Thơ rằng:
Giàu nghèo vốn chuyện rủi may
Giàu mà rủi, nghèo gặp may, sự thường
Túi đầy châu nặng, dễ vương
Nhà thanh bạch, trí như gương, khác gì
Thạch Sùng 1 chuyện cũ còn ghi
Băn khoăn nữa, thì cứ đi hỏi trời.
Phàm người ta, không tiền của khó mà mở mày mở mặt, nhưng trong tay nhiều tiền của thì thường hay mắc lụy. Làm một người dân thường, lắm của nhiều tiền, trước nhất được mang tên thằng tù giữ của, rồi quan ty nhìn ngó, thân hữu ghét ghen. Nếu để người ngoài thấy túi nặng, tất xảy chuyện cướp đoạt, đi một bước ngại ngần, lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thật là trong phúc có họa, rất dễ mang họa vào thân.
Nói chuyện vào lúc Thúc Bảo đặt chân đến rừng Tạo Giác. Vùng này thường vẫn có cướp, chuyên cướp đoạt hành lý của khách lại qua. Đơn gửi về phủ Lộ Châu kể cớ hàng mấy chục, nhưng quan quân vẫn chẳng làm gì nên chuyện. Ở đây, có một chủ quán trọ họ Trương, tên Kỳ, lâu nay vẫn là bảo chính trông coi cả vùng. Vợ Trương thì cả ngày ngồi sau quầy hàng, đon đả chào mời, sai phái đàn em, lôi kéo hành lý, tranh nhau khách khứa với các hàng khác. Hôm ấy họ Trương vừa bị Sái Thái thú Lộ Châu đánh ười roi, bắt phải tóm cho kỳ được bọn cướp ở rừng Tạo Giác. Từ quan chí dân, ai cũng biết giữa bọn cướp với những quán trọ trong vùng đều một cánh với nhau, chính vì biết thế, nên Sái Thái thú mới khoác chặt việc này lên cổ Trương Kỳ. Trời vừa tối, họ Trương cũng vừa kịp kéo bọn lính của bọn phủ về tới cửa quán. Thúc Bảo đang trong phòng trọ, nghe bên ngoài ồn ào tiếng người, tiếng ngựa, tưởng có khách trọ mới tới nên không để ý.
Trương vào nhà, kể lể với vợ:
- Bọn cướp thì được của rồi chuồn mất. Lão Thái thú thì ôn dịch hồ đồ, đem cái việc khổ sở này buộc vào cổ ta chẳng khác gì bắt gió, giỡn trăng. Bảo ta tìm đâu ra bọn cướp để nạp bây giờ.
Vợ Trương khẽ ra hiệu, vợ chồng dẫn nhau vào nhà trong, bọn lính bám theo để nghe vợ chồng rương bàn bạc ra sao. Vợ Trương thì thầm:
- Vừa chiều có một khách trọ mới vào, rất đáng nghi ngờ.
Bọn lính nghe thế, vội xúm lại hỏi:
- Xin bà chủ nói rõ xem nào. Việc này quả rất đáng quan hệ đến mạng sống chúng tôi đấy!
Vợ Trương đáp:
- Các bác đừng to tiếng thế. Khách hiện vẫn đang trong quán mà!
Một tên lính hỏi dồn:
- Làm sao bà chủ biết được người khách trọ này đáng ngờ nào?
Vợ Trương đáp:
- Người này mặc quần áo mới, dây khăn chỉnh tề, lại mang khí giới, cưỡi một con ngựa cao lớn. Nếu là nhân viên phải có lính tráng theo hầu, là khách buôn thì cũng phải có bạn bè, đầy tớ, đằng này lại một mình vào quán, không đáng nghi ngờ còn gì nữa?
Bọn lính cùng khen nịnh:
- Bà chủ nói có lý lắm. Trước hết là cứ xem con ngựa của hắn ra sao là biết!
Cả bọn cầm đèn ra phía chuồng ngựa, thì rõ là một con ngựa to khỏe không phải là vùng Lộ Châu mà là ở nơi xa đến, không khác gì ngựa của bọn cướp vẫn thường có. Một người lính khẽ hỏi:
- Hắn đang ở phòng nào?
Vợ Trương giơ tay chỉ:
- Hiện đang ở phòng ngay gần cửa kia.
Cả bọn lại tắt hết đèn đóm, giờ chỉ còn mỗi phòng Thúc Bảo sáng đèn. Cả chủ quán lẫn bọn lính rón rén nhìn qua khe cửa thì thấy Thúc Bảo vừa ăn bữa tối xong, mọi thứ đã thu dọn tươm tất, rồi đóng chặt cửa phòng, sửa soạn hành lý, chăn gối định đi ngủ để mai còn đi sớm. Mở túi hành lý ra, Thúc Bảo mới biết có rất nhiều thỏi bạc trong đó, tò mò không rõ ít nhiều lại cũng chưa thể ngủ ngay được nên Thúc Bảo đổ tất cả ra giường, thì thấy một giường đầy những thỏi bạc đã được đập dẹp lại, vuông vắn chẳng khác gì những viên gạch nhỏ. Thúc Bảo vừa mừng vừa ngạc nhiên cảm kích, thầm nghĩ: "Đơn Hùng Tín, Đơn Hùng Tín! Đại huynh bảo Tần Quỳnh ngày trở về Sơn Đông, đừng nên nhận làm tiếp công sai ở phủ đường, là do những thứ đại huynh đã chuẩn bị sẵn cho thế này đây. Nhưng sợ ta từ chối, nên phải giấu kỹ trong khăn gói. Đơn nhị ca thật hết lòng với bạn bè!". Vì chưa biết mỗi thỏi nặng bao nhiêu, Thúc Bảo đặt từng thỏi lên lòng tay ướm thử. Có ngờ đâu "bên vách vẫn có tai, ngoài đâu có vắng". Bọn lính thấy vậy, bàn với nhau: "Đúng là tướng cướp rồi. Nếu là khách thường, tiền ở nhà đem đi, nhiều ít nặng nhẹ, thì biết rõ cả. Hoặc nữa, tiền chủ giao cho, thì đã cân đếm rõ ràng, chẳng thể có chuyện không biết, để đến nỗi giữa quán trọ, ngồi xem nặng nhẹ. Số bạc này khó mà chối là không phải của ăn cướp, còn tay này rõ là cường đạo không còn hồ nghi gì nữa". Có kẻ giục:
- Trói hổ không nên trù trừ.
Trước hết, bọn lính dắt ngựa giấu đi chỗ khác, rồi chọn lấy cái dây thật tốt, đến trước cửa phòng Thúc Bảo, buộc vào cột, vào càng xe, vào chân hòm lớn nhằm làm vướng ngã Thúc Bảo. Giờ chỉ cần một người có gan vào phòng dụ Thúc Bảo ra.
Chủ quán họ Trương từ lúc thấy bạc của Thúc Bảo bày trên bàn, trong lòng đã nghĩ: "Của này ở đâu ra, ai mà khảo được, chi bằng xông vào trước cướp lấy mấy thỏi, sợ gì tay này". Họ Trương bèn nói với bọn lính:
- Xin các bác thư thả. Các bác vốn không quen đường ra cửa vào của quán, hãy đợi tôi xông vào trước, dụ hắn ra có tốt không?
Bọn lính vốn dày dạn, đáp ngay:
- Vâng, xin nhường bác vào trước!
Họ Trương nguyên đã uống tới hai ba bát rượu hâm nóng, hùng hổ đạp mạnh cánh cửa. Cửa quán vốn đóng mở đêm ngày, lại cũng đã lâu nên chỉ cần họ Trương đạp nhẹ cũng gãy nát, Trương lập tức xông vào. Thúc Bảo hoàn toàn bất ngờ, thấy có kẻ đột nhiên xuất hiện, cướp bạc của mình, nổi giận đùng đùng, hai tay đấm tới tấp, nghe bịch, bịch liên tiếp mấy cái, đã thấy họ Trương bắn ra tường, chỉ kịp rú lên một tiếng khủng khiếp, đầu đã vỡ nát, óc bắn tung tóe khắp phòng.
Chính là:
Những tưởng bạc vàng vào túi cạn
Nào ngờ tính mạng gửi trời cao.
Bên ngoài cảnh tượng càng nhốn nháo, tiếng la hét ầm ĩ:
- Kẻ cướp đánh lính, giết người!
Cả nhà họ Trương thi nhau gào khóc. Thúc Bảo thoáng nghĩ: "Thôi đã lỡ tay đánh chết người, nếu vào thành thú tội, nợ không biết bao giờ gỡ cho xong. Ta lại chưa khai họ tên gì với chủ quán, chi bằng vứt quách hành lý, bỏ trốn là hơn." Lập tức Thúc Bảo lao thẳng ra khỏi cửa, không ngờ vướng ngay dây, ngã lăn quay ra đất. Bọn lính xúm lại dùng câu liêm vừa chặn vừa kéo, lại vác năm sáu cây thủy hỏa côn, nện tới tấp. Thúc Bảo chỉ còn cách nằm co dúm lại, hai tay ôm chặt lấy đầu, mặc cho bọn lính đánh, cán dao gãy, đoản côn nát, chúng lại lấy roi sắt, gậy, đây xích quật tiếp, thì ra:
Hổ lọt hang sâu khôn giơ vuốt
Rồng trong lưới sắt khó bay cao.
Khi khắp người Thúc Bảo đã đầy thương tích, chúng cởi hết quần áo, lấy dây trói chặt, đem giấy bút lại, bắt Thúc Bảo ký nhận là cường đạo. Thúc Báo chối:
- Các bác xem lại. Tôi đâu có phải là cường đạo. Mà là công sai của phủ Tế Châu, dưới trướng Lưu thái thú. Tháng tám năm ngoái phải giải phạm nhân, đem công văn tới phủ Lộ Châu, không may bị ốm đau, được bạn bè chu cấp tiền về quê. Nào ngờ các bác nhận nhầm người là cường đạo, đến nỗi lỡ tay đánh chết người, xin các bác cứ giải lên quan xét xử rõ ràng.
Bọn lính đâu dễ tin, chúng thu thập tất cả tiền bạc, đồ đạc, khai rõ từng tang vật, trói Thúc Bảo lên lưng ngựa. Vợ con Trương Kỳ nhờ người trong thôn viết sẵn đơn kiện, rồi cả bọn rời khỏi rừng Tạo Giác đi về phủ Lộ Châu. Đây là lần thứ hai, Thúc Bảo đến thành Lộ Châu.
Đến cổng thành thì đã canh ba, cả bọn gào gọi lính gác:
- Rừng Tạo Giác bắt được giặc cướp, đánh lính, giết người, nhờ báo hộ với quan Thái thú!
Lính gác vào trình, Sái thái thú lập tức sai lính ra mở cổng thành, đưa cả đoàn vào phủ, cho gọi tham quan tới xét hỏi. Tham quân Lộ Châu vốn là Hộc Tư Khoan, người Liêu Tây, đang ngủ say bị gọi dậy, rượu lại chưa tỉnh, liền gọi bọn lính hỏi trước, nghe xong, nôi ngay:
- Thu được hơn bốn trăm lạng bạc, có ngựa khỏe, có vũ khí nặng thì rõ là kẻ cướp rồi còn gì nữa!
Rồi cho giải Thúc Bảo vào, quát:
- Tên kia, họ tên gì, quê quán ở đâu?
Thúc Bảo vội thưa:
- Trình quan lớn, tiểu nhân không phải kẻ cướp, mà là Tần Quỳnh, công sai của phủ Tế Châu. Tháng tám năm ngoái đến đây, có giấy tờ của Lưu thái thú nhận thực hẳn hoi.
Tham quân họ Hộc hỏi:
- Giấy tờ đâu?
Thúc Bảo thưa:
- Thưa đã gởi bạn cầm về trước cả rồi!
Họ Hộc lại nạt:
- Lại nói láo rồi! Tại sao mày đến phủ này từ tháng tám, giờ vẫn còn ở đây, nhất định lại ẩn náu ở sào huyệt gần đây hẳn thôi!
Thúc Bảo thưa:
- Tiểu nhân bị ốm đau nên chưa về được!
Họ Hộc lại truy:
- Số bạc lớn này lấy đâu ra?
Thúc Bảo thưa:
- Của bạn bè cho ạ!
Họ Hộc lại quát:
- Nói láo, thời buổi bây giờ, một đồng cũng khó kiếm, ai có mà ày một lúc bấy nhiêu. Nhưng sao lại dám chống cự lại lính, đánh chết Trương Kỳ?
Thúc Bảo thưa:
- Chiều tối ngày mười chín, tiểu nhân vào trọ quán Trương Kỳ, bỗng dưng Trương Kỳ dẫn người xông vào phòng trọ cướp bạc của tiểu nhân. Tiểu nhân lỡ tay, Trương Kỳ đâm đầu vào tường chết.
Họ Hộc lại truy tiếp:
- Đánh lính, giết người, tội đã rõ. Lúc này đem công văn tới Đây, ăn ngủ ở đâu. Nếu thật có ốm đau nữa, thì nằm ở đâu, ai trông nom, khai rõ tên từng người, ta sẽ cho gọi tất cả lên đối chứng rõ ràng, phải có phải, trái có trái, rồi sẽ kết tội cũng chưa muộn.
Thúc Bảo chỉ còn cách khai Vương Tiểu Nhị, Ngụy Trưng, cùng Đơn Hùng Tín, tham quân họ Hộc ghi tất cả vào biên bản, kiểm tra tang vật, cho nhốt ngựa vào chuồng, chờ gọi đủ nhân chứng đến thẩm vấn, đưa Thúc Bảo xuống giam trong nhà ngục.
Chính là:
Bỗng không thân rơi vòng tù tội
Nghìn miệng khó chối nỗi tai ương.
Ngày hôm sau, Hộc Tham quân trình với Sái thái thú:
- Phạm nhân hôm qua đại nhân cho đưa xuống, tên gọi Tần Quỳnh, phạm tội chống lính giết người, khai là công sai của phủ Tế Châu, nhưng không có công văn làm bằng cứ, lại có rất nhiều bạc, kèm cả khí giới ngựa khỏe, rất đáng khả nghi. Việc đánh chết Trương Kỳ đã có xác thực, nhưng còn chờ khám nghiệm tử thi, thẩm vấn tội phạm, cùng can phạm, lúc đó mới có kết luận trình đại nhân.
Sái Thái thú nói:
- Việc này lớn, phiền tham quân lưu ý tra xét cẩn thận cho.
Họ Hộc trở về phòng, xem xét lại giấy tờ, cho gọi Vương Tiểu Nhị, Ngụy Trưng, Đơn Hùng Tín vào phủ đối chứng.
Vương Tiểu Nhị ở ngay trước cửa phủ, chưa cháy hết cây hương đã tới. Y khai quán trọ của mình vốn là nơi ăn ngủ của công sai các phủ, ngoài ra không biết gì khác. Phủ đường Lộ Châu ai cũng biết tên tuổi, tâm địa y, nên được tha ngay. Ngụy Trưng bị gọi đến, bởi có chứa chấp Thúc Bảo, cũng bị dọa nạt ít nhiều, phải mất một thỏi bạc lớn mới được tha về. Còn Hùng Tín sai đầy tớ mang theo hàng nghìn lạng bạc sớm tối tự mình cùng đầy tớ đi khắp nơi trong phủ, lại vốn quen biết Đổng Hoàn, hiệu Bội Chi và Kim Giáp hiệu Quốc Tuấn, đều là những bậc đàn anh trong đám nha lại của phủ Lộ Châu. Hùng Tín giao cả số bạc lớn đó cho hai người này lo lót các nơi trong phủ.
Đông Kim vì thế tìm vào tận ngục gặp Thúc Bảo nhiều lần, bàn cách khai báo cho khớp. Cho tham quân họ Hộc cũng được lo lót trước tiên, vì thế những vụ liên can đến Ngụy Trưng cũng được nhẹ nhàng, trôi chảy. Việc khám nghiệm tử thi ở Tạo Giác, Bội Chi cùng Quốc Tuấn đã đút lót cho bọn tay chân, đổ cho Trương Kỳ đập đầu phải tường mà chết. Bọn lính ở đội bắt cướp lần đó, vì cũng đã được lót tay rất hậu, nên cũng không tên nào kêu ca gì. Còn số bạc nhiều đến thế, cả bọn đã dặn Thúc Bảo khai là của Bồ Sơn Công Lý Mật và Vương Bá Đương cho. Từ đó, Thúc Bảo không bị hành hạ, đánh đập gì nữa.
Tờ thẩm vấn được viết lại như sau:
Thẩm tra Tần Quỳnh, công sai phủ Tế Châu, có công vụ tới Lộ Châu, công vụ đã xong, công văn trở về đã nhận. Nhân vì ốm đau, chưa về ngày được. Lần lửa nơi quán trọ. Trương Kỳ thấy bạc nhiều, đã vội nghi ngờ, xông vào làm dữ. Tần Quỳnh trong lúc hốt hoảng, ra sức chống trả, khiến Trương Kỳ dập đầu vào tường mà chết. Nếu ghép tội cố sát thì cũng quá nặng, chỉ nên định tội ngộ thương là đúng. Số bạc hiện có, cả hai lần tra, đều khai là của Lý Mật và Vương Bá Đương cho. Bởi không thể gọi bọn Lý Mật đến cửa quan đối chất, tạm coi như của bị cáo vậy.
Vì được ghép tội ngộ thương, nên Thúc Bảo chỉ phải xung quân. Cũng vì các triều vua, luật pháp khác nhau, nếu không phải của ăn cướp thì tiền bạc hành lý của phạm nhân hoặc được trả lại, hoặc đưa vào kho cất giữ. Thúc Bảo do còn lo đỡ bị tội nặng, nên tiền của, vũ khí, cho đến cả ngựa đều phải nạp vào kho phủ Lộ Châu. Bắt người, đánh đập, vu cho là cướp, đáng cũng phải xử tội nhưng đám lính đều đổ lên đầu Trương Kỳ đã chết, phía Thúc Bảo cũng không dám làm găng chuyện này, nên bọn lính chẳng những không bị tội tình mà còn được chấm mút ít nhiều.
Hôm xét xử ở công đường, tham quân họ Hộc giảng giải hồi lâu. Sái Thái thú bằng lòng, mọi chuyện xong xuôi. Thúc Bảo thoát tội chết, phải phát phối xung quân dưới trướng tổng quản U Châu. Đến hôm giải đi, Hùng Tín lại lo lót để Bội Chi, Quốc Tuấn làm luôn việc công sai giải Thúc Bảo. Nên chỉ vừa mới ra khỏi thành, cùm tay đã được cởi, các hình cụ được bỏ hết, lại còn được vào trang Nhị Hiền, gặp Hùng Tín để tạ ơn cứu mạng.
Hùng Tín từ tạ:
- Chuyện này là chính Hùng Tín này làm lụy đến hiền huynh còn tạ ơn nỗi gì.
Thúc Bảo thưa:
- Cũng vì tiểu đệ đang hồi vận hạn mới gặp phải vạ này, nếu không được Đơn nhị ca thủy chung lo trọn thì cũng đã làm ma trong nhà ngục rồi.
Hùng Tín lại xin Bội Chi, Quốc Tuấn ở nhà với vợ con vài hôm, để Thúc Bảo được ở lại Nhị Hiền trang vài ngày, tắm rửa, thay quần áo nghỉ ngơi, rồi chuẩn bị hành lý, gói thêm một trăm lạng bạc cho Thúc Bảo.
Vài ngày sau, theo hẹn, Bội Chi, Quốc Tuấn kéo đến, Hùng Tín bày tiệc rượu tiễn hành. Ăn uống no say, Hùng Tín lấy ra một phong thư đưa cho hai người, dặn dò:
- Xin hai vị nhớ cho, nếu ở Sơn Đông, Hà Nam thì Thúc Bảo đây bạn bè rất nhiều. Nhưng ở U Châu, Hà Bắc thì lại ít người quen thuộc. Chỉ sợ mai kia, có việc phải lo liệu mà lại "tứ cố vô thân" nhưng thêm khốn khổ, nên Hùng Tín viết thư này giới thiệu Thúc Bảo và các vị với Trương Công Cẩn, ở thôn Thuận Nghĩa, thuộc Trác Quận, vốn là bậc hào kiệt trong vùng, cùng Hùng Tín này là quan hệ "bát bái chi giao". Nhờ Công Cẩn cùng đi với các vị đến U Châu, việc đi lại ở cửa công, Công Cẩn sẽ giúp thêm một tay với các vị.
Hai người đáp:
- Chúng tiểu đệ nhớ rồi!
Từ biệt Hùng Tín, cả ba rời Nhị Hiền trang.
Chính là:
Dặm dài vui đón xuân về
Liễu điều vội rũ tóc thề xanh xanh.
Cả ba vừa đi vừa trò chuyện, tình thân càng thêm gắn bó. Bất giác mấy ngày sau đã tới Trác Quận, khoảng giờ tỵ thì đến thôn Thuận Nghĩa. Giữa thôn là một đường lớn, quây quần xung quanh là bốn năm trăm nóc nhà. Phía đầu đường thứ hai thấy có một quán trọ khá tươm tất, Thúc Bảo dừng lại, nói:
- Hai vị, vào tìm Trương Công Cẩn đưa thư, mà bụng đã đói, lẽ nào lại đòi ăn ngay. Người đời thường bảo: "Vào nhà quen, chẳng bằng lên quán trọ". Ta hãy vào quán này ăn bữa trưa, sau đó hãy tìm đưa thư cũng chưa muộn.
Bội Chi, Quốc Tuấn đều đáp:
- Đại huynh nói có lý lắm!
Chủ quán đon đả bày chè nước, rồi sau đó cơm rượu. Ăn uống xong, Thức Bảo cùng Bội Chi, Quốc Tuấn ra cửa quán đứng nhìn.
Chỉ thấy vô số thanh niên, phụ lão, có kẻ cắp côn, người cầm giáo kéo đi lũ lượt, chuông trống rộn rã. Trên ngựa lớn, một người to khỏe, đầu chít khăn chữ vạn, đính hai đóa hoa bạc, y phục toàn bằng lụa màu sặc sỡ, giải bay phấp phới. Theo sau là một đoàn tráng đinh gươm giáo tuốt trần. Thúc Bảo hỏi chủ quán:
- Hảo hán được đón rước kia là ai?
Chủ quán thưa:
- Thôn Thuận Nghĩa chúng tôi lâu nay được đón Thái tuế về mở Đả lôi đài 2
Thúc Bảo hỏi tiếp:
- Sao lại gọi bằng cái tên khác thường này?
Chủ quán đáp:
- Quý khách không biết. Ông này vốn họ Sử, tên kép Đại Nại, nguyên là tướng Phiên, vào trung nguyên rồi không về nữa. Gần đây đầu quân dưới trướng La Thái thú ở U Châu. La Thái thú thấy Sử Thái tuế có tài, nhưng cũng muốn xem bản lĩnh thực hư ra sao, mới lệnh cho thôn Thuận Nghĩa chúng tôi mở Đả lôi đài trong ba tháng, nếu không có ai thắng nổi, sẽ cho thực giữ chức kỳ bài quan. Từ mùa đông năm ngoái đã dựng đài, nay là tiết thanh minh. Lúc đầu một vài hảo hán gần đây, sau cũng thêm vài hào kiệt xa tới, đấu đã nhiều trận, nhưng chưa ai thắng nổi Thái tuế, một trận hòa cũng không. Hôm nay đón Thái tuế lên đài ngày cuối.
Thúc Bảo hỏi:
- Hôm nay có còn đấu nữa không?
Chủ quán đáp:
- Dạ, thưa còn đấu một ngày hôm nay nữa. Ngày mai thì vừa hết hạn ba tháng.
Thúc Bảo lại hỏi:
- Chúng ta đi xem có được không?
Chủ quán đáp:
- Đừng nói xem, quý khách muốn lên đài dự đấu cũng xin cứ tự tiện.
Thúc Bảo dặn:
- Chủ quán trông coi hành lý cho chúng ta ra "Đả lôi đài" xem, về sẽ thanh toán tiền nong sau.
Nói rồi rủ Bội Chi, Quốc Tuấn, giắt theo ít bạc cẩn thận vào lưng áo ra đi.
Ba người ra khỏi quán, đi theo dòng người tấp nập kéo về phía bắc đường lớn, ngay ở miếu Linh Quan. Võ đài được dựng trên mấy mẫu ruộng bỏ hoang trước miếu, cao tới chín thước, chu vi tới hai mươi tư trượng, xung quanh đài xúm xít hàng mấy nghìn người. Sử Đại Nại đang vênh vang bước lên đài. Ba người chen vai thích cánh mãi mới vào được cạnh cánh gà, vẫn chưa thấy ai lên thách đấu. Lại thấy ở đầu cánh gà bên trái có hai hàng lan can sơn đỏ, có đến chục người xung quanh. Ở trong lan can, đặt một cái hòm lớn, trên hòm có một cái cân treo, lại có mấy người cân bạc bỏ vào hòm. Ba người chen lại gần lan can. Thúc Bảo hỏi:
- Võ đài là nơi tỷ thí võ nghệ, đặt hòm và cân ở đây làm gì quý vị?
- Quý vị không biết. Sử Thái tuế chúng tôi thu lệ phí lên đài.
Thúc Bảo hỏi:
- Thì ra đấu võ để kiếm lời à?
Người kia đáp:
- Quý vị không biết. Lúc đầu đã làm gì có chuyện này. Lập đài xong, "Một tiếng sấm vang trời đất biết, Ngũ hồ bốn biển thảy đều nghe". Anh hùng hào kiệt quần tụ dưới đài. Sử Thái tuế chúng tôi vốn cẩn thận, sợ những kẻ võ nghệ tầm thường dễ bị trọng thương, rồi chẳng có bằng cứ gì để xem xét, nên người nào muốn lên đài, đều phải viết một giấy nhận thực, khai rõ họ tên, tuổi tác, quê quán, sau đó cam đoan dẫu bị thương, chết chóc cũng không tranh kiện. Những việc khai báo này nhiều vị không thích. Trong lúc đua tranh hơn kém, ai chẳng muốn phần thắng, nhưng thua thì tên tuổi, quê quán trong giấy khai, rửa đến bao giờ cho sạch. Cho nên, Sử Đại Nại không bắt làm giấy nhận thực nữa, mà lại lập thêm cái quầy này, của vốn liền người, ai muốn lên đài thì đến đây nộp bạc là xong.
Thúc Bảo tiếp:
- Nạp bao nhiêu?
Người kia lại đáp:
- Không nhiều. Mỗi người chỉ năm lạng. Không kể nhiều hay ít người, cứ giao đủ số bạc. Sử Đại Nại sẽ phất lệnh lên đài. Người thứ nhất đã lên đài rồi, người thứ hai làm thủ tục. Đã xuống đài thì không được lên nữa, cứ thế đến người khác. Trong lúc thi đấu, ai đánh được Sử Đại Nại một đòn, sẽ được gấp mười lần bạc. Ai thắng được một trận, sẽ được năm mươi lạng bạc. Nếu thắng được vì dùng "song phi cước" sẽ được một trăm lạng, vì dùng "vạn dịch thôi quý" làm đối phương ngã ngửa, sẽ được một trăm năm mươi lạng. Ngược lại nếu bị đánh đến tàn tật cũng không được oán thán. Từ khi khai mạc "Đả lôi dài" đến giờ, đã có tới hơn hai trăm vị bị Sử Thái tuế đánh bại. Chỉ trong vòng một tháng, thu được hơn nghìn lạng bạc. Những kẻ có tiền mà không có bản lĩnh, vì vậy cũng không dám tham dự. Kẻ tự ình là có bản lĩnh nhưng không có tiền cũng có cớ để không lên đài. Cho nên hai tháng sau, kẻ đấu ít hẳn. Hôm nay, ngày kết cục, chúng tôi lại bày mọi thứ ra đây; may ra có bậc hào kiệt nào đến vào ngày hôm nay chăng.
Thúc Bảo cười nói với Bội Chi, Quốc Tuấn:
- Kẻ hào kiệt cũng phải giỏi cả những việc tính toán như vậy, phải không hai vị?
Bội Chi thăm dò Thúc Bảo:
- Đại huynh thử lên một chuyến. Biết đâu lại mở được đường tiến chức thăng quan. Bản lĩnh của đại huynh, chúng tiểu đệ đây đều rõ cả rồi. Lại được thêm một trăm năm mươi lạng bạc, đến nha môn U Châu cũng thêm tiền chi dụng.
Thúc Bảo nói:
- Hiền đệ ạ! Hơn thua đều có mệnh. Thời vận của tiểu đệ chưa đến. Tiền bạc của Đơn nhị ca cho, cũng chả có phúc cầm, nên mới xảy ra chuyện ở rừng Tạo Giác, rồi lại chuyện đày đọa ở Lộ Châu vừa rồi. Nếu thắng người, được từng nấy bạc, cũng hay đấy. Nhưng chưa đến thời, thì hãy biết đứng dưới mà xem là tốt hơn cả.
Bội Chi ý muốn lên, bèn nói:
- Hội này ít gặp, tiểu đệ phải lên mới xong.
Bội Chi, Quốc Tuấn vốn không phải loại tiểu tốt vô danh, mà cũng là bậc hào kiệt ở phủ Lộ Châu. Việc đi lại giữa Thúc Bảo với hai người cũng chưa lâu, chẳng qua do việc quan, được Đơn Hùng Tín manh mối mà quen biết nhau, lại chưa từng cùng nhau thử sức, đọ tài. Thấy Bội Chi cao hứng, Thúc Bảo khuyến khích:
- Hiền đệ "phùng trường tác hí" là chuyện đáng khích lệ. Tiểu huynh xin thay hiền đệ nạp đủ năm lạng bạc lệ phí.
Thúc Bảo nạp xong, Bội Chi lên đài. Đài cao chín thước chia làm mười tám bậc. Bội Chi mới lên lưng chừng, thì hàng nghìn người phía dưới đã hò reo vang dội, khiến Bội Chi như thấy gân cốt rã rời. Thực ra, người xem hàng tháng nay, ít thấy người lên đài thách đấu, hôm nay ngày cuối cùng, thấy Bội Chi xuất hiện, khán giả đều hò hét cổ vũ. Bội Chi không nhận ra cử chỉ thân thiện đó của mọi người, nên có vẻ mất tinh thần chỉ yên lặng bước tiếp. Phía dưới, nhiều người gào to, khuyến khích:
- Hảo hán! Hãy mạnh dạn lên!
Về phía Sử Đại Nại, giữ đài đã ba tháng nay, chưa từng gặp một địch thủ tương xứng, nên càng "mục hạ vô nhân". Thấy kẻ vừa lên có vẻ do dự, Đại Nại đã coi thường, dáng như sư tử đứng trấn trước cửa, không cho người qua lại, dù bay phía trên, dù chui phía dưới. Bội Chi thấy đối thủ cao to, khó lòng đánh từ phía dưới, nên Bội Chi từ xa tung mạnh hai chân, rơi từ trên cao xuống trước mặt Đại Nại. Thấy vậy họ Sử dùng ngay thế "Vạn địch thôi quỳ", quét ngang chân Bội Chi, thành một đường dài sát mặt đất. Bội Chi nhún chân nhảy thoát. Rồi tay tả dưới thấp, tay hữu giơ cao, định túm mặt Đại Nại. Đại Nại chuyển sang "Chức nữ xuyên thoa", từ phía sườn cụt bên phải, chuyển sang tấn công vào sau lưng đối phương, nhanh như chớp, đã túm được giải thắt lưng lụa của Bội Chi, nạt lớn:
- Ta không thèm chấp cỡ ngươi. Hãy cút đi cho khỏi bẩn mắt ta.
Rồi chỉ với một tay, Đại Nại giơ đối thủ từ trên đài thả xuống. Từ dưới đài nhìn lên, chẳng khác gì chim yến ngậm sáp thả từ trên cao, khiến Bội Chi ngã lăn quay, mặt mày xám như bùn, hổ thẹn lủi ngay xuống đám đông.
Thúc Bảo thấy thế, lửa giận bừng bừng, quát vang cả võ trường:
- Hãy đợi đấy!
Họ Tần định xông lên, nhưng bị ngay bọn phục dịch ngăn lại.
- Xin tráng sĩ hãy nạp thêm bạc đã. Năm lạng lúc nãy thua hết rồi còn gì?
Thúc Bảo không cãi nửa lời, lấy ngay ra một đỉnh bạc, vứt ngay vào trong quầy:
- Còn thừa bao nhiêu, đấu xong ta sẽ xuống tính toán với các anh sau.
Rồi từng bước, từng bước thoăn thoắt lên đài. Họ Sử ngước nhìn, lòng đã không dám coi thường.
Đi vài đường "Tứ bình quyền "
Đá mấy vòng "Song phi cước"
Xương sườn nhô cao
Bụng thời thóp sát
Hai mắt sư tử giương to xanh biếc
Hai chân đuôi cá quẫy mạnh tít mù
Như hổ đói vồ mồi
Như giao long rỡn nước
Một tay Quan âm giơ thấp
Hai chân La Hán nhún cao
Đưa đường quyền dài tự nhiên trông đã sợ
Quét đường quyền ngắn lo đỡ cũng chẳng xong.
Trông không giống hai địch thủ đánh nhau, mà chẳng khác gì đôi hổ dữ tranh mồi, võ đài huyên náo lạ thường. Mẫu đơn tuy đẹp, cũng nhờ lá xanh nâng đỡ, Đại Nại ba tháng giữ đài ở thôn Thuận Nghĩa, chưa từng gặp đối thủ, một mình đóng vai hảo hán như một hổ một núi, lại cũng vì ở thôn Thuận Nghĩa có bậc chủ nhân Trương Công Cẩn, mới có dịp cho Thúc Bảo tìm tới đưa thư, để đến chuyện anh hùng tương ngộ.
Bấy giờ Công Cẩn cũng đang ở Linh Quan miếu, trông coi nhà bếp chuẩn bị rượu thịt, chỉ chờ dỡ rạp là ăn mừng Sử Đại Nại. Lại có cả Bách Hiển Đạo, một bậc hào kiệt trong vùng, vốn là bạn rượu lâu nay của Công Cẩn. Cả hai đang ngồi trước bàn, sai bọn đàn em bưng mấy đĩa hoa quả trên điện xuống, cùng một vò rượu lạnh uống suông cho đỡ sốt ruột đợi chờ, thì thấy hai gã trai hoảng hốt chạy vào:
- Hai vị đại huynh ơi! Sử Thái tuế coi chừng mất hết công lao mấy tháng nay mất!
Công Cẩn vội hỏi:
- Chỉ còn hôm nay nữa là xong công quả. Sao lại còn chuyện gì nữa?
Một trong hai gã tranh nói trước:
- Mới đầu Thái tuế thắng một trận rất nhẹ nhàng. Sau đó một khách lạ khác lên đài. Cả hai quần nhau đến ba bốn mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Chúng tôi ở dưới nhìn lên, thấy Thái tuế chân tay bắt đầu loạn xạ, không đương nổi địch thủ nữa, nên vội về báo hai vị đại huynh, liệu có cách nào đối phó chăng?
Công Cẩn nói:
- Lại có chuyện thế nữa sao? Trèo cây đã sắp tới ngày hái quả rồi, thì lại gặp miếng khó gặm. Biết đối phó thế nào bây giờ?
Rồi rủ Hiển Đạo:
- Bạch Hiền đệ, chúng ta hãy bỏ vò rượu đó đã, ra đài xem sao!
Ra khỏi miếu, rẽ đám đông vào, thấy trận đấu vẫn đang lúc gió thảm mưa sầu, trời long đất lở.
Chính là:
Trùy nặng đấu với cọp đen
Thần thông sức quỷ thử xem thê nào
Thanh thiên đối mặt đài cao
Yếu thua khô rách tránh sao bây giờ!
Công Cẩn thấy trận đấu đang lúc dữ dội, không thể lên đài, bèn hỏi người xem bên cạnh:
- Vị này ở đâu tới thế?
Người xem bèn chỉ Bội Chi, Quốc Tuấn nói:
- Vị từ đầu chí thân đầy bùn đất, là vừa mới thua ở trên đài xuống. Vị quần áo còn đang sạch sẽ kia thì chưa từng lên đài. Cứ hỏi hai vị đó, thì biết ngay vị đang đấu trên đài là ai.
Công Cẩn vốn cũng bậc hào kiệt, danh uy một cõi, nên cũng nhã nhặn, đường hoàng, chấp tay thi lễ rồi hỏi Bội Chi:
- Quý hữu, vị đang đấu trên đài là ai thế?
Bội Chi trong lòng đang bực bội, vừa lau sạch bụi đất trên mặt, nhưng tay chân, quần áo vẫn đầy bùn đất, lại hăm hở theo dõi Thúc Bảo đang thắng thế, nên chẳng còn lòng nào chuyện trò:
- Quý hữu, hỏi chuyện lôi thôi làm gì, cứ xem họ đánh là đủ.
Công Cẩn đáp:
- "Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã", chỉ sợ bạn bè đụng độ, hối lại không kịp.
Quốc Tuấn chưa lên đài, bình tĩnh hơn, tiến lại vái chào, trả lời:
- Quý hữu, chúng tôi cũng đều là những người có tên tuổi, cũng muốn lên đài tỷ thí xem sao, nhưng cũng không muốn bàn bạc dài dòng, nhỡ có thua trận, ở thôn Thuận Nghĩa này cũng lại còn bạn bè quen biết.
Công Cẩn hỏi:
- Chư huynh quen biết ai trong thôn?
Quốc Tuấn đáp:
- Đơn nhị ca ở Nhị Hiền trang thuộc Lộ Châu có thư, gửi tới đại ca Trương Công Cẩn ở Nghĩa Thuận, nhưng cũng chưa kịp tới nhà đưa thư.
Công Cẩn cười ha hả. Bạch Hiển Đạo chỉ Công Cẩn:
- Đây chính là Trương đại ca.
Quốc Tuấn vội vàng:
- Thì ra Trương đại ca, chúng tôi thật đắc tội.
Công Cẩn hỏi:
- Thưa hai vị, xin cho biết quý tính, cao danh.
Quốc Tuấn đáp:
- Tiểu đệ là Kim Giáp, vị này Đổng Hoàn.
Công Cẩn tiếp:
- Thì ra là hào kiệt ở Lộ Châu. Còn vị trên đài là ai thế?
Quốc Tuấn đáp:
- Chính là Tần Thúc Bảo người Lịch Thành, Sơn Đông.
Công Cẩn vừa giơ tay vừa vẫy vừa gào lớn:
- Sử hiền đệ hãy dừng tay ngay, đấy chính là đại huynh Tần Thúc Bảo vẫn thường nghe.
Thúc Bảo và Đại Nại cùng thu quyền. Công Cẩn dắt Bội Chi, Hiển Đạo kéo Quốc Tuấn, cả bốn lên đài, nói cười vui vẻ. Sáu bạn gặp nhau, vái chào nhận lỗi. Công Cẩn nói lớn:
- Xin mời chư vị khán giả giải tán thôi. Chẳng phải người xa lạ mà phải so tài cao thấp, nguyên đều là bạn bè đến thăm hỏi nhau cả thôi.
Rồi phân phó tay chân đem hòm xiểng vào miếu Linh Quan, mời Thúc Bảo xuống đài, trải chiếu làm lễ giao bái, chắp tay mời nhau vào chỗ ngồi. Công Cẩn giơ tay hỏi:
- Xin quý vị cho biết hành lý hiện nay đang ở đâu?
Thúc Bảo đáp:
- Ở quán trọ, nhà thứ hai ở đầu đường vào.
Công Cẩn sai tay chân đi lấy hành lý về, lại lấy hai đỉnh bạc lớn trong hòm trả lại Thúc Bảo. Thúc Bảo giở hành lý, lấy thư Hùng Tín ra. Công Cẩn xem xong nói:
- Hà! Thì ra đại huynh có việc ở U Châu, cái này thì tiểu đệ xin cáng đáng. Giờ chỉ là có chén rượu nhạt, để mừng Sử đại ca. Còn phải mời đến tệ trang nữa đã.
Sáu người uống luôn mấy chén, bất giác đã chiều tối. Công Cẩn đưa mọi người về nhà, quát đầy tớ đốt nến sáng trưng, rồi đỉnh trầm nghi ngút tỏa thơm, mời Thúc Bảo cùng mọi người vào nhà, lúc này mới chính thức lạy chào nhau nhận bạn bè, ngôi thứ. Xong xuôi, tiệc rượu dọn ra, uống mãi tới canh năm ngày hôm sau.
Sáng ra, Sử Đại Nại, phải về soái phủ U Châu phúc trình tổng quản, Bạch Hiển Đạo cũng phải đi với bạn, nên Trương Công Cẩn sai dắt ra sáu ngựa tốt, kén mười gia đinh, cùng là hành lý, bạc tiền lên đường đi U Châu.
Không biết sự thể đến U Châu ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Danh Sách Chương: