Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...
Năm nhất đại học, ở một trang web, hắn đọc được bài thơ ấy, và vì thế hắn cũng không khỏi cảm thấy những con người có thể sống và lớn lên dưới một bức tranh như thế là vô cùng hạnh phúc.
Năm 2063, hắn ra đời. Thế nhưng năm 2063 ấy, quê hương đã chẳng còn là quê hương giống như của nhà thơ Nguyễn Trung Quân, chỉ có nhà cửa thì san sát, không khí thì ô nhiễm, cây xanh cũng đã biến mất…
Hắn chính là sinh sống và lớn lên dưới hoàn cảnh ấy. Từ nhỏ, mỗi khi ra đường, hắn và mọi đứa trẻ cùng tuổi đều phải mặc áo đặc chế và mang theo bình lọc khí oxy để hít thở. Trước mắt hắn chỉ có những ngôi nhà cao chọc trời cùng những nơi hoang vu tới cực điểm. Thực vật và động vật chỉ còn lác đác vài con nằm trong nhà kính. Mà kinh khủng hơn nữa, dưới sự tan chảy của băng ở hai cực Trái Đất, mực nước dâng lên cao khiến cho đất đai thu hẹp, lúc này đây biển chiếm 4/5 diện tích Trái Đất. Nhưng cái điều chua xót nhất, đó là nước biển đen thui như mực, rách rưởi nổi lềnh bềnh, nhiệt độ cao thái quá. Phải nói dù không ngửi thấy mùi, nhưng chính bản thân hắn cũng cảm thấy sợ hãi, vô cùng sợ hãi mỗi khi đến gần biển.
Hắn từng rất ao ước được trở lại cái thời của nhà thơ Đỗ Trung Quân, cái thời rượp bóng cây xanh và nhìn cánh bướm bay lượn và hít thở không khí trong lành, đáng tiếc là không thể được. Thế nên hắn chỉ có thể xem những thước phim xưa cũ mà thòm thèm không dứt. Mỗi khi nhìn trái cây trĩu nặng trên cành từ trên phim, chính hắn cũng phải chảy nước miếng, cái miệng khô khốc.
Không ai có hiểu được những người ngày nào cũng ăn những thứ đồ nhân tạo khi nhìn thấy những thứ tự nhiên ấy, thì nỗi khao khát nó trở nên lớn như thế nào, lớn lắm, lớn vô cùng…
Đáng tiếc, đáng tiếc… Vì chạy theo sự tăng trưởng của nền kinh tế, chạy theo những con số ảo tưởng đó, mà họ đã đánh mất những thứ quý giá nhất. Cho đến khi tài nguyên cạn kiệt, nữ thần tự nhiên khóc than, họ mới nhận ra họ đã sai lầm thế nào, song có nhận ra cũng không bù đắp được.
Sự chỉ trích hiển nhiên là vô nghĩa vì không thể thay đổi được gì, nhưng chỉ trích cho hả giận cũng là việc dễ hiểu. Ở thời này, không thiếu các nhà lãnh đạo mang các vị lãnh đạo từ đời nào ra đánh bóng tên tuổi mình theo cái dạng: “nhìn xem, tôi kêu gọi bảo vệ môi trường, cố gắng bảo vệ những cái cây xanh còn tồn tại; đối lập với tôi, cái vị abc này vì thứ số ảo mà hủy hoại cây cối; hãy bỏ phiếu cho tôi, hãy bỏ phiếu cho tôi”.
Nói gì thì nói, số phận sầu khổ vẫn thuộc về phần đông người dân. Người giàu có còn có thể bỏ tiền mua một quả trái cây đắt tiền mà cắn thử xem cảm giác thế nào, còn người nghèo thì chỉ có thể đứng nhìn và lớn tiếng chửi mắng: “Thứ nhà giàu keo kiệt, có mà không chia sẻ, đồ ham ăn…”.
Hắn cũng chẳng khác gì, nhiều lần tham gia các bữa tiệc khoe ăn trái cây tự nhiên của những tên đại gia. Cứ nhìn chúng từng ngụm, từng ngụm cắn nuốt, rồi sảng khoái rên lên, rồi phấn khởi hét to là hắn cũng như nhiều người, kích động đến nỗi muốn lao lên khán đài, đạp vào mặt những kẻ hợm hĩnh.
Bọn người đó thật quá… khốn nạn mà!
Lang thang trên con đường chỉ có một mảnh đen xì, không có một ngọn cỏ, khói bụi bay đầy trời, sương mù dày đặc, lâu lâu xuất hiện một vũng nước đủ màu trên đường… hắn càng muốn quay trở về quá khứ.
Song giờ này, nhìn nơi đã từng là cánh đồng lớn, hắn cảm khái:
- Nhân loại quá tham lam và ấu trĩ cho nên đã phải trả giá như thế này!
Hắn còn nhớ những kỉ niệm với người bạn gái cũ chẳng phải ở một nơi chỉ có hai người, mà là ở nơi đông nghịt người. Mùa thu ấy, cái cây chỉ có vài chiếc lá tới hồi rụng, người người chen lấn, xô đẩy với mục đích muốn lấy nó làm lộc, về khoe khoang, hoặc bán lấy tiền, khung cảnh phải nói là thảm thiết, ngay cả hắn cũng thiếu chút bị giẫm đạp, may thay hắn nhanh chân kéo nàng chạy thoát.
Mùa thu năm thứ hai phải trả giá quá thê thảm, nên mùa thua năm thứ ba, hắn dẫn nàng đi xem hoa cúc. Nhưng cũng như lần đầu, chẳng khá hơn tí nào. Có một cây hoa cúc nhỏ nằm trong một cái chậu to đùng, được trưng bày trong tủ kính mà có cả chục nghìn người đứng ở xung quanh. Dù bài thơ của hắn là “mùi hoa cúc man mát”, nhưng một cái bông hoa tỏa được bao nhiêu hương, và với số lượng người lớn như vậy thì ai sẽ may mắn ngửi được hương hoa? Thật ra đó lại là mùi nước hoa của cơ thể nàng mới phải.
Cũng không trách gì được khi đất đai nhiễm độc bởi vô số hóa chất độc hại từ quá khứ, cho nên cây cối cũng không thể sống tiếp, mà động vật cũng dần biến mất, ngay cả con người cũng mắc phải bệnh tật triền miên. Và nhất là khả năng sinh sản của con người giảm xuống chóng mặt, cứ 10 đôi thì chưa tới 1 đôi có thể sinh con, mà cặp có thể sinh con ấy cũng chưa chắc có thể sinh được đứa thứ 2.
“Có thể sẽ có người ở thời quá khứ không tin tưởng những lời mình đang nói.” – Hắn buồn cười thầm nghĩ.
Họ có thể phản bác rằng kỹ thuật phát triển cao thì vì cái gì không thể giải quyết hết tình trạng này, con người còn có thể nhân bản vô tính cơ mà?
Nên phải nói thế nào? Cái gì cũng có lý do của nó, và ở đây cũng vậy.
Thứ nhất, tài nguyên đã cạn kiệt, không đủ để tiến hành nhiều loại thử nghiệm, tất cả tài nguyên còn lại đều dành cho việc chữa bệnh và kéo dài sự sống của con người. Vâng, cả những cái ở thời đó được gọi là “tài nguyên vô hạn” cũng đã suy kiệt dưới những thí nghiệm, dưới cuộc đua chiến tranh kinh tế ngầm giữa các nước, dưới tham vọng làm bá chủ thế giới của một vài nước lớn, dưới sự thiếu ý thức của con người, và dưới tác động của ngoại cảnh.
Thứ hai, năng lượng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (1). Tài nguyên cũng vậy, muốn chuyển hóa từ dạng “phi tài nguyên” đến dạng tài nguyên cần dùng thì cần phải trải qua một hay nhiều quá trình phức tạp đòi hỏi phải cung cấp một lượng năng lượng nhất định. Mà lượng năng lượng này ở đâu ra? Hiển nhiên là phải sử dụng một hay nhiều loại khác để cung cấp lượng năng lượng này. Thế nhưng ở thế giới mà tài nguyên cạn kiệt, ai có thể tìm lại một dạng tuần hoàn để sản xuất tài nguyên? Không nói phát minh ra nguyên lý tuần hoàn năng lượng là công trình đồ sộ và phức tạp, mà ngay cả muốn nó tuần hoàn được thì phải có một lượng năng lượng ban đầu cực lớn.
Lý do thứ hai nghe hơi phức tạp, nhưng có thể hiểu ngắn gọn như thế này: Giả sử xe máy chạy trên đường không bị tác dụng để các ngoại lực, muốn nó chạy với vận tốc không đổi, thì ban đầu phải tác dụng vào nó một lực (hay là phải cung cấp cho nó một lượng năng lượng). Thế lực này ở đâu ra? Chính là sử dụng động cơ đốt cháy xăng, hay nói cách khác, cần tia lửa điện và xăng. Tia lửa điện là một dạng năng lượng, xăng là một loại tài nguyên. Câu hỏi tiếp tục đặt ra là muốn có tia lửa điện và xăng thì phải tốn bao nhiêu năng lượng? Và cái giá phải trả để tạo ra tia lửa điện và chế biến từ dầu mỏ ra xăng là bao nhiêu?
Cái vòng lẩn quẩn cứ như vậy. Nhưng ở thời điểm hiện tại này, có một vài công đoạn bị đứt đoạn mất. Ví dụ như ở thời đại này chẳng còn xăng, vì thế mà xe chạy bằng xăng đã là dĩ vãng.
Thực tế “khó coi” ấy thôi thúc con người từ bỏ “quê hương Trái Đất”, đến nay, năm 2088, con người bước đầu chinh phục vũ trụ. Nói thì nghe có vẻ hay, nhưng vẫn chỉ là dừng lại ở bầu trời.
Đó lại là một sai lầm tiếp theo của thời đại cũ. Việc không hướng đến tìm hiểu và tìm cách bảo tồn quê hương xứ sở mà đã ầm ầm đẩy mạnh đi khai phá nơi không biết chính là sơ hở chí mạng. Phải hiểu rằng móng nhà không vững thì căn nhà sụp đổ là chuyện bình thường. Cái nơi là “cuống rốn”, nơi “thực” thì không chăm sóc, cứ “mơ tưởng cao xa” những thứ “ở ngoài tầm với” là đúng hay sai? Thời gian đã chứng minh, nó sai hoàn toàn.
Bỏ thời gian, bỏ công sức, bỏ tiền tài khai phá những cái “cao xa” với hi vọng lợi nhuận nó mang lại gấp mấy tỉ lần, trong khi đó cái lợi nhuận vài lần chắc chắn đạt được thì không thèm đếm xỉa, âu cũng là thảm họa. Ai cũng muốn giàu nhanh, ai cũng muốn ăn sung mặc sướng, nhưng không có bao nhiêu người chọn cách bước chậm mà vững, họ lại thích “đánh xổ số may rủi” và phó mặc số phận cho ý trời. Thành công thì cúng bái cảm tạ trời ban ân, thất bại lại nguyền rủa trời cao. Họ không biết rằng thành công hay thất bại, có đến 90% do chính con người họ tạo nên.
Dường như họ đều biết: “Quá khứ gây dựng nên hiện tại, hiện tại là nền móng của tương lai”, thế nhưng chẳng ai thèm làm.
Hắn thở dài, Trái Đất lạc hậu là do vậy đấy, một nước đi sai thì cả bàn cờ hỏng bét, mà đi sai lại không sửa chữa thì thua là điều chắc chắn.
Giờ này Trái Đất yếu mềm và dễ ngã như một đứa trẻ 2 tháng tuổi. Sẽ chẳng còn gì khi màn sáng vũ trụ biến mất, khi người vũ trụ xâm nhập vào đây.
Số phận nô lệ sẽ là kết thúc cuối cùng cho nhân loại tại Trái Đất!
Một lần nữa: “Đời ông cố sai lầm, đời ông nội không sửa, đời cháu bất hạnh, mà đời chắt thì tan tành!”.
_____________
(1): Chỉ lấy làm lý do, đừng quan trọng hóa việc định luật ấy chỉ dùng cho "nhiệt, động lực học" làm gì.