Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân
Phần 25
Tôi không phải là kẻ ngốc, nhưng đến tận bây giờ, chứng kiến những thứ kinh khủng trong cuộc tranh giành quyền lực nhà hào môn, rút cuộc tôi mới hiểu tại sao Huy đã biết Bí Ngô là con mình rồi nhưng lại chọn cách không nói việc này với người khác như thế.
Không hẳn là vì anh ta sắp cưới vợ, không hẳn là vì quá khó để mọi người chấp nhận được sự thay đổi vai vế giữa “bác cả” và “bố ruột”. Mà vì anh ta muốn bảo vệ con của chúng tôi.
Trong lòng tôi bất giác cảm thấy nỗi đau dịu đi, giống như được một thứ gì đó ấm áp vỗ về vậy. Không còn cảm thấy quá khó chịu với Huy giống như lúc đầu nữa. Tôi nhìn anh ta một lúc rồi ngẩng lên nói:
– Vì Hải không muốn cổ phần của con tôi thuộc về anh à?
– Ừ.
Anh ta thở dài một tiếng, chậm rãi trả lời tôi:
– Bây giờ Tuấn không phải là mối đe dọa đối với Hải, nên con tạm thời chưa phải là mục tiêu lớn nhất với nó. Nhưng nếu Bí Ngô là con tôi thì mọi chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn.
– Con bé là con anh thì 5% cổ phần sẽ thuộc về anh phải không?
– Ừ. 5 tuổi chưa được quản lý cổ phần, số cổ phần đó tôi đang quản lý giúp con, nhưng không phải là của tôi. Khi Bí Ngô là con ruột tôi thì cổ phần của nó mới thuộc hẳn về tôi.
Anh ta nói đến đây, bỗng nhiên lại khiến tôi nhớ lại thái độ của Hải hôm đến bệnh viện thăm Tuấn. Khi thấy anh trai tỉnh nhưng không nhận thức được, Hải đứng bên cạnh bỗng dưng nhếch mép cười một cái, lúc ấy tôi không hiểu nụ cười ấy mang ý nghĩa gì, nhưng đến giờ mới nhận ra là Hải đang vui mừng.
Bởi vì Tuấn tỉnh rồi thì đồng nghĩa với việc số cổ phần của Bí Ngô sẽ giao lại cho “bố” chứ không để bác cả quản lý nữa. Mà hiện tại Tuấn đang là một người không có nhận thức như vậy, vốn dĩ sẽ chẳng phải mối nguy hại gì lớn cho Hải. Anh ta không cần lo sợ nhiều về Bí Ngô, xuống tay cũng không đến mức “đuổi cùng giết tận”.
Nhưng đổi lại là Huy thì mọi thứ lại khác hoàn toàn. Nếu Bí Ngô là con của Huy thì 5% cổ phần của con tôi sẽ thuộc hẳn về bác cả. Như thế, mối đe dọa đối với Hải sẽ nhiều hơn gấp đôi, khi đó Bí Ngô của tôi sẽ khó mà sống yên ổn được.
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi thấy hoang mang và lo sợ vô vàn. Nhưng còn có Huy nên tôi sẽ không hỏi những câu đại loại như “phải làm sao bây giờ”, “làm sao để con bé an toàn”, bởi vì tôi biết, việc mà tôi cần làm bây giờ không phải là ỷ lại vào anh ta, mà là cùng bố của con tôi tháo gỡ rắc rối này.
Tôi nói:
– Hải bây giờ đang giữ bao nhiêu % cổ phần?
. Bây giờ tôi đang có 29%, Hải có 19%, Jin Jin có 5%, tổng cộng nó có 24%. Thiếu 5% nữa sẽ đủ cạnh tranh quyền nắm giữ Lạc Thành với tôi.
– Nhưng nếu Bí Ngô xảy ra chuyện gì thì cả hai người đều không có được 5% đó. Hải vẫn kém anh 5% như thường.
– Không.
Anh ta bình thản trả lời tôi, giọng nói có phần miễn cưỡng và mệt mỏi:
– Quy định của gia đình là mỗi đứa trẻ chính thống khi qua 5 tuổi sẽ được thêm 5% cổ phần. Hai năm nữa thì Jin Jin tròn 5 tuổi, nếu Bí Ngô không còn trên đời nữa, 2 năm sau Jin Jin đủ tuổi thì sẽ có thêm 5%, nghĩa là lúc đó Hải sẽ có số cổ phần tương đương với cổ phần của tôi.
– Vì thế bố anh mới muốn anh lấy vợ rồi sinh con sớm để chia cổ phần thêm cho anh phải không?
Lần đầu tiên Huy chịu nói nhiều hơn về những chuyện nội bộ trong gia đình với tôi, anh ta im lặng một lúc rồi lặng lẽ gật đầu:
– Bố tôi muốn tôi có con trước khi Jin Jin đủ 5 tuổi.
Lúc này tôi mới hiểu ra, cha anh ta dạy con theo cách tự đấu đá tranh giành, không chia tài sản theo cảm tính mà là kẻ nào muốn nhiều hơn thì kẻ ấy phải mạnh, dùng sự ganh đua nhau để nỗ lực. Tuy nhiên, trong lòng dường như ông ta vẫn có chút thiên vị Huy hơn, không muốn để Lạc Thành vào tay con trai thứ, cho nên mới sốt ruột ấn định thời gian kết hôn cho anh ta như vậy.
Tôi mỉm cười nói:
– Có con, nhưng với một người môn đăng hộ đối, không phải trộn gen với người như tôi phải không?
– Có thế nào cũng không thay đổi được việc Bí Ngô là con của tôi.
– Ừ, chắc là vậy.
Nói đến đây, tự nhiên cả hai lại không muốn tiếp tục chủ đề này nữa, im lặng một hồi, sau đó bỗng dưng Huy chợt nhớ ra chuyện gì đó nên cúi xuống hỏi tôi:
– Cô bảo có chuyện muốn nói, là chuyện gì?
– À… phải rồi. Chuyện lô máy mới chuẩn bị phân xuống chi nhánh vào ngày mai. Ban nãy tôi xếp vào thùng thì thấy có một số hộp hơi khác. Mẫu mã thì giống, cân nặng cũng tương đương, nhưng vẫn có độ chênh lệch. Tôi sợ có sai sót gì đó nên mới tìm anh.
– Lô hàng điện thoại F14 phải không?
– Vâng.
Huy im lặng ngẫm nghĩ một lát, ánh mắt hiện rõ vẻ phức tạp, vài giây sau, dường như anh ta đã hiểu ra chuyện gì đó nên lập tức cầm tay tôi kéo đi:
– Đi, xuống kho kiểm tra.
Tôi ngơ ngơ ngác ngác, trong đầu cũng mải nghỉ đến chuyện Hải và hàng hóa có vấn đề nên cũng quên béng việc phải rút tay về, thành ra cứ để Huy nắm tay suốt quãng đường từ tầng 10 xuống đến tận khu nhà kho.
Giờ đó cả công ty đã về hết, chỉ còn mỗi tôi với anh ta đi trên hành lang dài trống không nên may sao chẳng có ai phát hiện ra. Khi xuống đến nơi Huy mới buông tay tôi ra rồi hỏi:
– Kho số mấy?
– À… kho… kho số 3.
– Các kho còn lại có vấn đề gì không?
– Không, tôi xếp hàng vào thùng ở kho 1 và 2 thì không thấy vấn đề gì. Lúc nãy cũng nghe trộm được Hải nói với người kia là chỉ có lô hàng phía sau mới lỗi. Lô trước chưa mua chuộc được giám sát nên không dám trộn vào.
– Ừ.
Anh ta khẽ gật đầu một cái rồi nhanh chóng ấn một dãy số trên bảng mật mã khóa phòng, lúc này, không còn được “ai đó” nắm tay nữa nên lòng bàn tay tôi bất giác có cảm giác hụt hẫng, chỗ vừa tiếp xúc da thịt còn thấy tê tê ngưa ngứa. Tôi xấu hổ với chính mình nên đành lén lút nắm chặt bàn tay rồi giấu ra sau lưng, lẽo đẽo theo anh ta sang phòng kho số 3.
Khi vào bên trong, Huy nhìn đống hàng hóa xếp thành từng dãy dài và cao ngất trước mặt rồi bảo tôi:
– Nhiều hàng hóa thế này kiểm tra sẽ mất rất nhiều thời gian. Đêm nay chưa chắc xong được.
Anh ta ngao ngán quay lại, nhìn tôi nói:
– Cô cứ về trước đi.
– Tôi so được trọng lượng. Tôi ở lại làm với anh.
– Không cần đâu. Hai người làm cũng không xong.
– Lúc nãy tôi gọi điện thoại cho chị Oanh báo về muộn, bảo chị ấy dỗ Bí Ngô ngủ rồi. Hôm nay làm không xong thì một người vẫn nhanh hơn hai người. Bây giờ là 9 giờ 20, bắt đầu thôi.
Nói xong, tôi bẻ khớp tay mấy cái rồi hít sâu vào một hơi lấy tinh thần, sau đó tràn ngập sĩ khí đi thẳng lại chỗ mấy thùng hàng, định vác xuống kiểm tra máy thì bỗng nhiên có một cánh tay vươn ra, ôm lấy thùng vàng đó giúp tôi.
Huy thản nhiên nói:
– Tôi tự làm việc này được.
– À… ừ.
– Cô phân loại được hàng có độ chênh lệch đúng không?
– Vâng, nhưng độ chính xác thì không chắc chắn lắm.
– Thử tìm trong số này một chiếc khác so với lô F14 thật tôi xem.
– Vâng.
Tôi nhanh chóng lần mò trong thùng hàng anh ta vừa mới đặt xuống, cầm từng chiếc đặt ra ngoài, cuối cùng lọc được 6 chiếc máy có trọng lượng chênh lệch. Lúc đưa cho Huy, anh ta nâng lên đặt xuống mấy lần mà không phát hiện ra vấn đề gì mới cau mày:
– Trọng lượng tương đương, chỉ cầm tay so sánh thì không phát hiện ra chênh lệch được.
– Không, chênh lệch khoảng 30 centigam.
– Trọng lượng nhỏ thế sao cô phát hiện ra được?
Tôi cầm hai chiếc hộp điện thoại thật và giả đặt vào tay anh ta, bình thản đáp:
– Tôi nói rồi, trước tôi làm khuân vác hàng ở siêu thị. Ngày nào cũng xếp hàng lên kệ, hàng nhiều quá với cả phải xếp nhanh nên toàn dùng tay cân trọng lượng để phân biệt loại. Làm nhiều nên quen.
Khi nói xong câu này, Huy bất giác ngẩng lên nhìn tôi, trong ánh mắt sượt qua một tia sâu thẳm, phảng phất như chất chứa rất nhiều điều muốn nói, nhưng cuối cùng anh ta chỉ nhìn tôi chẳng thốt ra lời nào.
Mãi rất lâu sau, anh ta mới khó khăn nói với tôi:
– Để tôi bóc ra thử xem.
– Vâng.
Sau khi Huy bóc hộp điện thoại đó ra, bên trong vẫn là một chiếc điện thoại giống y sì bản gốc, nhưng dưới con mắt của dân kỹ thuật có trình độ cao như anh ta, chỉ cần kiểm tra một chút đã cau mày bảo:
– Mẫu mã giống nhưng chất liệu khác, phần mềm bên trong cũng khác. Màn hình độ phía sau độ phân giải kém. Mẹ kiếp, sản phẩm sặc mùi hạ đẳng.
Nghe anh ta khó chịu mắng như vậy, tôi ngồi bên cạnh tự nhiên lại thấy hơi buồn cười. Nhưng công sức nghiên cứu của anh ta bị nhái lại một cách thấp kém như vậy, Huy bực cũng là chuyện bình thường, thế nên tôi không dám cười mà chỉ tủm tỉm bảo:
– Bây giờ phải làm sao? Ngày mai hàng chuyển xuống chi nhánh rồi, tôi sợ làm không kịp.
– Ở đây có khoảng 200 thùng hàng. Nếu cô dùng tay phát hiện chênh lệch được thì không cần dùng cân để cân từng máy nữa. Cô chỉ cần lọc ra một thùng hàng thật, tôi sẽ cân trọng lượng của cả thùng đó. Khi có một trọng lượng cố định, cân những thùng khác thấy chênh lệch là biết có máy nhái lẫn vào.
Đúng là làm việc với người thông minh có khác, nhanh, chuẩn, gọn và nhàn hơn làm việc với những kẻ chẳng chịu sáng tạo rất nhiều.
Theo như Huy nói, nếu lọc từng máy sẽ mất rất nhiều thời gian, cho nên anh ta chọn cách cân cả thùng máy, nếu không chênh lệch trọng lượng giữa thùng này và thùng kia thì sẽ không có máy nhái lẫn vào. Còn nếu có chênh lệch, tôi sẽ tự tay bóc thùng đó ra, lọc số máy giả trong thùng là xong.
Tôi hào hứng cong môi cười, gật đầu bảo anh ta:
– Được. Anh làm đi, tôi cân cho.
– Ừ. Ở đây đợi tôi.
Sau đó, Huy khuân mấy thùng hàng xuống rồi bày ra trước mặt tôi, nhiệm vụ của tôi là lần mò từng hộp để chọn ra 50 chiếc điện thoại thật, Huy cân lại từng chiếc một lần nữa, thấy trong lượng từng chiếc chính xác 100%, anh ta mới xếp vào thùng.
Huy xắn tay áo lên cao, khi gồng sức khuân thùng hàng thì cơ bắp trên cánh tay anh ta nổi lên đầy vẻ khỏe mạnh và rắn chắc. Anh ta liếc nhìn trọng lượng hiển thị trên cân điện tử rồi nói:
– Xong, 1 thùng 30,3kg.
– Ok, một thùng 30,3kg. Anh thử thùng tiếp theo đi.
Cứ thế, thùng thứ 2, thứ 3, thứ 4, đến thùng thứ 5 thì mới phát hiện ra trọng lượng chỉ có 30,1kg. Đến lượt tôi lại xé ra rồi bắt đầu lọc máy, Huy ở bên cạnh tiếp tục cân những thùng tiếp theo. Chúng tôi phối hợp quá ăn ý nên chỉ mất đúng hai tiếng cũng xong hết 200 thùng, lọc ra được 45 máy nhái.
Cân đến thùng cuối cùng thì tôi đã mỏi nhừ tay đến mức không muốn động đậy gì nữa, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển:
– Aizzz, xong rồi, xong rồi. Tạ hơn trời phật, cứ tưởng làm hết đêm cũng không xong, thế mà hai tiếng đã xong rồi.
Lần đầu tiên có ai đó trút bỏ vẻ bề ngoài chỉn chu thường ngày mà ngồi bệt xuống đất, chẳng cần quan tâm bẩn sạch mà ngồi ngay bên cạnh tôi. Anh ta nói:
– Mệt không?
– Mệt, cả ngày hôm nay tôi xếp máy vào, giờ lại xếp ra rồi lại xếp vào tiếp, ngón tay mỏi sắp gãy rồi.
– Đưa tôi xem.
Tôi xòe mười đầu ngón tay dính bẩn đen xì ra trước mặt anh ta, cong môi cười một cái:
– Đây.
– Bẩn chết đi được.
– Thế này đã bẩn gì. Tay anh còn bẩn hơn tay tôi. Đưa tay anh cho tôi xem.
Huy cũng xòe bàn tay của mình ra, tay anh ta vì khuân vác nhiều hàng hóa nên bẩn hơn cả tay tôi, mấy đầu ngón tay dính bụi nên đen xì.
Bốn bàn tay bẩn thỉu cùng chìa ra khiến cả hai ai cũng không nhịn được bật cười. Tôi nhắc lại câu anh ta vừa nói:
– Bẩn chết đi được.
– Không bẩn bằng tay cô.
– Tay anh bẩn hơn.
– Tay cô bẩn hơn.
– Không, tay anh bẩn hơn.
– Nhìn lại xem, tay của cô dính cả màu in của thùng carton nữa.
– Tay của anh cũng dính, còn nhiều hơn tay tôi. Đây, nhìn tay của tôi…
Tôi định nói hai chữ “mà xem”, nhưng cùng lúc này ngước lên lại chợt phát hiện ra cả hai đã chụm đầu lại gần nhau lúc nào không biết, gần đến nỗi gương mặt của Huy gần như ngay sát mắt tôi, và môi anh ta cũng chỉ cách môi tôi có vài centimet thôi.
Cả người tôi lập tức đơ ra, ngây ngốc nhìn anh ta mà quên béng mất mình đang định nói gì. Lúc ấy, bởi vì khoảng cách quá gần nên tôi có thể nhìn thấy rất rõ ràng đôi mắt đen thẫm của Huy phản chiếu hình ảnh của tôi, ở đó giống như còn chất chứa cả một đốm lửa nhỏ đang dần dần bùng cháy, thắp sáng khuôn mặt tôi trong mắt anh ta…
Dần dần, tôi thấy hình ảnh của mình cứ lớn dần, lớn dần, lớn đến mức tôi không thể nhìn thấy gì nữa mà chỉ cảm nhận thấy một đôi môi mềm mềm và âm ấm chạm vào môi tôi. Nhưng mới chỉ khẽ chạm vào thôi thì bỗng nhiên điện thoại của anh ta vang lên “Ting” một tiếng khiến tôi giật bắn mình.
Tôi luống cuống nhích người cách xa khỏi anh ta, mà lúc này Huy cũng lúng túng rút điện thoại ra, bởi vì điện thoại mà anh ta dùng cũng là lô F14, có màn hình hiển thị ngay phía sau nên tôi vô tình đọc được người mới gửi tin nhắn đến là Linh.
Nếu tôi nhớ không nhầm, cô gái ấy là con gái của chủ tịch tập đoàn Hoàng Phát, là vợ chưa cưới của Huy thì phải.
Cô ấy nhắn: “Hôm nay anh về muộn à? Giờ đã xong việc chưa?”
Nội dung tin nhắn rất đơn giản nhưng lại như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi, khiến những cảm xúc vừa mới được thắp lên trong lòng tôi lập tức tắt ngấm.
Có lẽ, cái chạm môi vừa rồi chỉ là do đêm khuya thanh vắng nên lòng người cô đơn, mà cũng có thể vì cảm giác hưng phấn vì đã dùng một thời gian ngắn lọc xong cả 200 thùng hàng, cho nên cả tôi và cả Huy đều đã mất kiểm soát trong một thoáng chốc mà thôi.
May mà có tin nhắn của Linh đến đúng lúc, nếu không suýt nữa thì tôi lại tiếp tục phạm sai lầm rồi…
Tôi cúi đầu, không nhìn Huy nữa mà định phủi tay đứng dậy, lúc này anh ta cũng nhanh chóng cất điện thoại vào túi rồi bảo tôi:
– Muộn rồi, về thôi.
– Vâng. Tôi đi rửa tay đã.
– Tôi đi với cô.
Tôi định nói “anh cứ nhắn tin đi”, nhưng lại sợ Huy hiểu lầm mình đang hờn dỗi nên cuối cùng lại đành thôi, im lặng đi đến bồn rửa tay, kỳ cọ thật sạch sẽ những vết bụi bặm bẩn thỉu vừa rồi.
Nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn sang đôi bàn tay trắng trẻo sạch sẽ của Huy, tôi lại cứ có cảm giác như dù mình có kỳ sạch đến mấy thì vẫn bẩn, mãi mãi chẳng thể bằng anh ta được. Giống như đã là tầng lớp khác nhau, có cố gắng thế nào chỉ vẫn là “trưởng giả học làm sang”, vĩnh viễn cách biệt một trời một vực.
Trong lòng tôi lén lút thở dài một tiếng. Có với anh ta một đứa con đã là sự trộn gen thấp kém rồi, mơ tưởng chi nhiều, rồi cuối cùng đau khổ chỉ có bản thân chịu thôi!!!
***
Lời tác giả: Hôm nay tớ rất rất bận, truyện hơi ngắn thì mọi người chịu khó nhé. Hẹn mai sẽ bù lại cho các chị em một đoạn dài ơi là dài.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!