Trước đây có một bậc thầy tư vấn đã làm nhiều năm trong ngành nói với tôi rằng. Một người có tâm lý khỏe mạnh khi nói chuyện với bạn, thì có khoảng sáu mươi phần trăm trong nội dung là sự thật được trần thuật khách quan, còn bốn mươi phần trăm còn lại, có phần là do ý thức chủ quan của người này, cũng có một phần do người này che giấu “ích kỷ” cá nhân. Còn một người có tâm lý không khỏe mạnh cho lắm hoặc là tâm lý không bình thường, thì sự thực khách quan trong lời trần thuật của người đó sẽ chiếm tỉ lệ thấp hơn.
Về giấc mơ liên tục, tôi tin đại đa số mọi người đã từng nghe nói hoặc bản thân đã từng trải qua. Ví dụ như nói mơ liên tục về một chuyện giống nhau, hay về cùng một người, hoặc là nội dung giấc mơ này có liên hệ với giấc mơ kế tiếp. Bởi vì giấc mơ là một loại tưởng tượng “có ý thức” của con người. Nội dung giấc mơ thường lộn xộn và không có tính liên kết logic. Khi nội dung của giấc mơ này liên quan tới nội dung của giấc mơ khác, chúng ta sẽ cảm thấy rất kinh ngạc, cảm thấy điều này rất hiếm thấy, cũng rất thần kỳ. Tôi đã từng trải qua hoặc nghe người khác kể về “giấc mơ liên tục” thì thông thường sẽ không kéo dài quá ba lần. Nhưng mà, bạn học tiểu Vương khốn khổ đã bị giấc mơ liên tục quấy nhiễu. Nhưng điều làm cho tất cả chúng tôi đều kinh ngạc, đó chính là giấc mơ liên tục của cậu ta kéo dài từ khi cậu ta còn nhỏ cho đến bây giờ, đã duy trì 15 năm đằng đẵng. Đồng thời nội dung của giấc mơ liên tục này cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu “kết thúc”.
Tiểu Vương nói, nội dung giấc mơ liên tục này của cậu ta cũng không làm cho cậu ta cảm thấy kinh khủng. Trong giấc mơ không có bất kỳ nhân vật nào, càng không có yêu ma quỷ quái nào xuất hiện. Giấc mơ này rất đơn giản, chính là “đi”, “đi” không ngừng.
“Cụ thể bắt đầu từ khi nào thì con cũng không nhớ. Từ lúc con bốn, năm tuổi, cũng hiểu chuyện đôi chút, thì hằng ngày con đều mơ thấy giấc mơ này. Trong mơ không có gì cả, xung quanh tối đen như mực, con không ngừng đi về phía trước. Về việc con phải đi đến đâu, vì sao phải đi về phía trước thì con thật tình không biết. Giống như trong đầu con chỉ có khái niệm “tiến về phía trước”. Khi đó còn nhỏ, cái gì cũng không hiểu, thậm chí còn không biết được là đang ở trong mơ hay trong hiện thực. Ba mẹ con còn nói, khi con còn bé thỉnh thoảng sẽ tỉnh ngủ khóc lớn. Họ nói rằng con bảo con đi mệt quá, ba mẹ cũng không cần con, đem con vứt vào một nơi tối đen như mực.
Đến khi bảy, tám tuổi, con lớn hơn một chút, cũng có nhiều bạn bè hơn, có đôi khi sẽ kể với nhau về những chuyện này. Đó là lần đầu tiên con ý thức được hóa ra giấc mơ này của con rất kỳ lạ. Chỉ có điều khoảng cách giữa hai lần mơ khá dài, một tháng tối đa chỉ có hai lần. Hơn nữa “thời gian” nằm mơ cũng không quá dài, chính là một người cứ tiến về phía trước ở một nơi rất tối, đi cho đến khi nào tỉnh dậy thì thôi. Giấc mơ tiếp theo, lại tiếp tục đi về phía trước, đi đến khi nào tỉnh dậy. Cứ vậy đó.”
Tiểu Vương nói, khi cậu ta càng lớn hơn, thì cậu ta càng ngày càng ý thức được “cảnh trong mơ” của mình rất không bình thường. Trong giấc mơ của cậu ta, hoàn toàn đen kịt, không có khái niệm thời gian và không gian, cũng không có thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và các cảm giác khác. Nhưng “ý thức” lại vô cùng tỉnh táo. Cậu ta biết rõ bản thân mình phải không ngừng “tiến về phía trước”, cũng biết rõ đây là một con đường rất dài. Cậu ta mỗi lần mơ đều tiếp tục đoạn đường chưa xong lần trước mà đi tiếp. Cậu ta cảm thấy con đường này quả thực không có điểm cuối, không biết phải đi đến khi nào mới xong.
“Con nói như vậy, có thể mọi người sẽ không cách nào hiểu được. Mặc dù giấc ngủ của con đều kéo dài như nhau. Mỗi ngày con đều ngủ khoảng tám đến mười tiếng, nhưng con cảm thấy con đường con đã đi trong mơ càng ngày càng nhiều. Trong giấc mơ đó, không có thứ gì cả, nhưng “ý thức” lại đặc biệt minh mẫn. Cho nên con thấy tinh thần bị tàn phá nặng nề, rất mệt! Người khác ngủ là để nghỉ ngơi, còn con đây đi ngủ lại phải “bước đi” liên tục, hơn nữa dọc theo con đường này chẳng có gì để xem. Mệt, thật sự mệt muốn chết! Nhưng điều kỳ lạ chính là, mỗi lần tỉnh dậy khỏi giấc mộng này, trạng thái sức khỏe của con vô cùng tốt. Con ngày thường hay đánh cầu lông mà, sức lực đều dồi dào hơn người khác. Có đôi khi con kể với các anh em thân thiết về giấc mộng này, họ đều nói tôi là đang “tu hành” trong mộng. Giấc mơ này trui rèn sức lực tinh thần cho tôi, sau đó khiến cơ thể tôi đạt được kích thích trọn vẹn nhất. Nó làm cho cơ thể của tôi ở trạng thái tốt nhất. Từ nhỏ đến lớn, trên cơ bản chưa bao giờ bị bệnh!”
Từ câu chuyện của bạn tiểu Vương, chúng ta có thể thấy được, cậu ta đối với “giấc mơ liên tục” từ thuở bé này thật ra rất là tự hào. Cậu ta nói lúc học trung học cơ sở đã đọc một cuốn truyện tranh có tên là “Vua pháp thuật”[1]. Nhân vật chính trong bộ truyện đó là một người có pháp thuật. Để tu hành khả năng pháp thuật của bản thân, nên nhân vật đó đến địa ngục huấn luyện. Mà cái địa ngục huấn luyện này chính là đi trong một sơn động tối om và rất dài, đi đến khi toàn bộ giác quan đều mất hết, sức mạnh tinh thần lại vô cùng lớn mạnh. Lúc đó tiểu Vương thậm chí còn nghĩ phải chăng bản thân mình là một sự tồn tại tương đối “đặc biệt”. Giấc mơ này thực sự trui rèn linh hồn của anh ta. Phỏng chừng sau này còn có một thế giới cần cậu ta đi cứu vớt.
[1] Vua Pháp Thuật: là tựa truyện tiếng Việt của bộ truyện tranh Shaman King, tác giả Takei Hiroyuki.
Khi cậu ta nói như vậy, bản thân tự cười trước, làm cho lão Ngô đang cố vấn cho cậu cũng nở nụ cười, tôi ở bên cạnh ghi chép cũng cười, cha mẹ của cậu cũng cười theo. Chúng tôi đều nghĩ chàng trai trẻ này rất đáng yêu.
Cha của tiểu Vương nói: “Con tôi quả thực từ nhỏ đã nằm mơ thấy giấc mơ này, nó đã từng rất nhiều lần nói chuyện này cho người lớn trong nhà cũng như bạn bè biết. Ngay lúc đó tôi cũng cảm thấy rất lạ, giấc mơ này rất không bình thường. Nhưng giấc mơ này lại không mang đến bất tiện nào đến cuộc sống của con tôi. Thậm chí chúng tôi cũng nghi rằng, con trai nằm mơ thế này là rèn luyện nó. Nó từ nhỏ có ý chí rất cao. Lúc đọc sách thì nó rất yên tĩnh, khi vui chơi lại rất năng động. Mấu chốt là nó làm con tôi hiểu thế nào là kiên trì, chịu đựng. Nói như vậy có thể anh chị cảm thấy buồn cười, nhưng tôi và mẹ nó đối với đứa con này đặc biệt tự hào. Hơn nữa còn cảm thấy con tôi không tầm thường, tương lai có thể làm chuyện lớn. Chúng tôi đã có ý nghĩ này.”
Cách nghĩ của cha tiểu Vương cũng không mấy kỳ lạ. Nếu như tôi mỗi ngày đều mơ như vậy, đồng thời giấc mơ này làm cho tôi nhiều điều có ích, Tôi cũng sẽ nghĩ bản thân là một sự tồn tại đặc biệt. Nhưng những lời tiếp theo của cha mẹ và tiểu Vương lại thể hiện những lo lắng của họ.
Hai năm gần đây, tần suất nằm mơ của tiểu Vương ngày càng cao. Trước đây một tháng nhiều nhất hai lần, bây giờ biến thành một tuần hai lần. Mà theo lời kể của tiểu Vương, cậu cảm thấy con đường bản thân mình đi trong mỗi lần nằm mơ càng ngày càng dài thêm, mặc dù thời gian ngủ không thay đổi. Nhưng chặng đường phải đi trong mơ càng dài, lại khiến cậu cảm thấy mình càng mệt hơn so với ban đầu. Cậu sợ giấc mơ này giống như một đứa bé sợ tiêm vậy. Cậu không biết ngày nào mình sẽ nằm mơ thấy nó, cũng không biết “con đường” lần này cần phải đi trong mơ có phải là dài hơn so với lần khác, cần bao lâu nữa.
“Con trai ở trong mơ phải chịu đựng nỗi khổ không tên này, tôi và mẹ cháu cũng cảm thấy đau lòng thay. Sau này, chúng tôi đã thử đánh thức cháu nó dậy khi nó ngủ. Ví dụ như hai giờ sáng, chúng tôi vào phòng của cháu lay cháu dậy. Sau đó chúng tôi phát hiện, lúc cháu nó nằm mơ thấy giấc mộng kia, thì bất luận chúng tôi có gọi thế nào đi nữa, thậm chí đánh cháu nó, tát tai cũng không thể nào gọi cháu nó dậy từ trong mơ. Điều này khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Giấc mơ này từ một tháng hai lần thành một tuần hai lần, nếu cứ tiếp diễn khó lòng đảm bảo sẽ không thành một ngày một lần. Điều quan trọng chính là, chúng tôi không gọi cháu nó dậy được. Chúng tôi sợ, thực sự rất sợ…”
Lúc nghe ba của tiểu Vương kể lại tình huống này, sắc mặt của thầy Ngô trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi lập tức hiểu nỗi lo của cha mẹ tiểu Vương. Quả thực, một giấc ngủ không bao giờ tỉnh dậy có ý nghĩ gì, không cần nói mỗi chúng ta đều hiểu.
Chủ nhiệm Ngô nói: “Tình huống của tiểu Vương, thoạt nhìn không phải là vấn đề tâm lý. Tôi cho rằng anh chị cần phải dẫn cháu đến bệnh viện kiểm ra não bộ một chút. Nhất là lúc cháu nằm mơ thấy giấc mơ kia.”
Ba của tiểu Vương nói, đi rồi, sao mà chưa mang cháu đến bệnh viện được chứ. Khi hai người họ phát hiện tiểu Vương nằm mơ không cách nào đánh thức, liền lập tức gọi cấp cứu 120. Lúc khám cũng làm một loạt kiểm tra theo thường lệ. Nhưng nhịp tim, huyết áp, hô hấp của tiểu Vương lúc đó đều vô cùng bình thường. Bác sĩ cấp cứu nói, bệnh lý như vậy bọn họ cho tới bây giờ chưa từng gặp phải, cũng không biết phải xử lý như thế nào. Tới 7 giờ sáng ngày hôm sau, tiểu Vương tỉnh dậy, tất cả nhìn qua đều rất bình thường. Nhưng cha mẹ của tiểu Vương vẫn dẫn cậu đến khoa thần kinh, đến tìm chủ nhiệm khoa khám bệnh cho cậu. Vị chủ nhiệm này cũng bảo tiểu Vương làm một loạt các kiểm tra, bao gồm chụp CT não, điện não đồ. Ngoại trừ tần số nhịp sóng điện não cao hơn so với người bình thường ra, tất cả mọi thứ khác xem ra đều rất bình thường, không có bất kỳ vấn đề nào khác. Nhưng bác sĩ nói, mặc dù kiểm tra không có vấn đề nào, nhưng bệnh trạng của tiểu Vương chắc chắn bên trong não bộ có chỗ nào đó xuất hiện tổn thương.
Lúc tiểu Vương “phát bệnh” một lần nữa, cha mẹ cậu lại đưa cậu vào bệnh viện, đồng thời lại chụp CT não và đo điện não đồ. Và lần kiềm tra đó, quả thực phát hiện một số chỗ khác thường.
Ở chỗ này, tôi xin trích dẫn nội dung trong sách giáo khoa để giải thích rõ một chút trước đã:
Trạng thái ngủ của con người, có thể chia thành năm giai đoạn sau:
Giai đoạn thứ nhất là “giai đoạn ngủ thiếp”, đại khái kéo dài khoảng 10 phút. Khi đó con người ta mới đi vào giấc ngủ, lúc này tương đối dễ bị giật mình tỉnh giấc, sóng điện não đồ giảm, biên độ sóng tương đối nhỏ.
Giai đoạn thứ hai là “giai đoạn ngủ nhẹ”, là 20-40 phút sau khi ngủ. Đây là thời gian thỉnh thoảng có xuất hiện những đoạn tăng sóng tăng đột biến, tần suất cao, biên độ sóng rộng, loại sóng điện não này gọi là “nút ngủ”. Vào lúc này, con người rất khó bị đánh thức.
Giai đoạn thứ ba duy trì liên tục trên dưới 40 phút hoặc lâu hơn. Lúc này nhịp sóng điện não dần chậm lại, biên độ sóng lớn hơn nữa, cơ thể thả lỏng, xuất hiện sóng Delta, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện “nút ngủ”.
Giai đoạn thứ tư là “giai đoạn ngủ say”. Ở giai đoạn này, nhịp sóng điện não càng xuống thấp hơn nữa, biên độ sóng cực lớn, chủ yếu xuất hiện sóng Delta, cơ thể lúc này hoàn toàn được thả lỏng và nghỉ ngơi. Giai đoạn này thường duy trì khoảng 20 phút. Thật ra trong giấc ngủ của con người, giai đoạn ngủ quan trọng nhất. Bất luận bạn ngủ bao lâu, nếu như không đạt được trạng thái ngủ say, hoặc thời gian ngủ say tương đối ngắn, thì cơ thể không được thả lỏng, nghỉ ngơi và hồi phục hoàn toàn.
Sau khi kết thúc giai đoạn ngủ say thì chúng ta tiến vào “giai đoạn chuyển động mắt nhanh” (REM). Lúc này sóng Delta biến mất, sóng điện não của người sẽ trở nên không điều đặn giống như ở trạng thái tỉnh táo. Sau đó nhãn cầu sẽ chuyển động đảo rất nhanh bên dưới mí mắt. Vào lúc này thật ra chính là lúc nằm mơ của con người. Giống như bạn thấy một người nào đó đang ngủ mà nhãn cầu chuyển động, vậy thì người đó đang nằm mơ. Giai đoạn này chỉ duy trì liên tục từ 5 – 10 phút. Có đôi khi mọi người sẽ cho rằng bản thân “ngủ mơ cả đêm”, nhưng trên thực tế, cảnh trong mơ này chỉ sản sinh trong vòng 5 – 10 phút mà thôi.
Sau khi giai đoạn chuyển động mắt nhanh kết thúc, chúng ta sẽ tiến vào “giai đoạn ngủ nhẹ”. Giấc ngủ cả đêm của chúng ta, thật ra chính là năm giai đoạn này nối tiếp nhau không ngừng. Đồng thời càng về sau, mỗi lần đến giai đoạn ngủ say sẽ kéo dài hơn một chút.
Được rồi, bắt đầu trở lại vấn đề của tiểu Vương.
Khi tiểu Vương thân vẫn ở trong mơ và người nhà không cách nào đánh thức cậu dậy được, thế là cậu được đưa đến bệnh viện. Trên điện não đồ biểu hiện lúc này cậu đang ở trong giai đoạn ngủ say. Tần số sóng điện não của cậu rất thấp, biên độ sóng rất lớn. Vả lại, giai đoạn ngủ say của cậu rất dài.
Bởi vì tình huống của tiểu Vương quá hiếm, bác sĩ yêu cầu tiểu Vương nằm viện để tiện theo dõi. Trong vòng một tuần tiểu Vương nằm viện, mỗi khi cậu bắt đầu đi ngủ, các bác sĩ sẽ dùng máy móc giám sát tần suất sóng điện não của cậu. Trong tình huống bình thường, nhịp sóng điện não trong trạng thái ngủ của tiểu Vương không khác người thường là bao. Chỉ là mỗi lần đến giai đoạn ngủ say thì kéo dài hơn 20 phút so với người bình thường.
Nhưng trong lúc nằm viện, tiểu Vương có một lần gặp “giấc mơ liên tục”. Các bác sĩ phát hiện, lúc tiểu Vương gặp “giấc mơ liên tục” này, sóng điện não của cậu biểu hiện khác thường. Sau khi tiểu vương ngủ khoảng 50-60 phút thì cậu bắt đầu vào giai đoạn ngủ say. Hơn nữa 5-8 tiếng đồng hồ tiếp theo, cậu đều ở trong giai đoạn ngủ say. Sau đó 30 phút đến 40 phút, tần số sóng điện não cao một cách đáng kể, sau đó lại bước vào giai đoạn REM. 10 phút sau, cậu tỉnh dậy.
Tiểu Vương gặp giấc mơ liên tiếp thì biểu hiện tần suất sóng điện não ở trạng thái “khác thường, khiến các bác sĩ lấy làm lạ không thôi. Bác sĩ chủ trì của tiểu Vương đã rất nhanh gọi tới một vị giáo sư khác, cũng yêu cầu tiểu Vương tiếp tục ở lại bệnh viện để quan sát. Lúc này, cha mẹ của tiểu Vương bắt đầu lo lắng, cảm thấy con trai mình dường như trở thành chuột bạch cho các bác sĩ nghiên cứu. Vì vậy sau một tuần ở lại bệnh viện và bị một đám người nghiên cứu, cha mẹ cậu đã cự tuyệt yêu cầu lưu lại bệnh viện quan sát của các bác sĩ. Họ kiên quyết làm thủ tục xuất viện cho cậu, để cậu trở lại trường đi học.
Từ đó về sau, giấc mơ liên tục của tiểu Vương càng ngày càng nhiều, cậu nói con đường mỗi lần phải “đi” càng ngày càng dài. Hơn nữa, lần gần đây nhất cậu bắt đầu cảm giác phía trước có “ánh sáng”, giống như đoạn đường mà cậu đã đi trong suốt 15 năm qua gần đến điểm cuối. Đối với điều này, cậu và gia đình của mình đều rất lo lắng, nhưng lại không muốn đến bệnh viện nữa. Họ cho rằng bác sĩ không cách nào giải quyết vấn đề của cậu, chỉ xem cậu như là một đối tượng nghiên cứu.
Chủ nhiệm Ngô nghe tiểu Vương và cha mẹ nói xong, tình huống thế này cũng là lần đầu tiên thầy thấy. Hiển nhiên, cái này đã vượt qua phạm vi của nhà cố vấn tâm lý. Lão Ngô thẳng thắn bày tỏ, thầy cũng không thể giúp tiểu Vương hiểu rõ giấc mơ liên tục của cậu. Tiểu Vương và cha mẹ cậu lại tỏ ý rằng họ tìm đến trung tâm cố vấn tâm lý với mong muốn thông qua phương phức thôi miên, để nhìn xem và có thể giải thích tiểu Vương đã gặp phải giấc mơ quái lạ hay không. Bởi vì trung tâm của chúng tôi cũng không có nhà tư vấn nào đặc biệt am hiểu thuật thôi miên. Chủ nhiệm Ngô suy nghĩ rất lâu, cuối cùng mới giới thiệu cho tiểu Vương một nhà tư vấn tâm lý am hiểu thôi miên mà thầy cho rằng có thể “tin được”. Nhưng cái người này ở Thượng Hải.
Sau đó, cha mẹ tiểu Vương cảm ơn chủ nhiệm Ngô, rồi đi Thượng Hải tìm nhà tư vấn kia giải quyết chuyện này. Sau Tết âm lịch, tôi nghe chủ nhiệm Ngô nói. Nhà tư vấn tâm lý kia làm thuật thôi miên với tiểu Vương. Trong trạng thái thôi miên, tiểu Vương chỉ không ngừng nỉ non “phía trước, phía trước, còn đang phía trước”.
Tuần trước, tôi nhận được tin tức mới nhất của tiểu Vương từ chỗ chủ nhiệm Ngô. Sau khi ở Thượng Hải không giải quyết được vấn đề, tiểu Vương đã trở về thành phố này. Cho đến nay, giấc mơ liên tục của cậu đã từ mỗi tuần hai lần thành hai ngày một lần. Cậu nói, cậu cách cửa ra ngày một gần, có lẽ qua mấy tháng nữa, cậu sẽ đi đến phần cuối của giấc mơ này. Đến lúc đó sẽ thế nào, cậu không biết, cũng không muốn suy nghĩ nhiều. Hôm nay, cậu chỉ nghĩ sau khi tan học sẽ cùng bạn bè mình chơi đánh cầu lông.
Ngày 21 tháng 12 năm 2012 là ngày kết thúc kỷ nguyên mặt trời theo lời tiên đoán của người Maya. Rất nhiều người cho rằng “kết thúc” có ý nghĩa là kết thúc và hủy diệt của thế giới. Nhưng cái ngày đó đã qua đi rất lâu rồi. Có lẽ sau cái ngày đó, thế giới mà chúng ta đang sống đã xảy ra thay đổi hoàn toàn triệt để, phương thức tồn tại của chúng ta cũng thay đổi, chỉ là chúng ta không tự mình ý thức được mọi thứ có gì khác. Bất luận thế nào, chúng ta vẫn đang sống.