• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Bước xuống khỏi chiếc xe khách chật kín người Lâm đưa hai tay lên trời vươn vai rồi thở hắt ra một cái rõ mạnh:



- - Cuối cùng thì cũng đến nơi, nghĩ lại thì mình cũng phải đến 3 năm nay không về làng rồi đấy nhỉ..?



Tự hỏi tự trả lời, Lâm xốc lại cái balo rằn ri quân nhu đã theo anh từ hồi nhập ngũ vào năm 2013. Bản tính ngông cuồng, ưa tự do, không thích gò bó cho nên sau khi bỏ học Lâm ở nhà làm đủ mọi nghề nhưng cuối cùng cũng chẳng đâu vào đâu. Đến năm 18 tuổi có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự Lâm lên đường nhập ngũ luôn. Hết 2 năm nghĩa vụ sau khi xuất ngũ Lâm đi theo bạn lên thành phố làm ăn chứ cũng không chịu về nhà, mặc cho bố mẹ với chị gái ở quê gọi điện chửi suốt. Khốn một nỗi càng chửi thì Lâm lại càng không về, cuối năm nay chẳng hiểu sao tình yêu quê hương trỗi dậy Lâm lại thấy nhớ nhà, cuối cùng đêm qua Lâm chẳng nói chẳng rằng sắp xếp balo nhảy xe đi về cái làng cách thành phố 500km mà anh đã bỏ đi mấy năm về trước.



Vừa đi vừa nghĩ đến cái cảnh bố mẹ ở nhà thấy mình về chắc sẽ chủi bung nóc mà Lâm cứ khúc khích cả đoạn đường đất dẫn đến bờ sông. Thời tiết làng quê quả thật khiến cho con người ta dễ chịu, Lâm vẫn nhớ con sông này, nó là nơi hồi nhỏ Lâm cùng đám bạn suốt ngày ra đây bơi lội, đùa nghịch. Hồi đó vô tư thoải mái biết bao nhiêu, còn trẻ con nên cả nam cả nữ cứ trần như nhộng nhảy xuống sông mà chẳng thấy ngại ngùng gì. Dòng sông vẫn thế, bao năm qua chỉ có con người là già đi chứ dòng sông không có gì thay đổi. Vẫn cái màu nước nâu đục, bên trên là những đám lục bình trôi theo dòng nước, tiếng gió thổi hòa cùng tiếng nước chảy tạo nên những âm thanh của miền quê sông nước đầy êm ả. Đột nhiên Lâm giật mình nhớ lại:



- - Thôi chết, muốn về làng là phải sang sông, mà sang sông thì phải có đò...Cơ mà đò đâu nhỉ…



Lâm nhớ ngày còn ở làng thì có gia đình ông bà Bảy làm nghề lái đò từ khi Lâm còn nhỏ xíu. Chưa hết, gia đình ông Bảy còn có một người con gái tên Mai bằng tuổi Lâm, là bạn học của Lâm khi anh còn đi học. Nói gì thì nói tuy không nhớ quê nhớ bố mẹ, nhưng người mà Lâm hay nghĩ đến nhất chính là Mai, cô bạn từ thuở hàn vi. Năm Lâm đi bộ đội nghe đâu Mai ở nhà đã lấy chồng, hơn nữa chồng Mai còn rất giàu có. Cũng là người trong làng, nói đến tên thằng đó thì không ai không biết bởi nhà nó thuộc tầng lớp thượng lưu trong làng. Chồng của Mai tên là Phong, lớn hơn Lâm với Mai hai tuổi, con của ông bà Cương - Ngọc có xưởng làm đồ gỗ rất nổi tiếng.



Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chính vì Lâm rất thích Mai cho nên trong bộ đội nghe thấy tin Mai lấy chồng Lâm buồn phải đến cả tháng, nhìn người mình thầm thương trộm nhớ lấy người khác khiến Lâm không đành lòng về quê. Cho nên giải ngũ Lâm lên thành phố với một chút vốn sau khi ra quân rồi bám víu ở đó làm ăn luôn. Phần không muốn về làng rồi tự làm đau mình, phần cũng muốn quên đi mối tình đơn phương chưa kịp ngỏ lời với cô bạn thời thơ ấu.



Đang mải suy nghĩ Lâm thấy bóng dáng chiếc đò từ bên kia sông đang chèo sang, con đò càng lúc càng gần, ban đầu xa xa Lâm thấy người lái đò có một dáng gầy gầy, mảnh khảnh thì đoán đó chính là bác Bảy. Nhưng càng đến gần thì Lâm càng ngỡ ngàng khi nhận ra đó không phải là một người đàn ông, không phải bác Bảy cũng không phải vợ bác ấy, người đang trèo đò chính là Mai….Đúng là Mai rồi...Cô lái đò xinh đẹp ghé đò vào cây cầu nhỏ cất giọng trong trẻo:



- - Anh muốn sang sông phải không ạ…? Giá là 5 nghìn một lượt nhé anh…



Lâm nhìn Mai tròn mắt, Mai vẫn xinh đẹp như ngày nào mặc dù hình ảnh cuối cùng mà Lâm nhìn thấy Mai đó là khi Mai cùng mọi người trong làng cũng ở chính bến sông này tiễn trai làng lên đường đi nghĩa vụ. Vẫn gương mặt thanh tú, đôi mắt to tròn đen nhánh, nước da trắng ngần càng làm một vài nốt tàn hương nổi bật trên khuôn mặt đó….Lâm ngượng ngùng vì không ngờ gặp lại người thương, nhưng do lúc đó đeo kính đội mũ nên có lẽ Mai không nhận ra Lâm. Vội bỏ mũ, bỏ kính ra Lâm cười lớn:



- - Mai, không nhận ra tôi à...Lâm đây….Lâm đầu đá đây….



Vừa tháo kính ra là cô lái đò xinh đẹp nhận ra bạn thân luôn, cô lấy tay che miệng ngạc nhiên:



- - Đúng là Lâm rồi, Mai cứ tưởng Lâm bỏ làng bỏ quê sống ở thành phố không thèm về nữa rồi chứ...Trời đất ơi, thôi lên đò đi Mai chở về làng….



Cuộc hội ngộ bất ngờ sau ba năm cũng không ngại ngùng, khó mở lời như Lâm nghĩ. Bước lên đò Lâm khẽ hỏi:






- - Ủa sao hai bác đâu mà Mai lại chèo đò thế này…



Vén chiếc nón lên Mai khẽ quay lại nhìn Lâm rồi đáp:



- - Ừm, ba mẹ Mai giờ cũng lớn tuổi rồi nên Mai cũng phụ ông bà khi nào rảnh ấy mà…



Lâm gãi đầu cười:



- - Vậy mà bao lâu nay Lâm cứ nghĩ Mai được gả cho nhà giàu thì bố mẹ Mai sẽ không làm nghề lái đò nữa…



Bỗng nhiên Mai hơi thoáng buồn, im lặng một lúc Mai khẽ đáp:



- - Mai bỏ chồng 1 năm nay rồi...Giờ Mai lại quay về sống với bố mẹ ở ngôi nhà ven sông này thôi…



Lâm giật mình ngạc nhiên:



- - Mai bỏ chồng rồi sao…? Mà sao lại bỏ…? Chết thật Lâm vô tâm quá, cho Lâm xin lỗi..



Mai khẽ nhoẻn miệng cười, một nụ cười có thể hớp hồn tất cả những gã đàn ông nào nhìn vào nó, Mai khẽ nói:



- - Không sao đâu….Chuyện cũng không có gì….Duyên hết thì phải chấp nhận thôi...Mà còn Lâm thì sao….Về quê sao không đưa bạn gái về...Gái thành phố chắc xinh lắm nhỉ, ăn đứt hội con gái trong làng còn gì…?



Lâm không hiểu tại sao khi nghe tin Mai bỏ chồng lại thấy vui lạ thường, khẽ ấp úng Lâm đáp:



- - Lâm làm gì có ai yêu mà đòi dắt về….Với lại bao năm qua Lâm vẫn….



Chưa nói hết câu thì đò đã cập bến bờ bên này, Mai bước lên buộc dây đò vào một cái cột rồi nhìn Lâm cười:



- - Đã về đến làng, có còn nhớ đường về nhà không hay để Mai dẫn đi. Mùa lạnh lên bến sông ít người qua lại lắm, như Lâm thấy đấy cũng có ai đi đò mấy nữa đâu...Vì bây giờ người ta làm một cây cầu cách đây tầm 2km rồi. Ban nãy nếu không phải Mai nhìn sang bên kia bờ sông thì Lâm còn phải đứng đấy đến tối...Thôi Lâm về nhà đi…



Dù muốn ở lại nói chuyện thêm chút nữa nhưng cũng không biết phải nói gì nên Lâm gật đầu rồi hỏi:



- - Thế Lâm gặp Mai sau nhé, nãy Mai nói giờ Mai sống với bố mẹ ở ngôi nhà ven sông đằng kia phải không…? Thế Lâm có thể đến tìm Mai được không..?



Mai mỉm cười rồi gật đầu e thẹn, Lâm chào Mai rồi bước vào làng, lúc này trời cũng đã sẩm tối. Đường làng mùa đông khá vắng vẻ, hơn nữa lúc này đang là tầm nấu cơm nấu cháo nên ít người cũng đúng. Về đến cổng nhà Lâm thấy bố đang ngồi trong nhà hút thuốc lào, ông rít một hơi rõ mạnh rồi ngẩng mặt lên trời nhả khói tận hưởng cái cảm giác lâng lâng mà thuốc lào mang lại.



Đẩy cái cổng làm bằng tre Lâm bước vào trong trước cái ngỡ ngàng của ông bố, đang phê thuốc lào bỗng dưng nhìn thấy thằng con mất dạy ông già Lâm giật mình dụi mắt để tránh ảo giác. Sau khi định thần lại đúng con mình rồi ông mới xỏ vội đôi dép tổ ong màu cháu lòng bước vội ra cửa hét lên:



- - Thằng mất dạy, sao bây giờ mày mới chịu về hả con….Sao mày không đi nữa đi...Đi đi để hai ông bà già này chết rục xương rồi hãy về…



Mẹ Lâm đang nấu cơm dưới bếp cũng buông đôi đũa cả chạy ào ra sân, bà nắm tay bóp vai con rấn nước mắt:



- - Con ơi là con…..Mày không thương bố mẹ hả con…..Mẹ đến chết với mày thôi…



Đáp lại sự chào đón của bố mẹ, Lâm nói gọn lỏn:



- - Ơ thế bố mẹ không chửi con à…



Bố Lâm gắt ầm nhà:



- - Chửi chửi cái thằng bố mày….Đi vào đây tao xem nào…



Thấy mẹ Lâm cũng theo vào nhà ông quát:






- - Ơ hay cái bà này...Nấu cơm nhanh nhanh lên chứ….Còn ở đấy mà hóng.



Mẹ Lâm vội nhớ ra đang nấu cơm dưới bếp, bà vội chạy xuống nhưng vẫn cố ngoái lại nói với Lâm:



- - Bỏ balo vào trong nhà rồi ra sau giếng rửa mặt còn ăn cơm nhé…



Vậy đấy, con cái đi xa không về cứ nghĩ bố mẹ sẽ chửi mắng, giận đấy, ghét đấy nhưng rồi chỉ cần nhìn thấy con là họ quên sạch. Người nhà quê luôn chân chất nhưng lại vô cùng ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Bữa cơm gia đình trong buổi tối ngày hôm đó tràn ngập hạnh phúc, hai ông bà nhìn con trai ăn cơm một cách ngon lành, bố Lâm nói:



- - Thằng bố mày, chắc ở trên đó không có mấy món này ăn hay sao mà về đây mày ăn như muốn cạo thủng nồi nhà tao thế.



Lâm vừa ăn vừa cãi:



- - Bố cứ chửi con như thế là cũng tự chửi mình đấy nhé….Bảo sao cứ về làng là toàn nghe thấy chửi….Trên kia chẳng ai chửi vậy đâu..



Bố Lâm nghe thế càng cáu, ông nói:



- - Á...à thằng mất dạy này đi khỏi làng mấy năm giờ về dạy khôn cả bố nó đây này….Tao là tao…



Mẹ Lâm chép miệng:



- - Nó nói đúng đấy, ông câu nào cũng thằng bố mày, thế bố nó không phải ông chắc…



Lâm vừa nhai vừa cười sau câu nói đồng tình của mẹ, còn mỗi bố Lâm là tức điên mà không sao được, mẹ Lâm cười hỏi con trai:



- - Sao đi mấy năm mà vẫn biết đường đi qua cầu về làng cơ à..?



Lâm đáp:



- - Con nào biết cầu nằm ở đâu, thấy bảo cánh bến sông tầm 2km nhưng con đâu có đi qua cầu..?



Bố Lâm ngạc nhiên:



- - Mày không đi qua cầu thì mày bơi chắc…



Lâm trả lời thản nhiên:



- - Con đi đò….Trước con ở nhà chẳng đi đò suốt còn gì…?



Cả hai ông bà há hốc mồm, đồng thanh nói:



- - Mày đi đò….2 năm nay có ai lái đò ở bến sông nữa đâu mà mày đòi đi đò...Giờ có cầu rồi ai người ta đi đò nữa mà có đò...Hơn nữa làm gì có người lái đò….Mà mày đi đò của ai..?



Lâm vừa gắp thức ăn vừa trả lời:



- - Thì đò nhà bác Bảy, nhưng không phải bác ấy chở mà là con gái bác ấy...Bố mẹ còn lạ gì nữa...Là cái Mai bạn học với con từ hồi nhỏ đây...Không có Mai thì chắc giờ con chưa về được nhà…



Mẹ Lâm tròn mắt, bà đánh rơi chiếc muôi xuống mâm làm kêu cái xoảng, bố Lâm thì nhìn con khẽ lắp bắp không nói lên lời. Lâm nhìn thái độ của hai bố mẹ nói:



- - Có gì mà bố mẹ ngạc nhiên thế, bố mẹ Mai lái đò thì cô ấy phụ bố mẹ chở người qua sông thôi chứ có gì đâu…



Mẹ Lâm nhìn con khẽ run run hỏi:



- - Con...con….gặp...cái Mai thật hả….? Mày….mày….đừng đùa bố mẹ…



Lâm lắc đầu:



- - Mẹ làm sao vậy, con mấy năm mới về làng chẳng lẽ gặp bạn thì lạ lắm sao…? Con nói dối hai người làm gì...Là Mai chở con từ bên kia sông sang đây….Cô ấy còn nói chuyện với con trên đò cơ mà….



Bố Lâm khẽ nói:



- - Nhưng cái Mai nó chết cách đây 1 năm rồi….Mày không biết sao…..?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang