Phương Mục Dương nhéo má Phí Nghê, nói: “Mặt em gầy đi rồi.”
“Tránh xa em ra chút đi, em chưa chắc đã khỏi bệnh hoàn toàn đâu.”
“Lúc bệnh nặng nhất em còn không lây cho anh, giờ càng không thể lây được.”
“Vẫn nên để ý một chút thì hơn.” Phí Nghê chủ động giữ khoảng cách với Phương Mục Dương, quan sát anh từ xa: “Mặt anh cũng hóp lại đấy.”
Phương Mục Dương quả thực có sút cân sau nhiều ngày học hành vất vả, anh không giống với những người khác, đã gầy là sẽ gầy mặt.
Hai người chụp ảnh cho nhau, giữ lại hình tượng của đối phương vào giờ khắc này.
Phí Nghê lại dùng máy ảnh chụp lại hình ảnh của bữa tối nay. Mấy hôm nay cô thực sự xa xỉ, không hề sợ tốn phim một chút nào, đã chụp tới vài chục tấm.
Từ sau khi Phí Nghê bị chẩn đoán mắc quai bị, hai người bọn họ đã tách nhau ra theo yêu cầu của cô, ai ăn phần người nấy, bát đũa đều được đánh dấu. Tối nay nếu không phải Phương Mục Dương quyết liệt đòi hỏi thì hai người họ vẫn sẽ cách ly như cũ. Phí Nghê đáp ứng một phần yêu cầu của Phương Mục Dương, cùng ăn tối với anh, nhưng khi gắp đồ cô muốn sử dụng đũa phục vụ(1).
(1) Đũa phục vụ: Đũa chuyên dùng để phục vụ các món ăn chứ không phải để ăn trực tiếp, là một trong những biểu tượng của văn hóa ẩm thực Trung Quốc.
Có mỗi hai người mà cũng phải thêm một đôi đũa phục vụ, thà cứ ăn riêng còn hơn, ít nhất ăn riêng không phải phiền phức như vậy. Nhưng dù trong lòng không vui, Phương Mục Dương vẫn đồng ý.
Trong bữa cơm, Phí Nghê dùng đũa phục vụ gắp một miếng thịt bò cho Phương Mục Dương, Phương Mục Dương lại dùng đũa phục vụ gắp một viên thịt cho Phí Nghê. Ai cũng không ngừng gắp thức ăn cho đối phương, chẳng ai nhớ đến chuyện ăn phần mình. Phí Nghê nhìn bát thức ăn đã chất chồng như ngọn núi, lại nhìn đống thức ăn đầy ụ trên bát Phương Mục Dương, nói: “Chúng ta nên ăn mau thôi.”
Hai người dùng nước lọc thay rượu, cụng ly một cái.
Phí Nghê chúc Phương Mục Dương ngày mai thi cử phát huy vượt xa bình thường.
Phương Mục Dương chúc Phí Nghê ngày mai thi cử phát huy như bình thường.
Ngày mai là thi đại học, nhưng Phương Mục Dương sau đó không hề đề cập tới thi đại học mà trực tiếp bàn đến sau kỳ thi. Anh hỏi Phí Nghê thi xong muốn đi du lịch chỗ nào, anh sẽ tập hợp lại những điểm hai người muốn đi, sau khi thi xong sẽ lên hành trình du lịch.
Phương Mục Dương kể cho Phí Nghê nghe về những nơi mình từng đi qua, anh quen thuộc với phong tục và cảnh quan của những chỗ đó tới mức nói không hề giống với khách du lịch mà cứ hệt như dân bản địa ở đó vậy.
Phương Mục Dương nói với Phí Nghê: “Chỗ tiền năm ấy em cho anh anh đều mua giấy vẽ cả. Nếu không có những tờ giấy đó, ấn tượng của anh cũng không thể sâu đậm đến thế.” Lúc trước khi Phương Mục Dương ngồi xe lửa miễn phí đi khắp nơi, anh đã được nhìn ngắm một lượt vẻ đẹp non sông đất nước, cũng đã biến toàn bộ chỗ giấy trắng thành tranh vẽ. Những bức vẽ ấy khi cắm đội anh đều mang tặng dân làng, có gia đình treo lên tường, cũng có những người dán cửa sổ, nhưng anh lại không hề thấy không vui. Lúc vui vẻ nhất mãi mãi là lúc đang vẽ, anh từng vẽ rất nhiều tranh, nhưng số tranh muốn giữ lại thì chẳng hề nhiều nhặn gì.
Phí Nghê nhớ tới khoản tiền kia, đó là thù lao cô trả cho Phương Mục Dương để cảm ơn anh đã cho cô một hòm sách, giúp cho đời sống tinh thần cằn cỗi của cô trở nên nhiều màu sắc hơn. Song khi mở hòm, cô lại phát hiện những cuốn sách đấy với cô hoàn toàn vô dụng.
Khi Phương Mục Dương tiếp tục kể cho Phí Nghê về chuyến du lịch năm đó, Phí Nghê thực sự nuối tiếc vì anh không còn giữ lại những bức tranh mình từng vẽ.
“Lúc có xe lửa miễn phí em đã từng đi đâu thế?”
Phí Nghê nói: “Em chưa đi được đâu cả.” Năm đó cả nước kéo nhau đi bắt xe lửa tới những tỉnh thành xa lạ, cô cũng muốn thử đi một lần cho biết, nhưng cha mẹ không yên tâm về cô, anh trai chị gái cũng không đưa cô đi cùng, cô đành phải buồn thủi ở nhà một mình. Sau đó không có cơ hội khác để đi xa, ngay cả xe lửa cũng chưa được ngồi lần nào, cô vẫn luôn vì vậy mà tiếc nuối.
“Chưa đi thì càng tốt, lần này chúng ta sẽ ngồi xe đến tất cả những nơi mà em muốn đi.” Năm ấy Phương Mục Dương cũng từng nghĩ tới chuyện đi cùng Phí Nghê, nhưng chỉ là nghĩ mà thôi, chưa từng thực sự mở lời. Người lớn trong nhà Phí Nghê chỉ cần có chút trách nhiệm thì sẽ tuyệt đối không cho phép con gái mình đi xa nhà với một thằng nhóc vừa mới tốt nghiệp tiểu học chưa lâu. Mà theo như sự hiểu biết của Phương Mục Dương về Phí Nghê, cho dù cha mẹ cô có đồng ý thì bản thân cô cũng sẽ không chịu.
“Thi xong em còn phải đi làm.” Phí Nghê lại gắp một viên thịt cho Phương Mục Dương. “Đợi khi nào hai chúng ta cùng đi học thì sẽ có nghỉ đông và nghỉ hè, vào kỳ nghỉ rồi hẵng đi. Anh còn có thể đi nơi khác vẽ vật sống nữa.”
Lần này nhất định phải giữ lại tranh của Phương Mục Dương mới được.
Dưới sự dẫn dắt của Phương Mục Dương, còn chưa thi đại học mà Phí Nghê đã bắt đầu mặc sức tưởng tượng về cảnh tượng sau khi thi đại học, giọng nói càng lúc càng nhẹ nhàng, cứ như thể không phải cô đang uống nước lọc mà là uống rượu thật vậy.
Phí Nghê nhìn Phương Mục Dương cười, song nụ cười ấy đã biến mất trong tích tắc. Chúc mừng trước những chuyện còn chưa xảy đến, rất có khả năng sẽ nói trước bước không qua, rồi lại đâm ra vui quá hóa buồn. Để bản thân đỡ hụt hẫng, tốt nhất là trước khi có kết quả chính thức không cần phải vui mừng quá.
“Những việc này khi nào thi xong chúng ta lại nói sau.” Phí Nghê tức khắc thay đổi đề tài, bắt đầu kiểm tra Phương Mục Dương, muốn giúp anh ôn kiến thức.
Thái độ của cô biến đổi quá nhanh, Phương Mục Dương không thể không nhắc nhở: “Nghê, chúng ta ăn cơm trước đã.”
“Ừm.” Phí Nghê lấy đũa phục vụ gắp cho mình ít đồ ăn, sau đó lại để đũa về phía Phương Mục Dương. “Còn lại đều là của anh hết đấy, anh ăn nhiều một chút đi, dạo này anh gầy đi rồi.”
Việc ôn tập kéo dài từ bàn ăn đến tận giường. Phí Nghê vẫn lo lắng mình sẽ truyền bệnh cho Phương Mục Dương, khi nói vẫn nằm quay lưng về phía anh.
“Chẳng phải ban nãy ăn cơm chúng ta vẫn ngồi đối diện nhau à.”
“Ăn cơm thì mất bao lâu đâu chứ.” Phí Nghê cũng cảm thấy khả năng lây bệnh của Phương Mục Dương cực kỳ thấp, nhưng cô không muốn mạo hiểm. “Thi đại học xong anh muốn thế nào cũng được, hiện tại chúng ta vẫn nên cách xa một tí thì hơn.” Cho dù bọn họ cách nhau chục mét thì lòng vẫn ở bên nhau.
“Thật sự muốn thế nào cũng được à?”
“Thật sự.”
“Đến lúc đó em đừng có đổi ý đấy.”
“Em không đổi ý đâu.” Bày tỏ thái độ xong, Phí Nghê lại giúp Phương Mục Dương ôn lại kiến thức. Kiến thức đều đã ở trong đầu cô, hoàn toàn không cần nhìn sách.
Phí Nghê càng giảng bài càng hưng phấn, nhưng vì không muốn quấy rầy Phương Mục Dương nên đến mười rưỡi là cô đã ngưng nói chuyện, vờ như mình ngủ mất rồi. Phương Mục Dương biết cô vẫn chưa ngủ, ướm hỏi: “Em ngủ rồi à?”
Phí Nghê nói: “Ngủ đi.”
“Nhưng anh không ngủ được, em nói chuyện với anh tiếp đi.”
“Nói chuyện gì?”
“Nói chuyện em muuốn nói nhất ấy.”
“Thế để em nói cho anh một chút về cấp số nhân nhé.”
“Cũng được.”
Phí Nghê lại bắt đầu giảng bài, giảng một mạch đến khi thực sự thiếp đi mới thôi.
Giấc ngủ của Phí Nghê ngắn nhưng ngọt ngào, cháo trắng buổi sáng cũng rất ngọt, Phương Mục Dương đã bỏ một ít đường vào trong đó.
Phương Mục Dương chuẩn bị cho Phí Nghê hai cây bút máy dự phòng, đề phòng có gì bất trắc. Trước khi lên đường, Phương Mục Dương dùng khăn quàng cổ quấn kín quanh mặt Phí Nghê, còn đội mũ lên đầu cho cô. Toàn bộ những thứ trên người cô, từ quần áo đến giày dép găng tay đều là Phương Mục Dương vừa mua mới. Phí Nghê ngồi sau xe đạp của Phương Mục Dương, được anh đèo tới điểm thi. Hôm nay là một ngày gió lớn, bên tai gió thổi vù vù, nhưng cô lại chẳng hề thấy lạnh chút nào.
Các môn thi trong hai ngày đầu tiên đều là những môn bắt buộc. Xung quanh phòng thi vô cùng náo nhiệt, vừa bước chân ra khỏi cửa là đã thấy người nhà thí sinh nô nức đợi ở bên ngoài. Phương Mục Dương có chút giật mình trước cảnh tượng này, anh cảm thấy nó rất hợp vẽ thành tranh, khunh cảnh ở ngoài phòng thi hấp dẫn anh hơn khung cảnh bên trong phòng thi rất nhiều. Tìm được nhau giữa cả biển người như vậy không phải là chuyện dễ dàng, nhưng vừa thi xong là Phí Nghê đã có thể nhận ra Phương Mục Dương trong đám đông, đứng từ xa cười với anh.
Bọn họ lách qua những người khác để tới bên nhau, cùng nhau đi ăn trưa, ăn xong cùng nhau trở về điểm thi, thi xong cùng nhau về nhà, về nhà lại quay lưng về phía nhau ôn luyện bài tập, Phí Nghê giảng bài cho Phương Mục Dương nghe.
Phí Nghê không ngờ đề thi lại dễ đến thế, nếu sớm biến vậy cô đã dùng toàn bộ thời gian của mình để ôn bài cho Phương Mục Dương. Thi môn nào cô cũng làm xong bài sớm, nhưng vẫn chờ đến phút cuối mới nộp bài thi, khoảng thời gian dư ra cô đều dùng để kiểm tra lại bài thật kỹ.
Sau khi kết thúc bài kiểm tra cuối cùng của ngày thứ hai, Phí Nghê nộp bài, ra khỏi phòng thi, lúc đi xuyên qua đám đông thì thấy Phương Mục Dương đang đứng bên cạnh một cô gái. Người nói chuyện với Phương Mục Dương tên Hứa Tuệ, hồi nhỏ từng học vẽ tranh cùng Phương Mục Dương. Lúc bé cô theo cha mẹ tới Đông Bắc, sau đó lại đổi vài chỗ ở khác nhau, mãi đến gần đây cha mẹ được gọi về thì mới quay lại cùng họ, vừa vặn tham gia cùng một kỳ thi đại học với Phương Mục Dương. Hứa Tuệ là người chủ động chào hỏi Phương Mục Dương trước. Lần cuối bọn họ gặp nhau là hồi mới mười mấy tuổi, bây giờ nét mặt và dáng người của cả hai đều đã thay đổi ít nhiều. Ban đầu Hứa Tuệ chỉ cảm thấy Phương Mục Dương trông quen quen, không lập tức nhận ra anh, nhận ra anh cũng là chuyện của sau đó. Lần nào Phương Mục Dương cũng là người đầu tiên nộp bài trong phòng thi của họ, Hứa Tuệ không thể nào không để ý được. Sau khi ra khỏi phòng thi, Hứa Huệ thấy Phương Mục Dương đang đứng ký họa, mà dáng vẻ của anh lúc ký họa cũng trùng khớp với hình bóng người bạn học cũ của cô.
“Phương Mục Dương!” Sợ Phương Mục Dương không nhận ra mình, Hứa Tuệ còn giới thiệu trước. Thấy cậu bạn cũ trong lớp vẽ của mình bây giờ vẫn còn vẽ tranh, Hứa Tuệ lại nhớ tới khoảng thời gian bọn họ cùng nhau học vẽ. Đấy chính là những ngày cô sống vô ưu vô lo nhất, nỗi buồn lớn nhất chỉ là bản thân không có tài năng bẩm sinh như Phương Mục Dương, không thể vẽ đẹp bằng cậu. Bởi vì tức giận nên cô thường xuyên chọc phá Phương Mục Dương, nhưng ở phương diện quấy rối, cô lại càng không tài năng bằng cậu. Vì sự tồn tại của Phương Mục Dương, Hứa Tuệ đã từng một lần muốn từ bỏ việc vẽ tranh. Nhưng rồi những ngày sau đó, niềm an ủi lớn lao nhất của cô vẫn là cọ vẽ. Trong khoảng thời gian khó khăn nhất, Hứa Tuệ đã nhớ tới Phương Mục Dương. Cô vẫn luôn thầm nhủ với chính mình, không thể thua dưới tay người này được. Sau khi trở về, cô mua được tranh liên hoàn của Phương Mục Dương ngoài hiệu sách, lật xem từng trang từng trang một, còn hình dung ra dáng vẻ lúc vẽ của Phương Mục Dương trong đầu.
Dưới sự nhắc nhở của Hứa Tuệ, Phương Mục Dương lập tức nhận ra cô, rất khó tìm được cô nhóc thứ hai nào có thể om sòm được đến cỡ ấy. Hứa Tuệ nói với Phương Mục Dương cô đã nộp đơn vào học viện Mỹ thuật, còn hứng chí kể lại một lượt mấy chuyện đã qua. Hứa Tuệ miêu tả rất sống động, cũng gợi lên trong đầu Phương Mục Dương ít hồi ức.
“Cậu cũng cừ thật đấy, lần nào cũng nộp bài nhanh như vậy.” Hứa Tuệ toàn chờ đến tận khi chuông kêu mới nộp bài mà vẫn có lần không làm bài xong. Cô để ý nhất là hội họa, còn ở những phương diện khác Phương Mục Dương vượt qua cô thì cô cũng hoàn toàn chẳng có cảm giác gì.
Phương Mục Dương cười: “Đấy là vì tôi biết ít quá, lãng phí thời gian cũng chẳng có gì thú vị.”
Hai người bọn họ đã nhiều năm không gặp nhưng khi gặp lại cũng không hàn huyên, họ đều không phải là kiểu người đó. Hứa Tuệ có rất nhiều lời muốn nói với Phương Mục Dương, nhưng bây giờ Phương Mục Dương đang vẽ tranh, cô quá muốn xem tận mắt trình độ của anh cho nên chỉ im lặng nhìn anh vẽ, cũng quên béng mất ban nãy mình định hỏi đối phương cái gì.
Người khác coi thi đại học như một chuyện lớn có thể thay đổi cả số mệnh của bản thân, nhưng Phương Mục Dương đi thi đại học thì lại chẳng khác với đi du ngoạn mùa thu là mấy, còn đeo cả máy ảnh trở trên cổ. Chiếc máy ảnh này trong lúc thi vẫn luôn để ở chỗ giám thị, thi xong Phương Mục Dương mới cầm đi.
Phương Mục Dương vẫn luôn đứng ký họa tại chỗ, ngòi bút không ngừng chuyển động. Anh liếc mắt nhìn đám đông, nhìn trước nhìn sau một hồi, cây bút trên bay bỗng nhiên khựng lại. Hứa Tuệ nhìn theo ánh mắt của Phương Mục Dương, trông thấy một cô gái. Cô gái nọ đeo chiếc khẩu trang to đùng cho nên không thấy rõ mặt, đang kiễng chân vẫy tay với họ. À không, là đang vẫy tay với Phương Mục Dương.
Phương Mục Dương cầm máy ảnh, chụp được Phí Nghê đang vẫy vẫy tay chào mình. Anh còn chụp mấy tấm hình liên tiếp.
Phí Nghê bước tới, Phương Mục Dương giới thiệu bọn họ với nhau.
Khi giới thiệu Phí Nghê, anh nói: “Đây là vợ tôi Phí Nghê, chúng tôi kết hôn năm ngoái.”
Thi cử xong xuôi, Phí Nghê rốt cuộc cũng yên tâm bỏ cái khẩu trang to đùng trên mặt mình xuống, cô không cần phải lo lắng sẽ truyền bệnh cho ai nữa.
Qua lời giới thiệu của Phương Mục Dương, Phí Nghê biết cô gái đứng bên cạnh anh ngày bé từng cùng học vẽ với anh. Cô mỉm cười chào hỏi Hứa Tuệ.
Hứa Tuệ nói với Phí Nghê: “Hình như tôi gặp cô ở đâu rồi thì phải, cô học trường nào thế?” Lời này nghe thì giống mấy câu đò đưa của hội con trai khi muốn tiếp cận cô gái nào đó, nhưng Hứa Tuệ thực sự cảm thấy như mình đã từng gặp mặt Phí Nghê.
Phí Nghê chưa từng rời khỏi thành phố này, hồi tiểu học cũng không học chung một trường với Hứa Tuệ.
Hứa Tuệ tự giải thích với mình: “Chắc là mấy người xinh đẹp đều có những nét giống nhau.”
Cô nghe mọi người xung quanh thảo luận về bài cuối cùng trong đề thi Toán sáng nay, phát hiện đáp án của bản thân không giống họ, liền hỏi đáp án của Phương Mục Dương và Phí Nghê là gì. Phương Mục Dương nói anh không làm bài đó. Phí Nghê đã sớm đoán được Phương Mục Dương sẽ bỏ qua bài này, cũng không ngạc nhiên, bình tĩnh nói đáp án cho Hứa Tuệ.
Hứa Tuệ thấy đáp án Phí Nghê nói khác hẳn đáp án của mình, nhưng đáp án của Phí Nghê lại nghe có vẻ rất giống với đáp án đúng.
Tính logic khi giảng bài của Phí Nghê làm Hứa Tuệ cảm thấy rất tin tưởng, cô lại kiểm tra một lượt các bài tập khác trong đề với Phí Nghê một lần nữa. Kết quả so đáp án khiến Hứa Tuệ rất vui vẻ, phần chênh lệch đáp án giữa cô và Phí Nghê chiếm chỉ khoảng 20 điểm, theo như phán đoán của Hứa Tuệ về Phí Nghê, Phí Nghê ít nhất cũng phải được 90 điểm, cho nên cô đại khái cũng sẽ thi qua. Trước kỳ thi mẹ Hứa Tuệ đã cố ý mời giáo viên dạy Toán tốt nhất trong trường trung học trực thuộc(2) về dạy kèm cho cô, Hứa Tuệ vắt hết óc lên cần mẫn học hành một tháng, quả nhiên là có hiệu quả.
(2) Trung học trực thuộc: Trường cấp ba trực thuộc một số đại học lớn (ở đây chỉ trường cấp ba trực thuộc học viện Mỹ thuật mà Hứa Tuệ muốn thi vào), sinh viên muốn vào các đại học trên vẫn cần tham gia kỳ thi tuyển sinh bình thường chứ không được tuyển thẳng.
Hứa Tuệ hỏi Phí Nghê: “Ai giúp cô học thêm thế?” Nền giáo dục trung học Phí Nghê tiếp thu không tốt hơn so với cô, có thể thi được như vậy chắc chắn phải có giáo viên dạy kèm. Hứa Tuệ không chắc năm nay có thể thi đỗ đại học hay không, nếu năm sau phải thi lại thì sẽ cần Phí Nghê giới thiệu gia sư của cô ấy cho mình.
“Tôi tự ôn lấy.”
Hứa Tuệ lại nhắc lại: “Cô tự ôn lấy á?”
Phí Nghê một lần nữa đưa ra câu trả lời khẳng định.
“Chắc hẳn trước đây tôi từng thấy cô trên mấy bài báo về tấm gương học tập gì đó nên mới cảm giác quen như thế. Có phải cô từng lên báo giảng giải kinh nghiệm học tập của bản thân không?”
“Không có.”
“Thế tôi gặp cô ở đâu được nhỉ?” Hứa Tuệ hỏi Phí Nghê. “Nguyện vọng một của cô là trường nào?”
Phí Nghê đáp đúng sự thật, Hứa Tuệ nói: “Chỉ dựa vào thành tích kiểm tra môn Toán của cô, tôi đã có thể kết luận cô chắc chắn thi đỗ rồi.”
Hứa Tuệ huyên thuyên quá nhiều, Phương Mục Dương vẫn chưa có chỗ để lên tiếng. Đầu cô vẫn luôn lấn cấn chuyện không biết mình đã từng thấy Phí Nghê ở đâu, đôi mắt lúc thì nhìn Phương Mục Dương, lúc lại đảo qua Phí Nghê, sau một hồi rốt cuộc cũng có đáp án.
Khoảng thời gian cùng nhau học vẽ, Phương Mục Dương từng vẽ chân dung một cô bé. Cậu vẽ không ít bạn cùng trang lứa, nhưng Hứa Tuệ vẫn cho rằng bức chân dung đó là đẹp nhất, không hẳn là vì chủ thể của bức họa đẹp, mà vì nó quá sống động.
Cô bé trong tranh sống động tới mức chẳng khác nào đang đứng đối diện với cô. Cô nói với Phương Mục Dương, cô bằng lòng đổi bức tranh đẹp nhất của mình lấy bức tranh đó của cậu, nhưng Phương Mục Dương lại không đồng ý, thậm chí còn từ chối dứt khoát đến mức lòng tự trọng của Hứa Tuệ bị tổn thương. Song Hứa Tuệ quá muốn nó cho nên lại đề nghị đổi một số tập tranh mà cha tặng mình với Phương Mục Dương. Cha Hứa Tuệ rất kỳ vọng vào việc vẽ tranh của cô, mọi vật dụng mua cho cô đều là tốt nhất, không chỉ giấy vẽ, màu vẽ mà còn cả những tập tranh người bình thường không thấy được và những bản sao 1:1 của nhiều bức tranh nổi tiếng. Lần này Phương Mục Dương không dứt khoát từ chối nữa, mà đã do dự hồi lâu, nhưng cuối cùng vẫn không đổi. Mãi đến tận ngày Hứa Tuệ theo cha đến Đông Bắc Phương Mục Dương mới đồng ý trao đổi cùng cô, còn dặn dò cô phải giữ tranh của cậu cẩn thận.
Hứa Tuệ mang bức họa Phương Mục Dương đưa cho mình rời khỏi quê hương, nhiều năm đã qua, cô cũng đổi hết nơi ở này đến nơi ở khác, nhưng nó thì vẫn còn đó. Những năm gần đây cô luôn cố gắng trau dồi kỹ năng của mình, cách vẽ của Phương Mục Dương hồi bé đối với cô bây giờ đã trở nên quá non nớt, nhưng cô vẫn cảm thấy bức tranh kia rất sống động.
Bởi vì quá sống động nên nó vẫn luôn khơi gợi trong cô những hồi ức về quá khứ, khiến cô nhớ đến tuổi thơ tràn nập niềm vui của mình. Khi đó cô cũng có một đôi mắt luôn tò mò với thế gian.
Hứa Tuệ xem bức tranh ấy rất nhiều, các đặc điểm của người trong tranh cũng khắc sâu, bởi vậy từ ánh mắt đầu tiên trông thấy Phí Nghê khi trưởng thành, cô đã cảm thấy quen thuộc.
Hứa tuệ lại một lần nữa cảm thấy Phương Mục Dương rất may mắn, không ngờ lại có thể kết hôn với cô bé trong tranh.
Cô nói với Phương Mục Dương: “Cậu có còn nhớ bức tranh hồi xưa cậu đưa tôi không? Tôi vẫn còn giữ đấy, đến tận giờ tôi vẫn cảm thấy vẽ rất đẹp.” Tài nghệ đương nhiên là quan trọng, nhưng thứ chạm tới trái tim người xem thường không phải là kỹ thuật.
Những lời này lọt vào tai Phí Nghê lại hàm chứa ý nghĩa khác, bạn học vẽ cùng vẫn còn giữ bức tranh của Phương Mục Dương khi còn bé, song hai người trước mắt cô lại quá mức thản nhiên, cô cũng không tiện nghĩ nhiều.
Hứa Tuệ nhìn sang Phí Nghê: “Khi nào cô rảnh thì để tôi vẽ một bức tranh cho cô nhé.” Cô cũng không còn là Hứa Tuệ của ngày trước nữa, cô muốn cho Phương Mục Dương thấy, hiện tại cô vẽ không hề kém anh bao nhiêu. Năm đó anh khinh thường cô như vậy, lại còn dám bảo tranh cô vẽ còn thua xa mấy bản sao kia? Nhưng cô lại không thể nói Phương Mục Dương có mắt mà như mù được, cho dù là vẽ tranh hay kết hôn, thẩm mỹ của anh đều rất tốt.
Phí Nghê chỉ có thể làm người mẫu cho Phương Mục Dương, cô không quen để người khác chăm chú nhìn mình, nên đã uyển chuyển từ chối.
Hứa Tuệ nói: “Cô đừng từ chối nhanh như thế, cứ nhìn tranh vẽ hiện tại của tôi đã rồi hẵng quyết định. Ngày mai cô có rảnh không?”
Phí Nghê nói với Hứa Tuệ, ngày mai cô còn phải thi Tiếng Anh. Hai ngày đầu tiên thi môn bắt buộc, đến ngày thứ ba các thí sinh xét tuyển chuyên ngành Ngoại ngữ phải thi thêm Tiếng Anh nữa.
“Cô đăng ký chuyên ngành Ngoại ngữ à? Hiện tại đất nước chúng ta quả thực là thiếu nhân tài ngoại ngữ.” Hứa Tuệ ca ngợi chuyên ngành Phí Nghê muốn báo danh, sau đó lại quay về chủ đề ban đầu. “Thế là chiều mai cô rảnh đúng không? Nếu như cô không muốn đến nhà tôi thì để tôi cầm tranh sang nhà cô.”
Phí Nghê không hiểu sao mới vừa gặp mặt mà Hứa Tuệ lại khăng khăng đòi vẽ tranh cho mình, song Phương Mục Dương lại hiểu. Đã nhiều năm không gặp mà cái người này vẫn ganh đua háo thắng như vậy, cứ nhất định phải trên cơ anh, mỗi lần vẽ tranh đều trở thành một cuộc đua. Anh vẽ Phí Nghê hồi bé, cô nàng một mực đòi vẽ Phí Nghê hồi lớn, đã vậy còn muốn vẽ đẹp hơn anh.
Hứa Tuệ vẫn tiếp tục hỏi: “Nếu ngày mai cô không rảnh thì hôm nào…”
Phí Nghê đành phải đáp: “Ngày mai tôi rảnh.”
“Thế để mai tôi tới nhà hai người nhé, tôi vẫn còn chưa tặng quà cưới cho hai người đâu.” Hứa Tuệ nhìn xuống chiếc máy ảnh trên cổ Phương Mục Dương: “Đưa máy ảnh cho tôi đi, tôi chụp cho hai người một tấm, vợ chồng cùng đi thi đại học với nhau, rất có ý nghĩa kỷ niệm mà.”
Phí Nghê liếc nhìn Phương Mục Dương, Phương Mục Dương đưa máy ảnh cho Hứa Tuệ. Anh quàng tay qua vai Phí Nghê, nhưng sợ cô ngượng ngùng giữa đám đông nên cuối cùng lại đút tay vào túi quần. Trong phòng ngủ bọn họ có thể gần gũi, nhưng đã ra ngoài thì buộc phải giữ khoảng cách. Hai người cùng nhìn nhau cười, Hứa Tuệ đã dùng máy ảnh chớp lấy được khoảnh khắc này.
Lúc chính thức chụp ảnh, Phí Nghê không nhìn Phương Mục Dương, nửa người trên cũng cách anh một khoảng, nhưng vị trí của bàn chân đã tiết lộ mối quan hệ giữa hai người.
Phí Nghê nhận lấy máy ảnh trong tay Hứa Tuệ: “Tôi cũng chụp cho hai người một tấm nhé.”
Nhiều năm không gặp, thấy nhau ở điểm thi đại học cũng là duyên phận.
Hứa Tuệ phát hiện giờ Phương Mục Dương đã cao hơn mình khá nhiều, lần trước hai người gặp nhau, Phương Mục Dương cũng chỉ cao hơn cô mấy xentimét.
Chụp ảnh xong, Hứa Tuệ nói với Phương Mục Dương: “Cậu cũng chụp cho bọn tôi một tấm đi.”
Hứa Tuệ ôm lấy vai Phí Nghê một cách rất tự nhiên, hai người đều là nữ nên không có gì phải ngại.
Hứa Tuệ chủ động đề nghị rửa cả cuộn phim cho họ.
Phương Mục Dương từ chối lời đề nghị này: “Để tôi tự rửa được rồi.”
Hứa Tuệ viết địa chỉ nhà và số điện thoại của mình cho Phí Nghê, mời họ tới nhà làm khách, đồng thời cũng nhờ Phí Nghê viết lại địa chỉ nhà họ cho mình để ngày mai tiện đến thăm.
Phí Nghê viết địa chỉ xong rồi nói với Hứa Tuệ, nhà họ không có điện thoại.
Hứa Tuệ nhìn địa chỉ, kết hợp với chuyện bọn họ không có điện thoại, đoán chừng Phí Nghê và Phương Mục Dương đang không ở cùng cha mẹ.
Hai người trao đổi địa chỉ xong thì liền nói lời tạm biệt. Chẳng mất bao công sức mà Hứa Tuệ đã thân với Phí Nghê.
Đợi đến khi Hứa Tuệ đi rồi, Phí Nghê mới ngồi lên sau xe đạp của Phương Mục Dương, hỏi anh: “Anh thấy mình thi thế nào?” Cô muốn hỏi Phương Mục Dương tặng Hứa Tuệ bức tranh gì, nhưng thi đại học vẫn quan trọng hơn rất nhiều.
“Cũng không tệ lắm, khá tốt.” Thực ra Phương Mục Dương cảm thấy mình thi cũng chỉ vậy vậy, nhưng nếu nói là không tốt thì về nhà Phí Nghê sẽ bắt anh học bù ngay lập tức, để anh chuẩn bị luôn cho kỳ thi tiếp theo. Đối với anh mà nói, việc ấy quá khó chấp nhận.
“Em mời anh ăn cơm tiệm nhé.”
Kết thúc hai ngày thi, Phương Mục Dương đã được giải phóng hoàn toàn. Phí Nghê đăng ký chuyên ngành Ngoại ngữ và Văn học, ngày mai vẫn phải thi thêm Tiếng Anh, gánh nặng vẫn chưa trút hết. Cô vốn định đợi đến khi xong hẳn mới rủ Phương Mục Dương tới đây ăn mừng một chút, nhưng lại thực sự muốn cái người gầy rộc này có được một bữa ăn ngon, vậy nên đành đẩy thời gian chúc mừng sớm lên so với dự tính.
Lúc gọi món Phí Nghê rất hào phóng, còn gọi cả một chai rượu. “Chúng ta mang về nhà mai uống, ngày mai em muốn cùng anh uống hết chai rượu này.”
Phương Mục Dương tuy không thi Tiếng Anh nhưng còn thức dậy sớm hơn Phí Nghê. Lúc tỉnh giấc, Phí Nghê đã ngửi thấy mùi thơm của cà chua.
Phương Mục Dương đang nấu mì cà chua cho cô ăn.
Cà chua mùa đông không phải là thứ dễ mua, cũng không biết Phương Mục Dương kiếm được từ đâu nữa.
Phí Nghê đã hoàn toàn khỏi bệnh, mà Phương Mục Dương cũng đã thi xong, cô rất yên tâm ăn chung một bát mì cà chua với anh.
Ăn xong mì Phương Mục Dương nấu, Phí Nghê lại ngồi sau xe Phương Mục Dương tới điểm thi.
Đề thi Tiếng Anh hôm nay cũng đơn giản như đề thi mấy môn khác, chẳng mấy chốc mà Phí Nghê đã làm xong. Tuy cô rất có niềm tin, nhưng vẫn kiểm tra thật kỹ mấy lượt mới nộp bài cho giám thị.
Ra khỏi phòng thi ngay sau cô là một cậu trai. Cậu trai này tên Tô Cảnh, lúc thi chỉ cần liếc mắt một cái là cậu ta đã nhận ra Phí Nghê chính là cô gái năm ngoái cậu ta gặp trên sân băng. Bàn cậu ta ở ngay cạnh bàn Phí Nghê, có thể nhìn thấy tiến độ làm bài của cô bất cứ lúc nào. Cậu ta còn chưa làm đến đề dịch mà Phí Nghê đã hoàn thành bài thi. Tô Cảnh tự nhận tiếng Anh của mình không kém, nhưng tốc độ làm bài của Phí Nghê đã khiến cậu ta rất áp lực. Nhưng mãi đến khi cậu ta làm hết đề thi, Phí Nghê mới nộp bài mình.
Tô Cảnh hỏi Phí Nghê thi thế nào, Phí Nghê nói cũng tạm được. Chuyện thi xong người xa lạ hỏi han tình hình thi cử của nhau là rất bình thường. Phí Nghê nhìn cậu nhóc chưa đến hai mươi tuổi này, trong đầu chỉ có một suy nghĩ, đó là kỳ thi đại học khôi phục quá muộn. Cô rất hâm mộ cậu trai đứng trước mắt mình, vừa học hết cấp ba là có thể tham gia thi đại học. Nếu kỳ thi đại học chưa từng gián đoạn, cô đã sớm học lên cao học rồi. Phí Nghê nhớ tới chuyện Phương Mục Dương nói với cô là muốn thi vào cao học…
“Có phải em cảm thấy đề Tiếng Anh hôm nay rất dễ không?”
“Tạm tạm.” Dù sao cũng không khó.
“Sắp tới em sẽ vào trường nào?”
Nghe xong câu trả lời của Phí Nghê, Tô Cảnh nói: “Sau này rất có thể chúng ta sẽ là bạn học.” Khả năng cao là cùng chuyên ngành nữa.