Có bông mới nhập xưởng, tôi vô cung phấn khởi vì đã có thể làm công việc chính thức, không còn phải theo lão Búa Sắt Tử làm chuyện vặt nữa. Phương Bích Ngọc nói với tôi rằng, cô ấy rất ghét lão Búa Sắt Tử này vì đôi mắt của lão ta trông gớm chiếc vô cùng, rõ ràng là một con quỷ dâm dục.
Một đám đông tụ tập trước cổng để ngắm nghía bông mới nhập. Những người đem bông đến đây đều là người trong thôn tôi, ông già đánh xe là Vương Cửu, người cùng đội; người đi theo là Thôi Nguyệt Quế, thím họ của Quốc Trung Lương.
- Đây là người cùng thôn với tôi! - Tôi phấn khởi nói với mọi người.
Vương Cửu trầm giọng nói:
- Mã Thành Công đã thành công nhân rồi, bảnh quá nhỉ! Chiêu đãi chú Vương của mày một chầu rượu nóng đi!
- Vẫn chưa nhận lương đâu, - Tôi nói.
- Coi kìa, cứ coi như là nhận lương ăn lương rồi mà.
Vương Cửu nói với giọng không mấy thân thiện.
Tôi biết, rất nhiều người trong thôn ghen ghét đố kỵ vì tôi được đến làm trong xưởng gia công nên tôi đành im lặng. Vương Cửu là một bần nông, chấp nhặt làm gì.
Phương Bích Ngọc chào hỏi người đàn bà đi theo xe. Thím họ Quốc Trung Lương cười nói:
- Bích Ngọc ăn cơm công nhân được hai ngày, da trắng hơn nhiều rồi đó!
- Trắng cái cục cứt! Có lột đi một lớp da, tôi vẫn cứ đen.
Phương Bích Ngọc chẳng mấy thiện cảm nói.
Bà thím lấy ra một chiếc túi căng phồng từ dưới chỗ ngồi, nói:
- Đây là chồng cháu nhờ thím đưa cho cháu.
Phương Bích Ngọc lặng người, mặt đỏ rần lên, bước đến nhận chiếc túi mà dáng vẻ tỏ ra khốn khổ vô cùng.
Tôi liếc nhìn chung quanh. Mọi ánh mắt đều đổ dồn lên mặt Phương Bích Ngọc, trong đó có ánh mắt của tổ trưởng bảo vệ Tôn Hòa Đấu, có ánh mắt của tổ trưởng nghiệp vụ Búa Sắt Tử, có ánh mắt của tay thanh niên kiệt xuất Lý Chí Cao... Với gã họ Lý này, sau một thời gian tiếp xúc, tôi thấy anh ta vừa hiểu biết vừa biết tán phét, tôi rất phục anh ta.
Có ai đó trong phòng làm việc bước ra giải tỏa tình thế khó xử này:
- Tụ tập ở đây làm gì? Chưa thấy bông bao giờ à? Rồi sẽ có lúc các người nhìn đến phát chán cho mà xem.
Tổ trưởng nghiệp vụ Búa Sắt Tử cất tiếng khàn khàn như vịt đực kêu:
- Đi! Đi! Đi! Đi làm! Muốn ăn trứng gà thì hãy đi tìm một thằng đàn ông.
Mọi người tản mác dần. Phương Bích Ngọc xách chiếc túi đi về ký túc xá, dáng điệu thẫn thờ. Búa Sắt Tử nhăn nhở trờ tới nói:
- Tiểu Phương! Cho tôi một quả trứng gà nào!
Chẳng suy nghĩ gì cả, Phương Bích Ngọc cầm chiếc túi đưa tới trước mặt lão ta, lạnh lùng nói:
- Đấy cứ cầm lấy hết mà ăn!
Búa Sắt Tử hơi lặng người, chưa kịp phản ứng gì thì Phương Bích Ngọc đã vất cái túi vào trong lòng lão. Lão ngập ngừng khó xử:
- Thế này là thế nào, không tiện...?
Những người đứng chung quanh cười rộ lên, ai đó buông lời chế nhạo sắc lạnh:
- Búa Sắt Tử à, đúng là quá hay, tự nhiên lại gặp phúc dày. Ăn đi. Đồ ăn ngon khó tiêu hóa, coi chừng nghẹn mà chết đấy.
- Tiểu Phương! Tôi không cần đâu, chẳng qua là buột miệng nói đùa thôi mà! - Búa Sắt Tử phân bua.
Phương Bích Ngọc đã đi đến bên cạnh đống rác, cầm lấy chiếc chổi quét đất bụi và cỏ vương vãi chung quanh. Tôn Hòa Đấu lò dò đến, nói:
- Búa Sắt Tử, cẩn thận một tí, người ta là gái có chồng...
Búa Sắt Tử châm chích lại:
- Đồ chó giữ cửa, đỏ mắt rồi à? - Nói xong, lão ta đột ngột hỏi tôi:
- Mã Thành Công, chồng của Phương Bích Ngọc làm gì vậy?
- Tham mưu trưởng sư đoàn quân giải phóng! - Tôi độc ác nói.
- Ôi trời, mẹ ơi! - Búa Sắt Tử kêu khổ, nói - Đồ quân dụng là loại vật tư hạng nhất, không được đụng vào! - Nói xong lão đưa chiếc túi cho tôi, nói - Mã Thành Công, cậu là người cùng thôn, mong cậu giúp tôi đưa chiếc túi này lại cho cô ấy.
- Tôi không quan tâm chuyện này!
- Tôi van cậu đấy, người anh em!
- Cho ông ăn thì ông cứ ăn đi!
- Không phải tôi không muốn ăn, nhưng tôi là lãnh đạo, là công nhân biên chế. Giai cấp lãnh đạo sao lại tùy tiện ăn thức ăn của công nhân ngắn hạn, ăn một miếng ảnh hưởng rất lớn tôi van cậu đấy.
Tôi nghĩ đến cái công việc cân đong sắp tới - một công việc do lão ta trực tiếp quản lý của mình, tôi không dám gây chuyện với lão ta nữa, bèn cầm lấy chiếc túi.
Tôn Hòa Đấu đang vui vẻ huýt một khúc sáo mồm ngoài cổng...
Ăn cơm tối xong thì mặt trời màu đỏ cũng đã lặn ở phía tây. Trên danh nghĩa là "tản bộ", nam nữ công nhân rủ nhau rời khỏi ký túc xá. Lần đầu tiên theo mọi người "tản bộ", trông thấy hai bên đường, nông dân vẫn đang cặm cụi làm việc, lòng tôi có chút gì bất nhẫn không yên, cảm thấy mình đang phạm một lỗi lầm nào đó. Nhưng rồi tản bộ mãi đến sau trung thu, ý nghĩ phạm lỗi ban dầu đã biến mất, lòng tôi yên ổn trở lại, có khi còn cảm thấy có một chút tự hào. Cuối cùng thì tôi đã hơn nhiều người một bậc, cho dù chỉ là tạm thời.
Có một lần Lý Chí Cao rủ tôi đi dạo khiến tôi cảm kích muôn phần. Chúng tôi trèo lên bờ đê phóng tầm mắt nhìn cánh đồng bông trắng xóa, nhìn những phụ nữ và trẻ con đang cắm cúi hái bông, nhìn xưởng gia công bông đang chìm trong ánh ráng chiều đỏ như lửa và những xóm làng mập mờ phía xa xa. Đi được một quãng, Lý Chí Cao móc túi lấy hộp thuốc lá, mở nắp lấy ra một điếu mời tôi. Những cử chỉ rất lịch thiệp của anh ta khiến tôi thêm cảm kích. Anh ta cũng đốt cho mình một điếu, rất thành thục nhả ra mấy vòng khói tròn tròn. Những động tác đơn giản ấy của anh ta cũng làm tôi bái phục, vừa muốn bắt chước nhưng cũng vừa có chút không vui. Anh ta đứng tựa lưng vào một cây liễu, lặng lẽ ngắm nhìn dòng nước trong vắt trước mặt, nói:
- Tiểu Mã, cậu có muốn nghe những điều tôi đã trải nghiệm và những ước mơ trong đầu tôi không?
- Có anh nói đi!
Anh ta lắc mạnh đầu rồi bằng một động tác rất điệu nghệ vuốt ngược mái tóc đen nhánh lòa xòa trước trán lên đỉnh đầu nói:
- Tôi vốn thông minh từ nhỏ, năm tuổi đã thuộc làu "Đường thi tam bách thủ". Khi học tiểu học, tôi đã từng dự thi học sinh giỏi văn tiểu học toàn tỉnh và đoạt giải nhất. Tôi biết kéo đàn nhị, biết thổi sáo, chơi phong cầm, hiểu nhạc lý, hát hay. Tôi đã từng công tác trong đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông huyện. Ôi, đó là thời kỳ lãng mạn vô cùng, đầy ắp khí thế và rất nhiều ảo tưởng...
Ráng chiều chiếu trên mặt làm đôi mắt anh ta nhấp nháy như hai vì sao. Tôi cảm thấy mình đã bị anh ta làm cho kích động, lửa đang cháy hừng hực trong lòng, tôi muốn dang đôi cánh bay lên không trung. Nhưng giọng kể của anh ta đã thay đổi, trầm lắng hơn và cũng nghiêm túc hơn:
- Nhưng, tôi mang trong mình một bụng tài hoa mà chẳng có cơ hội nào để thể hiện. Tôi là một kẻ hoài tài bất ngộ. "Từ xưa đến nay thánh hiền đều bị quên lãng, Chỉ có kẻ uống rượu được lưu danh". Chờ đến khi nhận được lương, anh em ta sẽ đến quán rượu uống một trận ra trò, mượn giọt rượu trong cốc tưới lên những uất ức trong lòng. Người xưa gọi đó là "Rút dao chém nước, nước vẫn chảy. Nâng chén tiêu sầu. sầu càng sầu".
Anh ta dừng trong giây lát, đốt thuốc lá. Trăng đã lên, ánh sáng chiếu rọi vũ trụ, dòng sông như được giát bạc. Tôi nhìn gương mặt vừa được ráng chiều chiếu rọi rực rỡ nhưng lúc này, rất nhanh chóng chìm trong mông lung trước mặt, cảm thấy toàn thân mình lạnh cóng, răng đánh vào nhau lập cập. Tôi biết chuyện này xảy ra không phải nguyên nhân từ thời tiết. Nói thực lòng, những lời của anh ta vừa nói tôi không hiểu cặn kẽ lắm nhưng cũng đủ làm cho tim tôi đập một cách thất thường. Đột nhiên anh ta cao giọng:
- Cậu em à, cứ chờ đấy mà xem. Lý Chí Cao tôi đây là rồng phượng trong thế giới loài người, chẳng phải hạng phàm phu tục tử. "Trời sinh thân ta ắt có chỗ dùng". Cái xưởng gia công bé tẹo này làm sao dung nổi thân tôi. Tôi là kẻ "gắng vào hang cọp tạm gởi thân", rồi sẽ có một ngày "nói lời anh hùng kinh tiểu nhân". Búa Sắt Tử, Tôn Hòa Đấu là cái thá gì, là một lũ cặn bã của xã hội, chẳng qua là dựa vào vận may, hoặc là có cửa sau, chỉ cần trở thành công nhân biên chế là thần khí đã dương dương, chỉ tay năm ngón, nghiễm nhiên đứng trên đầu mọi người. Cứt chó! Tôi đây nhìn bọn chúng chẳng ra gì. Còn nữa, nào là Mạch Điện, Tôn Hồng Hoa, Triệu Nhất Bình là một bọn cáo mượn oai hùm, chỉ dựa vào chức tước của cha anh. Tôi chẳng bao giờ so đo với bọn này, loại đàn bà như vậy đưa đến tận tay, tôi cũng chẳng thèm.
- Anh Lý, anh thật vĩ đại! - Tôi nói.
- Chẳng dám nói là vĩ đại, nhưng nhất định không thể là nhỏ bé! - Anh ta nói rất tự tin.
- Anh vĩ đại vô cùng. Nếu có ngày nào đó anh đạt đến vinh quang, chớ quên thằng em này.
- "Mai này phú quý, xin đừng quên nhau" - Anh ta nói rất kiên định - Nhưng từ nay về sau, cậu phải nghe theo sự điều khiển của đại ca này.
- Yên tâm đi, đại ca. Từ nay về sau, anh muốn em đi về đông, em chẳng dám đi về tây, anh muốn em đánh chó, em quyết chẳng đụng đến gà!
- Tốt lắm, tiểu đệ! - Anh ta vỗ vai tôi nói. - Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy!
- Tứ mã nan truy!
- Tôi hỏi cậu, - anh ta hạ giọng. - Phương Bích Ngọc đã có chồng thật à?
- Anh Lý, anh hỏi cô ta để làm gì? - Tôi lo lắng hỏi.
- Hỏi để mà hỏi thế thôi.
- Đúng là đã có chồng. Trước khi đến xưởng gia công, cô ấy đã đính hôn.
- Vừa mới đính hôn à?
- Đúng thế!
- Chồng cô ấy có thật là tham mưu trưởng sư đoàn không?
- Cứt chó! Đấy là em dọa thằng cha Búa Sắt Tử thôi, - tôi cảm thấy khó chịu nói. - Chồng cô ta là con trai của bí thư chi bộ thôn, bị tật ở mắt.
- Quá tốt!
- Tốt cái gì kia chứ, anh Lý! - Tôi nói - Phương Bích Ngọc bị gả cho thằng cha này chẳng khác nào hoa nhài cắm bãi cứt trâu thôi.
- Thế cậu kể tất cả những chuyện có liên quan đến Phương Bích Ngọc cho tôi nghe đi.
- Anh muốn biết để làm gì?
- Cậu đừng quan tâm, cứ kể cho tôi nghe!
Tôi bắt đầu kể về Phương Bích Ngọc. Không hiểu vì sao, trong khi kể tôi lại cực kỳ tán dương khả năng về võ nghệ của cô ta, nhiều khi có phần cường điệu. Có lẽ nào tôi vẫn hy vọng một cách mơ hồ rằng sẽ có một ngày, Phương Bích Ngọc sẽ đánh ai đó một trận ra trò?
Chúng tôi vừa trò chuyện vừa quay về ký túc xá. Gió đêm mát rượi, ánh trăng như gương, nước sông rì rào, tiếng côn trùng rỉ rả. Chúng tôi đang đi trong thơ ca nhạc họa. Những cảm giác lãng mạn về cuộc sống lâu nay đã bị sự gian khổ và những lo toan đời thường đè nén đã được phục hồi trong đêm trăng ấy. Tôi cảm thấy mình có phần nào đó giống với Lý Chí Cao, cũng sinh không gặp thời, cũng hoài tài bất ngộ... Rồi sẽ có một lúc nào đó tôi sẽ như Lý Chí Cao, nương theo gió mà vượt lên hàng trăm nghìn con sóng dữ, làm nên những kỳ tích kinh thiên động địa với đời...
Nhưng rồi những cô gái xuất thân từ những gia đình quan chức như Mạch Điện, Tôn Hồng Hoa, Triệu Nhất Bình đang kéo nhau tản bộ trên đường đã làm tan vỡ những tưởng tượng của tôi. Họ đi thành hàng ngang trên mặt đê, trông như nhưng nữ tặc ngày xưa đòi người đi đường phải nộp tiền mãi lộ.
- Lý Chí Cao, anh đi dạo với ai thế?
- Ăn tối xong là chúng em đi tìm anh ngay.
- Tại sao anh không đi dạo với bọn em?
- Thằng bé thò lò mũi xanh này là ai thế?
- Mã Thành Công, cùng đến đây với Phương Bích Ngọc đấy!
- Phương Bích Ngọc? Ha ha ha! Phải đứa đã tặng cho Búa Sắt Tử một túi trứng gà không?
- Nếu mà chồng nó biết thì thế nào nhỉ... Hi hi hi...
- Lý Chí Cao, anh chưa thể về được, anh còn phải dẫn bọn em đi dạo.
- Được rồi, các vị tiểu muội - Anh ta đưa đẩy nịnh nọt - Tôi sẽ phục vụ các cô. Mã Thành Công, cậu tự về trước đi!
Trong vòng vây của các cô gái, anh ta quay trở lại, còn tôi một mình đi thẳng về phía trước, đi được hai bước, tôi quay người nhìn theo những chiếc bóng dần dần mờ trong trăng, lắng nghe tiếng cười nói của họ, đột nhiên tôi cảm thấy một nỗi sỉ nhục dâng lên.
- Đồ gái thối, chờ đó mà xem! - Tôi đá mạnh vào gốc liễu mũi chiếc giày nhựa vỡ toác. Ôi chao, đôi giày của tôi phải mất một tháng trời đi hái lá bạc hà mới đổi được! Tôi xách chiếc giày lên và mơ hồ nhận ra được rằng, cuộc sống lãng mạn cần phải phung phí rất nhiều tiền và nhiều sức lực!
Trở về xưởng gia công, tôi trèo lên "lâu đài" ở giữa không trung của mình, nghe bẽn kia vách có tiếng động. Tôi vỗ mạnh vào tường, nói nhỏ:
- Phương Bích Ngọc, túi xách và trứng gà của chị đang ở chỗ tôi.
Tôi nghe Phương Bích Ngọc thở dài, nói:
- Cậu ăn đi!