọi nỗ lực phi thường để kìm giữ lại những mập mờ ám muội trong câu chuyện cuộc đời gã. Lúc bị hành quyết. Lần này là thực sự.
- Sao? Mày thấy xấu hổ à? Tên cai tù xẵng giọng hỏi. Mày tự hỏi không biết người thân của mày có xem được nó không hả? Họ sẽ cảm thấy thế nào khi phát hiện ra mày trong tình trạng này hả?
- Nhưng bọn mày muốn gì? Con tin nổi khùng. Trả thù ư? Hiến tế tao để thỏa mãn những ảo tưởng về tôn giáo của chúng mày ư? Đòi tiền chuộc ư?
- Mày sẽ sớm biết thôi, Akim cộc cằn đáp.
- Lũ ngu! Quân khốn khiếp! tên tù khùng lên.
- Giận dữ, xấu hổ, lo lắng về thái độ của người khác… Mày thấy không, chỉ cần tách mày ra khỏi rượu và làm cho mày sợ là đủ để mày tìm lại được vài cảm xúc con người, Akim cười. Thế mà mới cách đây vài ngày mày còn coi thường cái chết!
- Chúng mày cười cợt trước nỗi sợ của tao. Chúng mày hẳn đã cười nhạo khi tao run rẩy và vãi ra quần. Chúng mày cảm thấy vui sướng nhất khi hạ nhục người khác, hay khi chặt đầu người ta hả? Phải đấy, trước cái chết, tao đã run sợ. Thế nhưng có Chúa mới biết được tao có chờ đợi nó hay không, thậm chí tao có gọi nó đến hay không? Và gọi bằng tất cả sức lực của tao nữa! Tao đã tưởng là sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi đó cùng lúc với ước muốn được sống. Thế mà tao đã sợ, sợ khủng khiếp.
- Bây giờ mày có muốn sống khủng khiếp không? Akim hỏi.
--- ---------
Bực tức, Éric Suma quăng cây bút lên mặt bàn, cắt ngang tranh luận đang diễn ra.
- Và đó là tất cả những gì anh tìm được sao? Đã một tuần rồi chúng ta vẫn cứ nói mãi về những chủ đề đó. Không có một tin độc quyền nào từ vài tháng nay. Không có một thông tin bất ngờ nào.
- Anh quá lời rồi, Éric! Isabelle, nữ tổng biên tập, đáp. Thông tin là thông tin! Chúng ta đang khai thác những chủ đề giống với các kênh đối thủ của chúng ta.
Isabella, một phụ nữ bốn mươi tuổi trong bộ vest giản dị, tóc nâu dài chấm vai, mắt xanh lấp lánh, đứng lên để tỏ ý phản đối mạnh mẽ. Nổi tiếng là một người đòi hỏi rất cao đối với ê kíp của mình, nhưng cô cũng được đánh giá cao vì thái độ công bằng. Các nhà báo có mặt ở đó cảm thấy bị tấn công vì nhận xét của Éric đã để cho cô một mình dấn thân vào cuộc tranh cãi. Khả năng thu hút cũng như thâm niên làm việc của Êric khiến họ không dám lên tiếng phản đối ông ngay từ đầu.
- Lý lẽ hay ghê đấy! Tôi báo cho cô biết chúng ta còn lâu mới đứng đầu về số lượng khán giả. Do đó, không phải bằng cách làm như các kênh khác mà chúng ta có thể chiếm được thị phần đâu.
Éric thuộc thế hệ những người dẫn chương trình truyền hình cũ với ngoại hình binh thường, không đặc biệt đẹp. Mũi ông hơi dài, gò má cao, đôi môi không cân đối át cả cái cằm vuông và mái tóc được chải gọn gàng mang lại cho ông vẻ ngoài của những diễn viên Ý trong thập niên sáu mươi.
- Đợi chút nào, bài diễn thuyết ngu ngốc này là cái gì thế? Charles, trưởng ban biên tập, cắt ngang. Anh là nhà báo hay là giám đốc quảng cáo? Chúng ta mặc kệ đám khán giả! Chúng ta làm nghề của chúng ta, thế thôi. Cả ê kíp đang phải vật lộn để cho ra một bản tin chuyên nghiệp với một đống thiết bị tồi tàn, đấy là sự thật!
Charles là người duy nhất có thể nói với người dẫn chương trình ngôi sao của kênh bằng cái giọng ấy. Vì tuổi tác, vì vẻ đáng kính nhưng cũng vì ông đã giúp đỡ Éric trong buổi đầu khó khăn khi mới vào nghề truyền hình. Mái tóc muối tiêu và vẻ đẫy đà cho ông vẻ ngoài của một người cha đã về hưu nhưng không hề làm giảm sút đi uy lực mà kinh nghiệm trao cho ông.
Ông đã có được danh tiếng của một phóng viên kỳ cựu nhờ vào việc lăn lộn tại nhiều cuộc xung đột ác liệt nhất trên hành tinh này trong suốt ba mươi năm qua. Với các phóng viên trẻ của ban biên tập kênh Télé 8, Charles là một hình mẫu, một biểu tượng và họ sẵn sàng bỏ qua việc ông kết thúc sự nghiệp của mình lại một kênh giải trí như thế này.
Các phóng viên quan sát hai người đàn ông, chờ đợi một vụ tranh cãi. Nhưng Éric không đáp lại. Ông lắc đầu và đứng lên.
- Được rồi. Tôi rất tiếc, tôi chỉ bị mệt thôi. Hãy kết thúc mà không có tôi. Tôi sẽ đi nghỉ một chút trước khi lên sóng.
Ông quay về phòng mình, ngồi xuống ghế và gác chân lên bàn. Ông hối hận vì đã nổi nóng, trong khi biết rõ rằng mình có thể mong đợi gì ở khả năng và lòng nhiệt tình của một ê kíp toàn người mới vào nghề và được trả lương rất tệ. Đó không phải là lỗi của họ nếu lượng người xem không tăng, mà là do tinh thần chung của cả kênh, mà là do tinh thần chung của cả kênh, do những chương trình lỗi thời, do chính sách của ông chủ mới vốn là một người muốn cắt giảm mọi chi phí hơn là một nhà quản lý.
Éric Suma coi đây như là một thất bại cá nhân. Trái với mong đợi của ông, việc ông đến làm cho Télé 8 không hề kéo theo lượng người xem đông đảo. Ông đã không thể tạo ra động lực mới như kênh này đã hy vọng khi nhận ông. Ông đã đánh cược khi rời bỏ vị trí phóng viên của mình tại một kênh truyền hình quốc gia để tham gia vào ê kíp của Charles, đã tuyên bố rằng muốn vượt qua thách thức, muốn chứng minh rằng chính năng lực và cá tính của ông mới là thứ đảm bảo cho sự thành công của bản tin chứ không phải là sức mạnh trong việc tiếp thị của công ty, thế nhưng hiệu ứng của tuyên bố ấy cũng chấm dứt ngay.
Sự thực thì không ai là nạn nhân cả. Suma đã từ chức trước khi bị sa thải. Thái độ của ông trong vụ khủng bố kinh hoàng thực chất đã đặt ông dưới những lời chỉ trích gay gắt nhất. Theo các đồng nghiệp, ông đã “mất tự chủ và phát điên”. Còn theo giới truyền thông đang vui sướng vì có thể đánh gục được một biểu tượng của một trong những kênh truyền hình tư nhân được yêu thích nhất tại Pháp thì ông đã vượt quá giới hạn của những ưu tiên mà nghề báo đem lại cho ông.
Ông thì chỉ nghĩ rằng mình đã nói sự thật. Còn sự thật của ông? Ông đã bị khiển trách nặng nề. Một vài tuần sau sự kiện mà đồng nghiệp của ông gọi là “trò ngốc nghếch của Suma”, khi mọi chuyện đã lắng xuống, ban giám đốc đề nghị ông rời chương trình và trở thành người phụ trách sản xuất của một kênh thông tin. Ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý và cứ tiếp tục chơi trò giả vờ đã dẫn dắt các buổi tranh luận.
Ông đã đi đến chỗ tin rằng vị trí này là một cơ hội để nối lại với nghiệp vụ điều tra báo chí và nhờ đó tìm lại được khả năng đề cập đến những vấn đề sâu sắc. Nhưng tạp chí truyền hình đó do không có người xem cũng đã nhanh chóng bị cắt bỏ. Vậy là Êric lại được đưa sang làm người phụ trách các sự kiện. Hội nghị thượng đỉnh về chính trị, hội thảo quốc tế, những chuyến công tác của các nguyên thủ quốc gia: ông đã xây dựng ê kíp, tổ chức trường quay, bố trí các chương trình tiếp phát, mà không bao giờ còn xuất hiện trên sóng nữa.
Sau năm năm sống cuộc sống ấy, cái cuộc sống mà ông coi là sống thực vật nhưng lại không dám rời bỏ vì lý do tiền bạc, ông hẳn đã chìm trong thất vọng nếu như không gặp lại Charles, một đồng nghiệp cũ, lại một Hội nghị của nhóm G7. Charles vừa mới bắt đầu vào làm tại một kênh truyền hình với nhiệm vụ xây dựng một ê kíp phóng viên trẻ.
Vì Êric bày tỏ mong muốn rời bỏ chỗ làm để tìm một công việc khác, tự do hơn, và nói rằng sẵn sàng chấp nhận mức lương bằng một nửa hiện tại để đổi lấy một sự tự do mới, đổi lấy việc được quay lại với công việc của người dẫn chương trình và cơ hội tạo ra một bản tin khác biệt, Charles đã thông báo cho ban giám đốc của kênh và Êric được Télé 8 tuyển dụng vào vị trí người dẫn chương trình Bản tin 20 giờ với mứa lương bằng một phần ba mức lương cũ.
Ông cảm thấy trẻ lại khi tới làm việc cho kênh truyền hình đầy tham vọng này. Điều kiện làm việc, sức sống cả ê kíp, những tiếng quát tháo của Charles, những thách thức cần phải vượt qua, tất cả nhắc ông nhớ lại thuở ban đầu mới vào nghề của mình. Việc chuyển chỗ làm của ông được giới truyền thông nhắc tới một cách quá đà còn Suma thì thích thú được trở lại làm người nổi tiếng.
Tiếc thay, trạng thái hưng phấn đã nhường chỗ cho cảm giác ảo tưởng bị tan vỡ khi lượng người xem bản tin không tăng lên đáng kể, thậm chí còn không được như mong đợi và khi thấy một nhịp điệu nhàm chán mới nhanh chóng thành hình.
Do đó, ông thấy hối hận vì đã không rút lui trong vinh quang, tuy vẫn ý thức được rằng mình nên bỏ lại điều gì để lưu lại được hình ảnh một phóng viên chuyên nghiệp, một người có khả năng quay lưng lại với thành công. Ông đo đếm sự tự phụ hợm hĩnh trong tình cảm của mình nhưng cảm thấy không thể chấp nhận rằng nỗi cay đắng là giấy thông hành duy nhất của ông. Ông cảm thấy chua chát.
Giờ đây, ông còn giá trị, với vai trò một người làm nghề báo, với vai trò một người đàn ông, với vai trò một người bạn. Vợ ông đã bỏ ông. Ông chỉ còn lại một mình. Người ta không còn gọi ông đến chủ trì những sự kiện quan trọng, mời ông đến những nhà hàng lớn, mời ông trả lời những cuộc phỏng vấn ngu ngốc, tìm cách biết người vừa mới đính hôn với ông là ai hay mời ông chụp ảnh trong bộ lễ phục vào ngày đầu năm nữa. Một lần nữa ông lại biến mất, một cách từ từ, dần dần khỏi thế giới của những người nổi tiếng.
Và ông cho rằng hình ảnh mà ông thêm vào cái không khí thảm hại của bản tin truyền hình này là hình ảnh một người đang cố níu giữ được đến đâu hay đến đấy, cố để mà tồn tại. Mà những gì còn sót lại từ danh tiếng của ông trong giới truyền thông không lâu nữa cũng sẽ biến mất đằng sau số lượng người xem thấp thảm hại, ông, người từ lâu vẫn định giá bản thân theo giá trị danh tiếng của mình để thoát thân một cách bình yên vô sự.
Lối thoát duy nhất xứng với tài năng của ông – mà ông cũng đã nghĩ đến trong những thời điểm u ám nhất – đó là tự tử. Giới truyền thông thích màn kịch bệnh hoạn này. Ông sẽ chọn giờ, chọn địa điểm cho mình và dàn cảnh sao cho tất vả các bản tin tối không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu bằng tin ông qua đời. Ông xứng đáng có được những cuộc triển lãm tưởng nhớ, được lên trang bìa các báo. Những người làm nghề trẻ tuổi, vừa mới tốt nghiệp, sẽ đi phỏng vấn những ai quen biết ông, chỉ trích phê phán những phát biểu không hay, sắp xếp những lời kể về ông sao cho có thể dựng nên một câu chuyện hấp dẫn.
Cho đến tận đám tang, đó chính là đoạn kết huy hoàng cho nhân vật danh dự của giới báo chí. Tất cả mọi người đều có mặt, với kính đen và quần áo tối màu, buồn bã ôm nhau, lau đi một giọt nước mắt chưa chắc đã có thật trong khi lén lút nhìn đồng hồ. Tất cả đều cảm thấy bắt buộc phải ở bên ông.
Nhưng ông cũng biết rõ rằng, nếu chết bây giờ, ông sẽ không thể có tất cả những điều đó. Một tin vắn, một bài được những người bạn cuối cùng của ông công phu soạn ra và một nghĩa trang vắng ngắt. Vụ tự tử của ông chắc chắn cũng sẽ được cho là biểu hiện cuối cùng của tính phù phiếm trong ông, thậm chí là sự hèn nhát trong ông.
Vậy nên ông cần phải có một tin độc quyền. Một thông tin đủ bất ngờ để đẩy ông lên hàng đầu và cho phép ông một lần nữa chứng tỏ năng lực của mình. Sau đó, ông sẽ ra đi, về nghỉ hưu, trong thanh thản.
Đó là những gì Êric Suma thầm nhủ khi nằm dài trong phòng làm việc, mắt nhắm nghiền, hơi thở chầm chậm.
Ông không nhận thấy cái phong bì được để gần chân ông.
Một phong thư được chuyển đến trong buổi sáng hôm ấy, nội dung của nó chính là lời đáp cho tất cả các vấn đề của ông.
DANIEL
Tôi đang bỏ phí các cơ hội thành công của mình. Tôi tưởng rằng đã triển khai kế hoạch của mình một cách hoàn hảo nhưng những phút lơ đễnh đã ngầm phá hoại hành động của tôi. Tôi uống quá nhiều.
Tôi cần phải tìm lại nguồn năng lượng, tìm lại sự tập trung cần thiết để suy nghĩ, tìm lại sức mạnh không thể thiếu được cho kế hoạch của mình.
Giá như Jérôme đến nói chuyện với tôi!
Giá như nó lại hiện lên và ở bên tôi dù chỉ một phút thôi!
Tôi không còn là một người chồng, một người cha nữa.
Và cũng chưa được là một tên sát nhân.
Hôm qua, tôi tưởng như đã có thể kết thúc tất cả để trở về nhà. Tôi tự nhủ rằng cần phải quay lại cuộc sống bình thường. Nhưng cụm từ đó đã biến mất đối với tôi. Cuộc sống “bình thường” không còn tồn tại nữa.
Liệu có bình thường không khi con tôi đã chết? Liệu có bình thường không khi một người làm nổ tung một chiếc xe buýt để người ta nói về sự nghiệp của mình? Liệu có bình thường không khi kẻ đã tài trợ cho vụ khủng bố ấy và bảo đảm hon ó vẫn ăn uống, cười đùa, cầu nguyện, ngủ ngáy mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào? Không gì có thể bình thường hơn được nữa, kể từ đó.