Ngọn núi ấy cheo leo hiểm trở đứng sừng sững giữa trời, trông thật ghê rợn. Chỉ cần nhìn thoáng qua một lần du khách cũng không thể nào quên được suốt đời, gai ốc nổi lên cùng mình, chân đứng không vững.
Ngọn núi vô danh đó không phải ở tại Trung Nguyên, mà ở mãi tận miền sơn lam chướng khí đầy những hùm beo rắn rết, thuộc đất Nam man.
Hai tiếng “Nam man” vừa nói lên đã khiến mọi người phải ghê sợ ngọn núi vô danh kia lại là ngọn núi dữ tợn nhất trong các giải núi ở miền Nam man xa xôi diệu vợi ấy.
Đấy là một cái hang động vô danh!
Cái động đó chỉ vừa đủ cho một người chui lọt, và cao đến ngang lưng người. Bên ngoài cửa động, các loài dây leo mọc che lấp cả lối đi. Không hiểu động ấy sâu tới mức độ nào? Đột nhiên một trận âm phong ghê rợn nổi lên, sức lạnh cắt da, cộng thêm cái mùi ẩm thấp của rêu mốc khiến người ngửi thấy cũng phải muốn nôn mửa.
Đó là một cái động vô danh, và cái động vô danh ấy lại ở trên ngọn núi vô danh.
Tuy nhiên, động không nằm ở lưng chừng núi hay là ở đỉnh núi, chỗ lúc nào mây cũng bao phủ u ám, mù mịt, mà lại nằm trong một cái u cốc sâu thăm thẳm.
Núi, là núi vô danh, mà đến động cũng vô danh nốt. Nhưng cái u cốc sâu thẳm đó lại có điều khiến cho người trên giang hồ phải kinh sợ, không ai là không biết ác danh của nó.
U cốc đó tên gọi là Tử cốc.
Trong Tử cốc, ngoài cái động vô danh ra, chỉ còn những cây cối mọc hoang vu hỗn loạn.
Động vô danh ở dưới chân ngọn núi cheo leo hiểm ác là ngọn vô danh. Ngoài động có một phiến đá lớn thật bằng phẳng và nhẵn thín.
Núi thì dữ tợn, hiểm ác. Còn động thì âm u, đến nhu cốc thì lại còn khiến cho người trên giang hồ phải ghê sợ hơn. Nhưng điều khiến mọi người phải ghê rợn hơn hết, lại là hiện tượng bầy ra ở trên phiến đá phẳng.
Cảnh tượng đó tuy diễn ra tại một nơi thâm cốc không người qua lại, nhưng đã khiến cả võ lâm lo sợ hãi hùng, lúc nào cũng giật mình thon thót.
Trên phiến đá hàng trăm cỗ xương người trắng hếu, cỗ thì dựng đứng, cỗ thì cúi mình, cỗ thì nằm chơ vơ nghệu ngã. Cứ trông cảnh tượng khủng khiếp đó cũng đủ hiểu ít năm trước đây đã diễn ra một trường chém giết kinh người. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thì mới hiểu rằng đó không phải là di tích từ một thời xa xôi, mà là chuyện còn nóng hổi.
Hiện tại, đối diện với cửa động vô danh, có sáu cái bóng người ngồi yên lặng. Tất nhiên họ không ngồi yên lặng, cũng không thể được, bởi vì nói rõ hơn một chút, đấy chỉ là thi thể của sáu nhân vật võ lâm.
Trong số sáu cái thây ma đó, có hai cái thịt ở phía trên người đã rữa nát, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Còn bốn cái thây kia chỉ mới chết cách đây không lâu. Cách chết thê thảm vô cùng, khiến người ta không dám để ý nhìn.
Hàng trăm cái thây chết phơi xương trắng hếu tỏ rõ bị chết đã lâu.
Hai cái thây thịt rữa xông mùi hôi thối, ấy là người mới chết.
Còn bốn cái thây, đầu vỡ toang, óc phụt ra ngoài, là kẻ mới chết cách đây không lâu.
Họ là ai mà lại chết thảm ở chốn Tử cốc này, khiến cả người lẫn trời đều phải căm phẫn vì sự dã man chưa từng có ấy? Kẻ sát nhân và những người bị giết, đã có mối thâm cừu đại hận đến thế nào?
Những kẻ thù của kẻ sát nhân tại sao lại đông đảo đến thế? Đấy là những câu hỏi mà người ta chưa tìm được lời giải đáp. Đó là bức màn bí mật bao trùm Tử cốc này.
Một bức màn bí mật tạm thời bao trùm Tử cốc.
Tại sao lại bảo rằng “tạm thời” ư? Xin thưa. Là vì bức màn đang từ từ hé mở.
* * * * *
“Sột... soạt”, “Sột... soạt”.
Đó là thanh âm phát ra bởi cỏ bị va chạm. Nhưng đó không phải là tiếng thú chạy, rắn bò, gió thổi hay mưa mà do tiếng chân người dẫm lên.
Tử cốc lại có người đặt chân tới. Bốn người cả thảy. Bốn người còn sống, bằng xương bằng thịt.
Đó là bốn lão già mặc đồ đen, thân hình cao lớn. Cứ nhìn cách đi của họ nhanh nhẹn thoăn thoắt, cũng đủ biết họ đều là những tay nội gia cao thủ. Nhưng có điều là nét mặt họ đều thiểu não, tựa như người đã chết vậy. Mặt họ đờ ra như không còn chút sinh khí.
Đến trước cửa động vô danh, không dám nhìn lâu hàng trăm cỗ xương trắng hếu nằm rải rác ở chung quanh.
Dù cho họ là những con người rất thâm trầm không để lộ rõ tình cảm ra bên ngoài, nhưng cứ xem cái vẻ thiểu não cùng ánh mắt của họ, ta cũng rõ họ đang căm phẫn và đau khổ lắm.
Trong chốc lát, ánh mắt của họ lại hiện thêm phần bi phẫn. Ánh mắt bốc lửa giận, họ nhìn chòng chọc vào động vô danh. Cái động sâu thăm thẳm, âm u đến lạnh người.
Giây lâu bốn người cùng bước tới trước cửa động, lặng lẳng ngồi phệt xuống đất.
Thình lình họ như bốn cái máy, ai nấy đều giơ hữu chưởng giáng mạnh xuống đỉnh đầu mình “Bốp... bốp... bốp... bốp...”
Bốn tiếng vang khô khan. Bốn cái thân người ngã vật ra đất, đầu bể nát, óc phọt ra ngoài. Những vật đỏ và trắng bắn tung tóe trên mặt đất. Xem cái chết của họ chẳng khác tý nào với cái chết của bốn cái thây trước cửa động.
Màn bí mật đã từ từ hé mở.
Thì ra những người đó tự sát chứ không phải chết vì tay kẻ khác.
Phương ngôn có câu rằng “Đến loài sâu bọ còn muốn sống, huống chi là con người”. Vậy tại sao những con người vừa rồi lại coi thường mạng sống của mình như thế.
Chết cũng có cái chết nặng tựa Thái Sơn mà cũng có cái chết nhẹ tựa lông hồng. Lời của thi nhân Văn Thiên Trường nói chẳng ngoa:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thú đan tâm chiếu hãn thanh
Tạm dịch:
Tự cổ chí kim ai mà chả chết?
Hơn nhau lưu lại danh thơm với đời
Cứ xem cái chết khủng khiếp của mấy người trên đây, phải chăng họ đã chết một cách không minh bạch? Nếu bảo là họ đã chán sống ở trên đời, không thể nào không đi tìm cái chết, thì chết ở chỗ nào mà chả được, tại sao lại mất công lặn lội mãi tới miền Nam man này để chết lạnh lẽo trước Tử cốc? Hay là những người đó đều bị ma ám chăng? Đó cũng là bức màn bí mật, có thể nói là bức màn bí mật trong bức màn bí mật.
Đột nhiên lại có tiếng sột soạt của cỏ bị dẫm lên, chứng tỏ lại có người đang đi tới.
Chỉ trong khoảng thời gian nửa ngày trời, lại có một đoàn người đến nơi. Họ toàn là những hảo thủ trong võ lâm, nhưng có điểm quái lạ là họ đều tự vỗ vào đầu cho óc phọt ra mà chết. Thi thể nằm la liệt trước cửa động.
Không thấy một người nào trong đầu nẩy ra ý muốn sống còn mà quay lưng chạy trốn khỏi Tử cốc, mà cũng chả có ai mở miệng nói một lời. Họ tự hủy mình trong im lặng tuyệt đối.
Một ngày.
Hai ngày.
Rồi ba ngày.
Ở ngoài cửa động có thêm không biết bao nhiêu cái thây mới, cho nên cảnh sắc thần bí trước Tử cốc mỗi lúc một gia tăng.
Vẻ thê lương ảm đảm bao trùm lên cảnh vật.
Bước sang sáng sớm hôm thứ tư, lại có người lần mò tới Tử cốc. Người này thật không giống với những người đã đến trước đây, bởi vì người đó không dắt díu bạn bè đi theo, mà chỉ có độc một thân một mình.
Đó là một ông lão mặc áo xanh, mi thanh mục tú, tiên phong đạo cốt. Thoạt trông cũng đủ biết ông lão là người cốt cách phi phàm. Năm tháng tuy làm cho mái tóc của ông ta đã điểm sương, vừng trán nhăn nheo, nhưng vẫn không che giấu nổi vẻ đẹp đẽ, tươi tốt của một người mà buổi thiếu thời đã làm cho các cô gái phải say đắm mê mệt.
Ông lão áo xanh cứ lặng lẳng dẫm bừa lên cỏ mà đi, chớ không thèm chú ý gì tới cảnh vật ở chung quanh. Mắt ông ta nhìn thẳng về phía trước, chân bước thoăn thoắt.
Đến trước cửa động vô danh, ông lão dừng bước, nhìn dáo dác khắp bốn phía.
Từng đống xương cốt phơi trắng hếu, hàng bao nhiêu thi thể nằm ngổn ngang trên mặt đất mùi xú uế xông lên nồng nặc, không thể nào mà ngửi cho được.
Ông lão áo xanh đứng lặng lẽ ngắm nhìn một lúc, mình hơi run lên. Cái run của ông lão có rất nhiều ý nghĩa, mà cái dễ biết nhất là vẻ hối tiếc, thống khổ cùng một vẻ bi phẫn như cảnh những người tự sát.
Càng lúc ông lão càng bị kích động, chiếc áo xanh trên người bay phần phật, râu tóc đều dựng ngược, máu trên môi đã rỉ ra, đôi ngươi đỏ hơn.
Ánh mắt của ông lão cuống cuồng dừng lại, ở cửa động sâu thăm thẳm âm u, dây leo mọc bít cả lối đi, là động vô danh.
Ánh mắt ông lão chợt quắc sáng như điện.
Ông lão áo xanh thật không giống như mọi người. Ông phá bỏ lệ cũ mà người ta vẫn thường dùng xưa nay. Ông trợn mắt, lạnh lùng lên tiếng nói :
- Đến phút chót, ta bị cái thủ đoạn dã man, tàn ác có một không hai trên đời của nhà ngươi ép buộc mà phải tới đây. Nhà ngươi đã vui lòng hả dạ chưa? Đã đình chỉ cái việc sát hại dã man tàn tệ này chưa?
Ông lão áo xanh vừa dứt lời, từ phía trong động đã có tiếng người đáp lại. Đó là giọng của một người đàn bà êm ái, nhẹ nhàng như gió vờn trên mặt cỏ.
Giọng đàn bà kia nói vỏn vẹn có một câu như sau :
- Tất nhiên.
Ông lão áo xanh nghe được hai tiếng đó, bất giác thân hình rúng động mạnh, cất giọng run run nói :
- Chỉ mới có mười năm không gặp, mà ta không ngờ nhà ngươi lại có thể biến thành con người tàn nhẫn, độc ác lạnh lùng...
Người trong động lạnh hừ một tiếng, quát bảo :
- Câm mồm!
Đó là giọng nói của một người quen quát tháo nạt nộ, chứ không còn là một giọng nói êm ái, nhẹ nhàng của một người chân yếu tay mềm, liễu yếu đào tơ. Âm thanh của tiếng nói vang động cả vách đá như sấm nổ ngày mưa lớn. Sau khi nổi giận quát mắng, người trong động lại nói tiếp :
- Những tiếng tàn nhẫn, độc ác, lạnh lùng đáng lý ta phải dùng với nhà ngươi mới đúng, không những thế, ta còn phải dùng thêm tám chữ “Lòng người dạ thú, không bằng giống vật” để gọi nhà ngươi. Cái mức độc ác của nhà ngươi đã đối xử với ta xưa kia, nếu đem so sánh với việc ta hành hạ nhà ngươi ngày hôm nay thì vẫn còn kém xa. Ta chưa tàn ác bằng một phần trăm của nhà ngươi.
Ông lão áo xanh cau mày nói :
- Kẻ mà ngươi muốn kiếm là ta, còn những người kia thì có tội tình gì...
Người trong động đáp :
- Chúng nó đều là thuộc hạ của nhà ngươi xưa kia, đã giúp tận nhà ngươi làm chuyện ác, thì sao lại có thể bảo là chúng nó không có tội tình gì?
Râu tóc ông già áo xanh đã dựng ngược cả lên, xem chừng ông ta đã tức giận bầm gan, nhưng rồi ông ta vẫn cố nhẫn nhịn. Ông ta thở dài thườn thượt mặt lộ vẻ bi thống tới cực độ, lắc đầu nói :
- Ta tuy không giết bá nhân, nhưng bá nhân lại vì ta mà chết. Nay trước khi ta chết, hà tất ngươi phải gây ra bao nhiêu tội ác tầy trời như thế?
Người trong động nói :
- Ngươi mà cũng sợ tội cơ à?
Hỏi vặn đối phương xong, người trong động vô danh thốt tiếng cười đau khổ vô cùng.
Người trong động lại nghiến răng nói :
- Ngươi ác lắm, ta có ác cũng chưa bằng đâu. Cứ xét hành động xưa kia của ngươi thì ngươi phải trầm luân nơi địa ngục, muôn kiếp không được siêu sinh lên làm người mới phải. Ngươi... ngươi đã biết rằng cái chết của nhà ngươi đã gần kề hay chưa?
Lão già áo xanh cười đáp :
- Ta đã tới đây tức là ta đã không tính chạy.
Tiếng nói của người trong động ôn tồn trở lại. Người đó lạnh lùng nói :
- Giả sử như người có tính chạy cũng chẳng thể nào thoát thân được. Giờ đây ta chỉ hỏi ngươi một câu. Tại sao ngươi lại nhận ra ta?
Ông già áo xanh thản nhiên cười đáp :
- Trong đời này lại có người thứ hai có thể truyền được Phụng Thoa lệnh hay sao?
Người trong động rú lên một tiếng hỏi :
- Ngươi vẫn còn nhớ đến Phụng Thoa lệnh hay sao?
Ông lão áo xanh hơi đổi nét mặt, thở dài nói :
- Đó là kỷ niệm ngươi tặng ta để bày tỏ tình yêu, ta ghi xương khắc cốt, lúc nào cũng nâng niu trìu mến, sớm chiều nhìn vật mà nhớ tới người cho nên làm sao mà ta có thể quên được.
Người trong động cười nhạt, nói :
- Câu nói văn vẻ lắm, hay ho lắm, khiến người nghe không khỏi xúc động. Ngày trước, chỉ vì tính tình ta hãy còn bồng bột, cho nên mới mê say đắm đuối, nhưng...
Nói tới đây, người trong động ngừng lại giây lát, thở dài não ruột rồi nói tiếp :
- Nhưng, đến ngày nay, thì ta không tin một chút nào cả, không tin được nửa lời, bởi vì cái thủ đoạn quá tàn ác xưa kia đã dành cho ta, cái thủ đoạn tàn ác này đã hủy hoại những lời lẽ đẹp đẽ khiến người nghe phải say mê của ngươi.
Ông lão áo xanh há mồm chực nói, nhưng rồi ông lại cố nín, nhăn mặt làm thinh. Người trong động cười nhạt nói :
- Ngươi không còn lời lẽ nào để biện bạch hay sao? Tuy nhiên cần chi phải biện bạch, uốn éo ba tấc lưỡi làm gì cho mệt. Ngươi có nói gì ta cũng không tin nữa. Nếu có múc cạn nước của Đại Dương cũng không thể nào rửa sạch được một đời tội phạm của nhà ngươi.
Nói tới đây, giọng của người trong động đổi sang gay gắt. Người đó xẵng giọng quát :
- Ngươi hãy trả lời ta một câu chót. Ngươi có muốn giống như những kẻ bỏ mình ở xung quanh đây hay không? Ta muốn nói, ngươi tự vỗ lên đầu mà chết, hay là đợi ta ra tay?
Ông lão áo xanh không cần suy nghĩ, nói liền :
- Ta muốn nhà ngươi ra tay.
Có lẽ câu đáp của ông ta ngoài ý liệu của người trong động. Bà ta “Hừ” lên một tiếng hỏi :
- Những kẻ ở vào tình thế tuyệt vọng, hầu hết đều do ta giải quyết. Nhưng nghĩ tiếc cho ngươi là một con người phi thường hơn nữa...
Ông lão áo xanh sắc mặt vẫn bình tĩnh, cất tiếng nói :
- Thì có gì là lạ đâu? Giản dị lắm. Ngươi đã hận ta lâu năm, hận ta đến thâm gan, tím ruột, cho nên làm sao mà chẳng ra tay giết ta. Chỉ có ý nguyện của nhà ngươi không hoàn toàn được thỏa mãn. Vậy ta cũng chẳng tiếc gì mà không giúp cho người được thỏa chí.
Người trong động như thể không bị mấy câu nói vừa rồi của ông già áo xanh lay chuyển, cho nên giọng nói của bà ta vẫn một điệu tàn khốc. Bà cười gằn giọng nói :
- Ăn nói hay lắm. Xem ra ta phải cảm ơn nhà ngươi, cảm ơn cái lòng tốt của nhà ngươi. Phải... có lẽ ta cũng nên thay đổi lập trường.
Ông lão áo xanh sắc mặt biến đổi, hỏi gấp :
- Ngươi thay đổi cái gì cơ?
Lão chưa dứt lời, người trong động đã nghiến răng trèo trẹo, quát mắng :
- Ngày nay định nhờ tay ta để tìm phương giải thoát, cho cái chết được thanh thản, nhưng đó chỉ là điều tưởng tượng viển vông, không thể nào thực hiện được đâu. Ta biết rằng ngươi trông thấy hàng bao nhiêu cái thây vì ngươi mà chết ở nơi đây, nên lương tâm của ngươi bị cắn rứt. Ngươi đau khổ, cảm thấy sống còn khổ hơn chết gấp vạn lần, cho nên ta mới thay đổi lập trường... thay đổi chủ trương. Ta muốn cho ngươi được sống thêm một thời gian, rồi ta mới ra tay hạ sát, tiễn nhà ngươi về bên kia thế giới.
Sắc mặt ông lão áo xanh thay đổi đột ngột, lão ngửng đầu lên nhìn trời, thở dài sườn sượt, từ từ đưa hữu chưởng lên, nhằm ngay đỉnh đầu mình đánh xuống.
Lão ra tay nhanh như điện chớp, nhưng khốn nỗi, động tác của người ở trong động lại còn nhanh hơn lão nữa. Người đó hứ lên một tiếng nói :
- Muốn chết à? Đâu có dễ dàng như vậy!
Một luồng gió lạnh ào tới, ông lão ao xanh chợt cảm thấy Khúc Trì huyệt của mình bị va chạm, cánh tay phải của ông yếu ớt buông thõng xuống. Ông ta nghiến răng, cố nghĩ cách tự sát. Đột nhiên người trong động giận dữ quát mắng :
- Ngươi là ai, mà lại dám giả dạng Lương Thiên Kỳ đến đây để dối gạt ta? Nói, nói mau!
Sắc mặt ông lão áo xanh đổi đột ngột. Lão nhíu mày, nói :
- Mạnh Băng Tâm, ngươi... chẳng lẽ ngươi...
- Câm! Câm mồm!
Người trong động bị gọi là Mạnh Băng Tâm xẵng giọng mắng :
- Ngươi còn định kiếm cớ dối quanh à? Vừa rồi ngươi ngửa mắt lên trời thở dài, để lộ làn da ở cổ, nước da trắng toát, bóng loáng, so sánh với vẻ mặt ngươi có điều khác lạ, làm sao ngươi có thể dối gạt được ta?
Ông lão áo xanh đứng ngây người ra. Hồi lâu, ông đành đưa tay lên vuốt mặt. Một chiếc mặt nạ được chế tạo rất tinh vi rớt xuống, để lộ bộ mặt thật của ông lão áo xanh.
Thì ra không phải là một ông lão. Đó là một chàng thanh niên, một người thanh niên có gương mặt đẹp tuyệt trần như Phan An, Tống Ngọc. Đôi mắt của chàng đăm đăm nhìn vào cửa động vô danh, hậm hực nói :
- Đúng thế. Nhỡn lực của nhà ngươi thật là cao minh. Nhưng nay ngươi định làm gì ta đây?
Mạnh Băng Tâm ở trong động “Hừ” một tiếng, nghĩ bụng :
- Mình đã tưởng rằng ở trên đời này chỉ có Lương Thiên Kỳ là đẹp trai nhất, không còn ai đẹp bằng nữa. Không ngờ ngày nay lại có một trang thanh niên có thể so sánh được với vẻ đẹp của Lương Thiên Kỳ hồi còn trẻ tuổi...
Trong bụng nghĩ như vậy, bà ta lại đổi sang giọng gay gắt :
- Còn làm gì nữa? Hài nhi, chẳng lẽ ngươi lại không rõ hay sao?
Chàng thanh niên áo xanh quắc mắt nói :
- Ta không biết gì hết. Nhưng chỉ đến chết là cùng chứ gì? Ta đã nói cho nhà ngươi nghe rồi đấy, ta đã tới đây thì không nghĩ đến đường chạy. Nếu sợ chết thì ta đã không tới.
Mạnh Băng Tâm giận dữ, quát mắng :
- Thằng ranh con kia, người to gan lớn mật như thế nào? Người như Lương Thiên Kỳ dám vỗ ngực tự xưng là thiên hạ đệ nhất nhân, mà đứng trước mặt ta, còn không dám ngang tàng. Sao nhà ngươi...
Thiếu niên áo xanh cười ngạo nghễ :
- Có cái gì là không phải đâu? Một con người trong khi đã làm việc thay cho người khác thì trước hết phải biết trách mình sau mới đến trách người. Ta nói thật cho bà rõ một câu: Tâm tính và việc làm của bà không đáng cho ta kính trọng. Chết ta còn không sợ, thì thử hỏi ta còn sợ cái gì nữa?
Chàng ngạo nghễ đứng nói, tỏ ra vẻ một anh hùng bất cần đời, thật đúng như câu nói: “Người trí không nghi, người nhân không lo, người dũng không sợ”. Dáng dấp của chàng trông đáng yêu vô cùng.
Có lẽ Mạnh Băng Tâm cũng cảm cái vẻ đẹp của chàng thiếu niên chăng, chỉ biết bà ta yên lặng một hồi lâu rồi mới lên tiếng nói :
- Chú bé, ngươi gan lắm. Ta cho rằng ngươi là đệ nhất nhân trong hàng trẻ tuổi trên võ lâm hiện thời...
Thiếu niên áo xanh lắc đầu, nói :
- Mạnh tiền bối, bà nhầm rồi. Làm sao bà lại muốn làm đệ nhất nhân. Nếu mà ai cũng có cái dục vọng đó thì không biết bao nhiêu là máu với tội ác đã đổ ra. Tôi thích làm người thứ hai, người thứ ba, ngay cả kẻ tầm thường vô danh, nhưng biết lấy hết sức người ra phò chính nghĩa vì đời mà san bằng chuyện bất công. Tôi nói như thế bà nghe có được không?
Mạnh Băng Tâm đáp :
- Tiểu tử nói hay lắm. Nhưng tiểu tử, tên nhà người là gì?
Thiếu niên áo xanh lạnh lùng đáp :
- Chính tôi cũng không biết tên tôi là gì nữa.
Mạnh Băng Tâm không kịp tức giận, liền ôn tồn chậm rãi, nói :
- Muốn nói hay không đều do nhà ngươi, ta cũng không ép. Nhưng có thật ngươi là hạng không có cả tên tuổi hay sao?
Thiếu niên áo xanh chớp mắt một cái, nói :
- Được, nói cho bà biết cũng không sao cả. Tôi tên là Tư Đồ Ngọc.
Mạnh Băng Tâm “Hừ” một tiếng, rồi hỏi :
- Tiểu tử, ngươi đã thay mặt Lương Thiên Kỳ tới đây để lãnh lấy cái chết, vậy ngươi phải có giao tình rất thắm thiết với lão ta chứ?
Tư Đồ Ngọc trợn ngược đôi lông mày kiếm lên, đáp :
- Tất nhiên là như vậy. Thầy gặp nạn, trò phải giơ tay gánh đỡ. Đó là điều đại nghĩa mà ai ai cũng phải làm.
Mạnh Băng Tâm đỡ lời :
- Thì ra ngươi là đồ đệ của Lương Thiên Kỳ. Nhưng ta không hiểu tại sao lão lại có một người học trò xuất sắc như nhà ngươi...
Nói tới đây, bà ta ngừng lại giây lát, như để suy nghĩ, rồi mới nói tiếp :
- Phải đấy. Đại khái ngươi là đệ tử mới nhập môn có phải không? Ngươi đã theo thầy được bao lâu?
Tư Đồ Ngọc cung kính đáp :
- Được năm năm.
Mạnh Băng Tâm hỏi tiếp :
- Nếu vậy cũng chả có gì là lạ. Nhưng ngươi có biết Lương Thiên Kỳ là người thế nào không?
Tư Đồ Ngọc cau mày, đáp :
- Mạnh tiền bối hỏi như vậy là quá lắm đấy.
Mạnh Băng Tâm phát cười lên ngặt nghẽo. Giây lâu bà ta mới nói :
- Ta cũng biết hỏi như vậy là hơi quá đáng. Ngươi đã thay mặt lão để gánh lấy cái chết, thì đủ biết thầy trò nhà ngươi giao tình đã rất thắm thiết. Nhưng này, Tư Đồ Ngọc, ta hỏi ngươi câu này: Tại sao mà Lương Thiên Kỳ lại co vòi rụt cổ, không dám chường mặt ra, mà lại phải sai nhà ngươi đến gặp ta?
Tư Đồ Ngọc vừa cười vừa đáp :
- Tại sao lại bảo là sai được nhỉ? Đó là do tôi tự nguyện. Bởi vì phương ngôi có câu “Thầy trò như cha con”. Tôi tới đây cũng như là sư phụ tôi tới. Huống hồ sư phụ tôi không biết một mảy may nào về việc giết người gớm ghiếc của tiền bối.
Mạnh Băng Tâm lạnh lùng nói :
- Khá khen cho ngươi là người có hiếu nghĩa, dũng khí. Nhưng ngươi phải thành thật mà trả lời ta Lương Thiên Kỳ tai không điếc, mắt không đui...
Tư Đồ Ngọc tức giận, cất tiếng nói :
- Nói thật cho bà biết, sư phụ tôi đau nằm trên giường đã nhiều năm nay.
Mạnh Băng Tâm nói :
- Tiểu tử, lời ngươi nói đúng đắn chứ?
Tư Đồ Ngọc dựng ngược lông mày, nói :
- Tôi không cần phải dối gạt bà, mà tôi cũng không nên dối gạt bà.
Mạnh Băng Tâm trầm ngâm giây lát rồi hỏi :
- Thế thì hiện nay lão ấy ở đâu?
Tư Đồ Ngọc bật cười, đáp :
- Bà cho là tôi sẽ cho bà biết chuyện đó hay sao?
Mạnh Băng Tâm như bị chọc giận, gằn giọng quát :
- Tư Đồ Ngọc, ngươi không được quên rằng cái mạng sống của nhà ngươi đang nằm ở trong tay ta.
Tư Đồ Ngọc chẳng chút sợ hãi, mỉm cười nói :
- Mạnh tiền bối chớ nên quên rằng tôi đã coi việc sống chết là chuyện không đáng nói.
Đứng trước gã thiếu niên cứng đầu cứng cổ, Mạnh Băng Tâm không biết làm gì khác, đành “Hứ” lên một tiếng rồi nói :
- Được lắm, ngươi không nói cũng được. Chẳng lẽ ta không tìm ra hắn sao? Ta sẽ đi cùng sắp Tam sơn Ngũ nhạc, bát hoang tứ hải, thì cũng có một ngày kia ta tìm ra. Hừ! Hừ!
Bà ta kết thúc câu nói bằng hai tiếng “Hừ” đầy vẻ ai oán đau khổ.
Tư Đồ Ngọc vừa cười vừa nói :
- Tiền bối muốn đi tìm thì đó là việc riêng của tiền bối, nhưng nếu tiền bối muốn lóc thịt tại hạ, thì tại hạ cũng không khi nào mở miệng nói ra đâu.
Mạnh Băng Tâm thở dài sườn sượt, nói :
- Tư Đồ Ngọc, ngươi có phước lớn lắm đấy. Ta đã rắp tâm không muốn mang mối thù oán cả một đời giữa ta với Lương Thiên Kỳ mà ném lên mình ngươi. Lương Thiên Kỳ còn nợ ta quá nhiều. Hắn làm ta điêu đứng, mối hận cao bằng trời. Cái kế dụ địch tới Tử cốc của ta tuy đã thất bại, nhưng ta sẽ đi khắp cùng vũ trụ, thanh toán cho xong mối ân oán giữa ta với hắn. Ta còn một câu hỏi ngươi: Vậy chứ Lương Thiên Kỳ bị bệnh tật gì?
Lông mày Tư Đồ Ngọc dựng ngược lên. Chàng quắc mắt, nét mặt đầy vẻ bi phẫn. Chàng nghiến răng đáp :
- Sư phụ của tại hạ bị trúng một thứ kỳ độc vô danh...
Mạnh Băng Tâm nghe tới đây liền cướp lời :
- Không phải! Một thân công lực như Lương Thiên Kỳ vốn coi trời bằng vung, võ công đã luyện tới mức thượng thừa, tùng bách bất điêu, kim cương bất hoai, thì hắn... làm sao hắn...
Tư Đồ Ngọc không đợi cho Mạnh Băng Tâm nói dứt câu, đã vội lên tiếng, buồn bã nói :
- Đúng vậy! Đối với công lực của sư phụ tại hạ thì tại hạ tất nhiên làm sao hiểu rõ bằng tiền bối. Tuy nhiên, thứ kỳ độc mà sư phụ của tại hạ trúng nhằm lại lợi hại nhất trên đời không có thứ gì ghê gớm hơn. Không những nó vô sắc, vô hình, không mùi, không vị mà dù cho người có công lực cao siêu tới mức độ nào thì khi bị trúng độc nếu chưa tới ngày độc tính phát tác, thân thể co quắp thì không thể nào nhận biết được.
Mạnh Băng Tâm hừ lên một tiếng, nói :
- Tư Đồ Ngọc, ngươi còn trẻ tuổi, không có sự hiểu biết bằng ta đâu. Sự hiểu biết của ta uyên bác lắm. Luận về cách dùng độc trong khoảng hai trăm năm nay trở về đây, không ai theo kịp Độ Tôn Hoàng Phủ Khuyết cả, thế mà Hoàng Phủ Khuyết đã về với cát bụi từ lâu rồi. Không những Hoàng Phủ Khuyết không con cháu, mà cũng chưa từng nghe nói lão ta có học trò cả. Lương Thiên Kỳ bị trúng độc, vậy theo ý của ngươi đã do kẻ nào hạ thủ?
Tư Đồ Ngọc mặt lộ đầy vẻ căm phẫn, đáp :
- Nếu biết được thì tại hạ sớm đã tìm ra kẻ đó để chặt y thành trăm khúc.
Mạnh Băng Tâm dò hỏi :
- Việc đó xảy ra khi nào?
Tư Đồ Ngọc đáp :
- Dạ, không biết là lúc nào cả, chỉ biết rằng sau khi sư phụ tại hạ đi dự Thiên Trì kỳ hội trở về, thì tứ chi đều bị rũ bệt dần dần đến khi co rút lại.
Mạnh Băng Tâm ngạc nhiên hỏi :
- Sao? Ngươi nói lại cho ta nghe một lần nữa?
Tư Đồ Ngọc đáp :
- Tại hạ nói rằng: Sau khi sư phụ tại hạ đi dự Thiên Trì kỳ hội trở về thì liền ngã bệnh.
Lời chàng nói vừa dứt, Mạnh Băng Tâm liền sẵng giọng mắng :
- Tư Đồ Ngọc, ta đã trọng nhà ngươi lắm, tại sao nhà ngươi dám dối gạt ta?
Tư Đồ Ngọc nhíu mày, ngơ ngác hỏi :
- Tại hạ không có điều gì để dối gạt tiền bối cả. Trong chuyện này không có ai biết rõ hơn là tại hạ.
Mạnh Băng Tâm thốt nhiên cất tiếng cười sằng sặc như thể bà ta đã tức giận đến cực điểm. Dứt tiếng cười, bà ta lạnh lùng nói :
- Tư Đồ Ngọc, kể ra miệng lưỡi nhà ngươi cũng nhanh nhẹn lắm. Ngươi có biết từ lần Thiên Trì kỳ hội đó tới nay đã bao lâu rồi không?
Tư Đồ Ngọc không cần nghĩ ngợi, cất tiếng đáp liền :
- Dạ, mười bốn năm thì có dư, mà mười lăm năm thì chưa tới.
Mạnh Băng Tâm nói :
- Đúng vậy. Thế chẳng hay ngươi có biết rằng ta Mạnh Băng Tâm, cũng có mặt ở trong Thiên Trì đại hội ngày đó không?
Tư Đồ Ngọc lắc đầu đáp :
- Dạ, cái chuyện đó tại hạ không biết, bởi vì lúc đó tại hạ vẫn chưa được hân hạnh làm đệ tử của ân sư, mà về sau tại hạ cũng không nghe ân sư nhắc tới.
Mạnh Băng Tâm im lặng hồi lâu rồi mới cất tiếng nói :
- Ngươi theo sư phụ chỉ mới có năm năm, thì khi Lương Thiên Kỳ đi dự Thiên Trì hội trở về, tứ chi đau đớn, rồi co rút lại. Những lời đó tất nhiên là phải do Lương Thiên Kỳ nói lại với ngươi chứ?
Tư Đồ Ngọc gật đầu đáp :
- Dạ, quả đúng như vậy?
Mạnh Băng Tâm cười nhạt, nói :
- Lương Thiên Kỳ là kẻ thâm hiểm, nhưng những lời nói bâng quơ láo khoét đó chỉ có thể gạt được kẻ hậu bối trẻ tuổi không hiểu chuyện như nhà ngươi mà thôi.
Tư Đồ Ngọc ngạc nhiên, hỏi :
- Tại sao Mạnh tiền bối lại nói thế?
Mạnh Băng Tâm thở dài, nói :
- Vào năm thứ hai, kể từ khi có Thiên Trì kỳ hội, ta đã bị Lương Thiên Kỳ hủy mất...
Nói tới đây, Mạnh Băng Tâm đổi giọng :
- Hồi đó, Lương Thiên Kỳ dựng túp lều tranh ở trên Hoàng Sơn Thủy Tín phong, còn ta thì ở mãi tít miền Bắc Thiên Sơn Vạn Mai thạch cốc, ở về phía Bắc miền Thiên Nam, đường xa núi cao. Nếu như tứ chi của lão bị đau nhức, thì tại sao...