Mục lục
Đông A Nông Sự
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


Đoàn người lục tục xuống núi, hướng thẳng vị trí trên bản đồ.

Đến một vùng đầm lầy u tối.

Bách nhìn quanh thì đúng vùng này là vùng chữ Cao trên bản đồ rồi, chỉ là sao vắng vẻ thế này? Lúc này trời đã nhá nhem.

Y ngưng thần nhìn qua, muốn nhận rõ phương hướng, lại nhìn thấy có một ánh đèn.

Đã có đèn lửa, ắt có người.

Bách rất mừng rỡ, để quân Thánh Dực lại bên ngoài hạ trại, cùng Trần Cung và Thái Đường đi thẳng về phía có ánh đèn.
Đi thêm được khoảng một dặm thì biết mình thất thố rồi, vốn chỉ muốn tìm đến nơi có người để hỏi han nên không sai bọn lính đi, nhưng càng đi càng chỉ thấy bốn phía toàn là lau sậy tối om.
Một khi đã vào vùng lau sậy thì không thể nào đi thẳng, đường nhỏ trong đầm lầy rẽ đông quẹo tây có lúc chợt che khuất luôn ánh đèn.

Đi một lúc thì thấy như ánh đèn phía trước, đột nhiên lại ở phía sau, liên tiếp mấy lần như thế.

Bách quay lại nhìn Trần Cung, không nhận rõ được ánh đèn ở chỗ nào nữa.

Trần Cung điềm tĩnh nói:
- Cứ đi thế này không phải là cách.

Hầu gia và công chúa cứ ở yên đây, để ta đi thám thính trước, tìm được ánh đèn sẽ thổi còi báo hiệu, hai người theo tiếng còi mà đến.
- Trần huynh cẩn thận.
Trần Cung tay nắm chặt đơn đao, bước vào vùng cỏ cây um tùm.

Bách và Thái Đường kiên nhẫn chờ hồi lâu không thấy hắn quay lại, lo sợ bắt đầu dâng lên.

Hắn nắm lấy tay Thái Đường nói:
- Trời ngày một tối, không thể ngồi trong rừng sâu chờ sáng được, ta với nàng cùng đi về phía trước.
Thái Đường khẽ gật đầu.


Hắn lấy la bàn của mình ra, định rõ phương hướng rồi từ từ tiến bước.

Cỏ cây có thể che lối gây ra ảo giác nhưng hắn tin la bàn thì không, cứ nhằm hướng đông mà đi tới.

Thái Đường nắm chặt tay hắn, khuôn mặt có chút ửng đỏ.

Hắn kiên định đi theo la bàn thì không đầy thời gian uống cạn một chén trà, ngọn đèn đã hiện ra trước mắt.
Bách cả mừng định chạy thẳng về phía trước.

Thái Đường vội kêu lên "Không được!".

Bách giật mình kêu lên một tiếng, hai chân đã đạp xuống bùn lún sâu tới gối, vội nhảy ngược lại, rút chân khỏi hố, hai chân vừa rút khỏi bùn thì một mùi hôi thối xông lên nồng nặc, nhìn ra phía trước thấy có ba gian nhà trong một làn mù trắng, ánh đèn là từ đó hắt ra.

Bách cao giọng gọi:
- Chúng tôi là khách qua đường, xin chủ nhân cho mượn chỗ nghỉ ngơi, xin chén nước uống.
Qua hồi lâu trong nhà vẫn yên ắng không có tiếng động, Thái Đường lại gọi lần nữa vẫn không có ai trả lời.

Gọi đến lần thứ ba mới nghe trong nhà tranh có tiếng người:
- Các ngươi đã tới được đây ắt có bản lĩnh vào nhà, chẳng lẽ còn chờ ta ra đón à?
Giọng nói lạnh lùng dị thường, tỏ ý không thích người ngoài tới quấy rầy.

Bách thấy người này kiêu ngạo như vậy, lấy làm bực tức, nhưng hiềm một nỗi phải qua được đầm lầy rồi mới vào nhà.

Lại nhìn bên cạnh có một bàn đá lớn trong một phương đình.

Đành nắm tay Thái Đường vào đấy ngồi.

Nàng từ này vẫn nắm tay Bách, giờ ngồi vào đây, thoát ly khỏi tay hắn, cúi mặt xấu hổ.
Bách nhìn quanh quất một hồi, lại thấy trên bệ đá có một cái hộp.

Giống hệt như cái hộp mật mã của Cao lỗ ở Kinh thành.


Bèn cầm lên xoay một lúc.

Xoay đủ các mặt cùng màu, chiếc hộp rời ra, để lộ bên trong một tấm da.

Thái Đường ghé mắt nhìn thì thấy trên này ghi “đi chếch qua trái bốn bước rồi thẳng ba bước, lại đi chếch qua phải bốn bước.

Cứ thế đi thẳng rồi rẽ, không được bước sai"
Hắn vững tin, nắm tay Thái Đường về phía đầm lầy.

Theo lời bước đi, quả nhiên chỗ đặt chân đều có cọc gỗ đóng xuống bùn.

Hắn dò dẫm bước qua, lại nhẹ nhàng đỡ Thái Đường theo sau.

Cứ thẳng ba bước chếch bốn bước tiến lên, được một trăm mười chín bước thì vòng qua trước gian nhà.
Bách đắc chí gọi lớn “Khách nhân mạo muội tiến vào, quả thật là bất đắc dĩ, xin chủ nhân rộng lượng bao dung".

Nói đoạn tự mở cửa bước vào sảnh đường.
Bách vừa vào thì đèn đuốc bỗng sáng choang.

Phía trong có khoảng chục người cả nam lẫn nữ.

Trên ghế chủ nhà, một lão nhân già khọm chừng 7,80 tuổi, tóc bạc như cước, bên cạnh là một trung niên và một thanh niên đậm người, tướng tá nhang nhác nhau, phía sau là mấy phụ nhân, ai nấy xinh đẹp vô cùng.

Bách chắp tay:
- Tại hạ là Hoàng Bách, xin được ra mắt hậu nhân của Cao tướng quân.
Lão nhân cười:
- Quả nhiên, chờ đợi một ngàn năm cũng có kết quả.

Ngươi là người đã phá được hộp khoá mật mã của tổ tiên để lại.
- Tại hạ may mắn phá được hộp khoá ở đình Ái Mộ, theo chỉ dấu trong bản đồ về đây để tìm Cao gia.


Mời Cao gia nhập thế để phò vua giúp nước.
- Mã khoá này khi tổ tiên ta truyền lại cho đệ tử ở làng Ái Mộ.

Ngài nói, lúc có người giải được hộp mã này thì cũng là lúc Cao gia ta xuất đầu lộ diện.

Ngươi hôm nay giải được mã khoá, phá được cái gông xiềng đeo trên cổ Cao gia ngàn năm, chính là ân nhân của Cao gia ta.
Bách tròn mắt ngạc nhiên:
- Như vậy, Cao gia ngài đã ở đây ngàn năm rồi sao?
- Cũng không phải ở đây hoàn toàn, thỉnh thoảng cũng có hậu nhân ra ngoài kinh lịch.

Nhưng phải dùng danh tự khác để che mắt thiên hạ.

Ngàn năm ẩn cư thì có đến chín trăm năm Bắc thuộc, các thế hệ Cao gia có lòng giúp nước nhưng vì tổ huấn mà chỉ trong bóng tối động chút chân tay thôi.
Lại nhìn sang Thái Đường, nhẹ nhàng nói:
- Tiểu nữ không nhận ra ta sao?
Thái Đường nhìn ông một hồi, như nhớ ra điều gì, bịt miệng nói:
- Gia gia, … đúng là ngài rồi.
Lão nhân vuốt râu cười:
- Cô bé năm xưa đã lớn lên xinh đẹp thế này rồi.

Tốt lắm! thế mới xứng với truyền nhân của Cao gia ta chứ?
Lúc này người trung niên đứng ra chắp tay chào Bách:
- Ta là Cao Điền Công, xin được hỏi ân công dùng cách nào phá giải được mã khoá của tổ tiên ta.
- Không dám! Ta may mắn được sư phụ dạy bảo, chơi trò chơi này từ bé nên có chút tâm đắc.

Lúc đầu dùng phương pháp giải gồm 7 bước dựa vào việc tạo hình chữ thập đồng màu ở mặt trên cùng.

Sau ta nghĩ ra cách thứ hai chỉ cần 4 bước, cách này phân hộp khoá ra thành các lớp, và giải tầng lớp mà không làm xáo trộn các mảnh sẵn có.
- Vậy ân công dùng thời gian bao lâu để giải hộp khoá.
- Hộp khoá này to lớn, không dễ di chuyển, giờ ta cần một phần ba khắc.

Còn nếu là loại hộp khoá nhỏ vừa tay có thể chỉ cần một phần năm khắc.
Đằng sau có một thanh niên nói chen vào:
- Xin hỏi sư phụ công tử là ai?
- Thầy ta xưng mình là Ái Quốc, biệt hiệu là Nam Sơn.
- Nam Sơn ư? Ta chưa từng nghe tiếng.


Công tử nói giải được mã khoá là do sư phụ dạy bảo?
- Những trò này là trò chơi nhỏ thôi, khi chưa biết thì thấy có vẻ kỳ ảo, biết rồi thì thấy nó cũng chỉ là tiểu thuật.
Người thanh niên nói tiếp:
- Công tử nói vậy chỉ e quá kiêu ngạo.

Hộp khoá này là tâm sức của tổ tiên ta, sao gọi là tiểu thuật được.
- Ta nào dám chê bai công sức của tiền nhân.

Chỉ là kiến thức trong thiên hạ nhiều vô kể, không tiến ắt lùi.

Nếu chỉ khư khư một tiểu thuật, há chẳng phải nông cạn sao? Như cái khoá này chẳng hạn.

Nếu không biết nó thì ngàn năm không phá được.

Nhưng nếu đã tìm ra phương pháp thì ta đảm bảo chỉ dạy một đứa trẻ 6,7 tuổi một lượt là nó có thể phá giải.
Người thanh niên tức giận:
- Ngài quá kiêu ngạo rồi!
Lão nhân trên ghế cũng tỏ vẻ không vui, nhưng nghĩ mình là chủ nhà, lại đang mang ơn người ta, không thể thất lễ được nên nói:
- Trường Cung, con không được vô lễ.
Lại quay sang chỗ Bách:
- Ân công nói như vậy, có vẻ là người thông thạo toán thuật, bác vật học.
Bách thầm nghĩ, “Muốn mời Cao gia về dạy học ở Bác vật học phủ thì không thể khiêm tốn được.

Phải dùng tài phục họ thì sau này Cao gia mới ra sức”.

Hắn ưỡn thẳng lưng:
- Về toán thuật và bác vật học thì thầy ta chính là hành gia một đời.

Ta được sư phụ chỉ bảo từ bé, tự tin nắm chắc những môn này.
- Hay lắm! vậy hôm nay Cao gia thỉnh giáo ân công một chút.

Để xem kiến thức tổ tiên truyền lại ngàn năm nay còn hữu dụng hay không?
- Ta cũng có ý này! Cung kính không bằng tuân mệnh.
- Vậy mời ân công.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK