• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:



Tôi bước vào căn nhà kho buốt thấu, chật chội mà tôi gọi là nhà, nơi những đám bụi bắn tung tóe trên không trung, che khuất tầm nhìn của tôi ngay khi tôi đẩy cửa vào. Không gian xung quanh vắng lặng như tờ. Âm thanh duy nhất là tiếng quần áo sột soạt và tiếng nước chảy từ một đường ống gắn trên trần nhà, chạy vắt qua đầu tôi.

Giá như tôi chỉ là một lãng khách, đang thưởng thức vẻ đẹp của sự tĩnh lặng này chứ không phải là một người lính kiệt quệ đang tìm một nơi có thể sống được.

Tôi đặt người đàn ông bất tỉnh nằm cạnh một núi rác rưởi khổng lồ, một trong cả tá những đống lụp xụp mà cộng lại cũng chiếm khoảng nửa căn phòng. Trong những đống như vậy là máy sưởi, các bộ phận súng trường không tương thích với nhau, một chiếc ghế sofa cũ nát trong góc, những chiếc thùng rỗng và đủ những thứ vô dụng khác. Quá nhiều rác rưởi, quá ít công dụng. Thậm chí không có nổi một chiếc giường nào—ít nhất là không có cái nào không bị vỡ thành hai mươi mảnh.

Không đủ để sống sót qua mùa đông. Mùa đông nước Nga lạnh giá, tàn khốc, bất diệt.

Trong pháo đài nhỏ của chúng tôi, biệt lập giữa miền Tây nước Nga, không đủ chỗ cho cả hai trăm người chúng tôi ngủ. Những người may mắn nhất có được phòng ngủ thực thụ bên trong khu phức hợp. Những kẻ kém may mắn nhất sẽ qua đêm trong các boong-ke ngầm nằm sâu bên dưới chiến hào, và sau khoảng một tuần, họ sẽ luân chuyển chỗ ngủ với các tiểu đội dự bị trên mặt đất. Và cuối cùng thì có tôi, một tay bắn tỉa được chỉ định, được chuyển đến một phòng chứa đồ. Thôi thì vẫn hơn không khí ấm mốc và giòi bọ bò luẩy nguẩy dưới lưng mình.

Tôi chỉ còn bảy ngày nữa.

Tôi thở dài khi những ý nghĩ lóe lên trong đầu. Chết tiệt, lại nữa rồi. Một đồng hồ đếm ngược khác hiện lên ngoài ý muốn, thử thách ý chí của tôi. Không cảnh báo. Nó cứ thể xuất hiện và chễm chệ chiếm đóng một mảnh tâm trí tôi. Tôi đã cố gắng, lạy trời, thưa Sa hoàng vĩ đại của nước Nga, tôi đã cố gắng bỏ thói quen này biết bao nhiều lần, nhưng tôi không thể không đếm từng ngày bất cứ khi nào một điều trọng đại chuẩn bị xảy ra.

Tôi chộp lấy một mẩu bánh mì cứng trên giá sách đủ sạch sẽ, lấy từ trong áo khoác ra một điếu thuốc lá, vừa châm lửa vừa nhìn chằm chằm vào những vết lõm tròn sâu hoắm trên tường. Sobranie Classic—con hàng chất lượng cao nhất mà nơi chết giẫm này có thể cung cấp. Tôi đã không đếm được bao nhiêu lần mình đã sống lại từ cõi chết ngoài kia chỉ để kiếm được điếu ung thư phổi di động kinh tởm này. Chỉ riêng điều đó đã nói lên rất nhiều điều về giá trị của nó. Ung thư phổi ư? Kệ mẹ ung thư phổi. Nếu đằng nào chúng tôi cũng chết, thì ít nhất tôi sẽ vừa rít thuốc vừa ra đi.

Đáng lẽ tôi sẽ chia sẻ điếu thuốc này với người bạn đầu tiên và duy nhất của mình ở đây, Roman, nhưng thật không may, anh ấy không có mặt ở đây hôm nay. Anh sẽ không còn ở đây nữa.

Anh ta đã chết sáng nay. Một viên đạn găm thẳng vào cổ và Roman gục xuống trong vài giây. Máu của anh phun ra như mạch nước, khắc lên tuyết loang lổ một màu đỏ thẫm.

Thật là một chàng trai tội nghiệp. Anh ta là một người lạc quan và kiên định, người luôn phá lên cười trước những trò đùa tồi tệ nhất có thể. Và, vì lý do nào đó, anh không thể ngừng nói về việc tất cả chúng tôi sẽ thoát khỏi mớ hỗn độn này một cách thần kỳ như thế nào.

Rồi anh ta chết.

Mẹ kiếp. Lẽ ra tôi không bao giờ nên làm thân với anh ta. Hoặc với bất kì ai. Vấn đề là khi tôi bắt đầu quan tâm đến ai đó, tôi sẽ dành thời gian để chìm đắm trong ký ức về họ khi họ qua đời. Hoặc điều ngược lại, nếu tôi ra đi.

Tôi chưa bao giờ yêu cầu được sản xuất, nhưng tôi vẫn cứ được sản xuất thôi. Tôi đã giết đủ người để hiểu rằng không có phần thưởng nào cho người sống sót.

Tôi là một sự cố; một bản sao bị lỗi, một bản sao có trình tự gene cảm xúc lộn xộn. Lẽ ra tôi nên làm những gì tôi được thiết kế để làm—tắt não đi và tàn sát. Những người lính chúng tôi chẳng là gì ngoài những con tốt thí, những mảnh phế thải tái chế được; những người máy bằng thịt chuyên nghiệp, vô cảm với nòng súng trên tay, chạy vòng quanh như những con gà không đầu và nổ súng vào những kẻ tương tự chúng tôi ở bên kia chiến tuyến. Những tay trẻ ranh là lũ tồi tệ nhất. Chúng sẽ lao ra như thể mạng sống của chúng chẳng là gì ngoài rác rưởi, sẽ hét lên “Vì Lãnh tụ tối cao!” từ đáy phổi của chúng, và chúng sẽ nắm chặt tay bạn chúng ngã xuống, cầu xin bạn giành chiến thắng cuộc chiến cho chúng.

Người đàn ông lạ vẫn đang nằm duỗi chân vắt vẻo, đè lên cặp dây buộc bằng ren ở hai bên bộ quần áo kỳ dị của mình. Tôi đã từng có vinh hạnh được gặp một vài người từ Tiksi vài năm trước. Người miền Bắc nước Nga đúng là một lũ đáng gờm—đầu rắn rỏi, cơ bắp vạm vỡ, da dày. Họ tắm trong nước đá cho vui. Nhưng điều đó không quan trọng. Hầu hết họ lột da gấu bắc cực và làm áo choàng từ chúng, vì vậy khi gió thổi qua, áo choàng của họ trông vừa phập phồng vừa gờn gợn lông vũ. Và tôi đã nghĩ đó là trang phục đẹp nhất rồi. Nhưng thứ này thì . . . ở một tầm cao khác. Nó có thể được làm bằng loại lụa mỏng tang mà mấy thương lái Trung Quốc hay buôn lậu cho các nghệ sĩ V.I.P hoặc người Trại C.

Lần cuối tôi kiểm tra, người đàn ông kia vẫn còn thở. Tôi có nên đánh thức anh ta dậy không?

Ngay từ đầu, tôi đưa anh ta về làm gì chứ? Tôi sẽ chết chắc nếu Dzyuba phát hiện ra điều này. Cứ như có giọng nói nhỏ trong đầu tôi thúc giục tôi làm như vậy. Có lẽ đức tin và lòng thương người vô dụng của Roman đã len lỏi vào trong tôi.

Đó có vẻ như là một điều mà anh ấy sẽ làm. Có lẽ Roman còn biết đối phó với kẻ đột nhập này khi hắn tỉnh dậy cũng nên. Làm cho kẻ khác mở mồm luôn là sở trường của anh ta mà.

Mẹ kiếp, Roman à. Mày sẽ làm gì trong lúc thế này?

Tôi rít một hơi thuốc trước khi ho khù khụ. Cố nén cơn ho, tôi dựa vào bức tường xi măng và nhăn nhó thở. “Chết tiệt, điếu thuốc chết tiệt làm tắc khí quản của tao,” tôi gầm gừ rồi rít thêm một hơi.

Tôi đã từng bỏ hút thuốc khi mùi thuốc lá quá nặng, nhưng khi đó đã lâu lắm rồi. Bạn nhận ra mình đã hút quá nhiều khi thuốc lá có mùi như mùi nến thơm trong góc văn phòng của Tướng Kuznetsov.

Nhưng tôi sẽ không dừng lại. Không phải hôm nay.

Tôi vùi điếu thuốc dưới chân. Rồi thêm một điếu nữa. Năm phút nữa. Lại năm phút nữa. Rồi tôi ho một lần nữa.

Chẳng điều gì đang đi theo ý mình muốn cả.

"Chết tiệt. Chết tiệt, chết tiệt, CHẾT TIỆT!”

Trước khi kịp nhận ra, tôi đã tung một cú đấm vào tường, để lại một vết lõm to bằng nắm tay. Thông thường, tôi sẽ chú ý để không để lại một lỗ hổng quá lớn. Nhưng dù sao cũng không có ai ở đây.

Tôi tạo ra một vết lõm khác. Một vết nữa. Rồi một vết nữa. Nhưng như thế là không đủ. Không bao giờ đủ. Tôi đang phát điên. Tại sao, ôi tại sao, tôi lại tức giận tới nhường này? Tôi ném tàn thuốc xuống đất, giậm liên hồi cho đến khi hình ảnh Roman gục xuống tuyết tạm thời bị chôn vùi dưới đế giày.

Nhưng nó sẽ sớm quay trở lại, và khi nó quay lại, anh ta sẽ ám ảnh tôi mãi mãi.

Tôi tự tát vào má mình để xả hết ký ức ra khỏi đầu. Tôi không biết tại sao tôi có thể nhớ từng từ anh ta nói. Trí nhớ của tôi thường thưa thớt tới đáng báo động. Tôi đã quen với việc đột nhiên hồi tưởng lại những vấn đề nhỏ nhặt nhất một cách sống động, nhưng dù cố gắng thế nào, tôi không thể nhớ bất cứ điều gì xảy ra với mình từ bốn năm trở về trước. Bộ não của tôi giống như một chiếc máy tính đã được định dạng lại vậy: bạn phải xóa dữ liệu cũ để dành chỗ trống lưu trữ thông tin mới.

Cũng đúng. Tại sao một bản sao nhân bản như tôi lại cần ký ức chứ? Chúng chẳng là gì ngoài trở ngại, kéo chúng tôi trở lại vũng lầy của sự hèn nhát và ủy mị.

Giọng nói của Roman vang lên; lời nói của anh lặp lại trong đầu tôi như một chiếc máy ghi âm không có nút tạm dừng.

“Mày sẽ làm gì khi chúng ta gặp Lãnh tụ tối cao? Tao cá là ông ấy sẽ trao cho chúng ta những huy chương vàng lấp lánh đó! Tao muốn có một cái treo trên tường phòng của mình! Ơ cơ mà, vậy thì tao phải có phòng riêng của mình trước đã. . . Mày nghĩ khi nào chúng ta sẽ được cấp chỗ ở riêng, Alexei? Đã đến lúc chúng ta được thưởng một thứ gì đó rồi. Ta đã chiến đấu suốt nhiều năm nay mà."

Tôi biết anh ta sẽ chết. Tôi biết anh ta sẽ chết! Tại sao tôi vẫn nghe những lời lải nhải đó? Alexei, Alexei ngu ngốc. . . Không đời nào anh ta có thể thoát chết. Dù sao thì mày cũng không thể làm gì được. Mẹ kiếp, Roman, con chim họa mi khốn kiếp! Tại sao mày không câm mồm vào?

Tôi cứng người vì hối hận và vùi mặt vào lòng bàn tay. Đủ rồi. Tôi không thể thương tiếc anh ta. Phiền muộn là dành cho những người yếu đuối. Tôi không thể yếu đuối.

Tôi có thể đã cứu anh ta. . . Không, tôi không thể! Anh ta nhất định phải chết. . . Nhưng mà . . . nhưng nhỡ đâu. . .

"CÚT RA KHỎI ĐẦU TAO!" Tôi đập tay vào thái dương. Cuốn sách đó ở đâu? Cuốn sách chết tiệt đó ở đâu?

Tôi lục tung tủ sách của mình để tìm nó. Cuốn sách rách nát không thể cứu vãn được nữa, và có lẽ thứ duy nhất giúp nó không bị mối mọt tàn phá là cái lạnh đến rợn người của căn phòng chứa đồ này.

Cuốn sách có tên là Anna Karenina của Leo Tolstoy. Theo những gì tôi hiểu, đó là một câu chuyện tình yêu giữa một người đàn ông và một 'người phụ nữ'.

Mặt phải của việc trở thành một sát thủ. Phần lớn sách tôi mang theo là do cướp được từ các thư viện công cộng hoặc thư phòng riêng của các mục tiêu cao cấp từ các nhiệm vụ trước đây của tôi. Không một bản sao vô tính hạ đẳng nào được học chữ, chứ đừng nói đến việc tiếp cận với các tài liệu đọc. Tôi đã mạo hiểm thổi bay vỏ bọc của mình để mang theo rất nhiều sách vào trong pháo đài, nhưng việc giữ cho mình tỉnh táo cũng đáng để mạo hiểm lắm.

Nhưng tôi cũng chỉ có từng ấy sách mà đọc thôi.

Ngay khi tôi nghĩ rằng mình không còn gì để làm ngoài việc hút thuốc và đợi mặt trời mọc trở lại, thì tôi thấy tác phẩm của Tolstoy kẹp giữa hai cuốn sách lớn hơn. Kể từ đó, tôi tận dụng từng giây có thể để nghiền ngẫm nó. Tôi chưa bao giờ ham đọc tới vậy, vì vậy ý nghĩ rằng một ngày nào đó một tập hợp những chữ cái vô nghĩa là thứ duy nhất giữ cho tâm hồn tôi sống sót là điều nằm ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của tôi.

Tuy nhiên, nó đã xảy ra. Tôi đã níu kéo ý chí sống của mình bằng cách bám lấy ảo tưởng về những thực thể mà tôi chẳng chắc là có tồn tại hay không.

Phụ nữ.

Những sinh vật dịu dàng trong thần thoại với giọng nói cao vút mượt mà và bao thịt nhô ra trên ngực được gọi là ngực, na ná như núm vú chảy xệ của những gã béo phì. Một số phụ nữ thích nuôi tóc dài và vỗ đôi cánh như rồng của họ. Số khác thì hiếu chiến, tàn phá các vương quốc cổ đại bằng hơi thở rực lửa. Nhưng hầu hết đều tốt bụng. Họ sống trong buồn bã; họ rơi nước mắt khi mất người thân. Mềm yếu khôn cùng.

Một cuốn sách đã mô tả những người phụ nữ với những cái bướu sau lưng, vậy nên họ luôn phải hằn người xuống khi bước đi như những con tinh tinh. Có sách nói nếu đàn ông dám chọc giận, phụ nữ sẽ mọc cả cánh và mỏ giống như chim ưng. Còn nhiều thứ tạp nham nữa. Tầm nhìn tia X, bàn chân gầy guộc, giọng rít như rắn, da bằng kim loại . . . Và mỗi cuốn sách đều có phiên bản riêng, vì vậy tôi không biết nên tin vào đâu.

Cuốn thần thoại mà tôi đọc ngày hôm đó cho rằng những sinh vật này chịu trách nhiệm sản sinh ra đàn ông và phụ nữ cho các thế hệ tiếp theo của chúng ta, nhưng tôi thấy điều đó thật khó tin. Chúng tôi đã sản xuất đàn ông vô tính từ quá lâu rồi. Thuật ngữ chính xác là từ 'phôi nhân tạo được tạo ra từ tế bào gốc của con người', dù nó có nghĩa là gì đi chăng nữa. Giả sử phụ nữ là có thật, tôi nghi ngờ bất cứ ai tạo ra đàn ông cũng có thể tạo ra họ nếu họ muốn. Nhưng rồi phụ nữ ở đâu? Họ đã đi đâu? Chúng đã tuyệt chủng như khủng long hay đã di cư đi mất rồi? Tại sao tôi hoàn toàn không biết gì về một loài từng chịu trách nhiệm sản sinh loài người?

Nhưng bằng chứng ở đây, ngay trên tay tôi. Có quá nhiều văn bản cổ đại liên quan đến phụ nữ. Đây không thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Anna Karenina lạch cạch kêu lên trên những ngón tay run rẩy của tôi. Tôi đã định cho Roman xem cuốn sách này vào ngày mai. Lẽ ra anh ta phải cho tôi biết ý kiến của anh về điều đó, còn tôi thì phải chế nhạo anh ta vì những giả thuyết lố bịch của anh.

Không điều gì như thế có thể xảy ra nữa.

Ai cần anh ta? Ai cần anh ta, phải không? Tôi vẫn sống tốt trước khi gặp anh ta, và tôi sẽ sống tốt nếu không có anh ta! Tôi sẽ tự đọc cuốn sách này! Tôi sẽ đọc từng từ của nó ngày hôm nay! Ai cần anh ta? Ai cần anh ta . . .

Tôi lật qua các trang như thể cuộc sống của tôi phụ thuộc vào nó, cố gắng tìm xem tôi đã đọc đến đâu.

Tôi mới chỉ đọc một chút. Cuốn sách nói về phụ nữ. Nó nói về sự lãng mạn. Những điều tôi không hiểu. Những điều không ai hiểu. Tình yêu giống như một loại mật mã được mã hóa cẩn thận.

Nhưng tôi vẫn tiếp tục. Dù sao thì điều hay nhất về điều mình không thể giải thích luôn là quá trình tìm hiểu nó. Có thể đó là do sự tò mò căn nguyên của con người, hoặc có thể đó là niềm thỏa mãn mà bạn có được khi bạn nghĩ rằng bạn thực sự hiểu điều gì đó. Dù lý do là gì, tôi vẫn đọc. Tôi suy ngẫm. Tôi có câu hỏi. Tôi cần câu trả lời.

Tại sao Anna Karenina phải bắt chuyến tàu sớm nhất để thoát khỏi Alexei Vronsky? Tại sao cô lại cảm thấy tội lỗi vì đã 'yêu' anh? Mặc dù đúng là Anna đã có một 'chồng' khi cô ấy gặp Alexei, nhưng tại sao điều đó lại quan trọng? Chẳng phải nếu có 'tình yêu' thì không có gì khác quan trọng sao?

Kết luận của tôi là tình yêu là nhảm nhí. Thật nhảm nhí, nhưng lại là tất cả mọi thứ. Tôi không hiểu tại sao Anna lại phải bỏ chạy nếu cô ấy 'phải lòng' anh chàng đó, và đó là lý do tại sao tôi phải giữ cuốn sách này. Đó là lý do tại sao tôi phải tiếp tục đọc. Ngay lập tức.

Nhưng ngay khi tôi lật trang, những âm thanh lạch cạch khẽ khàng vang lên từ góc phòng. Tôi đặt cuốn sách xuống và quay lại thì thấy một cái hộp hình trụ đang lăn ra khỏi đống rác và tiến về phía tôi. Những tiếng động thoăn thoắt xuất hiện ở một góc khác.

“Đừng tưởng trò đánh lạc hướng trẻ con đó sẽ hiệu quả.” Tôi thở dài. “Đừng có mà lẻn đi.”

~ Nếu bạn thích truyện thì hãy tặng mình một cái vote để ủng hộ truyện nhé!~

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK