• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Có câu: Gió bẻ măng xanh rì, mưa đẫm mai bung đỏ. Giang Đô mưa mấy trận, đã qua tiết Tiểu mãn, mới chớm thì Mang chủng, đảo mắt đã đến tháng Năm. Đây là mùa của các dạng việc làm thời vụ, đặc biệt là gặt lúa mì cho các nông hộ không kịp thu hoạch, những người làm công việc này được gọi là “mạch khách”.

Ngày mùa, khách qua sông giảm hẳn, Tiết A Ất cũng đi làm mạch khách.

Hắn lấy từ trong hộp đao của Tiết Côn Ngọc ra một cái liềm, thân liềm như mảnh trăng khuyết, là mặt hàng bán chạy nhất của hiệu đao nhà họ Tiết khi xưa. Thiên hạ cầm kiếm đạp thiên nhai chẳng mấy, cúi mặt trông đất vàng mới đông.

Tiết A Ất bước chân xuống ruộng lúa mạch, làm kinh động không ít bọ ngựa.

Cuối thu, bọ ngựa sinh sản trong đồng ruộng, một túi trứng trăm con, đến lúc này mới phá trứng chui ra. Tiết A Ất bắt được một con, giơ lên trước mặt, con bọ ngựa nhỏ khua chân trước giãy giụa không ngừng, như tướng quân múa đại đao trong tay.

Tiết A Ất và giọng vịt đực giao hẹn mỗi mười lăm ngày gặp mặt một lần ở góc tường phố Đông Quan, hiện giờ vừa vặn cách lần trước nửa tháng. Hắn gặt xong gần nửa mẫu ruộng, nhận xâu tiền nông hộ trả cho, bóc côn trùng bám trên ống quần ra, vác liềm lên vai đến phố Đông Quan.

Lưỡi liềm áo ngắn, áo tơi mũ vành, ngày mùa, đi trên đường quá nửa đều ăn mặc như vậy, chẳng hề chói mắt.

Đầu phố dựng một võ đài, đám đông vây kín, nửa bước khó tiến.

Cách giờ hẹn còn một khoảng, giọng vịt đực làm ăn không quá chu đáo, hơn nửa là tới muộn, Tiết A Ất nảy lòng hóng vui hiếm thấy.

Khó khăn lắm mới chen được lên hàng trước…

Chỉ nghe tiếng trống “thùng thùng thùng”!

Võ đài không giống chỉ dựng tạm thời, rộng chừng mười trượng, chính giữa đặt một chiếc trống lớn rộng chừng năm người, mặt trống viết một chữ “Võ” đỏ tươi rồng bay phượng múa. Bên phải bày giá binh khí, đao thương kiếm kích, búa rìu đinh ba, đủ cả thảy mười tám món binh khí.

Nho lấy văn làm loạn, hiệp dùng võ quấy phá.

Người đánh trống mắt to mày rậm, quanh hông buộc đai lưng đỏ thắm, ăn vận theo lối người giang hồ. Gã ném dùi trống sang một bên, rảo bước đi tới giữa võ đài, cất giọng nói: “Lão tổ tông Hoài Vô Nhai về cõi tiên, gần đây trên giang hồ có rất nhiều bằng hữu cho rằng nhà họ Hoài không còn xứng với địa vị…”

Vây quanh võ đài có hơn trăm người, hò reo ầm ĩ, thế mà giọng gã đánh trống vang rền, ai nấy bên ngoài đều nghe thấy rõ ràng. Trời sinh con người đã sùng bái kẻ mạnh, trong thoắt chốc đã như quạ đen ngậm đá, tĩnh lặng đến độ khiến người ta rụt rè.

Gã ôm quyền hướng về Bắc Sơn xa xa phía nam: “Chưởng môn nhân mới nhậm chức của chúng tôi, đại đệ tử khai sơn của lão tổ tông, Tô Ngạo Tô chưởng môn biết được suy nghĩ của chư vị, ra lệnh cho đệ tử dựng võ đài ở đây mười ngày, mỗi ngày phái một đệ từ nhà họ Hoài thủ. Không đả thương, chỉ so tài cùng đồng đạo, phàm có một đệ tử của nhà họ Hoài thua, từ nay võ lâm đổi thủ lĩnh, nhà họ Hoài sẽ không có bất kì hành động tranh giành nào nữa.”

Dưới đài xôn xao.

Gã đánh trống mặc kệ phản ứng của mọi người, mời người giữ đài thứ nhất ra: “Người thủ đài hôm nay là đệ tử quan môn của Tô chưởng môn.”

Ôm quyền thi lễ với thiếu niên trên đài: “Tạ sư đệ.”

Chính là Tạ Thiêm dẫn anh em họ Tiết đến phường trò.

Đám đông thấy là một cậu chàng choai choai mười lăm, mười sáu tuổi thì không khỏi có mấy phần xem thường. Nhà họ Hoài rất có danh tiếng trong võ lâm, người lên võ đài tỷ thí đầu tiên bất kể thắng bại đều đáng khoe khoang, thế nên chẳng bao lâu sau, giữa rừng người đã bước ra một tay lưng hùm vai gấu.

Y không chọn binh khí bày trên võ đài mà khiêng một thanh trọng kiếm cao bằng một người đi lên bậc đài, cả võ đài đều rung lên theo.

Y đứng lại bên cạnh Tạ Thiêm, dưới đài vang ầm tiếng cười.

Tạ Thiêm còn chưa trổ mã, cao không quá sáu thước ba, lại thêm vóc người hơi gầy, đứng trước mặt gã đàn ông tám thước trông như một cặp cha con vậy.

Tay kia ôm quyền hành lễ: “Tại hạ Chu Sơn Nhạc của Kim Long Bang.”

Tạ Thiêm đáp lễ: “Tôi tên Tạ Thiêm.”

Chu Sơn Nhạc gỡ trọng kiếm trên lưng xuống, hai chân choãi ra, hít thở sâu. Đang định bày tư thế ra tay thì chợt nghe thiếu niên choai choai đối diện nói: “Chu đại ca có muốn cá cược không?”

Chu Sơn Nhạc ngớ ra.

Tạ Thiêm chìa tay phải của mình về phía y: “Kiếm xuất tay thu, chém được coi như Chu đại ca thắng, thế nào?”

Tay thiếu niên không có sẹo, kẽ móng tay sạch sẽ, đốt ngón cái và ngón trỏ có một lớp chai mỏng, đây là đôi bàn tay chưa từng trải qua sinh tử liều giết, cầm đao chưa quá lâu.

Chu Sơn Nhạc gật đầu đồng ý, vung trọng kiếm lên.

Gã đánh trống đi tới trước mặt trống lớn, giơ cao hai dùi trống cầm trong tay, trùng trùng đập lên đường nét sổ móc của chữ “Võ”:

“Đùng!”

Kiếm hạ xuống, nện lên võ đài.

Tạ Thiêm giơ bàn tay phải lành lặn không sứt mẻ lên, xoay một vòng tại chỗ cho mọi người nhìn kĩ.

Dưới võ đài lặng ngắt như tờ, sau ba hơi thở, tiếng hoan hô vang dội khắp phố Đông Quan như nước trong nồi đột ngột ùng ục sôi trào.

Tiết A Ất không xem tiếp, xuyên qua đám đông.

Đầu tưởng bên kia, giọng vịt đực đã đến, cục gạch xanh lỏng đã bị rút ra, giọng nói khản đặc khó nghe truyền tới qua ô hở vuông vắn: “Hiếm khi nào Tiết huynh đến muộn, đi hóng chuyện nhà họ Hoài à?”

Tiết A Ất đáp lời: “Nhà họ Hoài đã suy bại đến bậc này rồi à?”

Thời Hoài Vô Nhai còn sống, nào cần phải dựng võ đài chứng minh thực lực của bản thân trước mắt bàn dân thiên hạ? Địa vị của Hoài lão gia tử vòi vọi trong võ lâm, vung tay lên hô là quần hùng giang hồ ào ào đến nghe lệnh.

“Hoài Vô Nhai là rường cột đằng đó, mất rồi đương nhiên nhà lầu nghiêng.” Giọng vịt đực chế nhạo, “Khi còn sống chỉ sợ đệ tử dưới tay trò giỏi hơn thầy, giữ chằm chặp quyền bính và võ công độc môn không buông – Đời này lão sống thống khoái làm con cháu đời sau phải gánh kết cục thảm hại này. Người thừa kế được chọn cũng chẳng ra sao, bản lĩnh Tô Ngạo tầm thường, dã tâm thì lại to ngang sư phụ vậy.”

Tiết A Ất nhớ lúc ở phường trò, Tô Ngạo trò chuyện với Giang Đô vương rất vui: “Y theo Giang Đô vương?”

“Phải.” Giọng vịt đực nói, “Hoài Vô Nhai theo thái tử điện hạ, kết quả thân bại danh liệt, Tô Ngạo dứt khoát đổi sang thờ đối thủ của thái tử làm chủ, thế lại chẳng phải hấp tấp khiến tòa lầu nguy ngập nhà họ Hoài này chóng sụp hơn à?” Không phải ai cũng có thể đâm đầu vào chỗ chết rồi tái sinh.

Tiết A Ất cau mày: “Y mưu cầu cái gì?”

Tin tức của giọng vịt đực không linh thông đến vậy: “Ai biết chứ.”

Trong đầu Tiết A Ất chợt lóe: Nếu nói có thứ gì đáng để Tô Ngạo mưu cầu, trong tay Giang Đô vương có mà thái tử không có, lại có sẵn ngay lúc này…

Hung thủ sát hại sư phụ y.

Hắn đổi ngoặt đề tài: “Chuyến này có việc gì mới không?”

“Có.” Bên kia tường phấn chấn, “Tiết huynh có nhớ thanh đao cất giấu mật thư tôi đề cập với huynh bữa trước không? Thế mà xem như tôi tìm được người đấy! Thủ lĩnh thổ phỉ không nhớ rõ chuyện, chỉ nhớ được hai điểm mấu chốt: thứ nhất đó là một thanh đao chín khuyên, thứ hai là người lấy đao đi là một đao khách một mắt, mù mắt trái.”

Giọng vịt đực khạc một ngụm đờm: “Chuyện này đúng là uất ức – Tiết huynh không biết chứ, lúc đến Giang Đô tiểu đệ từng có xung đột với người lái đò, sau đó chủ nhà chạy tới, cầm trong tay chính là thanh đao chín khuyên, khéo sao cũng mù mắt trái!”

Nói đến chỗ quan trọng, bên kia lại không thấy hồi âm. Tướng thanh1 mà chỉ pha trò thôi thì chưa đủ, còn phải có phụ họa nữa, kể chuyện cũng vậy.

1 Một loại hình nghệ thuật tấu nói của Trung Quốc, dùng những câu nói vui, đối đáp hài hước để gây cười, đa số là để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt.

Giọng vịt đực không nhịn được lên tiếng: “Tiết huynh?”

Tiết A Ất đáp lời: “Anh nói tiếp đi.”

Giọng vịt đực lôi ống trúc ra, uống một ngụm nhuận giọng, kể tiếp: “Sợ chỉ là trùng hợp nên tiểu đệ có đi dò la, cái đêm người này trở về Giang Đô từ trấn Bạch Thủy có đi kĩ viện. Nương tử hoa lâu kia kể ra cũng biết điều lắm, một năm một mười thuật hết đặc điểm của người này cho tiểu đệ hay, bấy giờ mới chắc chắn chính xác.”

Ngọn nguồn đã kể xong, trở lại chủ đề chính.

“Làm phiền Tiết huynh đi bắt người này, đợi lấy được đao chín khuyên, dâng lên thái tử điện hạ rồi, hai anh em ta không cần sống cuộc sống liếm máu đầu đao này nữa, nửa đời sau chẳng phải lo sầu thiếu bạc tiêu.” Giọng vịt đực hỏi, “Tiết huynh, huynh thấy thế nào?”

Bên tai vang “phụt” một tiếng.

Ngực lạnh toát.

Giọng vịt đực vô thức cúi đầu, ngực trái thò ra một đoạn mũi đao, hình dáng không giống đao bình thường mà hơi kì dị. Hắn gục xuống đất, lúc này mới nhìn thấy trên bức tường sau lưng chẳng biết từ lúc nào đã bị cạy mất một cục gạch, đao đâm từ trong đó tới, mặt tường chung quanh bắn tóe máu của hắn.

Tiết A Ất trèo tường xuống, vung lưỡi liềm chặt đầu giọng vịt đực xuống, hệt như bọ ngựa dùng chân trước cắt đứt thân lúa mạch.

Hắn dùng áo cũ bọc đầu lâu, xách trong tay.

***

Mặt trời ban trưa chói chang trên cao, không thể so với oanh ca yến múa, ngợp trong vàng son khi đêm xuống, tiễn ân khách qua đêm đi rồi, Yến Xuân Lâu vắng tanh, yên tĩnh đến độ nghe thấy cả tiếng hót chim quyên bên ngoài cửa sổ.

Lên lầu gặp trúng Quan tú bà, mụ sửng sốt: “Tiết công tử?”

Tiết A Ất hỏi: “Nguyên nương đâu?”

Lúc ân khách và hoa nương thân mật ngọt ngào, cũng có người tìm đến vào ban ngày. Quan tú bà cười đon đả chỉ một hướng: “Đang nghỉ ngơi trong phòng kìa.”

Tiết A Ất cảm ơn, mở cửa đi vào.

Khương Nguyên Nương đang quấn chăn gấm cuộn tròn trên sập, nghe tiếng thì lim dim hé hờ mắt nhìn qua, tức thì tỉnh táo lại: “Sao chàng lại tới đây?”

Tiết A Ất đóng cửa, không đi qua mà dựa lưng vào cánh cửa: “Không phải bận trước nói thiếu trang sức, muốn tôi mua cho cô à? May mà được quý nhân tán thưởng, hôm nay trong tay cũng dư dả, tôi dẫn cô đi Trân Đức Phường.”

Ngón tay từ từ siết chặt góc chăn, Khương Nguyên Nương nói: “Giờ em mệt quá, để ngày khác đi.”

Ngoài phòng loáng thoáng vọng vào tiếng ồn ào, sân dựng võ đài của nhà họ Hoài mỗi lúc một náo nhiệt, bách tính không hiểu chuyện giang hồ cũng đi hóng góp vui. Tiết A Ất nhìn ra ngoài cửa sổ chạm hoa mở rộng, chỉ nghe tiếng trống thùng thùng, âm thanh binh khí va chạm vang không dứt bên tai, chấn động thẳng vào lòng.

“Cũng được.” Tiết A Ất nhấc túi vải trong tay lên đặt trên bàn, có nước rỉ ra thấm ướt mặt bàn, “Dưa chuột mới mua, qua nếm thử xem.”

Cô ả xuống khỏi sập đi tới: “Dưa chuột rẻ bèo ấy mà có gì ngon?”

Mở túi vải ra, đập vào mắt là một cặp mắt trợn tròn.

Đó không phải nước dưa quả mà là máu.

Khương Nguyên Nương hét lên.

Trong kinh hoàng đánh ngã ghế gỗ, chân ghế ma sát với mặt sàn, phát ra tiếng chói tai, đổ xuống đánh “rầm”.

Tiết A Ất xách cái đầu lên, để mặt giọng vịt đực đối diện với ả đàn bà ngã sõng soài trên đất: “Nguyên Nương, cô còn nhớ gương mặt này không?”

Khương Nguyên Nương tái mét mặt.

Kêu cứu vô dụng, có kêu rách họng tú bà cũng chỉ coi là tình thú, hoa lâu là động tiêu tiền của đàn ông, cây rụng tiền tàn héo lắc không ra bạc cũng chẳng ai buồn tiếc.

Ném đầu lâu đi, Tiết A Ất cúi người tóm mái tóc bù xù của Khương Nguyên Nương, kéo lại quăng lên bàn dài, vươn tay bóp cổ con ả, mặc ả vùng vẫy tứ chi như Bạch Tố Trinh uống rượu hùng hoàng.

Năm ngón tay chậm rãi siết chặt.

Mặt Khương Nguyên Nương sung huyết đỏ rực, lệ rơi giàn giụa, miệng phun ra mấy chữ như hạt đậu rơi: “Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân…”

Sau vài hơi thở, Tiết A Ất buông tay.

Kéo thi thể lên sập, dùng chăn gấm che lại, chẳng có gì khác biệt so với lúc tới.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK