Cô và mẹ sống nương tựa lẫn nhau, trước đó đều là ba cô đi làm kiếm tiền nuôi gia đình còn mẹ cô ở nhà nội trợ, chính vì vậy mà tính tình bà có chút mềm yếu. Bà nội cô có ba người con trai, một người con gái. Ba cô là con trai thứ hai, vừa không phải là con trai trưởng được các trưởng bối thế hệ trước yêu thương, lại vừa không phải con trai út vừa sinh ra đã được cưng chiều. Nói tóm lại là ba cô giống như một người vô hình, kể cả tiền cưới vợ cũng là ông tự mình làm lụng vất vả kiếm được.
Ông là người đầu tiên trong nhà rời quê hương lên thủ đô làm thuê. Tiền ông kiếm được phần lớn là gửi về trong nhà hiếu kính cha mẹ và nuôi em trai em gái nhỏ tuổi ăn học. Lăn lộn tới hơn bảy năm, sau khi dành dụm được một số tiền nho nhỏ, ba mẹ cô gặp được nhau rồi kết hôn. Bởi vì mẹ cô là dân gốc trên thủ đô, cho nên ông bà ngoại hy vọng hai người ở lại đây yên tâm làm ăn.
Sau khi kết hôn, phải lo cho gia đình nhỏ của mình, em trai em gái cũng đã lớn, ông không còn gửi một số tiền lớn về quê mỗi tháng nữa. Thay vào đó ông sẽ cố định ba tháng về thăm quê một lần, mua quà cho đám cháu và gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ cho nhà bác cả. Xét về phương diện làm con, cô tự nhận ba cô đã làm hết sức mình, nửa đời ông đều hy sinh cho cha mẹ anh em, đến tận năm ba mươi lăm tuổi mới có thể gây dựng gia đình nhỏ của riêng mình.
Thế nhưng ông bà nội và bác cả, cô chú út đều không cho là vậy. Có lẽ trong tiềm thức của họ đã sinh ra suy nghĩ tiền của ba cô phải ném trên người bọn họ hết mới phải. Chính vì vậy mà mẹ con cô bị nhà nội ghét bỏ. Bọn họ cho rằng nếu ba cô không kết hôn sinh con thì sao phải tốn tiền đi nuôi kẻ khác. Xét cho cùng mẹ cô cũng chỉ là người ngoài không cùng huyết thống mà thôi.
Trình Tuyết Sương khi còn rất nhỏ cũng đã biết mình không được yêu thích. Mỗi lần về quê ba mẹ cô luôn mang rất nhiều quà cáp về, nhưng con gái của họ ngay cả một cái kẹo cũng chưa bao giờ được cho. Ngày tết cô cũng không nhận được bao lì xì, cả nhà họ nội dường như không hề coi cô là cháu.
Cô cũng không coi đó là chuyện to tát, bởi vì cô cũng đâu có sống với họ. Nhưng Trình Tuyết Sương không ngờ sau khi ba cô vừa mất, bọn họ lại mặt dày đến mức đòi cuỗm hết số tiền bồi thường kếch xù kia.
Đó là lần đầu tiên cô thấy mẹ trở nên mạnh mẽ. Bà vừa khóc vừa ôm cô hét lên "Một xu cũng không có!" Bà tổ chức cho chồng một lễ tang thật long trọng, sau đó gần như đoạn tuyệt quan hệ với nhà nội.
Người phụ nữ mềm yếu bắt đầu gánh trên vai gánh nặng nuôi con. Ông bà ngoại đã qua đời, bà cũng không có anh chị em giúp đỡ, không thể chỉ ngồi đó mà miệng ăn núi lở, cho nên bà bắt đầu ra ngoài tìm việc, làm việc vất vả nuôi cô khôn lớn.
Trình Tuyết Sương từ khi đó cũng hiểu rằng cô không có quyền tùy hứng. Chỗ dựa vững chắc trong nhà đã mất đi, cô chỉ có thể ép mình trưởng thành, không làm cho mẹ phải buồn lòng thêm nữa. Cô bé mười tuổi năm nào đã lớn lên trở thành thiếu nữ, khuôn mặt xinh xắn lúc nào cũng mang theo nụ cười tươi tắn, giống như một mặt trời nhỏ mang lại ấm áp cho người khác.
Mẹ cô đã từng nói với cô, nếu không ai có thể mang lại ấm áp cho con, vậy thì con phải biết cách tự sưởi ấm cho chính mình. Cho nên đừng khóc, hãy cười lên.
Cho dù bây giờ trong lòng cô có khổ sở đến mức nào, Trình Tuyết Sương cũng không cho phép mình được rơi nước mắt.
Cô mỉm cười bước vào phòng bệnh, nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh giường, sau đó nắm lấy bàn tay gầy gò của mẹ.
"Mẹ ơi, con nhất định sẽ kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, mẹ phải ở bên cạnh con cả đời mẹ nhé..."