Ngay đêm hôm ấy, Agamemnon cho mời các tướng lĩnh đến họp. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào cuộc họp rồi mà chẳng ai buồn nói. Vắng hẳn đi cái không khí vui vẻ, rộn rã trước kia. Agamemnon buồn rầu nước mắt lăn trên má, nói trước:
- Hỡi các tướng lĩnh đầy tài trí! Tình hình nguy khốn đến như thế này thì ta biết nói sao bây giờ. Thần Zeus đã không phù hộ chúng ta. Thần đã chăng bẫy lừa chúng ta vào vòng thảm họa. Thôi hãy theo lệnh ta: kéo thuyền xuống biển và trở về quê hương Hy Lạp yêu dấu. Thời cơ thuận lợi để đánh chiếm thành Troie đã lỡ mất rồi!
Agamemnon nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh ai nấy đều ngồi im, vẻ mặt buồn rười rượi. Bỗng Diomède đứng phắt dậy quát:
- Hỡi Agamemnon! Sao nhà ngươi lại ăn nói điên rồ như vậy? Ta lại đánh cho bây giờ, đồ tồi. Thần Zeus đã cho nhà ngươi làm vua xứ Mycènes đầy vàng bạc, làm Tổng Chỉ huy quân đội, nhưng thần Zeus lại không ban cho nhà ngươi phẩm chất dũng cảm kiên cường. Ngươi nói thế và tưởng rằng những tướng lĩnh và quân sĩ Hy Lạp cũng hèn nhát như ngươi, từ bỏ chiến trường để trở về Hy Lạp phải không? Không đâu, những chiến sĩ Hy Lạp sẽ ở lại đây chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie. Còn nếu như họ muốn đào ngũ chạy trốn thì họ cứ việc hành động theo ý định của họ. Thuyền đây và biển kia sẽ đưa họ trở về quê hương. Ở lại chiến trường chỉ còn lại ta và Sthénélos thôi, dù cho chỉ có hai ta thôi, hai ta quyết tâm chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie.
Nghe Diomède nói thế, tức thì các tướng lĩnh đồng thanh tán thưởng. Mọi người đều vui mừng khi thấy Diomède đã dũng cảm và thẳng thắn phê phán ý định tháo lui của tướng Agamemnon.
Nhưng tiếp tục chiến đấu như thế nào để đẩy lui được sức tiến công của quân Troie, giành được thuận lợi? Không ai nghĩ đến điều đó ngoài ông già Nestor. Với vốn sống từng trải, biết nhìn xa trông rộng, lão vương Nestor khuyên bảo Agamemnon:
- Agamemnon hỡi! Theo ta tình hình nguy kịch hiện nay chỉ có Achille là người duy nhất có thể xoay chuyển được thôi. Nhưng Achille bị ngài xúc phạm vẫn nuôi giữ mối giận hờn trong dạ. Đó, ngài thấy chưa? Ngài là vua được Zeus ban cho cây vương trượng và luật pháp để cai quản muôn dân một cách công minh và chính thức, nhưng ngài đã không làm như thế! Ta đã khuyên can ngài nhưng ngài không nghe ta. Ngài đã tuân theo trái tim tham lam cướp đi của Achille nàng Briséis. Thôi bây giờ ngài phải làm cho Achille nguôi giận đi. Hãy đến thuyết phục Achille bằng cách hứa bồi thường lại cho hắn ta thật hậu hĩ!
Nghe ông già Nestor nói, Agamemnon đáp lại:
- Hỡi Nestor, cụ già khôn ngoan và dày kinh nghiệm! Những điều cụ phê phán ta, ta xin nhận hết. Phải, tình hình bây giờ chỉ có Achille mới có thể cứu vãn được. Chỉ riêng hắn ta đã mạnh bằng hàng trăm chiến sĩ. Ta sẽ cử ngay một đoàn sứ giả đến thuyết phục Achille để hắn ta nguôi giận. Ta sẽ chuộc lại lỗi lầm đã xúc phạm đến người anh hùng ấy bằng cách trả lại cho chàng người thiếu nữ Briséis cùng với nhiều của cải hậu hĩ khác nữa, và nếu như mai đây chúng ta hạ được thành Troie, trở về đất nước Hy Lạp thần thánh với những thuận lợi vang dội trời xanh, ta sẽ gả cho Achille con gái xinh đẹp của ta. Ta có ba người con gái, Achille ưng cô nào ta gả cho Achille cô ấy. Ta sẽ cho chàng bảy đô thành giàu có đều ở gần biển trong vương quốc của ta. Đấy, đó là tất cả những gì mà ta đã sẵn sàng để chuộc lại lỗi lầm. Chỉ mong sao Achille đừng nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng trong dạ.
Theo sự tiến cử của lão vương Nestor, đoàn sứ giả đi thuyết phục Achille gồm có năm người. Cầm đầu là lão vương Phénix, một ông già quắc thước nổi danh về sự mực thước khôn ngoan. Tiếp đến người anh hùng Ulysse mà tài hùng biện và thuyết phục đã từng được ba quân biết đến trong những cuộc hội nghị, chàng Ajax Lớn con của Télamon, một dũng tướng mà tài năng và sức mạnh chỉ chịu thua kém riêng có Ulysse. Cuối cùng là Odios và Eurybate lãnh nhiệm vụ hộ tống.
Achille tiếp đãi đoàn sứ giả của Agamemnon rất long trọng. Lần lượt Ulysse rồi đến Phénix thuyết phục người con trai danh tiếng của Pélée. Nhưng vô hiệu. Achille quyết không thay đổi thái độ của mình. Chàng vẫn nuôi giữ mối giận hờn. Chàng vẫn ghét cay ghét đắng Agamemnon. Chàng kết án Agamemnon đã đối xử bất công với mình: “Chẳng ai là người biết ơn ta đã luôn luôn xung trận giao chiến với quân thù, gian nguy không nề hà, mệt mỏi vẫn ráng sức. Thế mà khi chia chiến lợi phẩm thì kẻ ở doanh trại không xuất trận với người xả thân chiến đấu đến hết hơi hết sức cũng được chia phần bằng nhau. Kẻ hèn nhát với người anh hùng cũng được coi trọng như nhau”. Chàng tố cáo Agamemnon là người tham lam: “Ở bất cứ nơi nào sau mỗi trận đánh, ta cũng thu được biết bao chiến lợi phẩm vô cùng quý giá, và bao giờ ta cũng đem về giao nộp tất cả cho Agamemnon, chẳng hề giữ riêng lại cho mình chút nào. Thế mà hắn, chẳng xông pha nơi máu lửa, chẳng vào sinh ra tử, chỉ ngồi bên đoàn thuyền thon nhẹ hưởng thành quả chiến đấu của chúng ta. Bao nhiêu của cải mọi người đem trao nộp cho hắn, hắn chia cho mọi người thì ít mà giữ lại cho phần hắn thì nhiều. Ấy thế mà hắn lại còn chiếm đoạt phần thưởng mà toàn thể quân Hy Lạp đã nhất trí chia cho ta, chiếm đoạt cả người thiếu nữ xinh đẹp Briséis của ta”.
Achille vẫn không nguôi mối giận hờn trong dạ, mối giận hờn đã làm cho chàng tách ra khỏi liên minh các đạo quân Hy Lạp. Chàng dường như quên mất mình là một người anh hùng danh tiếng đã từng sống gắn bó với lý tưởng cao quý của bộ lạc. Mối giận hờn đã làm Achille mất tỉnh táo, sáng suốt, Achille có ý định sẽ trở về quê hương, lấy vợ, vui thú cảnh ruộng vườn gia đình, mặc cho quân Hy Lạp sống chết với chiến tranh. Chàng đã quên đi những quá khứ oai hùng cùng chia ngọt sẻ bùi, nằm gai nếm mật với đồng đội. Hết người này đến người khác ra sức thuyết phục Achille nhưng không sao lay chuyển được chàng. Đoàn sứ giả đành phải ra về với nỗi thất vọng và tường trình lại cho Agamemnon và các tướng lĩnh biết.