Edited by Gracie from @mini_gracie on Wattpad
Trấn Lũng Thủy vừa vào đầu xuân, mưa lất phất không ngừng.
Chập tối, khói bếp từ những ngôi nhà trong trấn bị bao phủ trong làn mưa bụi.
Trên bếp Phương gia đang hầm một nồi canh đặc, hơi nóng bốc lên nghi ngút, củi cháy vang tí tách. Đôi tay mẹ Phương bận rộn, cá đù vàng phải ăn lúc còn tươi, nàng ấy ngắt đầu bỏ đuôi, vặn trái vặn phải rút xương cá ra, ném cho con mèo đang chờ ở bênh cạnh.
Nàng ấy cầm phần thân cá còn lại, lăn qua bột cho đến khi bột áo đều, dầu trong chảo sắt nóng đến mức sủi bọt, cá đù vàng vừa chạm vào dầu, phát ra tiếng xèo xèo, lớp bột phồng lên, chiên đến khi ngoài vàng trong mềm thì vớt ra.
Bày từng con cá đù vàng béo tròn vào chiếc đĩa sứ trắng, sau khi gắp xong đũa cuối cùng, mưa bên ngoài bắt đầu nặng hạt, rơi xuống mái hiên, chảy vào trong sông Minh Nguyệt.
Mẹ Phương vội vàng dùng khăn lau tay, mở cửa sổ ra nhìn, sau đó đi ra khỏi phòng bếp và gọi: "A Hạ".
"Dạ."
Ngay lập tức, có một cái đầu thò vào cửa, khuôn mặt tròn tròn, mắt hạnh, chân mày hình trăng non, mặt mày nồng đượm ý cười, tóc búi thành trái đào, nom cực kỳ xinh xắn.
A Hạ bám lấy khung cửa nhìn vào trong, ngửi được một cổ hương thơm, vội bước qua ngạch cửa, vui vẻ nói: "A nương, cá đù vàng chiên bột ăn ngon không ạ?"
"Ta thật là sinh ra một con mèo ham ăn mà, tới đây, há miệng ra."
Mẹ Phương ngoài miệng làm như ghét bỏ, nhưng lại dùng đũa gắp con cá đù vàng chiên bột to nhất, đút vào miệng A Hạ.
Cá đù vàng mới chiên xong, thơm đến không chịu nổi, lớp bột giòn tan vừa chạm đến miệng liền rơi xuống, A Hạ vội dùng tay đỡ lấy, một tay cầm đuôi cá, miệng vẫn không quên nhai nuốt, lớp bột bên ngoài giòn, bên trong mềm, ăn đến phần thịt cá không xương, mềm ngon đến mức ăn xong lại muốn nhấm nháp thêm vài lần.
Thấy nàng ăn ngon lành, mẹ Phương lại cho nàng thêm miếng nữa, rồi từ cổ tay áo rút ra túi tiền, lấy chừng hai mươi văn tiền đồng, dặn dò: "Bên ngoài đang mưa, ca của con sáng nay ra cửa vội, không mang theo ô, con đi đưa một phen nhé, tránh cho hắn dính mưa về lại bị cảm lạnh."
A Hạ nhét đầy cả miệng, hai má phồng ra, gật đầu liên tục.
Mẹ Phương thấy nàng vẫn còn tính trẻ con, lại nói: "Đi dưới lang kiều, đừng để mưa bắn bùn lên người. Khi về, lấy tiền đồng ghé nhà Trần bà bà mua một bình giấm gạo, dư lại cho con mua chút đồ ăn vặt." (lang kiều: cầu có mái che)
Nói xong, nàng ấy xoay người lấy ra một cái bình sứ cổ cao, bỏ vào trong giỏ tre nhỏ rồi đưa cho A Hạ. A Hạ biết, tiền mua đồ ăn vặt này là tiền chạy chân sai vặt mà mẹ cho, thầm lẩm bẩm: "Năm nay con đã mười lăm tuổi rồi, cứ coi con như là trẻ con ý."
Mẹ Phương cười nàng, không thèm để tâm, bảo nàng mau ra ngoài đi.
A Hạ xách theo giỏ tre, từ hành lang đi đến thính đường, bên cạnh cửa có chỗ treo ô, một hàng ô giấy dầu được xếp chỉnh tề, rũ xuống vài sợi tua. Chiếc màu vàng hoa dành dành là của nàng, lại cầm thêm một chiếc ô có tua màu xanh ngọc.
Căng ô đi ra cửa, vừa đến giếng trời, hạt mưa rơi xuống lộp độp, làm mấy vũng nước nhỏ bắn lên tung tóe. A Hạ rất thích chơi đạp nước, nhưng hiện tại còn chưa tới ngày hè, cũng không đi guốc gỗ, nàng chỉ có thể thở dài tiếc nuối.
Từ Phương gia đến thư viện Lâm Thủy, A Hạ phải đi ngang qua bốn, năm cây cầu có mái che, rồi mới giẫm nước bước đến cửa thư viện. Sắc trời đã tối dần, ở cửa vẫn còn không ít học sinh đang đợi cha mẹ trong nhà đưa ô tới.
Phương Giác đang gói kỹ sách lại, chuẩn bị đội mưa đi về nhà, thì nhìn thấy A Hạ ở xa xa đang cầm ô đi đến, chờ nàng tới gần mới thấy quần áo phía dưới của nàng đã bị ướt một ít, liền nói: "Sao lại để muội đến đón, đợi lát nữa mưa sẽ tạnh thôi."
"Mưa này biết bao giờ mới tạnh, đến lúc đó đại ca lại bị mưa xối ướt cả người, a nương lại lải nhải nửa ngày, muội không có kiên nhẫn nghe đâu."
A Hạ đứng dưới bậc thang đem ô đưa cho hắn, lắc lắc chiếc giỏ tre nhỏ, ngửa đầu thúc giục: "A nương còn bảo muội mua giấm, đại ca huynh đi nhanh chút, lát nữa là nhà Trần bà bà đóng cửa rồi."
"Không vội." Phương Giác ôm sách từ trên bậc thang đi xuống.
"Chào tiên sinh."
Bên cạnh có học sinh hành lễ vấn an với hắn, hắn đáp lễ từng người một, sau đó đi đến bên cạnh A Hạ. Vẻ mặt ung dung đều là ý cười.
"Hôm nay học viện phát lương, buổi sáng đi ngang qua cửa hàng Lý thúc, thúc ấy hôm nay mở cửa làm thịt hầm rượu, ta nhờ thúc ấy để lại một khối, mang về thêm món."
"Ái chà, còn chưa tới thanh minh mà đã có thịt hầm rượu ăn rồi." Giọng điệu A Hạ tràn ngập vui vẻ, lại nói tiếp: "Thái công hôm nay có đồ nhắm, a nương nhất định sẽ cho ông một chén rượu ấm."
Phương Giác cười khẽ, vỗ nhẹ lên đầu nàng, "Còn phải là rượu mật, cũng tiện cho muội dùng đũa chấm một chút nếm thử."
Nàng thích rượu, lại không chạm vào được, chỉ cần uống một chén nhỏ thôi liền say đến choáng váng.
A Hạ bị chọc trúng tâm tư cũng không giận, giơ ô cao lên để nhìn sắc trời, lúc nãy vẫn còn có chút ánh sáng, nhưng giờ đã bị mây đen bao phủ toàn bộ, trời tối đen như mực. Trên đường gió lạnh thổi cuồn cuộn, lạnh đến thấu xương.
Người qua lại trên phố bước càng lúc càng nhanh, bắn lên từng đoàn bọt nước, dưới mái hiên nhà và cửa hàng, đèn nhật nguyệt, đèn da dê, đèn hạt châu lần lượt được thắp lên, ánh nến sáng đến lóa mắt.
Đến trước cửa hàng Lý gia, từ xa đã ngửi thấy mùi rượu trộn lẫn với mùi nước sốt sền sệt, thơm đến mức làm người ta muốn ngã. Trong cửa hàng đặt mấy cái lò gạch cao, trên đó đặt nồi đất, đang sôi ùng ục, phía dưới than cháy đỏ bừng, khói trắng bốc lên mù mịt.
Lý thúc là một lão nhân râu bạc mập mạp, mỗi ngày đều vui tươi hớn hở, thấy hai anh em đến, vội vẫy tay, "A Giác, A Hạ, mau tới nếm thử một miếng. Phần các ngươi mang về, giờ ta sẽ gói lại ngay."
Ông lấy từ dưới tủ ra một đĩa thịt hầm rượu đã được cắt thành từng khối hình vuông, còn đang tỏa hơi nóng, nước sốt sền sệt từ trên miếng thịt chảy xuống, da thịt có màu đỏ như son, xen lẫn một ít mỡ trắng hơi trong, dưới cùng là một lớp thịt nạc.
"Cháu thèm thịt hầm rượu của Lý thúc lắm luôn, a cha cháu không làm được ngon như thúc."
Miệng A Hạ cực kỳ ngọt.
"Làm thịt kho rượu này cần phải có men đỏ thật ngon, bản thân ta cũng phải bỏ rất nhiều công sức, có nhiều kiến thức trong này lắm đấy."
Thịt phải là thịt ba chỉ nạc mỡ thích hợp, dùng phần thịt khác hương vị sẽ không ngon bằng, và không thể để lại chút xương vụn nào. Sau khi chần qua thịt, cho thịt vào nồi nấu đến khi sôi thì vớt hết bọt ra, rồi lại hầm nửa ngày với lửa nhỏ, nấu đến khi gia vị, men đỏ, đường phèn ngấm đều vào trong thịt. Lúc mở nắp, thấy màu sắc đỏ tươi, da thịt mềm dẻo mới được coi là ngon.
Lý thúc vừa cười vừa nhấc nắp nồi đất lên, từ bên trong lấy ra từng miếng thịt nhỏ vuông vức đã được hầm chín, xếp vào trong bát Khổng Minh, lại cầm siêu nước sôi rót vào trong lỗ nhỏ trên bát, sau đó bịt lỗ lại.
Như vậy về đến nhà thịt vẫn còn nóng hổi, ông đặt bát Khổng Minh vào hộp đựng thức ăn.
Hai mắt A Hạ nhìn động tác của ông, tay cũng không khách khí, cầm đũa xiên một khối thịt, không cần dùng lực, chỉ nghe một tiếng "xực", đũa đã đứng thẳng trên miếng thịt. Da thịt mềm nhũn, không cần cắn, chỉ cần nhấp nhẹ là tan ngay trong miệng, không cảm nhận được mùi rượu, nhưng hương rượu cùng vị ngọt lại đọng lại nơi đầu lưỡi.
Nàng thích ăn phần da, không hề ngấy mỡ chút nào, thịt nạc phía dưới tuy kém hơn xíu, nhưng hầm mềm ăn cũng rất ngon. Nhưng để mà nói thì, nước thịt hầm rượu vẫn là tuyệt vời nhất. Chan lên bát cơm đã ăn được nửa rồi trộn đều, vừa không nhạt nhẽo lại không ngọt gắt, làm người ta có thể ăn một hơi hết cả bát cơm.
Trong miệng mới vừa nuốt xuống, đã nghe thấy Lý thúc thúc giục bọn họ.
"Nhanh cầm hộp rồi về nhà đi, trời tối sẽ không dễ đi lại. Bát thì ngày mai A Giác qua đây trả ta là được."
Phương Giác gật đầu, lấy tiền đồng ra đặt lên bàn, "Rửa xong sẽ mang qua cho Lý thúc, trong nhà đang đợi thịt để nhắm rượu, Lý thúc, cháu cùng A Hạ đi trước."
"Được, lão Phương đầu có lộc ăn rồi."
Sau khi tạm biệt ông, A Hạ đi về phía trước vài bước lại quay đầu nhìn lại. Chiếc đèn lồng Tô trước cửa hàng nhỏ đung đưa trong gió, dưới ánh sáng ấy là những học sinh đang đi lại cùng đùa giỡn, Lý thúc như thường lệ mà gọi bọn họ đến nếm thử thịt hầm rượu của mình rồi hãy về nhà, sau khi ăn xong, trên đường đi về, trong miệng bọn họ đều là vị ngọt.
Đôi mắt nàng tràn ngập ý cười, cúi đầu nhìn giỏ tre nhỏ của mình, lập tức hồi thần lại, suýt nữa đã quên mất nàng còn chưa mua giấm. Vội vội vàng vàng đến cửa hàng Trần bà bà mua một bình giấm gạo thơm và nguyên chất, lúc rời đi còn được nhét cho hai khối bánh đường.
Phương Giác không ăn mấy đồ ăn vặt này, gói lại bỏ vào trong giỏ tre nhỏ của nàng, giọng điệu trêu ghẹo, "Đi ra ngoài cùng muội, đến chỗ nào cũng đều có ăn."
A Hạ sinh ra đã trắng trẻo đáng yêu, miệng lại ngọt, Phương mẫu còn thích trang điểm cho nàng, đi nơi nào cũng mang theo cùng. Thật sự khiến cho mấy người thúc thẩm bà tử đó thích đến không chịu nổi, biết nàng hay thèm ăn, nên nhà có làm gì ngon đều thích nhét cho nàng một miếng.
Bất quá khi các nàng đến mua đồ ở quán mẹ Phương, mẹ Phương cũng sẽ bớt ít tiền, hoặc thêm ít đồ cho họ.
A Hạ hào phóng gật đầu, đây vốn chính là sự thật. Hai anh em đi dưới lang kiều về nhà, vừa đi vừa đùa giỡn. Về đến nhà, mưa đã dần nhỏ lại, trời cũng tối đến mức không thể nhìn thấy năm ngón tay.
Quả nhiên, bọn họ bị mẹ Phương quở trách cho một trận. Nàng ấy lấy bát canh gừng đã nguội phân nửa từ trên bếp xuống, bắt hai người uống vào bụng. Canh gừng không cho nhiều đường lắm, cay đến nỗi A Hạ chỉ uống được một nửa, phần còn lại đều là Phương Giác uống.
Mẹ Phương bảo hai người bọn họ đi rửa tay, còn chính mình thì đem đồ ăn đã được hâm nóng lên, một đĩa cá đù vàng chiên bột, một chén giấm gạo nhỏ, một tô canh cá trắng đục được rắc hành lá lên trên, một đĩa đậu phụ chiên vàng giòn, và một bát thịt hầm rượu đang bốc hơi nghi ngút.
Trong phòng ăn có đặt một cái lò sưởi với lửa than đang cháy, trên bàn tròn là một chiếc đèn sứ đế cao, ngọn đèn dầu mờ ảo, ấm áp hòa hợp, ngoài trời tiếng mưa rơi tí tách tí tách.
Mẹ Phương lấy ra bát làm ấm rượu, đổ rượu vàng trong veo, hơi chua vào trong bình sứ men xanh đặt trong bát, sau đó A Hạ cầm ấm nước sôi, rót nước nóng vào bát, đợi bình rượu nóng lên, rượu vàng bên trong cũng ấm dần, uống vào bụng dễ chịu.
(Hình dáng bình rượu và bát làm ấm rượu)
Tiếng cưa gỗ từ phòng làm mộc bên cạnh dần dần im bặt, ông nội vừa bước vào đã ngửi thấy mùi rượu, vỗ tay cười to: "Tối nay còn có rượu để uống, ai mua thịt nhà lão Lý đấy, nhắm chung với rượu là tuyệt nhất."
Bà nội theo sau đi tới, nghe thế thì trừng mắt nhìn ông cụ một cái, "Rượu vàng này uống ít thôi, A Hạ cũng đừng đụng vào, mai lại không dậy nổi."
A Hạ chậm rì rì thu lại chiếc đũa đã vươn ra, Phương Giác ở bên cạnh cười nàng, múc cho nàng một bát canh cá.
Nàng uống một muỗng, ngon đến muốn rớt lông mày, áp môi vào mép bát uống một ngụm lớn, sau khi bụng đã thỏa mãn mới hỏi: "Khi nào a cha trở về ạ?"
Cha nàng làm phụ bếp, trù nghệ tốt lại có danh tiếng, bốn dặm tám hương đều mời hắn đi, một lần đi là mấy ngày đều không về nhà.
Mẹ Phương gắp đũa thịt, nói với nàng: "Còn một, hai ngày nữa."
Phương gia không có quy tắc cấm nói chuyện khi ăn, ông nội nhấp một ngụm rượu nhỏ, ăn một đũa thịt hầm rượu, rồi gác đũa ở một bên nói: "A Hạ, sáng mai ông và nương con đến ngoặt sông mở quán, ở đó có hội chợ, còn mời cả sân khấu kịch, có đi xem náo nhiệt hay không?"
"Cha, người đã hỏi thế, con bé này còn có thể không đi sao. Sớm mai gà gáy là phải dậy, lúc ấy đừng có mà mè nheo với ta, mau ăn rồi đi ngủ đi."
A Hạ nghe thấy lời của mẹ Phương, ngoan ngoãn "dạ" một tiếng, lúc ăn cơm còn vì vui vẻ mà đung đưa chân, ngày mai nàng nhất định phải dậy sớm nhất.