Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Buổi trưa, con Phi thở phì phì mệt nhọc. Tôi đến xem mắt, vạch bờm của nó ra. Có lẽ nó không được khỏe.

- Mình về nhà, chiều nay cho mày nghỉ nhé. Tao cũng nghỉ ở nhà dọn dẹp vườn cho mẹ.

Tôi xoa xoa lên má con Phi. Nó không buồn phản ứng. Tôi để con Phi đi thật chậm về nhà. Tháng ba, hoa dã tường vi quanh đồi Cù đã chớm những bụi hoa màu hồng nhạt. Những bụi dã quỳ nở cháy hết mình mùa đông chỉ còn lại những cành khô xơ xác bây giờ đã um tùm nhưng mảnh lá non tươi mơn mởn căng đầy sức sống. Tôi thương dã quỳ mọc khắp triền đồi, lúc nào cũng thể hiện sự hết mình cho cuộc sống. Khi ra hoa cũng vàng rực, rút hết nhựa, hết sức sống để cháy đến kiệt cùng. Khi đâm lá cũng hết mình làm lá, làm mầm non, không một chút e ngại, đòi hỏi. Những bụi non tròn căng mạnh mẽ. Mình có sống hết mình như dã quỳ được không?

Tôi cho con Phi về tắt qua lối trường đại học. Gần tới chỗ mẹ tôi ngồi, con Phi nhận ra chỗ quen nên bước chậm hẳn lại. Tôi dợm nhảy xuống định chạy đến chỗ bà để nói chiều nay tôi nghỉ không ra hồ. Cái nhớm người khựng lại. Tôi giật mình vì thấy Nguyên ngồi cạnh mẹ tôi. Em ngồi bệt trên nền gạch vỉa hè, hai đầu gối co lại với hai cẳng chân chéo nhau, mắt nhìn mẹ tôi chăm chú. Vẫn là dáng vẻ tự nhiên và chân thành như một người quen thân thiết lắm. Mẹ tôi ngồi trên cái ghế con đang say sưa nói gì đó. Những bông hồng trong xô đã vơi đi gần hết. Một vài bông được gói trong giấy kiếng, bọc nơ hồng. Trời ạ, sao bây giờ? Làm sao mẹ tôi và Nguyên lại quen nhau? Tôi ở tư thế nửa nhảy xuống nửa ngồi yên suýt ngã, không kịp ghìm cương nên con Phi vẫn bước tới. Bây giờ chạy luôn làm sao được? Tôi nhảy xuống đi lại gần mẹ. Bà cũng vừa nhận ra con Phi đứng ngoài đường nên ngưng câu chuyện nhìn ra. Nguyên bối rối hẳn. Tôi cũng bối rối chẳng kém gì.

- Anh Quân!

- Sao con lại về sớm vậy?

Lúc này thì trong đầu tôi bùng bùng chẳng biết đâu vào đâu. Tôi cười gượng:

- Mẹ, con Phi bệnh nên con cho nó về nghỉ, chắc là chiều nay cho nó ở nhà nghỉ ngơi. Nguyên sao lại ngồi ở đây?

- Em đi mua hoa, tiện thể ngồi chơi với bác...

- Ừ - Mẹ tôi chen rất nhanh - Khách hàng quen của mẹ.

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa, em mua hoa gì?

- Thì... mẹ anh bán hoa hồng mà?

Tôi nhận ra mình hỏi một câu vô duyên nhất đời, xém nữa còn phang thêm "Em đâu có thích hoa hồng đâu?". Thì ra mẹ và Nguyên chỉ biết nhau như người mua người bán.

- Nhưng mà... sao em biết mẹ anh?

- Anh vừa mới gọi mẹ mà!

Nguyên cười, mắt hấp háy chọc quê. Tôi cười tươi:

- Ừ, đây là mẹ anh.

Tôi quay sang mẹ giới thiệu:

- Nguyên học chung lớp võ với con đó mẹ.

- Anh Quân là sư huynh của cháu đó bác.

- À, ừ, mẹ có nghe.

- Mẹ nghe gì ạ?

Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ tôi nói với mẹ về Nguyên. Mẹ tôi lập tức phản ứng:

- À không, ý mẹ là mẹ vừa biết. Cũng hay, tình cờ lại biết nhau cả.

Tôi định hỏi vài câu nhưng thấy không tiện nên hỏi han mẹ vài câu rồi chào về trước. Nguyên gật đầu:

- Anh về trước chăm sóc cho Phi nhe, em ngồi nói chuyện vui với bác một chút. Em thích bác lắm, em đang nói bác kể chuyện Đà Lạt ngày xưa cho em nghe. Nghe mà nhớ lại ngày xưa, tại vì lúc đó em còn nhỏ quá không nhớ được rõ. Bây giờ nghe bác kể em mường tượng được nhiều hơn.

Tôi ừ ừ vui vẻ. Khi ra xe tôi nhảy phóc lên:

- Mình về Phi ơi!

Nhưng thật ra có đến 1001 câu hỏi. Tôi chợt nhớ ra hai tuần nay mẹ tôi đã mua giấy kiếng gói hoa. Tôi thấy nhưng không hỏi. Ai đã nói bà nên bọc giấy kiếng cho hoa? Những sinh viên có nhu cầu ấy ư?

Buổi chiều ở nhà dọn vườn, loay hoay chặt mấy cành cây xòa xuống đất, tôi xém chặt phải tay mình.

Tôi cảm thấy khó chịu với những câu hỏi của chính mình. Thật ra Nguyên có biết mẹ tôi là mẹ của tôi trước chưa? Và mẹ tôi có biết Nguyên quen tôi không hay chỉ mới biết? Tại sao Nguyên lại mua hoa hồng? Mà chắc có lẽ chỉ đơn giản là Nguyên mua hoa cho ai đó, gặp mẹ tôi hợp ý nên trò chuyện. Cuộc sống vẫn có những điều giản đơn mà người ta khoái gán ghép cho nó những điều phức tạp không đâu vào đâu.

Khi mẹ về, tôi không nhắc gì đến Nguyên. Bà cũng không nói gì về chuyện ấy. Tôi lén quan sát xem bà buồn hay vui, có ý định nói gì về cô gái khách hàng của mình không, nhưng tuyệt nhiên không thấy vẻ bà nhớ đến Nguyên. Càng muốn hỏi tôi càng không dám nhắc. Nhắc đến như tình cờ gặp một người mình quen đang ngồi với mẹ mình thì có gì lạ đâu, vậy mà tôi không dám nhắc. Cũng chẳng hiểu sao mẹ tôi không kể về một cô gái học chung sư phụ với tôi. Kể với con mình về một hiền muội trong lớp nó đã trò chuyện với mẹ ra sao thì có gì lạ đâu, vậy mà mẹ tôi cũng không kể. Mẹ chỉ hỏi han bệnh của con Phi, ra xem nó và cuối cùng là hai mẹ con cùng ăn cơm, xem ti vi.

- Mẹ có coi phim này không?

- Ờ, con thích xem kênh nào thì xem, lâu lâu mới ở nhà xem ti vi mà. Mẹ không có theo dõi phim này, thỉnh thoảng mở coi cái này cái kia vậy thôi.

Hai mẹ con nói vài câu vẩn vơ rồi đi ngủ. Trong đêm khuya, vẫn là những tiếng trở mình của bà. Dạo này hình như bà khó ngủ. Tôi cũng có ngủ được đâu. Những ý nghĩ mơ hồ vẫn rượt đuổi nhau, chúng chạy cả vào trong những giấc mơ.

Buổi sáng đến lớp, tôi không hỏi gì Nguyên. Em cũng không nhắc lại.

Một vài ngày, em hỏi:

- Mẹ anh dạo này khỏe không?

- Mẹ anh vẫn thế, chỉ có điều hay bị mất ngủ.

- Vậy hả?

Nguyên buồn buồn, không hỏi gì thêm. Tôi ngờ ngợ điều gì đó nhưng không thể hỏi.

Hai ngày sau, mẹ tôi nói xuống thăm cậu Út ở dưới ngã ba Finôm. Bà không cho tôi đi cùng. Trước khi rời khỏi nhà, bà thắp nhang và đứng rất lâu trước di ảnh của cha tôi. Tôi đưa bà ra bến xe. Mẹ tôi nhìn tôi cho đến khi xe lăn bánh. Tôi thấy mẹ tôi lạ lắm, điệu bộ cương quyết nhưng đôi mắt ầng ậng nước.

Ngày hôm sau mẹ tôi về. Khuôn mặt bà ánh lên một sự quyết đoán, rạng rỡ. Bà thắp nhang cho cha rồi đứng bên cửa sổ nhìn xuống thung lũng chỉ còn trơ lại những gốc hồng. Tôi thông báo:

- Con nghe nói người ta sắp bán miếng đất dưới ấy rồi mẹ à.

- Đất của nhà nước mà? Họ để không từ bao nhiêu năm nay rồi, đâu có phải của ai mà bán?

- Con không rõ lắm, nhưng mà ý con chỉ muốn nói là con sẽ dẫn con Phi đến chỗ khác gặm cỏ nếu người ta đến thung lũng ở.

- Và con bỏ luôn những gốc hồng dưới kia đúng không con trai? - Mẹ tôi mỉm cười - Con chưa bao giờ nói cho mẹ biết con trồng những cây hồng ấy để tặng ai.

Tôi nhe răng cười. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhạy cảm. Có thể bà đã nhận ra có mối liên quan giữa vườn hoa trong thung lũng của tôi với Nguyên. Lẽ ra bà đã phải nói thật nhiều trong cái ngày tôi phá nát cả vườn hoa và mệt nhừ người nằm xoài trên giường, người xây xước vệt máu.

- Qua hết rồi mẹ à.

- Ừ, mẹ biết! Mẹ biết bây giờ điều con mong muốn nhất là gì. Con đừng bận tâm tới việc con sẽ dẫn con Phi đi đâu để gặm cỏ nữa. Mẹ nghĩ là mẹ biết điều này rõ hơn con.

Mắt mẹ tôi nhìn như đang cười. Mẹ à, con còn không biết con cần gì nữa cơ mà, mọi thứ bây giờ cứ rối lên trong đầu con thôi.

- Rồi sẽ khác đi, Quân à! Con sẽ phải là người đàn ông mạnh mẽ, tự tin. mẹ không muốn hai mẹ con vì nhau rồi đi vào lối cụt, như thế này không phải là yêu thương, đúng không con?

- Con không hiểu ý mẹ.

- Ừ, mẹ sẽ nói với con sau.

Suốt hai ngày liền bà không mang hoa hồng đến cổng trường đại học. Tôi lo lắng kể cho Nguyên nghe:

- Anh không biết mẹ anh nghĩ gì mà mấy ngày nay cứ như người bị bệnh, lúc vui lúc buồn. Mẹ không nói rõ cho anh biết mà cứ úp úp mở mở, anh không hiểu được.

- Có thể mẹ anh đang lo cho anh. Em nghĩ sớm hay muộn mẹ anh cũng sẽ nói cho anh nghe những gì bác ấy đang nghĩ thôi. Em cũng đang có một điều muốn nói với anh nè...

- Về... cái gì vậy Nguyên?

- Tối nay em sẽ ra chỗ mấy anh, rồi em sẽ nói cho anh nghe.

- Vui hay buồn vậy Nguyên?

- Thì anh sẽ biết mà. Em đâu có biết đó là vui hay buồn, lỡ với em thì đó là buồn còn với anh đó là vui thì sao?

Buổi tối, Nguyên tìm ra bờ hồ gặp bọn tôi. Em hỏi han cả bọn một lúc rồi thông báo thật bất ngờ:

- Ngày mai em về Sài Gòn luôn rồi!

Mọi người lập tức phản ứng. Người nói Nguyên chê Đà Lạt, người kêu lên buồn quá, người thì nói sao đến bây giờ Nguyên mới nói. Nguyên vẫn chỉ cười vui:

- Thôi à, đừng có trách em, em xin lỗi...

Tôi không thể nói được gì, thấy nghèn nghẹt đến khó thở. Anh Hải tự nhiên quay sang phát mạnh vào lưng tôi:

- Còn cái thằng giặc này, Nguyên không nói đã đành, mày cũng còn giấu tụi tao, cái tội này không tha được.

- Em đâu có biết, đến bây giờ Nguyên mới nói cho anh em mình hay mà.

Tôi nói, giọng buồn thiu. Suốt hơn hai mươi phút sau tôi chỉ im lặng. Nhận được ánh mắt đầy dấu hỏi của tôi, Nguyên lảng tránh không nhìn tôi nữa. Nguyên quay về Sài Gòn, là tôi sẽ đau thật sự, làm sao có thể giả lả nói cười cầu chúc hay hỏi han? Khi Nguyên về, tôi đi theo tiễn một đoạn. Rốt cuộc, em vẫn là người biết phải làm gì sẽ tốt nhất.

- Anh buồn phải không?

- Ừ...

- Muội vẫn là muội của huynh mà.

- Ừ...

- Anh Quân!

- Sao hả em?

- Anh đừng như thế nữa!

- Em rời khỏi Đà Lạt, làm sao bảo anh đừng buồn được?

Im lặng vài phút.

- Cuộc sống có nhiều nỗi đau, cách tốt nhất là mình đối diện thẳng với nó. Em chọn cách đối diện đó, nên em phải quay lại Sài Gòn. Cứ như thế này, em thấy mình đi vào ngõ cụt. Đối diện vấn đề chưa hẳn đã giải quyết được nó nhưng ít ra cũng thấy mình mạnh mẽ hơn.

Tôi nhìn em. Nguyên nói điều đó cho Nguyên hay cho tôi? Đôi mắt Nguyên long lanh. Cho cả hai, phải không em? Hai bàn tay tôi đã nắm chặt lại từ lúc nào. Một bên nắm lấy nỗi buồn của một tình yêu đơn phương, của sự chia tay bất ngờ, một bên tay tôi nắm nỗi buồn của chính tôi về tương lai. Hai nỗi buồn chồng chềnh làm tôi chẳng còn nhớ phải hỏi gì, nói gì với Nguyên. Tôi bơi bơi trong không gian của mình.

Khi tôi quay lại, anh Hải thấy tôi buồn liền chủ động rủ rê:

- Mẹ nó, buồn quá! Đi mua thịt chó về nhậu đi tụi bay.

Anh Thắng lắc đầu:

- Mày biết tao không ăn thịt đồng loại được mà.

- Anh Thắng đề cao mình quá đấy nha.

Thịnh đùa. Anh Hải đùa theo:

- Khỉ thật, tao thì phải bổ sung chất chó vào người hoài, ít nhất mỗi tuần phải một lần.

- Ừ thì tại người mày luôn sử dụng, tiêu hao chất đó nên có nhu cầu bổ sung hoài chứ sao.

Mọi người cười ha ha. Tôi biết họ đang giỡn vui cho tôi bớt buồn, chứ thật ra ngay lúc này họ cũng chẳng có vui gì nổi. Ai cũng mến Nguyên. Bây giờ Nguyên đột ngột nói sẽ rời khỏi Đà Lạt, ai mà không buồn đôi chút. Thịnh vẫn cái giọng châm chọt:

- Anh Thắng không có nhu cầu bổ sung chất chó phải không?

- Ừ, tao không cần...

- Là vì trong người anh có thể tự sản sinh ra chất đó nên anh đâu có cần, hi hi, ha ha...

- Đồ... một không, tao thua! Thằng Quân, cứu bồ anh mày coi, từ nãy giờ tao nói gì cũng bị lỡ hàng hết. Vớt lại danh dự của anh đi Quân.

Tôi cười rối beng. Anh Hải lại chọc thêm:

- Ý nó cười là nói mày làm gì có danh dự cho nó vớt ấy mà.

Anh em cười đùa cho quên đi nỗi buồn, nhưng thật ra ai cũng đang cười gượng. Anh Hải tin là tôi nói thật về chuyện tôi không hề biết Nguyên sẽ rời khỏi Đà Lạt vào ngày mai nên anh không vặn hỏi gì tôi. Anh cũng hiểu tôi buồn như thế nào.

Đêm hôm ấy tôi về thẳng nhà, không hề ghé qua nhà Nguyên như lúc đầu tôi định. Ghé qua để làm gì, tôi đâu có giữ được Nguyên? Đã đến lúc phải đối diện sự thật, đối diện với những nỗi đau, chính Nguyên nói với tôi như thế mà.

Hai ngày hôm sau, nhớ lại, tôi mới nhớ đến câu nói cuối cùng của Nguyên:

- Em rất mong gặp lại anh ở Sài Gòn.

Làm sao anh có thể gặp lại em ở Sài Gòn hả Nguyên?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK