Chiếc điện thoại nhấp nháy báo có tin nhắn. “Đ. ơi, có online không?” Đào không nhắn trả lời mà mở luôn chương trình chat trên máy.
- S gọi gì Đ?
- Thế nào rồi, nói chuyện với T chưa?
- Chưa, chẳng biết nói thế nào.
- Bây giờ tính sao?
- Chắc để vài ngày xem T có nhận ra không…
- Không nhận ra đâu. Nếu nhận thì S đi đầu xuống đất!
Ngày thứ nhất
Đào gom mấy món đồ trang trí đặt trên hốc âm tường và trên kệ TV, cho hết vào một chiếc thùng mì tôm cũ. Nến thơm, tranh thêu chữ thập, cốc sứ in phong cảnh... những thứ xinh đẹp lặt vặt, vừa nhìn đã thấy nữ tính lồ lộ này dĩ nhiên không phải của Trần. Có một số thứ cô mua từ thời sinh viên. Một số thứ khác là cô tỉ mẩn làm hoặc chủ động mua sau khi chuyển về sống chung với Trần. Cô vẫn nhớ rõ tâm trạng của mình khi hoàn thành bức thêu chữ thập, khi bắt gặp một món đồ lưu niệm đẹp trên đường đi công tác. Cô nghĩ, “Thứ này chắc sẽ rất hợp với góc còn trống trong nhà”. Khi đó, cô cho rằng đây sẽ là nhà của mình.
Vì phải bọc giấy báo cho những món dễ v, mãi đến lúc trời nhá nhem tối, Đào mới nhớ ra và chạy đi nấu cơm. Trần về muộn, thấy cơm nước chưa xong thì gắt ầm lên, chẳng phát hiện ra là kệ TV giờ đặt mỗi TV, còn hốc âm tường chỉ còn một vài món quà kỷ niệm nhân các dịp lễ lạt ở cơ quan anh.
Ngày thứ hai
Đào đứng trước chiếc giá cao đầy nghẹt sách báo, thoáng tần ngần, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Khi cô mới chuyển đến, chỗ trống trên giá sách đủ để đặt hai chục cuốn từ điển bách khoa. Giờ thì có muốn mua thêm một cuốn tiểu thuyết đồ sộ cũng phải tính xem nên bỏ bớt cuốn nào, nên dồn dịch thế nào. Nghĩ ngợi một lát rồi Đào quyết định rút những cuốn có lời đề tặng của bản thân ra khỏi giá. Hầu hết trong số này được mua trước hoặc trong năm đầu tiên sống chung. Thời gian sau này, cô vẫn mua sách và nhắc Trần đọc nhưng không ghi lời đề tặng nữa. Cô biết, nhiều cuốn Trần thậm chí còn chẳng giở ra nữa.
Vì tỉ mẩn vừa dọn vừa đọc lại cả lời đề tặng lẫn nội dung sách, mãi đến lúc trời nhá nhem tối, Đào mới nhớ ra và chạy đi nấu cơm. Trần về muộn, thấy cơm nước chưa xong thì bỏ vào phòng ôm máy tính. Máy tính đặt ngay cạnh giá sách. Giá sách đã lại đủ cho mấy cuốn bách khoa toàn thư. Nhưng anh chẳng nhận ra.
Ngày thứ ba
Đào vuốt ve từng phiến lá xanh óng của cây ngũ gia bì. Hồi Đào còn chưa dọn về, Trần vẫn hút thuốc. Cô không cằn nhằn ép anh cai, chỉ mua cây ngũ gia bì về để trong phòng vì nghe nói loại cây này hút được một số chất độc từ khói thuốc. Sau đó ít lâu, Trần ốm nặng một trận, Đào đến chăm rồi ở lại, anh bỏ thuốc, đồ đạc nhiều lên, chậu cây được chuyển ra ban công. Thấy nó lẻ loi, Đào mua thêm mấy chậu vạn niên thanh, mười giờ… bắt trên cao. Cô cũng rảnh rỗi nên thường xuyên tưới bón, chẳng mấy chốc từ cửa sổ phòng ngủ nhìn ra đã thấy cả một mảng xanh mát mắt…
- Sao góc này đang đẹp mà cô lại không giữ? – Bà hàng xóm vừa nhấc những chậu cây treo xuống vừa hỏi.
- Sắp tới cháu phải đi công tác nhiều, sợ không chăm được ạ.
- Thì bảo cậu ấy chăm hộ vài hôm, gì mà phải giải tán
Đào mỉm cười, không trả lời. Bà hàng xóm cũng chỉ đưa đẩy xã giao vậy chứ vẫn lấy hết chỗ cây. Chiều, Trần về sớm, nắng chỉ vừa tắt và trời vẫn sáng. Tắm gội xong, anh ra ban công hóng gió, thấy cảnh vật lạ lạ trống trống nhưng chẳng thắc mắc gì, chỉ nghĩ thoáng qua là gió hôm nay sao có vẻ nóng hơn mọi ngày.
Ngày thứ tư
Gần hết giờ làm việc, Đào gọi điện cho Trần.
- Hôm nay em có việc nên về hơi muộn, mình đi ăn bên ngoài anh nhé. Hình như phim X khởi chiếu rồi, ăn xong đi xem luôn.
- Em bận thì cứ làm đi. Chiều nay anh cũng phải ra sân bay, có khách bên kia sang, chắc phải đưa khách đi chiêu đãi luôn.
- Vâng.
Đào về nhà đúng giờ, đem theo chiếc ở cứng di động. Cô mở máy tính, tìm tất cả những thứ có liên quan đến mình, cắt rồi dán. Mấy chục clip phim tự quay, mấy trăm file văn bản bao gồm cả báo cáo công việc lẫn những ghi chép ngẫu hứng kiểu nhật ký để ngỏ, hàng nghìn bức ảnh chụp chung và chụp riêng… từng MB dần biến mất trên máy tính và hiện ra trên ổ cứng di động.
Trong lúc chờ dữ liệu chuyển hết, Đào mở trình duyệt vào mạng, đổi mật khẩu một số tài khoản, xóa một số tài khoản khác, rồi xóa cả history của trình duyệt. Sạch trơn.
Ngày thứ năm
Nghe tiếng xe quen thuộc, Đào xịt thêm một chút nước hoa rồi chạy ra mở cửa. Cô xõa tóc, mặc một bộ váy ngắn hở vai, trang điểm nhẹ nhàng theo đúng cách Trần vẫn ưa. Trần nhìn cô, nhìn những món ăn mình thích bày trên bàn, vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc.
- Anh quên mất ngày kỷ niệm nào à? – Trần hỏi.
- Không, ngày kỷ niệm gì đâu. – Đào lắc đầu.
- Thế em định cầu hôn anh hả? – Trần đùa.
- Không, em biết có cầu cũng không được. – Đào cúi đầu, thoăn thoắt rắc bột pho mát lên món spaghetti.
Hai người ngồi ăn trong ánh đèn dìu dịu và tiếng guitar cổ điển dìu dặt. Spaghetti thơm ngon, salad trộn rất vừa, rượu vang đỏ không phải thật xuất sắc nhưng cũng êm. Mọi thứ tốt đẹp đến mức Trần thấy bất an.
Anh và Đào sống chung đã gần ba năm. Gia đình và bạn bè anh đều đánh giá cô rất thích hợp làm vợ anh, xinh xắn, an phận với một công việc ít cơ hội thăng tiến ở một công ty nhỏ, yêu anh từ cái nhìn đầu tiên. Họ thường hỏi anh còn chờ gì nữa mà không cưới cô. Nghe vậy, Trần chỉ cười trừ. Với anh, hôn nhân phải bắt nguồn từ tình yêu, mà anh thì không nghĩ mình yêu cô. Có lẽ, anh chỉ thích sự dễ chịu cô đem lại, những câu chuyện tầm phào vui vẻ, những bữa cơm tự nấu, những món đồ tự khâu vá và những giây phút nóng bỏng trên giường.
Vừa nghĩ đến chuyện trên giường, Trần thấy Đào dùng môi và lưỡi nghịch nghịch những sợi mỳ Ý, lại còn nhìn anh đầy khiêu khích. Anh đứng dậy, kéo cô vào phòng ngủ. Nụ hôn có vị chát của rượu vang và mùi ngậy của pho mát. Nhịp điệu dìu dặt của guitar thì chẳng ăn nhập gì với tiết tấu của thân thể. Nhưng Trần thấy chẳng sao cả. Trong cơn run rẩy đầy đam mê, Đào thì thầm điều gì đó nhưng anh chưa kịp nghe rõ thì đã bị cơn buồn ngủ phủ trùm lên.
Đoạn kết kiểu phim Hàn Quốc:
Sáng hôm sau, khi Trần tỉnh dậy, Đào đã đi mất, để lại ở đầu giường một bức thư viết “hãy quên em đi”. Trần vội vàng lục tìm những thứ liên quan đến cô nhưng tất cả đã bị dọn dẹp trống trơn. Phải mất một thời gian dò hỏi, anh mới tìm được cô, trong bệnh viện. Cô bị ung thư.
Đoạn kết kiểu truyện sến Tàu:
Sáng hôm sau, khi Trần tỉnh dậy, Đào đã đi mất, để lại ở đầu giường một bức thư viết “hãy quên em đi”. Trần vội vàng lục tìm những thứ liên quan đến cô nhưng tất cả đã bị dọn dẹp trống trơn. Anh dò hỏi nhưng không ai biết cô đi đâu. Bẵng đi vài năm, hai người tình cờ gặp lại ở một nơi xa lạ. Anh thấy Đào đi với đứa bé giống hệt mình.
Đoạn kết kiểu phim Mỹ:
Sáng hôm sau, khi Trần tỉnh dậy, Đào đã biến mất. Toàn bộ cổ phiếu và ngoại tệ trong két sắt cũng biến theo. Trần vội vàng lục tìm những thứ liên quan đến cô nhưng tất cả đã bị dọn dẹp trống trơn. Anh gọi điện cho S – thằng bạn thân của anh, người thường gặp Đào vì công việc – và thấy số máy không liên lạc được.
Đoạn kết kiểu tân thời:
Sáng hôm sau, khi Trần tỉnh dậy, Đào đã biến mất. Toàn bộ cổ phiếu và ngoại tệ trong két sắt cũng biến theo. Trần vội vàng lục tìm những thứ liên quan đến cô nhưng tất cả đã bị dọn dẹp trống trơn. Anh gọi điện cho S – em gái anh, người lâu nay cũng thân thiết với Đào – và thấy số máy không liên lạc được.
Đoạn kết gần với hiện thực nhất:
Sáng hôm sau, khi Trần tỉnh dậy, Đào đã đi mất, để lại ở đầu giường một bức thư về chuyện cô mệt mỏi vì phải chờ đợi và đón ý anh. Trần đọc thư, lầu bầu “Viết khỉ gì mà dài thế, khó hiểu!”, rồi ngủ tiếp.
Lần đỡ tráp đột xuất
- Lạy hồn, hồn tha con cho con nhờ!
Yến vẫn nằm trong chăn, lầu bầu với cái điện thoại bên tai. Ở đầu bên kia, giọng nói khàn khàn như viêm họng lâu năm của Đạt – hàng xóm cũ nhà cô, chủ một hiệu dịch vụ cưới hỏi trọn gói trên phố H – vẫn vang lên đều đều:
- Đi, giúp anh nốt đám này. Nếu không phải cần gấp thì anh cũng chẳng phiền cô
- Bao nhiêu lần anh toàn nói thế. – Yến vừa uể oải nói vừa lật chăn đứng dậy, vặn vặn cái lưng vẫn còn đau ê ẩm. Cô mới ngủ được chưa đầy 5 tiếng đồng hồ. Đêm qua, vì giúp Trường sửa luận văn, cô thức tới gần 2 giờ.
- Không, lần này gấp thật đấy. Thề! – Đạt sốt sắng, khẩn khoản phân bua. – Con bé đấy nó ngã xe, một bên mặt sưng húp lên thì cô bảo làm sao cho vào đội hình được.
- Gớm, trùng hợp thế, lại ngã đúng sáng nay?
- Tai bay vạ gió kiểu đấy, nào ai muốn…
- Mà đám này cưới chạy hay sao, ăn hỏi từ tinh mơ mờ đất…
- Giờ đẹp, giờ đẹp. Cô đi đỡ tráp cho bao đám, còn lạ gì!
Yến tiếp tục cằn nhằn đủ chuyện còn Đạt tiếp tục nghe, thỉnh thoảng phân bua kiêm tâm sự rằng đám này yêu cầu oái oăm thế nọ, đám khác thay đổi liên tục thế kia. Khi cuộc điện thoại chấm dứt, Yến đã ở trước tủ giày. Cô nhấc đôi giày da màu nâu nhạt cho vào túi nylon. Đạt bảo hôm nay cô dâu cao như người mẫu, nên cô ngại chọn đôi gót cao một chút. Điện thoại lại vang lên, là Trường – người yêu cô. Sau vài câu bực bội về chuyện tại sao máy lại bận lâu vậy, anh nói sang đề tài quen thuộc là luận văn mà Yến đang sửa – mà thực ra là viết lại toàn bộ - giúp anh. Khi cuộc điện thoại thứ hai này chấm dứt, Yến đã ở ngoài đường, đứng lẫn vào trong đám người đang chờ xe buýt.
* * *
Yến có vẻ ngoài tầm thường với thân hình không gầy không béo, gương mặt không xinh không xấu. Kiểu con gái có nhan sắc như Yến, người ta có thể gặp ở bất cứ đâu, và chỉ sau đó vài phút đã quên mất là mình đã gặp. Nhờ ngoại hình mà thiên hạ vẫn diễn đạt bằng những từ như “nhạt nhòa” hay “thiếu muối” này, Yến có thể vận bộ áo dài đỏ, đứng trong đội hình thiếu nữ đỡ tráp của bất kỳ đám ăn hỏi nào, không làm lu mờ cô dâu, cũng không khiến cho những anh chàng bê tráp bên nhà trai phải gấp gáp lảng mắt đi chỗ khác.
Chẳng thế mà suốt thời được coi là công tác viên “ruột” của cửa hàng dịch vụ cưới hỏi nhà Đạt. Vào đợt cao điểm mùa cưới, số tiền gom góp từ tiền công Đạt trả và từ các phong bao lì xì của gia chủ cũng giúp Yến mua thêm một vài cuốn sách tham khảo, gọi thêm được một vài món ngon hơn khi vào hàng cơm bình dân… Giờ, tuy đã có công việc ổn định với mức lương không tệ, mỗi khi Đạt gọi, cô vẫn sẵn sàng làm người lấp chỗ trống khi ai đó trong đám cộng tác viên trẻ nhà anh vắng mặt đột xuất.
Ngày nghỉ, đường và xe buýt đều không đông, khoảng cách từ nhà Yến đến nhà cô dâu hôm nay cũng không xa, Yến ngồi ở sát cửa, tranh thủ giở đồ ra trang điểm. Cô mới đánh chút son phấn, chưa kịp chải mi thì đã thấy phụ xe báo tên trạm cần xuống. Yến tặc lưỡi mặc kệ, dù sao thì cũng chẳng ai quá để ý đến gương mặt của một cô gái đỡ tráp.
Đạt đón cô ở đầu cổng. Khu nhà có cái tên tiếng Anh rất quý phái. Trạm gác, chiếc ba-ri-e cùng những người bảo vệ mặc đồng phục chặn ở lối vào kiến nó càng có vẻ xa cách. Yến cười cười:
- Khách VIP có khác, bảo sao ông anh sốt sắng thế.
- Khách không VIP thì anh cũng sốt đấy chứ.
Đạt cũng cười cười, giọng nói khàn khàn vang lên giữa con đường nội bộ vắng lặng làm cái lạnh buổi sáng càng rõ rệt hơn. Hai người vừa đi vừa nói bâng quơ mấy chuyện thời tiết công việc. Chợt Đạt quay sang:
- Này, cô cũng 26 rồi, bao giờ làm khách hàng nhà anh?
- Ôi, còn lâu anh ơi. – Yến hơi ngẩn ra một giây, rồi lại cười cười, - Anh ấy giờ mới sắp xong thạc sĩ, còn phải chạy để về bộ làm, rồi còn…
- Anh hỏi khí không phải, thằng đấy có thật không?
- Là sao ạ?
- Anh chưa gặp nó bao giờ. Đám con Ốc con Hến cũng bảo là chưa.
Yến lại hơi ngẩn ra một giây, rồi bước nhanh về phía ngôi biệt thự dán chữ Song Hỷ, để tránh phải trả lời Đạt về chuyện mà chính cô cũng chẳng biết phải giải thích thế nào. Yêu nhau đã hơn một năm nhưng Trường chưa bao giờ chịu để Yến giới thiệu anh với bạn bè chứ đừng nói là với gia đình. Yến đã từng gặp vài người học cùng lớp MBA với Trường. Anh chỉ giới thiệu qua loa, cô hỏi thì anh nói là quan hệ xã giao, không cần bận tâm. Nhưng với các mối quan hệ rõ ràng là hơn hẳn mức xã giao, như cấp trên ở cơ quan hay bạn bè chơi lâu, cách giới thiệu của anh cũng chẳng khác là bao…
- Em đỡ tráp nữa đây hả cháu?
Một người đàn bà đứng tuổi to béo, có vẻ như là dì hoặc thím trong họ nhà cô dâu, chạy vội ra đón. Hỏi xong, thấy Đạt gật đầu, bà đưa Yến lên một căn phòng lớn trên gác, nơi một nhóm phụ nữ đứng tuổi đang xúm quanh xem người ta làm tóc cho mẹ con cô dâu, còn mấy cô gái đỡ tráp đang sửa sang lại quần áo mặt mũi. Yến nhận bộ áo dài, rúc vào một góc thay trong lúc mọi người vẫn nói chuyện râm ran. Đề tài xoay quanh việc tổ chức cưới xin với những khoản chi tiêu nhiều triệu, nhiều chục triệu. Yến nghe câu được câu chăng, thoáng chạnh lòng nghĩ đến bản thân. Yêu Trường được vài tháng, cô bắt đầu để dành tiền, hy vọng khi anh hỏi cưới thì có một món tự lo chụp ảnh thuê xe gì đó. Lương của Yến cũng khá nên khoản tiền cô dành dụm dần đần đã đủ để thuê một chiếc xe rất sang, chụp ở ảnh viện của một nhiếp ảnh gia rất chảnh, nhưng…
- Các cháu nhanh nhanh giúp bác nhé, nhà trai ở bên kia xuất phát rồi đấy.
Tiếng bà thím vừa nãy lại vang lên. Mấy cô gái đỡ tráp đồng thanh đáp lời, xem xét lại vẻ ngoài một lượt cuối rồi lục đục đi xuống nhà. Yến chẳng kịp trang điểm gì thêm, cũng vội vã xuống theo.
* * *
Ở tầng dưới, đèn bật sáng choang, mọi thứ đã được sắp xếp đâu vào đấy. Trên bàn, khăn hai lớp trắng – đỏ trải phẳng phiu, những bát hoa và đĩa bánh kẹo trầu thuốc bày xen kẽ vui mắt. Khách khứa họ hàng chạy qua chạy lại hỏi nhau gọi nhau í ới. Yến đứng lẫn trong đám đỡ tráp, nghe bà thím dặn dò nốt mấy việc mà cô và những người chuyên đi bê đỡ tráp khác đã quá quen thuộc, tự nhiên thấy buồn cười. Nhà này đã thuê dịch vụ trọn gói mà vẫn không yên tâm thì phải. Bất giác, cô đưa mắt tìm Đạt. Anh đang chỉ đạo hai nhân viên cửa hàng chỉnh lại phông bạt trên tường. Nhìn mấy dòng chữ in to đậm giữa phông, Yến sững lại, nét cười trong mắt cũng dần biến mất. Tên của chú rể… thật đặc biệt!
Đúng lúc này, một ai đó kêu to: “Đến rồi, đến rồi”. Nhóm con gái đỡ tráp ngay lập tức được xua ra ngoài cổng, xếp hàng chờ làm công việc chính của mình. Con đường nội bộ của khu biệt thứ vốn rộng rãi và yên ắng bỗng náo nhiệt và chật hẹp bởi đoàn người nhà trai. Đèn flash máy ảnh chớp nháy liên tục, ghi lại những cái bắt tay, những nụ cười và những đôi thanh niêm nam nữ đứng bên những mâm lễ sặc sỡ xum xuê. Rồi màn đón lễ và tiếp rước mở đầu cũng xong, những cô gái chàng trai trong đội bê đỡ tráp vốn do cùng một cửa hàng điều đến, quen biết nhau cả, nên ngồi dồn vào một dãy bàn gần cửa, trò chuyện vui vẻ. Yến ngồi im lặng giữa cả đám, tránh nhìn về phía chú rể, người lúc này đang ngồi chăm chú nghe các bậc đáng kính của hai họ thưa gửi qua lại, người mà mới đầu tuần còn ôm hôn cô và mới đầu giờ sáng còn gọi điện cho cô… Bỗng nhiên, Yến bật cười, cảm thấy mình vẫn còn may mắn. Cô không kịp chuốt mascara lên mi nên giờ nếu có khóc cũng không đến nỗi có hai dòng “kênh nước đen” trên mặt. Và trên tấm phông, cái tên đang nằm sánh đôi với cái tên đặc biệt kia cũng không phải tên cô.
Mọi chuyện sau đó diễn ra êm ả trong ồn ào như bất cứ đám ăn hỏi nào khác. Khi cô dâu chú rể chụp ảnh lưu niệm với đội bê tráp, chú rể cười có vẻ gượng gạo sao đó. Nhưng chẳng ai bận tâm thắc mắc. Dù sao thì khi một anh chàng công chức đẹp trai sắp cưới cô con gái duy nhất của một đại gia bất động sản, khó có ai nghĩ nụ cười của anh ra lại gượng gạo được!
* * *
Gần 10 giờ sáng, Đạt chở Yến về. Quá muộn để ăn sáng và quá sớm để ăn trưa, nhưng anh vẫn tấp vào một quán bún ngan ven đường. Trong lúc ngồi chờ bà bán hàng thái thịt, hai người cùng nhìn ra phố, thỉnh thoảng nói bâng quơ mấy chuyện thời tiết công việc.
- Tí về cô có chương trình gì không?
- Em ngủ bù thôi ạ.
- Ừ. Ngủ dậy thì làm gì?
- Chắc em phải dọn máy tính. Nhiều thứ cần xóa quá.
- Tối rảnh không?
- Sao ạ?
- Lên M. xem phim.
Hai bát bún bưng ra. Đạt cắm cúi ăn. Yến nhìn anh, định hỏi thêm, không phải về chuyện xem phim mà về đám ăn hỏi mà anh tổ chức hôm nay, nhưng rồi lại im lặng. Cô cầm đũa lên ăn vài miếng, vừa ăn vừa nhẩm tính. Chính ra, số lần đi xem phim của cô với người yêu (nay đã là người yêu cũ) ít hơn số lần đi đỡ tráp theo lời nằn nì của Đạt, ít hơn rất nhiều.