Ðoàn Dự ngấm ngầm vận nội lực vào năm đầu ngón tay phải để phóng ra. Song chân khí chỉ ra đến cánh tay mà thôi, không hiểu tại sao nó ngừng lại không phát ra được.
Nên biết rằng Ðoàn Dự đã có duyên thu hút được nội lực của mấy tay cao thủ xúc tích vào trong người, thực là một việc rất hiếm. Nhưng chàng chưa học qua võ công thì làm thế nào mà vận dụng được? Chàng chỉ nhờ phép "Lăng ba vi bộ" chân bước rất thuần thục như nước chảy mây trôi.
Dù đao pháp Lý Diên Tông có nhanh đến đâu đi nữa, thuỷ chung vẫn không chém trúng được vào người chàng.
Lý Diên Tông đã được mắt thấy Ðoàn Dự phóng ngón tay ra chỉ trỏ một cách quái dị và đánh chết mấy tay cao thủ Tây Hạ.
Bây giờ gã lại thấy chàng giơ ngón tay lên, nào trỏ, nào vạch, tựa hồ như giở trò yêu ma quỷ quái.
Gã có biết đâu rằng nội lực của chàng chưa phóng ra được. Gã cho là sở dĩ chàng có những cử động như vậy là cốt để chuẩn bị trước khi dùng tà thuật theo một lối của một môn phái nào đó. Gã lại nghĩ rằng bất luận tà pháp nào cũng phải
có phù chú xong rồi sẽ dùng tà thuật vô hình để giết người. Trong lòng gã không khỏi phập phồng lo sợ.
Gã lại nghĩ chàng chỉ được môn bộ pháp kỳ dị còn võ công lại rất tầm thường,vậy phải tìm cách giết chàng trước khi chàng huy động tà pháp. Nhưng khốn nỗi đao chém mãi không trúng, biết làm thế nào?
Lý Diên Tông là một gã tâm cơ linh diệu, kế này không xong, gã xoay ngay kế khác.
Ðột nhiên gã rút tay về đánh một chưởng vào guồng nước, một miếng cánh gỗ bật tung lên. Gã đưa tay trái ra đón lấy nhằm phóng vào chân Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự đi nhanh như gió, miếng cánh gỗ ném trúng chàng thế nào được!
Lý Diên Tông dùng cả quyền cước đấm đá, tung những khí cụ nhà nông như thúng, mủng, dần,sàng, bao bay loạn lên, vật gì cũng nhằm chân Ðoàn Dự phóng tới!
Mười mấy xác chết nằm ngổn ngang trong nhà đại đường, thêm vào đó những đồ vật gãy nát khiến Ðoàn Dự không còn chỗ nào đặt chân. Phép "Lăng ba vi bộ" cần tiến thoái nhẹ nhàng, như gió lướt trên mặt nước thì không có gì đáng ngại.
Nhưng lúc này chân không dẫm lên xác chết thì vướng phải đồ vật, còn làm cách nào mà tiến thoái được dễ dàng?
Chàng biết rằng sự hôm nay cực kỳ nguy hiểm, chỉ chậm chạy một chút là mất mạng ngay, nên tuyệt không trông xuống đất, chân vẫn bước theo bộ pháp, chạy nhảy như lúc bình thường. Dù có bước cao bước thấp hay dưới chân có phát ra tiếng động lạ tai, chàng cứ mặc kệ như không biết đến. Ngọc Yến thấy nguy cấp quá, vội kêu lên:
- Ðoàn công tử! Công tử mau bước ra khỏi cửa lớn đặng trốn đi thôi! Nếu còn ở đây cầm cự với bọn chúng sẽ nguy hiểm đến tính mạng bây giờ!
Ðoàn Dự nói:
- Trừ phi Ðoàn mỗ bị người giết thì thôi, dù chỉ còn một hơi thở cũng quyết tâm bảo hộ cho cô nương đến cùng.
Lý Diên Tông cười lạt, nói:
- Võ công ngươi chỉ là cái bị thịt mà còn giữ thói đa tình thốt ra những câu đầy tình tứ, đầy ân nghĩa với Vương cô nương.
Ðoàn Dự lắc đầu, nói:
- Không phải đâu là không phải đâu! Vương cô nương là một bậc thần tiên, Ðoàn mỗ chỉ là kẻ phàm phu tục tử, há dám nói đến chuyện tình nghĩa. Nàng còn nhìn ta bằng con mắt tin cậy, chịu cùng ta ra khỏi đây đi tìm biểu huynh nàng thì ta quyết lòng báo đáp để đền ơn tri ngộ.
Lý Diên Tông nói:
- Ái chà! Nàng mà có cùng ngươi ra thoát nơi này thì nàng sẽ đi tìm biểu huynh nàng là Mộ Dung công tử, chứ đâu có thèm nghĩ đến ngươi là một nhân vật rất tầm thường. Sao ngươi ngốc thế? Vẫn đem lòng mơ tưởng hão huyền, phỏng có khác chi ếch nằm đáy giếng coi trời bằng vung? Ha! Ha! Thật là buồn cười chết được!
Ðoàn Dự nghe gã nói vẫn không lấy làm giận dữ, thủng thỉnh trả lời:
- Ngươi bảo ta là ếch nằm đáy giếng mà cô nương là trời, tỷ dụ như vậy là rất đúng. Nhưng ta là con ếch khác thường, chỉ mong trời ngó tới một đôi lần đã lấy làm mãn nguyện, không mong gì hơn nữa.
Lý Diên Tông nghe chàng tự cho mình là con ếch khác thường thì không nhịn được, phá lên cười. Cái cười của gã thật ghê gớm, nét mặt vẫn lạnh như tiền, tuyệt không lộ vẻ cười cợt chút nào. Ðoàn Dự đã được thấy thái tử Diên Khánh nói không động môi, bộ mặt Lý Diên Tông tuy có quái lạ nhưng hãy còn kém bộ mặt kỳ quái của Diên Khánh.
Chàng nói:
- Nếu nói về cái mặt trơ như gỗ không lộ vẻ thất thường thì ngươi còn kém thái tử Diên Khánh xa lắm, chưa đáng làm đồ đệ ông ta.
Lý Diên Tông hỏi:
- Thái tử Diên Khánh là ai? Ta chưa từng nghe thấy bao giờ.
Ðoàn Dự đáp:
- Thái tử Diên Khánh là một tay cao thủ nước Ðại Lý, võ công ngươi còn kém ông xa.
Thực ra bàn về võ công cao thấp của người ngoài thì Ðoàn Dự có hiểu gì đâu mà so sánh, nhưng chàng nghĩ rằng mình chẳng còn mấy chốc nữa sẽ bị chết vì tay gã,dù có thuận miệng nói vài câu chơi cho bớt lo cũng chẳng hại gì.
Lý Diên Tông đằng hắng một tiếng rồi nói:
- Võ công ta cao hay thấp hơn thì thằng lỏi con biết gì mà nói?
Gã miệng nói, giơ tay đao quét ngang chém rất mau. Ðoàn Dự từ lúc bắt đầu chưa nhìn đao pháp gã, giờ tuy có nhìn nhưng cũng chẳng biết là hay hay dở. Song Vương Ngọc Yến càng xem càng sợ, nàng nghĩ thầm: "Gã này kiến thức cũng uyên bác chẳng kém gì mình. Tay gã lại rất mạnh, nội lực cũng rất sung mãn. Nước Tây Hạ có bậc kỳ tài thế này mà giờ mình ta chạm trán với gã, không có biểu huynh bên cạnh để hộ vệ cho ta, mà lại vớ được một anh đồ gàn kỳ dị này chống chọi với gã, thật là vận xui rồi!" Nàng nhìn thấy Ðoàn Dự thân hình xiêu vẹo, tình thế rất là nguy ngập, không khỏi sinh lòng thương tiếc liền kêu lên:
- Ðoàn công tử! Công tử ra ngoài cửa lớn đi. Muốn cầm chân gã thì ở ngoài đó cũng thế!
Ðoàn Dự nói:
- Cô nương chưa cử động được, để mình cô trong nhà tôi chẳng yên lòng chút nào. ở đây nhiều xác chết thế, cô nương là một người đàn bà con gái, tất nhiên hoảng sợ. Tôi cần ở lại đây cho cô được vững dạ.
Vương Ngọc Yến thở dài, nghĩ thầm: "Anh chàng này thật là si ngốc, nghĩ cả đến việc ta sợ xác chết, còn chính mình sắp mất mạng thì lại không đếm xỉa đến".
Lúc này chân Ðoàn Dự bước bên đông né bên tây, nhiều lúc mũi đao đối phương chỉ còn khe chừng một sợi tóc. Chàng sợ quá run lên bần bật.
Lòng chàng không ngớt thay đổi ý nghĩ: "Gã chỉ chém trúng mình một đao hớt mất nửa đầu là hỏng hết. Ðã là đại trượng phu phải biết lúc thân lúc khuất. Hay là ta vì bảo vệ Vương cô nương, chịu quỳ xuống lạy gã để xin tha mạng quách", song tuy lòng nghĩ vậy mà miệng không nói ra được.
Lý Diên Tông cười lạt, nói:
- Ta thấy ngươi có vẻ sợ lắm rồi, đang tính bài chuồn đây chứ gì?
Ðoàn Dự nói:
- Chết là việc lớn, ai là người không sợ. Sau khi chết rồi thì mọi việc đều xong tuốt. Chuồn thì ta cũng muốn chuồn, nhưng lại không thể chuồn được.
Lý Diên Tông hỏi:
- Sao vậy?
Ðoàn Dự đáp:
- Nói lắm vô ích. Giờ ta đếm đến mười, nếu ngươi không giết được ta, thì không bồi tiếp ngươi nữa đâu!
Chàng không cần đợi Lý Diên Tông có đồng ý hay không, cất tiếng đếm luôn:
- Một, hai, ba...
Lý Diên Tông hỏi:
- Ngươi làm trò gì đó?
Ðoàn Dự lại đếm tiếp:
- Bốn, năm, sáu...
Lý Diên Tông cười, nói:
- Thiên hạ sao lại có đứa vô vị như ngươi làm nhục cho con nhà võ?
Gã chém luôn ba đao từ tả sang hữu. Ðoàn Dự lại bước lẹ hơn, miệng cũng đếm mau hơn:
- Bảy, tám, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba... Ha ha! Ta đã đếm đến mười ba, ngươi không giết được ta mà còn chưa chịu thua, thật là mặt dầy vô liêm sỉ!
Lý Diên Tông nghĩ bụng: "Bình sinh ta gặp không biết bao nhiêu là đại địch,chưa ai có võ công kém cỏi như thằng lỏi này. Người thì khôn chả ra khôn, dại chẳng ra dại, võ công giỏi không giỏi mà kém cũng không kém, ở đời thật ít người
như hắn. Mình quanh quẩn đánh mãi mà chưa kết liễu, chỉ sợ sơ suất trúng phải tà thuật của hắn là mất mạng nơi đây cũng chưa biết chừng". Gã tâm cơ minh mẫn vô cùng, biết Ðoàn Dự rất quan tâm đến Ngọc Yến, đột nhiên gã ngửng đầu nhìn lên gác, lớn tiếng hô:
- Các ngươi ở trên đó chém chết cô nương này đi rồi xuống đây giúp ta!
Ðoàn Dự cả kinh, ngỡ rằng có kẻ địch trên gác sát hại Vương Ngọc Yến. Chàng vội ngẩng đầu nhìn lên, thế là chân bước chậm lại. Lý Diên Tông liền lia chân đá ngang một cái khiến chàng ngã lăn xuống đất. Chân trái gã dẫm lên ngực, thanh đao kề vào cổ chàng. Ðoàn Dự toan giơ tay lên điểm huyệt đối phương, Lý Diên Tông tay trái khẽ tăng thêm kình lực, lưỡi đao đưa sát vào cổ chàng thêm vài phân nữa rồi quát lên:
- Ngươi hơi nhúc nhích là ta cắt đầu ngay!
Bây giờ Ðoàn Dự nhìn rõ trên gác không có một kẻ địch nào. Chàng mới hơi vững dạ, nói:
- Thế ra ngươi lừa ta. Vương cô nương có gặp nguy hiểm gì đâu?
Rồi chàng lại than rằng:
- Ðáng tiếc thật là đáng tiếc!
Lý Diên Tông hỏi:
- Sao mà đáng tiếc?
Ðoàn Dự đáp:
- Võ công ngươi giỏi thật, ta tưởng ngươi cũng là một vị anh hùng hảo hán thì Ðoàn mỗ dù có chết vào tay ngươi cũng đáng. Dè đâu ngươi không thể lấy võ công thắng nổi ta, phải dùng cách man trá học thói quân tiểu nhân hèn hạ. Ðoàn mỗ này chết thật oan uổng.
Lý Diên Tông nói:
- Trước nay ta chưa mắc phải lời ai nói khích bao giờ. Mi bị chết oan, trong lòng không phục thì xuống Diêm Vương mà kiện!
Vương Ngọc Yến nói:
- Nếu ngươi giết Ðoàn công tử trừ phi giết luôn cả ta nữa, không thì có ngày ta giết ngươi để báo thù cho chàng.
Lý Diên Tông run lên, hỏi:
- Phải chăng cô nương sẽ cậy lệnh biểu huynh để giết ta?
Ngọc Yến nói:
- Biểu huynh ta võ công vị tất đã hơn ngươi, nhưng ta đã nắm chắc được cách giết ngươi rồi!
Lý Diên Tông cười lạt, hỏi:
- Sao cô chắc sẽ giết được ta?
Vương Ngọc Yến nói:
- Về võ học tuy ngươi có hiểu rộng nhưng chưa biết được bằng nửa phần của ta.
Lúc đầu ta thấy đao pháp ngươi có nhiều đòn đã lấy làm kinh dị, nhưng xem đến đòn thứ năm mươi thì biết ngươi đã cạn tàu ráo máng, không còn gì hơn nữa. Thế đủ biết ngươi còn thua xa ta lắm.
Lý Diên Tông nghĩ thầm: "Từ đầu đến cuối, mình ra đòn chưa có chiêu nào của một môn phái mà mình chịu trở lại đánh lần thứ hai. Sao cô này dám bảo ta chưa biết nhiều bằng ả? Sao ả biết ta chỉ có bấy nhiêu đòn, chứ võ công ta đã phát xuất hết đâu?"
Gã chưa kịp hỏi lại thì Vương Ngọc Yến nói tiếp:
- Vừa rồi ngươi ra chiêu "Ðại mục phi sa" của phái Ngọc Thụ ở Thanh Hải, Ðoàn công tử bước lẹ tránh được. Giả tỷ mà ngươi ra đòn "Vũ y đao", chiêu thứ mười bảy của phái Thái ất, tiếp theo đến chiêu "Thanh phong từ lai" của phái Linh Phi thì đã đánh Ðoàn công tử ngã lăn ra rồi. Ngươi lại sử đao pháp của Hác gia ở Sơn Tây để coi cho đẹp mắt chứ chẳng ăn thua gì. Xem thế càng rõ ngươi tuyệt không biết gì về đao pháp của các đạo gia nổi tiếng.
Lý Diên Tông buột miệng hỏi lại:
- Ta không biết đao pháp của các đạo gia nổi tiếng?
Ngọc Yến đáp:
- Chính thế! Ta đoán là ngươi chỉ hiểu về cách sử kiếm cùng sử phất trần của các đạo gia mà thôi. Có biết đâu rằng đao pháp của các môn phái này gồm đủ nhu,cương, nhiều trường hợp rất có công hiệu.
Lý Diên Tông hỏi:
- Cô này tự phụ lắm. Cứ như lời cô nói thì cô đã có thâm tình với gã họ Ðoàn kia lắm phải không?
Vương Ngọc Yến đỏ mặt, đáp:
- Ngươi nói cái gì thâm tình? Ta đối với chàng chả có tình ý gì ráo. Có điều chàng vì ta mà uổng mạng, đương nhiên ta phải quyết tâm báo thù cho chàng.
Lý Diên Tông cười khanh khách, móc trong bọc ra một chiếc lọ sứ, ném lên mình Ðoàn Dự. Rồi đột nhiên nghe đánh "soạt" một tiếng, gã tra đao vào túi.
Người gã lạng đi một cái đã ra đến cửa ngoài, tiếp theo là tiếng ngựa hí, rồi tiếng vó câu lộp cộp, gã bỏ ra đi mỗi lúc một xa...
Ðoàn Dự đưa tay sờ vào vết đao trên cổ, cảm thấy hơi đau. Chàng tựa hồ như người đang mơ ngủ.
Ngọc Yến cũng không thể tưởng tượng đến những hành vi đột ngột của tay cao thủ Tây Hạ.
Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến, kẻ dưới nhà người trên lầu, giương mắt ngó nhìn nhau nửa mừng rỡn nửa kinh dị. Hồi lâu, Ðoàn Dự mới lên tiếng:
- Gã bỏ đi rồi!
Ngọc Yến cũng nói:
- Gã bỏ đi rồi!
Ðoàn Dự cười, nói:
- Hay quá! Hay quá! Gã vẫn chưa giết tôi. Vương cô nương! Võ học cô nương còn hơn gã nhiều lắm. Gã bở vía bỏ chạy rồi!
Ngọc Yến nói:
- Cái đó chưa chắc! Vừa rồi giả tỷ gã giết công tử xong, lên chém nhát nữa có phải chết sạch rồi không?
Ðoàn Dự lắc đầu, nói:
- Câu này cô nói không đúng! Sở dĩ... sở dĩ gã không dám hạ thủ vì cô nương là một vị thần tiên xuống trần, gã đời nào dám giết.
Vương Ngọc Yến đỏ mặt lên, nghĩ bụng: "Chỉ có ngươi là anh đồ gàn mới bảo ta là thần tiên, còn gã người Tây Hạ là một tên võ biền độc ác, gã sợ gì ta?" Nghĩ vậy nhưng nàng không tiện nói ra, Ðoàn Dự thấy nàng bẽn lẽn càng tăng thêm vẻ kiều diễm, cũng nức lòng hởi dạ, nói:
- Tôi đã liều mạng là chỉ mong cô nương được an toàn. Không ngờ cô nương vẫn yên lành mà cái mạng nhỏ bé này cũng sống sót, thật là phước quá!
Ðoàn Dự tiến lên một bước, cái bình nhỏ rớt xuống đánh "binh" một tiếng, chính là cái bình mà Lý Diên Tông ném vào người chàng vừa rồi. Ðoàn Dự cúi xuống nhặt bình lên coi lại thấy tám chữ đề "Sương hồng hoa hương ngửi cho giải độc".
Chàng cả mừng, nói:
- Té ra là thuốc giải độc.
Chàng mở nút ra ngửi, một làn hơi xú uế xông lên mặt làm chàng choáng váng,bước chân loạng choạng. Vừa đứng vững lại được, chàng vội đậy nắp bình lại, nói:
- Thuốc phép gì mà khó ngửi quá xá.
Vương Ngọc Yến nói:
- Công tử đưa cho tôi coi. Không chừng họ dùng thuốc độc để trị chất độc mới có hiệu nghiệm.
Ðoàn Dự "vâng" một tiếng, cầm bình thuốc chạy đến trước mặt Vương Ngọc Yến, nói:
- Cái này khó ngửi lắm! Cô nương hãy ngửi thử một chút xem sao đã!
Vương Ngọc Yến gật đầu. Ðoàn Dự tay cầm bình thuốc vẫn chưa mở nút. Chàng ngừng một lát, trong đầu óc nảy ra vô số ý nghĩ: "Giả tỷ mà thứ thuốc giải độc này quả nhiên công hiệu giải được chất độc trong người nàng, bấy giờ nàng sẽ không cần đến ta hộ vệ nữa vì võ công nàng giỏi hơn ta gấp trăm lần thì còn để ta bên mình làm gì. Dù nàng không cự tuyệt vẫn cho ta theo, nhưng khi nàng tìm được ý trung nhân là Mộ Dung Phục rồi, chẳng lẽ ta cứ đứng bên giương mắt ra mà nhìn,dỏng tai ra mà nghe những lời họ thủ thỉ ân ái với nhau một cách cực kỳ thân mật?
Ðoàn Dự này dù nhẫn nại đến đâu nữa liệu không nổi đoá dược chăng? Liệu vẫn giữ được bộ mặt bình tĩnh và miệng khỏi thốt ra những câu tức mình được chăng?"
Ngọc Yến thấy chàng ngẩn ngơ không nói, liền nhoẻn miệng cười, cất tiếng hỏi:
- Công tử nghĩ gì thế? Ðưa bình thuốc cho tôi ngửi nào! Tôi không sợ nặng mùi!
Ðoàn Dự vội vàng đáp:
- Vâng! Vâng!
Rồi mở nút bình đưa đến bên mũi nàng. Ngọc Yến hít hai hơi thật mạnh, xong cả kinh la lên:
- Trời ơi! Quả nhiên khó ngửi vô cùng!
Ðoàn Dự nói:
- Ðúng không? Tôi đã bảo cô nương chẳng nên ngửi.
Ngọc Yến lại nói:
- Cho tôi ngửi lần nữa thử coi.
Ðoàn Dự lại cầm bình thuốc để vào trước mũi nàng. Chàng chẳng mong gì thuốc có linh nghiệm hay không. Ngọc Yến nhăn mày, đưa tay lên bưng mũi cười, nói:
- Thà rằng chân tay tôi chẳng cử động được thì chớ, tôi không ngửi cái thuốc ma quỷ này nữa... ủa mà lạ! Tay tôi... tay tôi cử động được rồi!
Nguyên nàng bất giác đưa tay lên bưng mũi... lúc trước thì dù nàng chỉ hơi cất tay kéo áo lại cho ngay ngắn cũng khó nhọc lắm rồi. Nàng mừng quá liền nhắc lấy bình thuốc trong tay Ðoàn Dự hít lấy hít để. Nàng biết thứ thuốc này sở dĩ linh nghiệm là vì cái mùi vị đặc biệt khó ngửi của nó nên nàng không sợ gì nữa. Ngọc Yến hít thêm vài hơi thì những chỗ mềm xèo vô lực trong thân thể dần dần phục hồi sức lực. Nàng quay lại bảo Ðoàn Dự:
- Công tử xuống dưới nhà cho tôi thay áo!
Ðoàn Dự đáp:
- Vâng! Vâng!
Rồi vội ra cầu thang đi xuống. Chàng nhìn thấy xác ngổn ngang, trừ đôi thanh niên nam nữ nông thôn, còn hết thảy là do tay chàng hạ thủ, nên trong lòng áy náy vô cùng. Chàng lại thấy tử thi một tên võ sỹ Tây Hạ, đôi mắt vẫn mở to nhìn
chàng, thật là chết không nhắm mắt. Chàng xá dài một cái, nói:
- Tôi không giết lão huynh thì lão huynh sẽ giết tôi, bây giờ nằm đây nếu không phải lão huynh thì lại là tôi. Trong lòng tôi thật chua xót vô cùng! Sau này tôi về đến Ðại Lý nhất định sẽ mời cao tăng tụng kinh để siêu độ cho các vị nhân huynh.
Chàng đưa mắt nhìn đôi thanh niên nam nữ nông thôn rồi nói tiếp:
- Các người tìm ta để giết, tìm Vương cô nương để bắt đi, sao lại giết những người vô tội này?
Vương Ngọc Yến thay áo xong từ từ bước xuống cầu thang. Tuy chân nàng hãy còn mềm yếu nhưng đã đi lại tự nhiên được. Nàng thấy Ðoàn Dự đang lảm nhảm giãi bày với đám thây ma thì bật cười, hỏi:
- Công tử nói gì vậy?
Ðoàn Dự đáp:
- Tôi thấy mình giết hại nhiều người quá, lương tâm cắn rứt!
Vương Ngọc Yến trầm ngâm một lát rồi hỏi:
- Ðoàn công tử! Công tử có biết gã cao thủ họ Lý nước Tây Hạ sao lại cho ta thuốc giải độc không?
Ðoàn Dự đáp:
- Cái đó.. cái đó... tôi không được rõ... à... mà tôi biết rồi. Gã... gã...
Chàng nói mấy tiếng "gã" rồi bỏ lửng. Bản tâm chàng muốn hiểu gã đem lòng ái mộ cô nương nhưng không dám nói ra. Vì chàng nghĩ: "Con người giống Tây Hạ thô lỗ, dã man kia dù có lòng ái mộ Ngọc Yến đến đâu đi nữa nói ra cũng là đường đột giai nhân. Vương cô nương mỹ lệ hơn đời, cái lòng hiếu sắc của nam nhi ai mà chả thế! Nhưng ai ai cũng ái mộ nàng cả thì cái say mê của mình chả có gì là cao cả nữa. Ðoàn mỗ cũng cùng một loại như những chàng trai khác trong thiên hạ,không hơn không kém. Hỡi ôi! Cam tâm vì nàng mà chết còn chưa vào đâu, mình đã không được chết vì nàng thì còn ăn thua gì". Nghĩ đến đây, chàng nói tiếp:
- Tôi... tôi không biết!
Vương Ngọc Yến nói:
- Ðoàn công tử! Chốn này nguy hiểm lắm, chúng ta phải rời ngay đi nơi khác mới được. Công tử định đi đâu bây giờ?
Kể về võ học thì hết thảy các môn phái thiên hạ nàng đều biết, mà còn thông thạo nữa là khác. Nhưng việc xử thế thì nàng chưa hiểu một chút gì về cách ứng biến. Bản tâm nàng chỉ muốn đi tìm biểu huynh nhưng nói ra ngượng miệng. Ðoàn Dự tuy chỉ là anh đồ gàn, nhưng tâm sự nàng chàng đã biết hết, chàng hỏi lại:
- Cô nương muốn đi đâu bây giờ?
Chàng nói câu này cảm thấy chua xót trong lòng, thì nghe nàng đáp:
- Tôi muốn đi tìm biểu huynh tôi.
Ðoàn Dự cứng đầu lưỡi, gượng gạo đáp:
- Tôi xin đi với cô...
Ngọc Yến tay mân mê cái bình thuốc, mặt đỏ bừng, nói:
- Cái đó... cái đó...
Nàng ấp úng rồi nói tiếp:
- Các vị anh hùng hảo hán Cái bang đều trúng phải thứ "sương hồng hoa hương" gì đó... Giả tỷ mà biểu huynh tôi cũng ở đó thì đã có thuốc giải độc cho chàng ngửi ngay. Thế rồi A Châu, A Bích hoặc giả có bị mắc vào tay địch nhân thì chúng ta...chúng ta...
Nàng muốn nói: "... chúng ta đi tìm biểu huynh tôi trước rồi sẽ kiếm cách tiếp cứu hai nàng". Dè đâu Ðoàn Dự nhảy người lên, lớn tiếng ngắt lời nàng:
- Phải rồi! Hai cô A Châu, A Bích mà gặp nạn thì chúng ta phải tức tốc nghĩ cách cứu họ ra ngay!
Vương Ngọc Yến nghe chàng không đề cập gì đến việc đi tìm Mộ Dung Phục ngay tức khắc mà lại muốn đi cứu hai cô A Châu, A Bích trước thì nàng hơi thất vọng. Nhưng nàng nghĩ lại: "A Châu, A Bích là hai ả nữ tỳ tâm phúc của biểu
huynh ta, ta biết rõ chúng bị mắc vào tay địch, lẽ nào lại không đi cứu? Nếu đi tìm được biểu huynh rồi mới trở lại cứu chúng thì e rằng chậm mất rồi!" Nghĩ vậy nàng liền nói:
- Phải rồi! Chúng ta đi thôi!
Ðoàn Dự trỏ đám xác chết:
- Tôi tưởng phải đem bọn họ an táng xong xuôi, rồi tra xét tên họ từng người,dựng bia mộ để ngày sau thân nhân họ biết chỗ mà lấy hài cốt đem về quê hương,để kẻ chết rồi có nơi nương tựa.
Ngọc Yến ho một tiếng rồi cười, nói:
- Tốt lắm! Công tử ở lại đây lo việc ma chay cho họ, bắt đầu bằng lễ đại liệm, lễ thành phục, rồi đọc văn tế, làm câu đối viếng và nhiều nghi lễ khác nữa... Tôi sẽ trở lại đây tìm công tử sau.
Ðoàn Dự thấy nàng nói ra vẻ trào phúng, liền tươi cười hỏi lại:
- Theo ý kiến cô nương thì nên làm thế nào?
Ngọc Yến đáp:
- Cho mớ lửa đốt lên là xong hết!
Ðoàn Dự nói:
- ủa! Làm vậy coi không tiện.
Nhưng chàng trầm ngâm một lát, nhận thấy không còn cách nào hơn, đành châm lửa đốt vào đống rơm trong trại giã gạo. Hai người ra ngoài trại, lên ngựa ngồi nhìn. Trong chốc lát, lửa cháy ngất trời. Ðoàn Dự xuống ngựa, cung kính quỳ xuống đất, khấn:
- Các vị cao tăng viên tịch mượn ngọn lửa hồng, đó là phép thường. Các vị nhân huynh hôm nay chết vì tôi, tôi cầu cho hồn về thế giới cực lạc vĩnh viễn, thoát khỏi chốn trần gian phiền não. Xin đừng hờn oán tôi.
Chàng khấn trơn như cháo chảy một hồi mới lên ngựa cùng Vương Ngọc Yến ra đi. Hai người đi đã khá xa còn văng vẳng nghe tiếng ồn ào dân làng ra cứu hoả.
Ðoàn Dự nói:
- Một trại máy gạo công trình kể biết mấy mươi, vì tôi mà phút chốc thành đống tro tàn, lòng tôi áy náy vô cùng!
Ngọc Yến nói:
- Công tử lẩn thẩn như đàn bà, lắm chuyện quá! Mẫu thân tôi tuy vào hàng nữ lưu nhưng tính tình sảng khoái, hành động mau lẹ, nói làm là làm. công tử là đấng nam nhi, là bậc đại trượng phu, sao còn câu nệ những quy củ lỗi thời?
Ðoàn Dự nghĩ bụng: "Mẫu thân nàng động một tí là giết người, lấy thịt người bón cho hoa. Sao nàng lại đem ta bì với phu nhân được?" Nghĩ vậy, chàng nói:
- Ðây là lần đàu tiên tôi giết người, đốt nhà, nên không khỏi đau lòng xót dạ!
Vương Ngọc Yến gật đầu, nói:
- ừ! Công tử nói phải đó! Rồi sau thạo về nghề này sẽ coi như không.
Ðoàn Dự giựt mình, lắc đầu nói:
- Không được! Không được! Một lần đã là quá, đâu dám tái phạm. Xin miễn đề cập vấn đề giết người, đốt nhà.
Vương Ngọc Yến cưỡi ngựa đi song song bên Ðoàn Dự, nàng ngoảnh đầu nhìn thấy chàng thộn mặt ra, liền hỏi:
- Trong đám giang hồ, giết người phóng hoả là việc thường ngày. Ðoàn công tử!
Công tử từ đây rửa sạch tay, không len lỏi vào chốn giang hồ hay sao?
Ðoàn Dự đáp:
- Bá phụ cùng gia gia tôi bắt học võ công thế nào tôi cũng không chịu, chẳng ngờ lúc sự việc đáo đầu, vì hoàn cảnh bức bách không biết làm thế nào cho phải.
Vương Ngọc Yến tủm tỉm cười, hỏi:
- Phải chăng chí hướng của công tử là đọc sách để ra làm quan, làm học sỹ hay làm tể tướng?
Ðoàn Dự đáp:
- Không phải thế đâu! Làm quan cũng chả có chi là thú vị.
Ngọc Yến lại hỏi:
- Thế thì công tử muốn làm gì? Chẳng lẽ công tử cũng đồng quan điểm với biểu huynh tôi, hoài bão chí lớn lệch đất nghiêng trời để làm Hoàng đế?
Ðoàn Dự lấy làm kỳ, hỏi lại:
- Mộ Dung công tử muốn làm Hoàng đế ư?
Ngọc Yến đỏ mặt lên, nàng biết mình lỡ lời thổ lộ tâm sự bí mật của biểu huynh.
Từ khi xảy ra việc vào ẩn trong trại gạo, nàng cùng Ðoàn Dự thoát chết đã thành đôi bạn hoạn nạn có nhau. Nàng hiểu tính tình chàng bình dị vui vẻ, bất cứ việc gì nàng cũng có thể nói trước mặt chàng mà không ngại ngùng. Nhưng dù sao câu chuyện Mộ Dung Phục nhất tâm nhất trí khôi phục lại cơ nghiệp nước Yên thuở xưa cũng không bạ đâu nói đó. Nghĩ vậy, nàng dặn Ðoàn Dự:
- Câu chuyện tôi vừa nói với công tử chớ thổ lộ với một người thứ hai nào. Cả khi ở trước mặt biểu huynh tôi cũng không nên đề cập đến. Nếu không thì biểu huynh tôi sẽ rầy tôi đến chết!
Trong lòng Ðoàn Dự lại một phen rất khó chịu. Chàng nghĩ thầm: "Xem chừng nàng có vẻ nóng nảy muốn gặp lắm. Ðể gã oán trách nàng càng hay!" Nghĩ vậy nhưng miệng chàng đáp:
- Vâng! Tôi chả để ý đến việc của biểu huynh cô nương làm cóc gì. Dù y làm Hoàng đế cũng vậy, mà làm tên ăn mày cũng thế thôi, tôi chả dây vào làm quái gì.
Ngọc Yến lại đỏ mặt lên, nghe giọng chàng nói có vẻ không bằng lòng liền ỏn thót nói:
- Ðoàn công tử! Công tử nổi đoá rồi đấy ư?
Ðoàn Dự từ khi biết nàng đến giờ, chỉ thấy lúc nào trong lòng cũng như ngoài miệng, nàng toàn để ý đến chuyện biểu huynh là Mộ Dung công tử. Ðây là lần đầu tiên mà chàng được nghe lời nàng ra vẻ dịu dàng và có ý khẩn khoản đến mình,bất giác chàng sung sướng quá, ruột gan nở lên bồng bồng. Vì mừng quýnh mà chàng suýt nữa ngã ngựa. Chàng ngồi vững lại rồi cười, nói:
- Không đâu! Không đâu! Khi nào tôi dám nổi đoá? Vương cô nương! Suốt cuộc đời tôi còn sống trên cõi nhân gian này, vĩnh viễn không bao giờ tôi nổi nóng với cô nương!
Mối tình của Vương Ngọc Yến hoàn toàn ràng buộc cả vào Mộ Dung công tử.
Tuy Ðoàn Dự liều mạng cứu nàng, song nàng thuỷ chung vẫn chỉ để ý vào một mình Mộ Dung công tử và cho Ðoàn Dự là người trung hậu, thành thực, được trời phú cho tấm lòng nghĩa hiệp.
Bây giờ nàng nghe câu chàng nói "suốt đời tôi còn sống trên thế gian này, vĩnh viễn không bao giờ tôi nổi nóng với cô nương" là một câu rất tình tứ, tựa hồ như cùng ai thề thốt nặng nề, nàng mới tỉnh ngộ ra và tự hỏi: "Phải chăng đó là một câu chàng... chàng... giãi bày tình ý với mình?" Bất giác nàng quá thẹn, mặt đỏ như gấc chín, từ từ cúi gầm mặt xuống, nói:
- Cô ng tử không giận, thế là may lắm!
Ðoàn Dự thấy vậy lại càng sung sướng, không biết nói sao, lẩm bẩm một mình:
"Gia gia ta là Hoàng đế, ta là thế tử của Trấn Nam Vương. Ngôi Hoàng đế nước Ðại Lý nhất định sẽ truyền cho ta. Ðến ngai vàng ta còn chẳng thiết, huống chi là chức học sỹ hay ngôi tể tướng". Hồi lâu chàng mới nói:
- Trong đời tôi, lộc trong quyền cao hay gì gì nữa tôi cũng không màng. Tôi chỉ mong vĩnh viễn được như lúc này là thoả mãn lắm rồi, không cầu gì hơn nữa.
Câu chàng nói "chỉ mong vĩnh viễn được như lúc này" nghĩa là được cùng Ngọc Yến sánh vai mà đi. Ngọc Yến không muốn cho chàng nói thêm gì nữa, nghiêm nét mặt nói:
- Ðoàn công tử! Cái ơn công tử cứu mạng bữa nay Ngọc Yến này không bao giờ dám quên, Nhưng trái tim tôi... trái tim tôi đã thuộc về người khác rồi. Tôi mong rằng công tử nói năng cho hợp lễ để sau này ta còn có đất mà trông thấy nhau.
Câu này chăng khác chi nhát búa bổ vào đầu Ðoàn Dự, khiến chàng mắt hoa lên cơ hồ ngất đi. Ngọc Yến nói câu này thật rõ ràng, tựa như bảo thẳng vào mặt Ðoàn Dự: "Trái tim tôi đã thuộc về Mộ Dung công tử. Từ đây trở đi xin công tử đừng đả động gì đến lời yêu đương nữa. Nếu không thì không dám nhìn mặt công tử. Công tử chớ tưởng đã có ơn với tôi là có thể lần khân được đâu."
Câu nói của nàng rất đoan chính không vượt ra ngoài vòng lễ độ. Ðoàn Dự không phải là chưa hiểu rõ tâm tư nàng, có điều câu nói đó chính miệng nàng nói ra khiến chàng nghe càng thêm khó chịu. Chàng đưa mắt nhìn trộm Vương Ngọc
Yến thì thấy nét mặt nàng rất trang nghiêm, đúng như pho tượng ngọc mà chàng đã nhìn thấy trong thạch động nước Ðại Lý không hơn không kém.
Bất giác chàng cảm thấy mình sắp gặp đại hoạ đến nơi, chàng lẩm bẩm: "Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Ngươi đã gặp cô nương này mà trái tim nàng đã thuộc về người khác, suốt đời ngươi nhất định sẽ phải chịu đựng bao nhiêu cực hình tùng xẻo đau đớn không thể nói xiết được!" Hai người lặng lẽ cưỡi ngựa sóng nhau mà đi.
Vương Ngọc Yến nghĩ thầm: "Chàng bực mình, bực mình lắm rồi. Ta cứ lờ đi như không biết là hơn. Vì bằng như ta quay ra xin lỗi thì rồi đây chàng ăn nói không uý kỵ gì nữa. Lỡ ra những câu chàng nói đến tai biểu huynh ta, nhất định
làm cho biểu huynh phải cay cực."
Ðoàn Dự cũng nghĩ bụng: "Nếu ta còn nói một câu nào thổ lộ tâm tình thì câu đó chỉ là lời khinh bạc vô vị và thất kính với nàng. Từ đây trở đi Ðoàn Dự này dù chết thì thôi, quyết không nói nửa lời như vậy nữa."
Ngọc Yến thấy chàng lặng lẽ nghĩ thầm: "Chàng cứ phóng ngựa đi tràn, không nói câu gì chắc là đã biết phải đến chốn nào đặng cứu A Châu, A Bích". Ðoàn Dự cũng nghĩ thế: "Nàng chẳng nói năng gì, cứ phóng ngựa đi tràn, tất là đã biết phải đi đâu để cứu A Châu, A Bích". Hai người lại đi chừng nửa giờ, đến một chỗ rẽ thì không hẹn mà nên, quay ra hỏi nhau:
- Ta đi về mé tả hay rẽ qua mé hữu?
Rồi đưa mắt nhìn nhau, đồng thời lại hỏi:
- Chết chửa! Thế ra ta chưa biết đường ư?
Hai người hãy còn tính trẻ, câu hỏi vừa ra khỏi miệng, đều lấy làm kỳ thú và đều nổi lên một trận cười ròn rã. Hai người vừa mới âm thầm lặng lẽ, phút chốc đã trở lại như không có gì xảy ra. Ðó là cái khiếm của hai người chưa từng trải giang hồ, nên chưa đủ kinh nghiệm, không biết về đâu cho phải để cứu A Châu, A Bích.
Mãi sau Ðoàn Dự mới nói:
- Bọn Tây Hạ bắt được hết cả người Cái bang. Bất luận là họ giết đi hay cầm tù,thế nào cũng còn dấu vết để lại. Chi bằng ta trở về khu rừng hạnh xem sao rồi sẽ liệu.
Ngọc Yến hỏi:
- Trở về rừng hạnh ư? Nếu bọn võ sỹ Tây Hạ còn ở đó, chẳng hoá ra mình tự chui vào tròng ư?
Ðoàn Dự đáp:
- Tôi tưởng vừa rồi có trận mưa to, tất là bọn chúng đi hết rồi. Bây giờ thế này vậy, cô nương ở bên ngoài để tôi vào rừng xem trước, nếu địch nhân còn ở đó thì chúng ta chuồn đi cho xong.
Ngọc Yến nói:
- Không được! Không được! Không thể để công tử dấn thân vào nơi nguy hiểm một mình, cả hai cùng vào, nếu có nguy hiểm thì cùng chạy trốn.
Ðoàn Dự thấy nàng nguyện ý có hoạn nạn cùng chịu, lòng càng phấn khởi,chàng cười nói:
- Muốn đánh mà đánh không được, muốn trốn lại trốn không thoát biết làm thế nào?
Thế rồi hai người bàn định cách cứu A Châu, A Bích, ấn định để Ðoàn Dự thi hành "Lăng ba vi bộ" đi vào cho đến trước mặt A Châu, A Bích, đưa bình thuốc cho hai cô ngửi. Giải độc xong rồi mới tìm cách cứu hai cô ra. Hai người vừa nói vừa giục ngựa đi mau, chẳng mấy chốc đã đến rừng hạnh. Ðoàn Dự cùng Ngọc Yến xuống ngựa, buộc ngựa vào gốc cây hạnh. Ðoàn Dự cầm bình thuốc trong tay,hai người trông nhau mà cười, rón rén đi song nhau vào rừng.