Ông bắt đầu đặt chân lên dốc để đi tới vườn hoa. Ông đưa tay mò mẫm nắm lấy cánh tay quận chúa Monique. Rất ít khi ông ra ngoài không có bà đi bên cạnh. Ông không thích liều lĩnh ra phố một mình.
Trông bà trẻ hơn, rắn chắc hơn. Bây giờ bà đã là vợ chính thức của ông sau lễ thành hôn ngày 18 tháng giêng năm 1983 tại quận 16, thủ đô Paris, sau một cuộc bàn bạc tay đôi kéo dài. Tên bà là Monique Baudot, một cô gái xinh đẹp trạc tuổi ba mươi, quê ở vùng Lorraine. Sau khi cưới bà tự xưng là quận chúa Monica mà chẳng qua một lễ đăng quang nào bởi triều đình phong kiến Việt Nam đã sụp đổ từ năm 1945 và chính bản thân ông Bảo Đại cũng đã bị Hội đồng hoàng tộc, năm 1955 dưới sức ép của Diệm, chính thức tước bỏ mọi tước hiệu của ông. Bà là một người bạn hay đúng hơn, như lời đàm tiếu của những kẻ không ưa bà, là hầu phòng, là quản gia kiêm thư ký cho ông.
Bà Monique kể lại rằng: khi đang là lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà Zaire miền Trung Phi thì bà nghe nói về cựu Hoàng đế An Nam, đang sống độc thân trong cảnh túng bấn, gần như bị bỏ rơi…
Mối quan hệ của hai người, thoạt đầu là một cuộc cứu sinh. Cuộc cứu sinh thành công vì nhờ Monique, Bảo Đại tìm lại được một chút uy thế đã qua một chút quý phái và thanh thản bên ngoài đã gây nhiều ấn tượng cho các quân nhân và các nhà chính trị Pháp.
Cuộc hôn nhân giữa ông Bảo Đại và bà Monique không được dư luận chú ý. Không có những hàng tít lớn trên báo chí nhưng cộng đồng người Việt ở Pháp không tha thứ một cuộc hôn nhân không cân xứng như đôi đũa lệch đó. Về phần ông thì từ nay ông càng xa cách những thần dân cũ của mình. Cả con trai, con gái cũng thưa dần những cuộc đến thăm miễn cưỡng người cha ở căn hộ nhỏ hẹp số 29 đường Fresnel, quận 16, (Paris) dưới cặp mắt ghẻ lạnh của bà Monique.
Ông cựu hoàng có tuổi khoác tay bà vợ trẻ bước vào công viên. Lần nào cũng qua một cửa. Không ai nhận ra họ. Tuy nhiên ông vẫn giữ được một chút gì là trịnh trọng, gần như dáng vẻ quân vương trong bước đi, trong cách thở hít không khí. Trịnh trọng và thận trọng. Ông chỉ ra đây vào ngày đẹp trời, tránh những hôm nóng nực hay đông giá. Ông dạo bước trên khu đất vươn cao giữa kè sông Seine và lâu đài Chaillot. Nơi đây là không gian quen thuộc của ông, rộng chừng vài trăm mét vuông có dông trẻ con đến chơi đùa, trượt pa-tanh. Dáng điệu quý phái, oai vệ, ông chậm rãi đi những bước ngắn của người già.
Hai người sánh vai lững thững bước lên một lối đi tráng xi măng, qúanh co giữa thảm cỏ, theo các mô đất của quả đồi bao quanh công viên. Bỗng nhiên ông già dừng lại, lục trong túi nylon trắng lấy ra một gói bọc giấy dầu, thận trọng mở ra.
Con người lúc trẻ đã từng sục sạo trong rừng đêm để săn hổ, nay trở về già tẩn mẩn lấy thức ăn mềm cho mèo vườn ăn… Thì cũng là thuộc giống mèo cả. Những con mèo khiến ông thích thú, say mê nữa. Cả một gia đình mèo sống ở đây, không có chủ, nhưng được một số người đi dạo cho ăn và che chở. Ông đã viết bài đăng báo để bênh vực chúng. Tờ Figaro cũng đã dành vài dòng viết về sự kiện nầy: “Hoàng đế và những con mèo“… “Bảo Đại và các bạn ông trong công viên Trocadéro“. Kể cũng vui và ngộ nghĩnh.
Ông thong thả chờ cho lũ mèo ăn uống no nê. Bao giờ cũng vậy. Ông nhẩn nha bước tới một chiếc ghế đặt trong các công viên ở Paris. Ông đợi, đăm đăm nhìn các con vật đang ăn. Còn quận chúa Monica thì sốt ruột chỉ lo ông trúng gió lạnh.
Lúc nầy ông đã sang tuổi tám mươi hai. Những cuộc dạo chơi quanh các con mèo là những dịp ra ngoài duy nhất của ông. Ông ít xuất hiện trước đám đông, không tham dự. các buổi họp ở Câu lạc bộ Pháp quốc hải ngoại chỉ cách nơi ông ở vài trăm mét, nhưng ông vẫn trung thành chơi bài bridge ở đó vào các ngày thứ tư trong tuần. Sau cuốn hồi ký Con rồng An Nam mang tên ông là tác giả, ông bị nhiều tai tiếng vì nội dung chứa đựng nhiều bịa đặt, văn phong lủng củng và cấu trúc chắp vá, manh mún do có nhiều người viết – cả Tây lẫn ta – trong số đó có tướng Jean Julien Fonde, nguyên là thiếu tá trưởng đoàn Pháp trong Ban Liên Kiểm năm 1946 tại Hà Nội(1), nhất là sau đó ông lại thua kiện với ông nầy về quyền tác giả. Sau nầy, ông cùng ký tên Hoàng đế Bảo Đại đồng tác giả với phóng viên nhiếp ảnh Philippe Lafond trong cuốn “Huế, la cité interdite” (Tử Cấm thành Huế) do Mengès xuất bản năm 1995.
Thực ra ông chỉ viết phần giới thiệu ngắn về Huế và chú thích các ảnh chụp rất đạt về các công trình kiến trúc trong Đại nội. Ít lâu sau đó, ông còn trả lời phỏng vấn cho nhà báo kiêm điện ảnh Fédéric Mitterand trong một cuốn phim tài liệu ngắn về Việt Nam, được đánh giá là chân thực. Có lẽ sự nghiệp “trước tác” của ông chỉ có thế. Có người kể ông đã nhận lời nói chuyện về Việt Nam dưới thời quân chủ và công cuộc Pháp ngữ (Francophnie) ở Việt Nam trước một hội nghị về Pháp ngữ ở thị trấn Payrac hạt Lot vào ngày 31 tháng 8 năm 1997, nhằm hưởng ứng Hội nghị thượng đỉnh về Pháp ngữ họp năm ấy ở Hà Nội, nhưng ông đã ngã bệnh và mất trước đó một tháng (31 tháng 7 năm 1997)(2).
Ông không giàu, đúng hơn là không còn giàu. May thay chính phủ Pháp trở lại trợ cấp cho ông chắc là có sự can thiệp của bè bạn. Thời Giscard d’Estaing làm Tổng thống, ông chẳng được gì cả, nhưng khi cánh tả lên nắm chính quyền thì hàng tháng ông được trợ cấp tám nghìn franc. Đến thời Jacques Chirac thì được nâng lên hai mươi nghìn franc. Ngoài ra ông chẳng có gì cả. Vĩnh biệt chuyện săn bắn ở Alsace, vĩnh biệt lâu đài Thorenc, hai con thuyền y-at, những chiếc xe Ferrari và Bentley sang trọng, vĩnh biệt những ngôi nhà ở Florence và những nơi khác. Đến mức trong những năm 70, ông phải ăn trưa bằng xúc xích giá mười franc một suất trong những quán ăn nhỏ trong khu phố Huclette vì ông thấy ở đó rẻ hơn. Suýt nữa thì người chủ nhà đuổi ông ra khỏi nhà vì không trả được tiền thuê nhà. Nhờ tuổi tác mà ông thoát khỏi cảnh ấy.
Có một lần ông bị cảnh sát tạm giữ vì thấy ông đang ở nhà một gái điếm tên là Clément làm ở nhà hàng Le Moulin Rouge (Cối xay đỏ) trong khu ăn chơi ở Paris dính dáng đến buôn lậu. Nhờ Mộng Điệp, người tình cũ của ông, can thiệp, ông được thả trong tình trạng ốm yếu, mệt mỏi vì uống nhiều thuốc ngủ. Ông lưu lại nhà bà “thứ phi” vài ngày rồi lại đi. Người ta kể lại đó là thời kỳ tinh thần ông suy sụp nhất sau khi rời khỏi Alsace bỏ lại nhà cửa đồ đạc cho cô vợ “hờ” người Pháp tên là Vicky sau mấy năm chung sống và sinh hạ được một con gái đặt tên là Phương Từ.
Tài sản của ông, các tài sản đồ sộ, đã nằm lại trên các bàn đỏ đen, trong các câu lạc bộ, các sòng bạc. Trong nhiều năm ông cựu hoàng đã là ngôi sao của Palm Beach hay của câu lạc bộ Riviera sang trọng. Một phần tài sản nằm trong tay những người đàn bà đã đẩy ông vào cảnh nghèo khổ. Một phần quan trọng nữa nằm trong các công ty hàng không làm ăn thất bát. Đây là một đam mê của ông. Ông đã dễ dàng tin vào những dự án của các bạn phi công. Rất nhiều lần, mồi lần ít một, cộng lại thành nhiều tiền đã ra đi.
Nay ông hoàn toàn lui về cuộc sống ẩn dật. Trong những năm 70 ông đã có ý định xin về nước nhưng chính quyền Nam Việt Nam thời đó khước từ nên phải bỏ ý định ấy. Sau nầy vào lúc quân đội của tướng Giáp mở tung các cánh cửa vào Sài Gòn, ông đã xin đứng ra làm trung gian hoà giải cuối cùng. Từ sau chiến thắng Xuân 1975 hai miền thống nhất thì tinh thần quân chủ cũng cáo chung. Tuy nhiên một sự kiện là tro xương của Duy Tân, ông vua trẻ năm 1916 đã dám nổi dậy chống nền bảo hộ của nước Pháp thì lại được chính phủ Việt Nam xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện đưa về chôn cất trong nước.