Khương Tố quay sang nhìn Hoài Chân.
Hoài Chân đáp, “Quên rồi ạ.”
Hồng Văn Quân nghiêng người về phía trước, nhìn thẳng vào cô bằng đôi mắt đen trắng rõ ràng.
“Cũng coi như thức thời đấy.” Giọng nói phát ra từ cổ họng có vẻ như cười như không: “Có biết ta là ai không?”
“Người khác gọi ngài là Hồng gia, người ở phố người Hoa đều kính sợ ngài.”
“Vậy ngươi có sợ ta không?”
“Sợ ạ.”
Đôi mắt vàng sẫm đục ngầu nhìn Hoài Chân chăm chú: “Sợ cái gì?”
Hoài Chân nhìn về lại, “Một là sợ chết, hai là sợ gả chồng, ba là sợ về nước.”
“Không muốn chết, không muốn gả chồng, lại còn không muốn về, vậy ngươi cảm thấy chúng ta hao tâm tổn phí xuất ngoại một chuyến là vì cái gì?”
“Nếu không có chuyến xuất ngoại này của ngài thì tôi cũng không sợ ba điều trên.” Hoài Chân nói tiếp, “Cuộc hôn nhân này, không chỉ con trai ngài không tình nguyện, mà cũng sắp bị tôi phá hỏng.”
“Phá hỏng thế nào? Ngươi không làm con dâu nhà họ Hồng thì cũng có một đống người khác muốn làm, không sao. Nhưng nếu ngươi không thể làm con dâu nhà họ Hồng thì cũng không khác gì mười bốn con nhãi quỳ ngoài kia.”
“Khác nhau? Vốn đã không khác nhau rồi.”
Đột nhiên Hồng Văn Quân bật cười, “Ý ngươi nói là, làm con dâu nhà họ Hồng cũng như làm điếm ở nhà thổ của bà cô này đúng không?”
Hoài Chân không hề chớp mắt, “Đúng thế.”
Hồng Văn Quân giơ tay lên, ra hiệu người phụ nữ sau lưng dừng tay, “Ngươi bảo nó lặp lại lần nữa, đây là lần đầu tiên ta nghe thấy lời như thế, không được rõ lắm.”
Khương Tố bị dọa sợ không nhẹ, “Hồng gia à, tôi đã nói rồi, con bé này không hiểu chuyện.”
“Bảo nó nói.”
“Hồng gia mua bán kỹ nữ như mua bán súc vật, lại dùng cách đó để mua bán con dâu. Vậy, đối với ngài thì hai vế này gì có gì khác nhau?”
Hoài Chân vô cùng bình tĩnh, giọng điệu vững vàng, “Hồng gia, ngài có thể để mọi người trên phố người Hoa khen ngợi gọi ngài một tiếng Hồng gia, nhất định là vì ngài làm việc có ranh giới cuối cùng, giảng chính nghĩa, tích nhân đức. Vốn tôi có tâm nguyện riêng cho cuộc sống của mình, nhưng lại bị lừa đến phố người Hoa không quen biết này, biết rõ đi đến đây đã không còn đường về, nhưng tôi cũng có ranh giới cuối cùng: một sợ chết, hai sợ gả chồng, ba sợ hồi hương. Xin Hồng gia tác thành.”
Khóe miệng Hồng Văn Quân giật giật, để hở hai hàm răng đen sì phải khảm vàng sắp rụng.
Người phụ nữ sau lưng châm một tẩu thuốc, ông ta hít hai hơi rồi nhả khói ra. Trong sợi khói lượn lờ, chỉ nghe thấy ông ta từ từ nói, “Ngươi muốn làm điếm cũng được, muốn gả chồng cũng được, muốn chết, cũng được nốt. Những thứ này ngươi không thể làm chủ. Cũng như việc nó có muốn kết hôn hay không cũng vậy, đều không thể làm chủ được. Nhân nghĩa trên phố người Hoa có lớn hay không ta không biết, nhưng cái này, lớn nhất.”
Làn khói kia tan hết, cô thấy hai ngón út hơi vểnh lên, giữa ngón trỏ và ngón cái kẹp một tờ giấy. Hoài Chân nghiêng đầu nhìn, trên đó viết:
Tôi, Ôn Mộng Khanh, hôm nay lấy được 40 đồng, đồng ý theo Khương Tố đến San Francisco. Lấy giá cả mỗi pound bằng năm đô la giao dịch với tiên sinh Hồng Văn Quân. Nếu tôi chạy trốn khỏi canh chừng thì suốt đời này tôi sẽ làm nô lệ.
“Giấy trắng mực đen, đồng ý ký tên. Đây là lớn nhất.”
Hoài Chân nhìn dấu vân tay đo đỏ ở dưới cái tên, rốt cuộc cũng biết vì sao Mộng Khanh lại tìm đến cái chết khi ở trên tàu.
Hồng Văn Quân chậm rãi cất tờ giấy kia đi, lại nói: “Có điều nếu ngươi nói đạo nghĩa với ta, thì ta cũng cho ngươi một cơ hội. Ta cũng không thể lỗ vốn chuyến đi được. Ngươi không muốn làm con dâu nhà họ Hồng, cũng không biết phải làm dâu nhà ai, vậy thì để tiền quyến định thay ngươi đi. Bảy giờ tối nay tại rạp hát tầng ở bên cạnh, cùng với mười bốn con nhãi kia, giá khởi điểm là mỗi pound năm đô la, người trả giá cao thì sẽ có được. Nếu ngươi có thể thoát thân từ chỗ ta, tìm được một chỗ dựa ngươi hài lòng, lúc ấy ta sẽ đốt khế ước bán thân này đi. Từ đấy trở đi ngươi sẽ là Quý Hoài Chân, không còn ai biết đến Ôn Mộng Khanh nữa. Ngươi có dám không?”
“Nếu trong vòng nửa năm cảnh sát đến cửa kiểm tra thì ngài cũng có thể giúp tôi, để tôi thành công có được thân phận công dân?”
Hồng Văn Quân cười phì, “Đương nhiên rồi, nhà họ Quý đã cầm tiền rồi thì không có đạo lý không làm việc. Có phải không hả bà Quý?”
La Văn lật đật đáp dạ.
Hoài Chân hơi nheo mắt, “Hồng gia nói được là làm được.”
Hồng Văn Quân cười nói, “Nếu ta lừa ngươi một lần, vậy từ nay về sau trên bốn mươi con phố trong thành Trung Quốc này còn ai tin ta nữa?”
Cô khẽ cắn răng, “Được.”
Hồng Văn Quân khép mắt lại, nằm dài trên ghế thoải mái rít một hơi thuốc.
Hoài Chân nhìn chằm chằm ông ta một lúc rồi quay đầu đi ra cửa. Khương Tố khoát tay với La Văn, cũng đuổi bà ta đi.
Khương Tố ra hiệu cho người phụ nữ đứng sau ghế đi đóng cửa lại. Đợi đến khi trong phòng không còn ai khác, bà ta không nhịn được hỏi: “Hồng gia, lúc trước dù ở trên tàu hay xuống tàu thì con bé nhà quê này cũng như khúc gỗ, không hề có miệng lưỡi lợi hại như vậy. Không biết vì sao…”
“Con bé nhà quê? Cô nhìn nó đi, ngay từ lúc đi vào mắt nó đã nhìn thẳng, không hề có vẻ sợ hãi, làm việc không lưỡng lự, rất biết bản thân muốn gì. Loại con gái như thế, gia đình bình thường cũng không nuôi dạy được.”
“Vậy người như thế, Hồng gia, ngài không muốn sao?”
“Đương nhiên muốn rồi, vì sao lại không muốn.”
“Vậy làm thế nào đây?”
“Nó không muốn kết hôn, chỉ đơn giản là không muốn gả cho người lạ. Hôm nay ở đầu đường San Francisco đây, gả cho ai mà không phải người lạ? Nó biết rõ về nước chỉ có một con đường chết, sao dám đi tìm lũ cảnh sát quỷ trắng mà tự chui đầu vào lưới? Trên phố người Hoa này, nếu biết con nhãi này là con dâu tương lai của Hồng gia ta, có ai dám cướp không? Nếu nó muốn có được thân phận ở phố người Hoa thì phải lập gia đình. Còn nếu nó thật sự gọi người lạ nào…”
“Thì sao?”
Hồng Văn Quân thở dài, cười nói: “Thằng Sáu tính cách ra sao, ta là người biết rõ nhất.”
***
Hoài Chân ra đến hành lang, mười mấy cô bé mới đến đang xúm quanh một người phụ nữ hỏi han.
Một cô gái hỏi: “Chị A Trà, chị nói ‘lần đầu’ là sao, có bị cha treo ngược lên đánh cho một trận không? Có bị mẹ dìm đầu xuống nước không?”
Gái tên A Trà nói: “Không có chuyện đó đâu.”
Mấy cô gái vui mừng ra mặt, “Thế thì tốt quá rồi. Đến San Francisco có ăn có ở, còn không bị đánh.”
Một người trong đó lại hỏi câu khác, “A Lịch, mẹ cô không đánh cô, cha cô cũng không đánh cô, vậy vì sao cô lại đến đây làm công?”
Người tên A Lịch bĩu môi, “Thì vì làm công đấy thôi. Làm việc lấy tiền, có tiền ăn hải sản, uống rượu vang. Ở Sán Đầu, đến chiếc áo lót cũng không có tiền mà mua.”
…
Hoài Chân nhanh chóng đi băng qua mấy cô gái này, lúc đi xuống lầu thì nghe La Văn đứng cuối hô to: “Nha đầu, mày làm điều ngu ngốc gì đấy hả?”
Bước chân Hoài Chân khựng lại, cô ngoái đầu lại.
La Văn chậm rãi đuổi theo, “Ai mua mày mà không như nhau?”
Hoài Chân cúi đầu nghĩ ngợi, cảm thấy bà ta nói có lý.
Làm vợ cho ai mà không phải làm vợ?
Ai mua mình mà không phải mua?
Liệu có ai coi tiền như rác chịu mua một người không có hộ khẩu ở San Francisco như mình, lại còn không đụng vào mình nhỉ?
Suy nghĩ một hồi, đột nhiên Hoài Chân nói, “Dì Quý, có thể cho cháu mượn chút tiền được không?”
La Văn mở miệng, “Tao đã nói với mày từ lâu rồi, tao không dám giúp mày chống lại Hồng gia đâu.”
Hoài Chân cười, “Cháu không mượn nhiều như thế. Cháu muốn biết, ở đâu có thể gọi điện thoại được?”
La Văn bất ngờ, chậm rãi nói như dò xét, “Ở phố Pacific có văn phòng điện báo điện thoại. Kết nối với đường dây trong thành phố thì ba phút ba xu, trong tiểu bang thì tám xu, trong nước một hào, nước ngoài một phút một đồng. Mày muốn bao nhiêu?”
Hoài Chân thoáng trầm tư, “Ba xu ạ.”