Đụng ngay phải cậu em khóa dưới, cậu ta bảo: “Anh, lêu anh cái mông.” Tôi lập tức tỉnh táo, kẹp cổ cậu ta, đe: “Vừa sáng ra đã muốn ăn đòn hả.”
“Là Từ Trì dạy em,” cậu ta thều thào trước khi đứt hơi.
Từ Trì nói đây là tiếng địa phương ở quê cậu ta, dùng để chào hỏi.
Cũng chẳng biết là thật hay giả, nhưng trông bộ dạng Từ Trì chẳng giống đùa chút nào.
Nếu gặp phải con gái mà nói câu này chắc sẽ bị kiện tội quấy rối, còn nếu phải con trai, hẳn sẽ bị tẩn cho một trận nhừ tử.
Nhưng vẫn còn hơn cậu chàng đó lại tụt quần xuống mời bạn chào hỏi thật.
Trước cửa nhà ăn, thầy Lý đứng bàn bạc với thầy Trương một lúc, rồi thông báo: “Hôm nay chúng ta ra ngoài uống nước đậu, cảm nhận chút ít văn hóa ẩm thực Bắc Kinh xưa.”
Tôi hỏi Noãn Noãn: “Nước đậu là sữa đậu nành á?”
“Đương nhiên không phải,” Noãn Noãn nói, “sữa đậu nành làm từ đậu tương, còn nước đậu làm từ đậu xanh. Nước đậu chỉ Bắc Kinh mới có, ở nơi khác không thể uống được.”
“Có ngon không?” tôi lại hỏi.
“Đảm bảo sẽ khiến anh có ấn tượng sâu sắc,” Noãn Noãn nói, thái độ rất kỳ lạ.
Tôi thấy lạ, lại hỏi Từ Trì: “Nước đậu có ngon không?”
“Sẽ khiến anh nhớ suốt đời.” Thái độ của Từ Trì cũng rất thần bí kỳ quái.
Tôi nghĩ Cao Lượng là người thật thà, lời nói có lẽ không giả, bèn hỏi tiếp Cao Lượng: “Nước đậu có ngon không?”
“Ờ...” Cao Lượng ậm ờ một hồi, nói: “Lần đầu em uống xong, ba tháng sau ngất ngưởng ngật ngưỡng.”
Ấn tượng sâu sắc, nhớ suốt đời, ba tháng ngất ngưởng ngật ngưỡng, tại sao đều là mấy loại hình dung này.
Trả lời có ngon hay không lại khó đến thế sao?
Nếu như bạn hỏi: Cô bé đó trông thế nào?
Người ta trả lời: Xinh lắm, bảo đảm khiến cậu nhớ suốt đời.
Bạn đương nhiên sẽ rõ, mình sắp được yế kiến một tuyệt thế giai nhân rồi đây.
Nhưng nếu như người ta chỉ trả lời: Đảm bảo khiến cậu ấn tượng sâu sắc, nhớ suốt đời, ba tháng ngất ngưởng ngật ngưỡng.
Làm sao bạn biết cô bé đó có xinh hay không? Dẫu gặp khủng long cũng sẽ ấn tượng sâu sắc đến cả đời không quên, rồi ba tháng sau ngất ngưởng ngật ngưỡng mà.
Vừa bước vào tiệm nước đậu, đã lập tức ngửi thấy một mùi men chua nghẹt mũi, khiến người ta thấy không thoải mái cho lắm.
Bát nước đậu đặc sánh được bê lên, màu xanh tro trong vắt; ngoài ra còn có một đĩa dưa muối, một đĩa quẩy vòng.
Sợi dưa muối mỏng dài được rắc lên mấy hạt vừng với dầu cay, còn quẩy vòng được rán tới vàng ruộm.
“Cái này phải ăn nóng,” Noãn Noãn bảo tôi, ánh mắt vừa như cười lại như không cười.
Tôi lập cập bưng bát lên, cẩn trọng kề miệng vào thành bát, chậm rãi húp một ngụm nhỏ.
“Ặc!” Tôi kêu lên thảm thiết, nước đậu không chỉ chua mà còn có mùi kỳ kỳ như đậu phụ thối, khiến người ta buồn nôn.
Tôi phồng mang trợn má, bóp mũi bịt tai, nhăn nhó mặt mày, vận đủ ngũ quan mà vẫn không đuổi được cái vị kỳ quái đó đi.
Noãn Noãn cười khúc khích, vừa cười vừa nói: “Mau ăn ít dưa muối cho xuôi đi đã.” Tôi vội vàng gắp một gắp dưa muối bỏ vào miệng, nhồm nhoàm nhai vài miếng, quả nhiên có tác dụng.
“Vị nước đậu kỳ thật đấy,” tôi nói.
“Đấy là ảo giác thôi,” Noãn Noãn nói, “thử lại lần nữa xem.” Tôi lại bê bát lên, hít sâu một hơi, vũ trang lại tâm lý, rồi nín thở uống một ngụm nữa.
Đây nào phải ảo giác? Đây là mùi vị kỳ quái chân thực chứ còn gì nữa. Lúc nước đậu trôi tuột xuống cổ họng, tôi xém chút nữa thì sặc.
Xong đâu đấy, tôi đặt bát xuống, giương đôi mắt trống rỗng nhìn Noãn Noãn.
“Nước đậu này muốn uống được, nhất thiết phải đi kèm với dưa muối và quẩy vòng, không được thiếu thứ nào,” Noãn Noãn nói. “Nước đậu chua, dưa muối mặn và cay, quẩy vòng giòn, khi chua mặn cay giòn kết hợp với nhau, một hương thơm sẽ dần dần quyện mãi trong miệng.” Noãn Noãn húp một ngụm nước đậu, gắp một miếng dưa muối, một miếng quẩy vòng, mặt mày rạng rỡ, ăn rất ngon miệng.
Tôi càng nhìn càng thấy kỳ lạ, không thể tưởng tượng nổi.
“Đã quá đi mất, ăn một lại muốn ăn hai,” Noãn Noãn nói.
“Xin nhận của tiểu đệ một lạy,” tôi nói.
Cậu em khóa dưới ngồi bàn bên đột nhiên chạy lại, ngồi thụp xuống tóm lấy vạt áo tôi, nói: “Anh ơi, em không xong rồi, mau đưa em đến bệnh viện.”
“Sao thế?”
“Em uống sạch cả bát nước đậu rồi,” cậu ta nói xong liền nhắm tịt mắt.
“Phấn chấn lên đi!” Tôi vả cho cậu ta hai phát bôm bốp.
Cậu ta mở bừng hai mắt, đứng dậy xoa má, quay lại chỗ ngồi.
“Vừa rồi anh tát thật đấy à?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi không nhịn nổi, bật cười khì khì. “Cậu ta thích đùa, anh cũng vui vẻ phối hợp thôi.”
“À mà, vừa nãy nói đến đâu rồi nhỉ?”
“Anh bảo anh muốn lạy em.”
Tôi lập tức đứng lên khỏi chỗ ngồi, quỳ một gối xuống đất, hai tay chắp lại, đoạn nói: “Cô nương quả không phải người phàm.”
Noãn Noãn bật cười kéo tôi đứng dậy, nói: “Thực ra lần đầu tiên em uống nước đậu, cũng không chịu nổi cái vị này đâu. Về sau uống liền hơn nửa tháng, quen rồi mới nhận được mùi vị, thậm chí còn nghiện luôn.”
“Thật đúng là đại ca phong lưu,” tôi nói.
“Gì cơ?” Noãn Noãn hỏi.
“Là không hiểu.”
“Hả?”
“Vì có câu không hiểu phong lưu, vì thế đại ca phong lưu, tức là đại ca không hiểu.”
“Anh uống nước đậu đần người ra đấy à?” Noãn Noãn nói. “Em chả hiểu anh nói cái gì cả.”
“Ý anh là, anh rất rất không hiểu,” tôi nói, “muốn hỏi em chuyện này.”
“Hỏi đi.”
“Lần đầu tiên em uống nước đậu, phản ứng có phải cũng như anh không?”
“Ừ,” Noãn Noãn gật đầu, “có thể nói vậy.”
“Về sau em uống liên tục hơn nửa tháng mới quen, lại còn nghiện nữa?”
“Đúng vậy.” Noãn Noãn cười khúc khích. “Hồi đó chỉ cần nghe ngóng được chỗ nào có hàng nước đậu gia truyền, xa mấy em cũng đi bằng được.”
“Nếu như lần đầu tiên em uống nước đậu đã thấy không thể tiếp nhận nổi,” tôi nghiêng đầu ngẫm nghĩ hồi lâu, “thì sao lại uống tiếp liền hơn nửa tháng làm gì?”
Noãn Noãn trợn tròn mắt, không trả lời, rồi rơi vào trạng thái trầm tư.
“Đây thật đúng là tiểu đệ ngẫm mãi,” lâu sau, Noãn Noãn mới nói.
“Hở?” tôi nói.
“Cũng tức là không hiểu ấy,” Noãn Noãn cười cười nói.” Vì có câu ngẫm mãi không hiểu mà.”
“Sao em cũng lại nói chuyện kiểu đấy?”
“Làm thế để anh biết người nghe anh nói chuyện khổ đến mức nào.”
“Em vất vả quá,” tôi nói.
“Nói linh tinh.” Noãn Noãn bật cười khúc khích.
“Văn hóa uống nước đậu, nghe nói đã có hơn nghìn năm rồi. Vì thế vị của nước đậu có lạ thế nào đi nữa, em cũng phải kiên trì uống bằng được.” Noãn Noãn dường như đã tìm được lý do uống nước đậu. “Tóm lại, cứ cho là vì ngốc đi.”
“Em thực quá siêu đấy,” tôi xuýt xoa khen.
“Lương Lương,” Noãn Noãn chỉ cái bát trước mặt tôi nói, “thử nữa không?”
Tôi đưa tay bưng bát, nhưng trước sau vẫn không có can đảm đưa lên miệng, thở dài một tiếng, rồi lại đặt bát xuống.
Noãn Noãn bật cười, bưng bát tôi lên. Tôi vội vàng nói: “Anh đã uống rồi"
“Không sao,” Noãn Noãn nói, “làm được nước đậu vất vả lắm, đừng lãng phí.”
Từ Trì đi qua, thấy bát trước mặt tôi rỗng không, liền kinh ngạc nói: “Anh Thái, anh đã uống hết rồi á?”
“He he,” tôi chỉ cười không đáp.
“Không sao chứ?” Từ Trì nhìn mắt tôi, sờ sờ tay tôi, lại lắc lắc cả người tôi nữa.
“He he he,” tôi lại cười.
“Thật không ngờ đấy,” Từ Trì nói. “Nào! Anh em mình uống thêm bát nữa!”
“Trì huynh!” Tôi vội vàng túm cậu ta lại, “là Noãn Noãn uống hết giúp anh đấy.”
Từ Trì bật cười ha hả, Noãn Noãn cũng cười, còn tôi chỉ cười gượng gạo.
Tôi bắt đầu quan sát phản ứng của mọi người, sinh viên Đài Loan ai cũng đều có vẻ có kinh hồn bạt vía; phản ứng của sinh viên Bắc Kinh lại muôn hình muôn vẻ hơn, có những người siêu thích uống nước đậu như Noãn Noãn, Từ Trì, cũng có những người miễn cưỡng có thể uống được như Cao Lượng, đương nhiên còn có cả người nhắm mắt nhắm mũi đành phải uống.
Thầy Lý lo mọi người không quen uống nước đậu lại đói bụng, bèn gọi thêm mấy món điểm tâm như bánh đường nướng, bánh kỳ lân, bánh mật vừng, bánh nướng mặn... ăn thêm.
Trên đường về trường, Noãn Noãn xúc động nói: “Không hiểu vì nguyên nhân gì mà các tiệm nước đậu càng ngày càng ít đi.”
“Anh biết nguyên nhân đấy,” tôi nói.
“Là vì sao? “ Noãn Noãn hỏi.
“Bây giờ lựa chọn về điểm tâm phong phú như vậy, tuy nước đậu có phong vị đặc biệt, nhưng làm gì có người trẻ nào cam chịu tập uống thứ nước thiu ấy một thời gian dài, cho đến khi nước thiu biến thành mật hoa cơ chứ? Ai mà chịu được cả quá trình ấy?”
“Lương Lương.” Noãn Noãn trầm ngâm nói: “Lời anh nói rất có triết lý đấy.”
“Thật à?”
“Ừm.” Noãn Noãn gật đầu, cười nói: “Thật hiếm có.”
“Nếu như nam nữ trên đời đều có thể đối với nhau chân thành thuần khiết,” tôi nhìn về xa xăm, nói: “tới lúc đó nước đậu có thể ngậm cười tỏa hương rồi.”
“Ngậm cười tỏa hương?”
“Nếu như ai ai cũng có thể thuần khiết, nước đậu sẽ không cần phải giả vờ chua, thiu để thử lòng con người nữa, mà trực tiếp đem hương thơm vốn có của nó ra đối diện với con người là được rồi.”
“Lời anh nói hệt như nước đậu ấy,” Noãn Noãn nói, “nghe lâu rồi cũng thành quen.”
“Thế quen rồi thì có nghiện không?”
“Không nghiện,” Noãn Noãn cười khúc khích, “mà sẽ miễn dịch.”
Trước khi vào giảng đường bắt đầu buổi học, rất nhiều sinh viên ra sức súc miệng cho trôi đi mùi vị quái lạ của nước đậu trong miệng.
Tôi đoán cái vị lạ ấy hẳn khó mà súc cho trôi được, bởi nó đã xộc thẳng vào não, lại bao phủ khắp toàn thân rồi.
Quả nhiên, thầy giáo vừa bước vào lớp đã hỏi: “Sao lại có mùi chua chua thế này? Các bạn vừa đi uống nước đậu về đấy à?”
Rồi thầy kể rõ cặn kẽ về từng loại nước đậu, cảm xúc như nhớ lại tình yêu đầu ngọt ngào vậy.
“Nước đậu vừa giàu dinh dưỡng, mùi vị lại đặc biệt, đã lâu rồi không uống, tôi rất nhớ hương vị ấy.”
Thầy ơi, xin thầy đừng nói đến nước đậu nữa, mau vào bài học cho rồi.
“Bạn sinh viên ‘Sàng tiền minh nguyệt quang’ hôm qua đâu nhỉ?” Đây là lời đầu tiên thầy nói sau khi trở lại chủ đề chính.
Mọi người sững ra vài giây, rồi cậu em khóa dưới tôi mới từ từ giơ tay lên.
“Đây,” thầy cười cười, đưa ra một cuộn giấy, “cái này tặng bạn.”
Cậu em khóa dưới bước lên bục giảng, tháo cái chun buộc trên cuộn giấy, mở ra, đó là một bức thư pháp cao bằng nửa người.
Bên trên có hai chữ viết bằng bút lông, vừa đen, vừa đậm, lại vừa lớn: “Tài tử”, bên cạnh còn có cả dấu lạc khoản.
Cậu ta mặt đần thối, miệng cười hềnh hệch, mọi người đều hò reo phải chụp lại kiểu ảnh.
Cậu ta lúc thì tay trái làm chữ V, tay phải cầm bức thư pháp, lúc lại đổi tay trái cầm bức thư pháp, tay phải làm chữ V, tiếp nữa còn hai tay làm hai chữ V, mấy đầu ngón tay còn lại kẹp lấy bức thư pháp.
Đèn flash nháy liên tục, cậu ta cũng cứ miệng cười hi hi ngờ nghệch.
Đúng là đồ ngốc, có lẽ cậu ta còn chẳng biết mục tiêu của tất cả các ống kính chính là bức thư pháp nữa kìa.
Thầy giáo bắt đầu nhắc qua về quá trình phát triển của chữ Hán từ chữ Giáp cốt, chữ Kim, chữ Triện, chữ Lệ, chữ Khải, rồi đến chữ phồn thể, chữ giản thể.
Thầy nói xong bèn phát cho chúng tôi một bản đối chiếu chữ phồn thể nhỏ, để tiện cho chúng tôi về sau sử dụng, rồi nói: “Từ chữ phồn thể sang chữ giản thể dễ, nhưng từ chữ giản thể sang chữ phồn thể khó. Các bạn sinh viên Bắc Kinh phải dụng tâm hơn mới được.” Tiếp đó, thầy giảng đến lịch sử giản hóa Hán tự và mục đích giản hóa, rồi đến nguyên tắc và phương pháp giản hóa.
Tôi có thể coi là một trong những người Đài Loan đọc hiểu được chữ giản thể, bởi đã từng tiếp xúc với mấy quyển giáo trình bằng chữ giản thể khi còn trong viện nghiên cứu.
Lúc mới đầu nói thực là không hiểu lắm, nhưng lâu rồi cũng vỡ ra dần dần.
Thỉnh thoảng cũng gặp phải vài chữ không hiểu, nhưng chỉ cần liên hệ chữ ấy với mấy anh em của nó, thì vẫn có thể đoán ra được.
Chữ phồn thể giản hóa thành chữ giản thể cũng gây ra lắm chuyện bi hài, không cẩn thận rất dễ gây nhầm lẫn.
...
Tuy có vẻ phức tạp khủng khiếp là vậy, nhưng đối với những người viết tiểu thuyết bằng chữ giản thể thì đây lại là chuyện tốt.
Vì càng nhiều những từ đồng âm, đồng dạng, lại càng khiến tiểu thuyết thâm thúy, thú vị, đây là đặc quyền mà những người viết bằng chữ phồn thể không cách nào có được.
Trước khi hết giờ, thầy giáo kể trước kia thầy thường trao đổi thư điện tử với một người bạn Đài Loan, thời đó chức năng chuyển đổi chữ phồn thể - giản thể còn chưa hoàn thiện, đa phần chỉ có thể dùng tiếng Anh để giao tiếp.
“Thật không ngờ hai người đều nói tiếng Trung lại phải trao đổi với nhau bằng tiếng Anh,” thầy xúc động nói. “Kết quả là tiếng Anh của chúng tôi đều trở nên tốt hơn, còn tiếng Trung lại thành kém đi.”
Thầy nói đoạn dừng lại trầm ngâm, nhìn khắp toàn thể sinh viên một lượt, rồi nói: “Mong rằng về sau các bạn sẽ không gặp phải tình trạng đáng tiếc đó nữa.”
Tan học, thầy Lý vội vàng giục chúng tôi đến nhà ăn ăn cơm; tới nhà ăn rồi, lại giục chúng tôi ăn cho mau mau.
“Phải tận dụng thời gian,” thầy Lý nói, “đi Thiên Đàn nhất định phải đi lúc vắng người mới được.”
“Vì sao lại phải chọn lúc vắng người để đi Thiên Đàn?” tôi hỏi Noãn Noãn.
“Đừng hỏi em,” Noãn Noãn nói, “em cũng có biết đâu.”
“Thế vì sao đi Thiên Đàn lúc này lại là lúc vắng người nhất?” tôi lại hỏi.
“Hôm nay là ngày cực nóng, lại đúng giữa trưa thế này, làm gì có ai muốn ra khỏi nhà chạy lông nhông?” Noãn Noãn trả lời.
“Vì sao...”
“Đừng hỏi vì sao nữa,” Noãn Noãn ngắt lời tôi. “Còn hỏi nữa là em thu tiền đấy.”
Tôi rút ra một tệ đặt trước mặt Noãn Noãn, hỏi: “Vì sao em lại xinh đẹp thế?”
“Câu này không mất tiền,” Noãn Noãn bật cười, “vì em đẹp bẩm sinh thôi.”
Mọi người vào Thiên Đàn từ Nam Thiên Môn, quả nhiên vì thời tiết nóng nực lại đúng vào giữa trưa, gần như chẳng có bóng dáng du khách nào ở đây.
Vừa bước qua cổng đã thấy một đàn đá lộ thiên có ba tầng thượng, trung, hạ hình tròn, thầy Lý nói đây là Hoàn Khâu Đàn.
Hoàn Khâu Đàn bị hai bức tường thấp vây quanh hình vuông, bên trong hình tròn, tượng trưng cho trời tròn đất vuông.
Đây là nơi hoàng đế tới tế Trời vào ngày Đông chí.
“Chúng ta đi tiếp về hướng Bắc, lát nữa sẽ lại vòng trở lại,” thầy Lý nói.
Chúng tôi không leo lên Hoàn Khâu Đàn, mà đi vòng men theo tầng hạ của đàn đá, theo hướng chính Bắc đi thẳng về trước.
Vừa ra khỏi Hoàn Khâu Đàn, liền thấy một ngôi đền có mái cong vút lợp ngói lưu ly xanh lam.
“Đây là Hoàng Khung Vũ, là nơi đặt bài vị của Hoàng Thiên Thượng Đế và hoàng đế Tổ Tiên.” Mọi người nghe xong liền muốn đi vào điện xem thế nào, nhưng thầy Lý nói để lát nữa, giờ đi sang phía bên trước đã.
“Tuyệt quá, quả nhiên bây giờ không có ai.” Thầy Lý dừng bước bên bức tường bao hình tròn, nói: “Đây là vách hồi âm. Lát nữa hai người một nhóm, mỗi người đứng ở một đầu đường kính của hình tròn, quay mặt vào tường nói, âm lượng không cần lớn, cũng không cần kề sát vào tường. Mọi người thử xem có thể nghe thấy tiếng vọng không.”
Vách hồi âm có đường kính 61,5 mét, cao 3,7 mét, dày 0,9 mét, là tường bao quanh Hoàng Khung Vũ.
Tường được xây bằng gạch nung màu tro nhạt, từng viên gạch liền kề san sát, trơn láng, không có lấy một khe hở, đầu tường lợp mái ngói lưu ly xanh lam.
Kỳ lạ ở chỗ, lúc nãy nhiệt độ ngoài trời chắc chắn vượt quá 30 độ, nhưng đi men theo bức tường tròn, lại cảm thấy vô cùng mát mẻ.
Tôi bước đến vị trí đã định, ghé sát tai vào tường, thấp thoáng nghe thấy tiếng gió, còn cả một số âm thanh vỡ vụn nữa.
“Lương Lương.” Tôi nghe thấy rồi, là tiếng Noãn Noãn, nhưng âm thanh dường như đã bị cho qua tủ băng, lạnh hơn, lại thấp hơn giọng thật của Noãn Noãn.
“Em là người hay là ma đấy?” Tôi nói với bức tường.
Noãn Noãn bật cười, tiếng cười mỏng manh, hơi giống tiếng chim hót.
“Em nghe thấy rồi,” là tiếng Noãn Noãn.
“Anh cũng nghe thấy rồi,” tôi nói.
“Anh ăn no chưa?” là tiếng Noãn Noãn.
“Anh ăn no rồi,” tôi nói.
“Lương Lương.”
“Noãn Noãn.”
“Em chẳng biết nói cái gì nữa,” là tiếng Noãn Noãn.
“Anh cũng thế,” tôi nói.
Noãn Noãn và tôi đều rất phấn khích, phấn khích quá lại thành ra không biết nên nói gì?
Trước đây đều là nhìn nhau nói chuyện, giờ lại nhìn tường nói, từ tường nghe thấy lời đáp, thật không quen tí nào.
Chúng tôi nói bừa mấy câu chả ra đâu vào đâu, dù gì lời nói cũng không quan trọng, quan trọng chỉ là phát ra tiếng.
Tôi giả tiếng chó sủa, Noãn Noãn giả tiếng mèo kêu, tôi lại giả tiếng chó bị xe đụng, Noãn Noãn bèn giả tiếng mèo bị chó cắn.
Tôi thử nói tiếng Anh, có khi vách hồi âm linh thiêng, chưa biết chừng lại coi thường tiếng Anh, nhưng Noãn Noãn vẫn nghe ra.
“Ta là tài tử đây, giai nhân em nơi nao?” là tiếng cậu em khóa dưới.
Ngoảnh đầu sang liền thấy Vương Khắc chỉ cách tôi có năm bước chân, cô bé liếc thấy thái độ của tôi, có chút ngượng ngùng bèn nhích ra xa một chút.
“Em muốn tới Noãn Noãn!” tiếng Noãn Noãn truyền đến.
Tôi giật thót mình, quyết định giả chết.
“Chẳng nghe rõ gì cả,” tôi nói.
“Đừng có giả vờ, rõ ràng là anh nghe thấy rồi.”
“Anh có giả vờ đâu.” Tôi nói xong liền nhận ra mình bị hớ.
Quả nhiên Noãn Noãn bật cười hả hê, mà còn cười rõ lâu, như thể muốn khiến tôi phải thấy xấu hổ.
Cùng với tiếng cười của Noãn Noãn, dường như tôi còn nghe thấy một tiếng nói trong lòng, có lẽ tiếng nói ấy vẫn luôn luẩn quất trong lòng tôi, để đến tận lúc này đây, khi gặp bức vách hồi âm, mới xuất hiện rõ ràng, trọn vẹn.
“Noãn Noãn, anh...” tôi nói.
“Đoạn sau nghe không rõ,” tiếng Noãn Noãn truyền lại.
“Noãn Noãn.” Nói đến đây, tôi ngửa cổ ra sau, nén cho tiếng mình thấp nhất, nhẹ nhất: “Anh thích em.”
“Đoạn sau vẫn nghe không rõ ấy.”
“Đừng có giả vờ,” tôi nói.
“Em không giả vờ mà.” Noãn Noãn dường như đã cuống lên.
Noãn Noãn, anh biết em không nghe thấy, nhưng dù gì anh cũng nói rồi.
Đây là tiếng vọng trong lòng anh.
Tiếng vọng này không cần được trả lời, nó chỉ muốn được truyền đi thôi.
Thầy Lý để mọi người chơi 20 phút, rồi mới giải thích qua về nguyên lý của vách hồi âm.
Nguyên lý này rất dễ hiểu, sóng âm ở bên trong mặt lõm của hình tròn, nên sẽ liên tục được phản xạ và truyền đi.
Mặt tường cứng cáp lại nhẵn bóng, độ tản của sóng âm được giảm đến mức nhỏ nhất, vì vậy mới có thể nghe được tiếng vọng trong vòng mấy chục mét.
Nguyên lý nói thì đơn giản, nhưng tính toán chính xác khi xây dựng, chọn lựa vật liệu, tỉ mỉ thi công, mới là điều kỳ diệu của bức vách hồi âm được xây dựng từ mấy trăm năm trước này.
Lúc này tôi mới hiểu vì sao thầy Lý nhất định chọn lúc vắng người nhất để đến đây, bởi chỉ cần đông du khách, hàng trăm cái miệng cùng hò hét: Nhóc con, Bố ơi, Em ơi, Anh ơi, Tôi muốn đánh rắm, Ăn shit không...
Bạn còn có thể nghe ra cái gì nữa đây?
Đừng nói là tiếng vọng trong mấy chục mét, kể cả có người đứng ngay gần hét lên “Cứu tôi với”, bạn cũng chưa chắc đã nghe thấy nữa là.
Thầy Lý dẫn mọi người trở lại trước điện lớn của Hoàng Khung Vũ. Thấy chúng tôi muốn bước vào điện, thầy lại bật cười nói: “Đợi đã nào.”
Thầy Lý sải ba bước dài trên hành lang từ bắc sang nam trước Hoàng Khung Vũ, rồi dừng lại trên phiến đá thứ ba.
“Đây là đá Tam Âm. Mọi người lần lượt đến vỗ tay ở đây, thử xem có thể nghe thấy ba tiếng vọng không,” thầy nói.
Chúng tôi lần lượt đứng trên phiến đá thứ ba, lấy hết sức vỗ tay, từng người vỗ tay xong, mọi người lại quây lại hỏi han xem nghe tiếng vọng lại thế nào, rồi thảo luận đến chuyện nguyên lý.
Phiến đá thứ ba này vừa vặn nằm đúng tâm đường tròn của vách hồi âm, âm thanh phát ra từ đây sẽ truyền đi bốn phía, đụng phải vách hồi âm phản xạ ngược lại, tụ về tâm ban đầu; rồi cứ thế tiếp tục truyền đi, đụng phải vách, lại phản lại, trở về tâm.
Chỉ có điều âm thanh cuối cùng cũng sẽ mất đi, vì vậy, tiếng vọng tai người nghe thấy sẽ càng lúc càng yếu đi.
Trong điều kiện môi trường cực kỳ yên tĩnh, lực vỗ tay đủ mạnh, trong tai không có ráy tai, chưa biết chừng cũng có thể nghe thấy loáng thoáng tiếng vọng thứ tư.
“Các bạn lợi hại đấy.” Thầy Lý vỗ tay.
“Thầy nên đứng ở phiến đá thứ ba vỗ tay, như vậy bọn em sẽ thấy còn lợi hại hơn,” cậu em khóa dưới tôi nói.
Thầy Lý bật cười, đứng trên phiến đá Tam Âm, lấy hết sức vỗ tay mười mấy cái, chúng tôi đều bật cười thích thú.
Điều này thực ra cũng chẳng có gì, bởi trong đám sinh viên chúng tôi, bất kể là từ Đài Loan hay Bắc Kinh, ít nhất cũng có đến một nửa học về khoa học.
Quay lại Hoàn Khâu Đàn cao ba tầng, chúng tôi trèo thẳng lên tầng cao nhất, trên đàn tế ngoài phiến đá trung tâm là hình tròn ra, những phiến đá quây các vòng bên ngoài đều có hình cánh quạt.
“Phiến đá này gọi là đá Thiên Tâm,” thầy Lý chỉ vào phiến đá tròn trung tâm, nói. “Nghe nói đứng giữa phiến đá này dù có nói nhỏ đến đâu, tiếng vọng cũng rất âm vang, lại như thể tiếng từ trên trời vọng xuống. Về nguyên lý thì các bạn hẳn nắm vững hơn tôi, có thể nói cho được không?”
Nguyên lý này cũng tương tự như đối với đá Tam Âm, đá Thiên Âm vừa đúng nằm ở tâm vòng tròn, xung quanh lại là lan can bằng đá cẩm thạch trắng.
Sóng âm truyền đi bốn phía, sau khi va phải lan can vòng cung kiên cố, phản xạ lại tâm vòng tròn.
Điểm khác với đá Tam Âm là, bề mặt Hoàn Khâu Đàn trơn nhẵn, trong đàn không hề có bất cứ vật cản nào, lại thêm bán kính của vòng tròn khá nhỏ, do vậy sau khi âm thanh phát ra, tiếng vọng sẽ được truyền lại với tốc độ cực nhanh, khiến người nghe không sao phân biệt nổi tiếng vọng và tiếng gốc.
Tiếng vọng và tiếng gốc cùng hòa vào nhau, kết quả là âm thanh nghe được sẽ có cảm giác vang vọng và cộng hưởng hơn.
Cũng vì sóng âm được phản xạ lại từ khắp tứ phía, không thể làm rõ hướng của tiếng vọng, nên có ảo giác như tiếng vọng đó từ trời vọng xuống.
“Thời xưa, khi hoàng đế đứng đây tế trời, chỉ cần hô khẽ một tiếng, khắp bốn bề đều vọng lại tiếng vang rần, như sấm truyền từ trời xuống vậy, cộng thêm không khí trang nghiêm lúc tế lễ, mọi sự càng trở nên thần bí.”
Thầy Lý cũng nói những phiến đá hình quạt bao quanh đá Thiên Tâm là đá ngải thanh, tầng thượng, tầng trung, tầng hạ mỗi tầng có chín vòng đá, càng là những vòng bên ngoài càng có nhiều phiến đá, nhưng số lượng đều là bội số của chín.
Cầu thang nối giữa các tầng đều có chín bậc, lan can đá tầng thượng gồm 72 phiến đá, tầng trung gồm 108 phiến, tầng hạ gồm 180 phiến, không chỉ đều là bội số của chín, mà cộng lại còn vừa đúng 360 phiến, vừa vặn ứng với 360 ngày trong năm.
Sở dĩ liên tục dùng chín và các bội số của chín là để phối hợp với “ngày Trùng Cửu”, đồng thời nhấn mạnh sự tối cao của trời.
Thầy Lý kêu chúng tôi lần lượt đứng thử lên phiến đá Thiên Tâm, tiếc là giờ đã bắt đầu có một vài vị khách, trong tiếng người hơi ồn ào, hiệu quả tiếng vọng e rằng sẽ không tốt lắm.
Còn có một bé gái cứ túm lấy bố gào khóc, tôi gần như buột miệng kêu mọi người ngậm miệng hết, để cô bé đứng khóc trên đá Thiên Tâm, xem xem có thể tiếng khóc chấn động trời xanh, khiến ông trời bực mình nện sấm xuống không.
Đến lượt mình đứng lên đá Thiên Tâm, tôi ngửa cổ nhìn trời, nói: “Xin cảm ơn.” Có thể là do tác dụng tâm lý, tôi cảm thấy âm thanh quả thực lớn hơn thật, lờ mờ cũng nghe thấy cả tiếng vọng.
“Anh nói cái gì thế,” Noãn Noãn nói.
Tôi bảo với Noãn Noãn, hồi học cấp III từng học một bài văn tên “Tạ Thiên” do Trần Chi Phiên viết.
Mở đầu có câu: “Vì những người cần cảm tạ quá nhiều, nên đành cảm tạ ông trời vậy.” Hồi đó đọc xong mà xúc động bồi hồi, giờ cuối cùng cũng có thể trực tiếp bày tỏ với ông trời lòng cảm ân rồi.
“Anh còn nghe thấy cả tiếng vọng nữa đấy,” tôi nói. “Mà không chỉ một tiếng đâu.”
“Thật không?” Noãn Noãn rất tò mò.
“Ừ.” Tôi gật đầu. “Tổng cộng anh nghe thấy chín tiếng vọng, tiếng thứ nhất là: Đừng khách sáo.”
“...”
“Tiếng thứ hai là...”
“Anh đừng nói nữa,” Noãn Noãn ngắt lời tôi, “em có hỏi đâu.”
“Để anh nói đi mà.”
Noãn Noãn chẳng buồn để ý đến tôi nữa, rảo bước đi nhanh chóng.
Tôi đành ở lại đằng sau tự nói một mình, lần lượt từ câu thứ hai đến câu thứ tám: Ngươi vất vả rồi, Ngươi đúng là người khách khí, Giờ rất hiếm gặp được người nào tri ân đồ báo như ngươi, Bắc Kinh có vui không, Có quen không, Có mệt không, Có bạn mới nào chưa.
“Tiếng vọng thứ chín là quan trọng nhất, vì là thứ chín mà,” tôi nói. “Tiếng vọng thứ chín nghe rất rõ ràng, đó là: Ừ, Noãn Noãn thật là một cô gái tốt.”
Noãn Noãn dừng lại, nói: “Sao tiếng vọng thứ chín lại nhắc đến em?”
“Vì lúc tiếng vọng thứ tám hỏi có bạn mới nào chưa? Anh liền trả lời thầm: Có, cô ấy tên là Noãn Noãn, là một cô gái tốt,” tôi nói, “thành ra tiếng vọng thứ chín trả lời thế đấy.”
Noãn Noãn quay người lại đối diện với tôi, khựng lại mất mấy giây, rồi nói: “Anh nói linh tinh lâu vậy rồi, đã khát chưa?”
“Rồi.” Tôi gật gật đầu.
“Lát nữa mua chai sữa chua uống.” Noãn Noãn bật cười.
“Được thôi.” Tôi cũng cười.
Tôi và Noãn Noãn kề vai đi bên nhau, em nói: “Muốn biết vừa nãy em nói gì ở đá Thiên Tâm không?”
“Em nói gì ở đá Thiên Tâm?” tôi hỏi.
“Em muốn tới Noãn Noãn,” Noãn Noãn nói. “Mà em cũng nghe thấy tiếng vọng nữa.”
“Em đừng có nói. Anh có hỏi đâu,” tôi nói.
“He he, em cũng nghe thấy chín tiếng vọng.” Noãn Noãn cười khúc khích. “Tám tiếng đầu tiên là: Được đấy, Đi đi thôi, Nhất định phải đi, Không đi không được, Không thể không đi, Không đi không xong, Không đi là ta dội sấm, Dội sấm rồi ngươi vẫn cứ phải đi.”
Tôi chạy vọt đi, Noãn Noãn lập tức đuổi theo, tôi lách bên này lạng bên kia, Noãn Noãn vẫn theo sát bên cạnh.
“Tiếng vọng thứ chín là quan trọng nhất, đó là: Đây là lời hẹn giữa Noãn Noãn và Lương Lương,” Noãn Noãn nói với tôi.
“Cũng may là em chỉ nói linh tinh thôi,” tôi nói.
“Dù gì anh cũng nghe thấy rồi.” Noãn Noãn nhún vai.
Lại đến Hoàng Khung Vũ, lần này cuối cùng cũng có thể vào trong rồi.
Tổng cộng ba lần đi ngang qua cửa Hoàng Khung Vũ mà không bước vào lần nào, chúng tôi dường như đều đã thành Đại Vũ* rồi.
*Sự tích Đại Vũ trị thủy, Đại Vũ vì giúp dân chống lũ mà ba lần đi ngang qua cửa nhà đều không vào nhà.
Bên trong đền, thẳng hướng Bắc có một phiến đá tròn, nằm ở bài vị thờ phụng Hoàng Thiên Thượng Đế cao nhất trong gian thờ thần.
Hai chái đông tây trong đền mỗi bên xếp bốn bài vị, thờ tám vị hoàng đế đời Thanh, lần lượt là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang.
“Anh nhớ đời Thanh có tất cả 12 vị hoàng đế,” tôi hỏi Noãn Noãn, “còn bài vị của Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống đâu?”
“Có thể bọn họ thấy mình làm Trung Quốc be bét ranh bành, nên ngại không vào ở đây,” Noãn Noãn nói.
Ra khỏi Hoàng Khung Vũ, chúng tôi tiếp tục đi về hướng Bắc, qua cầu Đan Bệ dài hun hút, hai bên bờ trồng toàn cây bách.
Thầy Lý nói trong Thiên Đàn có hơn sáu vạn cây bách, được trồng dày đặc khiến nơi nàytrở nên trang nghiêm hơn.
Cầu Đan Bệ nối từ nam sang bắc, cao dần lên, tỏa chỉa thành ba nhánh tả, trung, hữu.
Nhánh trung là Thần đạo, dành cho thần thánh; nhánh hữu là Hoàng đạo, dành cho hoàng đế; nhánh tả là Vương đạo, dành cho các vương công đại thần.
Thầy Lý vừa dứt lời, tất cả mọi người đều không hẹn mà cùng xông lên nhánh Thần đạo.
“Thần đạo vốn chẳng cần xây làm gì,” tôi nói. “Đã là thần, lẽ nào còn cần đi bộ nữa sao?”
Noãn Noãn trợn tròn mắt, lúc sau mới bật cười, nói: “Câu hỏi này của anh, thật khiến người ta không biết trả lời thế nào.”
Lại có người hỏi: Đây rõ ràng là đường, sao phải gọi là cầu?
Thầy Lý trả lời: Phía dưới có một thông đạo hướng Đông Tây, cắt ngang cầu Đan Bệ, vậy nên gọi là cầu.
“Thông đạo này để cho các loài gia súc như bò dê đi, đám gia súc sẽ đi đến một lò mổ cách đây vài trăm mét để bị giết mổ, rồi làm thành đồ tế. Vì vậy thông đạo này bị gọi là Quỷ Môn Quan, có bạn nào muốn đi thử xem không?”
Đầu óc mọi người đều rất bình thường, chẳng ai muốn thử cả.
Cuối cùng cũng đến điện Kỳ Niên tiêu biểu cho kiến trúc của Thiên Đàn, đây là tọa điện lớn hình tròn có ba tầng mái, đỉnh ngọc thếp vàng, mái hiên màu lam thẫm, được ốp bằng ngói lưu ly xanh lam. Màu xanh và hình tròn, đều tượng trưng cho trời.
Hoàng đế cử hành nghi lễ tại đây, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tòa điện cao chín trượng chín (gần 32 mét), được xây toàn bằng gỗ, dùng hai mươi tám cột gỗ chống đỡ trọng lượng của mái điện.
Hai mươi tám cột gỗ này xếp thành ba vòng, vòng trong bốn cột tượng trưng cho bốn mùa; vòng giữa mười hai cột tượng trưng cho mười hai tháng; vòng ngoài mười hai cột tượng trưng cho mười hai giờ *; vòng giữa và vòng ngoài cộng vào thành hai mươi tư, tượng trưng cho hai mươi tư tiết khí một năm; tổng ba vòng là hai mươi tám, tượng trưng cho hai mươi tám vì tinh tú.
*Đơn vị đo thời gian cổ, một ngày chia làm 12 giờ.
Điện Kỳ Niên tọa lạc trên nền đài ba tầng hình tròn bằng đá cẩm thạch trắng, mỗi tầng đều có lan can cẩm thạch trắng khắc hoa.
Từ xa nhìn lại, mái đền xanh lam sẫm, đá cẩm thạch trắng tinh khiết, cửa gỗ và cột gỗ đỏ sậm, lại thêm vàng, đỏ, xanh lục, xanh trời của màu sơn ngọc tỷ, tổng thể kiến trúc mang màu sắc đối chọi mạnh mẽ mà vẫn giữ vẻ hòa hợp.
Tôi và Noãn Noãn đứng trước cửa lớn điện Kỳ Niên phóng tầm nhìn ra xa, cầu Đan Bệ như một nét mác trải dài về hướng Nam, hàng cây bách cổ hai bờ xanh biếc một màu, thấp thoáng vài mái hiên đền chùa, tầm nhìn như kéo dài vô tận.
Điều này khiến người ta có một ảo giác như đang từ trên trời chầm chậm trượt xuống.
Noãn Noãn đi mua sữa chua về, chúng tôi bèn cùng hưởng thụ cảm giác lâng lâng vừa trượt xuống từ trời vừa uống sữa chua.
Mọi người rời Thiên Đàn qua cửa Bắc Thiên Môn, thầy Lý nói muốn để chúng tôi đi thăm Đại Thạch Lạt Nhi ở Tiền Môn.
Đại Thạch Lạt Nhi cách Thiên Đàn không xa, chỉ đi một chút là tới.
“Đại Thạch Lạt Nhi là khu thương nghiệp cổ nhất, và cũng phồn hoa nhất của Bắc Kinh, nơi đây tập trung dày đặc các biển hiệu cửa tiệm cổ nhất Bắc Kinh. Đồng Nhân Đường bán thuốc bắc, Thụy Phù Tường bán vải, Mã Tụ Nguyên bán mũ, Nội Liên Thăng bán giày vải, Trương Nhất Nguyên bán lá trà, vân vân, đều là những cửa tiệm nổi tiếng có hàng trăm năm lịch sử.” Thầy Lý vừa đi vừa nói, đã đến đầu phố, trên hàng rào trạm lộng bằng sắt cao chừng một tòa nhà hai tầng, có đề ba chữ lớn thếp vàng: Đại Sách Lan.
“Đây...” Tôi có chút kích động, hỏi Noãn Noãn: “Lẽ nào đây chính là...”
“Đại Thạch Lạt Nhi.” Noãn Noãn bật cười khúc khích.
“Sách Lan nghĩa là hàng rào, có thể đọc thành Thạch Lạt à?”
“Em đã tra tự điển,” Noãn Noãn nói, “không đọc được.”
“Vậy...”
“Đừng hỏi nữa,” Noãn Noãn nói. “Cứ gọi theo thế đi.”
Nghe nói, thời Hiếu Tông, để phòng trừ nạn trộm cướp ngày càng hoành hành trong kinh thành, hàng rào này được dựng lên đầu con phố, cứ đêm xuống là đóng chặt, ở những khu rào trọng yếu còn có binh sĩ đi tuần về đêm.
Vì ở đây tập trung nhiều tiệm buôn bán, hàng rào được xây cao lớn, vững chắc, nên người ta gọi đây là “Đại Sách Lan” tức hàng rào lớn.
Đầu đời Thanh có lệnh cấm: “Trong thành gần hoàng cung, nghiêm cấm huyên náo”, vì chỗ này vừa may nằm ngoài dải cô lập, mọi người đều đổ về đây tìm niềm vui, những khu ăn chơi như Khánh Lạc Viên, Quảng Đức Lầu, Quảng Hòa Viên vẫn còn tồn tại đến bây giờ, thuở đấy đều đêm đêm vang tiếng đàn ca.
Nơi đây cũng trở thành nơi người dân thưởng trà, xem kịch, mua sắm, là một phần trong cuộc sống sinh hoạt của người dân Bắc Kinh cổ.
Tôi và Noãn Noãn đi dạo dọc con phố, ngay lập tức bị thu hút bởi một lầu quán có kiến trúc như hý viên tự, bên trên còn có cả biển hiệu “Nơi sản sinh điện ảnh Trung Quốc”.
Bên trong là kiểu kiến trúc hình vòng hai tầng, bốn bề tường có treo rất nhiều tranh ảnh lịch sử.
Vốn dĩ đây là một rạp chiếu phim, bộ phim điện ảnh đầu tiên của Trung Quốc “Núi Định Quân” năm 1905 được chiếu chính tại đây.
Nhìn các máy móc chiếu bóng cổ trưng bày, tôi kể cho Noãn Noãn nghe còn nhớ hồi nhỏ được đi xem chiếu bóng ngoài trời.
Thời đó chỉ cần có lễ kỷ niệm, là khu đất trống trước đình chùa lại được chăng một tấm vải trắng lớn, vào buổi tối sẽ chiếu phim.
Tôi luôn thích đứng cạnh anh thợ chiếu bóng, xem anh chầm chậm quay cuộn phim.
Noãn Noãn nói hồi nhỏ em cũng cực kỳ thích xem chiếu bóng ngoài trời.
Ra khỏi lầu quán, lòng tôi vương đầy những hồi ức xưa cũ, dường như thấy chính mình đã trở lại thành thằng bé nhảy nhót nghịch ngợm thuở nào.
“Đại Sách Lan” là khu phố đi bộ, không hề có xe cộ đi vào, những biển hiệu cổ của các cửa tiệm càng làm tăng thêm vẻ cổ xưa cho cảnh phố.
Noãn Noãn nói ở đây có vài nơi em dường như đã từng thấy trong những bộ phim làm về triều Thanh.
Trong khu “Đại Sách Lan” đều là các tiệm buôn bán, nhưng tôi chẳng rủng rỉnh gì, thành ra ham hố mua sắm cũng không cao.
Thái độ phục vụ ở đây cũng không tồi, mỗi khi khách mua đồ, nhân viên cửa hàng thường nói: “Đây là đồ - Ngài – mua, đây là hóa đơn – Ngài – cần, tôi để hóa đơn trong túi này, để - Ngài – tiện cầm.” Mỗi chữ Ngài đều được kéo dài ra, cũng khá thú vị.
Mỗi khi nhìn thấy giá tiền ghi trên một món đồ, phản ứng đầu tiên của tôi đều là đổi sang tiền Đài, quả nhiên rất rẻ.
“Nhân dân tệ với Đài tệ đổi thế nào?” Noãn Noãn hỏi.
“Khoảng một đổi bốn,” tôi nói. “Một nhân dân tệ đổi được bốn Đài tệ.”
“Ừm.” Noãn Noãn gật đầu tỏ ra đã hiểu, rồi chỉ vào một bình hoa ghi giá 200 tệ. “Vì thế cái này giá 50 Đài tệ?”
“Là 800 Đài tệ chứ!” Tôi trợn tròn mắt không dám tin vào tai mình.
Noãn Noãn lè lưỡi, nói: “Em vốn không giỏi Toán mà.”
“Thế này sao gọi là không giỏi được?” Tôi nói. “Phải gọi là rất kém.”
Tôi rút trong ví ra một tờ 100 Đài tệ kể từ khi đến Bắc Kinh vẫn chưa được cho ra phơi nắng, nói: “Đổi cho em lấy 100 nhân dân tệ.”
“Anh mơ đấy à!” Noãn Noãn nói.
“Cũng được,” tôi cười cười, “môn toán của em cũng coi như chưa hết thuốc chữa.”
Noãn Noãn dường như rất tò mò về tờ tiền đỏ trong tay tôi, tôi bèn đưa cho em.
“Đây là Tôn Trung Sơn mà” Noãn Noãn xem xét xong, nói.
“Em cũng nhận ra à,” tôi nói. “Lợi hại đấy.”
“Ai mà không nhận ra chứ.” Noãn Noãn lườm tôi một cái.
Tôi thấy Noãn Noãn cực kỳ hứng thú với Đài tệ, bèn lại móc ví ra tờ 1000 Đài tệ màu xanh đưa cho em.
“Sao lại là trẻ con thế này?” Noãn Noãn tỏ vẻ nghi hoặc. “Em còn tưởng sẽ thấy Tưởng Giới Thạch chứ.”
“Hồi xưa thì đúng vậy, mấy năm trước mới đổi rồi.
“Quả nhiên em đoán không sai mà, các anh thế nào cũng in hình Tưởng Giới Thạch...” Noãn Noãn nói rồi đột nhiên ngừng bặt.
“Làm sao thế?” tôi hỏi
“Em gọi thẳng tên Tưởng Giới Thạch, anh không sao chứ?” Noãn Noãn hỏi.
“Có gì mà sao với không sao?” Tôi lấy làm tò mò.
“Tưởng – Giới – Thạch,” Noãn Noãn nói rành rọt từng chữ, “thật là không sao?”
“Đương nhiên không sao rồi,” tôi nói, “em mà gọi là anh Giới Thạch, anh mới làm sao đấy.”
“Anh bệnh đấy à.” Noãn Noãn lại trừng mắt nhìn tôi.
Tôi sực hiểu ra, mấy hôm nay tiếp xúc vui vẻ, tự nhiên, khiến chúng tôi nói đủ mọi chuyện, quên mất rằng giữa đôi bên vẫn còn tồn tại một số khác biệt, thậm chí là cấm kỵ.
“Nếu như mười năm trước em gọi thẳng tên Tưởng Giới Thạch, có lẽ anh sẽ làm sao thật. Nhưng giờ thì không rồi.”
“Vì sao?”
“Ở Đài Loan, làm gì còn Tưởng Giới Thạch nữa!”
Noãn Noãn định nói gì đó lại thôi, dường như cũng chợt nhớ ra những cấm kỵ giữa chúng tôi, bèn cười xòa vài tiếng.
Noãn Noãn hẳn không biết tâm trạng tôi lúc nói những lời này.
Đối với thế hệ sinh viên chúng tôi thời nay ở Đài Loan, chúng tôi từng ngây thơ nhưng đó là vì nhiệt tình.
Những chân lý và tín ngưỡng vẫn kiên tưởng trong một giai đoạn thường chưa đến vài năm đã dễ dàng sụp đổ; mà giá trị quan mới được thiết lập cũng chẳng biết lúc nào sẽ lại rạn vỡ?
Không phải chúng tôi không tin lịch sử, chỉ là không biết nên tin ai?
Vì vậy, chúng tôi không còn tin nữa, cũng không còn nhiệt tình nữa.
Nếu như tôi nói điều này với Noãn Noãn, hẳn em sẽ chẳng thể nào hiểu nổi.
Tôi thử chuyển chủ đề nói chuyện, móc trong túi ra một tờ 100 nhân dân tệ màu đỏ, bên trên là chân dung Mao Trạch Đông.
Tôi đã đổi tiền đô Mỹ trước từ Đài Loan, tới Bắc Kinh lại lấy tiền đô đổi sang nhân dân tệ.
Tôi không muốn nói với Noãn Noãn quá trình phức tạp này, chỉ vào ba tờ tiền trong tay nói: “Giờ em thử coi, đây là tờ 1000 Đại tệ có hình Tưởng Giới Thạch, 100 nhân dân tệ in ảnh Mao Trạch Đông, 100 Đài tệ in hình Tôn Trung Sơn trên đó. Vậy một “tờ Tưởng Giới Thạch” có thể đổi được hai phẩy năm “tờ Mao Trạch Đông” và một “tờ Mao Trạch Đông” lại đổi được bốn “tờ Tôn Trung Sơn”. Em đã hiểu chưa?”
Noãn Noãn thấy thú vị, liền bật cười, gật gật đầu.
“Đúng rồi,” tôi nói, “anh vừa gọi thẳng tên Mao Trạch Đông, em không sao chứ?”
“Mao Trạch Đông vẫn luôn đứng cùng quần chúng nhân dân, gọi thẳng tên có gì sai đâu?”
“Mao – Trạch – Đông,” tôi đọc rành rọt từng chữ, “thật là không làm sao?”
“Anh nhạt toẹt quá đấy.” Noãn Noãn nói xong, liền nhớ ra vừa nãy mình cũng đã có phản ứng như thế, bèn phá lên cười.
“Từ Đài Loan bay đến Hồng Kông rồi lại bay đến Bắc Kinh, anh tiêu mất khoảng 10 tờ Tưởng Giới Thạch.” Nói đoạn tôi hỏi Noãn Noãn: “Xin hỏi như thế là bao nhiêu ông Tôn Trung Sơn?”
“Quá đơn giản,” Noãn Noãn nói, “100 tờ Tôn Trung Sơn.”
“Thế bằng bao nhiêu tờ Mao Trạch Đông?” tôi lại hỏi.
“25 tờ chứ gì” Noãn Noãn vừa cười vừa trả lời.
“Tiếp theo là một câu hỏi rất uyên thâm,” tôi nói. “Nếu anh tiêu hết hai ‘tờ Tưởng Giới Thạch’, 3 ‘’tờ Mao Trạch Đông’’, 4 ‘’tờ Tôn Trung Sơn’’, xin hỏi anh đã tiêu hết bao nhiêu ‘’tờ Mao Trạch Đông’’?”
“Hả?” Noãn Noãn sững người.
Chúng tôi bước vào thiệm Thụy Phù Tường, bên trong bày đầy các xấp vải lụa muôn hình muôn vẻ, khiến người ta hoa hết cả mắt.
Ở đây còn có một quầy cắt may, khách hàng chọn vải xong, người thợ may có thể giúp khách may y phục vừa vặn.
Cũng có thể đặt may xường xám, đo các số đo, chọn vải xong, chóng một chút là hôm sau có thể giao hàng; nếu là khách du lịch nước ngoài, cửa tiệm còn gửi xường xám đã may xong đến tận khách sạn cho khách.
“Chín ông Mao Trạch Đông!” Noãn Noãn đột nhiên nói.
Tôi giật thót người, người trong cửa tiệm dường như cũng đều giật mình, ầm ập ném tới những ánh nhìn kỳ lạ.
“Đấy là đáp án của câu hỏi vừa rồi,” Noãn Noãn có vẻ ngượng nghịu, giảm thật nhỏ âm lượng.
Ra khỏi Thụy Phù Tường, bước vào Nội Liên Thăng, liền nhìn thấy bức hoành “Tiệm giày vải số 1 Trung Quốc”
“Noãn Noãn, cho anh mượn chân em xem nào,” tôi nói.
“Định mua giày cho người yêu hả?”
“Anh không có người yêu,” tôi nói.
Noãn Noãn bật cười khúc khích, cúi xuống cởi dây giày.
“Nhưng bạn gái thì có mấy cô, phải mua vài đôi,” tôi lại nói.
Noãn Noãn khựng tay lại, rồi buộc lại dây giày, đứng lên.
“Đùa thôi mà,” tôi vội vàng cười cười, “anh định mua giày cho mẹ anh.”
Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi, rồi lại cúi xuống tháo dây giày.
“Anh có biết cỡ chân của mẹ anh không?” Noãn Noãn hỏi.
“Chắc là biết.”
“Thật không?”
“Hồi nhỏ hay bị đánh, anh toàn quỳ dưới đất ôm lấy chân mẹ gào khóc: Mẹ, con sai rồi!” Tôi cười nói: “Nhìn lâu rồi, cỡ chân mẹ cũng in sâu trong óc.”
“Toàn nói linh tinh.” Noãn Noãn cũng bật cười.
Noãn Noãn giúp tôi chọn một đôi giày vải để khâu thủ công, mặt giày màu đen có thêu vài bông hoa nhỏ màu đỏ.
Đây là hàng khuyến mại, giá 88 nhân dân tệ, tôi rút tờ 100 nhân dân tệ ra, rồi gọi Noãn Noãn lại: “Nào, chúng ta cùng tạm biệt Mao chủ tịch một tiếng,” tôi nói.
Noãn Noãn chẳng buồn để ý đến tôi, đi thẳng ra ngoài.
Nhân viên bán hàng trả lại cho tôi một tờ 10 tệ và hai đồng 1 tệ.
“Em xem,” tôi bước tới cạnh Noãn Noãn, chỉ vào chân dung Mao Trạch Đông trên tờ 10 tệ, nói: “Mao chủ tịch không nỡ xa bọn mình, thay quần áo cái lại trở về rồi này.”
“Bắc thất!” Noãn Noãn nói.
“Mắng hay lắm,” tôi nói, “câu này đúng là dùng thế đấy.”
Ra khỏi Nội Liên Thăng, Noãn Noãn nói em muốn đi mua một thứ, mười phút sau sẽ quay lại, rồi liền chạy mất tiêu.
Đợi chưa đầy năm phút, tôi đã thấy chán, bèn mua cây kẹo gậy, ngồi xổm xuống góc tường vẽ vòng tròn.
“Mua xong rồi.” Noãn Noãn chạy trở lại, hỏi: “Anh đang làm gì đấy?”
“Anh đang diễn cảnh đứa trẻ bị lạc mẹ.” Tôi đứng dậy.
“Đúng là mất mặt.” Noãn Noãn nói.
“Em mua gì thế?” tôi hỏi.
“Mấy hôm nữa rồi anh sẽ biết.” Noãn Noãn úp úp mở mở.
Phố đi bộ Đại Sách Lan kéo dài từ đông sang tây không đến 300 mét, nhưng tôi và Noãn Noãn vẫn đi bộ đến hai chân mỏi nhừ.
Vừa may trước cửa Đồng Nhân Đường có chỗ để ngồi, chúng tôi bèn ngồi xuống nghỉ giải lao.
“Chỗ này thích thật, cho mọi người được ngồi,” tôi nói. “Nếu như trời nóng quá đi bộ đến ong đầu, có thể vào luôn bên trong gặp bác sĩ bốc thuốc.”
Đúng thế.” Noãn Noãn lau mồ hôi, đưa cho tôi một bình sữa chua.
Tôi phát hiện mùa hè ở Bắc Kinh dường như không thể thiếu được sữa chua lạnh.
“Hay đọc tin trên báo về Đại Sách Lan, đến hôm nay mới có dịp đến đây dạo phố,” Noãn Noãn nói.
“Là những tin thế nào?” tôi hỏi.
“Phần lớn đều là giới thiệu về các cửa tiệm cổ hàng trăm năm, thỉnh thoảng cũng có thông tin về việc dỡ bỏ tu sửa.”
“Dỡ bỏ thật á?”
“Chắc là tu sửa. Nhưng tu sửa xong phong vị kinh kỳ có còn không thì cũng không biết được,” Noãn Noãn nói. “Tuổi này rồi, những thứ cần thuần khiết luôn rất chóng chết.”
Em nhìn ánh chiều tà, hồi lâu lại nói: “Dưới ánh chiều tà, bóng dáng người con gái ngồi nơi Đại Sách Lan uống sữa chua, có lẽ về sau cũng chẳng thể nhìn thấy nữa.”
“Nhưng tinh thần của em sẽ vẫn luôn trường tồn,” tôi nói.
“Nói cái gì thế.” Noãn Noãn bật cười thành tiếng.
Cũng gần đến giờ về, mọi người chầm chậm đến đầu phố phía đông Tiền Môn tập trung.
Tôi thấy biển hiệu “Toàn Tập Đức” phía đối diện, liền hào hứng nói với Noãn Noãn: “Toàn Tập Đức kìa!”
“Muốn ăn vịt quay à?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi gật đầu. “Hôm nay hình như có mời miễn phí.”
“Thật không?” Noãn Noãn giật thót mình. “Làm sao thế được?”
“Anh vừa mới thấy trước cửa tiệm có xếp mấy băng ghế dài, chắc là mời xem miễn phí người ta ăn vịt quay.”
“Anh...” Noãn Noãn không nói tiếp nữa, quay ngoắt đi không thèm để ý đến tôi.
Hai mắt tôi vẫn nhìn chằm chằm vào tiệm vịt quay Toàn Tự Đức phía đối diện.
“Lương Lương,” Noãn Noãn nói, “nếu anh muốn ăn, lần sau đến Bắc Kinh em sẽ mời anh.”
“Đây là lời hứa trong gió hả?”
“Hả?”
“Lúc có gió không nên hứa gì cả, làm vậy sẽ là lời hứa gió bay đấy.”
“Em có như anh đâu,” Noãn Noãn nói. “Em nói muốn tới Noãn Noãn, anh đến một lời hứa cho tử tế cũng không có.”
“Xe đến rồi,” tôi nói.
“Lại vờ vịt nữa.” Noãn Noãn khẽ hừ một tiếng.
Quay về trường ăn cơm xong, mọi người lại tập trung trong giảng đường trưng bày chiến lợi phẩm hôm nay.
Chiến lợi phẩm hôm nay vô cùng phong phú, xem ra hầu bao của rất nhiều người đều đã thất thoát không ít ở Đại Sách Lan.
Từ Trì cho tôi xem ảnh cậu ta chụp ở Đại Sách Lan, có một bức chụp bóng lưng tôi và Noãn Noãn đang kề vai uống sữa chua.
Nhớ tới lời Noãn Noãn nói lúc đó: “Tuổi này rồi, những thứ thuần khiết luôn rất chóng chết."
Không biết lần sau tới Bắc Kinh (nếu như vẫn còn có lần sau), những thứ thuần khiết nào sẽ ra đi trước đây?
Và còn thứ thuần khiết nào vẫn rất thuần khiết?
Nằm trên giường nhắm chặt mắt, tôi thấp thoáng nghe thấy vài âm thanh.
Có lẽ là do ảnh hưởng của vách hồi âm ở Thiên Đàn, tiếng cười của Noãn Noãn vẫn cứ vọng lại trong tim tôi.