Khuyển Tử dậy sớm, từ lúc mà gà trong Trúc lý còn chưa gáy vang thì nó đã đi cắt được nửa giỏ rau dại rồi. Mang rau về băm nhỏ rồi cho vào nồi nấu chín. Lợn nhà Khuyển Tử vẫn còn nhỏ, cần phải cho ăn vài bữa như này. Giờ mà thả nó vào rừng ngay thì rất dễ bị bệnh chết, mà nếu không chăm nuôi mấy hôm thì rồi chẳng mấy sẽ thành lợn hoang, thậm chí có khi còn chạy theo mấy con lợn rừng khác.
Chà, con lợn con nhà Khuyển Tử là lợn cái.
Trúc lý có nhiều nhà hoang, đến mấy căn nhà hoang này tìm vài cái nồi sành mẻ cũng không khó. Khuyển Tử đi kiếm một cái về làm nồi nấu thức ăn cho lợn. Nấu xong thì đổ ra một cái chậu sành sứt miệng, bưng đến chuồng lợn cho lợn ăn. Lợn con ăn ngon lành, cả miếng thức ăn có cứng hay khó gặm đến mấy nó cũng ăn sạch.
Mặc dù chỉ là gia súc, nhưng chế độ ăn uống cũng tương tự con người vậy, cũng có phân hóa giàu nghèo. Đều là lợn, nhưng nhà nghèo nuôi thì chỉ có rau dại, vào tay nhà giàu thì được uống nước vo gạo hàng ngày. Lợn con nhà Khuyển Tử tất nhiên là một con lợn còm nhom.
Sau khi cho lợn con ăn, Khuyển Tử dắt dê ra bờ sông ăn cỏ, nó buộc dê vào một gốc cây.
Kể từ khi chuồng lợn được xây thì nó cũng dựng một cái chuồng đơn giản bên cạnh chuồng lợn để nhốt dê. Bấy giờ dê cũng đã có ‘nhà’ mới, không cần phải cột bên chồng củi tối tăm nhỏ hẹp nữa.
Hàng ngày, Khuyển Tử có rất nhiều việc phải làm, nó sẽ sắp xếp làm ổn thỏa thay vì nghĩ phải làm gì.
Cho lợn ăn rồi chăn dê, sau đó là qua bờ sông thu giỏ bắt cá, rồi múc nước tưới ruộng đậu.
Đã mấy ngày không làm cỏ, ruộng đậu đã um tùm, cả ruộng khoai sọ cũng thế. Cỏ dại mọc khắp nơi. Khoai sọ trồng bên bờ sông, nguồn nước dồi dào, lá xanh mơn mởn.
Khuyển Tử làm cỏ trong ruộng, cỏ dại ven sông mọc rất nhiều, lấp hết cả ruộng. Con người không ăn cỏ, nhưng có thể để cho dê, thỏ, bò. Khuyển Tử không mơ mộng có bò để nuôi, nhà nó nào mua nổi. Nhưng nếu có thể nuôi một hai con thỏ, vậy thì thật tốt, có đầy cỏ cho thỏ ăn rồi.
Nghĩ thì nghĩ vậy, giờ trong nhà chẳng còn tiền, làm sao mua được thỏ chứ.
Khuyển Tử làm xong hết mọi việc cũng là lúc trời sáng bảnh, mặt trời lên cao rồi. Rừng trúc bắt đầu huyên náo tiếng người.
Sáng sớm, Trang Dương ra khỏi phòng, đứng trên hành lang nhìn ra phía bờ sông thấy Khuyển Tử đang ở trong ruộng khoai sọ, hiểu rằng thằng bé đã có thể xuống giường làm việc, xem ra bình phục rất tốt. Ở bên này Trang Dương đứng trên hành lang nhìn sang thiếu niên bờ bên kia, mà Khuyển Tử ở bờ bên kia lại dừng cuốc trong tay, ngẩng đầu nhìn tòa nhà họ Trang, cũng nhìn thấy bóng người đứng trên hành lang gỗ tầng hai, trông rất giống cậu hai.
Ngày hôm đó sau khi ăn cơm xong, Trang Lan chơi đùa với Măng ở trong sân. Măng nằm ngửa trên mặt đất, Trang Lan cầm hai tay Măng che đôi mắt nó lại, một người một gấu trúc chơi vui quên trời đất. Bóng Trang Dương thấp thoáng dưới tàng cây sơn trà, anh đi đến đầm nước xem hoa sen lớn thế nào rồi. Dăm mười lá sen trải đầy trong ao, cá tôm bơi lội bên dưới.
Ở Trúc lý, vì sự yên tĩnh mà Trang Dương thường quên đi sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài, cũng quên đi khói lửa chiến loạn ở phương xa. Những ngày tháng nơi đây tương đối bình an. Mấy ngày trước, sự bất ổn mà quan thu thuế mang đến cũng đã dần bị cuốn đi.
“Huynh ơi, em sang nhà Khuyển Tử huynh xem lợn con nhé.”
Giọng nói của Trang Lan cất lên từ phía sau, Trang Dương ngoảnh lại, thấy Măng đang lò dò bò đến bên mình.
“Đi đi.” Qua những cành hoa kẽ lá cây sơn trà, Trang Dương nhìn Trang Lan mặc một thân váy đỏ chạy đi.
Trang Lan sang nhà Khuyển Tử. Dù sao Trang Dương cũng đã gặp con bé ở trong sân, nếu mặc kệ con bé chạy nhảy khắp nơi ở Trúc lý, vậy sẽ khiến mọi người lo lắng. Gần đây A Ly thường phải ở nhà đọc sách, Trang Lan không có bạn chơi. Con bé hiếu động, lại không muốn cùng Trang Dương suốt cả ngày chăm hoa chăm cỏ hay ngồi yên đọc sách. Theo quan điểm của Trang Dương thì đây là bản tính của con bé rồi, đến tuổi gả con bé đi thì cũng còn lâu lắm, nên giờ cũng không muốn bắt ép con bé.
Dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, cứ để con bé vui chơi vô lo vô nghĩ.
Trang Dương len ra khỏi bụi hoa sơn trà, có một quả bóng trắng đen đu bám trên chân của anh, anh cúi xuống nhấc Măng ôm vào lòng, ngẩng đầu lên nhìn theo bóng dáng Trang Lan đi qua cầu sang bờ Tây. Chờ Trang Lan sang tới bờ bên kia, lúc này Trang Dương mới yên tâm, xác nhận con bé không chạy lung tung đi nơi khác, anh bế Măng đi về phía rừng trúc.
Phần lớn thời gian Măng đều ở trong rừng trúc. Chú gấu trúc nhỏ này được cả nhà họ Trang từ trẻ đến già yêu thích, nuôi đến lười biếng, đến việc ăn măng trúc còn không có hứng thú.
Đặt Măng xuống một đống lá trúc tươi xanh, Trang Dương đứng một bên chờ nó ăn đến say mê, lúc này Trang Dương mới lặng lẽ rời đi.
Là một con thú non, Măng được chăm sóc rất nhiều, chưa kể rằng nó chẳng biết đến cực khổ thế gian, thức ăn thì có sẵn bên cạnh ngút ngàn thành rừng. Quả thực nó hạnh phúc hơn nhiều người trên thế gian này nhiều.
Trang Lan đứng nhón chân ngoài chuồng lợn, nhìn chú lợn con nằm ngáy khò khò bên máng thức ăn. Con bé nghĩ con lợn này đúng là lười quá đi. Con bé nhặt một cành trúc nhỏ, gãi tai lợn con bằng phiến lá ở đầu cành. Lợn con nhúc nhích đôi tai như là đập muỗi.
“Khuyển Tử huynh này, huynh có đặt tên cho lợn con chưa?”
Trang Lan không trêu đùa lợn con nữa, chuyển tầm nhìn sang Khuyển Tử. Khuyển Tử đang ngồi ở chỗ mọi khi nó vát thanh trúc đan giỏ, nhưng hôm nay lại ngồi bào một cái cọc gỗ.
“Nuôi để làm thịt, không cần phải đặt tên.”
Khuyển Tử chưa bao giờ đặt tên cho chó mèo hay dê lợn bò. Mà thực tế nó cũng chưa thấy ai đặt tên cho lợn cả, chỉ thấy người ta đặt tên cho chó nào là A Hoàng hay Vượng Tài vân vân. Cũng chỉ có nhà họ Trang, đã nuôi gấu trúc thì thôi, lại còn đặt tên cho nó.
“Nó trắng như vậy, hay gọi nó là Bạch Bạch nha.”
Trang Lan lấy làm hài lòng với cái tên này, con bé còn cố ý nhắc nhở lợn con:
“Bạch Bạch, cưng đừng lớn lên nha, lớn lên là sẽ bị chủ nhân xấu xa làm thịt đó.”
Khuyển Tử: “…”
Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com
“Nếu bị mổ thịt, vừa đau lại còn chảy máu rất nhiều nữa, đến lúc đó thì mi thành Hồng Hồng mất.”
Khuyển Tử: “…”
Đối với con bé ồn ào nhà họ Trang này, Khuyển Tử không thể nói là yêu quý hay chán ghét, nhưng con bé hay sang chơi, cứ như vậy mà trở nên quen thuộc, tựa như một cái cây tự nhiên mọc ở sân vậy.
Bạch Bạch ở trong chuồng bị Trang Lan quấy rầy, nó ụt ịt bò dậy, ngước mắt nhìn Trang Lan. Trang Lan phát hiện, ngoài bộ lông trắng ra thì cái mũi, lỗ tai và cả cái đuôi lợn con nữa, đều là màu hồng nhạt, trông rất đáng yêu.
Trang Lan hí hửng cầm cành trúc trêu chọc lợn con, mới đầu lợn con còn có chút tò mò. Sau đó nó mặc kệ Trang Lan mà xoay người ngủ tiếp.
Trang Lan thấy nhàm chán, chạy qua ngồi đối diện Khuyển Tử, xem Khuyển Tử dùng một con dao con vát một thanh gỗ dài.
“Oa, Khuyển huynh Tử đang làm gì đấy?”
“Vát gỗ.”
Khuyển Tử biết nếu nó bảo nó làm cung thì thể nào Trang Lan cũng sẽ quấn lấy đòi làm cho con bé một cái.
Trang Lan chống cằm ngồi xem, con bé nhìn kỹ động tác vát hai đầu thanh gỗ của Khuyển Tử. Dao không sắc lắm, chỉ có thể làm từ từ.
Vốn tưởng rằng mấy hoạt động nhàm chán này Trang Lan nhìn sẽ nhanh chán, chẳng ngờ rằng con bé lại xem hết sức chuyên chú. Khi thanh gỗ dần ra hình ra dạng cái cung tên thì con bé cũng nhìn ra, phấn khích reo lên: “Khuyển Tử huynh, huynh làm cung tên à? Huynh siêu quá đi!” Dù sao cũng là được người ta khen, Khuyển Tử cũng gật đầu thay cho câu trả lời.
Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com
“Khuyển Tử huynh, huynh cũng làm cho muội một cây cung có được không?”
Trang Lan nhìn thấy đồ mới lạ, con bé nảy lòng muốn có. Nhưng cũng như những đứa trẻ khác thôi, chơi dăm ba hôm là lại chán ngay. Như mấy ngày trước con bé còn vui vẻ chơi đùa cái giỏ bắt cá, mà mấy hôm nay, cái giỏ đó cũng bị con bé quăng vào nhà kho rồi.
Khuyển Tử làm không ngơi tay, chẳng thèm để ý đến con bé nữa.
“Không cần to như thế này đâu, chỉ cần một cái như của A Xuân thôi mà, dùng một cái chạc cây để làm cung là được rồi.”
A Xuân là con của một hộ gia đình trong Trúclý, sống ở phía Nam Trúc lý giống anh em nhà họ Chương.
Khuyển Tử nghe Trang Lan miêu tả, nghĩ ngay ra là ná cao su. Làm ná bắn thì đơn giản, hầu như thằng nhóc nào cũng có thể làm. Nhưng Trang Lan là bé gái, con bé muốn có một cái làm gì? Bé trai nghịch ngợm nên dùng ná bắn hoa cỏ, bắn bươm bướm chuồn chuồn, hay chọc con gà con vịt con ngan, chó con mèo con. Có khi bắn nhầm vào người lớn rồi bị đánh cho một trận.
Ná cao su rất phiền phức, đó là đồ chơi của mấy đứa nghịch ngợm. Còn cung gỗ mà Khuyển Tử làm, dùng để săn bắn gà rừng, vịt trời, là để kiếm sống chứ không phải đồ chơi.
“Khuyển Tử huynh à, huynh làm cho muội một cái đi mà.”
“Bảo A Bình làm cho ấy.”
Chỉ cần lấy cái chạc, buộc dây lại rồi kiếm mấy hòn đá nhỏ là có thể thành một cái ná bắn rồi.
“A Bình không làm được đâu, huynh ấy có bao giờ chơi bắn ná đâu.”
Trong mắt Trang Lan, anh trai A Bình là một con mọt sách, mà đúng thật là A Bình văn nhã chưa chơi bắn ná bao giờ.
Khuyển Tử vẫn làm miệt mài, nó vát thanh gỗ cũng đến độ vừa tầm, hai đầu vát nhọn và đục rãnh, chỗ đó là để kéo dây cung, vậy là cũng đã hoàn thiện được một nửa cái cung rồi.
“Khuyển Tử huynh còn phải quấn dây ở đầu cung nữa chứ.”
Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com
Vốn nghĩ cứ ngó lơ Trang Lan thì con bé sẽ bỏ đi, ai ngờ đâu nó vẫn xem đến là say mê. Giờ ở đây không có dây cung, chỉ có mấy mảnh gỗ bào mà thôi.
Khuyển Tử đặt cung gỗ xuống, đè chân một đầu thân cây, rồi dùng dao con róc vỏ từ đầu còn lại. Một mảng vỏ cây thật dài được róc ra, thân cây còn tươi rỉ ra lớp nhựa cây màu xanh. Rồi Khuyển Tử lại tước sợi. Chỗ sợi này mang đi phơi không xong là có thể tết dây thừng.
Ở Phong lý, chú Vương què coi Khuyển Tử như con trai mà dạy bảo. Khuyển Tử thông minh, học một lần là làm được ngay.
Nhìn Khuyển Tử tước vỏ cây thành cái thứ trông như dây thừng, Trang Lan há hốc mồm, ngạc nhiên đầy mặt. Trang Lan đã từng nhìn thấy bện dây thừng, nhưng đó là dây chão bện lại. Hóa ra vỏ cây cũng có thể làm dây thừng.
Khuyển Tử tước vỏ thành dải dài để sang một bên, nó chuẩn bị xử lý mấy cành cây nhỏ đã tước vỏ này. Đầu tiên là cắt các cái cành cây này cho bằng nhau, rồi vót nhọn một đầu, mài nhẵn. Trông thấy mấy cành cây nhỏ được vót nhọn đầu, Trang Lan nghĩ này là để làm tên à?
Trước đây Trang Lan cảm thấy ở Trúc lý có rất nhiều người nhưng người tài giỏi thì chỉ có một, đó là anh của con bé. Anh trai cái gì cũng biết, còn biết nhiều hơn cả A Bình và phu tử. Giờ lại có thêm một người nữa. Chính là anh Khuyển Tử chẳng nói năng gì mà ngồi làm cung tên trước mắt đây.
“Khuyển Tử huynh, phải gắn cả lông vũ trên tên nữa nhỉ.”
Trang Lan chẳng có ngồi ngây ra xem, con bé cũng biết nghĩ. Con bé đã từng nhìn thấy cung tên, vì anh trai và cậu đều có mà.
Mấy hôm trước nhà Khuyển Tử có làm thịt gà, lông gà vẫn chưa bị vứt đi. Có thể tìm mấy cái lông vũ rồi gắn vào mũi tên.
“Để muội giúp huynh đi tìm lông vũ, Khuyển Tử huynh làm giúp muội một cái cung nhé?”
Trang Lan vẫn còn ước ao một cái ná cho mình, nên đưa ra trao đổi. Cô bé này vừa thông minh lại còn giảo hoạt.
Sau nhà họ Trang nuôi khá nhiều gà.
Khuyển Tử: “…”
Khuyển Tử đứng dậy, vào nhà bếp nhặt mấy cái lông gà. Chỉ có điều nó chưa thể gắn lông lên tên được, còn phải cần nhựa cây nữa.
Trang Lan thấy Khuyển Tử đi lấy lông gà về, mặt xị ra. Chống cằm ngồi im một chỗ.
“Ngươi muốn có ná bắn để làm gì?”
Khuyển Tử tự nhủ may mình không có em gái, nếu không chắc đau đầu phiền chết. Nhưng nó không biết rằng, để có một người em gái phiền phức như Trang Lan cũng là chuyện hiếm.
“Để bắt chim non ạ.”
Có ná bắn thì bắt được chim trên cây rồi, chẳng thèm đồ của A Xuân nữa.
“Không được dùng để bắn người đâu đấy.”
Khuyển Tử không muốn để Trang Dương bị phiền phức. Nếu nó làm ná bắn cho Trang Lan mà Trang Lan lại cầm đi đánh anh em nhà họ Chương, vậy thì làm sao mà được.
“Không đâu ạ, Khuyển Tử huynh làm cho muội một cái nhá.”
Trang Lan thích chí vô cùng, vội vàng vỗ ngực đảm bảo.