Chủ yếu là về công tác chuyển giao kỹ thuật.
Tôi xuống máy bay ở Thượng Hải, phía Tô Châu cử đến hai chiếc xe, đón chúng tôi về Tô Châu.
Bên nhà máy có khu tập thể, trong ba tháng tới chúng tôi sẽ ở đây.
Đám kỹ sư Đài Loan chúng tôi tuy được gọi đùa là cán bộ Đài Loan, nhưng mọi người đều gọi chúng tôi là “thầy”.
Tôi biết trong cách nói ở Đại lục, gọi người khác là thầy biểu hiện một sự kính trọng.
Nhưng dù gì cả đời này cũng chưa từng được ai gọi là thầy, nên nghe vậy vẫn thấy không tự nhiên.
Dỡ hành lý qua loa, thả lỏng chân tay xong, tôi lập tức cầm lấy điện thoại di động.
Tôi đã ở Tô Châu rồi, lý do này đủ để tôi gọi điện thoại cho Noãn Noãn.
“Xin hỏi cô có quen người đẹp số 1 Bắc Kinh, Tần Noãn Noãn không?” điện thoại vừa thông, tôi nói.
“Dạ?” Đầu dây bên kia dường như giật thót mình. “Tôi chính là Tần Noãn Noãn đây. Xin hỏi ai đấy ạ?”
Tôi nhận ra rồi, là tiếng Noãn Noãn, không sai đi đâu được.
“Giọng cô hay như vậy, lại là người đẹp số 1 Bắc Kinh, trên đời này còn vương pháp nữa không đây?” tôi nói.
“Lương Lương?” Tiếng Noãn Noãn có chút ngập ngừng.
“Xin gọi tôi là thầy Lương Lương” tôi nói.
“Lương Lương!” Noãn Noãn rất phấn khích. “Đúng là anh rồi!”
Tôi cũng rất vui.
Thật chưa từng nghĩ tới chỉ đơn giản ấn vài phím số mà có thể có một niềm vui lớn ngần này.
Noãn Noãn nói tối qua nhận được e-mail của tôi, vốn định gọi điện cho tôi, không ngờ tôi đã gọi trước rồi.
Tôi nói cho Noãn Noãn lý do đến Tô Châu và thời gian lưu lại đây, Noãn Noãn nói Tô Châu rất đẹp, đừng quên đi dạo thăm thú.
“Em đến Tô Châu rồi à?” tôi hỏi.
“Em nghe người ta nói thế.”
“Lại là nghe nói.”
“Tai em tốt mà.” Noãn Noãn bật cười khanh khách.
Xa nhau đã hơn một năm. Chúng tôi đều có rất nhiều điều muốn nói, nhưng nhất thời chẳng thể sắp xếp được thứ tự.
Đành nói mấy chuyện vô vị như ngồi máy bay mất bao lâu, thức ăn trên máy bay có những gì, tiếp viên hàng không chắc đã lấy chồng sinh rồi, hơn nữa con đầu lòng đã học tới cấp III rồi.
Chúng tôi dường như chỉ thuần túy tận hưởng niềm vui được nghe giọng nói của nhau, tận hưởng điều thuần túy ấy, rồi cảm thấy cả hai đều vẫn đang sống thật là một việc đáng chúc mừng.
Không hiểu vì sao, trong lúc nói chuyện với Noãn Noãn, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh vách hồi âm ở Thiên Đàn.
Có lẽ là vì giờ chúng tôi đang nói chuyện qua di động, nói vào di động, nghe câu trả lời cũng từ di động, so với lúc đối diện với bức vách nói, rồi từ bức vách nghe thấy câu trả lời, cảm giác rất giống nhau.
Cũng nhớ đến dũng khí nói thầm với Noãn Noãn những âm thanh vẫn luôn luẩn quẩn trong lòng - Anh thích em.
Tuy rằng tôi biết Noãn Noãn nhất định không nghe thấy.
“Noãn Noãn” tôi gọi to.
“Hả?”
“Noãn Noãn” tôi thấp giọng xuống.
“Nói đi.”
“Đây là Noãn Noãn ở giọng cao và giọng trầm.”
“Anh nói cái gì thế.”
“He he, Noãn Noãn.”
“Rốt cuộc anh định nói gì?”
“Đây là Noãn Noãn thêm he he.”
“Bại não” Noãn Noãn nói.
Noãn Noãn không hề biết, chỉ cần có thể đơn thuần mở miệng gọi Noãn Noãn, đó đã là một điều hạnh phúc.
Cuộc gọi kéo dài hơn nửa tiếng mới kết thúc.
Ngắt điện thoại rồi, tôi tự nhiên thấy khóe miệng mỏi nhừ.
Có lẽ lúc nghe Noãn Noãn nói, tôi bất giác cứ giữ nguyên nụ cười trên miệng.
Tôi mở va li, sắp xếp qua loa đồ dùng hàng ngày, xem qua một số tài liệu bên nhà máy chuẩn bị.
Dù gì tôi cũng không đến đây chơi, phải làm cho tốt việc nên làm.
Tính chất công việc ở Tô Châu rất đơn giản, thậm chí có thể nói nhẹ nhàng hơn công việc ở Đài Loan.
Ngoài một số rắc rối nhỏ do việc lạ nước lạ cái, chưa quen sinh hoạt, tôi thích ứng rất nhanh.
Chỉ có sau giờ tan làm, thời gian không biết dùng vào đâu mới là vấn đề lớn nhất.
Các đồng nghiệp thỉnh thoảng rủ đi hát karaoke, trong đầu hát phần lớn là các bài nhạc Đài Loan thịnh hành, tôi rất quen thuộc.
Nhưng tôi hát lại không hay, không nỡ lòng nào đem niềm vui của mình xây trên nỗi thống khổ của người khác.
Vì vậy sau khi tan làm, tôi thường một mình ru rú trong nhà tập thể.
Đến ngày nghỉ, tôi bèn đi thăm thú Tô Châu.
Từng có người nói, Tô Châu là thành phố giống Đài Bắc nhất.
Đài Bắc tôi không rõ lắm, nên không biết Tô Châu trước mặt liệu có thật giống với Đài Bắc hay không?
Tôi nghĩ có lẽ là vì người Đài Loan ở Tô Châu đông, tình cảm nhớ quê hương nồng nàn mãnh liệt, nên mới có cảm giác này.
Nhưng cũng có một điểm tương đồng, xe máy ở Tô Châu nhiều và cũng chạy bạt mạng như ở Đài Loan.
Tuy nhiên nói một cách nghiêm túc, xe máy ở Tô Châu quá nửa là xe điện.
Nhớ năm ngoái lúc tôi ở Bắc Kinh, trên đường đến một chiếc xe máy cũng không có.
Đi qua đoạn đường phồn hoa tấp nập, bên tai vang lên bài hát “Nghe biển”, nhưng người hát lại không phải Trương Huệ Muội.
“Nghe kìa… tiếng biển khóc…”
Người khóc chắc phải là Trương Huệ Muội mất.
Nhìn tổng thể mà nói, đây đúng là một thành phố khiến người ta liên tưởng đến Đài Loan.
Tôi hoàn toàn không vì vậy mà có cảm giác nhớ nhà.
Nhưng có lần gặp một người Phúc Châu trong nhà máy, anh ta dùng tiếng Phúc Kiến nói chuyện với tôi.
Ngoài âm điệu có chút khác biệt ra, thì căn bản đó chính là tiếng Đài Loan, tôi giật thót mình.
Trên thực tế có lẽ chuyện chẳng có gì mà tôi cứ kinh ngạc quá lên, tiếng Đài Loan chính là tiếng Mân Nam, đương nhiên cũng giống với tiếng Phúc Kiến.
Thế là mỗi khi nói tiếng Phúc Kiến với anh bạn người Phúc Châu đó, tôi mới bắt đầu nhớ đến mọi chuyện ở Đài Loan.
Tuy nhiên phần lớn thời gian, vẫn là tôi nhớ đến Noãn Noãn.
Lần đầu tiên tôi viết e-mail gửi Noãn Noãn, nhìn bàn phím chẳng hề có dấu chú âm, nhiệt huyết trong tôi nguội đi một nửa.
Ở Đài Loan, khi đánh tiếng Trung thường dựa vào dấu chú âm, nhưng chữ giản thể lại dựa vào phiên âm tiếng Hán.
Ở Đài Loan luôn tuân theo phiên âm thông dụng, còn phiên âm tiếng Hán tôi hoàn toàn không hiểu.
Mới đánh được hai chữ Noãn Noãn (nghiêm khắc mà nói thì là một chữ), tôi đã vã mồ hôi đầu.
Đành phải cầu cứu các đồng nghiệp Tô Châu, nhờ họ dạy tôi gõ từng chữ, từng chữ.
Một bức e-mail 100 chữ, họ đã giúp tôi 88 chữ.
Vốn nghĩ dùng tiếng Anh viết luôn cho rồi, tuy trình độ tiếng Anh của tôi miễn cưỡng có thể biểu đạt sự việc, nhưng nếu để biểu lộ tâm tình thậm chí là tình cảm, sắc thái chắc hẳn sẽ không đúng cho lắm.
Ví dụ như câu này “Lời hỏi han ấm áp của Noãn Noãn đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Lương Lương”, dịch sang tiếng Anh e rằng sẽ thiếu mất vài nghĩa cảnh. Dù là câu này gần như chẳng có nghĩa cảnh gì đáng nói.
Vì vậy mỗi khi muốn viết e-mail cho Noãn Noãn, tôi luôn phải thỉnh giáo mấy đồng nghiệp Tô Châu về phiên âm tiếng Hán của từng chữ.
Cũng may hỏi nhiều lần rồi dần dần cũng rút ra được vài kinh nghiệm, tự mình thử phiên âm, thường cũng phiên được ra, chỉ cần thử nhiều lần thôi.
Tôi cũng hay muốn gọi điện cho Noãn Noãn, nhưng vẫn cho rằng phải tìm được lý do gì đặc biệt mới nên gọi.
Noãn Noãn đang làm việc, hoặc đang rất bận, tôi không muốn tấm lòng của mình lại làm phiền tới em.
Thế nhưng hôm nay, khi đã có một lý do đủ đặc biệt để gọi điện cho Noãn Noãn, tôi chợt nhớ ra điện thoại của mình vẫn dùng sim Đài Loan, phí điện thoại gọi đến máy Noãn Noãn rất đắt.
Nếu như lại giống lần trước nói một mạch nửa tiếng đồng hồ, mỗi ngày gọi một cuộc thì tôi phá sản mất.
Tôi ra phố mua một thẻ điện thoại, gọi luôn bằng điện thoại công cộng bên đường, phí điện thoại như vậy cũng tiết kiệm khá nhiều.
“Sinh nhật vui vẻ!” Noãn Noãn vừa nhận điện thoại, tôi đã nói luôn.
“Lương Lương?” Noãn Noãn nói. “Hôm nay có phải sinh nhật em đâu.”
“Không phải ư?” tôi nói.
“Đương nhiên không phải rồi. Sao anh lại nghĩ hôm nay là sinh nhật em?”
“Anh cũng không biết sao nữa. Chỉ nghĩ, nếu em đón sinh nhật mà không có ai chúc mừng thì sẽ rất đáng thương.”
“Lương Lương.”
“Hả?”
“Chúc sinh nhật vui vẻ” Noãn Noãn nói.
“Sao em biết hôm nay là sinh nhật anh?” Tôi rất đỗi kinh ngạc.
“Chút ý đó của anh, em còn không đoán ra sao?” Noãn Noãn cười rất vui vẻ.
Tôi nói với Noãn Noãn, đã là sinh nhật tôi, vậy hôm nay có thể nói hết thẻ điện thoại được không?
Noãn Noãn bật cười nói được.
Từ điện thoại phát ra một tiếng tít chói tai chắc chỉ còn mấy giây cuối, Noãn Noãn nói lớn: “Lương Lương! Sinh nhật vui vẻ!” Tôi còn chưa kịp đáp lại, điện thoại đã tự động ngắt mất rồi.
Lúc đó là mùa thu, ngõ phố Tô Châu về đêm hơi lạnh lẽo.
Một câu sinh nhật vui vẻ của Noãn Noãn đã khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp từ tận đáy lòng.
“Lời hỏi han ấm áp của Noãn Noãn đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Lương Lương”, câu này nếu thực sự có nghĩa cảnh, thì chính là lúc này rồi.
Tôi cất tấm thẻ điện thoại đã dùng hết tiền, coi như quà sinh nhật Noãn Noãn tặng tôi.
Thoắt cái đã tới Tô Châu được ba tháng, chỉ khoảng hai tuần nữa là phải rời khỏi nơi đây.
E-mail của Noãn Noãn lúc nào cũng nhắc “Lâm viên Giang Nam đệ nhất thiên hạ, lâm viên Tô Châu đệ nhất Giang Nam”, giục tôi nhất định phải đi thăm, không thăm sẽ hối hận, hối hận rồi vẫn cứ phải đi.
Chọn một ngày nghỉ, cùng mấy anh bạn kỹ sư Đài Loan khác tới thăm khu thành cổ Tô Châu.
Thành cổ Tô Châu đã có nghìn năm lịch sử, thành ban đầu có cả đường thủy lẫn đường bộ, sông phố tiếp giáp với nhau, bây giờ vẫn vậy.
Đáng quý nhất là khu thành cổ đến nay vẫn tọa lạc ở nguyên chỗ cũ.
Vào trong thành cổ, cứ năm bước thì gặp một cố tích nhỏ, mười bước gặp một cố tích lớn, thỉnh thoảng còn có thể thấy những cố cư của các danh nhân trong lịch sử.
Giữa nơi đây và thành phố Tô Châu mới được xây dựng mà tôi đang ở có một sự khác biệt rất lớn, đây cũng là điểm làm nên đặc điểm tân cổ giao duyên của Tô Châu.
Nếu như bước đi trong thành cổ Tô Châu mà vẫn còn khiến bạn liên tưởng đến Đài Bắc, thì hẳn bạn nên viết truyện viễn tưởng đi thôi.
Chuyết Chính Viên nằm ở phía đông bắc khu thành cổ, là khu lâm viên nổi tiếng nhất trong tứ đại lâm viên của thành Tô Châu.
Trong vườn lấy nước làm chủ thể, dương liễu bên hồ phất phơ trong gió, các dãy hành lang lên xuống, đình các được xây gần nước, cầu đá như một chiếc cầu vồng rực rỡ bắc ngang bầu trời quang sau cơn mưa.
Cảnh sắc khu vườn tự nhiên, vẫn giữ được phong cách sôi nổi mộc mạc của lâm viên đời Minh, đậm chất sông nước Giang Nam.
Bắt đầu từ lúc bước vào cổ thành, cảnh phố xá, cảnh lâm viên đều khiến tôi có một cảm giác quen thuộc.
Về sau mới bàng hoàng nhận ra, đây chẳng phải phố Tô Châu trong Di Hòa Viên hay sao?
Phố Tô Châu vốn được dựng phỏng theo cảnh phố phường Tô Châu, tuy rằng quy mô và quang cảnh đều không bằng lâm viên Tô Châu, nhưng vẫn mang chút nét duyên dáng của lâm viên nơi đây.
Tôi nhớ đến cảnh cùng Noãn Noãn dạo bước ven phố Tô Châu; cũng nhớ đến lầu hai trà quán đã ngồi cùng Noãn Noãn, nhìn ra cây cầu nhỏ cong cong trên mặt nước, với nước sông Tô Châu đang chậm rãi chảy bên dưới; cuối cùng là nhớ đến ông lão coi chữ trên phố Tô Châu.
Lúc ở Đài Loan, thường là những tấm ảnh và những hình ảnh còn lưu lại trong óc gợi nên nỗi nhớ về Noãn Noãn; giờ đây khi cảnh vật cụ thể trước mắt, chẳng phải 2D mà hẳn 3D, tôi thậm chí còn cảm thấy như Noãn Noãn đang ở ngay cạnh mình.
Tôi nhận ra con tim nhung nhớ Noãn Noãn của mình còn nóng bỏng hơn cả tôi tưởng tượng.
Tôi chợt có ý nghĩ đến Bắc Kinh tìm Noãn Noãn.
Nhưng vé máy bay về Đài Loan đã đặt rồi, sau khi trở về vẫn cũng còn rất nhiều công việc đang đợi tôi.
Nếu như từ Tô Châu không bay xuống phía Nam về Đài Loan, mà bay lên phía Bắc tới Bắc Kinh, liệu có quá ngông không?
Hơn nữa chẳng may đúng lúc Noãn Noãn đang bận tối mắt tối mũi, hà tất lại làm khó thêm cho em?
Tôi cứ trăn trở mãi, vẫn không đưa ra được quyết định.
Cuối cùng cũng đến đêm trước ngày rời Tô Châu, phía nhà máy muốn bù đắp cho những khó khăn vất vả của đám kỹ sư Đài Loan chúng tôi, đã phái một xe riêng, đưa chúng tôi đến Tây Hồ Hàng Châu thăm thú, ngay hôm sau sẽ lên máy bay luôn.
Lần đầu nhìn thấy Tây Hồ, tôi quá đỗi sững sờ, lập tức mê mẩn trước vẻ đẹp của nàng.
Nhưng rồi chẳng bao lâu, tôi liền liên tưởng đến hồ Vị Danh trong Bắc Đại, hồ Côn Minh trong Di Hòa Viên, thậm chí là cả Thập Sát Hải.
Tôi biết rõ rằng vẻ đẹp của những hồ này hoàn toàn khác với vẻ đẹp của Tây Hồ, nhưng tôi vẫn bất giác nhớ đến lúc cùng Noãn Noãn bên hồ Vị Danh, hồ Côn Minh, Thập Sát Hải.
Lên xe xích lô, định đi dạo một vòng hồ.
Bác phu xe mới đạp mấy vòng, tôi lại nhớ đến chuyện cùng Noãn Noãn ngồi xích lô đi dạo ngõ cổ ở Bắc Kinh.
Phong cảnh Tây Hồ tuy kiều diễm là vậy, nhưng vẫn chẳng khiến tôi phân tâm.
Nói đúng ra, tâm tư tôi đã hết lên Noãn Noãn, chẳng thể nào tịnh tâm lại thưởng thức cảnh đẹp này.
Có thể nói là: Cảnh đẹp trước mắt nhìn không thấu, Noãn Noãn trước sau vẫn trong lòng.
Ngay đến anh bạn kỹ sư Đài Loan ngồi cạnh tôi đây, tôi cũng suýt chút nữa thì tưởng anh ta là Noãn Noãn.
Rời Tây Hồ về lại phòng ở, sắp xếp ổn thỏa hành lý, đến khi lên giường thì tôi lại mất ngủ.
Hồi ở Đài Loan, dù tôi cũng rất nhớ Noãn Noãn nhưng chưa từng vì thế mà mất ngủ; không ngờ đến khi rời khỏi Bắc Kinh đã sắp một năm rưỡi, tôi lại ở Tô Châu mất ngủ vì Noãn Noãn.
Nhung nhớ có tuổi, bởi nó biết lớn;
Ký ức trường sinh, bởi nó chẳng hề già.
Cũng như nỗi nhớ nhung tôi dành cho Noãn Noãn vẫn tăng thêm tăng thêm theo từng ngày, còn ký ức về khoảng thời gian bên Noãn Noãn, dù có bao lâu chăng nữa, vẫn cứ tươi mới như ngày hôm qua.
Tôi phải tới Bắc Kinh tìm Noãn Noãn.