Qua Một Đời Chồng
Phần 7: Nghèo cho sạch - rách cho thơm
Bẵng đi một thời gian nữa, lô đất bên cạnh quán tạp hóa của tôi có chủ mới chuyển đến.
Ban đầu, tôi bận rộn nên không để ý lắm, mãi đến lúc nhà ấy sang chào hỏi hàng xóm, tôi mới biết người mua mảnh đất ấy là vợ chồng người bạn thân ngày xưa hồi cấp 3 của tôi. Năm đó, khi còn học phổ thông, tôi mặc cảm và tự ti vì hoàn cảnh gia đình mình nên ít giao du với bạn bè cùng trang lứa, chỉ có đúng duy nhất cô bạn này là ngồi cùng bàn suốt mấy năm nên hay tâm sự rồi dần dần thân thiết với nhau.
Hôm đó, Linh vừa bước vào nhà, nhìn thấy tôi đã hét ầm lên:
– Phương. Sao lại ở đây? Mày thuê quán bán tạp hóa ở đây à?
Tôi đang dở tay bán hàng, nghe thấy thế mới ngẩng đầu lên nhìn. Nhận ra người bạn thân đã lâu rồi không gặp, tôi cũng ngạc nhiên mất một lúc rồi sung sướng cười toe cười toét:
– Ơ, mày đấy à? Tao bán tạp hóa ở đây, thế mày đi đâu đấy?
– Tao mới mua lô đất sát bên kia. Hôm nay sang chào hàng xóm, hóa ra hàng xóm này là người quen.
– Thế à? Thế từ giờ gần bạn gần bè rồi. Tao nghe nói mày cưới chồng rồi phải không?
– Ờ đấy, nói đến chuyện lấy chồng. Ngày trước sao mày học hết cấp 3 cái là tuênh tuếch đi lấy chồng luôn thế? Lại còn chẳng mời ai, cưới xong cái là mất tích luôn.
– Thì phải duyên phải số thì cưới chứ biết sao giờ. Vào nhà đi, đợi tao tý, bán nốt cái này tao vào.
Hôm ấy, tôi và Linh ngồi nói chuyện với nhau cả buổi vẫn không hết chuyện. Cô ấy nói mới lấy chồng được vài tháng, chồng làm thủy điện nên cứ cuối tuần mới về, hai vợ chồng son xa nhau nên tạm thời đang kế hoạch, chưa đẻ con vội.
Tôi nghe thế cũng mừng cho bạn mình, sau đó cũng thật thà kể chuyện tôi lấy Tùng đã hơn một năm nhưng vẫn chưa có con. Lúc ấy, Linh cũng khuyên tôi cứ từ từ, con cái trời cho, từ từ rồi sẽ đến, không cần phải lo nhiều.
Thật sự mà nói, khi đó tôi vẫn cảm thấy cô bạn này của mình vẫn tốt bụng và dễ gần như ngày xưa, tôi còn nghĩ sau này ở đây có Linh, tôi có người tâm sự, có lẽ cũng đỡ cô đơn đi ít nhiều. Chỉ là, tôi đã không ngờ được rằng, người bạn mà tôi đã từng tin tưởng và thân thiết nhất, cũng lại chính là người đầu tiên phá đi cuộc hôn nhân của tôi!!!
Hôm Linh dọn về nhà mới cũng là lần đầu tiên cô ấy gặp chồng tôi, Linh mang sang tặng tôi một thỏi son làm quà, hai đứa đang ngồi nói chuyện thì Tùng ra ngoài về, lúc đó anh không để ý nhiều mà chỉ gật đầu chào, còn Linh thấy anh đi qua thì kéo tay tôi hỏi nhỏ:
– Chồng mày đấy à? Nhìn đẹp trai thế?
– Đẹp trai gì, bình thường.
– Khiếp. Mày đúng là số hưởng, lấy được chồng nhà giàu nứt đố đổ vách, chồng lại còn đẹp trai ngời ngời thế kia. Sướng nhé, đúng là đời đếch ai ngờ, nhỉ?
Thật ra người ngoài không biết chuyện thường bảo tôi sướng, được gả vào nhà giàu, không bao giờ phải lo chuyện tiền bạc kinh tế, thêm vào đó chồng lại sáng sủa đẹp trai, hai vợ chồng buôn bán kiếm ra tiền, cuộc đời như thế là mỹ mãn.
Thế nhưng, chẳng ai biết rằng ở nhà chồng tôi đã phải chịu đựng những gì, phải trả giá bằng bao nhiêu cay đắng, hay giả như bây giờ thôi, được ra ở riêng rồi mà tôi có được thoải mái sung sướng đâu, chồng tôi vẫn ngày ngày đay nghiến chuyện nhà nội nhà ngoại và chuyện tôi chưa sinh được con đấy thôi.
Tôi cười cho qua chuyện, sau đó lảng qua chủ đề khác:
– Sao tao chưa thấy chồng mày về? Hay cuối tháng mới được về?
– Đi suốt ấy mà. Vợ chồng mới cưới mà đi quanh năm ngày tháng thế này, nhạt nhẽo bỏ mẹ.
– Thôi cố kiếm lấy đứa con cho đỡ buồn.
– Ừ, đang tính thế.
Thời gian sau đó, vì Linh hay ở một mình nên tôi thường mời cô ấy sang nhà mình ăn cơm cho đỡ buồn. Tôi bán hàng tạp hóa nên buổi trưa rất bận, còn cô ấy bán mỹ phẩm thì chủ yếu chỉ bán tối nên dần dần, bữa trưa Linh thường sang nấu cơm hộ rồi ăn cơm cùng vợ chồng tôi luôn.
Tôi không phải thuộc dạng phụ nữ hay ghen tuông gì, nhưng nhiều khi thấy hai nhà thân thiết kiểu đó, bản thân cũng có lúc cảm thấy bất an. Có hôm, trước khi đi ngủ tôi hỏi chồng:
– Này, anh thấy cái Linh bạn em thế nào?
– Thế nào là thế nào? Sao tự nhiên hỏi vớ vẩn kiểu đấy.
– Thì nó hay sang nhà ăn cơm, em sợ anh ngại nên hỏi thế.
– Chả thấy ngại gì, nó sang nhà mình nó phải ngại chứ mình thì ngại gì.
– Ừ thì đấy, em thấy rõ khổ thân, có chồng mà chồng đi quanh năm, cứ lủi thủi ở nhà một mình nên mới bảo sang ăn cơm cho vui.
– Chắc nó xấu quá nên chồng nó không muốn về.
– Gớm, thế mà xấu gì? Cũng cao ráo trắng trẻo mà.
– Mồm toàn răng, gớm bỏ mẹ.
Lúc đó, thấy Tùng trả lời thế tôi cũng cảm thấy yên tâm ít nhiều, bây giờ ngẫm lại tôi mới nghiệm ra một điều rằng: đàn ông chê một người phụ nữ chưa chắc đã vì không thích họ, mà đôi khi chỉ giả vờ nói như thế để đánh lạc hướng và trấn an mình mà thôi.
Tôi ngây ngô đùa với chồng:
– Mồm thì phải có răng chứ, anh nói buồn cười thế.
– Nói thật chứ buồn cười gì, mà em cứ nhắc mãi đến nó không chán à? Thế hôm qua có mua đồ gửi về cho mẹ không?
– Có, em mua ít táo ngọt gửi rồi.
– Tháng này gửi về biếu bà mười triệu để bà mua cái gì thì mua.
Từ khi làm ra tiền, tháng nào vợ chồng tôi cũng gửi tiền về cho mẹ chồng, trong khi đó, mẹ tôi ở nhà trồng rau nuôi lợn, chồng tôi cũng chẳng có một lời hỏi thăm chứ đừng nói biếu được bà đồng nào. Tháng này mẹ tôi đau lưng, tôi bán hàng có dồn được mấy triệu để riêng, định đưa cho bà để bà có tiền đi khám, nghe Tùng nói thế tôi mới tiện miệng nói luôn:
– Mẹ em bảo đau lưng mấy hôm, hay là mình cũng gửi về biếu…
Tôi còn chưa nói xong, anh đã cáu gắt ngắt lời:
– Biếu cái gì mà biếu, tiền đâu mà biếu. Một tháng làm ra có tý tiền, lúc nào cũng lo mang về nhà mình. Cô là đàn bà đã đi lấy chồng rồi phải có trách nhiệm với nhà chồng, đừng có đụng tý là chăm chăm lo cho nhà ngoại.
– Nhưng mà tháng nào mình cũng gửi tiền về biếu mẹ anh, có tháng nào không đâu. Tháng này mẹ em đau ốm, mình cũng nên lo cho mẹ tý chứ anh.
– Đấy là việc của mẹ cô, tôi không biết, tôi không có tiền. Còn cô đừng có nói cái giọng “tháng nào cũng gửi, có tháng nào không”, việc đó là trách nhiệm của tôi phải làm, nhà này đất này là bố mẹ tôi cho tiền. Tôi kiếm được tiền cũng là nhờ ông bà, nhà cô có đóng góp một xu một hào nào không mà suốt ngày cứ mở miệng ra là đòi mang tiền về nhà mình thế?
Tôi quay sang sững sờ nhìn chồng, không nghĩ là chỉ vì chút tiền biếu mẹ mà anh lại nặng lời với mình như thế. Trước đây khi chưa kiếm ra tiền, anh rất bình thường chứ không thường xuyên đay nghiến chuyện tôi và nhà mình thế này, bây giờ lúc làm ra tiền rồi, càng ngày Tùng càng không tôn trọng tôi, khinh thường tôi.
Vốn dĩ tôi định phản bác, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, đúng là đất này là do bố mẹ chồng cho để làm ăn, tiền xây nhà quán và vốn đầu tư cũng là do ông bà cho cả. Nhà tôi nghèo thì lấy đâu ra tiền mà cho tôi, Tùng nói thế cũng đúng chứ chẳng sai, nhưng mà sao vợ chồng với nhau mà anh có thể nói những lời không nên nói với tôi như thế được?
Hôm đó, tôi ôm một bụng tức đi ngủ, chồng cũng chẳng thèm nói năng thêm câu gì mà chỉ dán mắt vào điện thoại nhắn tin cả đêm. Trước đây, có mấy lần tôi hỏi anh làm gì mà đêm nào cũng ngủ muộn thế, Tùng nghe xong thì trừng mắt quát tôi:
– Làm việc làm ăn chứ làm gì? Cô tưởng bán cái này không cần phải xã giao, không cần có mối quan hệ à?
– Sao khách hàng gì mà nhắn muộn thế anh?
– Cô chưa nghe khách hàng là thượng đế à? Họ muốn hỏi lúc nào thì mặc xác họ, miễn là bán được là được. Mà tôi bảo cô rồi, việc làm ăn của tôi thì cô đừng có xía miệng vào, lo mà đẻ đái đi chứ cứ ở đấy mà ghen với tuông.
Dần dần, tính cách của Tùng mỗi lúc một cộc cằn, anh nói câu nào là cáu gắt câu ấy, điện thoại cũng đặt mật khẩu riêng, còn cấm không cho tôi đụng vào. Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao càng ngày anh lại càng thay đổi như vậy, cho đến một hôm cuối tuần vợ chồng tôi về nhà nội để ở hai hôm như thường lệ, tôi ra chợ đi mua đồ ăn nhưng quên ví tiền ở nhà nên quay về nửa chừng, đứng ở ngoài cửa phòng, tình cờ nghe thấy mẹ chồng tôi nói với anh:
– Thế dạo này làm sao rồi? Hai vợ chồng định lúc nào mới chửa đẻ đây, mẹ sốt ruột lắm rồi.
– Thì cứ từ từ, mẹ vội gì nhỉ. Cháu thì có hai đứa con nhà anh Khang rồi, cứ sốt ruột làm gì.
– Thằng Khang là thằng Khang chứ, con của con khác con của nó chứ. Mà con Phương cắt mất một bên buồng trứng rồi thì chửa đẻ kiểu gì được nữa. Còn một bên tưởng có mà hơn năm nay đã có đâu.
– Còn một bên vẫn đẻ được, mẹ không phải lo.
– Mẹ thấy mày với nó lúc đầu cưới chả yêu thương gì nhau, nhà nó với nhà mình cũng chẳng môn đăng hộ đối gì, giờ nó lại chả đẻ được như thế, hay là mày kiếm lấy đứa khác đi.
– Mẹ buồn cười nhỉ? Lúc nào về cũng nói mấy chuyện ấy. Cưới rồi bỏ cái gì mà bỏ.
– Thế con định sống không con không cái cả đời à? Mà mẹ còn nghe nói nó mang trộm tiền về cho mẹ nó đấy nhé, liệu đấy không làm ra được đồng nào nó lấy mang về cho nhà nó hết.
– Sao mẹ biết?
– Thì mẹ nghe hàng xóm nhà nó nói mẹ nó bị thoát vị đĩa đệm, không có tiền đi bệnh viện, nó về thăm rồi cho tiền đi đấy thôi. Chứ nghèo rách nghèo nát như mẹ nó thì lấy đâu ra tiền đi viện chữa bệnh nặng như thế. Mà có khi chả phải chữa bệnh đâu, lấy tiền đi đánh bài ấy.
Bên trong im lặng, có lẽ Tùng nghe xong nhưng không nói gì, lúc sau mẹ chồng tôi lại nói tiếp:
– Kiếm ra được đồng tiền có dễ đâu, con thấy đấy, từ khi nó về nhà mình là nhà loạn cả lên, trước mẹ để mấy triệu trong ngăn kéo bàn trang điểm mà mất đấy, mẹ chẳng dám nghi cho nó, nhưng hôm đó nhà chỉ có mình nó ở nhà thì ai lấy vào đây bây giờ. Mà thật ra, mẹ cũng chẳng cấm nó mang tiền về cho mẹ nó, nhưng mẹ nó chơi bời, lô đề cờ bạc kiểu đấy, cho tiền cũng như muối bỏ bể thôi, đem tiền đi nuôi thiên hạ. Con nuôi mình nó đã mệt, sức đâu mà nuôi cả bà mẹ vợ thích đỏ đen như mẹ nó.
– Để con xem xem thế nào đã.
Tôi nghe xong câu đó thì vội vội vàng vàng chạy thật nhanh xuống nhà, sợ chồng tôi biết tôi nghe trộm mẹ con anh nói chuyện thì lại đánh tôi. Lúc ra khỏi nhà chồng, tôi cứ lang thang trên đường, không muốn khóc mà nước mắt cứ rơi lã chã đầy mặt. Nhà tôi nghèo nhưng chưa bao giờ ăn trộm ăn cắp của ai cái gì, kể cả mẹ tôi dù trước đây có ham lô đề cờ bạc nhưng giờ bà đã bỏ hẳn rồi, tôi cho bà tiền để bà đi khám bệnh, chữa bệnh, chứ không phải đem cho bà đi trả nợ. Sao mẹ chồng tôi có thể xuyên tạc sự thật ra thành như thế được? Họ ghét tôi, họ khinh tôi vì tôi nghèo, tôi có thể chịu được, nhưng họ vu oan cho tôi như thế, tôi uất không sao mà nuốt nổi.
Tôi ra bờ hồ cách nhà mấy trăm mét, ngồi khóc tức khóc tưởi. Hóa ra, lâu nay chồng tôi ngày càng không ưa tôi vì mẹ chồng lúc nào cũng rót vào tai anh những chuyện xấu về tôi, hiện tại thì anh chưa bỏ tôi nhưng với tình hình thế này, không sớm thì muộn hôn nhân của tôi cũng sẽ tan vỡ. Tôi sợ phải mang tiếng gái một đời chồng, sợ người ta cười nhà tôi có mẹ bỏ chồng, con cũng bỏ chồng, sợ lỡ li dị rồi, sau này không có người đàn ông nào chấp nhận tôi nữa.
Tôi ngẩng mặt lên trời, lần đầu tiên sau gần hai năm đi lấy chồng, tôi tủi quá nên vừa khóc vừa gọi tên bố như một đứa trẻ: Bố ơi, bố đang ở đâu, sao bố không về đón con đi, sao bố không nhớ con? Con khổ lắm bố ơi!!!
Tôi khóc một lúc chán chê rồi lại gạt nước mắt, cố hít sâu mấy hơi để trở lại vẻ mặt như bình thường rồi mới quay về. Về nhà chồng, mẹ chồng thấy tôi đã lườm nguýt:
– Đi chợ hay đi buôn dưa lê mà cả tiếng mới vác mặt về thế? Thức ăn đâu?
– Con ra chợ mới nhớ quên mang ví mẹ ạ. Con về lấy ví rồi con ra mua.
Lúc này, chồng tôi đang ở trên phòng đeo tai nghe chơi điện tử nên mẹ chồng tôi chẳng ngại gì anh nữa mà chửi oang oang:
– Sao mấy năm rồi mà tao thấy mày vẫn chả được cái tích sự gì. Làm gì quên nấy, đi đâu bỏ đấy, chỉ trộm tiền mang về cho mẹ là giỏi, đúng là loại đàn bà cây độc không trái gái độc không con, không đẻ được còn trộm cắp lăng loàn.
Lần đầu tiên nghe mẹ chồng chửi mà tôi không tỏ ra khó chịu hay im lặng nhẫn nhịn như mọi ngày. Tôi chỉ cười nhạt rồi gật đầu:
– Vâng, mẹ nói cái gì cũng đúng hết ạ.
Sau đó bỏ lên phòng lấy ví rồi ra chợ, mặc kệ mẹ chồng tôi tức đến trợn mắt thở hồng hộc mà không làm được gì.
Tối hôm sau, khi vợ chồng tôi vừa về lại chỗ bán hàng thì Tùng nói:
– Tiền bán hàng tuần vừa rồi đâu? Sao không thấy cô đưa cho tôi?
– Em đưa cho anh hôm đầu tuần rồi còn gì, tuần này có bán được mấy đâu.
– Không bán được mấy mà cô có dư tiền để mang về cho mẹ cô phải không?
– Tiền em mang về cho mẹ chữa bệnh là tiền em lấy táo về buôn, tiền đấy không liên quan đến tiền hàng.
Nghe tôi nói thế, chồng tôi lập tức sửng cồ rồi quát ầm lên:
– Không liên quan à? Tôi là chủ cái nhà này, một xu trong nhà tiêu đi đâu cũng phải thông qua ý kiến của tôi mới được tiêu. Cô làm vợ cái kiểu gì đấy? Cô giấu tiền riêng mang về cho mẹ cô phải không? Cô không coi tôi ra gì phải không?
– Em đã nói với anh là mang về biếu mẹ ít tiền để mẹ đi chữa bệnh, anh không đồng ý. Mà mẹ em ốm thế, em là con em phải có trách nhiệm với mẹ. Em không lấy tiền hàng đem cho mẹ, tiền đó là tiền em tự buôn táo. Anh không đồng ý thì làm sao em dám nói với anh.
Tùng gạt tay làm vỡ hết cốc chén trên bàn, sau đó chỉ vào mặt tôi:
– Tao nói mày cãi phải không? Mày giỏi nhỉ? Giờ mày có tiền rồi nên mày thích làm gì cũng được, không cần hỏi đến tao phải không? Ai cho mày cuộc sống thế này? Tiền đâu mà mày có vốn buôn táo?
– Em giấu anh là em sai, nhưng mẹ bị bệnh, em chỉ muốn lo cho mẹ thôi.
– Bệnh gì? Bệnh hay là lại bài bạc? Không phải vì lô đề cờ bạc nên mới phải bán mày đấy à?
Nghe Tùng nói thế, tôi sững sờ nhìn anh, tôi không tin được là anh lại có thể nói ra một câu như thế. Mẹ tôi bán tôi, nhưng tôi cũng là người ở bên cạnh anh mấy năm nay, lúc khó khăn vất vả chỉ có tôi chăm sóc anh, vợ chồng trải qua bao nhiêu chuyện mới có ngày hôm nay, sao bây giờ anh lại có thể nói ra câu đó với tôi?
Hình như nói xong, Tùng cũng mới biết mình giận quá nên lỡ lời. Anh không tiếp tục nữa mà chỉ quát:
– Tôi nói cho cô biết, từ giờ bán hàng được đồng nào phải đưa cho tôi hết. Chi tiêu cái gì, tôi đưa tiền để chi tiêu. Cấm cô được lấy một đồng nào để riêng, để tôi biết được thì đừng có trách.
Nói rồi, anh hùng hùng hổ hổ lấy chìa khóa rồi phóng xe máy ra khỏi nhà, để lại tôi với đống cốc chén vỡ ngổn ngang, nước mắt rơi đầy mặt.
Không biết khi nào tôi mới có thể thoát được khỏi cảnh này đây, bao giờ mới có con, bao giờ mới không còn cô đơn trong căn nhà của chính mình nữa? Ước gì, tôi có một đứa con thì tốt biết mấy. Có con rồi, biết đâu anh sẽ yêu thương tôi hơn, sống vì gia đình này hơn, và biết đâu, có con rồi mọi chuyện sẽ khác với chúng tôi?
Tôi vừa khóc vừa nhặt mấy mảnh cốc vỡ dưới sàn, càng nghĩ càng tủi phận mình. Nhìn người ta bầu bí tôi cũng khát khao được làm mẹ, nhìn người ta có con để bồng bế, tôi cũng ước mong được như người ta, có một em bé để ẵm trong lòng. Nhưng mà đời tôi sao ngang trái quá, đã khổ đủ đường, bây giờ lại hiếm muộn thế này, không biết tương lai sau này sẽ đi đâu về đâu!!!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!