Ở Trung Quốc, huyện Cao Mật chúng tôi cũng có chút thanh danh về chuyện trồng bông, chủ yếu là nhờ vào lời biểu dương của Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai. Tương truyền, có một năm nào đó lãnh đạo Triều Tiên muốn mua bông của Trung Quốc, Thủ tướng đã gọi điện cho huyện trưởng Cao Mật, bảo, huyện Cao Mật của anh gắng tìm một ít bông chi viện cho nhân dân Triều Tiên. Huyện Cao Mật bèn thu gom toàn bộ bông trên toàn huyện lại ùn ùn chở sang Triều Tiên. Mới chuyển đi được một nửa, bên ấy dã kêu rầm trời rằng đã đủ rồi, đừng chuyển nữa, chuyển thêm là không còn đủ kho để chứa nữa. Thủ tướng Chu rất vui, bảo huyện Cao Mật quá tốt, nhân dân Cao Mật từ đó đến nay vẫn còn rất tự hào về chuyện này.
Tôi tự nhận mình gần như là chuyên gia về cây bông, những kiến thức trong quá trình từ trồng đến thu hoạch và gia công, tôi đều rất rõ, bởi tôi đã từng trực tiếp trồng, thu hoạch và gia công bông, không những thế lại còn khá lâu dài, mong mọi người hãy cho phép tôi bàn luận về nó một tí.
Trung tuần tháng ba âm lịch, bởi mặt trời bắt đầu tiếp cận con người nên nhiệt độ dưới mặt đất bắt dầu tăng, băng trên sông bắt đầu tan, người nông dân đã cuộn tròn trong những ngày đông bước ra từ những chỗ ẩn nấp, vươn tay thẳng lưng, hình như ai cũng cao thêm được vài phân. Bò ngựa với thân thể đầy những sợi lông chết cũng được dắt từ trong chuồng ra, lông đuôi và mông dính đầy cứt đái, những chiếc sống lưng sắc như lưỡi dao bắt đầu vận động một cách lười biếng và nặng nhọc để kéo những chiếc cày chiếc bừa ra cánh đồng mênh mông bát ngát. Cánh đồng mùa xuân vô cùng rực rỡ và đầy sức sống. Trên đầu là bầu trời xanh ngăn ngắt, dưới chân là đất đen như mun; chim chóc kêu vang giữa đất trời, chồn cáo dựng bộ lông như cỏ khô vẫn chưa tỉnh hẳn giấc ngủ đông, đang đi tìm cái ăn là những con côn trùng hoặc tìm kiếm ái tình bên những bờ mương, rắn mối đang bò lổn ngổn trên đất. Cóc nhái đã tiêu hết mỡ đang ngồi bên bờ nước kêu vang, tiếng kêu thì khàn đục, thân hình thì gầy nhẳng và loang lổ. Chúng tôi cùng đồng hành với trâu bò, la ngựa trên những con đường đất, đất bụi trên đường đã bị những trận gió mùa đông lạnh lẽo cuốn sạch. Đất trồng bông đã được cày xới vào mùa thu năm ngoái, nằm yên suốt cả mùa đông, lúc này đang chuyển mình ca vang rằng, đất mùa xuân như hoa như gấm. Dưới sự giúp đỡ của trâu bò, chúng tôi phải bừa vỡ đất cục và san phẳng những đám đất này để bảo đảm lượng nước luôn phủ trên bề mặt ruộng, chuẩn bị gieo hạt. Khi thúng tôi đứng trên bừa, chiếc roi điều khiển dài khoảng ba mét được đặt lên vai, một tay nắm chặt chiếc dây xỏ mũi trâu, thân hình lắc lư theo sự chao đảo của chiếc bừa sắt, lòng tràn trề hy vọng, rất muốn ngẩng cao đầu mà hát vang lên. Chúng tôi đang hoà mình vào bầu trời bát ngát và đất đai mênh mông. Cho đến nay, từ đáy sâu tâm hồn, tôi vẫn chưa thể chấp nhận một sự thực rằng quả đất này hình tròn và nó đang xoay quanh mặt trời thâm tâm tôi vẫn nghĩ là trời tròn đất vuông. Bao nhiêu là câu ca thuở bé tôi đã thuộc, nào là "vòm trời xanh xanh, che phủ tứ phương", nào là "trời xanh xanh, đất mênh mông. Gió thổi cỏ rạp thấy bò dê"... Trái đất hình vuông, vũ trụ là hữu hạn, con người sống trên thế gian mới có ý nghĩa. Cho dù trái đất đúng là hình vuông, vũ trụ đúng là hữu hạn, con người sống cũng chẳng dễ dàng gì. Trong những lúc nghỉ giải lao giữa đồng, tôi thường ngắm những con trâu đang mệt mỏi nhai cỏ. Một nhúm cỏ từ trong cổ họng chúng trào lên, buộc mồm của chúng phải vận động để nhai lại. Nếu trâu bò mà không nhai lại, rõ ràng là chúng có dấu hiệu bất bình thường, lúc ấy ông Quách sẽ bảo tôi lấy một ít nước tiểu còn đang nóng phun vào mũi chúng, kích thích chúng nhai lại. Cách làm này có lúc cũng công hiệu, nhưng thường là không có kết quả, khi đó ông Quách sẽ bảo tôi dùng một thanh gỗ nhỏ gõ vào sừng để đánh thức ý thức nhai lại của chúng. Cách này sao mà giống một trong những công án tu tập của các thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế là dùng gậy đập vào đầu! Cách này cũng thế, có lúc công hiệu, có lúc chằng thu được kết quả gì. Nếu cuối cùng mà chúng không nhai lại, có nghĩa là chúng đã bị bệnh, không thể bắt chúng tiếp tục làm việc nữa. Tôi thường nghĩ, nếu có con trâu nào bản tính giảo hoạt sẽ không thèm nhai lại, chắc chắn con trâu đó sẽ được nghỉ ngơi. Rất may là chẳng có con trâu nào hư hỏng như tôi, nếu không thì lịch sử con người sử dụng sức lao động của trâu bò đã kết thúc từ lâu rồi.
Khi chiếc bừa sắt chòng chành đi qua, dấu chân trâu được khỏa lấp, đất mềm được xới tung lên, tươi rói. Mặt đất như được phủ một tấm thảm lông với những nét hoa văn hình con sóng rất đều đặn và rất đẹp. Lão Quách thường nói, làm đất cũng giống như thêu hoa trên vải. Khi đang làm việc trong xưởng gia công bông, tôi thường đứng trên những đống bông cao hàng mấy chục mét, phóng tầm mắt nhìn ra xa với hy vọng là có thể thu vào tầm mắt mình năm châu bốn biển. Năm châu bốn biển thì không thấy nhưng mặt đất như những thấm thảm thêu hình con sóng lại ùa vào trong mắt tôi. Xưởng gia công tách biệt với bên ngoài bằng một bức tường vây quanh cao khoảng hai mét, khi ở trong xưởng, tôi luôn có cảm giác hạnh phúc như được ở trong một chiếc lồng vĩ đại. Con người không phải lúc nào cũng ước mơ được bay nhảy trong trời đất vô cùng. Tôi trông thấy những người nông dân vô cùng thân thuộc đang đi đi lại lại, nhỏ xíu trên những đám đất vô cùng thân thuộc. Tôi biết người nông dân rất vất vả, nhưng dưới cặp mắt của những tao nhân mặc khách, tất cả đều là thơ, là họa... Đúng là những người này chưa hề sinh con cho nên không thể biết đau bụng đẻ là thế nào! Sau khi lá bông đã bị sương làm rụng gần hết, quả bông đã chín và bắt đầu nở, những mầm trắng tinh khiết từ từ bung ra, từng cụm từng cụm hoa trắng như những đám mây trắng bồng bềnh trên trời xanh. Hình như nước sông không hề chảy, những căn nhà thấp thoáng xa xa như những món đồ chơi bé xíu. Đó là trạng thái tinh thần của tôi mỗi lần lên cao nhìn xa, thảo nào người xưa nói, càng ở trên cao thì càng nhìn được xa! Bên trong là những đống màu trắng toát, ngoài kia là những mảng màu xanh rờn. Lá tử đằng xanh biếc, lá đậu vàng ươm, những hàng cây dương liễu đứng uy nghi bên những con mương... Không khí mùa thu thấm vào tâm can con người. Đứng trên núi bông nhìn đất trồng bông sao mà thú vị, nhưng tôi vẫn sợ nhất là phải ra đồng trồng bông!
Mùa xuân, khi chúng tôi dắt trâu ra đồng làm đất thì những cô gái trong làng lại quây quần bên những kho bông của đội sản xuất để sàng chọn hạt bông. Những hạt chín, tròn trịa được bỏ vào sọt lớn; hạt lép, chưa chín bỏ vào sọt nhỏ. Đây là một công việc vô cùng lý thú, có thể xem là một kiểu lao động nhàn nhã bởi cường độ lao động không cao; lại toàn là những phụ nữ đã có chồng ngồi lại với nhau cho nên trong những câu chuyện phiếm, họ chẳng hề ngại ngần gì khi đề cập đến cái vật nằm giữa hai đùi, tiếng cười tiếng nói làm rung chuyển cả bốn vách tường.
Có một ngày, lão Quách bụng bự sai tôi đi tìm tay coi kho nhận vài cân đay để bện một dây thừng mắc vào ách trâu. Tôi phải đến kho để tìm. Đến đó, đầu óc của tôi được bồi bổ không ít kiến thức.
- Thím à, cho tôi mượn đồ nhà của thím dùng một thời gian.
- Thế đồ nhà của cô đâu rồi?
- Đồ nhà của tôi đã mòn hết rồi!
- Thế sao? Đồ nhà của cô lại tệ đến như thế à?
- Thích thật. Đồ nhà của thím sao mà to thế!
- Lúc này mà tay coi kho vào đây thì tuyệt biết mấy!
Tiếng cười vang động cả một góc trời!
Những tính từ như: cứng, mềm, to, nhỏ, thô, dài, ngắn, vểnh, chúc... đều trở thành những khái niệm, những ẩn ngữ có liên quan đến tính dục. Nghe nói có một bà trung niên họ Lý rất phóng đãng, tất cả đàn ông đều cho là khả năng tính dục bà ta rất mạnh mẽ, mỗi khi nói về chuyện ấy là bà ta nói rất hoang rồi cười rất to, cười đến nỗi đái ra quần ướt đầm. Mấy năm sau, khi vào làm việc trong xưởng gia công tôi mới phát hiện ra các cô gái trẻ khi ngồi quây quần bên nhau, những câu chuyện hoang xung quanh vấn đề ấy của họ so ra cũng chẳng kém gì so với lớp bà cô bà chị của họ, có điều nó hàm súc ý vị hơn so với vẻ trần truồng tục tĩu của lớp trước.
Hạt bông tốt sau khi được chọn sẽ được phun nước ấm và vun thành từng đống ủ cho nóng để cho vỏ mềm ra và mầm cây bắt đầu nhú thì đem gieo. Chờ đến khi mầm cây nứt miệng và nhô ra khỏi vỏ, chúng tôi lại dùng thuốc độc hiệu 3911 phun khắp mặt đất để giết chết côn trùng. Mầm cây bông rất thích hợp với các loài côn trùng, nào là nha trùng, nhền nhện, sâu vòi voi... nói chung là rất nhiều loại côn trùng, cho nên mầm cây vừa nhú khỏi mặt đất là phải bắt đầu phun thuốc cho đến tháng tám. Thanh niên nam nữ trong làng đảm nhận công việc này dưới sự chỉ đạo của một kỹ thuật viên, ngày ngày mang bình phun nặng trịch trên lưng đi rải trên cánh đồng, phun liền trong ba tháng. Việc phun thuốc này tôi làm thường xuyên. Khi mới bắt đầu công việc, mũi tôi vẫn còn nhận ra mùi hôi nồng của thuốc, nhưng qua mấy ngày là chẳng còn nhận ra bất cứ mùi vị nào nữa. Những năm sáu mươi là thời cực kỳ hưng thịnh của thuốc trừ sâu nông nghiệp, người phun thuốc phải mặc đồ bảo hiểm chống độc, đeo khẩu trang, găng tay, quần áo dài, không đề lộ bất cứ chút da thịt nào. Chị tôi và các cô gái khác đều làm như vậy. Sau đó đến thế hệ chúng tôi tiếp thu công việc phun thuốc này, tất cả những loại thuốc cấm đều được đem ra dùng, ngay cả những loại thuốc hữu cơ kịch độc như 1059, 1065... chúng tôi đều dùng tuốt. Các cô gái luôn ý thức được bộ ngực của mình là vô cùng quý giá nên mặc áo lót bảo hộ dày đến mấy lớp nhưng tuyệt đối không mang khẩu trang ai mang khẩu trang là bị chế giễu ngay; găng tay lại càng không mang bởi đội sản xuất không có tiền để mua trang bị cho xã viên, ai đó có tiền tự mua một đôi găng tay thì xem đó là vật quý giá cho nên giấu tiệt, chẳng nỡ đem ra dùng. Bọn con trai chúng tôi thì đơn giản hơn các cô gái nhiều. Chẳng có gì bí mật phải che giấu thì mặc áo lót làm gì nhỉ? Nói thực lòng, nông dân chúng tôi thời ấy chẳng có ai nghĩ đến chuyện mặc áo lót, thậm chí là chẳng biết áo lót là gì. Mùa đông chúng tôi có chiếc áo bông, tất cả thời gian còn lại trong năm chỉ độc có chiếc áo mặc ngoài bé tẹo. Áo lót, áo lông, áo may ô... hầu như chẳng có liên quan gì đến nông dân chúng tôi thời ấy. Bây giờ tất nhiên là có liên quan, bởi người nông dân đã giàu lên rồi. Mặc quần áo nhiều lớp, thứ nhất là phiền phức, thứ hai là không tiện cho việc bộc lộ tình cảm một cách thẳng thắn. Nông dân bây giờ bị coi là xảo trá điêu ngoa, phải chăng là do mặc quá nhiều lớp quần áo mà ra? Khi tôi vừa bước chân vào xưởng gia công thì ông bí thư chi bộ xưởng đã huấn thị: Các đồng chí, chúng ta mặc áo bông, áo nhung, áo lót đều là tinh hoa của cây bông. Ý nghĩa của câu nói này thâm vô cùng, đến nay tôi vẫn không dám quên.
Lưng trần, chân không giày dép, chỉ có mỗi chiếc quần cộc đeo bình phun thuốc nặng đến gần năm mươi cân, với chất kịch độc bên mình, chúng tôi chiến đấu với kẻ thù của cây bông, cũng là kẻ thù của chúng tôi.
Những thằng con trai lưng trần chúng tôi được xếp điểm ngang bằng với các cô gái sau mỗi ngày lao động. Các cô không bằng lòng, có ý kiến, bảo rằng những đồ lót của các cô bị chiếc bình phun cọ xát cho nên rất mau hỏng. Chúng tôi đốp chát một cách lưu manh: Thế thì các cô cứ cởi áo ra giống như chúng tôi vậy! Các cô nàng chẳng dám cởi áo. Nghe đâu, trong thời kỳ mà thuốc độc hưng thịnh nhất có thể làm hại đến cả ba đời, thì nói một cách cụ thể là chuột đồng bị trúng độc mà chết, mèo ăn chuột chết thì mèo cũng chết, người ăn thịt mèo thì người cũng chết theo! Người chết vì trúng độc chẳng bị ai ăn thịt nữa. Người nông dân xem xác chết của mình còn quý hơn cả sinh mạng, cho nên đem mai táng thật sâu, nếu không e rằng còn có thể đầu độc chết cả những con chó. Sau đó, thuốc độc không còn công hiệu nữa, bổ con sâu vòi voi vào thuốc kịch độc ngâm nửa tiếng đồng hồ, nó vẫn sống khoẻ! Có người nói, không phải là thuốc không độc, mà là vì sức đề kháng với chất độc của sâu bọ và cả con người đã quá mạnh. Cùng với tôi phun thuốc trừ sâu ngày ấy là một cô gái mắt to, miệng nhỏ. Tên cô ta là Phương Bích Ngọc. Tuy tôi nhỏ hơn cô ta đến bốn tuổi nhưng tôi vẫn cứ mơ ước được lấy cô ta làm vợ. Cô Phương trông rất khỏe mạnh, từ nhỏ đã không còn mẹ, lớn lên dưới sự chăm bẵm của bố. Bố cô Phương rất giỏi võ nghệ, từng dùng hai cú đá là đã giết chết một con chó hung dữ. Cô Phương đã học võ nghệ với bố từ thuở nhỏ, hai chân sẵn sàng tung những cú đá thần sầu quỷ khóc, những cú đá có khi còn cao quá đầu người. Bọn con trai đều rất thèm muốn cô ta nhưng lại rất sợ những cú đấm đá, cho nên chỉ nghiện ở đầu môi chót lưỡi mà chưa từng có đứa nào dám cả gan động tay động chân. Cho nên, trước khi vào làm công nhân hợp đồng trong xưởng gia công, cô Phương chắc chắn vẫn là một trinh nữ. Khi cùng ở một tổ với tôi trong đội bơm thuốc của hợp tác xã, không hiểu có chuyện gì buồn bực mà cô ta đã uống đến nửa chai thuốc Malasolin vẫn không chết, chỉ mê man có mấy ngày, nghe đâu là chỉ thải ra mấy con giun đũa đã chết queo rồi lại mang bình thuốc lên lưng ra đồng. Có người hỏi cô ta vì sao lại ngốc nghếch dại dột thế, cô ta bảo ai là người ngốc nghếch dại dột? Nếu không ngốc nghếch dại dột thì uống thuốc độc làm gì? Tôi muốn giết giun đũa trong bụng thôi! Đúng là hết chỗ nói!
Cô gái này để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi. Nói một cách chân thành, mười mấy năm nay số mệnh tôi không đến nỗi tồi, gặp cũng không ít cô gái xinh đẹp và đức hạnh, nhưng không ai có thể gây ấn tượng sâu sắc bằng Phương Bích Ngọc. Có thể dùng một câu cực kỳ lưu hành thời nay để nói là: Khí chất của cô ấy không giống người thường, là một kiểu tính cách tự nhiên trời ban. Phương Bích Ngọc có một chiếc cổ dài đến lạ thường, cho nên có một thời chúng tôi đặt cho cô ta một biệt danh là "Ngỗng trắng". Bao nhiêu năm nay, tôi học tập được rất nhiều kiến thức văn hóa, biết so sánh giữa ngỗng trắng và thiên nga, biết thiên nga sặc sỡ hơn, trang nhã hơn, cho nên hối hận rằng tại sao ban đầu không gọi Phương Bích Ngọc là "Thiên nga", nhưng lúc ấy chúng tôi còn biết câu "Cóc hủi muốn ăn thịt thiên nga"! Đúng tôi là đồ ngốc nghếch! Phía dưới chiếc cổ dài nõn nà là đôi khuôn ngực cao ngất, cũng cao hơn rất nhiều cô gái bình thường khác. Con gái nông thôn xem vú to và cao là chuyện đáng xấu hổ, là xấu, cho nên khi thấy vú bắt đầu phát triển là đã dùng vải quấn thật chặt, chặt đến độ ngực gần như trở nên bằng phẳng, chỉ nhô lên chút xíu như một nấm gò trên mặt đất bằng thôi. Nói chung, ngực của các cô gái nông thôn bình thường chỉ là một nấm gò, so với họ, ngực của Phương Bích Ngọc chính là dãy Hymalaya. Cánh tay, đôi chân của cô ta đều dài, còn những bộ phận khác trên cơ thể cô ấy tôi không có diễm phúc trông thấy, cho nên chỉ dựa vào trí tưởng tượng để bổ sung thêm mà thôi.
Tôi luôn luôn hoài niệm về thời gian ở trong đội sản xuất hai mươi mấy năm trước cùng Phương Bích Ngọc phun thuốc trừ sâu cho mấy nghìn mẫu bông. Thời gian ấy sao mà lãng mạn! Ôi chao! Chị Phương Bích Ngọc của tôi! Trán chị sáng bóng, như bầu trời cao chẳng có đám mây nào; đôi lông mày cong vút, như vành trăng đầu tháng ở cuối trời tây; chiếc eo thon và mềm, có khác nào cành liễu đung đưa trong gió; đôi khuôn ngực mềm ấm, giống hệt bánh bao vừa mới ra khỏi lò; cái rốn thật tròn, chẳng khác nào đồng xu kim loại... Tất cả những cách tả này là tôi học được trong ca từ một khúc điệu dâm đãng có tên là "Thập bát mô", từ đó trở xuống, từ ngữ dần dần càng trở nên dâm đãng, lưu manh hơn. Năm ấy, bông rất tốt tươi, mưa thuận gió hòa, cây bông cao đến hơn mét rưỡi. Sáng sớm, sương giăng dày đặc, một vầng thái dương đỏ rực từ từ nhô lên trong sương, cả đất trời như một tấm màn nhung màu hồng phấn vô tận, chúng tôi co co rúm rúm đi ra ruộng. Kỹ thuật viên đang đổ nước vào trong một chiếc bồn to tướng rồi đổ thuốc vào, sau đó dùng một chiếc thước đo nồng độ thuốc rồi dùng một chiếc ca to đổ thuốc vào bình phun của chúng tôi. Phương Bích Ngọc ôm lấy đôi vai trần nói: Sương dày thế này, cành và lá cây bông đều đầy nước, phun thuốc lên chẳng phải là thuốc sẽ chảy ngay xuống đất sao? Kỹ thuật viên là một trung niên, đôi mắt lúc nào cũng đầy ghèn, được xem là kẻ gàn rỡ, hay làm rối tung mọi chuyện, ngay cả đội trưởng sản xuất mà gặp lão ta cũng phải sợ vài phần, liếc xéo Phương Bích Ngọc, nói: Chảy xuống thì có đất tiếp nhận, cô lo lắng làm quái gì? Phương Bích Ngọc chẳng dám nói thêm gì, lắc mông và thân hình nhô lên thụp xuống bơm khí vào bình. Hai tay cô ta sao mà khỏe, thân hình cô nhô lên thụp xuống sao mà nhanh. Có lúc tôi đứng trước mặt cô ta, có lúc đứng sau lưng, mải nhìn cô ta bơm khí mà quên cả chuyện bơm khí vào bình phun của mình. Xem cô ta bơm là chuyện giả, xem thân thể cô ta mới là chuyện thật. Đối với một thanh niên mới biết thế nào là chuyện yêu đương trai gái, những gì trên cơ thể phụ nữ đều là những bí mật đến mê người. Do vậy mà rất nhiều lần, tôi đã bị lão kỹ thuật viên châm chọc và chửi mắng. Nhưng tật xấu khó sửa, chỉ cần trông thấy đôi mông tròn và khuôn ngực đầy đặn khi cô ta cúi người xuống là tôi điên đảo tâm thần, mê man trong khoái cảm. Vẫn biết như thế là đồi bại về đạo đức, nhưng sức mạnh đàn bà đối với tôi mà nói còn hấp dẫn hơn sức mạnh đạo đức rất nhiều lần. Đương nhiên, tất cả đã là chuyện của quá khứ.
Chúng tôi đang đứng trên cánh đồng bông. Cành cây rậm rịt giao thoa nhau che chắn mất lối đi, chỉ cần động nhẹ là muôn vàn giọt sương đọng trên cành đã rơi xuống ào ào, chỉ trong vòng mấy phút, toàn thân đã ướt sũng. Ngay cả những buổi sớm mùa hè, nhiệt độ hạ thấp cũng có thể làm người ta phát run, huống hồ là toàn thân bị sương lạnh thấm ướt trong sáng sớm mùa thu. Nước thuốc được phun lên cành cũng nhanh chóng chảy xuống thân thể chúng tôi. Cho nên nói rằng phun thuốc để diệt côn trùng là không chính xác bằng nói, chúng tôi phun thuốc để diệt chính mình, rất may là chúng tôi đều có sức đề kháng vô cùng mạnh đối với thuốc độc. Có một lần, đầu tóc tôi có chấy, Phương Bích Ngọc nghĩ ra một chiêu cao cường là dùng thuốc độc pha thật đậm đặc phun lên đầu tôi đúng là chấy bị tiêu diệt đến tận gốc rễ, còn tôi thì an nhiên, chẳng mệnh hệ gì. Trên thân thể chúng tôi, mỗi lỗ chân lông đều là nơi hấp thu chất độc vào trong thân thể, đến nay tôi vẫn nghĩ rằng, máu trong người tôi vẫn còn pha với thuốc kịch độc, mấy mươi năm nay trên người tôi chằng có loại ký sinh trùng nào trú ngụ, ngay cả muỗi cũng chẳng dám đốt, đại khái là do chúng không thể chịu nổi chất kịch độc trong cơ thể của tôi. Cho nên, khi xã hội kêu gọi mọi công dân hiến máu để cứu người, từ trước đến nay tôi không đủ dũng cảm để đăng ký tên mình, người không hiểu cứ cho rằng tôi là một kẻ giác ngộ vô cùng kém.
Phun xong một bình thuốc, chúng tôi cùng tụ tập trước cái giếng ở đám đất dầu cánh đồng để lão kỹ thuật viên tiếp tục đổ thuốc vào bình. Lúc này, cảnh đẹp của buổi sáng mới thực sự phô bày trước mắt chúng tôi. Vẫn là lúc mặt trời đang xua tan sương sớm, ánh sáng huy hoàng chiếu trên mặt đất trên những cành lá chưa bị chúng tôi làm cho xao động còn đọng những giọt sương lấp lánh dưới ánh mặt trời như những hạt trân châu, thuần khiết và trong trắng như những nàng trinh nữ. Nơi chúng tôi đã đi qua, rất nhiều lá bông bị lật ngược lên, màu lá xanh đen, lại là một cái đẹp mang ý vị khác đẹp như một người thiếu phụ đoan trang, phân biệt rõ ràng với sắc đẹp của những nàng trinh nữ kia. Sự so sánh này chưa thỏa đáng và cũng có phần lưu manh - đây chính là lời bình phẩm của một thanh niên trí thức từ Thanh Đảo về quê hương cùng làm việc trong đội phun thuốc nói với tôi.
Nhưng cảnh đẹp nhất vẫn không phải là ở chỗ cây bông và đất trồng bông mà là nói thân hình của các cô gái, đặc biệt là trên thân thể của Phương Bích Ngọc. Trước đây tôi đã nói, cô ấy chỉ mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay màu phấn hồng và chiếc quần vải nylon Nhật Bản nhuộm đen. Tất cả quần áo đều đã bị sương thấm ướt nhèm, dính bết vào da thịt, cô ấy gần như lõa thể. Nhìn Phương Bích Ngọc trong hoàn cảnh này, tôi mới lờ mờ nhận ra thân thể đàn bà là như thế nào. Cũng cần phải nói đến mấy chữ "vải nylon Nhật Bản" màu đen viết bằng đại tự vốn có trên những tấm vải màu trắng khi mới nhập về. Trình độ kỹ thuật của nước Nhật bé tẹo ấy rất cao, trình độ in ấn của họ thật tuyệt vời, những lò nhuộm ở quê tôi làm hết cách vẫn không che lấp được những chữ này, bây giờ, những chữ to tướng màu đen ấy lại càng lộ rõ trên đôi mông của Phương Bích Ngọc; mông bên trái là các chữ "vải nylon", mông bên phải là hai chữ "Nhật Bản". Từ đó, cô nàng còn có thêm một biệt danh nữa là "Vải nylon Nhật Bản".
Sau này, Phương Bích Ngọc mới nhận ra điều này nên không bao giờ mặc chiếc quần đó nữa, nhưng cái biệt danh ấy thì theo cô ta suốt cả đời. Những trò đùa hoặc những lời cợt nhả khó lòng làm cho Phương Bích Ngọc nổi đóa, nhưng chỉ cần một lần cô ta nổi điên là trời long đất lở, như sấm sét vang trời, như gió táp mưa sa. Cô ta đã mở miệng chửi ai đó thì chẳng khác nào súng liên thanh được bóp cò liên tục.
Một năm nọ có loài sâu chuông tàn phá cây bông, hầu như trái bông nào cũng bị bọn sâu này gặm nhấm. Trái bông nào bị bọn này ghé miệng đến là nhanh chóng héo tàn và rơi xuống, trái bông mà rơi thì vụ bông coi như thất bại hoàn toàn. Đội trưởng sản xuất rất lo lắng, động viên toàn đội kể cả nam phụ lão ấu xách thùng ra đồng bắt sâu, cứ hai trăm con thì tính một công điểm. Những người tinh mắt nhanh tay, chỉ trong một buổi sáng là đã có thể bắt được hai nghìn con. Đội trưởng cho là mình đề xuất công điểm quá lớn bèn sửa đổi quy định từ hai trăm con lên thành năm trăm con. Loại sâu này xanh đỏ tím vàng, nói chung là đủ cả màu sắc. Cứ bắt được một hồi là mọi người dừng lại để đếm, đội trưởng trông thấy chướng mắt bèn đổi từ đếm thành cân, cứ hai lạng thì được một công. E rằng những con sâu này sẽ bò về chỗ cũ, cũng sợ người ta cân xong thì tìm cách gian lận tư túi nên đội trưởng ra lệnh là được cân nào ngay lập tức phải đem về kho chứa của đội sản xuất để nhân viên thủ kho cân đong. Có người đem những con sâu đã cân xong về nhà cho gà ăn, gà chỉ ăn vào mấy con là đã rướn cổ nôn thốc nôn tháo ra ngoài. Ngay cả gà mà còn trị không nổi, quả là loài sâu ác hiểm ghê gớm!
Cùng chúng tôi bắt sâu có bà Vương có gương mặt rất hiền từ. Thời trẻ, bà là tín đồ Cơ đốc giáo, cứ bắt được một con là miệng lại niệm A Di Đà Phật! Tín đồ Cơ đốc giáo mà lại niệm Phật hiệu, rõ ràng là một chứng cứ sống động về sự hòa hợp đông - tây. Bà ta nói, đây là loại sâu thần, không thể bắt hết, hãy đến miếu thần thánh làm phép mới xong. Những thanh niên nghe nói thì chê bai bà ta là người mê tín, bà ta nói, không sợ cái miệng ngang ngạnh của thanh niên trẻ tuổi, e rằng đến lúc muốn cầu thần thánh thì chẳng thể tìm ra được cổng miếu ở đâu.
Thôi thì hãy quay về để nói chuyện trồng bông vậy. Đạo trời luân hồi, hết khô hạn rồi lại lụt úng. Những năm sáu mươi lụt lội nước ngập đến nóc nhà, những năm bảy mươi khô hạn đến độ đất khô như ngói. Trồng bông cần có nước, do vậy phải đào giếng, một công việc vô cùng nặng nhọc, lại đào mương, gánh nước đổ vào rãnh, chỉ nghe một tiếng "xèo", cả thùng nước trong chớp mắt đã ráo khô. Cả mặt đất khô đến nỗi bốc khói xanh. Qua một ngày gánh nước, bả vai sưng lên bằng chiếc bánh bao; chân trần, nếu có cộm có đau thì dùng giẻ mà bó lại, tiết kiệm giày. Phương Bích Ngọc lót một lớp vải bố dày cộp hình chiếc lá sen màu lục trên vai, chiếc cổ đã dài trông như dài hơn, giống một cuống sen vươn lên khỏi chiếc lá. Cũng nhờ đã từng luyện tập võ nghệ, lại sức khỏe hơn người, cho nên chuyện gánh nước này được cô ta xem như một trò biểu diễn. Cô ta gánh hai thùng nước mà vẫn chạy như sao xẹt, chiếc đòn gánh dẹp nhún nhảy, đôi thùng chao qua đảo lại, trông cô ta giống hệt một con nhạn đang sải cánh. Có lẽ đang mê Phương Bích Ngọc nên tất cả những gì liên quan đến cô ta đều làm cho tôi say đắm. Những chàng trai mới lớn có tình cảm đầu đời với ai đó, nói chung thường lớn hơn họ một ít. Trong thời kỳ lớn cũng chưa đến mà nhỏ cũng không còn, cũng như quả hạnh thưa kịp chín vừa chua vừa ngọt, đứa con trai thường có nhu cầu tình cảm của ngươi mẹ, lại vừa có tình yêu trai gái đối với một người con gái nào đó. Do vậy người con gái lớn hơn mấy tuổi có thể đảm đương cả hai thứ tình cảm này.
Tôi còn quên một điều chưa kể. Khi phun thuốc 3911 cho mầm cây bông, thời tiết lúc này thường có gió đông nam, rất ẩm thấp. Gió đông nam nhè nhẹ mang mùi hôi nồng nặc của thuốc độc 3911 đến với từng hộ gia đình, ăn cơm không còn cảm giác ngon miệng, ngủ không yên giấc, nhưng trong lòng ai ai cũng cảm thấy hưng phấn, một cảm giác hưng phấn rất đỗi lạ lùng. Trong đêm tối như mực, trong mùi thuốc độc đặc quánh tôi thường có cảm giác bất an, lo buồn không yên, trong hạnh phúc có một nỗi sợ hãi. Mùi thuốc độc đã thúc giục tình cảm của tôi. Ban đầu là thoa một ít nước hoa hiệu Hoa quỳ lên mặt, là nước hoa lấy trộm của chị tôi. Chị tôi phát hiện ra, chửi nhau một trận. Chị ấy chửi: Đồ không biết xấu hổ, con nít ranh mà bày đặt làm dáng. Khi chị ấy đang chửi, bố tôi dùng ánh mắt không mấy cảm tình, thậm chí có chút độc ác nhìn tôi. Ăn cơm tối xong, tôi phóng vù ra cổng, chạy như một con chó đực trên con đường đất bụi trắng xóa, miệng lẩm nhẩm một đoạn đối thoại trong vở kịch cách mạng. Đang trong thời kỳ vỡ tiếng nên giọng tôi khàn đặc âm cao nói chẳng ra khỏi cuống họng, trong lòng cảm thấy không vui vì chuyện này. Chạy một đỗi là tôi đã đứng trước cổng nhà Phương Bích Ngọc mà hồi hộp. Trước cổng nhà cô ta là một khoảnh đất rộng, trên đó mọc đầy cỏ dại và một ít cây bông, một vài luống ngô. Một con chó đực đang lầm lũi xiêu vẹo trong đám cỏ cao rậm, không biết nó đang muốn làm trò quái quỷ gì. Lúc ấy tôi ăn mặc vô cùng sơ sài nhưng đứng giữa trời vào lúc nửa đêm vẫn không cảm thấy lạnh nếu có lạnh cũng nhất định không chịu trở gót. Tôi đứng đó để mà ảo tưởng sẽ có một kỳ tích xuất hiện: Phương Bích Ngọc sẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thoa nước hoa hiệu Hoa quỳ thơm ngát, mặc áo lót màu hồng bó sát người, áo sơ mi màu tương ớt, áo lông khoác ngoài màu đỏ rực, quần lót màu hoa hồng, váy nhung màu tương ớt, trên ống chân thon đeo vớ nylon hoa, đi giày nhựa, líu lo như chim hót và bay vù đến đậu bên cạnh tôi. Thực tế là chẳng bao giờ có chuyện xảy ra đúng như tâm nguyện của tôi, mặc dù cô ta dường như đã cảm nhận ra cảm tình của tôi dành cho mình, nhưng cô ta chẳng hề muốn quan tâm đến nó, đó là một sự thật.
Ngoài những vấn đề trên, chúng tôi lại phải cắt cành bệnh, bấm đọt, đào gốc bón phân, phun thuốc thúc cho quả bông mau chín, sau trung thu là phải nhổ bỏ gốc cây...
Hái trái bông cũng không phải là một công việc nhẹ nhàng gì. Những cô gái hái chè tuyệt đối không thể có chuyện lãng mạn như trong bộ phim "Lưu Tam Thư" đã từng thể hiện. Đau lưng mỏi cổ lắm! Liên quan đến chuyện hái bông có vô khối chuyện để kể. Cũng có một bài hát có tên là "Bài ca hái bông", tác giả là ai tôi không biết, về giai điệu tôi không thể biểu hiện ra đây, còn ca từ thì thế này:
Tháng tám đến rồi, tháng tám đến rồi,
Nào chị em ơi, ra đồng hái bông!
Trước mắt ta, một biển bông trắng xóa,
Trước sau phải trái, hái hái hái...
Tôi là loại lao động chân tay có năng lực nên đội trưởng giao cho công việc hái bông cùng với chị em. Lúc ấy tôi có chút uất ức nhưng bây giờ nghĩ lại thì đó là công việc vô cùng lãng mạn. Tùy theo trọng lượng bông hái được mà tính công điểm, cho nên tất cả mọi người đều ra sức hái. Tất nhiên Phương Bích Ngọc cũng là một cao thủ trong công việc này. Nhờ có Phương Bích Ngọc mà lưng mỏi, tay đau... tôi đều vượt qua, tất cả đều bị tôi vứt thẳng lên chín tầng mây xanh.
Thời kỳ hái bông trùng với vụ thu hoạch khoai tía, dầm dây tử đằng, thu hoạch hành, làm tương đậu... Để tranh thủ hái, chúng tôi thường ăn cơm trưa ngay tại ruộng bông.
Bông hái xong thì được đưa về kho của đội sản xuất, những lao động quá tuổi, chủ yếu là các bà già sẽ lượm sạch cỏ lá trộn lẫn trong ấy rồi trải đều trên những tấm phên bện bằng thân cây cao lương để phơi khô, sau đó thì dồn vào bao. Những thanh niên khỏe mạnh sẽ chất tất cả lên xe lớn xe nhỏ kéo đến bán cho xưởng gia công. Lúc ấy, công việc của xưởng gia công mới thực sự bắt đầu.
Năm 1973, tôi cùng với Phương Bích Ngọc đến xưởng gia công cách nhà chúng tôi khoảng hai mươi dặm để làm hợp đồng theo mùa vụ. Khoảng thời gian làm việc này vô cùng thú vị. Tôi đến được xưởng gia công làm hợp đồng là nhờ vào ông chú làm kế toán ở đấy, còn Phương Bích Ngọc được đến đấy là nhờ vào vai vế của người chồng chưa cưới có vết sẹo ở mắt Quốc Trung Lương, con trai bí thư chi bộ đương nhiệm của đội sản xuất.