Lúc cha mẹ tôi lén lút bàn chuyện gả tôi cho nhà họ Đậu ở trấn trên, tôi vẫn đang vác giỏ đi nhặt cỏ ngoài đồng.
Chưa đến nửa ngày, chuyện đó đã lan khắp đầu làng cuối xóm.
Người ta kháo nhau rằng nhà họ Đậu là một trong những hộ giàu có nhất trấn, gả về đó thì khỏi phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Tuy Đậu Tiêu lớn hơn tôi nhiều tuổi, nhưng ai cũng bảo đàn ông lớn tuổi biết thương vợ.
Còn nói, được nhà họ Đậu để mắt tới là phúc phận tôi tu từ kiếp trước.
Lúc tôi xách giỏ về tới cửa nhà, mẹ tôi đang đếm xấp tiền nhà họ Đậu mang sang, vừa đếm vừa lẩm bẩm: “Thế là ổn rồi, có tiền này thì lo được đám cưới cho thằng cả rồi.”
Tôi đặt giỏ xuống, rút cái xẻng nhỏ ra, dí vào cổ mình mà nói: “Mẹ mà dám nhận tiền này, con đảm bảo mẹ sẽ mất cả tiền lẫn con, rồi còn mang tiếng ép gả con gái không thành, lại khiến con c.h.ế.t oan!”
Mẹ tôi trừng mắt nhìn tôi một cái, rồi miễn cưỡng ném xấp tiền chưa kịp nóng tay lên bàn, mắt cứ tiếc nuối liếc nhìn mấy lần, sau đó đành hậm hực quay vào phòng.
“Rầm!" tiếng cửa đóng sầm lại như muốn trút hết bực dọc của bà.
Tôi không nói gì thêm, trong ngày hôm đó liền mang tiền đến tận nhà họ Đậu để trả lại, đồng thời hủy hôn.
1
Tôi mượn chiếc xe đạp của thím Tống ở nhà bên, đạp hơn một tiếng đồng hồ, chỉ để tới nhà họ Đậu trả lại mối hôn sự này.
“Thưa bác trai bác gái, cháu là Tống An Nhiên, hôm nay tới đây là để hủy hôn ạ.”
Tôi đặt số tiền lên bàn trước mặt hai bác, kèm theo mấy món quà như đồ hộp và trái cây mà tôi tiện đường mua.
Một đứa con gái trẻ măng như tôi, lại dám đích thân đến tận nhà từ hôn, khiến hai bác ngồi đó sững người như bị điểm huyệt, ngơ ngác nhìn tôi với vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu.
Còn Đậu Tiêu – cái người được gọi là “vị hôn phu” kia thì ngồi bên cạnh với vẻ mặt lạnh tanh, thấy tôi bước vào mà đầu cũng chẳng thèm ngẩng lên. Tôi liếc anh ta một cái, lúc đó đôi mắt anh ta mới khẽ động đậy.
Nói thật, với cái tướng mạo đó cộng thêm việc nhà có tiền, anh ta muốn cưới ai chẳng được, cớ gì lại nhắm vào một nhà nghèo rớt mồng tơi như nhà họ Tống chúng tôi?
Hai mươi lăm tuổi ở chỗ chúng tôi mà nói thì đúng là hơi lớn rồi. Đàn ông tới tuổi này, con cái người ta đã chạy lon ton ngoài ngõ rồi còn gì.
Tôi chẳng buồn nghĩ xem tại sao anh ta lớn tuổi vậy mà vẫn chưa lấy vợ. Tôi chỉ biết mình còn phải bắt xe lên thành phố đi làm tiếp sau khi hủy hôn xong.
“Người lớn nhà cháu biết chuyện này chưa?" Hai bác bên nhà họ Đậu chắc chưa từng gặp cảnh có người dám từ chối lời cầu hôn của họ, sắc mặt lập tức trầm xuống, lạnh lùng hỏi.
“Chuyện cưới xin là chuyện của cháu, không phải của họ. Lấy chồng là cháu lấy, chứ không phải họ đi lấy chồng thay cháu.”
Vừa thốt ra lời, tôi đã thấy hơi hối hận – không phải hối hận vì những gì đã nói, mà là vì số tiền mình mang tới.
Tôi với tay lên bàn, rút lại hơn một nửa số tiền đó.
Hai bác họ Đậu tưởng tôi đổi ý, nét mặt liền tươi rói trở lại.
Thế nhưng, câu tiếp theo của tôi lập tức khiến nụ cười vừa nở kia cứng đờ lại:
“Bác trai bác gái, đây là số tiền cháu dành dụm được mấy năm đi làm thuê. Cháu phải giữ lại để lo cho bản thân. Còn nợ nhà họ Đậu bao nhiêu, bác cứ đến tìm cha mẹ cháu mà tính. Dù sao, chuyện hôn sự này là do họ tự ý quyết định, không liên quan gì đến cháu.”
Tôi đặt lại phần tiền còn lại lên bàn.
Chỉ đăng truyện Cơm Chiên Cá Mặn, Cá Mặn Rất Mặn và MonkeyD
Lúc đó, Đậu Tiêu mới lười nhác nhấc mí mắt lên nhìn tôi. Tôi trừng mắt lại, rồi quay phắt người bước ra khỏi cánh cổng lớn nhà họ Đậu, đầu ngẩng cao, bước đi hiên ngang.
Vì cái thằng em suốt ngày chạy nhảy, chẳng bao giờ chịu yên phận kia, tôi đã hi sinh cả chuyện học hành. Bây giờ còn muốn tôi hi sinh cả đời mình, chỉ để góp phần cho ông anh tôi có một cuộc sống tốt hơn?
Xin lỗi, tôi không làm đâu!
2
Lúc nhà họ Đậu kéo cả một đám người đến gây chuyện ở nhà tôi, thì tôi và mấy cô bạn đã đeo chăn chiếu cũ kỹ, leo lên chuyến tàu trở lại thành phố rồi.
Nghe nói nhà họ Đậu kéo đến đông như kiến, chen chúc kín cả cái sân nhỏ nhà tôi, đến mức không còn chỗ mà đặt chân. Cảnh tượng đó náo loạn đến nỗi hàng xóm láng giềng đều kéo nhau ra xem, ai nấy đều nghển cổ, trợn mắt hóng chuyện.
Anh cả tôi thậm chí còn hốt hoảng đạp chiếc xe đạp cũ kỹ đi báo công an. Lúc mấy đồng chí ở đồn đến nơi, mẹ tôi đã ngồi giữa sân mà khóc lóc thảm thiết, nước mắt nước mũi tèm lem.
“Có nợ thì trả là lẽ đương nhiên. Muốn cãi nhau thì về đóng cửa mà cãi, mau chóng trả tiền cho người ta đi!”
Một câu nói của công an coi như chốt lại sự việc.