Dù biết dự án Ai cho vay của Hoa Vi thực chất chỉ là một vở kịch để mình mắc mưu, Oceanwide vẫn chính thức yêu cầu dừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan.
Đối với Oceanwide, ngoài thương vụ sáp nhập có hơi trắc trở ra thì mọi thứ đều thuận lợi.
Ngay sau khi gia nhập Oceanwide, Giáo sư Hồng Húc đã bắt đầu nghiên cứu các vấn đề khó giải quyết trong một số dự án về y tế thông minh. Kinh Hồng rất kỳ vọng vào sự thành công của các dự án này.
Phải hơn một tháng sau Kinh Hồng mới lại nghe về "Thanh Huy", ấy là trong một thương vụ M&A (mua bán & sáp nhập) xuyên biên giới mà Oceanwide đang tiến hành.
Trước đó Bộ phận Đầu tư của Oceanwide đã ngỏ ý mua lại Med-Ferry, một công ty về thiết bị y tế ở Thụy Điển. Trong thương vụ này, Triệu Hãn Thanh đứng ra chủ trì việc mua lại, JPMorgan Chase Thụy Điển là cố vấn tài chính và Mannheimer Swartling là cố vấn pháp lý.
Thụy Điển có lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp – sản xuất mạnh mẽ và thành công, là nơi đã cho ra đời Volvo, Ericsson, IKEA, H&M và nhiều công ty khác. Công nghệ trang thiết bị y tế của Thụy Điển cũng đi đầu thế giới, đóng góp cho nhân loại nhiều phát kiến quý giá như máy tạo nhịp tim, máy thở, thận nhân tạo, siêu âm, gây tê tại chỗ, vân vân. Tuy đà phát triển đang bị chững lại nhưng các công ty này vẫn có giá trị mua lại rất cao.
Đầu tiên Oceanwide mua lại 8,9% cổ phần của công ty. Sau đó, Oceanwide đề xuất mua lại 100% cổ phần của công ty để biến công ty này thành chi nhánh sở hữu toàn bộ của Oceanwide. Oceanwide đã đưa ra một mức giá chào mua công khai rất chân thành, lên tới 3,5 tỷ euro trước toàn thể cổ đông của công ty kia. Theo đó, giá niêm yết trên mỗi cổ phiếu cao hơn khoảng 20% so với giá cổ phiếu trung bình của công ty trong tháng qua và cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu trung bình trong 12 tháng qua.
Oceanwide chưa bao giờ đưa ra mức giá bất lợi cho đối tác.
Sau vài vòng đàm phán, Oceanwide đã chấp nhận nhiều điều khoản ngặt nghèo như "không sa thải nhân viên trong vòng 5 năm", "không cắt giảm lương", "đảm bảo sự độc lập và tự chủ của các tổ chức như công đoàn trong công ty",... Sau khi xem xét và nghiên cứu, hội đồng quản trị của công ty Thụy Điển đã chấp nhận lời đề nghị mua lại của Oceanwide. Hai bên cũng đã tiến hành ký kết các thỏa thuận liên quan.
Hội đồng quản trị của công ty đã đề nghị tất cả các cổ đông của công ty bán cổ phần của họ cho Oceanwide, đồng thời kêu gọi tất cả các cổ đông bỏ phiếu tán thành việc mua lại này tại một cuộc họp đại hội đồng cổ đông đặc biệt trong tương lai.
Tuy nhiên, giống như các thương vụ mua lại thông thường, thỏa thuận quy định thời gian chờ đấu thầu là 40 ngày. Trong thời gian đó, bên bán có thể go shop, lắng nghe ý kiến và chấp nhận phương án dự bị của bên thứ ba. Thỏa thuận cũng quy định, "cả bên mua và bên bán đều có thể rút khỏi giao dịch trên mà không cần thông báo trước".
Điều này cũng có nghĩa là, nếu trong vòng 40 ngày đó có bên mua khác đưa ra các điều kiện tốt hơn, ví dụ như báo giá cao hơn, thì thỏa thuận của công ty với Oceanwide sẽ bị vô hiệu hóa.
Đến thời điểm này, cả Kinh Hồng và Triệu Hãn Thanh đều cho rằng thương vụ này sẽ không phát sinh vấn đề ngoài ý muốn.
Mặc dù Mỹ, Đức và các nước khác đang cố gắng hạn chế các thương vụ M&A xuyên biên giới của nước ta vì lo ngại "chảy máu" công nghệ cao sang Trung Quốc, nhưng cho tới giờ Thụy Điễn vẫn không có động thái gì liên quan. Kinh Hồng và Triệu Hãn Thanh tự tin rằng thương vụ này sẽ thành công.
Nhưng đến một ngày nọ, mọi thứ đột nhiên thay đổi.
"Tổng Giám đốc," Triệu Hãn Thanh nói, "Có việc này, nhưng hẳn anh cũng dự đoán được rồi."
"Hửm?" Kinh Hồng nghiêm túc lắng nghe, "Đã xảy ra chuyện gì?"
"Là vụ mua lại Med-Ferry," Triệu Hãn Thanh nói, "Hôm qua Thanh Huy đã chen chân vào thương vụ này. Bên đó với bên ta lại đánh nhau rồi."
"..." Vậy mà Kinh Hồng lại không thấy ngạc nhiên cho lắm.
Quả nhiên Oceanwide và Thanh Huy lại tranh giành nhau thương vụ mua lại công ty Thụy Điển này.
Tính tới hôm nay, 40 ngày chờ đấu thầu chỉ mới trôi qua một tuần.
Nửa năm vừa rồi, Oceanwide và Thanh Huy đã có vài lần nhắm cùng một mục tiêu, và lần nào cũng gây mưa to gió lớn. Med-Ferry là một trong số ít công ty nước ngoài rất phù hợp để các ông lớn Trung Quốc thực hiện thương vụ M&A. Một khi đã bỏ lỡ mục tiêu này thì sẽ rất khó để đợi được cơ hội tiếp theo.
Trước hết, Med-Ferry là nhà sản xuất thiết bị y tế có lâu đời và có tiếng ở Châu Âu, sở hữu nhiều nguồn lực bệnh viện. Mà cả Oceanwide và Thanh Huy đều đang triển khai nghiên cứu phát triển các sản phẩm y tế thông minh, chẳng hạn như robot phẫu thuật, robot "bộ xương ngoài" và ứng dụng AI phục vụ chẩn đoán bệnh dựa trên hình ảnh – công nghệ đang là xu hướng hiện nay... Các sản phẩm nội địa vẫn có lợi thế cạnh tranh về giá cả, nhưng để xuất khẩu thị trường nước ngoài, yếu tố tiên quyết là phải xây dựng được kênh bán hàng phù hợp cũng như phải có nguồn lực bệnh viện lớn. Tuy gầy đi nhưng lạc đà vẫn là lạc đà, Med-Ferry là một công ty lớn, dù những năm gần đây đã có phần suy yếu đi nhưng nguồn lực của công ty vẫn còn đó.
Tiếp theo, mặc dù hoạt động kinh doanh chính đang xuống dốc nhưng trước đó Med-Ferry đã mua lại một công ty chuyên nghiên cứu ứng dụng của AI trong sản xuất thuốc. Cho tới hiện tại, tình hình phát triển của công ty này vẫn rất khả quan. Công ty làm rất tốt trong việc xác định mục tiêu y sinh và hợp chất cần dùng. Công ty vừa thông báo đã phát hiện một mục tiêu y sinh mới của căn bệnh nào đó và đưa ra hợp chất phù hợp với mục tiêu đó. Rất nhiều ông lớn dược phẩm đã ngỏ ý hợp tác và muốn đặt hàng của công ty. Công ty này đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền của Med-Ferry, hoàn toàn có thể bù đắp vào khoản đầu tư mà Med-Ferry đã bỏ ra để mua lại công ty này. Vẫn là câu nói đó, có thể tiết kiệm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Cuối cùng, có thể thấy rằng các thương vụ mua lại xuyên biên giới ở Mỹ và các nước châu Âu ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn. Chăm sóc y tế và trí tuệ nhân tạo đều là những ngành nhạy cảm. Chính vì vậy, cả Oceanwide và Thanh Huy đều muốn nhân giai đoạn này để giành lấy một công ty Âu Mỹ.
Triệu Hãn Thanh nói: "Mức giá mà Thanh Huy đưa ra cao hơn chúng ta một chút. Giờ Med-Ferry nói nếu bên ta không đưa ra được mức giá cao hơn thì có lẽ họ sẽ hủy bỏ đề xuất với chúng ta để chấp nhận mức giá của Thanh Huy."
"Ừm." Kinh Hồng hỏi, "Thương vụ này anh chắc chắn không?"
"Hẳn là có thể thắng." Triệu Hãn Thanh đáp, "Oceanwide và Thanh Huy có nguồn lực tài chính ngang nhau. Nếu Thanh Huy nâng báo giá, chúng ta cũng có thể nâng theo, bởi ngân sách dự chi của hai bên cũng tương đương. Trong những lần cạnh tranh trước đây, mức báo giá hai bên đưa ra cũng không chêng lệch nhiều."
Kinh Hồng im lặng lắng nghe.
Triệu Hãn Thanh lại tiếp tục phân tích: "Nhưng vấn đề là Med-Ferry có các thiết bị y tế phục vụ cấy ghép chỉnh hình và y học tái tạo, mà Thanh Huy từng mua lại một công ty chuyên ứng dụng công nghệ in 3D kim loại trong phẫu thuật y tế..."
"Tôi biết," Kinh Hồng nói, "Là Y tế Vị Khang phải không."
"Đúng vậy," Triệu Hãn Thanh gật đầu, "Năm nay nhiều sản phẩm thiết bị y tế của Y tế Vị Khang đã được cấp chứng nhận FDA và CFDA (*), như đốt sống lưng nhân tạo chẳng hạn. Công ty này đang có dự định xin niêm yết ở Hồng Kông để lấy được danh hiệu "". Theo tôi nghĩ, sau khi có được Med-Ferry, Thanh Huy hẳn sẽ muốn tách công ty này thành hai công ty độc lập: một chuyên kinh doanh và một chuyên phân phối. Hiện tại bộ phận phụ trách phân phối của Med-Ferry đang chịu nhiều hạn chế, nếu hoạt động phân phối sản phẩm được tiến hành độc lập thì hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ tốt hơn, bởi mặt hàng tiêu thụ không còn bị giới hạn chỉ trong sản phẩm của công ty nữa. Tôi đoán Thanh Huy cũng đang rất mong có thể mượn kênh bán hàng của Med-Ferry để mở cửa thị trường châu Âu cho các sản phẩm của Y tế Vị Khang."
(*) Truyện đang diễn ra ở bối cảnh 2017. Đến năm 2018, CFDA đổi tên thành NMPA.
Kinh Hồng: "Tiếp tục đi."
Triệu Hãn Thanh nói tiếp: "Có thể Thanh Huy sẽ còn muốn cải tổ và hợp nhất hai công ty, chẳng hạn như cắt bỏ các dòng sản phẩm không đạt yêu cầu của Med-Ferry rồi sử dụng luôn nhà máy đó làm nhà máy của Y tế Vị Khang ở thị trường châu Âu. Như vậy có thể tận dụng luôn cơ sở vật chất và các trang thiết bị nhà máy có sẵn như thiết bị điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, rồi nhà kho nữa." Triệu Hãn Thanh khoa tay, "Điều này sẽ giúp Y tế Vị Khang tiết kiệm rất nhiều chi phí để dốc toàn lực cho vụ niêm yết lên sàn Hồng Kông. Thực tế mà nói, tôi nghĩ một trong những lý do quan trọng nhất khiến Thanh Huy muốn mua lại Med-Ferry là để giúp Y tế Vị Khang niêm yết cổ phiếu. Cái danh 'cổ phiếu đầu tiên của thị trường máy in 3D' sẽ giúp Thanh Huy có được vị trí dẫn đầu trong ngành và đảm bảo được thị trường này. Đây cũng sẽ là lợi thế của Thanh Huy ở các thương vụ mua bán sáp nhập M&A trong tương lai."
Kinh Hồng gật đầu: "Đúng là như vậy."
"Nhưng," Triệu Hãn Thanh lại nói, "Oceanwide không cần thiết phải cải tổ hay chia tách Med-Ferry ngay lập tức. Các cuộc đàm phán phía trước cho thấy ông chủ của Med-Ferry vẫn muốn duy trì một số thứ trong công ty thay vì đổi mới hoàn toàn, bằng không họ đã không đưa ra những điều khoản như "không sa thải nhân viên trong vòng 5 năm", "không cắt giảm lương", "đảm bảo sự độc lập và tự chủ của các tổ chức như công đoàn trong công ty"... Bởi cho dù đổi chủ, Med-Ferry vẫn là bao tâm huyết của các nhà sáng lập ra nó. Những yêu cầu này của Med-Ferry, Thanh Huy chắc chắn sẽ không đáp ứng được, vì một trong những mục đích lớn nhất khi Thanh Huy mua lại công ty này là để cải tổ nó. Một khi rơi vào tay Thanh Huy, Med-Ferry chắc chắn sẽ bị chia năm sẻ bảy. Cũng phải nói đến phong cách làm việc của Chu Sưởng nữa, cũng mạnh mẽ và tự cao y như chúng ta vậy. Vậy nên, trong trường hợp báo giá không có nhiều chênh lệch, Oceanwide đương nhiên sẽ có lợi thế hơn."
"Tôi hiểu được." Kinh Hồng gật đầu, "Mọi người tiếp tục đi. Vất vả rồi."
Triệu Hãn Thanh đáp: "Vâng thưa Tổng Giám đốc."
Nói thì nói vậy, nhưng Kinh Hồng lại cảm thấy vụ mua lại này sẽ không suôn sẻ như Triệu Hãn Thanh kỳ vọng.
Chu Sưởng kia sẽ ứng đối với Oceanwide như thế nào đây.
*
Sau khi Triệu Hãn Thanh rời đi, Kinh Hồng thấy hơi mệt.
Oceanwide vẫn phải có một CSO (Giám đốc chiến lược). Hiện tại Kinh Hồng đang là Tổng Giám đốc điều hành cấp cao của Oceanwide kiêm Giám đốc Bộ phận Phát triển kinh doanh, việc kiêm nhiệm hai vị trí quan trọng có phần làm anh cảm thấy quá sức.
May là Giám đốc Bộ phận Hành chính – nhân sự đã tìm được một ứng cử viên sáng giá rồi. Nghe nói đó là Giám đốc điều hành chuyên phụ trách mảng đầu tư vào mạng toàn cầu của trụ sở chính của Goldman Sachs.
Sau khi tin tức được tiết lộ, người trong ngành đã nói đùa rằng Bộ phận Đầu tư của Oceanwide chính là Goldman Sachs chi nhánh Hải Điến, Bắc Kinh.
Lúc xong việc đã là mười giờ tối nhưng Kinh Hồng không về luôn. Anh hẹn một cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp đã nghỉ hưu ra chơi vài set trên sân quần vợt của Oceanwide.
Sân chơi quần vợt của Oceanwide có chất lượng mặt sân rất tốt.
Trong biệt thự ngoại ô của Kinh Hồng và biệt thự của Kinh Hải Bình cũng có sân quần vợt, nhưng anh không mấy khi qua đó mà thường ở Trúc Hương Thanh Vận nên sân quần vợt mà Kinh Hồng thường sử dụng nhất vẫn là sân của Oceanwide.
Quần vợt là môn thể thao mà Kinh Hồng giỏi nhất. Anh đã bắt đầu chơi quần vợt từ năm sáu tuổi. Hồi đó anh theo học một huấn luyện viên quần vợt của một trường thể thao ở Bắc Kinh mà cha anh quen, sau khi gia đình phất lên, anh đổi sang một huấn luyện viên chuyên nghiệp của đội tuyển Bắc Kinh. Phong cách của Kinh Hồng là kiên nhẫn và bền bỉ. Khi gặp phải một đối thủ khó nhằn, anh có thể vung vợt đánh du kích đến khi đối phương không chịu được nữa thì thôi.
Anh không thích chơi cho vui, một khi đã chơi là phải có được thành tựu.
Hồi học đại học Kinh Hồng cũng là thành viên của đội tuyển quần vợt của trường. Nhưng những tay vợt trong đội tuyển trường đa phần đều là những người chơi chuyên nghiệp, có nhiều người còn dự định chuyển nghề sau khi tốt nghiệp nên Kinh Hồng cũng biết thời biết thế, đánh thua cũng không có gì phải buồn bực. Sau khi anh thường đánh đôi một đồng đội khác trong tuyển, hai người ngày nào cũng tập luyện với nhau. Khi học năm ba anh đã cùng đội tuyển trường vô địch môn quần vợt tại Giải Vô địch Thể thao Sinh viên Mỹ (NCAA).
Quần vợt cũng là thứ khiến Kinh Hồng ý thức được rõ hơn thế nào là "người giỏi hơn người". Nhiều năm sau nhìn lại, Kinh Hồng mới nhận ra những đồng đội mà anh đánh không lại năm đó là những người tài giỏi xuất sắc đến mức nào. Điển hình như hạt giống số 1 của tuyển, mấy năm nay anh ta đã leo lên được vị trí thứ 141 trên bảng xếp hạng của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp ATP.
Ngoài quần vợt, Kinh Hồng còn tập taekwondo. Anh đặt mục tiêu cho từng giai đoạn luyện tập của mình, tuy trong quá trình gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng anh vẫn đạt được mục tiêu đã định.
Anh luôn đặt mục tiêu cho mình, nhưng sẽ không đặt những mục tiêu phi thực tế.
Kinh Hồng thích dopamine, thích endorphin, vậy nên anh thích thể thao, cũng thích cả cảm giác thành công.
Kinh Hồng chưa bao giờ thích những thứ thuộc phạm trù nghệ thuật. Một là bởi nghệ thuật không có "thắng thua", không có "trên dưới". Nghệ thuật chỉ có tương đối, không có tuyệt đối. Hai là vì anh cũng không có thiên phú ở lĩnh vực này, trong công việc anh cũng chưa vào giờ nhúng tay vào các thiết kế UI của sản phẩm.
Sau khi chơi quần vợt, Kinh Hồng không tắm rửa ở Oceanwide mà về thẳng Trúc Hương Thanh Vận.
Về đến nhà, sau khi đóng cửa, Kinh Hồng ném bộ đồ bẩn vào trong rổ giặt ở phòng vệ sinh rồi bước vào buồng tắm, vặn vòi hoa sen ra.
Tia nước ấm từ vòi dội xối xả lên lưng anh.
Kinh Hồng đứng dưới tia nước của vòi sen, trong một thoáng trống rỗng, anh bất giác nghĩ tới vụ mua lại Med-Ferry.
Lại đụng đầu Chu Sưởng... Kinh Hồng nghĩ: Cái tên Chu Sưởng này đúng là phiền.
Lần nào đụng phải Chu Sưởng cũng là trong dự án đầu tư chiến lược quan trọng hàng đầu của tập đoàn, hết Côn Bằng rồi đến Med-Ferry.
Lần này Kinh Hồng không muốn thua nữa. Anh không muốn thua, Oceanwide cũng không muốn thua.
Anh không thích cảm giác bị áp đảo.
Kinh Hồng nhớ lại lời cô em họ tối qua, cô nàng nói hai người "như nước với lửa". Anh như nước, Chu Sưởng thì như lửa.
Những lời này khiến anh nhớ tới cuộc chiến giữa Cộng Công và Chúc Dung trong thần thoại Trung Hoa. Thủy thần Cộng Công mang quân làm phản thiên đình, bị Hỏa thần Chúc Dung đánh bại. Cộng Công vừa thẹn lại vừa phẫn, liền đâm đầu vào Bất Chu Sơn. Nhưng Bất Chu Sơn lại là cây cột chống trời. Cột bị gãy, thiên địa hỗn loạn, bầu trời thủng một lỗ đen. Nữ Oa phải dùng ba vạn viên đá ngũ sắc để vá lại bầu trời.
Tắm xong, Kinh Hồng bước ra khỏi buồng tắm. Anh lau người cho ráo nước rồi quấn khăn tắm quanh hông. Anh đi đến chỗ bồn rửa mặt, chống tay lên mặt đá hoa cương rồi lặng lẽ nhìn mình trong gương.
Sẽ thua sao?
Một lần nữa?
Anh không bằng Chu Sưởng ư?
Không thể nào.
Hơi nước của phòng vệ sinh khiến hình ảnh Kinh Hồng trong gương trở nên mờ nhòe.
Trong gương, nửa thân trên của anh để trần, nước da thiên trắng. Cơ ngực, cơ bụng và các đường nét trên cánh tay hiện lên lờ mờ, thân hình trẻ trung cường tráng, đang độ sung mãn nhất.
Mà người kia cũng đang ở trong những năm tháng phong độ nhất của cuộc đời.
Trong bất giác, Kinh Hồg chợt duỗi ngón tay ra, viết hai chữ "Chu Sưởng" lên trên mảng mù sương của tấm kính.
Tên cũng như người, ẩn giấu khí thế áp đảo người khác.
Ngón tay anh lướt trên mặt gương, chạm đến đâu hơi nước đọng biến mất đến đấy. Bóng dáng Kinh Hồng hiện lên trong từng nét chữ của cái tên "Chu Sưởng".
Kinh Hồng nhìn cơ thể bán khỏa thân của mình trong mười bảy nét bút của cái tên "Chu Sưởng".
Vì hơi nước nên trong gương, phần lớn dáng hình cơ thể anh chìm trong sương mờ, chỉ có những mảng da thịt hiện lên trong mười bảy nét chữ này là rõ ràng.
Dường như Kinh Hồng đang thông qua người đàn ông ấy để nhìn chính mình, cũng là để quan sát thật kỹ bản thân.
Hoặc có thể nói, người đàn ông này như một tấm gương phản chiếu, chỉ khi thông qua hắn, Kinh Hồng mới có thể thấy được một "tôi" rõ ràng nhất.
Một lúc lâu sau, Kinh Hồng chợt bừng tỉnh, anh gạt tay xóa đi hai chữ "Chu Sưởng" trên gương, không để nó lưu lại một vết tích nào.
Tim đập như trống dồn.
Thình thịch thình thịch từng tiếng như hòn đá ném vào hồ nước tĩnh lặng đã lâu.