Mục lục
Tiếu Ngạo Giang Hồ
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lão cao gầy mặc áo bạch bào

Phương Chứng đại sư hơi nghiêng mình, giơ tay phải lên nói:

- Thiếu hiệp miễn lễ. Mời thiếu hiệp ngồi.

Lệnh Hồ Xung lạy xong ngồi xuống bồ đoàn mé dưới Phương Sinh.

Chàng thấy Phương Chứng phương trượng vẻ mặt sầu khổ, không hiểu người đã bao nhiêu tuổi, chàng hồi hộp trong lòng nghĩ thầm:

- Không ngờ vị cao tăng lừng lẫy tiếng tăm trên đời này mà dong mạo chẳng có vẻ chi ghê người.

Nếu gặp đại sư ở ngoài chùa thì không ai ngờ đây là chưởng môn một phái lớn nhất võ lâm.

Phương Sinh đại sư nói:

- Lệnh Hồ thiếu hiệp sau ba tháng điều trị nay đã khá nhiều rồi.

Lệnh Hồ Xung kinh hãi nghĩ thầm:

- Té ra mình hôn mê đã ba tháng trời mà cứ tưởng mới mười mấy ngày.

Phương Sinh nói:

- Hay lắm!

Rồi quay sang bảo Lệnh Hồ Xung:

- Thiếu hiệp! Tôn sư Nhạc tiên sinh cầm quyền phái Hoa Sơn là người nghiêm nghị thẳng thắn, thanh danh lừng lẫy giang hồ. Lão tăng vẫn hết lòng kính phục.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Không dám! Vãn bối bị trọng thương, mê man chẳng biết gì, nhờ được Phương Sinh đại sư cứu chữa đã hơn ba tháng. Chắc sư phụ cùng sư nương vãn bối vẫn bình yên?

Kể ra sư phụ cùng sư nương chàng có bình yên hay không, chàng chẳng nên hỏi người ngoài.

Nhưng lòng chàng mong nhớ lâu ngày không nhịn được mà buột miệng hỏi Phương Chứng đại sư.

Phương Sinh đỡ lời đáp:

- Nghe nói Nhạc tiên sinh, Nhạc phu nhân và bọn đệ tử phái Hoa Sơn hiện giờ ở Phúc Kiến.

Lệnh Hồ Xung yên tâm nói:

- Ða tạ đại sư có lòng chỉ bảo.

Phương Chứng nói:

- Lão tăng nghe Phương Sinh sư đệ nói kiếm thuật của thiếu hiệp đã tinh thâm tuyệt diệu và được chân truyền của Phong lão tiên sinh về môn "Ðộc cô cửu kiếm". Thật là đáng mừng! Phong lão tiên sinh qui ẩn đã lâu, lão tăng tưởng lão nhân gia tạ thế rồi, mà té ra người vẫn còn sống ở nhân gian, khiến người nghe tin vui mừng khôn xiết.

Lệnh Hồ Xung nghe Phương Chứng nói vậy, chàng chỉ "dạ" một tiếng rồi nghĩ thầm trong bụng:

- Kể vai vế thì Phong thái sư thúc đứng vào bực trên hai vị cao tăng chùa Thiếu Lâm này. Hai vị còn phải kêu lão nhân gia bằng tiền bối mới phải.

Phương Chứng hai mắt hé mở nói:

- Sau khi bị thương thiếu hiệp lại gặp những người điều trị lầm lẫn nên nỗi trong người có nhiều luồng chân khí dị chủng xung kích nhau mà khó bề hòa tán được. Phương Sinh sư đệ đã nói cho lão tăng biết một cách tường tận. Lão tăng đã tham khảo kỹ càng thì chỉ còn cách luyện tập "Dịch cân kinh", một môn nội công kỳ bí của bản phái, mới có thể dùng công lực bản thân để hóa giải dần dần.

Bằng dùng ngoại lực miễn cưỡng điều trị thì tuy có thể kéo dài cuộc sống cho thiếu hiệp được thêm ít

ngày, mà thực ra chẳng khác gì lấy nước muối uống cho đỡ khát, mối họa càng sâu xa hơn. Phương Sinh sư đệ đã đem công lực trút vào để cứu mạng thiếu hiệp trong ba tháng nay, thế là trong người thiếu hiệp lại thêm một luồng chân khí dị chủng nữa. Thiếu hiệp thử vận khí mà coi sẽ rõ.

Lệnh Hồ Xung khẽ vận chân khí quả nhiên thấy khí huyết trong huyệt đan điền bành trướng lên.

Nếu không tự kiềm chế được thì cơn đau công kích trái tim kịch liệt đến toát mồ hôi trán.

Phương Sinh chắp tay nói:

- Bần tăng bất tài khiến cho thiếu hiệp thêm phần đau khổ.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Sao Ðại sư lại nói vậy? Ðại sư đã vì vãn bối mà tận tâm kiệt lực, hao tổn đến nhiều công việc thanh tu. Vãn bối còn sống được phải đền ơn tái tạo của đại sư.

Phương Sinh đáp:

- Bần tăng không dám. Ngày trước Phong lão tiên sinh đã thi ân cho lão tăng nhiều lắm. Hành động của lão tăng chẳng qua gọi là báo đáp lão tiên sinh trong muôn một.

Phương Chứng ngững đầu lên nói:

- Còn chi nói đến chuyện ơn cao đức cả, thù sâu hận lớn? Ân đức là cơn duyên, còn cừu hận không nên để vào lòng. Bao nhiêu việc trần tục đều như khói tỏa mây bay. Sau cuộc trăm năm chẳng còn đâu là ân đức, cừu thù.

Phương Sinh đáp:

- Dạ! Ða tạ những lời chỉ điểm của sư huynh.

Phương Chứng thủng thẳng nói:

- Ðệ tử nhà phật lấy từ bi làm gốc. Thiếu hiệp đã bị thương như vậy, bọn lão phải tận tâm giải cứu. Pho "Dịch cân kinh" đó là của Ðạt Ma lão tổ sáng chế ra. Thiền nông nhị tổ Tuệ Khả đã lượm được ở dưới chân tường, chỗ lão tổ diện bích. Tuệ Khả đại sư nguyên pháp danh là Thần Quang, người thành Lạc Dương, thông suốt Khổng học và Lão học từ thuở nhỏ. Hồi Ðạt Ma lão tổ trụ trì ở bản tự, Thần Quang đại sư lên chùa xin thụ giáo thêm. Ðạt Ma lão tổ thấy những điều sở học của đại sư rất phức tạp mà đại sư lại ỷ mình thông minh, khó bề giác ngộ thiền lý, nên đã cự tuyệt không muốn thu nạp, Thần Quang đại sư năn nỉ mãi, thủy chung vẫn không được nhập môn. Thần Quang đại sư thấy mình năn nỉ cách nào Ðạt Ma lão tổ cũng không chấp thuận liền vung kiếm lên tự chặt đứt cánh tay trái.

Lệnh Hồ Xung ối" lên một tiếng rồi lẩm bẩm:

- Thần Quang đại sư kiên quyết đến thế ư?

Phương Chứng đáp:

- Ðạt Ma lão tổ thấy Thần Quang thành khẩn như vậy mới thu làm đệ tử và đổi pháp hiệu là Tuệ Khả. Sau đại sư được lão tổ truyền chức làm Thiền Tôn pháp thống. Ðời Tùy có nhà sư được phong làm Thiền Tôn phổ giác đại sư chính là vị này. Tuệ Khả nhị tổ lượm được "Dịch cân kinh" viết bằng chữ Phạm, nghĩa lý rất uyên thâm. Khi lượm được di kinh thì Ðạt Ma lão tổ đã viên tịch rồi nên không hỏi ai được. Nhị tổ nghĩ rằng Ðạt Ma lão tổ diện bích chín năm mới lưu lại cuốn kinh này thì dù kinh văn sơ sài, song nhất định không phải chuyện tầm thường. Thế rồi ngài đeo kinh lên lưng đi khắp danh sơn thắng cảnh tìm kiếm cao tăng để nhờ giải thích. Nhưng hồi đó nhị tổ đã là một vị cao tăng đắc đạo đương thời, khổ tâm suy nghĩ còn chưa hiểu được. Vậy thì việc tìm kiếm một bậc diệu pháp cao thâm hơn Nhị tổ lại càng khó khăn. Vì thế mà hơn 20 năm những điều bí ẩn trong kinh văn thủy chung vẫn không sao hiểu được. Một hôm Nhị tổ gặp tuyệt đại pháp duyên được cùng một nhà sư Thiên Trúc pháp hiệu là Ban Thích Mật Ðế trụ trì ở núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên đàm luận phật học rất ý hiệp tâm đầu. Nhị tổ liền lấy "Dịch cân kinh" ra để cùng Ban Thích Mật Ðế nghiên cứu. Hai vị cao tăng ở trên đỉnh núi Nga Mi suy luận trong 19 ngày mới hiểu hết.

Phương Sinh chắp tay niệm:

- A Di Ðà Phật! Ðức Phật từ bi!

Phương Chứng phương trượng kể tiếp:

- Nhưng Ban Thích Mật Ðế chỉ là một vị cao tăng về Thiên Tôn Phật học. Mãi đến 12 năm sau, Nhị tổ trên đường đi Trường An gặp một chàng thanh niên tinh thông võ nghệ. Nhị tổ cùng y đàm luận ba ngày ba đêm mới thấu đáo được đến chỗ ảo diệu về "Dịch cân kinh".

Nhà sư ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Chàng thanh niên đó là một vị khai quốc đại công thần của Ðường triều tên gọi Lý Tĩnh. Sau Lý Tĩnh phò tá vua Thái Tôn bình định rợ Ðột Quyết ra ngoài làm tướng soái, vào triều làm tướng văn, được phong chức Vệ Công. Sở dĩ Lý Vệ Công mà lập được kỳ công tuyệt thế cũng một phần nhờ ở "Dịch cân kinh" mà thành.

Lệnh Hồ Xung "ồ" lên một tiếng, chàng lẩm bẩm:

- Té ra "Dịch cân kinh" có nhiều lai lịch đến thế!

Phương Chứng nói:

- "Dịch cân kinh" tuyệt diệu ở chỗ bao quát các mạch lạc con người, liên hệ với tinh thần ngũ tạng. Khắp mà không tan, đi mà không dứt. Khí ở trong sinh, huyết ở ngoài thân. Luyện được kinh này rồi thì tâm động là nội lực tự phát huy như nước triều dâng. Thiếu hiệp ơi! Luyện "Dịch cân kinh" khác nào bơi thuyền trên làn sóng dữ. Ðợt sóng dâng lên hạ xuống thì con thuyền dĩ nhiên lúc cao lúc thấp, cần chi phải dùng sức?

Lệnh Hồ Xung gật đầu lia lịa. Chàng nhận thấy lý luận của Phương Chứng về Dịch Cân Kinh cũng nhiều chỗ ám hợp với kiếm lý của Phong Thanh Dương. Quả nhiên là một môn võ học tinh thâm bát ngát.

Phương Chứng lại nói:

- Vì "Dịch Cân Kinh" có uy lực ghê gớm như vậy nên mấy trăm năm nay nếu không gặp người xứng đáng là không truyền thụ, không có cơ duyên cũng không truyền thụ. Dù là đệ tử bản phái tư cách siêu quần xuất chúng mà không đủ phúc duyên cũng chẳng được truyền thụ. Tỷ như Phương Sinh sư đệ võ công đã cao thâm, chí tu hành lại nghiêm cẩn. Ðúng là một nhân vật xuất sắc nhất trong bản tự mà không được sư phụ đời trước truyền thụ kinh này cho.

Lệnh Hồ Xung nói:

- "Dịch Cân Kinh" đã không thể truyền thụ một cách khinh xuất. Lời đại sư thật quá rõ ràng! Vãn bối không có phúc duyên, chẳng dám tham cầu.

Phương Chứng lắc đầu đáp:

- Không phải đâu! Thiếu hiệp là người có duyên.

Lệnh Hồ Xung nghe nhà sư nói vậy không khỏi hồi hộp trong lòng. Chàng không thể ngờ một thiên bí lục của phái Thiếu Lâm đến vị cao tăng như Phương Sinh đại sư còn không được truyền thụ mà mình lại đủ phúc duyên.

Phương Chứng thủng thẳng nói:

- Cửa phật bao la chỉ độ người có duyên. Thiếu hiệp là truyền nhân của Phong lão tiên sinh về môn "Ðộc cô cửu kiếm", đó là một điều phúc duyên. Thiếu hiệp đến chùa Thiếu Lâm là hai điều phúc duyên.

Không luyện "Dịch Cân Kinh" tất phải uổng mạng, đó là ba điều phúc duyên.

Phương Sinh chắp tay nói:

- Lệnh Hồ thiếu hiệp phúc duyên thâm hậu, bần tăng cũng được an ủi rất nhiều.

Phương Chứng nói:

- Nhưng trung gian còn có một điều chướng ngại hiện giờ chưa thể bước qua được. Nguyên từ Ðạt Ma lão tổ đến nay, "Dịch Cân Kinh" chỉ truyền thụ cho đệ tử bản môn chứ không truyền ra người ngoài. Lão tăng chẳng thể tự mình phá bỏ thể lệ đó. Vì thế mà thiếu hiệp cần phải qui đầu bản tự làm một đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm.

Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Nếu thiếp hiệp không tị hiềm thì làm môn hạ lão tăng tức làm đệ tử vào hàng chữ Quốc và như vậy sẽ đổi tên là Lệnh Hồ Quốc Xung.

Phương Sinh lộ vẻ mừng vui nói:

- Cung hỉ thiếu hiệp! Phương trượng sư huynh của bần tăng bình sinh mới thu hai tên đệ tử từ 30 năm về trước. Thiếu hiệp là đệ tử chân truyền của phương trượng sư huynh thì chẳng những được truyền thụ "Dịch Cân Kinh" mà còn 12 môn tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, sư huynh sẽ tùy tài truyền thụ thêm cho. Khi ấy thiếu hiệp nhất định sẽ làm cho bản môn thêm phần rạng rỡ. Trong võ lâm nảy một bông hoa lạ.

Lệnh Hồ Xung đứng dậy nói:

- Mỹ ý của Phương trượng đại sư khiến vãn bối cảm kích vô cùng! Nhưng vãn bối đã là đệ tử phái Hoa Sơn, không tiện cải đầu phái khác.

Phương Chứng tủm tỉm cười nói:

- Thiếu hiệp! Hiện thời thiếu hiệp không phải là đệ tử phái Hoa Sơn nữa. E rằng thiếu hiệp chưa biết đó thôi.

- Sao vãn bối... lại không còn là đệ tử phái Hoa Sơn?

Phương Chứng rút phong thư trong tay áo ra nói:

- Thiếu hiệp coi đây sẽ rõ!

Nhà sư khẽ phóng bàn tay một cái. Phong thư bằng bặn bay đến trước mặt Lệnh Hồ Xung.

Lệnh Hồ Xung đưa hai tay đón lấy, không khỏi chấn động tâm thần nghĩ bụng:

- Nội công Phương trượng đại sư quả nhiên cao thâm khôn lường! Phong thơ mỏng dính mà cũng truyền nội lực vào được. May mà nội lực trong mình ta đã mất hết. Giả tỷ như ngày trước ta vận lực đón lấy thì hai luồng xung kích có khi hất mình ra đến mấy bước.

Trên phong thơ có kiềm ấn tín chưởng môn phái Hoa Sơn và đề: "Kính cẩn đệ trình chưởng môn đại sư phái Thiếu Lâm".

Chữ viết đoan chính, nét bút nghiêm trang. Ðúng là thủ bút của Nhạc Bất Quần.

Lệnh Hồ Xung hai tay run lên bóc thơ ra coi một lượt rồi tưởng chừng trời đất quay cuồng, ngã huỵch xuống đất, không biết gì nữa.

Lệnh Hồ Xung tỉnh lại, chàng thấy mình nằm trong lòng Phương Sinh đại sư. Mối bi thương nổi dậy, chàng không nhịn được khóc rống lên.

Phương Sinh hỏi:

- Vì lẽ gì thiếu hiệp thương tâm đến thế? Chẳng lẽ tôn sư có điều chi bất trắc?

Lệnh Hồ Xung đưa thư lại cho Phương Sinh, nghẹn ngào đáp:

- Xin đại sư hãy coi đây!

Phương Sinh đón lấy thơ mở coi. Thơ viết:

"Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn cúi đầu trình thơ trước ấn chưởng môn đại sư phái Thiếu Lâm. Kẻ hèn này bất đức chấp chưởng môn phái Hoa Sơn, đã lâu không tới vấn an thật là khiếm khuyết. Nay nghịch đồ tệ phái là Lệnh Hồ Xung, tính khí ương ngạnh, nhiều lần vi phạm môn qui. Gã kết giao cùng loài yêu nghiệt, vào hàng ngũ với quân giặc cướp, Bất Quần vô tài, tuy đã trừng trị vẫn không hiệu quả. Vì việc duy trì chính khí võ lâm, tệ phái đành trục xuất Lệnh Hồ Xung ra khỏi môn trường. Từ nay trở đi tên nghịch đồ đó không còn là đệ tử phái. Nếu gã vẫn câu kết với bọn dâm tà gây nên tai vạ trên chốn giang hồ thì Bất Quần mong rằng các chính phái bạn chu diệt gã đi. Thơ này đưa lên rất kính sợ, nói không hết lời. Mong đại sư lượng thứ."

Phương Sinh coi thơ xong rất đỗi ngạc nhiên. Ðại sư nghĩ mãi không ra được câu nào an ủi Lệnh Hồ Xung.

Nhà sư trao lại thơ cho Phương Chứng rồi thấy Lệnh Hồ Xung nước mắt đầm đìa thì thở dài nói:

- Thiếu hiệp ơi! Thiếu hiệp giao du với những nhân vật trên Hắc Mộc Nhai là một điều không nên.

Phương Chứng nói:

- Nay chắc chưởng môn các chính phái đều đã tiếp nhận được thơ của tôn sư và truyền thụ xuống cho môn hạ rồi. Dù thiếu hiệp mình không bị thương thì ra khỏi cửa chùa này cũng gặp toàn bước chông gai nguy hiểm trên chốn giang hồ, vì hết thảy đệ tử các chính phái đều coi thiếu hiệp là kẻ địch.

Lệnh Hồ Xung chưng hửng. Chàng nhớ tới khi ở bên khe suối Doanh Doanh đã nói câu này.

Hiện nay chẳng những bọn bàng môn tả đạo đều muốn giết chàng mà cả môn hạ các chính phái cũng coi chàng là thù nghịch. Trời đất bao la bát ngát mà chàng tưởng chừng không còn chỗ dung thân cho mình.

Lệnh Hồ Xung lại nghĩ đến ân thâm nghĩ trọng của sư môn. Sư phụ cùng sư nương đối với chàng chẳng khác gì cha mẹ thương con. Chẳng những người truyền nghệ mà còn dưỡng dục chàng.

Chàng tự hối hận làm điều càn rỡ để bị đuổi ra khỏi môn trường. Lúc sư phụ chàng viết bức thư này chắc còn đau lòng hơn là chàng.

Lệnh Hồ Xung nghĩ tới đây vừa đau lòng vừa hổ thẹn. Chàng hận mình chẳng lẽ đập đầu vào tường mà tự tử đi cho rồi.

Cặp mắt lờ mờ đẫm lệ, chàng thấy hai nhà sư Phương Chứng, Phương Sinh đều lộ vẻ thương xót.

Ðột nhiên chàng nhớ tới ngày ở Lưu phủ phái Hành Sơn: Lưu Chính Phong muốn rửa tay gác kiếm dời khỏi võ lâm chỉ vì giao kết với trưởng lão ma giáo là Khúc Dương, rồi lão cũng bị mất mạng về tay môn hạ phái Tung Sơn. Hiển nhiên chính tà không thể đội trời chung. Lưu Chính Phong là một nhân vật tài cao thế lớn còn không tránh khỏi họa sát nhân huống chi chàng trơ chọi một mình, chỉ là một gã thiếu niên không đáng kể. Hơn nữa trên gò Ngũ Bá Cương quân tà tụ hội lại gây ra những chuyện tày đình...

Phương Chứng thủng thẳng nói:

- Bể khổ bao la quay đầu lại là đến bờ. Dù gian nhân phạm tội thập ác mà biết hồi tâm hối lỗi, cửa Phật cũng không hẹp gì vẫn mở rộng đón tiếp. Thiếu hiệp hãy còn nhỏ tuổi, nhất thời lỡ bước sảy chân, vô tình kết giao phỉ đồ, chẳng lẽ lại không còn đường sám hối? Mối liên quan giữa thiếu hiệp và phái Hoa Sơn nay đã bị chặt đứt. Từ đây thiếu hiệp làm môn hạ phái Thiếu Lâm, sửa đổi lỗi lầm, xây dựng lại cuộc đời, thì người võ lâm chắc cũng chẳng ai làm khó dễ gì cho thiếu hiệp.

Phương Chứng chỉ nói mấy câu hời hợt song thực ra nghiêm nghị vô cùng.

Lệnh Hồ Xung nghĩ tới lúc này không còn đường mà đi, nếu chịu giữ thân làm môn hạ phái Thiếu Lâm thì chẳng những học được nội công thần diệu, vãn hồi được sinh mạng mà uy danh phái Thiếu Lâm trên chốn giang hồ khiến cho bất luận ai cũng không dám gây sự với đệ tử Phương Chứng đại sư.

Nhưng ngay lúc ấy chí khí quật cường trong lòng chàng lại nổi lên. Chàng lẩm bẩm:

- Bậc đại trượng phu không thể ngang nhiên tự lập trong trời đất phải mặt dạn mày dầy nương tựa vào phái khác để cầu an thì còn chi là anh hùng hảo hán? Muôn ngàn người trên chốn giang hồ muốn giết ta thì cứ để họ giết đi. Sư phụ ghét bỏ ta đuổi ra khỏi phái Hoa Sơn, ta cứ đơn thương độc mã mà đi chứ có cần gì?

Chàng nghĩ tới đây bất giác bầu nhiệt huyết trồi lên, khát nước khô cổ, chàng lại muốn uống vài chục bát rượu nóng. Bất luận sống chết chi chi hay sống chết gì gì chàng cũng gác ra một bên không thèm nghĩ tới.

Chỉ trong khoảnh khắc, cả con người mà lòng chàng lúc nào cũng tâm niệm là Nhạc Linh San, cũng biến thành người dưng nước lã.

Lệnh Hồ Xung đứng lên, quì xuống trước mặt Phương Chứng và Phương Sinh kính cẩn dập đầu lạy mấy lạy.

Hai nhà sư cho là chàng đã quyết ý qui đầu phái Thiếu Lâm, nên đều lộ vẻ hớn hở tươi cười.

Lệnh Hồ Xung đứng lên dõng dạc đáp:

- Vãn bối đã không được sư môn dong tình thì cũng chẳng còn mặt mũi nào cải đầu phái khác.

Tấm lòng từ bi của hai vị đại sư vãn bối cảm kích vô cùng. Bây giờ xin bái biệt.

Phương Chứng không khỏi ngạc nhiên. Lão không ngờ Lệnh Hồ Xung là một chàng thiếu niên quật cường bất úy tử đến thế.

Phương Sinh nói:

- Thiếu hiệp ơi! Việc này có liên quan đến sự sống chết của thiếu hiệp là một việc lớn. Thiếu hiệp chớ nên hành động khí khái.

Lệnh Hồ Xung cười khành khạch trở gót đi ra cửa phòng. Lòng chàng đầy nỗi bất bình, chân đi lại càng mau lẹ. Chàng rảo bước đi ra khỏi chùa Thiếu Lâm. Các đệ tử vừa tăng vừa tục trong chùa thấy vậy đều không khỏi ngạc nhiên, nhưng cũng không ngăn trở.

Lệnh Hồ Xung ra khỏi chùa rồi ngửa mặt lên trời cười rộ một hồi. Tiếng cười chứa đầy vẻ thê lương. Chàng lẩm bẩm:

- Người chính phái coi ta là thù nghịch, kẻ phái tà cũng muốn giết được ta mới vừa lòng. Chắc Lệnh Hồ Xung này không sống qua được bữa nay. Thử xem người hạ sát mình là ai?

Chàng đưa tay sờ soạng thì trong túi không tiền, sau lưng không kiếm. Cả cây dao cầm mà Doanh Doanh tặng cho cũng không biết mất tự lúc nào. Thật là "trơ thân cụ", chàng không bị vướng víu một cái gì, lon ton xuống núi Tung Sơn.

Lệnh Hồ Xung đi đến lúc xế chiều, chàng ngó chùa Thiếu Lâm đã cách xa rồi. Người đã mỏi mệt, bụng lại đói meo, chàng tự hỏi:

- Ta đi về đâu bây giờ?

Bỗng nghe tiếng bước chân vang lên. Chừng bảy tám người tứ mé tây chạy tới. Những người này đều mặc võ phục ve đeo khí giới, họ đi rất lẹ.

Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:

- Bọn này muốn giết ta chăng? Nếu vậy họ động thủ ngay đi để ta khỏi mất công đi kiếm cơm ăn.

Ăn no rồi hãy chết thì cũng vậy chứ được ích gì mà bận tâm cho thêm việc?

Chàng liền đứng giữa đường hai tay chắp để sau lưng, lớn tiếng gọi:

- Các bạn! Lệnh Hồ Xung ở đây. Muốn giết ta thì báo danh đi.

Ngờ đâu mấy tên hán tử này lúc tới trước mặt chàng, chỉ ngó qua một cái rồi tránh sang lề đường mà đi.

Một người nói:

- Thằng cha này là người khùng.

Người khác nói:

- Phải rồi! Ðừng sinh sự với hắn để lỡ đại sự.

Người thứ ba nói:

- Nếu để lão ta trốn mất thì thật hỏng bét.

Chỉ trong giây lát bọn người đã đi xa rồi, Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

- Té ra bọn này đang truy nã một người nào khác.

Tiếng bước chân những người này vừa dứt thì mé tây có tiếng vó ngựa vọng lại. Năm người kỵ mã chạy nhanh như gió ruổi tới, lướt qua bên mình Lệnh Hồ Xung. Họ đi qua mới hơn mười trượng thì đột nhiên một thiếu phụ trung niên cưỡi ngựa vòng trở lại, cất tiếng hỏi:

- Khách quan! Xin hỏi một lời: khách quan có gặp một lão già mặc áo bạch bào không? Người lão cao nghệu và gầy nhom, lưng đeo loan đao.

Lệnh Hồ Xung lắc đầu đáp:

- Tại hạ không thấy qua!

Thiếu phụ không nói gì nữa lại bắt đầu ngựa rượt theo đồng bọn.

Lệnh Hồ Xung tự hỏi:

- Chẳng lẽ bọn này cũng đuổi theo lão già mặc áo bạch bào? Bây giờ chả có việc gì, ta đi coi chơi vụ náo nhiệt này.

Chàng liền rẽ qua hướng đông mà đi. Ði được một lúc trong khoảng thời gian chừng ăn xong bữa cơm thì phía sau lưng chàng lại có hơn mười người rượt tới. Những người này đều là đại hán thân thể to lớn mình mặc áo xanh, lưng cài cương xoa lấp loáng có ánh sáng. Hiển nhiên người cùng một môn phái.

Một lão già chừng hơn 50 tuổi quay lại hỏi:

- Huynh đệ! Huynh đệ có thấy một lão già mặc áo bào bạch không? Người lão gầy mà cao, lưng đeo loan đao.

Lệnh Hồ Xung lại trả lời:

- Không thấy!

Chàng đi lúc nữa đến chỗ ngã ba đường. Bỗng nghe góc tây bắc có tiếng nhạc ngựa vang lên. Ba người kỵ mã phi lẹ tới nơi. Ba con ngựa mình cao lông mượt, toàn là tuấn mã. Những người cưỡi ngựa đếu là thanh niên, trạc ngoài hai chục tuổi.

Người đi đầu giơ roi lên hỏi:

- Này! Ông bạn có thấy một người...

Lệnh Hồ Xung ngắt lời:

- Có phải các hạ muốn hỏi lão già mặc áo bạch bào, người cao mà gầy, lưng đeo loan đao không?

Cả ba người kia đều lộ vẻ vui mừng, đồng thanh đáp:

- Ðúng rồi hiện hắn ở đâu?

Lệnh Hồ Xung thở dài đáp:

- Tại hạ không gặp.

Chàng thanh niên cả giận quát hỏi:

- Thằng cha này muốn trêu cợt ta chăng? Ngươi không gặp hắn mà sao lại biết?

Lệnh Hồ Xung mỉm cười đáp:

- Không gặp thì làm sao mà biết được?

Thanh niên giơ roi lên toan đập xuống đầu chàng, thì người khác vội can:

- Nhị đệ! Ðừng sinh chuyện nữa. Chúng ta đi đuổi cho mau!

Chàng thanh niên giơ roi hừ một tiếng rồi giật cương cho ngựa chạy.

Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:

- Những bọn này đều có vẻ là những tay hảo thủ võ lâm mà bọn nào cũng truy tầm lão già mặc áo bào trắng, không hiểu vì việc gì? Mình đi coi vụ náo nhiệt này kể ra cũng thú, nhưng nếu bọn họ biết mình là Lệnh Hồ Xung, nhất định họ sẽ giết ngay đương trường.

Nghĩ tới đây, chàng không khỏi hồi hộp, nhưng rồi chàng lại tự nhủ:

- Hiện giờ cả hai phe chính tà đều muốn hạ sát mình, mình có lén lút cũng chỉ kéo dài chút hơi tàn thêm được mấy ngày. Rút cục vẫn không tránh khỏi cái nạn rơi đầu. Như vậy là mong cho cái chết chậm lại một vài bữa phỏng có ích gì? Sao bằng tới đâu hay đó, thử xem mình chết về tay ai là xong.

Chàng liền theo lối ba con ngựa vừa lao đi còn để lại cát bụi tung bay mà tiến.

Phía sau chàng còn mất tốp nữa rượt tới cũng đều hỏi thăm chàng về tông tích lão cao gầy mặc áo bào trắng, lưng cài loan đao.

Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm:

- Những người này truy tầm lão mặc áo bào trắng, hiển nhiên đều không biết lão ở đâu. Vậy mà ai cũng đuổi theo một hướng mới thật là kỳ.

Chàng đi được hơn mười dặm rồi xuyên qua một khu rừng tùng. Ðột nhiên trước mắt chàng hiện ra một đám đất bằng phẳng, đầu người lố nhố đen sì, ít ra đến sáu bảy trăm người.

Khu hoang dã này rất rộng. Sáu bảy trăm người mới chiếm mất một mảnh nhỏ xíu.

Một con đường lớn thẳng tắp dẫn đến đám đông Lệnh Hồ Xung theo đường lớn tiến về phía trước.

Chàng đi gần tới nơi thấy giữa đám đông là một tòa lương đình nhỏ bé.

Ðoàn người vây quanh lương đình nhưng đều đứng cách xa chừng mấy trượng, chứ không ai lại gần.

Quán lương đình này ở giữa vùng thoáng đã để làm chỗ nghỉ chân cho khách bộ hành, cách kiến trúc sơ sài hủ lậu.

Lệnh Hồ Xung tiến vào gần thêm chừng hơn mười trượng thì thấy trong quán rõ ràng có một lão già mặc áo bào trắng đang ngồi một mình bên cái bàn gỗ uống rượu. Chàng chưa trông rõ lưng lão có đeo cái loan đao hay không. Lão ngồi mà đã cao bằng người thường đứng, đủ biết thân hình lão cao lắm.

Lệnh Hồ Xung thấy lão bị bao nhiêu cừu địch bao vây mà vẫn thản nhiên uống rượu, bất giác đem lòng kính phục vô cùng. Những anh hùng hảo hán mà trước nay chàng được nghe tiếng chưa thấy ai hào khí ngất trới như vậy.

Lệnh Hồ Xung tiếp tục từ từ tiến lại trà trộn vào đám đông.

Bao nhiêu người trong trường đều chăm chú nhìn lão áo trắng không chớp mắt, nên Lệnh Hồ Xung tới nơi chẳng ai để ý đến.

Lệnh Hồ Xung ngưng thần nhìn lão áo trắng thấy dưới cằm lão mấy chòm râu bạc lơ thơ chùng xuống trước ngực. Tay lão cầm ly rượu. Mắt đăm đăm nhìn ra phía xa xa tận chỗ chân trời xanh dính với đất vàng. Lão không ngó tới bọn người vây quanh một lần nào. Bây giờ chàng mới nhìn rõ sau lưng lão thì quả nhiên có cài một thanh trường đao hình cánh cung.

Lệnh Hồ Xung không biết tên họ cùng lai lịch lão thế nào? Chàng lại không hiểu vì lẽ gì bọn người võ lâm tìm lão để làm khó d? Chàng cũng không hay lão ở phái chính hay phái tà, nhưng khâm phục lão ở chỗ hào khí ngất trời tưởng chừng bên mình chẳng có một ai. Bất giác chàng đi tới chỗ đồng bệnh tương liên, tỏ ý thương mến, rảo bước tiến về phía trước dõng dạc lên tiếng:

- Xin chào tiền bối. Tiền bối uống rượu một mình không ai bầu bạn sao khỏi có điều tịch mịch?

Vậy vãn bối xin vào bồi tiếp mấy chung.

Chàng vừa nói vừa tiến vào lương đình, chắp tay vái chào lão áo trắng, ngồi xuống một bên.

Lão kia ngoảnh đầu nhìn lại. Hai tia mục quang lấp loáng như điện chớp ngó Lệnh Hồ Xung từ đầu đến gót chân. Lão thấy chàng tay không binh khí, mặt lại ốm o, mà là chàng thiếu niên chưa từng quen biết. Trong lòng cũng hơi ngạc nhiên, lão chỉ kịt nũi một tiếng chứ không trả lời.

Lệnh Hồ Xung cầm hồ rượu rót vào chung trước mặt lão rồi lại rót đầy vào một chung khác cho mình. Ðoạn chàng nâng chung rượu lên nói:

- Xin mời tiền bối.

Chàng uống ừng ực một hơi cạn sạnh. Thứ rượu này rấn mãnh liệt, uống vào miệng như dao cắt, lại tựa hồ than đỏ trôi vào bụng.

Lệnh Hồ Xung cất tiếng khen:

- Rượu ngon quá!

Bỗng nghe một đại hán đứng ngoài lương đình cất giọng ồm ồm quát:

- Gã tiểu tử kia chạy lẹ lên! Chúng ta sắp liều mạng với lão này, ngươi đừng ngồi trong đó làm vướng chân tay bọn ta.

Lệnh Hồ Xung cười đáp:

- Tại hạ uống rượu với lão tiền bối đây, có gì bận cho các vị đâu?

Chàng lại rót một chung nữa, vừa ngửa cổ nốc ừng ực, vừa giơ ngón tay cái lên nói:

- Hảo tửu!

Một thanh âm lạnh lẽo từ mé tả lại cất lên:

- Thằng lỏi kia tránh ra! Ðừng ngồi đó nữa mà lại chết oan. Chúng ta vâng lệnh Ðông Phương giáo chủ đi bắt tên phản đồ Hướng Vấn Thiên. Kẻ nào quấy rối sẽ bị chết thảm hết chỗ nói.

Lệnh Hồ Xung nhìn về phía phát ra thanh âm thấy người nói câu này là một hán tử sắc mặt lợt lạt, người bé loát choắt mà gầy khẳng gầy kheo.

Ðứng bên hán tử này là một bọn hai ba trăm người, có trai có gái, cả tăng lẫn tục. Người nào cũng mặc áo xanh. Còn đai lưng thì đủ mầu sặc sỡ. Hán tử nhỏ bé gầy nhom kia thắt dây lưng mầu hoàng thổ, khác hẳn với mầu sắc trong đám hai ba trăm người này.

Lệnh Hồ Xung chợt nhớ tới ngày ở ngoài thành Hành Dương chàng thấy trưởng lão Ma giáo là Khúc Dương cũng mặc áo xanh, chàng còn nhớ mang máng lão cũng thắt dây lưng vàng, liền tự hỏi:

- Anh chàng bé nhỏ gầy nhom kia nói là vâng lệnh Ðông Phương giáo chủ truy nã bạn đồ. Thế thì họ đều là giáo chúng Ma giáo hay sao? Phải chăng gã hán tử gầy nhom này cũng có một địa vị tương đương với Khúc Dương, tức là một vị trưởng lão?

Chàng lại rót một chung rượu nữa ngửa cổ uống hết, rồi khen:

- Hảo tửu!

Ðoạn chàng nhìn lão già áo trắng tên gọi Hướng Vấn Thiên nói:

- Hướng lão tiền bối! Vãn bối uống của tiền bối ba chung rượu, xin có lời đa tạ.

Bỗng nghe mé đông có tiếng người quát:

- Thằng lỏi này là Lệnh Hồ Xung, khí đồ của phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung liếc mắt nhìn, nhận ra người nói đó là đại đệ tử phái Thanh Thành tên gọi Hầu Nhân Hùng.

Bây giờ chàng mới nhìn kỹ lại thì thấy bên cạnh gã còn vô số nhân vật trong Ngũ nhạc kiếm phái.

Một tên đạo sĩ dõng dạc lên tiếng:

- Lệnh Hồ Xung! Sư phụ ngươi bảo ngươi nhập bọn với yêu quái quả đã không sai. Tên Hướng Vấn Thiên này tay đã nhuộm đầy máu anh hùng hiệp sĩ. Ngươi đến gần hắn làm chi? Nếu ngươi không cút đi thì bọn ta sẽ chém ngươi nát ra như tương.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

- Người nói đó có phải là sư thúc phái Thái Sơn không? Tại hạ cùng Hướng tiền bối đây vốn không quen biết. Song các vị mất trăm người bao vây một mình lão thì còn ra thế nào? Ngũ nhạc kiếm phái có bao giờ đi đôi với Ma giáo? Sao cả hai phe lại hợp nhất để đối phó với một mình Hướng tiền bối? Làm như vậy há chẳng để anh hùng thiên hạ cười cho ư?

Ðạo sĩ kia tức giận hỏi lại:

- Chúng ta liên thủ với Ma giáo bao giờ? Bọn Ma giáo truy nã tên bạn đồ của họ là một việc. Còn chúng ta tìm tên ác tặc này để báo thù cho bạn đồng môn đã chết về tay hắn là việc khác. Ai làm việc người ấy, chả liên quan gì đến nhau.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Hay lắm! Hay lắm! Chỉ mong các vị lấy một chọi một. Tại hạ ngồi đây uống rượu coi chơi cho vui.

Hầu Nhân Hùng quát lên:

- Ngươi là cái thá gì mà dám hỗn xược? Chúng ta hãy đập chết thằng lỏi này trước rồi hãy đòi nợ lão họ Hướng kia.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

- Muốn giết một mình Lệnh Hồ Xung này, hà tất phải bao nhiêu người động thủ? Một mình Hầu huynh lên đây là đủ.

Hầu Nhân Hùng ngày trước đã bị Lệnh Hồ Xung đá lộn từ trên tửu lầu xuống. Gã tự lượng võ công mình không bằng chàng nên không dám tiến vào động thủ. Gã có biết đâu ngày nay Lệnh Hồ Xung đã mất hết nội lực còn đâu được như ngày trước? Bọn người khác lại dường như úy kỵ Hướng Vấn Thiên bản lãnh cao cường, cũng không dám xông vào lương đình.

Hán tử gầy nhom phái Ma giáo la lên:

- Lão Hướng kia! Việc đã đến thế này nếu ngươi biết điều thì ngoan ngoãn đi yết kiến giáo chủ để xin lão nhân gia phát lạc cho khỏi phải chịu đau đớn khổ sở. Ngươi cũng là một kẻ anh hùng trong bản giáo chẳng lẽ còn muốn chiến đấu để phải tan xương nát thịt, khiến người ta cười cho thúi óc hay sao?

Hướng Vấn Thiên cười khành khạch một tiếng, nâng chung rượu lên uống một hơi.

Bỗng nghe những tiếng leng keng phát ra, Lệnh Hồ Xung thấy giữa hai tay lão cột một sợi giây lòi tói thì không khỏi kinh ngạc, nghĩ thầm:

- Té ra lão này là tù vượt ngục, giây cột tay vẫn chưa tháo ra được.

Chàng nổi dạ đồng tình, tự nhủ:

- Người này đã không thể kháng cự, vậy ra phải chống đỡ cho lão một phen rồi mình chết một cách hồ đồ ở đây cũng tiện.

Chàng liền đứng lên hai tay chắp sau lưng dõng dạc cất tiếng hỏi:

- Hướng tiền bối đây bị cột bằng dây lòi tói thì động thủ với các vị thế nào được? Tại hạ đã uống của lão gia ba chung rượu ngon, có nghĩa vụ phải giúp lão nhân gia chống cường địch. Vị nào muốn động đến Hướng tiền bối thì trước hết hãy giết Lệnh Hồ Xung này đi đã!

Hướng Vấn Thiên thấy Lệnh Hồ Xung dở điên dở khùng tự nhiên đứng ra đương đầu cho mình bất giác rất lấy làm thích thú lão khẽ nói:

- Tiểu tử! Vì lẽ gì ngươi lại giúp ta?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Giữa đường thấy chuyện bất bằng, rút đao tương trợ là lẽ thường.

Hướng Vấn Thiên hỏi:

- Ðao của ngươi đâu?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Tại hạ dùng kiếm, nhưng đáng tiếc lại không có kiếm.

Hướng Vấn Thiên hỏi:

- Kiếm pháp ngươi thế nào? Ngươi ở phái Hoa Sơn, ta e rằng kiếm pháp chưa được cao minh lắm.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

- Kiếm pháp đã chẳng cao minh mà trong mình tại hạ lại bị trọng thương, nội lực mất hết, thế mới hỏng bét!

Hướng Vấn Thiên nói:

- Chẳng biết chi hết. Ðược rồi! Ðể ta lấy kiếm cho ngươi.

Bỗng thấy bóng trắng lấp loáng, lão đã xông vào giữa đám quần hào...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK