Nửa tháng sau, ba người cuối cùng cũng tới được phủ Khai Phong phồn hoa náo nhiệt.
Vừa vào thành, Vương thúc đã đến một cửa tiệm buôn bán thực phẩm miền nam. không ngoài dự đoán, ông tìm được một người quen của tứ lão gia, nhờ người ta cho vay chút tiền rồi đưa hai mẹ con Hàn thị và Vân anh tới quán ăn ăn một bữa no nê.
Lần đầu được ăn bánh bao súp, Hàn thị vô cùng kinh ngạc: Từ trước tới giờ bà nào đã được ăn thứ gì ngon như vậy!
Bánh bao súp của phủ Khai Phong vốn nổi tiếng khắp vùng từ triều đại trước. Đây là một món ăn tinh tế hết sức tinh tế, vỏ mỏng nhân nhiều, dùng đũa gắp lên có thể nhìn thấy nước súp chảy xuống, giống như một chiếc đèn lồng nho nhỏ, đặt trên lồng hấp lại thấy nếp gấp mở ra thành hình một đóa hoa cúc trơn mượt lấp lánh.
Hàn thị ăn lấy ăn để.
“Hình bất thượng đại phu, lễ bất hạ thứ dân” [1], dân chúng bình thường không cần tuân thủ nghiêm khắc ba năm để tang không được ăn mặn, chỉ cần bảy bảy bốn mươi chín ngày là được.
[1] Ý là quan lớn không phải chịu hình phạt nặng, dân chúng thì không cần giữ lễ nghĩa quá chỉn chu.
Ăn bánh bao súp vốn cũng có quy tắc, khi gắp phải nhẹ nhàng, đưa vào bát phải chậm rãi, phải mở bánh trước rồi mới uống nước súp. Đầu tiên dùng chiếc đũa tạo một lỗ nhỏ trên thân bánh, sau đó nếm nước súp tràn ra, thưởng thức một chút beo béo thơm thơm ngon ngọt, rồi mới dùng thìa nhỏ múc nước súp này từ từ uống hết, cuối cùng mới ăn đến phần bánh, cảm nhận hương thơm tỏa ra trong miệng.
Trong khi Vân anh thong thả chậm rãi ăn thì Hàn thị đã ăn xong một lồng bánh, lúc này mới để ý thúc giục nàng: "Ăn nhanh lên, ăn nhiều vào!"
Tính ra hai mẹ con cũng đã tầm nửa năm không được ăn thịt, Hàn thị từng tự giễu rằng đến ngựa nuôi ở trại có khi còn được ăn tử tế hơn bọn họ.
Vương thúc để Hàn thị và Vân anh ở tiệm ăn đợi ông, ông muốn ra bến thuyền một chuyến. Bến thuyền này vốn là nơi trung chuyển đường thủy của địa phương, ông ra đó nhờ khách đi thuyền nào qua huyện Hoàng Châu thì báo tin giúp. Bến thuyền người đến kẻ đi, tình hình phức tạp, hạng người nào cũng có, Hàn thị đưa Vân anh đi cùng cũng không tiện.
Nhân dịp Vương thúc không ở cạnh, Vân anh quay qua Hàn thị: "Mẹ, con có chuyện muốn nói với mẹ."
Nàng nói, giọng điệu trịnh trọng.
Hàn thị phì cười, thấy mặt nàng nghiêm túc nên lại muốn trêu nàng, "Đại Nha, con chưa ăn no à?"
Theo ý Hàn thị, nuôi con cũng giống như nuôi ngựa, chỉ cần giải quyết được nhu cầu quan trọng nhất là được: cho nó ăn no.
Vân anh lắc đầu, quyết định nói thẳng, "Mẹ, cha con mười mấy năm nay không về quê, Phó gia đã lấy vợ cho cha, còn lấy danh nghĩa của cha nhận nuôi một đứa con trai... cũng tầm chín năm rồi."
Tin tức này do nàng dò hỏi Vương thúc mà có, Vương thúc là người chất phác, nàng cũng chẳng phải cố gắng gì nhiều đã hỏi được chuyện này.
Tứ lão gia nghe đồn rằng Phó lão đại đã chết nơi đất khách, tin là thật, chi tiền cưới vợ cho anh trai, là cháu gái bên nhà mẹ đẻ của lão thái thái, nhà bên kia quá nghèo, cô cháu gái này đồng ý thủ tiết cho Phó lão đại, chỉ cần Phó gia giúp đỡ nàng nuôi sống mẹ già và anh em trong nhà.
So sánh ra thì thời điểm Phó gia cưới Ngô thị này còn trước cả khi Phó lão đại gặp Hàn thị.
nói cách khác, Phó gia chắc chắn sẽ không thừa nhận thân phận của Hàn thị, chỉ có thể đối xử với bà như thiếp thất. nói cho cùng, Ngô thị là con dâu được Phó gia cưới hỏi đàng hoàng, còn có công thủ tiết cho Phó lão đại nhiều năm như thế.
Hàn thị nóng tính, bộc trực, nghe Vân anh nói vậy thì giận điên lên, cơn giận bốc lên đầu, mặt lúc đen lúc đỏ, ném chiếc lồng hấp trên bàn xuống, lớn tiếng nói: "Ta cũng là con gái nhà lành, dù chẳng có tam môi lục sính, cũng là đã bái đường thành thân, ta không phải là thiếp!"
Vân anh không nói gì, chờ Hàn thị bình tĩnh lại, đứng dậy nhặt chiếc lồng hấp lên, rồi rót cho bà một ly trà nóng.
Cũng may mùa đông trời lạnh, người ra vào cửa tiệm cũng không nhiều, tiệm ăn này chỉ có vài ba bàn thực khách, không ai chú ý đến họ, chỉ có gã chạy bàn là lẳng lặng trừng mắt nhìn Hàn thị vài cái.
Hàn thị hùng hổ uống mấy bát trà nóng liền, cơn bực tức trong lòng mới từ từ hạ xuống, bà hừ lạnh một tiếng, "Tới khi sắp xếp xong chuyện hậu sự cho cha con, mẹ con chúng ta dọn ra chỗ khác ở."
Chuyện Phó gia cưới vợ cho Phó lão đại, bản thân ông cũng không biết, hơn nữa người cũng đã mất rồi, Hàn thị cũng không đến mức trút giận lên người người đã khuất.
Vân anh thấy Hàn thị bình tĩnh được như thế cũng kinh ngạc, gật đầu đồng ý.
Hàn thị vốn là người nhanh nhẹn, làm được việc, lại có sức khỏe, cần cù chịu khó. Tới khi nàng lớn, cũng có thể giúp đỡ bà làm việc. Hồ Quảng nằm ở giữa vùng hạ du sông Trường Giang, nhiều hồ nước, đất đai bằng phẳng phì nhiêu, tốt hơn ở Cam Châu nhiều, hai mẹ con nàng chẳng phải tài giỏi gì nhưng nuôi sống bản thân thì chẳng thành vấn đề.
Hàn thị vốn đang bực tức nhưng nghĩ lại thì Phó lão đại đã mất, chẳng còn lý do gì để bực mình. Bà xoa đầu Vân anh thở dài.
Nếu như Phó lão đại còn sống, Hàn thị nhất định không bước vào Phó gia một bước! Chỉ là hiện tại ông đã chết, lại chỉ có Đại Nha là huyết mạch duy nhất, làm sao bà nỡ để Đại Nha theo mình chịu khổ?
Đại Nha, nói cho cùng, mang họ Phó!
Hàn thị uống một ngụm trà rồi thở dài.
oOoVương thúc trở lại, dẫn theo một đoàn người.
đi đầu là một người đàn ông tầm ba mươi tuổi tướng mạo đoan chính, đầu đội mũ lụa sáu mảnh, mặc một chiếc đạo bào (xem chú thích của tác giả phía dưới) màu xanh lá, vừa vào đến tiệm ăn nhìn thấy Hàn thị liền quỳ xuống.
Ông ta dập đầu mạnh mấy cái đến thâm tím cả trán.
Hàn thị hoảng hốt.
Người đàn ông này nước mắt như mưa, khóc không thành tiếng, "Khiến chị dâu và cháu phải chịu khổ rồi."
Vương thúc đứng bên cạnh cũng gạt gạt nước mắt, thấy Hàn thị đang lúng túng thì khẽ nhắc: "Nương tử, đây chính là tứ lão gia."
Hóa ra đây chính là người một mình vực cả Phó gia dậy, Phó tứ lão gia.
Hàn thị vốn quyết tâm tới huyện Hoàng Châu nhất định sẽ nói rõ ràng với người Phó gia. Giờ thật sự gặp Phó tứ lão gia, bà lại cuống lên, mồ hôi túa ra, ấp úng chẳng nói nên lời.
Phó tứ lão gia dáng người cao lớn, quần áo chỉnh tề, không giống Phó lão đại chút nào. Từ trước đến giờ, Hàn thị nào có gặp được ai giàu sang phú quý như thế.
Thấy Hàn thị lúng túng, Vân anh đành phải đứng dậy thay mẹ đáp lễ: "Cháu gái bái kiến tứ thúc."
Phó tứ lão gia nhìn nàng một lúc, "Đây là anh tỷ nhi sao?". Hai mắt ông đỏ lên, khuôn mặt lộ ra vẻ đau buồn, "Đúng là giống đại ca như tạc".
nói dối cũng hay ghê, Vân anh đâu có giống Phó lão đại.
Ầm ĩ một hồi như vậy làm cho chủ tiệm cũng phải chú ý, tên tùy tùng tinh ý chạy tới tìm chủ tiệm đề nghị thuê một phòng riêng, đỡ Phó tứ lão gia dậy rồi mời Hàn thị và Vân anh tới phòng riêng nói chuyện.
Gã chạy bàn thấy Phó tứ lão gia ăn mặc chỉn chu nên phục vụ cẩn thận, mang khăn và nước ấm tới cho ông lau mặt.
Hàn thị lấy di vật của Phó lão đại ra.
Phó Tứ lão gia ôm lấy quần áo cũ của Phó lão đại mà khóc lóc một hồi, khóc đến lạc cả giọng.
Mấy tên tùy tùng sợ Phó tứ lão gia khóc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nên vội vàng khuyên giải.
Vương thúc là lão bộc của Phó gia từ khi Phó Tứ lão gia còn nhỏ nên cũng không rào đón nhiều, nói thẳng: "Quan nhân nén đau thương, tìm thấy vợ con của đại lão gia là tốt rồi, giờ việc quan trọng cần làm là sắp xếp cho nương tử và tiểu nương tử."
Phó tứ lão gia vẫn khóc: "Còn có thể nói thế nào đây, đại ca đi rồi, ta đây là em chỉ hận không thể đi thay! Mấy năm nay nhờ có người trong họ tộc giúp đỡ, ít nhiều cũng còn kiếm được chút tiền, chi tiêu không còn khó khăn, nhất định phải chăm sóc chị dâu cho thỏa đáng." Dứt lời, ông ta kéo tay Vân anh lại, nhìn nàng hồi lâu, lại thấy nàng gầy yếu như thế, mũi lại nghèn nghẹn, nước mắt tiếp tục ầng ậc tuôn ra, "anh tỷ nhi đáng thương, còn nhỏ như vậy mà đã không còn cha, giờ Viện tỷ nhi của đại phòng có cái gì, con cũng sẽ có cái đó, Nguyệt tỷ nhi, Quế tỷ nhi cũng không thể bằng được."
Mấy tên tùy tùng thầm kinh ngạc, trao đổi ánh mắt với nhau: Phó Viện là đích nữ của tộc trưởng, Phó Nguyệt là con gái ruột của tứ lão gia, Phó Quế là con gái nhà tam lão gia. anh tỷ nhi không còn cha, tứ lão gia thương xót cháu gái, đối xử tử tế với anh tỷ nhi cũng là chuyện bình thường, nhưng mà so sánh với Viện tỷ nhi... phải chăng là hơi quá rồi?
Vương thúc cũng kinh ngạc, không nói nên lời, ông thương cho mẹ con Hàn thị nên mới hỏi tứ lão gia định sắp xếp như thế nào, ngờ đâu tứ lão gia lại nói Nguyệt tỷ nhi cũng sẽ không bằng, Nguyệt tỷ nhi chính là hòn ngọc quý trên tay tứ lão gia đó!
Nhưng mà nghĩ lại thì Phó lão đại và Phó tứ lão gia khi còn nhỏ vốn rất thân thiết, chưa bao giờ xung đột, kể ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Lần này Vương thúc vô tình gặp được Phó tứ lão gia.
Củ sen và rau cải của đất Hồ Quảng vốn nổi tiếng khắp cả nước, rau cải được trồng trong khu vực gần chùa Bảo Thông phủ Võ Xương còn là cống phẩm, hơn nữa sau đợt tuyết mùa đông là lúc rau cải tươi ngon nhất, dân chúng muốn ăn cũng chẳng có mà mua, rau này chỉ để dành cho các các quan lại quyền quý mà thôi. Nơi khác cũng có thể trồng rau cải nhưng chẳng đâu có hương vị thơm ngon được như thứ rau được trồng ở phủ Võ Xương. Tuyết vừa ngừng rơi, Phó Tứ lão gia đã đưa một thuyền củ sen tươi và rau cải tới phủ Khai Phong. Vương thúc tới bến thuyền tìm người giúp đỡ liền nhận ra thuyền của Phó gia đang đậu ngay đó nên vui mừng khôn xiết.
Phó Tứ lão gia nghe Vương thúc kể Hàn thị và Vân anh đang chờ ở tiệm ăn thì ngay lập tức tới gặp, quyết định không đi thăm bạn nữa, đưa chị dâu và cháu gái về nhà mới là chuyện quan trọng nhất.
Gặp được bọn họ, sau đó hàn huyên chuyện Phó lão đại lúc sinh thời, khóc lóc một chập mới nhận ra trời đã gần tối, Phó tứ lão gia lau nước mắt, lệnh cho tùy tùng chuẩn bị lên đường.
Dẫu trên mặt ông còn vương lệ, hai mắt đỏ hoe nhưng sự uy nghiêm thì không hề suy giảm.
Lúc ông nói chuyện với Hàn thị, mấy gã tùy tùng yên lặng, không dám nói một câu. Tới khi ông quay qua phân phó công việc, họ nhanh chóng tiến lên nghe lệnh, đối với chủ nhân cung kính vô cùng.
Vân anh tự nhủ, vị Phó Tứ lão gia này không đơn giản, thảo nào ông ta có thể vực dậy cả Phó gia.
Hàn thị và Vân anh đi theo bọn họ ra khỏi tiệp ăn.
Ngay bên cửa đã có một chiếc kiệu đang đứng đợi.
Tiệm ăn cách bến thuyền không xa, hơn nữa những người ngồi kiệu thì đều phải là các phu nhân nhà quan, Hàn thị là một người nghèo khổ xuất thân từ nông thôn, nào dám lên kiệu? Bà nhất quyết từ chối.
Tuy vậy Phó Tứ lão gia kiên trì thuyết phục, Hàn thị đành đồng ý, bước lên kiệu vẫn ngại ngùng đến cứng cả người.
Lên kiệu rồi, Hàn thị mới nhìn ngang ngó dọc, tấm tắc khen: "Êm ái, không xóc nảy gì hết, thế này mới thoải mái chứ!"
Vân anh giật giật ống tay áo Hàn thị, "Mẹ, tứ thúc còn chưa nói tới đại nương tử trong nhà kia đâu."
Hàn thị sờ chỗ này một chút, sờ chỗ kia một tẹo, cũng không quan tâm mấy, nói: "Tứ thúc con là người tốt, hắn khóc lóc như thế, mẹ cũng ngại hỏi... Thôi kệ đi, đợi tới huyện Hoàng Châu rồi nói."
Vân anh dở khóc dở cười, Hàn thị vô lo vô nghĩ, trời sinh không phải lo lắng chuyện đời.
Tới bến thuyền, Vương thúc dẫn Hàn thị và Vân anh lên thuyền.
Lát sau, trên thuyền có thêm hai bà tử, Phó tứ lão gia lo hai mẹ con Vân anh không có người chăm sóc nên phái người đến nhà bạn bè mượn tạm hai người hầu tới.
Hai bà tử này vốn quen việc hầu hạ người khác, chỉ cần nhìn qua là biết kích thước quần áo của hai mẹ con, một người đi chuẩn bị nước thơm tắm rửa, một người chuẩn bị quần áo. Giờ chắc chắn không kịp may mới, chỉ có thể đi ra tiệm mua mấy bộ quần áo sạch sẽ, mấy bộ quần áo ở đó hơn nửa là vài mẫu cũ mà nhà giàu có mới mặc qua đôi lần đã bỏ đi vì không còn hợp thời, còn lại là quần áo mới.
Hàn thị tắm rửa rồi thay một chiếc áo màu lam phối với chiếc váy lụa màu vàng xong còn không dám xuống đất đi lại, "Quần áo đẹp thế này, quệt qua quệt lại một tẹo là lại bẩn, làm sao tôi dám mặc bây giờ!"
Bà nói rồi kéo chiếc áo cũ ra phủ ra ngoài bộ đồ mới.
Hai bà tử nọ mặt hơi biến sắc nhưng vẫn cúi đầu không nói.
Vân anh cũng đã thay quần áo mới, bên trong là chiếc áo tơ tằm màu ngà, khoác bên ngoài là áo chẽn cổ cao màu xanh đậm, phía dưới là chiếc váy lụa nhạt có thêu hoa văn tinh sảo tươi sáng. Bà tử thậm chí còn chuẩn bị cho nàng một chiếc ngọc bội treo bên eo, chải tóc song ốc cuốn bằng dây bạc, thoạt nhìn trông y như một tiểu nương tử nhà giàu nào đó.
Hàn thị suýt nữa không nhận ra con gái mình.
một bà tử cầm đôi khuyên tai đinh hương ướm thử bên tai Vân anh, cười nói: "Tỷ nhi cũng nên xỏ lỗ tai rồi."
Hàn thị nghe xong cũng muốn làm ngay.
Bà tử lại vội vàng ngăn làm lại, "Nương tử đừng vội, lúc này trời còn lạnh, tháng ba năm sau xỏ lỗ tai cũng không muộn."
Hàn thị nghe vậy cũng không ý kiến gì nữa.
Đợi Hàn thị ngủ rồi, Vân anh mới bước ra khoang thuyền, bà tử hỏi nàng: "Tỷ nhi có đói bụng không?"
Tại sao mọi người đều cho rằng nàng bị đói thế không biết? Nàng quả thật đâu có đói.
Vân anh chỉ tay ra phía ngoài, nói: "Ta đi tìm tứ thúc nói chút chuyện."
Hàn thị chắc hẳn muốn đưa nàng về Phó gia, nếu không làm gì có chuyện vừa nghe họ nói các tiểu thư đều xỏ lỗ tai thì ngay lập tức muốn xỏ luôn cho nàng. Hàn thị lo các chị em họ ở Phó gia sẽ coi thường nàng.
Nàng muốn tìm Phó tứ lão gia hỏi cho rõ, phen này Phó gia cuối cùng muốn giải quyết chuyện Phó lão đại "cưới" hai vợ một lúc như thế nào.
Lời tác giả:
Đạo bào: một loại áo rộng bằng vải lụa, không phải là đồ của đạo sĩ, mọi người cứ coi như là loại áo mà kẻ sĩ dưới triều Minh thường mặc.
Quần áo trong truyện đa phần dựa vào trang phục triều Minh.
Triều Minh ấy mà, đàn ông cũng có thể mặc áo choàng hồng, đi giày đỏ nữa cơ... Ôi gu thẩm mỹ của người xưa thật là...
...
nói về kiếp trước, anh tỷ nhi rời bỏ Thôi gia, chủ yếu là nhận ra dù nàng có tuân thủ nghiêm ngặt tam tòng tứ đức, nghe mẹ nàng chỉ bảo dạy dỗ, trở thành hiền thê lương mẫu, nhưng cuối cùng chẳng thay đổi được gì.
Cha nàng là người tốt, biết rõ ủng hộ Quốc Công gia sẽ làm liên lụy đến phụ nữ trong nhà nhưng vẫn không cầu xin hoàng đế.
Chồng nàng hiểu rõ nàng đau khổ thế nào nhưng cũng không ra tay giúp đỡ bởi vì giúp đỡ gia đình nhà vợ sẽ làm ảnh hưởng tới tiền đồ của hắn.
Dưới tình huống như vậy, phụ nữ nào có thể làm gì được, chỉ có thể chấp nhận.
Cảm giác bất lực này chính là lý do khiến anh tỷ nhi bỏ đi dứt khoát như thế, không phải đơn giản bởi vì chồng ta không ra gì, ta buồn ta khổ ta đau lòng, ta phải ra đi vân vân (nhưng đương nhiên là cũng sẽ không quay lại).
Ba tháng sau đó, điều gì đã xảy đến với nàng, tại sao nàng chết, phần sau sẽ nói rõ hơn.
....
Kiếp này, anh tỷ nhi sẽ sống theo ý mình, không cần suy xét thanh danh này kia, không cần lo không gả nổi chồng, nàng sẽ chỉ sống cho bản thân mình, nữ chính vẫn là người của thời đại này, không phải linh hồn xuyên không gì cả, tác giả chỉ muốn nữ chính được sống một cuộc sống không có gánh nặng.
Đây là tiểu thuyết ngôn tình nên sẽ không quá nặng nề, tác giả sẽ cố gắng hết sức, chỉ tạo tình huống nhẹ nhàng, thoải mái.
...
Giải thích qua một chút tâm lý của nữ chính như thế, về sau sẽ không kể lể dông dài nữa...