- Cậu làm cái gì vậy hả? Đây là nhà tớ, đâu phải muốn đụng gì thì đụng!
Đó là Phương Di- con bạn thân của tôi. Tôi quen nó hồi học cùng lớp mĩ thuật. Nó thường đội một cái mũ nồi đi học vẽ, trong khi lớp tôi đứa nào cũng ăn mặc thoải mái hết, chả đứa nào lại ăn mặc kiểu cách như nó cả! Mấy đứa bạn của nó đặt cho nó biệt danh là fashionista, còn tôi thường gọi nó là Di "bà nội" vì chỉ mấy bà già mới hay mặc như kiểu của nó.
Nó thường xức nước hoa từ đầu đến chân, đó là lý do mà tôi ghét ngồi gần nó mỗi khi vẽ. Hôm vẽ tượng Aristoteles, thầy cho cả lớp tự chọn góc để vẽ. Đó là một bức tượng mà tôi thích nhất. Tôi dành cả tháng nghiên cứu tất tần tật các góc nhìn quanh bức tượng đó cốt làm sao để tìm được góc ưng ý nhất và cho ra một bức tranh cực phẩm. Ai ngờ, tới hôm vẽ đến nó, tôi đang định đặt ghế ngồi ngay góc mình đã căn thì Di "bà nội" xán tới đặt ghế ngay ở đó. Nó còn nói với tôi một câu xanh rờn:
- Cho xin góc này nha!
Tức mình, tôi ném rơi đống bút chì xuống, nhìn nó với hai con mắt trợn ngược:
- Muốn làm sao đây?
Nhưng nó vẫn thản nhiên nói:
- Cậu ngồi sau tớ cũng được mà!
Tôi cao hơn Di một cái đầu. Ở trong lớp, tôi là một đứa cao nhất. Thầy thường trêu tôi là "cái sào chọc cứt". Vậy nên hầu hết lần nào ngồi vẽ tượng cũng bị xếp sau. Nhưng hôm nay do lớp có ít đứa đi vả lại tôi đã nhắm chuẩn xác góc này rồi nên không muốn ai xen vào vị trí của mình hết. Tôi quát lên:
- Nhưng tao không muốn ngồi gần mày!
Tiếng quát của tôi khiến cho những người ngồi xung quanh đó phải quay lại nhìn. Thầy biết chuyện, liền bước tới gõ vào đầu tôi một cái:
- Con trai mà không biết nhường nhịn con gái! Vậy còn ra thể thống gì nữa hả?
Vì lẽ đó mà tôi đành ngậm ngùi sang vị trí khác để vẽ. Bài vẽ đó mặc dù tôi được 9 điểm, một số điểm cao nhất lớp nhưng vẫn không hết bực với Di. Cuối giờ, tôi ở lại "hạch sách" nó:
- Tại mày cả đấy! Nếu không vì mày dành chỗ thì tao đã được 10 điểm rồi!
- Được điểm cao nhất lớp mà cậu còn đòi gì nữa? Tớ có mỗi 7 điểm đây nè!
- Mày khác tao khác! - Tôi lại quát lên- Mày học ngu hơn tao thì tất nhiên là thấp điểm hơn tao rồi!
Nghe tôi nói như thế, có lẽ nó tự cảm thấy xấu hổ về bản thân nên cúi đầu và đi thẳng. Nhưng bây giờ ngẫm lại, thực ra lúc đó là do tôi tự cao chứ không phải do nó kém cỏi.
Mặc dù ghét Di như thế nhưng tôi vẫn phải thường xuyên đến nhà nó chơi do ông ngoại nó là giáo viên dạy môn đại số tuyến tính trên trường của tôi. Thầy là một người rất nghiêm khắc. Rủi thay, tôi thì lại dốt toán và đã học lại 5 lần nhưng lần nào cũng gặp thầy và lần nào cũng bị đánh trượt do không thể nạp được xíu xiu kiến thức nào vào đầu. Lần thứ sáu này, tôi quyết tâm tìm tới nhà thầy và xin học thêm vì tôi không thể để trượt thêm một lần nào nữa. Mẹ tôi đe: "Mày mà để trượt một lần nữa thì đừng quay về nhà nhìn mặt tao!"
Hôm đến nhà thầy, tôi suýt đứng tim khi nhìn thấy Di đang ngồi xem tivi. Lúc nó quay lên nhìn tôi, tôi mới định thần trở lại:
- Di, mày làm gì ở đây?
- Đây là nhà tớ mà!
- Tao t.. tưởng đ.. đây là nhà thầy Phúc?
- Thầy Phúc là ông ngoại tớ. Cậu cần gặp thầy à?
Lúc đó tôi như không tin vào tai mình nữa. Tôi định xách gót quay về nhưng chợt nhớ lời đe của mẹ và công sức mình đã bỏ ra để tìm đường đến nhà thầy từ nãy đến giờ nên đành ngậm ngùi bước vào.
Tôi với Di đúng là oan gia ngõ hẹp. Gặp nó ở lớp vẽ chưa chán, tôi còn phải đối diện với nó hàng ngày ở lớp học thêm (mà ở đây chính là nhà của nó). Nó thì cứ tỏ ra thân thiện với tôi, còn tôi thì giữ vẻ lạnh lùng với nó y như một người chiến sĩ trung kiên khi bị quân dịch tra tấn vậy. Dẫu vậy, nó cũng chỉ có thể làm cho tôi thấy khó chịu khi mới bước vào nhà. Lúc học, tôi chủ yếu ngồi trong phòng với thầy nên không hề bị nó làm phiền.
Nhà Di khá rộng và nhiều đồ quý. Trông nội thất bên trong cứ y như mấy căn nhà gỗ ở châu Âu, lại còn có lò sưởi và bồn tắm cạnh cửa sổ thông ra vườn nhìn vô cùng thích mắt. Đó là lý do khiến cho tôi không thể tập trung vào học được. Tôi hết nhìn lên mấy bức tranh treo trên tường lại nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm cây. Giá mà lúc đó có một cơn mưa vô tình đi ngang qua và có một ly café cầm trên tay thì hay biết mấy!
Thầy tôi đã ngoài 60. Ông không nói nhiều, thường chỉ viết lên bảng công thức để tôi nắm được, còn việc thực hành và ghi nhớ nó là việc của tôi. Thi thoảng, ông lại đánh mắt lên trần nhà, một tay cầm cuốn đại số tuyến tính, một tay vuốt cằm và nói ra một câu triết lý.
"Các hàm số cũng giống như cuộc đời của mỗi con người, có gặp nhau hay không còn phụ thuộc vào miền của nó. Nếu hai hàm số có nghiệm chung nhưng lại không cùng miền thì mãi mãi không thể gặp nhau được. Giống như hai con người có duyên mà không có nợ, dù có cố gắng ở bên nhau như nào thì đến lúc cũng phải xa rời nhau.."
Tôi chống cằm nghe thầy giảng giải, đầu óc vẫn để ở chỗ những bức tranh trong nhà và khung cửa sổ ngoài kia. Đến khi thầy đã ra khỏi nhà, tôi mới rời khỏi chỗ ngồi và đi quanh nhà ngắm nghía những bức tranh.
Tôi mở cửa phòng đi ra tới phòng khách sau khi đã xem xong những bức tranh treo kín trong phòng. Hình như Di cũng vừa đi đâu thì phải. Tôi thấy một dãy búp bê Matryoshka đặt ở trên bệ lò sưởi, con nào con nấy xếp thẳng hàng và theo thứ tự như thể chủ nhân của nó cố tình đặt ở đó để trang trí. Bên cạnh là một quả cầu trong suốt bằng thủy tinh, bên trong có một ngọn đồi và một ngôi nhà có nông trang trông không khác gì những ngôi nhà ở vùng cao nguyên châu Âu. Tác giả làm ra nó hẳn phải là một người khéo tay và tỉ mỉ đến mức tinh xảo, không để sai bất cứ một chi tiết nào. Cả con thuyền đựng trong cái chai cũng thế. Tôi không biết người ta cho con thuyền vào trong đó kiểu gì, chỉ biết đứng nhìn và muốn ồ lên vì sự tinh tế của nó.
Nhưng thứ làm cho tôi ấn tượng nhất lại là một cấu trúc 3D được đính trên một bệ hình tròn trông khá hoàn mĩ và phi vật lý. Không hiểu tại sao nó có thể đứng được trên chiếc bệ phẳng bởi theo như tôi được biết thì cấu trúc đó trong thực tế là một cấu trúc không bền, các khối vuông chỉ được nối với nhau bởi các đường cong vô hạn mà khi nhìn các đường cong đó theo một hướng khác thì sẽ cho ra một khung hình khác cũng ảo diệu không kém.
Tôi đang loay hoay tìm hiểu cơ chế của cấu trúc vừa rồi thì Di ở đâu xuất hiện. Nó hét lên bằng một giọng điệu khác với thường ngày:
- Cậu làm cái gì vậy hả? Đây là nhà tớ, đâu phải muốn đụng gì thì đụng!
Giật mình, tôi đứng cách xa những vật trang trí kia ra. Nhưng Di vẫn chưa hết giận. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt như muốn ăn tôi nuốt sống tôi:
- Lần sau tới nhà tớ mà còn táy máy là coi chừng đó!
Trở về từ nhà thầy, trong lòng tôi mang nặng những ăn năn. Trước kia Di chưa từng nặng lời với tôi như vậy dù chỉ một chút xíu. Chắc những món đồ trang trí kia phải quan trọng với nó lắm thì nó mới có thái độ như vậy khi tôi lỡ chạm tay vào.
Tôi đi bộ được chừng nửa tiếng thì trời mưa. May sao gần đó có một hiệu sách đang mở cửa. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chạy ù vào hiệu sách trú tạm đợi khi trời tạnh rồi về nhà. Trong hiệu sách có khá ít người, chủ yếu là các cô chú trung niên vào đây đọc những mẩu truyện ngắn được in trên bìa tạp chí. Có người đọc nội dung trong sách kinh tế xong liền phì cười bình phẩm với người đối diện:
- Trong sách toàn dạy linh tinh, thời nay làm gì có chuyện đem 10 phần ra bán cho nước ngoài thì sẽ thu lợi được 8, 9 phần cơ chứ?
- Ông nhầm rồi, có đấy! Ngoài mấy nước áp thuế cao như Nga, Mỹ với Nhật Bản thì các nước khác giá thu về vẫn lời nhiều đó thôi!
Thấy họ bàn xôn xao quá, tôi cũng lập tức bị cuốn hút bởi mấy cuốn sách mà ghé vào tìm để đọc. Đã lâu rồi tôi không có thói quen đọc sách. Dạo nọ vẽ tượng Apolo được điểm tuyệt đối, thầy đã tặng tôi cuốn "Nghệ thuật Phục Hưng đầu thế kỉ XV" để tôi có động lực học hơn, nhưng rồi khi đem về nhà tôi cũng chỉ đọc được một, hai trang đầu rồi lại vứt vào xó!
Tôi đến gian truyện viễn tưởng tìm mấy cuốn sách hay hay để đọc vì hồi trước có xem một vài bộ phim đến ghiền và tò mò không biết trong truyện có hay như trên phim không. Tay tôi lướt qua những cuốn sách nào là "Trái tim của rồng", "Anh họ tôi là quỷ", "Bác sĩ điên", toàn là những cuốn bán chạy trong thời gian gần đây. Chẳng có cuốn nào hấp dẫn cả. Tôi kéo chồng sách lại chỗ cũ, không may làm rơi một cuốn sách khá dày với ảnh bìa một chàng trai đang ngồi lắc lư trên cửa sổ, đầu đội mũ phớt màu đen, chân đi giày màu trắng, dưới chân anh ta là bức tường với dòng chữ "Hurt me!". Cuốn sách có cái tên khá đáng sợ: Lời nguyền của anh trai.