01
Vương Tử Chu tính làm ngụm cà phê cho tỉnh ngay cái ý tưởng khùng điên trong đầu nhưng cà phê đã hết từ bao giờ. Cô ngượng ngùng nhấp một hớp không khí rồi đặt cốc xuống, hỏi: “Vậy giờ cậu…”
Trần Ổ đáp: “Đang trong giai đoạn phát tác.”
À, giai đoạn phát tác.
Vương Tử Chu từng đọc một đoạn miêu tả trong “Công viên”.
Rằng cơn đau đầu tựa một tên bạo chúa, không sao nịnh nọt lấy lòng, cũng chẳng thể vùng lên lật đổ, muốn sống yên ổn qua ngày phải xem tâm trạng của y. Thế nhưng, tính y hết sức thất thường, dù bạn có tỉ mỉ thận trọng đến đâu cũng sẽ bị y thình lình giáng cho một chưởng. Dẫu vậy, tên bạo chúa vẫn chưa hả dạ, kể từ đó, hôm nào y cũng mò đến tẩn bạn một trận. Y có thể khùng lên bất cứ lúc nào, không trưa thì tối, ngay cả đêm hôm khuya khoắt cũng đánh không nương tay, đánh đập đến khi đã ghiền mới tha cho bạn một thời gian.
Bạn như thoát khỏi gông cùm, giành lại tự do nhưng sự tự do ấy kéo dài bao lâu, có lẽ là một tháng, hai tháng, ba tháng… Nhân phẩm tốt có khi còn được một năm, hai năm… Thậm chí lâu hơn, bẵng đi một thời gian, đến khi chính bạn gần như đã quên mất sự tồn tại của tên bạo chúa ấy thì bỗng một sớm nọ, từ đâu giáng xuống một cái tát điếng người.
À, thì ra y vẫn nhớ mình.
Một vòng luẩn quẩn, chắc cũng phải bảy, tám năm, bạn đã rõ cái tính cái nết của y như lòng bàn tay, bạn thử dò đoán tâm tư, cố gắng bắt tay giảng hoà nhưng kết quả vẫn công cốc.
Bạn mệt mỏi, đôi khi hơi tuyệt vọng nhưng nói gì thì nói, có tôi luyện trong đòn roi của kẻ bạo tàn, con người ta mới mạnh mẽ hơn được, khi gió lay cọng cỏ còn không qua nổi mắt bạn thì bão táp mưa sa ập tới cũng chẳng mấy bất ngờ, đau thì đau thôi, bạn tự nhủ và rồi ăn ngay một chưởng.
Cảm giác lúc ấy sẽ thế nào nhỉ? Vương Tử Chu nghĩ.
“Hôm nay cậu không đau à?” Vương Tử Chu hỏi.
“Không biết nữa.” Trần Ổ đáp, “May thì thoát được một bữa, cũng có thể là cơn đau đến muộn hơn.”
Nghe cậu nói mà Vương Tử Chu tưởng đâu một vị phi tần chốn lãnh cung đang đợi bạo chúa giá lâm, bao giờ hắn tới – nàng chẳng biết, việc duy nhất nàng có thể làm, chỉ là chờ và đợi mà thôi.
Quá đỗi bình tĩnh, cứ như đang kể chuyện của ai khác chẳng liên quan đến cậu.
Vương Tử Chu lại “bắt sóng” được thứ cảm giác kỳ lạ mang tên “thoát ly hiện thực”. Khi nghe điện thoại của Đàm Duệ Minh, khi ăn cơm ở Ikedaya, dường như cậu đều trong trạng thái ấy.
Tôi ở đây nhưng cũng chẳng ở đây; tôi là tôi mà cũng chẳng phải tôi.
Vương Tử Chu khá lo lắng, trực giác nhắc nhở cô, có lẽ đây không phải một tín hiệu tốt. Muốn đào sâu tìm hiểu nhưng lại chẳng dám làm liều. Để tâm trí khỏi bất an và đắn đo, cô quyết định hỏi sang chuyện khác: “Dạo này cậu đang bận gì thế?”
Cậu đáp: “Đọc sách, đọc luận văn, làm đề, nấu cơm, chạy bộ, đi lại.”
Một cuộc sống đơn điệu, y như mình, Vương Tử Chu nhủ thầm.
Cô nói: “Làm đề là… đề Toán à?”
Trần Ổ nghĩ nghĩ, lôi chiếc điện thoại chỉ còn 10% pin ra, mở khoá màn hình: “Giải đề Toán với tiếng Anh cho học sinh cấp ba bên này.” Cậu vừa nói vừa đưa điện thoại cho cô hết sức tự nhiên. Vương Tử Chu trông thấy một ứng dụng có tên “モバイル Gia sư”, cũng phần nào đoán được tác dụng của nó.
“Bài nào học sinh không làm được thì đăng lên đây để mình giải hộ à?”
“Ừ.” Cậu nói tiếp, “Cậu mở ra mà xem.”
Vương Tử Chu chẳng thể vượt qua thứ cám dỗ được cầm điện thoại của người khác, táy máy này nọ. Cô lại nghĩ, phải mình còn lâu mới cho người khác động vào máy nhưng sao cậu ấy lại để mình xem điện thoại nhỉ?
Cô cẩn thận truy cập vào app, màn hình hiển thị “số lời giải” và “level”, còn có cả đánh giá của học sinh, cô kéo xuống xem, toàn năm sao, quả là một người thầy có tâm và có tầm!
“Điểm trong đây kiếm bằng cách giải đề à, để làm gì thế?”
“Xem đề bài sẽ bị khấu trừ một số điểm nhất định, sau khi trả lời và được người ra đề xác nhận không có sai sót thì sẽ được hoàn lại và tích thêm điểm, số điểm này có thể quy đổi ra tiền.”
“Uầy, không ngờ làm đề cũng kiếm ra tiền.” Vương Tử Chu như được giác ngộ, “Cái app này tới công chuyện với tớ.”
Nói là làm, cô lấy điện thoại, mở App Store, tải ứng dụng về.
Đợi cô tải xong, Trần Ổ mới hỏi: “Cậu định giải đề môn nào?”
Vương Tử Chu bảo: “Tớ cũng muốn làm đề Toán với tiếng Anh!” Cô lại hỏi tiếp: “Làm xong cứ chụp ảnh gửi cho người ta là được hả?”
“Tốt nhất là viết trên iPad.” Cậu đáp, “Giải đề tốn giấy lắm, có khi một tờ không đủ đâu. Cậu phải viết chi tiết cho học sinh hiểu tại sao lại làm như vậy, không được bỏ bước. Với lại, chụp ảnh nhiều khi không nét.”
“Thế nếu không biết làm thì sao?”
“Phải trả lời trong thời gian quy định, nếu không giải được thì sẽ trừ luôn số điểm mà cậu sử dụng để xem đề bài.”
“Khốc liệt ghê! Vậy làm sao để đánh giá tớ đúng hay sai?”
“Học sinh sẽ là người đánh giá.”
“Thế nếu tớ làm đúng mà học sinh cứ bảo sai thì sao?”
“Họ đánh giá cậu làm sai thì hệ thống sẽ chuyển đề cho một người khác giải, bọn cậu được theo dõi toàn bộ quá trình. Nếu người sau cũng ra kết quả giống cậu thì cậu có thể khiếu nại, dữ liệu về lần giải sai sẽ được xoá đi.”
Vương Tử Chu ngó lại “số lời giải” trên app, tổng cộng hơn một nghìn. Làm gia sư bình thường chỉ cần tiếp xúc với một “khách hàng” nhưng trên app này, bạn sẽ phải đối mặt với vô số “khách hàng” – vô số học sinh cấp ba ở Nhật.
Những cô cậu học sinh đang tuổi khó ở.
Chắc cậu phải kiên nhẫn lắm.
Cô hỏi: “Giải một bài được bao nhiêu tiền?”
Trần Ổ nhẩm tính: “Trung bình khoảng 100 yên một bài.”
*100 yên ≈ 20k VND
Kiếm tiền kiểu này đâu có dễ!
Tải cái app này thực sự vì tiền ư? Vương Tử Chu lòng đầy nghi ngại nhưng vẫn háo hức muốn thử xem sao. Cô ấn về trang chủ màn hình điện thoại, ánh mắt vô tình va phải một app lạ lẫm, mới hỏi: “TABETE là app gì thế?”
“食べて (đọc là tabete), ‘Đến ăn’.” Cậu đáp, “Là app chuyên giải cứu đồ ăn thừa.”
“Hả?”
“Kiểu một số cửa hàng, chủ yếu là tiệm bánh mì, thường đăng bán các sản phẩm thừa lại trong ngày trước khi đóng cửa, cậu vào mà xem.” Cậu vẫn rất nhiệt tình mời cô xem tận mắt, dễ trong đó còn có cả lịch sử mua hàng của cậu cũng nên. Vương Tử Chu chột dạ, mình làm vậy có được không? Nhưng rồi tay cô vẫn bất chấp tất cả, nhấn vào, mở app ra.
Mình thiếu nghị lực quá đi mất!
Vương Tử Chu tự ngẫm lại bản thân, mở danh sách “过去のレスキュー (lịch sử giải cứu)” trong sự bối rối và cắn rứt, trong đó toàn các combo bánh mì được bán với giá 580, 680 yên, so với mức giá ban đầu gần 2000 yên thì quá hời.
*“bán với giá 100k, 120k, so với mức giá ban đầu gần 350k”.
Giải cứu thực phẩm, khẩu hiệu nghe có vẻ rất thân thiện với môi trường, hô hào là vậy chứ mục đích thực sự là thanh lý những mặt hàng giảm giá đã cận đát. Toàn những thứ cô thường không mấy bận tâm, cho rằng chúng lãng phí thời gian, chẳng hiểu sao giờ tự dưng lại tìm thấy niềm vui lạ lùng kiểu nghiên cứu thực địa đời sống xã hội.
“Hay đấy, tớ cũng phải tải app này.” Cô không ngần ngại bộc lộ sự thích thú ngẫu hứng này.
Tiếng cười vang lên.
Lại nữa, lại một tiếng cười thoáng qua như hơi thở.
“Cậu lại cười đấy.” Cô nói.
“Thế à?” Cậu đáp, “Hình như vậy.”
Lòng cô trào dâng một thứ cảm giác thoả mãn và hụt hẫng lạ lùng. Thoả mãn vì đã “nhìn trộm” được một góc nhỏ trong cuộc sống thường nhật của cậu mà chẳng mất tí tẹo công sức nào, hụt hẫng là vì cốc cà phê đằng kia chỉ còn lại chút ít.
Cà phê trong cốc của cậu như một chiếc đồng hồ đếm ngược.
Cà phê cạn cũng là lúc cậu rời đi.
Chuông đồng hồ điểm, cô bé Lọ Lem phải ra về, Hoàng Tử chẳng thể ngăn nổi bước chân nàng.
*Vương Tử trong tên Vương Tử Chu có nghĩa là Hoàng tử.
Và rồi cậu cũng uống nốt ngụm cà phê cuối cùng.
Lọ Lem, nàng phải đi thật rồi.
Vương Tử Chu nghĩ.
Cô đưa lại điện thoại, bảo: “Điện thoại cậu sắp hết pin rồi này, cậu có cần sạc không?”
“Không sao, điện thoại chẳng quan trọng lắm.” Cậu nói, “Không có chỉ đường thì tớ vẫn nhớ đường về mà.” Nói đoạn, cậu bưng cốc cà phê, tính mang ra bếp thì Vương Tử Chu vội ngăn lại: “Ấy, cậu cứ để đấy!”
“Ừ.” Cậu nhìn chiếc cốc rồi đứng dậy.
Vương Tử Chu cũng đứng lên theo: “Để tớ tìm cái túi cho cậu đựng sách.”
Cậu cầm sách, đợi cô lục lọi ngăn kéo bàn làm việc.
Vương Tử Chu tìm thấy một cái túi vải, bảo: “Hết túi giấy rồi, cậu đựng tạm bằng túi này nhé.”
Cậu đáp: “OK.”
Hoàng Tử tiễn Lọ Lem ra đến cửa.
Lọ Lem xỏ giày bata, mở cửa, cúi người, gật đầu nói: “Đến đây được rồi.”
Hoàng Tử gật gật, đáp lời: “Về cẩn thận nhé.”
Cỗ xe bí ngô đón Lọ Lem đi khỏi, Hoàng Tử đóng cửa, về phòng, nhìn hai chiếc cốc trên bàn trà, đánh tiếng thở dài. Cô cúi xuống bưng cốc vào bếp, mở vòi nước, rửa xong xuôi lại úp lên giá.
Chiếc cốc mà Lọ Lem từng uống…
Có tên “giẻ cùi xanh”, được chế tác bởi một lò gốm nào đó ở Nhật, gốm thô đáy trắng, trên thân là một chú chim giẻ cùi be bé vẽ tay. Trước kia Vương Tử Chu cứ thấy nó nhạt nhòa, không hiểu sao giờ bỗng sống động lạ thường, như thể nó chỉ đậu tạm trên đó thôi, làm chiếc cốc cũng trở nên kỳ quái theo.
Thậm chí cô vẫn nhớ như in từng chi tiết khi Lọ Lem nâng chiếc cốc lên uống cà phê.
Cổ tay phải dán salonpas, bàn tay với những khớp ngón xương xương, móng tay được cắt tỉa sạch sẽ, ngón tay áp lên mình con chim giẻ cùi. Đầu cậu hơi cúi, mắt nhìn xuống, từ tốn uống từng ngụm một.
Xin đấy Tử Chu ơi! Đừng nghĩ nữa!
Lý trí Vương Tử Chu đang kêu gào, cô úp chiếc cốc lên giá, quay mặt vẽ hình con chim vào trong, mắt không thấy là đầu không nghĩ.
Tuy chỉ lừa mình dối người. Cơn dị ứng lại bắt đầu râm ran.
Cô còn lục cả hòm thuốc trong tủ bếp, định tìm một viên loratadine.
Vô ích thôi, cô cầm viên thuốc, nghĩ bụng.
Dị nguyên đâu có ở đây.
Thế sao giờ mình vẫn bị?
Nghĩ tới thôi cũng bị dị ứng.
Thế nên uống loratadine để làm gì, vô dụng.
Dị ứng đặc biệt.
Y học hiện đại cũng bó tay, mình phải tự tìm ra cách chữa thôi.
Bỗng Vương Tử Chu quay mặt cốc có hình con chim lại.
Lọ Lem, xem xem nàng đã làm gì với tôi đây này!
Danh Sách Chương: