• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Spoiler
Tác Giả: Hồ Hữu Khánh
Những điều kỳ bí được lưu truyền trong nhân gian là một kho tàng truyện nhân gian thú vị. Chuyện ma xin quá giang xảy ra không riêng gì tại một quốc gia nào. Nhiều tài liệu thu thập được từ những chứng nhân ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ là những người đã thấy rõ hồn ma và cũng chính họ đã cho những ma đó đi một đoạn đường.
Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp đã xảy ra. Một vài thí cụ điển hình mà chúng tôi xin lược kể ra đây là những trường hợp hoàn toàn có thật do các nhân chứng trong cuộc kể lại.
Ông Trùm Mày, nhà ở Nam Giao, Huế, chuyên nghề chạy xe kéo, loại xe này rất phổ biến khoảng thời gian 1939 đến 1945. Một đêm nọ, trời gần khuya, ông Trùm Mày định kéo xe về nghỉ nhưng tự nhiên thay vì kéo xe chạy về phía cầu Gia Hội để về Nam Giao (qua cầu Trường Tiền), ông ta lại kéo xe chạy theo đường Hàng Đường để về cống Kẻ Trài. Xe chạy một quảng, ông bỗng thấy một cô gái mặc bộ đồ trắng, đội nón lá vừa bước lên vừa đưa tay vẫy vẫy ra hiệu cho xe ngừng lại.
Ông Trùm Mày vội vã ngừng xe, cô gái có vẻ hấp tấp vừa đi vừa chỉ về phía trước vừa nói – tiếng nói nhỏ như sợ có ai nghe: – Chở tôi về bến đò chợ Bao Vinh.
Ông Trùm Mày cố định thần nhìn cho kỹ mặt cô gái nhưng vì tóc cô để xõa nên chẳng thấy rõ mặt mày. Điều ông làm lạ là cô gái mảnh mai quá nên nhẹ tênh, ông kéo xe mà cảm thấy như chạy xe không. Qua khỏi cống Kẻ Trài và chạy độ hai mươi phút nữa, ông nghe tiếng trống trời khuya vọng lại. Bất giác ông chạy chậm xe và ngoái cổ lại để hỏi chuyện cô gái, nhưng lạ lùng chưa, cô gái không còn nữa. Chỗ ngồi trên xe kéo trống không và yên lặng một cách dễ sợ. Ông Trùm Mày sợ quá đến nổi gai ốc toàn thân, ông cấm đầu chạy thục mạng về nhà.
Sáng mai lại, ông đem chuyện lạ hồi hôm kể cho ông Lý Trưởng ở làng Bình An nghe. Người lão bộc trong nhà ông Lý Trưởng cho biết ở quảng đường gần cống Kẻ Trài đến bến đò Bao Vinh có một cái am nhỏ thờ cô gái bị chết trôi, trước đó độ năm năm, cô gái này bị chết nơi bến đò gần cống Kẻ Trài, xác nổi lên và tắp vào bờ, vướng vào gốc và rễ những cây sanh già cỗi nơi bến và nhiều đêm hay xuất hiện than khóc hay chận đường người qua lại để hỏi thăm, chuyện trò hoặc xin đi nhờ nếu gặp ai có phương tiện chuyên chở đi qua đó. Theo người lão bộc (ông Ngọng) thì có lần hai người kéo xe bò qua đó cũng đã gặp cô gái từ dưới bến sông (Đông Ba) đi lên xin đi nhờ một quãng đường. Khi xe đi được khoảng nửa tiếng, thì bỗng nhiên họ nghe một tiếng “Bõm” như có vật gì rơi xuống sông. Ngay lúc đó hai người đánh xe bò rởn tóc gáy vì cô gái trên xe đã biến mất tự bao giờ (lúc đó khoảng một giờ sáng).
Ở Huế có một địa danh đặc biệt là Ô Hồ. Xóm Ô Hồ gần trường tiểu học Gia Hội (Huế). Anh Hinh trước ở làng Đại Lược sau lên thành phố Huế làm nghề đạp xích lộ Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1956. Ở Huế mùa hè rất nóng, anh Hinh thường đạp xe đến quá khuya mới trở về nhà. Đêm đó, theo lời anh kể hình như là đêm 13 âm lịch, trời đầy trăng sao. Lúc đó khoảng 12 giờ khuya, anh đang đạp xe đi từ từ qua khỏi trường tiểu học Gia Hội và định tới chỗ quẹo sẽ đạp xe về đường đi Mười Gian. Khi chiếc xe xích lô vừa đến ngã ba thì anh thấy một người đàn bà đứng ngay nơi chỗ quẹo và đưa tay vẫy vẫy xe anh. Anh Hinh vội vã dừng xe lại. Dưới ánh trăng, anh thấy rõ gương mặt người đàn bà, rõ đến độ anh thấy nổi bật những dấu sẹo do bệnh đậu mùa để lại trên gương mặt người đàn bà. Anh hỏi:
– Chị về đâu?” Người đàn bà vừa trả lời vừa bước lên xe:
– Cho tôi đến Chùa Bà.
Khi xe sắp đến đường quẹo thì người đàn bà ra dấu ngừng xe và lấy trong ví ra hai tời giấy bạc trao cho anh Hinh rồi lầm lũi đi vào một khu vườn to lớn trồng toàn là nhãn và vải, anh Hing nhìn thấy hai tờ giấy loại 100 đồng và lấy làm lạ vì số tiền quá lớn cho một cuốc xe quá ngắn đường. Hay người đàn bà đã đưa nhầm, tưởng đó là giấy 10 đồng, nhưng 10 đồng bạc cũng vẫn lớn đối với thời đó. Vốn là người lương thiện, anh Hinh nghĩ bụng đêm quá khuya, khu vườn nhà quá rộng và sâu hun hút không tiện vào kêu cửa, chi bằng sáng mai đạp xe ngang nếu thuận tiện ghé lại xem thử ra sao. Thế rồi anh ta cất kỹ hai tờ giấy bạc loại 100 đồng vào cái bóp để trong túi áo. Trước khi đạp xe về nhà, anh còn nhìn kỹ lại địa điểm mà người đàn bà có gương mặt rỗ hoa đã bước suống xe để vào khu vườn sầm uất. Điều đáng nhớ là ngay tại chỗ đó có một cây vông đồng rất lớn.
Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ, anh Hinh đạp chiếc xích lô đến địa điểm hồi hôm. Anh dừng xe lại bên cạnh cây vông đồng. Khu vườn rộng âm u và yên tĩnh quá, anh đẩy xe vào vườn. Xa tít phía trong khu vườn là căn nhà xưa cổ, cửa đóng then gài. Có lẽ gia chủ đã đi vắng. Anh đẩy xe ra, quang cảnh yên lặng lạ thường, qua một giàn hoa lài rủ xuống thấp lè tè có một ngôi mộ. Ngôi mộ này được chôn trong vườn nhà. Trưa hôm đó, anh ghé lại cái quán cơm gần Ô Hồ để ăn trưa, khi mở cái bóp trả tiền anh ngạc nhiên không thấy hai tờ giấy bạc đâu cả. Tìm mãi cũng chỉ có những đồng bạc lẽ mà anh đã có từ trước. Nhưng trong ví lại có hai tờ giấy trắng dài bằng cỡ hai tờ giấy bạc.
Anh ngẩn ngơ suy nghĩ. Bỗng nhiên một cảm giác lành lạnh chạy dọc theo đường xương sống… như có một linh tính vụt đến… anh hỏi ngay người bán quán về khu vườn nơi gốc cây vông đồng và ngôi mộ trong vườn thì người bán quán cho biết như sau:
– Khu vườn đó là của ông Cả Đễ. Ông có một người vợ bé, bà này ở chung với bà vợ lớn và bị bà vợ lớn của ông Cả Đễ ganh ghét, hành hạ đủ điều. Cách đây hai năm, bà vợ bé bị bệnh đậu mùa, người trong nhà sợ bị lây bệnh tìm cách lánh xạ Sau đó bà vợ bé chết. Ông Cả Đễ thương tiếc vô cùng, chôn ngay trong vườn. Hiện nay trong ngôi nhà ấy chỉ có một mình ông Cả Đễ thui thủi sống qua ngày nhờ nhuận lợi thu hoạch trong vườn mà thôi. Bà vợ lớn thì đã bỏ vào Đà Nẵng lấy chồng khác. Ông Cả từ đó có vẻ tàng tàng và mất trí… ” Anh Hinh nghe đến đó thì tự nhiên tay chân run rẩy, mặt mày tái mét. Lúc bấy giờ anh mới kể hết mọi sự cho người chủ quán nghe. Sau cùng người chủ quán nói:
– Như vậy là anh đã gặp đúng người vợ bé của ông Cả Đễ rồi! Với lại gương mặt rỗ hoa thì chính là bà ấy rồi, nhưng lạy vong linh bà ấy, bà linh hiển quá, tuy rằng bà ấy trả cho anh hai tờ giấy bạc giả, nhưng theo ôn mệ (cha mẹ) tôi ngày trước thường kể thì những người đã giúp đỡ ma thường hay được phù trợ. Như anh đã có lần chở hồn ma bà vợ bé ông Cả, chắc anh cũng sẽ đắt khách cho coi… ”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK