*Trứu sa(绉纱): lụa nhiễu, lụa kếp (lụa crepe).
Editor: Gracie
Sau khi trở về từ chợ quê, buổi tối ăn cơm xong trời lại bắt đầu đổ mưa nhỏ.
Lò sưởi của Phương gia cháy đến nóng rực, Phương Giác còn gắp thêm một cục than bỏ vào, căn nhà được hun đến ấm áp, Bánh Gạo ghé vào bên chân hắn, lắc lắc cái đuôi hoa văn loang lổ.
Mẹ Phương nhóm bếp lò, vừa ném than vào trong, vừa quay đầu lại kể cho mọi người nghe chuyện sáng nay, sinh động như thật.
Bà nội nghe vậy liền buông cây kéo trong tay xuống, ôm lấy A Hạ ngồi lên sập gụ, bà hỏi: "Hôm nay chơi có vui không?"
A Hạ dựa vào người bà nội, hai bên khóe miệng hiện ra hai cái má lúm đồng tiền, "Vui ạ!"
Nàng rời khỏi sập gụ, chạy tót tới giá treo lấy một cái túi vải, Phương Giác dọn cho nàng một cái án nhỏ. A Hạ ngồi xổm xuống mở túi, móc ra một nắm đường, khoe khoang: "Hôm nay con đi xem hội mạ non, những đồng tử đó để lại đường. Mấy đứa trẻ đổi hết cho con, nương nói ăn xong có thể tiêu tai đó ạ."
Bà nội giả vờ kinh ngạc, "Thật là đáng để đổi."
Ông nội cầm chén trà trong tay, nhìn bọn họ diễn trò, lông mày hoa râm khẽ nhướng lên.
Trong túi còn có vài hạt châu, những hòn đá nhỏ hình thù kỳ quái hay sợi dây tơ hồng,...
Phương Giác chạm đầu lưỡi vào viên đường, ánh mắt đảo qua đống đồ chơi nhỏ, "Hay là làm thêm một lò nữa?"
Trong lớp của hắn có một học sinh nhà mở lò gốm, những thứ A Hạ làm trước đây đều là tiêu tiền nhờ người ta nung hộ.
A Hạ lắc đầu, chơi đủ đất sét rồi, dù sao cũng phải tìm cái gì khác vui hơn mới được.
"Hai người cứ chiều chuộng nàng đi," mẹ Phương từ bên ngoài bưng một chiếc bình sứ trắng hoa văn đen tiến vào, còn không quên nói xen một câu.
A Hạ chỉ vờ như không nghe thấy, đứng dậy vuốt phẳng làn váy, cười hì hì nói: "Là rượu nếp ngọt!"
Nhà nhà ở trấn Lũng Thủy đều biết làm rượu nếp ngọt, chẳng qua hương vị ngon dở khác nhau. Mẹ Phương làm cái này rất giỏi, nàng ấy lấy gạo nếp mới giã, chưng đến độ không mềm không cứng là đạt, quá mềm hay quá cứng đều sẽ không ngon.
Còn phải dùng nước lạnh xối lên cơm nếp đến khi thấy âm ấm, thì mang ra để ráo. Lúc này mới rắc men lên và trộn đều, sau đó ép cơm lại thật chặt. Trong tiết trời lạnh giá, bình rượu nếp ngọt này phải mất bốn ngày mới thành, ăn thập phần ngon miệng.
Chỉ mùi hương thôi cũng đã thơm đến nao lòng.
Ông nội vội buông chén trà xuống, ông không thích uống trà nóng, "Tiểu Cần, múc trước cho ta một chén."
Tiểu Cần là tên mẹ Phương, đại danh của nàng ấy là Thủy Cần, khi còn trẻ nàng ấy rất xinh đẹp, đến tuổi này thì đã trở nên đẫy đà hơn.
"Sớm đã chuẩn bị cho cha."
Mẹ Phương lấy ra một cái tách trà men trắng có nắp, múc một muỗng rượu ngọt, màu vàng trong veo, A Hạ bưng qua bằng hai tay, đưa cho ông nội, nghe ông ực một tiếng, liền biết vị rất ngon.
Nước trên lò gốm sôi sùng sục, hơi nóng từ phía dưới nắp bốc lên, khi mở nắp ra, trào lên cuồn cuộn. Lúc này đã có thể cho những viên bánh trôi đã được vo sẵn vào, một đám trắng trắng, nhỏ nhỏ ngụp lặn trong nước sôi. Mẹ Phương đập hai quả trứng gà, là trứng mà A Hạ đổi được, đánh tan ra.
Bánh trôi chín rất nhanh, rắc vào một nắm đường trắng, hai ba muỗng rượu nếp ngọt, lúc nấu sôi lên, mùi thơm càng thêm nồng nàn, ngay cả Bánh Gạo cũng không nhịn được mà lại gần, "meo" một tiếng muốn xin ăn.
Mẹ Phương đổ thêm một chén nhỏ bột năng pha loãng vào, nước dùng trở nên vừa đặc vừa trắng, rồi cho tiếp phần trứng đã được đánh tan và dùng muỗng gỗ khuấy đều, sau đó múc ra chén sứ, món bánh trôi rượu nếp được coi như là đã nấu xong.
Nhưng đối với A Hạ mà nói thì vẫn chưa đủ, nàng lấy ra một lọ đường hoa quế, bỏ một ít vào chén, khuấy đều cho hòa quyện, lúc này mới gọi là bánh trôi rượu nếp chứ.
Nàng trước tiên bưng cho ông bà nội, sau đó là mẹ, rồi đến anh trai, cuối cùng tự mình kéo một cái ghế hình bán nguyệt, ngồi bên cửa sổ ăn.
Ngày hè ăn rượu nếp để giải nhiệt, còn vào đầu xuân thì phải ăn khi còn nóng. Múc một muỗng bánh trôi thêm chút rượu nếp, A Hạ vừa thổi vừa đưa lên miệng, rượu nếp được ủ tốt đặc biệt ngọt ngào, ngọt đến mức khi cắn viên bánh trôi nhỏ, ngoài độ dẻo ra thì chính là vị ngọt đậm đà, đường hoa quế làm tăng thêm hương, và trứng gà tạo nên sự sánh mịn.
Một bát bánh trôi rượu nếp xuống bụng, mặc kệ bên ngoài là tiếng mưa rơi rả rích hay là sương mù giăng kín nơi xa, thì khí lạnh cũng không thể nào len lỏi vào người được.
Ban đêm khi đi ngủ, nàng mặc vào áo ngủ dày dặn, thoải mái, nép mình trong đệm chăn mềm mại, gác đầu trên một chiếc gối mỏng. Tiếng mưa vẫn rơi mãi không ngừng, lư hương ở đầu giường được đốt lên, hương quế thoang thoảng, thật khiến A Hạ mơ một giấc mơ đẹp.
Đến sáng sớm, mưa càng to hơn, nặng nề rơi xuống mái hiên, sắc trời xám xịt. Chút ánh sáng le lói xuyên qua cửa sổ, trong phòng tối om, nhưng mà A Hạ lại thích những ngày như vậy, không cần phải rời giường.
A Hạ thắp ngọn nến nhỏ lên, lấy ra một quyển thoại bản, đặt hai chiếc gối lót sau lưng cho thoải mái, rồi đắp chăn cẩn thận, bên trong còn đặt bình nước nóng, hơi nóng tỏa ra bốn phía. Nàng rúc ở trên giường lật xem từng trang một, nếu lúc này mà bầu trời sáng lên, ngược lại sẽ không có ý cảnh như vậy nữa.
Xem đến mệt mỏi, A Hạ liền nằm nghiêng lắng nghe tiếng mưa, "lộp độp" là tiếng mưa rơi trên mái ngói, "ào ào" là tiếng nước chảy xuống sông Minh Nguyệt bên ngoài cửa sổ.
A Hạ lại mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi, thời tiết hôm nay rất thích hợp để ngủ, không biết qua bao lâu, bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa nhẹ nhàng.
Theo sau đó là tiếng la của mẹ Phương, "A Hạ, đã dậy chưa? Hiểu Xuân tới."
A Hạ nỉ non, "Nương, đã biết ạ, con mặc quần áo rồi ra ngay."
Nàng vẫn chưa tỉnh táo lắm, đỡ mép giường lê giày đi tìm quần áo, vào ngày mưa nàng thích mặc màu xanh, áo ngắn xanh nhạt, váy lụa xanh thêu hoa, tóc buộc tùy ý rũ sau đầu, nàng lau mặt rồi mới đi ra ngoài.
Phòng của A Hạ là tiểu gian cuối cùng ở hướng nam trên lầu hai, nàng đi vòng qua góc tường, dựa vào lan can cầu thang, gọi xuống: "Hiểu Xuân, ngươi lên đi."
Phía dưới có động tĩnh, một người bước lên cầu thang xoắn ốc, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt không quá to, trông rất thanh tú.
Hiểu Xuân thấy nàng liền nhoẻn miệng cười, "Ngày mưa mà còn tới tìm ngươi, ngươi không trách ta quấy nhiễu sự thanh tịnh của ngươi chứ?"
"Ai u, đừng có oan uổng ta," A Hạ đi tới dắt tay nàng ấy, vỗ Hiểu Xuân một cái, "Ta còn ngóng trông ngươi ngày nào cũng lại đây ấy chứ, đi, đến phòng ta nói chuyện, ngoài này lạnh lắm."
Hai người nắm tay nhau đi vào phòng A Hạ, Hiểu Xuân nói quần áo bị bùn bắn lên nên không chịu ngồi giường, mà ngồi trên cái ghế bành chạm khắc vân mây bên cửa sổ, A Hạ bèn đưa cho nàng ấy cái đệm.
"Hôm nay trời mưa to như vậy, làm khó ngươi còn đi qua đây."
A Hạ gạt cửa sổ, đẩy nó ra bên ngoài, mái hiên kéo dài, không cần lo mưa bay vào. Nàng vừa cúi đầu nhìn sông Minh Nguyệt nước chảy cuồn cuộn, vừa nói.
"Ở nhà rảnh rỗi quá không có gì làm, nên đi qua nhìn một cái, nào biết ngươi còn đang ngủ đâu. Sớm biết như vậy, ta liền đến trễ một chút, để không quấy rầy giấc ngủ ngon của ngươi."
Hiểu Xuân hơi ảo não, A Hạ che miệng cười nàng ấy, "Ta là ngủ nướng, nếu ngươi không tới tìm ta, ta còn phải đến trời tối mới thức dậy đó. Không nói cái này nữa, chỉ ngồi đây nói chuyện phiếm thôi thì không thú vị, chúng ta đến quán trà gọi chút trà đi."
Phòng nàng nối liền với quán trà, chỉ cần mở ra một cánh cửa nhỏ là tới. Quán trà cũng không lớn lắm, trên mấy cái tủ đặt đầy bánh trà cùng trà cụ. Ở giữa là một cái bàn trà gỗ sơn đen và vài cái ghế tựa lưng cong.
A Hạ nhón chân lên lấy bánh trà đã được gói sẵn, còn Hiểu Xuân thì cầm nến đi châm than trong phong lô, trên đó đặt một cái ấm, bên trong là nước suối lấy từ trên núi Mẫn Sơn. (phong lô: lò có gió, là trà cụ).
Hai người pha trà có chút đùa giỡn, không làm được như người hầu trà trong quán trà. A Hạ chỉ dùng cối giã bánh trà thành bột, rây kỹ rồi cho vào chén trà, đợi nước sôi.
Hiểu Xuân canh nước sôi rất lợi hại, nàng ấy có thể nghe được nước đang sôi đến thời điểm nào, phải qua ba lần sôi mới có thể cho bột trà vào. Nước vừa sôi như tiếng ve kêu trong đêm hè, lần sôi thứ hai như tiếng xe ngựa đi qua, đến lần sôi thứ ba lại dần dần lắng xuống, tựa như đặt mình giữa những tán thông nghe tiếng suối chảy róc rách trên đá.
A Hạ không hiểu nhiều về những thứ ấy. Khi nàng uống trà, nước vừa sôi thì liền rót vào, đôi lúc thấy đắng, nàng còn nghĩ là do bánh trà bị hỏng.
Chờ khi Hiểu Xuân nói có thể cho trà vào, nàng nhanh chóng nhấc siêu nước tới, đổ nước vào chén. Hiểu Xuân thì dùng trà tiển khuấy trà, khuấy cho đến khi trên mặt nước trà nổi lên lớp bọt màu trắng sữa. (trà tiển: dụng cụ khuấy trà, là trà cụ)
"Đây là một chén trà ngon, nhưng uống riêng một mình thì không hay lắm. Nương ta hôm nay hấp bánh tháp nước, vừa nãy ta đã ngửi thấy mùi thơm rồi. Để ta đi lấy vài cái lại đây."
A Hạ nói xong đẩy cửa chạy xuống, không lâu sau trên tay nàng bưng một đĩa bánh tháp nước trắng như tuyết điểm xuyết ít đường hoa quế còn đang bốc khói đi lên.
Dùng trà kèm điểm tâm, A Hạ thích ngồi ở phía đối diện cửa sổ, bên ngoài cửa sổ là khung cảnh núi non mờ ảo, sương nước bao phủ làn khói lam, mưa rơi rả rích xuống mái hiên.
Uống một ngụm trà, lại ăn một miếng bánh tháp nước, bánh làm từ bột gạo được hấp chín, khi ăn có độ đàn hồi, dính chút đường hoa quế, mềm dẻo thơm ngọt.
Ngắm mưa thưởng trà, còn phải tâm sự chút chuyện khuê phòng.
A Hạ nuốt xuống một ngụm trà, hỏi Hiểu Xuân, "Tẩu tử nhà ngươi sắp sinh rồi phải không?"
"Còn một đoạn thời gian nữa, đến lúc đó phải mời bà nội đến hỗ trợ đỡ đẻ," Hiểu Xuân nhìn ra phía ngoài cửa sổ, lại cười nói: "Hôm nay ta thực ra muốn nhờ ngươi giúp một việc."
"Giúp cái gì?"
Hiểu Xuân đặt chén trà xuống, trên mặt nghiêm túc, "Còn không phải hôm trước ta vừa nghe nói trẻ nhỏ mới sinh nếu có thể được nhận một kiện áo cà sa hoặc áo trăm mảnh vá, thì sẽ không bị chết yểu, bình an lớn lên sao. Nhưng nếu để ta tự mình đi mua trăm mảnh vải, thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Phải thành tâm đi đến trăm nhà xin lấy một ít, mới được coi là tốt."
Nàng ấy chưa nói hết nhưng ý tứ đã thực rõ ràng, không ai sẽ tặng không một khối vải lẻ cả.
A Hạ nghe vậy thì chống cằm, suy nghĩ làm thế nào để có thể đổi được một mảnh vải lẻ, trấn Lũng Thủy cũng có nhiều hộ gia đình trồng dâu nuôi tằm, vải lẻ không tính là hiếm, tuy thế cũng cần người ta sẵn lòng cho đi.
Nàng nhớ đến hôm qua chính mình cũng lấy vật đổi vật, liền lên tiếng: "Lấy chút đồ gì đó đổi đi. Mấy thím trên trấn đều rất giỏi tính toán, những thứ hoa hòe lòe loẹt các nàng ấy sẽ chướng mắt. Hoặc là lấy kim chỉ đi đổi, hoặc là lấy đồ ăn."
"Lấy đồ ăn gì đi đổi?"
Hiểu Xuân nắm lấy tay nàng, muốn nghe nàng bày ra cao kiến. Hai người lớn lên cùng nhau từ nhỏ, khi còn bé A Hạ đã có rất nhiều ý tưởng mới lạ.
"Mua quẩy xoắn đi," A Hạ đưa ra gợi ý cho nàng ấy, "Thứ này tốn dầu, mua nhiều cũng chỉ mất vài đồng tiền, vải vụn lại bán không được giá, vừa lúc một cái đổi hai, ba miếng vải lẻ, thế này không phải còn có thể làm được thêm vài món à?"
Lại nói tiếp: "Ngày mai nhớ gọi cả Sơn Nam và Sơn Đào đi nữa."
"Đợi chút đi ngang qua nhà nàng ấy, ta sẽ nói với hai người đó một tiếng."
Hiểu Xuân sau khi giải tỏa được nỗi ưu sầu, mới thống thống khoái khoái mà uống trà, lại nói thêm vài mẩu chuyện vặt trong nhà, mắt thấy mưa ngoài trời nhỏ dần, liền muốn cáo từ.
A Hạ đưa nàng ấy xuống, rồi bảo nàng ấy chờ ở cửa, sau đó nàng vào giỏ thêu của mẹ chọn ra hai, ba mảnh vải nhỏ màu đỏ rực rỡ, nhét vào tay Hiểu Xuân.
Mặt nàng rạng rỡ ý cười, "Ta cho ngươi mảnh vải đầu tiên trong một trăm mảnh vải, là mua ở chợ quê để về may quần áo đấy, mau nhận lấy đi. Sáng sớm ngày mai đến tìm ta, chúng ta cùng đi."
Hiểu Xuân khẽ thở dài, sau đó cầm ô đi ra giếng trời.
Vì chuyện này, tối hôm đó A Hạ cũng không chơi đùa gì nhiều, rửa mặt xong liền đi ngủ, còn khiến cho mẹ Phương kinh ngạc.
Sáng hôm sau, mẹ Phương đang nấu cháo thì tổ tông này đã rời giường, nàng ấy thấy quái dị trong lòng, trên tay còn cầm xẻng nấu, dựa vào trước cửa nhà bếp hỏi: "Dậy sớm như vậy là định làm cái quỷ gì?"
Con gái bản thân mình sinh ra, nàng có mấy cái đuôi cáo chẳng lẽ nàng ấy còn không biết.
A Hạ đặt cái túi nhỏ thêu hình con cừu của mình lên ghế, bước tới kéo tay mẹ Phương hướng vào nhà bếp, trong miệng nói: "Hiếm có hôm trời đẹp, con đi chơi với tụi Hiểu Xuân."
"Vậy cũng được, trưa có trở về ăn cơm không?"
Mẹ Phương múc cháo xong đặt trước mặt nàng, lại hỏi thêm câu nữa.
"Không trở về, bọn con sẽ ăn ở bên ngoài."
"Vậy thì về sớm một chút, đừng chơi cả ngày không về nhà."
A Hạ vùi đầu ăn bát cháo, liên tục gật đầu, nghe thấy bên ngoài Hiểu Xuân gọi nàng, mẹ Phương bảo nàng mau mau đi ra.
Nàng vội vàng cầm lấy túi nhỏ và ô rồi đi ra cửa, bên ngoài ngoại trừ Hiểu Xuân ra, Sơn Nam và Sơn Đào cũng đã tới, hai người là long phượng thai, Sơn Nam thì mũm mĩm đến nỗi không thấy cằm, còn Sơn Đào thì lại quá gầy, yếu ớt như cành liễu phất phơ trong gió.
Bọn họ là một nhóm bạn thân thanh mai trúc mã, chơi với nhau từ khi còn nhỏ.
"Hôm nay cuối cùng cũng đến lượt ta dẫn đầu rồi."
A Hạ cảm khái, cũng có một ngày trong núi không có hổ, con khỉ xưng đại vương(*).
(*)Tương tự câu "Xứ mù thằng chột làm vua" trong tiếng Việt.
Sơn Đào che miệng cười, phá đám nói: "Đó không phải là do Thịnh Tầm ca với Tam Thanh ca đều không ở đây sao, còn có Tiểu A Thất đã đi Xuân Châu nữa. Nếu không thì một sợi lông của ngươi cũng không giữ được, nửa sợi lông theo gió mà bay..."
Nàng ấy còn chưa nói xong, đã bị A Hạ bịt miệng lại, đẩy ra ngoài cửa, nàng tức giận bất bình: "Hạ Sơn Đào, ngươi há mồm liền làm người ta phiền chết mà!"
"Phương Tri Hạ, ngươi buông ta ra."
Hai người này rất thích đánh nhau, Hiểu Xuân vội vàng xông vào giữa để hòa giải, Sơn Nam thì thích xem náo nhiệt, bảy người bọn họ từ nhỏ đã như vậy rồi.
Thịnh Tầm lớn tuổi lại thông tuệ, việc lớn nhỏ đều do hắn dẫn đầu, Tam Thanh và Tiểu A Thất, một kẻ là lão nhị, một người là lão út, ai cũng tâm nhãn rất nhiều, việc ra chủ ý luôn có phần bọn họ.
Nhưng mà lần này, Thịnh Tầm và Tam Thanh đã cùng đi thuyền đến Sơn Đình, giữa những người thành thật còn lại thì không phải sẽ do A Hạ đứng đầu hay sao.
Sơn Đào lớn hơn nàng, thấy không nên so đo với một đứa trẻ, nàng ấy không tình nguyện mà giơ tay vuốt tóc, "Được rồi, lão đại A Hạ, ngươi nói chúng ta nên đi mua quẩy xoắn ở đâu?"
"Trần gia, phố Thập Tử."
"Trần gia, phố Thập Tử."
A Hạ và Sơn Nam trăm miệng một lời cùng đáp, Hiểu Xuân cười khúc khích, "Khẩu vị hai cái người này giống nhau ghê."
"Đều chỉ lo ăn thôi."
Sơn Đào vẫn miệng độc như mọi khi, A Hạ không thèm phản ứng với nàng ấy.
Phố Thập Tử cách phường Minh Nguyệt A Hạ ở còn một đoạn đường, chỉ có thể chậm rãi đi bộ qua. Bầu trời sau cơn mưa xanh biếc, mưa mới vừa tạnh, cỏ xuân lại cao thêm một đoạn, thoang thoảng mùi hương cỏ cây thanh mát.
Đầu đường phố treo rất nhiều cờ xuân, tung bay phấp phới, dưới sông có thuyền nhỏ neo đậu, còn có chim cốc bay qua rồi dừng lại trên đó.
Mấy người vừa đi vừa đùa giỡn đến phố Thập Tử, quẩy xoắn hay còn gọi là bánh quai chèo, có hình dáng nho nhỏ xoắn lại giống như cây trâm cài tóc.
Bên trong cửa hàng Trần gia đặt một cái chảo sắt lớn, trong chảo toàn là dầu, phía dưới bếp lò còn phải có người chuyên môn trông coi, lửa lớn thì bị cháy, lửa nhỏ lại không giòn.
Chiên đến vàng ươm mới hấp dẫn, hôm nay Hiểu Xuân đã chuẩn bị đủ tiền, mở miệng ra liền muốn hai đồng bạc, Trần chủ quán vội hỏi lại một câu, mới lấy giấy dầu ra đưa cho nàng ấy gói lại, tràn đầy một bao, một cái này là đủ để nhai nửa ngày rồi.
Nàng ấy chia làm bốn phần, mỗi người đều cầm một cái giỏ tre nhỏ, trong miệng ngậm một cái quẩy xoắn giòn tan, nhai nhóp nhép suốt dọc đường, đi đến mấy hộ nhà bên cạnh hẻm Thải Y.
Hẻm Thải Y còn được gọi là hẻm thợ may, chuyên làm trang phục thêu thùa, tay các nàng ấy không được dính dầu, nhưng hẻm Hoa Lê liền kề bên cạnh, cũng không thiếu vải vóc.
Lúc đầu bốn người đều có chút ngượng ngùng, vẫn là A Hạ dẫn đầu đi gõ cửa một hộ nhà, có một phụ nhân bước ra, mỉm cười hỏi nàng, "Cháu gái, tìm ai sao?"
"Không phải, thẩm, bọn cháu muốn xin chút vải lẻ, để làm cho đệ đệ chưa ra đời một kiện áo cà sa. Bọn cháu không lấy không, mà là dùng quẩy xoắn để đổi, được không ạ?"
A Hạ ngước đôi mắt to tròn nhìn nàng ta, tay lấy ra một cái bánh quẩy vừa to vừa ngon. Phụ nhân đương nhiên không có từ chối, bảo bọn họ đợi một lát, rồi từ trong nhà lấy ra một cái cái rổ đựng vải, bên trong toàn là những mảnh vải vụn được tích góp lại, có đủ loại màu sắc.
Mọi người để cho Hiểu Xuân đi lên chọn, nàng ấy chỉ chọn hai miếng, phụ nhân lại cầm thêm mấy miếng vải có màu sắc và hoa văn đẹp đưa cho nàng ấy, dịu dàng nói: "Lấy nhiều một chút, làm một kiện áo cà sa thật đẹp. Đứa trẻ mới sinh da còn non mềm, làm xong thì giặt với phơi khô nhiều lần nhé."
"Vâng, đa tạ thẩm."
Bước đầu thành công, mấy người khác cũng có thêm dũng khí, phân công nhau hành động để nhanh hơn, và hẹn nhau buổi trưa gặp lại ở dưới lá cờ hẻm Thải Y.
A Hạ miệng ngọt, lại có ngoại hình được các bà, các thím yêu thích, nên nàng gõ cửa nhà nào cũng không bị từ chối, cuối cùng, giỏ tre của nàng nhét đầy vải lẻ, bánh quẩy xoắn hết sạch, nàng cũng mệt mỏi rã rời, chậm rãi đi về.
Đến chỗ lá cờ hẻm Thải Y, không có ai, nàng dựa vào lan can gỗ, không ngờ người quay về tiếp theo lại là Sơn Đào.
A Hạ liếc mắt nhìn giỏ nàng ấy, "Cũng rất nhiều nha."
"Đương nhiên rồi, ta đã phải nói không ít lời hay đấy. Có thể làm được rất nhiều kiện áo, đến lúc đó ta giúp Hiểu Xuân làm một kiện."
Sơn Đào quả thật mài rách da môi, nàng ấy là dạng người miệng dao găm tâm đậu hủ, nàng ấy lại hỏi, "Có mệt không? Qua ghế đá bên kia ngồi một lát đi, ta đứng đợi ở đây là được."
"Đứng đứng là được rồi, lại chỗ đó còn phải đi khá xa."
"Ngươi còn lười hơn cả Sơn Nam, hay là dứt khoát nằm xuống đất nghỉ ngơi luôn đi."
A Hạ làm mặt quỷ với nàng ấy, mới không thèm nghe nàng ấy lèm ba lèm bèm, vui vẻ đến mức khiến Sơn Đào muốn đi tới bá cổ nàng.
Trong lúc hai người đang cãi nhau, Sơn Nam và Hiểu Xuân thở hổn hển chạm mặt đối phương ở đầu hẻm. Khi mọi người tụ tập lại, phát hiện vải vụn có không ít, ghép lại làm ba cái áo là không thành vấn đề, phần còn dư có thể làm được một kiện áo cà sa trăm mảnh.
Lúc này đã gần trưa, mọi người lại đi đường nhiều như vậy, mệt đến mức bụng đều trống rỗng. Hiểu Xuân lập tức nói: "Trưa nay ta mời các ngươi ăn cơm, muốn ăn cái gì cũng được."
Sơn Nam chân run lẩy bẩy, nằm dựa vào tường, xua xua tay, "Tìm nơi nào có chỗ ngồi là được, ta không kén chọn."
A Hạ không biết ăn gì, miệng nàng rất kén ăn, nếu không phải trong nhà có cha mẹ biết nấu nướng, sớm muộn gì nàng cũng sẽ chết đói.
Từ đằng xa đi tới một ông lão gánh một gánh hoành thánh, A Hạ liền có tinh thần, hướng mọi người nói to: "Chúng ta ăn hoành thánh đi."
"Hoành thánh, ở đâu ở đâu?" Sơn Nam lập tức đứng dậy, chân cũng không còn run nữa, vội vàng xúm đến bên người A Hạ nhìn ngó, hắn nheo mắt vuốt cằm nói, "Chắc là người bán hoành thánh trứu sa."
"Chắc là vậy, nhìn tuổi tác thì phải có đến vài chục năm bản lĩnh, khẳng định không tồi."
Sơn Đào liếc hai người họ một cái, "Các ngươi đang diễn tướng thanh à, mà kẻ xướng, người họa thế," nàng ấy lại nhỏ giọng thì thầm, "Sao ta nhìn không ra vậy?" (Tướng thanh: tấu nói, một loại hình nghệ thuật biểu diễn của TQ).
Hiểu Xuân thấy hai người muốn ăn, lại hỏi ý kiến Sơn Đào, rồi mới vẫy tay, "Lão bá, nơi này tới bốn bát hoành thánh."
"Ai!"
Ông lão đáp lời, lập tức đặt gánh hoành thánh trên vai xuống, gánh kia được làm rất tốt, uốn cong không bị gãy, một đầu là lò gốm, trong đó bếp lò ở giữa, phía trên là nồi đồng, bên dưới là than không cháy quá lớn, đủ để nồi đồng vẫn luôn bốc khói nong nóng.
Đầu còn lại thì phức tạp hơn nhiều, một chiếc tủ nhỏ màu đỏ thẫm với ngăn kéo đứng, bên trong chứa vỏ hoành thánh, nhân thịt đã được đánh nhuyễn và một đống gia vị.
Ở phía dưới cùng là bát đũa, không lớn và rất nhẹ.
Hoành thánh không được gói sẵn, ông lão dừng lại gói ngay tại chỗ. Ông ấy quả thật là một người làm hoành thánh trứu sa chuyên nghiệp, vỏ hoành thánh được lấy ra cực mỏng, phết một ít nhân thịt lên, ở trên tay ông xoay một vòng thành viên tròn, bên trong rỗng.
Thả một nắm hoành thánh vào nước sôi, vỏ bánh gặp nước liền căng ra, lập tức dùng cái vá lưới trúc vớt hết lên, trên chiếc ghế nhỏ bày mấy cái bát, bỏ một nắm hành lá, một muỗng mỡ lợn, một chút gia vị, và quan trọng nhất chính là chan nước dùng được ninh từ xương ống vào.
Nếu hoành thánh trong bát có thêm cái chấm đen, sẽ rất giống những chú cá bụng phệ, mắt to đang bơi trong nước, là cái loại mà béo đến mức không có đuôi ấy.
A Hạ bưng một bát, không có chỗ ngồi nên liền đứng dựa tường ăn luôn. Mỡ lợn chảy ra thực sự rất thơm, còn chưa nếm thử mà đã ngửi thấy mùi rồi. Vỏ hoành thánh mỏng nên không sợ ăn đến phần đầu gút, chỗ xoắn chặt này rất dễ nửa sống nửa chín.
Vỏ mềm, bên trong có nước súp chảy ra, nhân thịt thì phải ăn cả cái hoành thánh mới cảm nhận được, nước dùng rất ngon, không giống với nước dùng ninh từ xương lươn của mì Dương Xuân, nhưng vẫn ngon đến mức muốn rớt lông mày.
A Hạ thích ăn các món có nước dùng nhất, ăn hết hoành thánh, lại uống sạch chút nước dùng cuối cùng, chóp mũi cũng đổ mồ hôi. Ba người các nàng ăn ngon đến mấy cũng chỉ ăn một bát là no rồi. Sơn Nam lại lau miệng, gọi to: "Lão bá, thêm một bát nữa."
Bát đó hắn một hai phải tự mình bỏ tiền ra trả, thế mới có thể tự tin mà ăn.
Sau khi ăn no, Sơn Nam còn ngồi tán gẫu với ông lão, "Thịt tươi ăn ngon, nhưng nếu là nhân rau tề thái thì càng ngon hơn."
"Vẫn là nhóc con ngươi sành ăn, chờ đến đầu tháng ba ngươi lại đến chỗ ta ăn, lúc đó tề thái đang non, kết hợp với hoành thánh của ta thì ngon tuyệt vời."
Ông lão dùng nước ấm lau chén, vừa nói vừa vác lại gánh, rồi lại cất tiếng rao, "Hoành thánh đây, hoành thánh nhân thịt to đây."
Dần dần đi xa.
Chú thích:
1. Bánh trôi rượu nếp
2. Bánh thác nước.
3. Bánh quẩy xoắn (Tên Hán Việt trong cv là Du tán tử, nhưng mình thấy hình dạng giống quẩy xoắn với cả 2 cái này đều có tên gọi khác là bánh quai chèo, nên mình nghĩ chúng là một).