Thơ rằng:
Vác cày ông lão khóc sướt mướt
Vườn ruộng năm năm lo đứt ruột
Quan huyện tô thuế mãi mãi tăng
Nộp thu, thu nộp đủ sao được
Nịnh ông lớn khấu hao đóng bù
Bòn dân ngu dọa nạt đốc thúc
Con trẻ khóc, đói rét bủng beo
Vợ không quần cầm cố bán chác
Mông đít chục trận đòn nát nhừ
Nhà tranh ba đợt thuế quang lắc
Lăn lóc suối giọt lệ không khô
Tối tăm đường đưa chân nhắm mắt
Nào ai vẽ giúp bức tranh dân
Dâng lên vua ngắm cảnh khổ cực.
Dân đen ăn ở trên đất vua, mùa thu nộp lương mùa hạ đóng thuế là lẽ đương nhiên. Nhưng cái khổ chính là ở chỗ, không thu hoạch mà vẫn phải lo nợ nhà vua, gặp mùa việc thì lại phải phu dịch. Giả như mỗi phủ phải đóng ba nghìn lạng bạc, nhưng có bao giờ đúng thế cho đâu, chỉ vì cả đám quan nha lòng tham không cùng, thừa cơ này mà kiếm lợi, liền tìm cách thêm thắt, bớt xén, nào là dịch phí, nào là lộ phí, nào là hao hụt, tất cả đều đổ lên đầu dân đen. Cứ thấy có khoét được, kẻ tham vẫn còn tham, kẻ giàu vẫn còn ác, bốn phương trộm cướp hoành hành, hờn oán khóc than theo đó mà gia tăng cũng là lẽ thường vậy thôi.
Bấy giờ vua Tùy vì những việc thổ mộc lớn đó, các phủ châu phải sai quan áp tải tiền bạc đem đến Lạc Dương nạp. Hai phủ Tế Châu và Thanh Châu của Sơn Đông cũng đều đã sắp sẵn ba nghìn lạng bạc đem tới Lạc Dương, nhân chuyện náo động này mà xuất hiện một tay hảo hán khác nữa, chuyện đầu đuôi như sau:
Ở Vũ Nam trang, thuộc huyện Đông A của Duyện Châu có một viên ngoại họ Vưu, tên Thông, hiệu Tuấn Đạt, cũng đã từng theo đòi nghề cướp đường lâu năm, gia tư giàu có, sáu phủ thuộc Sơn Đông đều kính nể gọi là Vưu viên ngoại. Lâu nay, muốn làm được một tướng cướp lẫy lừng ở vùng bắc này, phải vừa giàu có vừa có thế lực mới xong. Vưu Thông nghe được huyện Thanh Châu sẽ áp tải ba nghìn lạng bạc lên kinh, tất nhiên phải đi đường Duyện Châu, ý muốn cướp số bạc này, mới thầm nghĩ: "Cướp của bọn khách buôn, một toán bất quá mười đứa, mình chỉ cần vài người cũng xong, chẳng sợ gì bọn này. Nhưng đây lại là lương tiền của Nhà nước nhất định sẽ có quan lính đi hộ tống, qua các châu huyện, đều phải phái thổ binh lính đi kèm, muốn cướp được cũng khó, lại nữa lương tiền là của ngay phủ bên cạnh, sợ chúng sẽ tầm nã rất gắt gao. Chi bằng đừng đụng đến nữa, đỡ phải lôi thôi".
Nhưng lòng tham con người ta, không biết đâu là cùng, thật đáng cười. Vưu Thông biết rõ sự lợi hại như vậy song vẫn nuối tiếc ba nghìn lạng bạc này. Điểm mặt những khách khứa, bạn bè, hiện không kẻ nào có thể đảm đương nổi chuyện này, Vưu Thông bèn đem ra bàn bạc với trang khách:
- Quanh trang Vũ Nam chúng ta đây, liệu có thể tìm ra một bậc hảo hán, lấy gọn được số bạc này, cũng là một chuyện thích ý!
Trang khách có người đáp:
- Nhìn trước nhìn sau ở đất Vũ Nam này, chỉ có những kẻ múa chân múa tay được, chứ không thể gọi là hảo hán được. Cách đây năm sáu dặm, có một người họ Trình, tên gọi Giảo Kim, hiệu là Tri Tiết, vốn người ở Ban Cưu điếm. Trước kia đã từng đi buôn muối lậu, kháng cự lại quan binh, bị tội xung quân ở ải bắc, gặp buổi ân xá được tha về. Nếu được người này đứng ra, thì mọi việc dễ như trở bàn tay.
Vưu Thông nói:
- Ta cũng đã nghe nói tới. Quý khách đã ai thấy mặt họ Trình này chưa?
Trang khách đáp:
- Chúng tôi cũng chỉ toàn tai nghe. Mắt quả chưa được thấy!
Vưu Thông vẫn để tâm lo lắng chuyện này, không ngờ lại gặp.
Hôm ấy có việc đi ra ngoài trang, trời lạnh, gió tây thổi mịt mù, cây lá nghiêng ngả, Vưu Thông chợt thấy thèm rượu, bèn xuống ngựa, bước vào quán. Ngồi vào bàn, vừa uống được chén trà nóng, đã thấy một chàng trai trẻ cao lớn bước vào, trông ra diện mạo, quần áo người này, thì thấy:
Lông mày chổi rễ
Con mắt ốc nhồi
Mặt gồ ghề vô số nốt ruồi
Miệng khấp khểnh một hàng nanh lợn
Râu quai nón đỏ hoe dữ tợn
Tóc rễ tre sóng gợn rối tung
Thô kệch như thanh sắt vừa nung
Ngang ngạnh như tượng đồng mới đúc
Rồi ra mới biết tay cương trực
Chớ vội xem thường bậc trượng phu.
Chàng trai trẻ này áo quần rách nát, vai vác một bó củi lớn, vứt củi xuống sân, ngồi vào ghế, dáng diệu đàng hoàng, gọi chủ quán mua rượu nóng uống, có vẻ quen biết với chủ quán từ lâu. Vưu Thông chăm chú theo dõi, thấy vẻ người khác thường, bèn nhân lúc không ai để ý, hỏi khẽ chủ quán:
- Người này tên họ là gì? Bác có quen biết anh ta chăng?
Tiểu Nhị đáp:
- Anh ta thường vào đây uống rượu, vốn người Ban Cưu điếm, thượng gọi là Trình Nhất Lang, còn không rõ tên thật là gì, thưa viên ngoại.
Vưu Thông nghe đến Ban Cưu điếm, lại họ Trình, nghĩ ngay đến Trình Giảo Kim nên đứng dậy, lại gần, vòng tay hỏi chàng trai trẻ:
- Xin cho biết quý tính đại huynh?
Chàng trai đáp:
- Tiểu nhân họ Trình!
Vưu Thông hỏi tiếp:
- Đại huynh hiện ở đâu?
Họ Trình đáp:
- Tiểu nhân đang ở Ban Cưu điếm.
Vưu Thông hỏi thêm:
- Ở Ban Cưu điếm có một vị là Trình Tri Tiết, có họ hàng gì với đại huynh chăng?
Họ Trình cười đáp:
- Họ hàng với anh em gì gia mẫu sinh được mỗi mình tiểu nhân, chẳng biết có họ hàng gì nữa không, chỉ biết tiểu nhân vốn là Trình Giảo Kim, hiệu là Tri Tiết, cũng còn gọi là Trình Nhất Lang. Dám thưa viên ngoại có điều gì dạy bảo?
Vưu Thông thấy nói Trình Giảo Kim mừng như bắt được vàng, vội hỏi:
- Sao lại có bó củi này, để bán sao?
Giao Kim đáp:
- Quả là như vậy. Tiểu nhân nhà còn có mẹ già, nhờ vào mấy que củi khô này mà hai mẹ con sống qua ngày. Hôm nay vác ra đây, chẳng ai mua, trời lại nổi gió lớn, vào đây kiếm vài chén rượu nóng, chờ ngớt gió rồi cũng đến về thôi. Xin được biết quý tính của viên ngoại. Viên ngoại hỏi tới có chuyện gì cần chăng?
Vưu Thông đáp:
- Từ lâu đã được nghe tên tuổi, nay có việc cần nhờ, một việc rất thích ý, nhưng chỉ ngại đây pha tạp không phải chỗ bàn luận. Xin mời tới tệ gia, sẽ thưa chuyện đầu đuôi.
Giảo Kim nói:
- Hôm nay gặp tri kỷ ở đây, viên ngoại đã dạy thế lẽ nào không theo. Nhưng rượu đã kề miệng, hãy cứ uống vài bát đã, tới nhà ta lại uống nữa có được không?
Vưu Thông đáp:
- Thế thì hay lắm?
Thế rồi kéo Giảo Kim cùng ngồi. Một ông nhà giàu, một anh áo rách cùng ngồi uống rượu với nhau, chủ quán và mọi người bưng miệng mà không nhịn được cười. Cả hai uống mấy bát lớn, Vưu Thông tính tiền trả tiểu nhị, Giảo Kim nói với tiểu nhị:
- Chỗ củi này gán luôn, trả số tiền rượu hôm qua tiểu nhân còn thiếu.
Cả hai vái chào, ra khỏi quán rượu.
Lúc này Vưu Thông cưỡi ngựa, giờ bảo đầy tớ dắt về trước, rồi cùng đi với Giảo Kim. Về đến nhà, cả hai ngồi, gối liền gối, vai liền vai. Cùng nói đủ chuyện trên trời dưới đất: chuyện hạn hán lụt lội, chuyện đạo đức suy đồi, chuyện buôn bán, làm ăn, đi lại khó khăn. Từ đó Vưu Thông ngỏ ý cùng Giảo Kim đi buôn chung, lời lãi chia hai.
Giảo Kim hỏi lại:
- Viên ngoại định rủ tiểu nhân buôn chung thật sao?
Vưu Thông đáp:
- Thực không phải thế. Tiểu huynh lâu nay mộ tiếng dũng cảm, nghĩa khí hiền đệ, nhưng chưa một lần được gặp, nay mới có duyên may, xin kết nghĩa đệ huynh, mãi mãi gắn bó, xin đừng hiềm nghi.
Giảo Kim đáp:
- Tiểu đệ vốn người thô lỗ, không phải chỗ tốt để kết nghĩa đệ huynh.
Vưu Thông vẫn giữ ý:
- Đây là ý nguyện của tiểu huynh, hiền đệ không nên từ chối.
Hai người đem tuổi ra so, Vưu Thông hơn năm tuổi, nhận làm anh. Giảo Kim làm em, cùng thắp hương kính cẩn lạy nhau tám lạy, thề cùng sống chết, hoạn nạn cùng giúp nhau.
Chính là:
Kết giao chớ ngại câu bần phú
Chung thủy đừng quên nghĩa tử sinh.
Giảo Kim nói:
- Đi ra để buôn bán, cũng là điều tốt, nhưng tiểu đệ còn có mẹ già ở nhà, không người coi sóc, làm thế nào được?
Vưu Thông đáp:
- Đã là huynh đệ, lệnh đường cũng chính là bá mẫu của tiểu huynh, lẽ đương nhiên là phải đưa về đây phụng dưỡng. Chi bằng ngay đêm nay đưa tới là tốt hơn cả!
Giảo Kim nói:
- Tiểu đệ đi bán củi, chẳng được đồng nào. Một hạt gạo cũng không nốt, về gặp mẹ già, trời đã chiều tối, nói chuyện tới đây nữa, thì cũng thật khó nghe.
Vưu Thông khuyên:
- Hiền đệ nói có lý lắm. Nhưng không có gì khó. Hôm nay hãy cầm về một đỉnh bạc, coi như dùng để chi vào việc di chuyển chỗ ở, kiếm chén rượu nhạt, nói chuyện với xóm giềng, nhất định bá mẫu sẽ bằng lòng ngay.
Giảo Kim ưng thuận:
- Nếu thế mới được, xin đem tiền ra đây!
Vưu Thông lấy ra một đỉnh bạc đưa cho Giảo Kim, Giảo Kim đỡ lấy bỏ ngay vào ống tay áo, cũng chẳng cảm ơn. Vưu Thông sai bày cơm rượu. Giáo Kim mười phần vui vẻ, uống thoải mái hết chén này đến chén khác, không ngờ là rượu nhà nấu lấy, rất nặng, lại uống đến hàng chục chén lớn, nên đã say mèm. Vưu Thông sợ Giảo Kim quá say, sáng mai tốt ngày, phải còn lo liệu để lên đường buôn bán một chuyến xem sao. Giảo Kim đành phải đứng dậy ra cửa, tuy đã say, nhưng vẫn còn nhớ tới đỉnh bạc, bỏ vào ống tay áo, xem ra có vẻ nặng, trù trừ bước ra cổng lớn. Không ngờ ống tay áo, tuy đã buộc, nhưng lại rách nát, nên khi giơ tay vái chào Vưu Thông lần nữa, thì đỉnh bạc cũng theo chỗ rách mà rơi tọt xuống đất lúc nào cũng không biết nữa. Trang khách có người trông thấy nhặt lấy, đưa trình Vưu Thông:
- Viên ngoại vừa đưa cho, đã rơi vào ngay trước cổng lớn. Nên chạy theo mà giao lại cho Giảo Kim chăng?
Vưu Thông đáp:
- Ta đưa thỏi bạc cho Giảo Kim xong, nghĩ lại đang thấy hối hận đây!
Trang khách hỏi:
- Đã đưa rồi, viên ngoại còn gì mà phải hối hận?
Vưu Thông đáp:
- Người này tính ngay thẳng, không biết luồn cúi ai. Đem bạc về, mẹ con bàn cãi, nhất định sẽ không chịu đến đây nữa, thì cũng đành chịu. Nay lại đánh rơi mất thỏi bạc, thì còn phải nghĩ đến ta, nên tối nay thế nào mẹ con sẽ cùng đến đây.
° ° °
Lại nói Giảo Kim về đến nhà, mặt mày vẫn còn rạng rỡ. Mẹ ngồi chờ suốt từ chiều tới giờ, nay thấy con về, uống rượu mặt còn đỏ gay, mùi rượu vẫn sặc sụa, thì tức giận mắng:
- Mày là đồ súc sinh, tìm chỗ ăn uống say sưa, chẳng nghĩ tới mẹ ở nhà không củi không gạo, đói sắp chết mà vẫn còn vác cái mặt dương dương đắc chí về thế kia. Ta thử hỏi mày: củi bán được rồi, tiền tiêu cái gì hết cả rồi?
Giảo Kim cười đáp.
- Mẫu thân đừng vội giận. Sắp đến ngày mở mày mở mặt rồi. Còn hỏi đến chuyện củi đóm làm gì?
Trình mẫu gắt gỏng:
- Mày đúng là vẫn còn say rượu, tuôn ra toàn những lời mơ màng, ta làm sao mà tin được.
Giảo Kim nói:
- Mẫu thân nếu vẫn chưa tin, con lấy thỏi bạc này ra à xem nhé!
Trình mẫu hỏi:
- Bạc ở đâu ra?
Giảo Kim sờ vào ống tay áo, hết tay này tới tay kia, lần đầu rồi lại lần nữa, vẫn chẳng thấy bạc đâu, Giảo Kim bứt tóc dậm chân tức tối:
- Thỏi bạc không biết rơi lúc nào mất!
Trình mẫu lại càng được thể:
- Ta đã nói là chuyện khoác lác mà. Trong cái tay áo rách ấy thì làm sao có bạc được?
Giảo Kim trừng mắt cãi:
- Mẫu thân nếu không tin con, con xin thề độc địa rằng dù trong cơn say đi chăng nữa, con cũng không bao giờ dám nói chuyện đùa vơ vẩn với mẫu thân. Hôm nay, con vác bó củi ra đi khắp một lượt phố xá, chợ búa, chẳng ai thèm hỏi đến, mới vào trong quán uống mấy chén rượu, gặp một nhà giàu đó là Vưu viên ngoại ở Vũ Nam trang, mới thấy nhau mà như gặp bạn cũ, kéo con về trang trại. Con liền vứt ngay bó củi, gạt tiền rượu cho tiểu nhị, cùng với viên ngoại về trang trại. Con với ông ta làm lễ kết nghĩa huynh đệ, rồi tính chuyện cùng nhau đi buôn bán xa kiếm lời. Con nói chuyện ở nhà còn mẹ già, không người chăm nom, viên ngoại bảo ngay đêm nay đưa mẫu thân sang bên ấy, lại còn đưa cho con một đỉnh bạc, để có phải tiêu đến việc gì khi chuyển chỗ ở chăng. Con thấy vui vẻ, uống mấy chén rượu lớn, nên cũng không biết bạc rơi lúc nào, mặc dù suốt dọc đường con đã cố ý, túm ống tay áo thật chặt. Mẫu thân nếu vẫn chưa tin, ngay bây giờ con cõng sang bên ấy, thì sẽ rõ con nói đúng hay nói khoác cho vui ngay thôi mà!
Trình mẫu đáp:
- Nếu đã như thế, ta sẽ đi với mày. Trong nhà tìm khắp ba ngày cũng chẳng có cái gì đáng giá, cứ khóa cửa lại là xong. Nhưng ta đang đói lả cả người, làm thế nào bây giờ?
Giảo Kim đáp:
- Con đưa mẫu thân sang trang trại, chỉ sợ không có sức mà ăn, tiêu không kịp, lại nôn mửa cả ra bây giờ, chứ lại còn lo không có cái gì mà ăn!
Nói xong, khóa cửa, rồi đang giữa đêm tối Giảo Kim cõng mẫu thân sang trang trại họ Vưu ở Vũ Nam trang, bao nhiêu say sưa bay biến sạch. Giảo Kim đặt mẫu thân xuống gõ mạnh cửa, lão canh cổng đã được Vưu Thông sai từ trước, chờ sẵn để mở cửa cho Giảo Kim, rồi vào báo cho viên ngoại biết.
Vưu Thông vẫn chưa đi ngủ, chờ Giảo Kim tới, nghe đầy tớ vào trình, mừng không nói hết, ra đón mẹ con Giảo Kim vào nhà ngồi đâu đấy Vưu Thông lên tiếng trước:
- Mang ơn tổ tiên để lại cho ít nhiều của cải, mấy năm nay thì năm nào cũng hết hạn hán lại lụt lội, gia tư ngày càng hao hụt dần.
Nay muốn về Giang Nam buôn vài chuyến tơ lụa, nhưng nghe nói các nơi trộm cướp sinh như ong, sợ đi chẳng được. Nghe danh lệnh lang là bậc hào kiệt, cũng muốn có lệnh lang cùng đi, được lời sẽ chia đều, may kiếm được ít nhiều để phụng dưỡng bá mẫu chăng?
Trình mẫu vốn cũng nhà giàu có, ít nhiều biết lẽ đời, nghe thế cười đáp:
- Viên ngoại lầm rồi! Viên ngoại giàu có, còn ta thì nghèo khó, suốt ngày chân tay vất vả. Nay viên ngoại đi buôn xa, hoặc giả trên đường không người sai phái đỡ đần, cần phải con ta đi theo sau, rồi hàng tháng trả cho nó ít nhiều, lấy cái nuôi mẹ già, thì nghe ra còn thông. Chứ thử hỏi con ta có tài đức gì, mà dám kết huynh đệ với viên ngoại. Lại thêm vốn liếng không một đồng đóng góp, làm sao dám nghĩ tới chuyện buôn chung, chia lãi đều cho được.
Vưu Thông nói:
- Vưu Thông này từ lâu mộ tiếng lệnh lang, tình nguyện xin được kết nghĩa huynh đệ, xin bá mẫu đừng ngại.
Rồi sai sửa soạn hương án, Vưu Thông bái lạy, nhận Trình mẫu làm bá mẫu, Trình mẫu cũng hoảng hốt vái đáp lễ bốn vái. Vưu Thông nói tiếp với Trình mẫu:
- Cháu cùng lệnh lang ra đi rồi, sợ một mình bá mẫu ở nhà có chỗ không tiện, nên mời bá mẫu về trang trại đây. Nếu có gì chưa được chu tất, xin bá mẫu lượng thứ.
Trình mẫu đáp:
- Con ta được đi với viên ngoại, ta thật đội ơn. Chỉ sợ tính tình nó lỗ mãng, viên ngoại phải luôn để ý mà rèn cặp, thể tất cho nó ít nhiều, sợ còn ít tuổi, chưa thấy hết được ơn nghĩa của viên ngoại.
Vưu Thông mời Trình mẫu ra nhà sau ăn cơm, còn mình với Giảo Kim lại bày cuộc rượu nữa. Rượu vừa chớm say, Vưu Thông mang chuyện ba nghìn lạng bạc kể để dò ý Giảo Kim:
- Hiền đệ có nghe những chuyện về việc vua mới lên ngôi chưa?
Giảo Kim vừa được chịu ơn ân xá, nên đáp:
- Vưu đại huynh, đó là một vị vua thật thương dân. Tiểu đệ mấy năm ở ngoài tít ải bắc, nếu không có chuyện vị vua mới này lên ngôi, thì làm sao có thể trở về quê hương mẹ con sum họp.
Vưu Thông gợi ý:
- Vua mới giở đắp thành xây gác, mỗi châu, mỗi huyện đều phải góp ba nghìn lạng bạc để góp vốn cho những việc thổ mộc đó. Thật là không biết lấy đâu ra mà đóng góp.
Giáo Kim đáp:
- Làm dân đen dân đỏ của đất nhà vua, thì tất phải nạp lương, phải chịu tạp dịch, phu phen. Làm quan nha của hoàng đế, thì phải sai phái, phải quát nạt, đừng nghĩ tới sự nhàn rỗi, bình yên.
Vưu Thông nói:
- Chuyện ấy thì đã hẳn rồi. Có điều vùng Thanh Châu của Sơn Đông ta cũng phải tuân theo lệnh vua, đóng vào đó ba nghìn lạng. Thái thú Thanh Châu, đang nhân dịp này để lột tận xương tủy trăm họ, tàn khốc không chừng chỉ để lấy ba nghìn lạng đem đi, còn bao nhiêu thì bỏ túi thầy trò cả bọn. Số bạc ba nghìn lạng bạc này đem lên kinh, tất phải đi qua địa phận Duyên Châu ta đây. Ta định nhờ vào đôi tay của hiền đệ, chiếm lấy ba nghìn lạng này, làm vốn đi buôn, liệu có nên chăng?
Trình Giáo Kim cũng đã từng đi buôn muối lậu, ba chìm bảy nổi, vào tù ra tội, so với chuyện cướp đường cũng chẳng xa xôi gì. thấy Vưu viên ngoại đối xử với mẹ con mình thật hết lòng, nên cũng muốn đền ơn tri ngộ, nên cười đáp:
- Đại huynh, chỉ sợ tiền bạc của họ không đi đường này. Nếu chắc chắn là đi đường này, thì chẳng cần đại huynh phải lo nghĩ nhiều, tiểu đệ chỉ cần một người một ngựa ra đi, sẽ đem ngay số bạc ấy về đây cho đại huynh!
Vưu Thông hỏi:
- Hiền đệ quen dùng loại vũ khí gì?
Giảo Kim đáp:
- Tiểu đệ quen dùng búa. Cũng chẳng được học ra bài ra lớp cẩn thận gì đâu. Trong lúc nhàn rỗi chẳng biết làm gì, cứ lấy búa kiếm củi thay cán thật dài vào, một mình ở nhà tập múa may, thế mà tiện lợi trôi chảy phải biết.
Vưu Thông nói:
- Trong nhà ta có một cây búa, nặng sáu mươi cân, liệu hiền đệ có dùng vừa không?
Giảo Kim bằng lòng:
- Sáu mươi cân, cũng chưa phải là nặng.
Vưu Thông ra phía sau nhà, đem cây búa ra, thì ra búa được đánh bằng loại thép tốt, hai mặt búa khắc hình bát quái, vì vậy mọi người thường gọi loại búa này là "bát quái tuyên hoa phủ". Lúc này Giảo Kim mới mặc vào mình một áo giáp đồng, một mũ đồng đã lên nước xanh biếc, khoác một áo khoác màu xanh chàm, cưỡi một con ngựa thanh tông khỏe mạnh. Còn Vưu Thông cũng nai nịt không kém phần hùng dũng, đội một mũ sắt dày, một áo giáp lấp loáng màu dầu đen bóng, vác một cây thương mũi nhọn hoắt, đi đôi ủng sơn trắng, cưỡi con Ô truy.
Cả hai nai nịt giờ lâu ngay trước bàn tiệc, rồi sai đầy tớ đèn đuốc sáng rực, ra khỏi trang trại kéo nhau ra mấy đám ruộng cạn vừa gặt, dùng mấy cây tre, treo cao đèn bốn phía, một khoảng rộng sáng như ban ngày, cả hai người lên lưng ngựa cùng nhau thử sức. Búa qua thương lại, bọn tay chân xúm quanh, hò hét ầm ĩ. Bọn này đều nương dựa hoàn toàn vào họ Vưu, cho nên mọi chuyện lớn nhỏ đều chẳng có điều gì phải giữ gìn. Tập tành chán cả hai xuống ngựa kéo nhau về trang trại đi ngủ.
Ngày hôm sau. Vưu Thông cho người đi Thanh Châu, dò la xem đoàn quân áp tải ba nghìn lạng hạc bao giờ thì lên đường, liệu bao giờ đến rừng Trường Diệp. Mấy ngày sau, kẻ được sai đi trở về thưa:
- Trình viên ngoại ngày mười lăm tháng mười này sẽ lên đường, ngày hai mươi bốn này thì có thể đến vùng rừng Trường Diệp. Đoàn áp tải có một viên quan cầm đầu, một viên võ quan hộ tống, chỉ huy một đội lính khoảng hai mươi tên chuyên dùng cung tên.
Tối ngày hai mươi ba, Vưu Thông lấy rượu ngon cho Giảo Kim uống gần say, chọn người đi theo, canh năm đến rừng Trường Diệp, động viên Giảo Kim:
- Hiền đệ, ta cùng hiền đệ sẽ đủ chi suốt đời, chỉ cần một việc này!
Giảo Kim gật đầu, xách búa lên ngựa, tiến ra phía đường quan, dừng ngựa, dắt búa ngang yên, trông như hổ dữ ngồi chặn giữa đường lớn. Trước tiên là viên quan Lô Phương xuất hiện; viên này vốn là hiệu úy Thanh Châu, mở đường đi trước cũng là để đề phòng sợ có chuyện không lường chăng. Mới vào đến rừng, Giảo Kim giật ngựa nhảy ra, cao giọng quát:
- Tiền lộ phí đâu, dốc ra!
Lô Phương vốn là một võ quan cũng thạo nghề cung kiếm, giơ thương lên vừa đỡ vừa chửi:
- Thằng giặc cỏ! Mày chỉ quen sống lẩn lút trong rừng rậm, lo ăn từng bữa như loài thú dữ, đây chính là lương tiền giải đi tam kinh lục phủ, hãy tránh au, loại giun dế như mày đừng có to gan lớn mật.
Giảo Kim vẫn lớn tiếng:
- Bọn khách thương trong thiên hạ, bố già đây không thèm đụng đến đâu. Nghe nói Thanh Châu phủ có ba nghìn lạng, bố già đây chờ sẵn, kiếm làm vốn buôn bán.
Lô Phương nạt:
- Hà hà! Đồ giặc cỏ không biết nông sâu. Hãy chờ xem mà buôn bán!
Ngựa chồm lên, thương giơ cao, xốc tới, Giảo Kim cũng vung búa vội đỡ, ngựa với ngựa, người với người, thương với búa cùng thi gan, được vài chục hợp, phía sau thấy khói mịt mù, quân quan áp tải cũng vừa tới. Giảo Kim thấy thế, sợ chúng sẽ xắn tay cùng đánh, bèn chồm ngựa xông lên, búa bổ mạnh, mặc mọi sự. Lô Phương đỡ không nổi, ngã quay xuống ngựa. Hai mươi tên lính cầm cung thương tràn tới, thấy Lô Phương ngã ngựa, cả bọn giơ cao thương la lớn:
- Phía trước Lô hiệu úy bị tướng cướp đánh cho bị thương rồi!
Giảo Kim thừa thế chém thêm vài tên tay chân, cả bọn cứ thế vứt cung, bỏ thương, lội bừa qua suối mà chạy, bỏ cả bạc tiền, hành lý lại mà thoát lấy thân đã. Tào tham quân Tiết Lượng, viên quan chỉ huy cả đoàn áp tải, thấy thế, quay ngựa chuồn thẳng. Giảo Kim vẫn không tha, giục ngựa đuổi theo. Bọn đầy tớ, cùng trang khách đi theo vội chạy báo cho Vưu Thông:
- Bố già thắng lớn rồi! Bạc tiền bọn chúng đều vứt lại trong rừng mà thoát thân rồi?
Vưu Thông dẫn tay chân ra đường quan, mở toang tất cả các thùng chứa bạc, đút vào những bao tải gai, khuân về Vũ Nam Trang, giết dê lợn, bày tiệc rượu chờ sẵn, đợi Giảo Kim về đánh chén.
Giảo Kim lúc này đuổi theo Tiết Lượng có đến mười dặm mới kịp, chủ ý cũng chẳng để giết Tiết Lượng cho bằng được, mà Giảo Kim cũng chẳng biết rằng tiền bạc bọn này đã vứt lại cả ở trong rừng rồi, nên cố tình đuổi theo bắt cho kỳ được cả người lẫn ngựa. Tiết Lượng quay đầu nhìn lại, thấy người ngựa Giảo Kim tới gần, không biết làm thế nào để đối phó, đành liều lên tiếng:
- Anh bạn lạc thảo! Ta với anh không thù không oán, anh chặn đường ta cũng chỉ vì tiền bạc. Nay bao nhiêu tiền bạc chúng tôi đã vứt lại trong rừng, anh còn đuổi theo ta để làm gì?
Giảo Kim nghe nhắc tiền bạc đã vứt cả ở trong rừng liền không đuổi theo nữa, quay ngựa, không cần phi nhanh nữa. Tiết Lượng thấy Giảo Kim đã quay ngựa, bạo dạn hơn ít nhiều, gọi với theo hăm dọa:
- Anh bạn lạc thảo, tiền bạc cướp được, giữ cho cẩn thận. Ta trở về trình quan Thứ sử, sai người tìm bắt, lúc ấy thì đừng có mà chạy thoát đâu nhé!
Giáo Kim nghe thế, nổi cơn điên khùng, gọi theo:
- Quan nhân đừng chạy vội, ta không giết quan nhân. Ta cũng không phải loại hảo hán không tên tuổi. Hãy cứ tạm cho quan nhân biết tên tuổi ta nhé, ta là Trình Giảo Kim, suốt đời chưa từng nói dối ai bao giờ. Ta có một người bạn rất trung hậu, tên gọi Vưu Thông.
Chính hai người chúng ta lấy số bạc ba nghìn lạng này đấy. Quan nhân cứ yên tâm về mà trình Thứ sử.
Giảo Kim nói xong tên tuổi hai người, mới thực sự quay ngựa trở về chưa đến trang trại đã thầm nghĩ lại: "Vừa rồi lẽ ra không nên nói rõ tên tuổi. Vưu viên ngoại biết ra lại oán giận ta. Thôi tìm vài lời quấy quá lờ đi cho xong". Chẳng mấy lúc về tới trang trại, cùng nhau hoan hỉ ăn uống. Chuyện không nói nữa.
Chính là:
Khi vui rượu uống hũ chìm
Khi buồn mặt nặng như lim khác gì!
Lại nói Tào tham quân Tiết Lượng trở về phủ đường Thanh Châu, chính là lúc Thứ sử Hộc Tư Binh đang ngồi trên công đường.
Tiết Lượng vội quỳ trước công đường thưa:
- Trình Thứ sử, được lệnh áp tải lương tiền về Lạc Dương, ngày hai mươi tư đi đến rừng Trường Diệp của Tế Châu, bỗng xuất hiện khoảng mười tên cướp, cướp mất tất cả tiền bạc, giết chết võ tướng Lô Phương cùng bốn tên lính. Tiểu quan ra sức chống đỡ, may toàn tính mạng, về trình đại nhân, xin cho công văn tới Tế Châu, để phủ đường Tế Châu lùng bắt tội phạm, cùng thu lại ba nghìn lạng bạc.
Tư Bình nghe trình, nổi giận đùng đùng:
- Cướp đường nào mà dám cả gan đón đường quan quân. Ngươi không cẩn thận, đến nỗi mất của hại người. Ta sẽ cho người giải về trình Tổng lý đại nhân Vũ Văn Khải, để xem ngài xét xử thế nào; ngươi phải đền hay phủ đường Tế Châu phải đền ba nghìn lạng bạc này.
Rồi quát tháo ầm ầm. Tiết Lượng hồn bay phách lạc, vội vàng thưa:
- Có đại nhân ở trên, bọn cướp này nhất định bắt được, lúc chúng bị bọn tiểu nhân kháng cự còn xưng cả tên hiệu là Tĩnh Sơn đại vương Trần Đạt, Ngưu Kim gì gì đó, tiểu nhân nghe không thật rõ ràng, chỉ cần đưa ra những tin này cho phủ đường Tế Châu là có thể bắt được bọn này.
Thứ sử Tư Bình gọi bọn tay chân, làm văn thư gửi trực tiếp cho Tổng lý doanh tạo Đông Đô Vũ Văn Khải:
"Thanh Châu phủ đã cho áp tải ba nghìn lạng bạc theo lệnh Tổng lý.
Đi vừa đến rừng Trường Diệp thuộc Tế Châu phủ, cũng bởi phủ đường Tế Châu không cử thổ binh hộ tống, gặp ngay giặc cướp lấy hết, lại giết cả quan hiệu úy Lô Phương. Xin tổng lý đại nhân lệnh cho Tế Châu phủ bắt bọn cướp này, bồi thường số bạc cho Thanh Châu phủ."
Một mặt đưa công văn sang phủ Tế Châu, yêu cầu Thứ sử Tế Châu bắt kỳ được bọn Trần Đạt, Ngưu Kim lấy lại số bạc. Tiết Lượng tạm thời bị giữ lại ở phủ đường, chờ công văn của quan Tổng lý ở Lạc Dương sẽ xét xử một thể.
Mấy ngày sau, Tổng lý Vũ Văn Khải có lệnh đưa về:
"Công trình đang khẩn cấp tạo dựng. Trong vòng một tháng không tìm thấy số bạc bản phủ Tế Châu phải bỏ tiền bồi nạp. Trong hạn hai tháng giặc cướp vẫn chưa bắt được, Thứ sử Tế Châu cùng Thanh Châu sẽ bị ngừng cấp tiền lương, các đô đầu đều phát phối làm lao dịch chuộc tội. Tiết Lượng cách chức làm dân thường, Lô Phương được hưởng mọi đặc ân với liệt sĩ."
Nhận được lệnh này, Thứ sử Tư Bình đành phải tự đứng ra lo mọi công việc trong phủ mình và đốc thúc Lưu Thứ sử Tế Châu. Lưu Thứ sử cũng sợ bị bị liên lụy, nên vội vàng bàn bạc với tay chân:
- Số bạc ba nghìn lạng này, không phải là nhỏ dễ giấu ngay cho được mà cũng lấy đâu ra số bạc nữa mà bồi thường cho họ được. Nay ta chia thành từng đội, đội nào bắt được trước sẽ trọng thưởng, đội nào không làm nên chuyện sẽ bị phạt.
Rồi lên công đường, cho gọi chánh đô đầu Phàn Kiến Uy, phó đô đầu Đường Vạn Nhẫn tới, truyền lệnh:
- Bọn cướp này có tên tuổi rõ ràng, cũng dễ bề tìm ra, tại sao đến tháng nay vẫn không có tin tức gì. Phải chăng là bọn này cùng các ngươi có quan hệ mờ ám gì đây về tiền nong, nên các ngươi không chịu ra tay, để mọi chuyện phiền toái đổ lên đầu ta.
Kiến Uy thưa:
- Xin Thứ sử xét kỹ cho, xưa nay chưa từng có bọn cướp nào có gan xưng cả họ tên, rõ ràng là những tên để lừa bịp, quan quân chẳng biết lối nào mà lần. Vì thế chúng tôi đã tìm khắp nơi mọi chốn trong phủ, mà không hề thấy vết tích.
Lưu Thứ sử quát:
- Dù rằng là tên giả đi chăng nữa, thì những ba nghìn lạng bạc, hàng chục đứa tham gia, chứ có phải cái kim đâu, mà đã cả tháng nay, tịnh không vết dấu, rõ ràng các ngươi lười nhác, không chịu tận tâm mà thôi!
Rồi ra lệnh đánh Kiến Uy, Vạn Nhẫn mỗi người mười lăm roi, hạn cho ba ngày nữa, nếu không có tin gì mới, sẽ phạt mỗi người ba chục roi.
Ngày giờ trôi mau, sáng mai ra, đã lại một ngày. Cả bọn kéo về nhà Kiến Uy rồi còn nghĩ ngợi đủ cách, nốc rượu lấy sức, kéo nhau về phủ đường, trình lại Thứ sử. Lúc này Kiến Uy bàn với Vạn Nhẫn:
- Vạn Nhẫn hiền đệ, chúng ta khổ nhục chịu đựng thế này, nếu đại huynh Thúc Bảo còn làm đô đầu với chúng ta ở Tế Châu này, thì những chuyện như vậy. Tần đại huynh không bắt được Trần Đạt thì ít ra cũng tóm được Ngưu Kim rồi. Nay Tần đại huynh ở dưới trướng Lai Tổng quản, làm sao trình bày với Lưu Thứ sử đưa được Tần đại huynh về đây, chúng ta nhất định sẽ làm nên chuyện ngay, không thể bó tay chịu đòn như hiện nay.
Kiến Uy, Vạn Nhẫn cùng Thúc Bảo vốn là chỗ bạn bè thân thiết. Năm sáu chục thổ binh, kẻ biết, người thì đã nghe danh tiếng Thúc Bảo, thấy hai đô đầu bàn thế, đều nhất loạt hoan hô ầm ĩ:
- Nếu được thế, nhất định không ai có thể bắt nạt chúng ta nữa rồi. Phái về bẩm ngay với Lưu Thứ sử, nguyên đô đầu Tần Quỳnh, đã giữ chức này ở Tế Châu nhiều năm, biết rõ từng sào huyệt của bọn cướp nắm vững đường đi lối lại của bọn chúng, nay đương đảm nhiệm chức kỳ bài quan dưới trướng Lai Tổng quản, nhàn rỗi không có việc gì. Nay xin Thứ sử đứng ra đưa được Tần Quỳnh trở về, là có thể bắt được ngay Trần Đạt, Ngưu Kim.
Kiến Uy khuyên:
- Các anh không nên làm huyên náo đến thế, hãy vào công đường trình rõ với Lưu Thứ sử là hơn cả!
Sáng ra, mọi người vào phủ đường Kiến Uy lên bán nguyệt đài đưa trát ra để xin gia hạn, ai nấy đều quỳ dưới thềm. Lưu Thứ sử hỏi Kiến Uy:
- Đã có tung tích gì của bọn cướp chưa chánh đô đầu?
Kiến Uy thưa:
- Trình Thứ sử đại nhân, vẫn chẳng thấy tăm hơi!
Thứ sử sai đem hình cụ ra để phạt. Roi sắp sửa ra tay, Kiến Uy lại lên tiếng thưa:
- Tiểu nhân còn chuyện nữa, xin trình với Thứ sử đại nhân!
Lưu Thứ sử hỏi:
- Còn chuyện gì nữa?
Kiến Uy thưa:
- Bản châu ta, mấy năm trước có đô đầu Tần Quỳnh hiện đang giữ chức kỳ bài quan trong soái phủ Lai Tổng quản. Tần Quỳnh làm đô đầu lâu năm, biết rõ từng tên cướp trong phủ ta, xin Thứ sử đại nhân thân hành tới soái phủ Lai Tổng quản, xin cho được Tần Quỳnh về thì sẽ bắt được bọn Trần Đạt, Ngưu Kim.
Thứ sử chưa trả lời ngay, lưỡng lự cân nhắc, thì hơn năm mươi tên thổ binh quỳ dưới thềm đều lên tiếng kêu:
- Đại nhân đứng ra, xin được Tần Quỳnh về, Tần Quỳnh biết rõ từng tên cướp, lại đương nhàn rỗi dưới trướng Lai Tổng quản. Nếu đại nhân không đứng ra làm việc này cho, Tần Quỳnh không có mặt, dẫu đại nhân có đánh chết chúng tôi cũng chẳng nên công chuyện gì.
Lưu Thứ sử thấy "chúng khẩu đồng từ", cũng đành miễn tội, cho cả bọn ra khỏi công đường chờ lệnh.
° ° °
Không nói chuyện mọi người được yên ổn qua một kỳ hạn của Lưu Thứ sử, hãy kể chuyện của Tần Thúc Bảo, từ ngày ở Trường An trở về thường nghĩ tới chuyện nghĩa hiệp đã làm ở Trường An vừa rồi, nhưng cũng sợ mọi chuyện lỡ dở, kéo theo nhiều chuyện lôi thôi khác, nên từ đó ẩn nhẫn qua ngày. Hôm ấy, Thúc Bảo đang buổi hầu trong soái phủ, nghe báo có Lưu Thứ sử bản châu xin vào gặp, Lai tổng quản ra lệnh mời vào. Hai người chào hỏi đâu đấy, yên vị chủ khách, vài câu hàn huyên xong, Lưu Thứ sử lên tiếng:
- Năm ngoái nhân Đông Kinh khởi công xây dựng cung điện, các lộ ở Sơn Đông này đều được lệnh góp tiền của, chẳng ngờ ba nghìn lạng bạc của phủ Thanh Châu, áp tải tới rừng Trường Diệp của bản phủ bị cướp lấy hết. Bọn này lại xưng cả tên họ, một tên là Trần Đạt một tên là Ngưu Kim. Phủ Thanh Châu lại gửi công văn trực tiếp cho Đông Kinh, Tổng lý Vũ Văn Khải đại nhân chuyển lệnh ngừng cấp lương tiền cho cả hai Thứ sử Tế Châu, Thanh Châu, bắt trong vòng một tháng phải nạp đủ số bạc bị cướp, cùng là nạp đủ từng tên giặc cướp, nếu chậm trễ sẽ gia tội. Chúng tôi đã sai quan tầm nã ráo riết, nhưng vẫn không thấy một bóng dáng nào. Theo lời đô đầu cùng bọn thổ binh, nguyên phủ Tế Châu trước có đô đầu Tần Quỳnh, hiện đang giữ chức kỳ bài quan ở soái phủ thành thạo bắt các bọn trộm cướp ở phủ, ý chúng tôi đến đây muốn xin đại nhân cho bản phủ mượn tạm Tần Quỳnh ít lâu về để bắt kỳ được bọn cướp này.
Lai Tổng quản nghe nói thế, đưa mắt nhìn Thúc Bảo rồi trả lời:
- Đây chính người cao to tướng kia là Tần Quỳnh, tuy thật tài cán, nhưng bản quan cũng thường cần đến thì làm sao mà có thể cáng đáng công việc cả hai nơi cho được!
Thúc Bảo lúc này cũng quỳ gối tâu:
- Trình hai vị đại nhân, kỳ bài hạ quan ở soái phủ đây luôn luôn công việc chờ sai phái, không thể nào đảm đương được cả việc bắt cướp. Lại nữa việc này ở Tế Châu đã có đô đầu Phàn Kiến Uy, sao lại dạy hạ quan làm chuyện này thay Kiến Uy cho được?
Lai Tổng quản cũng tán đồng:
- Chính vậy, việc này là việc của các đô đầu hiện đương chức của phủ Tế Châu.
Lưu Thứ sử thấy Thúc Bảo từ chối, Lai Tổng quản cũng lại ra mặt khuyến khích Thúc Bảo, trong lòng lấy làm bực bội nói:
- Chúng tôi cũng chỉ muốn bắt được bọn cướp này để khỏi phải bồi thường ba nghìn lạng bạc, nên mới phải khổ nhục đi mời Tần Quỳnh. Lại thêm bọn đô đầu cùng thổ binh của bản phủ đều cứ nhất tề ngợi ca Tần Quỳnh là người hiểu rõ từng tên cướp, nhớ kỹ đường đi lối lại thông thuộc lề thói của chúng. Ngoài việc chúng tôi đến đây, xin đại nhân nể tình, cũng đã gửi văn thư trình với Đông Kinh kể rõ đầu đuôi, Tần Quỳnh nên giúp chúng tôi làm tốt chuyện này, cũng là một sự tiến thân đáng khích lệ. Nhược bằng cứ kiên quyết chối từ thì khi đã có ý lệnh của Đông Kinh, dẫu có chối cũng không được nữa.
Lai Tổng quản nghe nói thế, bèn bàn:
- Thôi thì ta bàn thế này, về tài năng của Tần Quỳnh, ta cũng biết thế, để nâng đỡ Tần Quỳnh làm công vụ tốt hơn cũng là điều này. Việc bắt cướp này, cũng là việc lớn của quốc gia, chi bằng Tần
Quỳnh hãy giúp Lưu Thứ sử một thời gian là tiện hơn cả!
Thúc Bảo đã thấy Lai Tổng quản nói thế, cũng không còn cách nào khác, đành phải lên tiếng:
- Đại nhân đã phân xử như vậy, Lưu Thứ sử đã cần đến hạ quan này, thì hạ quan xin đi vậy. Chỉ sợ rằng tài cán của hạ quan, so với bọn Phàn Kiến Uy cũng chẳng hơn gì, công việc không thành, rồi cả lũ chúng tôi sẽ bị tội thôi.
Lai Tổng quản đáp:
- Cả một đội từ đô đầu đến thổ binh đều nhất loạt đề cử ngươi, thì nhất định ít nhiều ngươi cũng có thạo việc hơn ai, ngươi cứ đi. Ta sẽ theo dõi việc này, xong xuôi lại trở về đây với soái phủ. Bất nhược có việc cần, ta sẽ cho người gọi về ngay!
Thúc Bảo đành theo lời Lưu Thứ sử ra khỏi soái phủ. Đường Vạn Nhẫn cùng một số thổ binh theo chờ sẵn ngoài cổng, ùa đón Thúc Bảo:
- Tần Quỳnh, việc này nhất định phải đến tay đại huynh mới xong được. Tiểu đệ cũng biết đại huynh nghĩa nặng tình sâu, không nỡ nhìn bọn tiểu đệ lao đao vất vả, vào sống ra chết, ăn gió nằm sương mà vẫn không xong.
Thúc Bảo đáp:
- Hiền đệ! Ta quả chẳng biết gì về Trần Đạt với Ngưu Kim cả đâu!
Về tới phủ đường Tế Châu, Thúc Bảo làm lễ lạy chào Lưu Thứ sử, họ Lưu lấy lời lẽ ôn tồn động viên Thúc Bảo:
- Tần Quỳnh, ta không coi ngươi như các quan chức khác trong phủ đường này đâu, ngươi nhất định rồi sẽ có một tiền đồ rực rỡ, công việc bình thường hàng ngày cũng rất mẫn cán, nay ta đưa ngươi về đây cũng chẳng có việc gì đáng ngại. Nếu ngươi tìm được ra hai tên cướp có tên tuổi này, ngoài việc phủ đường cứ theo lệ thường mà thưởng tiền, sẽ có nhiều thứ mà thưởng công nhà ngươi, mà ngay cả
Lai Tổng quản đại nhân cũng sẽ thưởng công này thích đáng. Rồi trong văn thư trình lên Tổng Lý đại nhân Vũ Văn Khải, ta cũng sẽ kể đến tên ngươi đầu tiên.
Thúc Bảo cùng mọi người ra khỏi phủ đường, dốc tâm huyết sức lực để tìm cho ra bọn cướp, nhưng vẫn chẳng thấy một vết tích nào. Ba ngày sau vào phủ phúc trình, lại cũng theo lệ ba ngày không tìm thấy gì thì bị tội đánh đòn. Hạn thứ hai, rồi lại hạn thứ ba,
Thúc Bảo còn phải chịu nhiều hoạn nạn, muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Danh Sách Chương: